Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Từ Hội nghị ngoại giao lần thứ 29: Suy nghĩ về Vận nước hôm nay

 03/09/2016

TS Đinh Hoàng Thắng
2-9-2016
Kết quả hình ảnh cho Hội nghị ngoại giao 29
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: internet
Hơn ngàn năm trước, tổ tiên ta đã giải mã một cách cụ thể và chuẩn xác những yếu tố nào có thể làm cho vận nước được trường tồn. Đó chính là sự đoàn kết của toàn dân và tài đức của người lãnh đạo. Khi vua Lê Đại Hành đem vận nước ra để hỏi ý kiến, thiền sư Pháp Thuận đã dùng hình ảnh cuộn mây (đằng lạc) và lời khuyên nhà cầm quyền nên ứng xử có tâm, có tầm (vô vi) như là cội nguồn tạo nên sức mạnh để chiến thắng thù trong giặc ngoài. “Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi nơi điện các / Xứ xứ hết đao binh”.
Bài học muôn thuở ấy, thời nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 mới đây (23-26/8/2016) được phản ánh khá đậm nét trên truyền thông. Mỗi tờ báo tiếp cận khác nhau đối với các phát biểu của lãnh đạo đảng và nhà nước tại Hội nghị[1]. Báo Nhân dân nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với ngoại giao là phải quán triệt các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và “thêm bạn bớt thù”. Báo Quân đội Nhân dântruyền đi thông điệp: Hoạt động đối ngoại là phương thức hòa bình hữu hiệu. Báo Tin tức trích dẫn ý: Thực lực và vị thế của ngoại giao Việt Nam không chỉ thể hiện bằng sức mạnh vật chất, mà còn cả trong “sức mạnh mềm”. BáoNgười Đại biểu Nhân dân nêu đối sách: Ngoại giao cần hiện thực hóa biểu tượng “cây tre Việt Nam”… Có điều, cho đến nay, chưa thấy xuất hiện bất cứ một bình luận hay phân tích chuyên biệt nào về các đề tài liên quan đến công tác ngoại giao nói chung, ngoài các bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh[2]. Phải chăng vì ngoại giao quá “kín cổng cao tường” đối với người ngoài cuộc như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập khi ông nói về các nhiệm vụ mang tính đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ trong ngành[3].
Nội tình đất nước
Thật ra thì Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Nó không chỉ đặc biệt ở nội dung thảo luận việc thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phần về công tác đối ngoại, cũng như thảo luận các nhiệm vụ liên quan đến tiến trình hội nhập toàn diện vào đời sống quốc tế, như chủ đề của 4,5 ngày hội luận vừa qua[4]. Điều đặc biệt hơn và cũng là nỗi bức xúc lớn hơn, chính là các nhiệm vụ đối ngoại những năm tới đây sẽ phải thực thi trong các hoàn cảnh khắc nghiệt được cảnh báo trước: “Ngoại giao cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”[5]. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định khá trung thực các điều kiện quốc tế nghiệt ngã ấy: “Ở bên ngoài, môi trường chiến lược của nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển”[6].Những thách thức chưa từng có, những khắc nghiệt nguy cấp trước mắt và lâu dài còn nằm ngay trong sự giao thoa và cộng hưởng giữa những điều kiện quốc tế ngặt nghèo với các hoàn cảnh nan giải của đời sống kinh tế – xã hội trong nước. Bức tranh ấy được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát ngay tại Hội nghị: Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số, nhưng GDP đầu người xếp thứ 133, năng suất lao động chỉ bằng ½ ASEAN, 80% công nghệ FDI sang Việt Nam đều thuộc loại trung bình. Vì vậy, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là hiện hữu. Việt Nam có thể sẽ rơi vào giai đoạn phát triển chậm lụt, nếu không có một cuộc cách mạng thay đổi về nhận thức và hành động[7].
