Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang, đã 'không nói suông' và thông điệp của Việt Nam 'muốn báo động' với một 'nước nào đó càng ngày càng gây hấn' về khả năng Việt Nam 'sẵn sàng tự bảo vệ quyền lợi của mình'.
Đó là một trong những ý kiến trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 01/9, nói về bài phát biểu ở Diễn đàn của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) trong chuyến thăm tới Singapore của ông Trần Đại Quang từ ngày 28 tới 30/8/2016.
Từ Đại học Maine của Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà phân tích chính trị quốc tế, nói với Bàn tròn:
"Đây là một diễn văn rất quan trọng, một diễn văn cho thấy chủ động về phía Việt Nam để vận động Asean cũng như thế giới.
"Bởi vì Việt Nam là một nước rất quan trọng trong khu vực Biển Đông, mà nếu Việt Nam thụ động, thì không thể đẩy Asean đi thêm được nữa.
"Việc ông chủ tịch báo động là có thể chiến tranh xảy ra sẽ bất lợi cho tất cả, tôi nghĩ đây không phải là lời nói suông.
"Tôi nghĩ có thể ông biết có một nước nào đó có thể đi đến việc càng ngày càng gây hấn, ông muốn báo động và ông muốn cho biết Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, nếu nước kia, hay nước nào đó tiếp tục đe dọa an ninh.
"Mặt khác, tôi cũng thấy trong diễn văn này có một điều rất quan trọng là ông nói về vấn đề cần được sự ủng hộ, gia tăng sự ủng hộ của người dân trong nước, không những trong nước Việt Nam thôi mà các nước Asean, để tham gia vào quá trình đẩy mạnh an ninh trong khu vực," học giả Ngô Vĩnh Long nói với Bàn tròn thứ Năm.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận thông điệp của Chủ tịch Việt Nam tại Singapore mà theo nhà lãnh đạo Việt Nam nếu xung đột vũ trang nổ ra trên Biển Đông thì sẽ không có ai thắng, mà 'tất cả đều thua'.
"Tôi đặt bối cảnh phát biểu của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bối cảnh mà ông nói là bối cảnh khu vực Đông Nam Á, của Biển Đông và ở khu vực này chúng ta đều biết Trung Quốc là một nước đang phô trương sức mạnh của mình và họ có lẽ là người chắc mẩm phần thắng khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.
"Tôi cho rằng ý kiến của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm tới đối tượng như thế, tức là nhằm tới Trung Quốc, để nói với họ rằng không nên nghĩ rằng có thể giải quyết các vấn đề bằng vũ trang, bằng bạo lực và nếu xảy ra xung đột vũ trang, thì người tưởng là thắng cũng chưa chắc đã thắng mà là thua, bởi vì khi đó cũng phải trả giá rất đắt cho chiến tranh, chứ không phải là chuyện đơn giản.
"Và ngay cả một cường quốc dù thắng hay dù thua trong một cuộc chiến tranh dai dẳng, thì cường quốc đó cũng có những vết đau không bao giờ có thể khắc phục được, hoặc hết sức khó khắc phục," Giáo sư Thuyết nói với Bàn tròn.
'Sự tàn phá vô cùng lớn'
Cũng từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện ISEAS về chính trị Việt Nam và khu vực, nói với BBC:
"Ý kiến phát biểu của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thực chất nhằm nhấn mạnh rằng có những yếu tố, có những nguy cơ xảy ra mất ổn định khu vực và xung đột vũ trang.
"Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng nếu để xảy ra xung đột vũ trang, đặc biệt là chiến tranh, mức cao nhất của xung đột vũ trang là chiến tranh, thì đúng là sự tàn phá vô cùng lớn và không thể xác định được bên nào thắng cả.
"Đấy là ý mà tôi nghĩ là ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang muốn nói.
"Đồng thời ông muốn nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng lớn là các nước trong khu vực, cũng như các bên liên quan ở trên trường quốc tế, cần phải cùng nhau giữ được ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
"Để làm sao giữ được ổn định đã, đừng để xảy ra xung đột vũ trang, đấy là nhấn mạnh của ông.