Tất cả các vấn nạn nói trên không phải giờ đây mới được cập nhật hóa. Có điều là liệu các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người được lãnh đạo trao cho sứ mệnh như những “ăng-ten” nhậy cảm, có đủ dũng khí để tường trình và dự báo cho trong nước những điều “tai nghe mắt thấy” từ các nước sở tại hay không? Nhất là khi bạn đánh giá, thậm chí phê phán một số khía cạnh trong chính sách của ta? “Tần số” từ các đại sứ đa phần có thể đều bắt được các “bước sóng” của thời đại. Những người ngoại đạo nào từng đọc “Trăm năm sắp tới”[8] hay “Thập niên tiếp theo”[9]và gần đây nhất là “Thế giới 2035”[10] thì có thể hiểu được sự căng thẳng thường trực của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, vì sao hàng tuần, thậm chí hàng ngày, họ phải gò lưng ngồi viết (hay gõ) các bức điện cho lãnh đạo. Ta hãy nghe người đứng đầu chính phủ tâm sự: “Tôi rất lắng nghe các đồng chí (đại sứ). Việc gì có lợi cho Tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, (phải) khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không giải quyết đến nơi đến chốn”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, các ngành cần lắng nghe ý kiến các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước để vận dụng, tránh tình trạng đã lắng nghe rồi nhưng thấy khó khăn rồi chùn bước, “biết bàn bí bỏ”[11].
Ra khỏi bế tắc
H1Những tin tức quốc tế tuần này càng khiến các nhà ngoại giao như “như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Trung Quốc và Nga sắp tập trận chung trên Biển Đông. Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa công bố kế hoạch xây dựng một con đường dọc theo biên giới tỉnh Takeo và yêu cầu di dân đến khu vực gần biên giới với Việt Nam. Campuchia sẽ kiến nghị ASEAN loại bỏ các vấn đề biển đảo ra khỏi dự thảo tuyên bố chung của khối trong cuộc họp đầu tháng 9 tới tại Vientiane (Lào). Trung Quốc tiếp tục tăng cường quân sự hóa trên các đảo cưỡng chiếm từ Việt Nam. Dường như, chính sách muốn làm bạn với tất cả, chủ trương không liên minh với các nước đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Hệ lụy nhãn tiền là Việt Nam sẽ thiếu vắng đồng minh “ruột” trong hoạn nạn. Cũng chưa bao giờ vận mệnh Dân tộc, Tổ quốc bị nhiều mối đe dọa có khả năng ập đến cùng một lúc như hôm nay. Trung Quốc tuy là đối tác thương mại hàng đầu của ta, nhưng không bao giờ được quên “chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam… vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế thiên triều suốt mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính và khuất phục Việt Nam”[12]. Nhìn vào những diễn biến gần đây, không cần phải là chuyên gia thượng thặng cũng hình dung ra thế đứng mong manh cả về an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống của Việt Nam trong nay mai.
Nhưng cũng ngay tại đây, chúng ta gặp lại một nghịch lý lạ lẫm, có thể tạm gọi đó là nghịch lý của tư duy hay còn gọi là nghịch lý trong quá trình tiến hóa của sự vật. Cùng tắc biến, biến tắc thông! Dù tình hình khá nguy cấp, ngoại giao Việt Nam vẫn còn “cửa ra” cho những lựa chọn, nhưng phải nói ngay rằng, các lối ra giờ đây đã trở nên khá hẹp! Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu đối với ngoại giao Việt Nam giờ đây là tìm gấp đáp án để trả lời câu hỏi:“Việt Nam là gì trong thế giới hôm nay?” (Việt Nam to be or not to be that is the question today?) Thật ra khi nhân vật Hamlet tự vấn như thế trong bi kịch của Shakespeare, Hamlet đã biết rất rõ mình là ai rồi? Trong một thế giới cạnh tranh và đối kháng về địa – chính trị như hiện nay, Việt Nam càng phải tự biết mình là ai và đặc biệt là phải làm cho các đối tác hiểu rõ, Việt Nam là ai và ta có cái gì mà đối tác đang cần? Việt Nam có thể đóng góp cụ thể nào vào công việc chung của khu vực, liên khu vực cũng như trên toàn cầu? Ngày nay, mọi nước, kể cả lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều đang có những vấn nạn của