"Ông cũng nhấn mạnh một câu sau nữa trong bài phát biểu ấy là Việt Nam kiên định đi theo con đường xử lý và giải quyết các xung đột bằng các biện pháp hòa bình," ông Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn thứ Năm.
Những nước 'chia sẻ giá trị'
Từ Hà Lan, PGS. TS. Jonathan London, nhà quan sát xã hội Việt Nam và chính trị quốc tế đưa ra bình luận nhân dịp này:
"Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn chúng ta thấy rất rõ những hạn chế của Asean như thế nào, từ trước tới nay đã có nhiều thành viên của Asean, trong đó có Việt Nam, Singapore và các nước khác muốn Asean đóng một vai trò quan trọng, để đề cập những tranh chấp trong Biển Đông.
"Nhưng bây giờ thấy rõ hơn bao giờ hết rằng vị trí của Campuchia không cho phép để khối Asean có một vai trò quyết định và như thế, tôi cũng như nhiều người khác nữa đã nói từ lâu mà tốt nhất là có sự hình thành của một số nước, một nhóm, gọi nó là liên minh thì không cần thiết,
"Chỉ là những nước thực sự có quyền lợi cùng nhau không cho phép một nước như Trung Quốc đô hộ Biển Đông.
"Và như thế, khi ông Trần Đại Quang có nói là có những bài học có thể học được qua kinh nghiệm của Singapore, trong đó không chỉ là mô hình chính trị, kinh tế của Singapore, mà cũng là mô hình hợp tác với Mỹ. Vì như chúng ta biết, sự hợp tác giữa Mỹ và Singapore rất lâu và cũng rất mạnh, nhưng đó không phải là điều mà Singapore nêu ra liên tục, đó chỉ là thực tế, cũng như Việt Nam.
"Và như thế cách nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể là rất phù hợp, chỉ nói đơn giản thôi, sẽ chẳng có ai thắng, sẽ có những người thua, và tôi tin rằng chúng ta đang trong giai đoạn hình thành của một nhóm các nước thực sự chia sẻ những giá trị cùng nhau," PGS. TS Jonathan London nói với BBC.
'Có thể dọa kiện chủ quyền'
Từ Viện ISEAS, nơi đang là nghiên cứu viên khách mời, GS. Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói với Bàn tròn về vài điểm mới trong thông điệp của nhà lãnh đạo Việt Nam ở Singapore.
Ông nói: "Ý kiến thứ hai của ông Trần Đại Quang có nói về quy chế đồng thuận của Asean là tốt, nhưng ông đề nghị có quy chế mới, quy chế bổ sung cho đồng thuận cũ để cho hình thức ngoại giao của Asean không bị tê liệt.
"Bởi chính sách đồng thuận này trước kia lợi cho Việt Nam, vì Việt Nam thường thuộc về thế thiểu số, bây giờ có một số 'ông thiểu số' khác nhỏ hơn mà ngáng chân, thì Việt Nam không muốn cơ chế đồng thuận nữa. Bây giờ ông muốn một cơ chế bổ sung kiểu mới.
"Điểm thứ ba là khi ông Trần Đại Quang nói đến giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao và pháp lý, thì chữ pháp lý này có nghĩa là có thể Việt Nam cũng có triển vọng có thể dọa kiện nếu cần.
"Còn điều thứ ba mà các học giả nói chiến tranh ai cũng thiệt, chiến tranh tôi nghĩ nói toạc ra là ông Quang cũng nói là nếu Trung Quốc muốn chiến tranh thì Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận chiến tranh.
"Điều này do một người khác nói thì không quan trọng, nhưng nó là phát biểu của một ông Chủ tịch Nước, thì điều đó nói lên tầm quan trọng của nó.
"Đó là những điều mà tôi nói về những cái mới của bài diễn văn của ông Trần Đai Quang," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC.