riêng nó, hầu như không có ngoại lệ. Đấy là chưa nói các thế tan – hợp trong thiên hạ lúc này thế nào cũng sẽ tạo ra nhu cầu và cơ hội để liên minh. Không quốc gia nào có thể một mình tự đứng ra giải quyết các khó khăn một cách đơn độc. Đối tác càng chất lượng, đồng minh càng “ruột” bao nhiêu, đất nước càng an toàn bấy nhiêu. Trong một thế giới “phẳng, nóng và chật”, sự liên kết giữa các nước “cùng hội cùng thuyền” thường được đặt ra như ưu tiên hàng đầu. Lợi ích ở đây là phải hỗ tương! Nếu không định vị được cho mình một thế đứng vững chãi thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Nếu một Việt Nam thiếu tinh thần tự cường quốc gia, một Việt Nam tuy có được nhiều quan hệ đối tác chiến lược hay toàn diện đã được tập hợp bằng các con số thống kê, nhưng chất lượng của các mối bang giao ấy lại không đáp ứng được nội hàm cần phải có, thì rõ ràng chúng ta sẽ gặp rất nhiều trắc trở, mà có khi chính chúng ta tự cản trở chúng ta trong việc hoàn thành sứ mệnh đề ra.
Vận nước như mây cuốn
Bài học “lòng dân và vận nước” muôn đời vẫn mới. Bởi lẽ, hiểm nguy của mọi nguy hiểm hiện nay, thật ra là một bí mật công khai: Lòng tin của người dân đối với chế độ chính trị nói chung và đối với đảng cầm quyền nói riêng đang có dấu hiệu giảm sút. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cũng đánh giá: “Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh… đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”[13].Còn nhớ trước đây, người viết bài này đã từng đến Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hà Lan để vận động phía bạn công khai ủng hộ Việt Nam có quy chế “kinh tế thị trường”. Các nhà chức trách Hà Lan, từ cao nhất là bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế hay các chuyên gia về Việt Nam từ các Vụ Chính trị khu vực hay Vụ Kinh tế đa phương, đều thống nhất một câu trả lời: “Chúng tôi rất thông cảm với ngài đại sứ, nhưng chúng tôi thiết nghĩ, quý ngài nên quay về xin chính nhân dân các ngài, xin chính các nhà doanh nghiệp, các thương gia Việt Nam công nhận cái quy chế ấy. Muốn thế, các ngài nên sớm chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”. Nói vậy nhưng hồi ấy, chính Hà Lan là một trong những quốc gia Tây Bắc Âu đã sớm công nhận điều ta đề nghị và bạn còn dành ưu tiên cho Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển ở châu Á được nhận viện trợ ODA. Tất nhiên, mặt trời lên không phải do gà trống gáy. Công cuộc lobby của chúng tôi sẽ không đi đến đâu, nếu phía bạn không nhìn thấy Việt Nam như một nhịp cầu nối ASEAN với châu Âu, không nhìn thấy một Việt Nam tuy có nhiều thứ lạc lõng nhưng lại có cơ cấu dân số vàng (lúc bấy giờ) và nhiều lợi thế tiềm ẩn khác nữa mà đôi khi chính đại sứ cũng không lượng định được hết.
Hẳn nhiên, mọi lối ra hiện nay cho ngoại giao không thể nào thiếu vắng vai trò của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh xung năng của xã hội hiện đại đang tạo ra nhiều “chuyển động Brao-nơ” khó dự kiến và khó kiểm soát. Hơn lúc nào hết, bên cạnh ý chí và tập hợp ý chí của giới cầm quyền thì quá trình đối thoại với người dân cần sớm được đặt ra trong bối cảnh khi mà “địa phương hóa” các xu thế toàn cầu càng làm cho các thực thể nhỏ (kể cả mỗi cá nhân) có vai trò ngày một lớn hơn. Từ các nguồn mở về lao động trên lộ trình thực thi Hiệp định TPP đến các ngư dân đêm ngày bám biển để vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo… không đâu có thể vắng bóng người dân. “Tài nguyên con người” từ nay là một khái niệm rộng, đang được các nước tiên tiến coi là nhân tố hàng đầu cho phát triển. Hãy nhìn “làn sóng start-up” (làn sóng khởi nghiệp) ở ta mấy năm gần đây đủ thấy tiềm năng về “tài nguyên con người” của Việt Nam “khủng” như thế nào. Hơn nữa, thế giới còn nhìn vào cách đối đãi với xã hội dân sự nói chung để thẩm định các chất lượng “tiệm cận văn minh phổ quát” của mọi chính quyền hợp pháp và hợp hiến. Kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến kiến quốc trước đây, minh triết từ các bậc đế sư ngày xưa đều mách bảo với chúng ta bao bài học quý giá về chính sách thân dân. “Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi nơi điện các / Xứ xứ hết đao binh”[1]4. Muốn đất nước hòa mục và thịnh vượng thực sự thì người dân phải đoàn kết lại thành một khối như “đằng lạc” (như một cuộn mây), người lãnh đạo trị vì mà đừng để người dân biết là họ bị cai trị, tức là “vô vi nhi vô bất vi” (không làm mà không có gì là không làm). Nhà cầm quyền xử sự thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào bất cứ một khuôn mẫu khiên cưỡng nào cả. Hiện nay, đất nước đang rất cần cả sự cố kết lẫn sự cởi mở, từ cả bên trong lẫn bên ngoài để đối phó với đủ loại thách thức. Một trong những phương cách có thể tính đến là cần mở ra các cuộc đối thoại ở tầm hệ thống. Có thể đồng thuận với ý kiến cho rằng, đối thoại là để tìm ra lỗi hệ thống và biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng được yêu cầu cứu nguy dân tộc ở thời điểm khắc nghiệt hiện nay. Đối thoại sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được tổ chức công khai, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, tuân thủ chuẩn mực học thuật và tinh thần bao dung. Nếu chỉ nói vòng vo theo kiểu “không thể nóng vội, phải có lộ trình”… thực chất chỉ là né tránh những điều gốc rễ cốt lõi, thì lại một lần nữa chúng ta sẽ mất cơ hội.
*
Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King, một nhà hoạt động vì dân quyền, đã đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” tại Đài tưởng niệm Lincoln (Washington, Mỹ) trước hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đến thủ đô để chống nạn phân biệt chủng tộc. Bài diễn văn đã khiến những kẻ chủ trương phân biệt chủng tộc phải hổ thẹn, nước Mỹ đã buộc phải điều chỉnh chính sách. Bài diễn văn đã chấm dứt luồng tư duy theo kiểu cũ, rằng trong chính trị mọi thời đại, nhân dân bao giờ cũng chỉ là tham số cuối cùng. Quả thật, “sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân…” Lời của vị mục sư da đen năm nào vẫn còn vang vọng đến tận thế giới hiện đại ngày nay. Giờ đây, ngoại giao Việt Nam cũng cần có những giấc mơ,“giấc mơ Việt Nam”. Đó là giấc mơ về độc lập dân tộc từ nay phải gắn với hội nhập quốc tế, độc lập trong thế liên lập, biết đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thông qua các kế sách xuất phát từ lòng tự tôn và tinh thần tự cường của xứ sở. Đó là giấc mơ về tư duy toàn cầu, nhưng vẫn biết cách hành động địa phương. Giấc mơ về cuộc đấu tranh pháp lý không ngơi nghỉ trên Biển Đông, với ý chí “đảo bị chiếm quyết không thể là đảo bị mất!” Tổng quan lại, đấy là những giấc mơ tái định vị các giá trị cốt lõi về ngoại giao để vượt lên chính mình. Đừng để những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, đừng để “lòng ta hóa rêu phong” đối với những chuyện mới! (Chế Lan Viên). Không thể một mình một chợ, mà thực sự phải là một bộ phận cấu thành hữu ích trong hệ thống lớn sẽ rất năng động, dù là về kinh tế, chính trị hay an ninh của khu vực và thế giới. Cuộc tìm kiếm niềm tin và bản lĩnh bị mai một, sau Hội nghị ngoại giao này, vì thế, vẫn sẽ còn tiếp diễn…
____
[4] Chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29: “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế – Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”:http://baotintuc.vn/thoi-su/khai-mac-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-29-20160822131351470.htm
[12] Sự thật về quan hệ Việt Nam—Trung Quốc, NXB Sự Thật, năm 1981, tr. 21