Lãnh đạo Việt Nam và dân tộc Việt Nam không hề 'sợ Trung Quốc', theo một cựu quan chức lãnh đạo Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam đưa ra tạiBàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Trao đổi với Tọa đàm hôm 29/10/2015 với chủ đề " Phép thử của tàu Mỹ USS Lassen trên Biển Đông", Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói:
"Tôi nghĩ rằng (nói) các nhà lãnh đạo Việt Nam có sợ Trung Quốc, thì tôi cho rằng là không phải sợ Trung Quốc.
"Tôi nghĩ là họ không sợ Trung Quốc mà cả dân tộc này cũng không bao giờ sợ Trung Quốc.
"Chỉ sợ rằng là mình làm không đúng thôi, mình không biết phát huy sức mạnh của mình để mà có thể đấu tranh chống lại những hành động bành trướng phi lý của Trung Quốc thôi. Đấy là điều đáng sợ.
"Và tôi cũng muốn nói thêm rằng đúng là với tất cả hành động hiện nay, Trung Quốc làm cho dư luận của những ngưởi Việt Nam chúng ta, kể cả một số bạn bè quốc tế hết sức phẫn nộ và rất bất bình và thậm chí có những bức xúc, đứng về mặt tình cảm," Tiến sỹ Trần Công Trục nói.
'Vượt tầm'
Đánh giá về động thái tàu khu trục của Mỹ đi tuần và tiến vào khu vực Trường Sa hôm 27/10, thâm nhập khu vực 12 hải lý tính từ các đảo do Trung Quốc tự xây trên Biển Đông, cựu Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói tiếp:
"Nhưng tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay, trong quan hệ phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, mà tôi cũng rất tán thành ý kiến của học giả (TS. Hà Hoàng Hợp tham gia Tọa đàm) từ Singapore, vấn đề quan hệ trong Biển Đông này, việc Mỹ có những hành xử đó thì nó không phải chỉ là vấn đề tự do hàng hải,"
"Mà đây là nó vượt qua tầm tự do hàng hải. Đây là vấn đề của sự đối đầu, sự thách thức của các siêu cường, tranh giành các vị trí siêu cường, và nó trở thành vấn đề quốc tế rất lớn rồi.
"Cho nên trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực hết sức phức tạp và thậm chí có lúc nhân loại đã đứng bên bờ miệng hố của chiến tranh, đấy là điều mà chúng ta lúc này, lúc nọ đã được nghe.
"Cho nên mọi việc ứng xử, theo tôi nghĩ, không phải từ cảm xúc, không nên chúng ta dùng cảm xúc, có thể có những bất bình, có những ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta phải bình tĩnh xử lý trên cơ cở chúng ta vận dụng được sức mạnh của mình.
"Tôi tán thành với ý kiến của ông Hoàng Ngọc Giao (khách mời Tọa đàm) rằng phải biết sử dụng sức mạnh của mình, đấy là sức mạnh về pháp lý, sức mạnh về chân lý, để chúng ta (Việt Nam) đấu tranh chống lại cái bành trướng của Trung Quốc, chứ không phải chúng ta dùng đến sức mạnh quân sự hay là những biện pháp vũ lực khác," ông Trần Công Trục nêu quan điểm.
'Chiến lược'
Tại Bàn tròn hôm thứ Năm, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore (ISEAS) cho rằng hành động của tàu khu trục Mỹ hôm 27/10 không chỉ là 'một thách thức', hay 'một phép thử' mà thể hiện một tầm 'chiến lược' vượt trên cả 'tự do hàng hải'.
Nhà nghiên cứu cao cấp của ISEAS nói: "Vấn đề Trung Quốc làm việc đó ở Biển Đông bây giờ và cư xử của Mỹ vừa rồi nó ở trên cái cái tầm mà chúng ta gọi là tầm tự do hàng hải.
"Là vì sao? Người Trung Quốc từ năm 2001 người ta đã bảo người Mỹ rằng là ông ra khỏi vùng này đi, hãy để tôi quản vùng miền Tây của Thái Bình Dương, ông quản từ miền Tây Thái Bình Dương trở về đằng kia, tức là từ Hawaii trở về phía Mỹ.
"Còn từ Hawaii trở về bên này thì Trung Quốc chúng tôi quản. Từ 14 năm nay rồi, thế bây giờ cái Biển Đông họ dần dần tuyên bố như thế, rồi bây giờ họ bảo đấy là lợi ích cốt lõi của họ...
"Là họ (Trung Quốc) coi Biển Đông này là một bàn đạp vô cùng chiến lược cũng như về mặt quân sự, để họ thực hiện mục tiêu làm bá chủ vùng Tây Thái Bình Dương trong một thời gian không xa.
"Chúng ta nên xem xét việc này ở mức độ đó, cho nên việc Mỹ phản ứng như ngày 27 (tháng 10) vừa rồi là cả một chiến lược, chứ không phải là chỉ là thách thức, không phải chỉ là một phép thử.
"Họ (Mỹ) đã vào đấy, họ sẽ tiếp tục có những cái mà rồi sắp tới đây chúng ta sẽ thấy," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh với Tọa đàm.
'Lờ mờ'
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển nói với Tọa đàm cho rằng phản ứng của nhà nước Việt Nam, mà thông qua phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong sự kiện tàu Mỹ USS Lassen đi tuần ở Trường Sa, hôm 27/10 và trong nhiều sự kiện khác có liên quan trên Biển Đông, là 'lờ mờ', 'lập trường thiếu rõ ràng'.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng việc mà mình tuyên bố ngay sau hai ngày và với một tuyên bố có thể nói rất là lờ mờ, nó không rõ lập trường quan điểm, thì điều này nó không có gì là lạ.
"Tôi không đồng tình rằng là đây đã phản ánh được hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
"Rất nhiều người Việt Nam đã từ lâu mong muốn rằng chính phủ Việt Nam phải có thái độ dứt khoát với Trung Quốc. Cái đó là một thực tế.
"Cái thứ hai nói rằng chúng ta (Việt Nam) không ngại gì khi mà ông Tập Cận Bình ông sang đây (thăm Việt Nam), mà chúng ta không ngại gì, cho nên nó không liên quan tới chuyện đó, thì tôi không đồng ý.
"Cái thứ nhất hãy nhìn lại chiều dài lịch sử trong khoảng 3-4 năm trở lại đây khi Trung Quốc bắt đầu thể hiện những thái độ hung hăng, xâm lược. Những ngày đầu, tôi nhớ cách đây vài ba năm, tàu thuyền của ngư dân chúng ta (Việt Nam) bị Trung Quốc đập phá, đánh, nhưng mà báo chí chúng ta chỉ dám đưa tin là tàu lạ," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói.
Sợ sệt?
Nguyên Phó Vụ trưởng, Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nhân dịp này cũng đặt vấn đề về điều mà ông choa là thái độ sợ hãi' của lãnh đạo Việt Nam trước Trung Quốc, điều mà ông tin là một trong những cơ sở khiến Trung Quốc 'tự tin', 'lấn tới' và 'hiếu chiến' hơn.
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói tiếp: "Tàu lạ - có dám nhắc đến Trung Quốc đâu? Thế nhưng mà chúng ta càng nhún, chúng ta càng nể họ (Trung Quốc), cố gắng tìm cái gì đó để xoa dịu, để mà tìm cách giải quyết với họ đấy, thì họ càng lấn tới.
"Và diễn biến là thế nào? Không chịu được nữa, những năm gần đây chúng ta đã dám, báo chí công khai của nhà nước, lúc này mới dám công khai nói rằng là tàu Trung Quốc.
"Thế rồi những hiện tượng mà tôi còn nhớ ví dụ như Giàn khoan (HD) 981, khi mà đang ầm ĩ lên vên câu chuyện Trung Quốc như thế, chúng ta cũng phản ứng rất là chậm, và đồng thời với thời điểm đó, họ bắt đầu tôn tạo những đảo nhân tạo, báo chí chính thưc của chúng ta cũng coi như là chưa biết đến.