14 Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (TRẢ LỜI NHÀ VUA KHI ĐƯỢC HỎI VỀ VẬN NƯỚC), Phiên âm tiếng Hán: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh.

VIẾT NHÂN NGÀY 2/9: AI SẼ CỨU ĐẢNG?

03/09/2016

Phương Nguyễn
2-9-2016
Đảng cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Nguồn: internet
Đảng cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Nguồn: internet
Hôm nay, ngày 2-9-2016 trên báo Tuổi Trẻ có đăng một bài viết của ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước vừa hết nhiệm kỳ. Bài viết nói về mối lo của ông về sự tồn vong của triều đại cộng sản, bằng những lời lẽ hết sức lâm ly bi đát:
Trích: “Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hi sinh mất mát không thể yên lòng“.
Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm…, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.

Không phải chỉ mới đây các nhân vật chóp bu của Đảng mới lo lắng cho số phận của triều đại cộng sản, mà cách đây 20 năm họ đã thấy mối nguy và ra nghị quyết chống tham nhũng 14-NQ/TW ngày 15-5-1996:
Trích nghị quyết: “Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta“.
Hai mươi năm trôi qua kể từ khi nghị quyết về “sự tồn vong của chế độ” ra đời, mối lo về “sự tồn vong” đó không những không giảm bớt mà lại còn trầm trọng hơn, khiến hôm nay ngài cựu chủ tịch nước lại phải lên tiếng than thở lo sợ cho tương lai của triều đại.
Thực tế cho thấy hiện nay các quan chức cộng sản “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Không ai bảo được ai, ai cũng sợ mất phần, chẳng ai cần biết đến “tồn vong” là gì, miễn đầy túi của mình là đủ. Và họ cũng đủ khôn ngoan để lót ổ sẵn ở một xứ giãy chết nào đó, để khi “tồn vong” đến thì có sẵn nơi mà chạy.
Trong chuyện thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, vì sao các quan lớn quan nhỏ cứ chống chế loanh quanh, đổ qua đổ lại, không giải quyết hậu quả, không triệt tiêu nguyên nhân và cũng không ai chịu trách nhiệm? Các ông đã ngậm miệng ăn tiền nên giờ há miệng mắc quai, không sao giải quyết được!
Các doanh nghiệp, thì è cổ ra gánh đủ loại phí bôi trơn không tên mà không có không được, đến nỗi doanh nghiệp không thể phát triển, mất sức cạnh tranh, thua ngay trên sân nhà.
Đến người nông dân cùng khổ, vô sản chính hiệu cũng bị bóc lột tận xương tuỷ, “cái đêm hôm ấy đêm gì” còn ghê gớm hơn thời “tắt đèn” gấp mấy lần.
Các quan cộng sản biết là sẽ có sự “tồn vong” nhưng không chùn tay, không sửa đổi. Cách duy nhất họ làm là tiếp tục “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, ai có bất bình lên tiếng thì bịt miệng, thì dập tắt cho bằng được. Giống như người bệnh nặng không chịu chữa trị và sống lành mạnh mà cứ ăn chơi vô độ bất cần thân thể, thoả mãn dục vọng trước đã, tới đâu thì tới!

Cái câu tự cứu mình trước khi trời cứu xem ra Đảng ta không biết áp dụng. Thôi thì hãy cứ tụng điệp khúc “tồn vong” mà chờ trời cứu vậy!

Tầng lớp trung lưu Việt Nam phát triển, tiêu thụ phô trương gia tăng

'Tầng lớp trung lưu và giàu có' của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, khoảng một phần ba dân số đất nước, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020.
'Tầng lớp trung lưu và giàu có' của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, khoảng một phần ba dân số đất nước, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với bất cứ nơi nào ở khu vực Đông Nam Á trong khi thế mạnh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam tạo ra công ăn việc làm và nâng cao mức lương cho người lao động. Sức mua mới hình thành này đã khiến sự tiêu thụ phô trương bùng nổ ở những thành phố, và sự cạnh tranh giành thị phần giữa những thương hiệu nước ngoài cũng trở nên quyết liệt hơn.