"Mà trong khi đó các hãng thông tấn nước ngoài đưa rất nhiều, thì về sau này báo chí chúng ta mới đưa, và điều ấy cho rằng gì? Sự lệ thuộc của chúng ta, cái sự sợ sệt của chúng ta đối với Trung Quốc, mà tôi đang nói về đường lối đối ngoại của chúng ta, chính là một trong những nguyên nhân làm cho Trung Quốc tự tin hơn và hiếu chiến hơn.
"Trong quan hệ với Việt Nam, họ càng lấn tới và điều đó chúng ta càng lùi, họ càng lấn tới và theo tôi kẻ thù chỉ mạnh khi mà chúng ta quỳ xuống, đó là ý kiến của tôi," nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam nêu quan điểm.
Hợp luật
Từ Canada, nhà quan sát, bình luận, Luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá với Tọa đàm về hành động của tàu khu trục Mỹ USS Lassen hôm 27/10 và cho rằng đây không phải là 'một phép thử' với Trung Quốc.
Nhưng trước tiên, ông chia sẻ đồng tình với ý kiến của PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao và nói:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ông (Hoàng Ngọc) Giao rằng lời phát biểu của ông Lê Hải Bình (phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam) là một tuyên bố rất lờ mờ, nó thể hiện đúng như ông (Trần Công) Trục có nói thể hiện tính chất và bản chất của chính quyền Việt Nam hiện tại.
"Từ khi mà Trung Quốc có những động thái ở Biển Đông, thì Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách đối với Trung Quốc, mà chúng ta đã nhìn thấy rất là rõ ràng.
"Trở lại điều BBC đặt ra lúc đầu là đây là một phép thử, bà (Ngô Ngọc) Văn (khách mời Tọa đàm) có trả lời đây là một 'thách thức' đối với Trung Quốc, tôi nghĩ rằng đây không phải là một phép thử mà cũng không phải là một thách thức.
"Mà đây là sự biểu hiện của quyền tự do hàng hải quốc tế, đây là quyền rất quan trọng khi mà chúng ta ra hải phận quốc tế, thì ở nơi đó không có chuyện là một quốc gia này kẹp quốc gia kia.
"Điều thứ hai ở đây là Hoa Kỳ đã làm một sự phân tích rất là rõ ràng về mặt pháp lý, hai đảo là đảo Subi và đảo Vành Khăn, nó không có đủ quy định của luật pháp quốc tế về đảo (nhân tạo), nên việc mà Hoa Kỳ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý đó là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Vấn đề đặt ra bây giờ là giả sử tàu của Việt Nam hay bất cứ một tàu nào khác vào trong khu vực 12 hải lý đó thì thái độ của Trung Quốc sẽ xử sự ra sao? Tôi nghĩ rằng sẽ không phải như là Trung Quốc đã xử sự với Hoa Kỳ," Luật sư Vũ Đức Khanh nêu quan điểm.
'Đe dọa'
Nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu) từ BBC Tiếng Trung tại Bàn tròn chia sẻ góc nhìn từ Trung Quốc và qua truyền thông chính thức nhà nước về phản ứng, quan điểm các phía liên quan trước sự kiện tàu khu trục Mỹ tuần tra hôm 27/10 ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Bà nói: "Đây chắc là một sự thách thức, một loại vấn đề mới mà Trung Quốc phải xử lý. Tôi muốn nói cả hai phía cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố Biển Hoa Nam (hay Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam) là lợi ích cốt lõi của họ.
"Quan điểm của Mỹ duy tri rằng đây là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, nó phải được tự do đi lại và cho tất cả các nước kinh doanh... do đó họ (Mỹ) cảm thấy đó là nhiệm vụ của họ phải đi tuần khu vực để đảm bảo rằng tự do hàng hải được duy trì một cách hòa bình.
"Từ quan điểm của Trung Quốc, các quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời tổ tiên, từ thời xưa và điều mà họ đang làm để tuyên bố chủ quyền là hoàn toàn phù hợp với luật pháp.
"Và Trung Quốc chắc chắn coi hành động này là một sự khiêu khích, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chính thức tuyên bố cho thấy sự tức giận và họ muốn Hoa Kỳ phải ngay lập tức chấm dứt việc tiếp tục loại hành động này.
"Truyền thông Trung Quốc tất cả đều chỉ trích Mỹ đã khiêu khích Trung Quốc và nói (Mỹ) đã sử dụng (tự do hàng hải) ở tuyến đường biển này như một cái cớ để gần như đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đe dọa sự an toàn của những người sống trên những đảo này," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với Bàn tròn của BBC Việt ngữ.
Mời quý vị theo dõi nội dung toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ tại đây: http://bit.ly/208dicR
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 01/9/2016 về quan điểm của Chủ tịch Việt Nam tại đây.
BizLIVE - Tổ hợp dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương 230.000 tỷ đồng thừa kế Dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion đã từng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp.
Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận được triển khai trên địa bàn xã Phước Diêm, xã Cà Ná và 1 phần xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) là dự án thừa kế dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion đã từng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư của dự án này, một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp.
Trước đó, thời điểm tháng 9/2008, dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion do Vinashin và Lion Group (Malaysia) làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu 9,8 tỷ USD là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam.
Cũng thời điểm này, siêu dự án đã được đặt rất nhiều kỳ vọng với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển oxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội, đề ra kế hoạch giai đoạn 2008-2011 sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi Dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.
Sau khi Lion Group rút đi, dự án khu liên hợp thép được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương để chuyển đổi dự án thành Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 1.000 ha vào tháng 5/2011.
Tuy nhiên, ngày 19/5/2016, UBND Ninh Thuận đã chính thức thông báo việc đồng ý hủy bỏ chủ trương cho liên doanh giữa CTCP Tập đoàn Phát triển năng lượng Đại Dương và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng vật liệu nghiên cứu, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná.
Nhiều câu hỏi quanh dự án tỷ USD
Giống như nhiều dự án tỷ USD khác, chủ đầu tư đề cập đến nhiều tác động tích cực của dự án đối với kinh tế cả nước nói chung và kinh tế xã hội tại địa phương nói riêng có thể kể đến như giải quyết công ăn việc làm cho 40.000-45.000 người và ưu tiên sử dụng lao động địa phương...
Tuy nhiên, dự án này gây tò mò cho dư luận về quy mô lớn của dự án, câu hỏi đặt ra có cần thêm một dự án thép quy mô lớn như này hay không, vấn đề môi trường liên quan đến sản xuất thép vừa qua cũng gây bức xúc và Hoa Sen lấy đâu tiền để đầu tư cho dự án khủng như vậy?
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen cam kết, đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường nên trước mắt có thể nói sẽ xử lý theo công nghệ hoàn toàn khác dự án Formosa Hà Tĩnh.
Theo ông Vũ, nếu dự án của Hoa Sen xảy ra tình trạng tương tự như Formosa, những cổ phần, tài sản, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng đang có của ông tại Tập đoàn Hoa Sen sẽ giao hết cho nhà nước.
Trao đổi với BizLIVE, một chuyên gia trong lĩnh vực hoá chất cho biết, sản xuất thép sẽ thải ra môi trường các chất thải rắn, chất thải khí, chất thải lỏng do đó cần kiểm chặt chẽ nhất là dự án có quy mô lớn như dự kiến.
“Việc chủ đầu tư đưa ra những cam kết như đặt cược 4.000 tỷ đồng vốn mà ông có tại doanh nghiệp thời điểm này là hoàn toàn dễ hiểu nhưng không ngoại trừ khả năng khi dự án đi vào triển khai sẽ có những trục trặc, phát sinh”, vị này nói.
Về vấn đề vốn, Hoa Sen cũng cho biết, sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong một báo cáo đã phân tích rằng, liệu Hoa Sen có thực sự có thể thực hiện toàn bộ các kế hoạch đề ra hay không. Với nguồn vốn chính dự kiến là vốn vay, lưu ý rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty là 1,3 lần, công ty không thể tăng vay nợ đáng kể.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị ngành Ngoại giao Việt Nam lần thứ 29, tổ chức tại Hà Nội (từ 22-26/8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: ”Xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam' - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, … thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam…”
Đúc kết về “trường phái ngoại giao” của Việt Nam, mà ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ”mang đậm bản sắc cây tre”, thì chỉ đúng với tre ở vế đầu “mềm mại mà cứng cỏi”. Những đặc tính còn lại gán cho loài tre là chưa sát hợp và khiên cưỡng như “nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người" - những đặc điểm thuộc tính người - loài tre làm gì có đặc tính đó?!
Dùng hình tượng cây tre để nói về sự bất khuất của người Việt là ý kiến từng được Tổng thống Mỹ Obama khi phát biểu trước 2000 thanh niên Việt Nam ở Mỹ Đình ngày 24/5/2016.
Nhưng khi nói đến “trường phái ngoại giao cây tre” thì không biết ông Trọng có tìm hiểu cho đến ngọn ngành về bản chất, bản thể cũng như đặc tính sinh thái của cây tre?
Đặc điểm của tre
Tre là loại vật liệu được thông dụng trong kết cấu đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng nhà cửa của người Việt Nam bao đời nay khi sắt thép, xi măng, vật liệu nhựa… chưa phổ biến, như các loại thúng mủng, dần sàng, cán cuốc, cán thuổng, đòn gánh, chõng tre, đũa tre, tăm tre; tre được sử dụng trong kiến thiết nhà cửa, phên vách, chuồng trại, cầu đường…
Việt Nam có câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” nói về sức mạnh biến ảo của tre; Truyền thuyết Thánh Gióng nói tới việc dùng tre làm vũ khí để đánh giặc Ân; Tre còn là biểu tượng của sự kết nối chuyển giao thế hệ mang đầy tính sinh học: “Tre già, măng mọc”… (Tục ngữ); “Tre già yêu lấy măng non” (Thơ Tố Hữu); “Có manh áo cộc tre nhường cho con”… (Tre Việt Nam-Nguyễn Duy).
Đó là những đặc tính sinh học, những giá trị sử dụng của loài tre, vật liệu tre; có lẽ vì thế mà người Việt đã nâng cây tre lên thành một biểu tượng, một thiết chế văn hóa-sinh tồn biểu tượng cho sức mạnh, sức sống Việt: giản dị, gần gũi mà trường tồn.
Sở dĩ tre gắn bó với người Việt, trở thành người bạn tri kỷ là do khả năng chịu ứng lực và chịu đựng sự trái gió trở trời của thiên nhiên, thời tiết….
Quan sát thiết chế sinh thái làng xã của cư dân đồng bằng Bắc Bộ khi xi măng, sắt thép chưa thịnh hành, làng bao giờ cũng gắn với lũy tre vì người nông dân trồng tre bao quanh làng ngoài việc sử dụng làm vật liệu dân dụng như đã nêu, lũy tre còn được kết cấu với làng để chống gió bão. Do vậy, nhà của nông dân đồng bằng Bắc Bộ thường thấp hơn lũy tre làng là bởi lẽ đó.
Tre mạnh bởi đặc điểm sinh thái của nó: luôn liên kết với nhau, tạo nên thiết chế ”lũy tre làng”. Kết cấu sinh thái-sinh tồn này được nhà thơ Nguyễn Duy đúc kết trong bài Tre Việt Nam:
“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người…”
Tre bao giờ cũng mọc thành khóm, thành bụi, không có chuyện đơn thân; tre trở thành “thành lũy” chịu đựng được gió bão là do bởi tre luôn sinh trưởng, phát triển nhờ vào các cấu trúc liên minh, liên kết.
Tre sở dĩ đứng vững trước gió bão là do tre có sự “đồng lòng” cao; trước gió bão không bao giờ có hiện tượng: cây thì ngả về đông, cây lại nghiêng sang tây…
Ngoại giao Việt Nam là Tre hay…?
Những đặc tính đó của tre hoàn toàn xa lạ với đường lối ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Không rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói đến “trường phái ngoại giao tre” của Việt Nam có biết đến đặc tính của tre: sự liên minh, liên kết chặt chẽ với nhau và “nội bộ tre” luôn đồng lòng cao, có thế mới tạo nên “ thành lũy tre” chống gió bão - như là một đặc điểm sinh tồn?
Hiện tại, đường lối đối ngoại của Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đảng cũng như các phát biểu của những người có trách nhiệm, điển hình là ý kiến trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trước thềm Hội nghị Ngoại giao 29:
“Chúng ta đã rút ra bài học, không để bất cứ lực lượng nào lôi kéo vào sự cạnh tranh. Đường lối của chúng ta là độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo vào bất cứ liên minh nào.”
Còn về sự đồng lòng trong nội bộ Việt Nam? Với đường lối ngoại giao và cách ứng xử với dân hiện tại là Đảng không tin dân và dân cũng không tin Đảng thì làm sao có thể so sánh với tre, mà tự nhận đi theo đường lối “ngoại giao tre” được?
Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 12 và dày đặc trên các văn kiện chính thống, phần nói về thế lực thù địch cũng dài và những lời lẽ nặng nề hơn so với những câu nói về các nguy cơ sát sườn trên Biển Đông.
Mà thế lực thù địch là ai mà nguy hiểm hơn kẻ đang mang tàu chiến, tên lửa, máy bay, mang cát ra xây đảo và nhận 90% lãnh hải Biển Đông là của họ, luôn đe dọa thiết lập vùng nhận diện bay của Trung Quốc tại Biển Đông?
Trong hội nghị ngoại giao lần này, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã định hướng cho các nhà ngoại giao Việt Nam phải “giữ nước từ xa”: nguy cơ mất nước nằm ở phía châu Âu và Mỹ (từ xa) chứ không phải từ phương Bắc kề cạnh.
Ngay gần đây, trước sức ép của dư luận tại Hội nghị Trung ương 3, không một dòng đề cập tới Biển Đông và Formosa, lãnh đạo Đảng đã có động thái cử một số quan chức cao cấp gặp một số vị nói theo cách của Trung Quốc là một số “nguyên lão” - những ủy viên Trung ương đã về hưu để nói về Biển Đông và Formosa, còn quảng đại nhân dân thì có vẻ chưa “đủ tuổi” để được Đảng cho biết những chuyện đại sự quốc gia?
Đài RFI đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: ”Chúng tôi rất ủng hộ sự hợp tác của Pháp và các quốc gia khác trong tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tại Biển Đông."
Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho hãng tin Pháp AFP, trước chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp François Hollande vào đầu tháng Chín.
Ông Trần Đại Quang nói thêm, đó là vấn đề "đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không".
Trong khi đó thì bản tin Thông tấn xã Việt Nam đưa tin “Chủ tịch nước trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Pháp AFP” nhưng không thấy nhắc ý kiến trên.
Vậy đường lối “ngoại giao tre” - loại cây có sự đồng lòng, liên minh liên kết cao thể hiện ở chỗ nào khi mà ngay cả ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khác với ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh?
Những ý kiến của Chủ tịch Trần Đại Quang không thấy một tờ báo nào trong nước đưa, liệu ý kiến của ông bị “biên tập” hay RFI đã mạo tin?
Nhận là “trường phái ngoại giao tre” nhưng lại luôn giương ngọn cờ ngoại giao độc lập, tự chủ, không chịu bị lôi kéo vào các sự liên minh liên kết nhưng lại đòi hỏi “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hài hoà lợi ích quốc gia dân tộc với trách nhiệm quốc tế” thì khác gì bắt các nhà ngoại giao Việt Nam “lấy thúng úp voi”, đem “cái giả” của mình để đưa đánh tráo “cái thật” của thiên hạ?
Thiên hạ thời nay đâu có dễ tranh khôn nhau?
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà văn Phạm Viết Đào, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.