"Tầng lớp trung lưu và giàu có" của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, khoảng một phần ba dân số đất nước, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020, theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của Công ty Tư vấn Boston. Những người có thu nhập một tháng là 714 đôla hoặc cao hơn được xếp vào tầng lớp này.

Năm 1987, Việt Nam mở cửa thị trường cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ năm 2012, Việt Nam đã tăng sức hấp dẫn của mình bằng cách giải quyết tình trạng bất ổn lao động và những vấn đề về mất giá tiền tệ, gia nhập khối mậu dịch Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và ký kết một thỏa thuận thương mại với Châu Âu. Những nhà sản xuất hàng xuất khẩu chọn đến Việt Nam vì chi phí vận hành thấp.

Những công xưởng nước ngoài đã góp phần tạo ra thêm một nền kinh tế, bao gồm những công ty cung ứng, hậu cần và dịch vụ tài chính, từ đó lại tạo ra còn nhiều công ăn việc làm hơn. Việt Nam thường xuyên tăng mức lương tối thiểu và người lao động thường sống với gia đình để tiết kiệm tiền thuê nhà. Một số chủ lao động báo cáo khó tìm được người lao động cổ cồn trắng có trình độ cao, vì thế họ trả lương cao hơn cho những người có thể làm được việc.

Và không giống như các nước đang phát triển khác ở Châu Á, đầu tư của chính phủ vào việc phát triển nông nghiệp đã sản sinh một tầng lớp trung lưu vùng nông thôn, theo lời bà Aparna Bharadwaj, trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á của Công ty Tư vấn Boston:

"Điều này cho phép tầng lớp trung lưu không chỉ giới hạn ở những đô thị lớn, những thành phố lớn mà còn phân tán rất nhanh chóng tới những thành thị nhỏ hơn và những thị trường ở vùng nông thôn. Việt Nam có sự phân tán tầng lớp trung lưu nhanh nhất mà tôi từng thấy khắp các thị trường ASEAN. Mức thu nhập của người dân đang tăng lên theo hướng dàn trải hơn thay vì chỉ tập trung vào một vài người giàu lại càng giàu hơn."

Công ty tư vấn này cho biết thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 1.400 đôla hai năm trước lên đến 3.400 đôla đến năm 2020.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính của cả nước, ùn tắc giao thông đã tăng lên trong những khu văn phòng và giải trí. Xe cộ đi lại bao gồm những xe hơi sedan màu đen mang thương hiệu sang trọng, cũng như xe máy của hãng Honda và Yamaha. Những nhà hàng phục vụ ẩm thực nước ngoài, đắt hơn so với thức ăn địa phương, luôn đông khách vào ban đêm với những nhóm người tay cầm điện thoại di động của hãng Apple và Samsung.

Một số người tiêu dùng sĩ diện đến mức họ có thể tằn tiện với đồ đạc trong nhà nhưng phóng tay chi tiền cho những mặt hàng phô trương hơn. (Ảnh minh họa)
Một số người tiêu dùng sĩ diện đến mức họ có thể tằn tiện với đồ đạc trong nhà nhưng phóng tay chi tiền cho những mặt hàng phô trương hơn. (Ảnh minh họa)
Một số người tiêu dùng sĩ diện đến mức họ có thể tằn tiện với đồ đạc trong nhà nhưng phóng tay chi tiền cho những mặt hàng phô trương hơn.

Ông Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

"Nếu bạn bước vào một ngôi nhà của người Việt Nam, họ có thể không có nhiều đồ đạc. Họ có thể ngồi ăn trên sàn nhà, nhưng họ vẫn có điện thoại di động hoặc xe máy vì đây là những thứ mà họ có thể trưng ra bên ngoài. Là tầng lớp trung lưu không thôi chưa đủ mà còn phải cho thấy họ thuộc tầng lớp trung lưu và rằng họ có tiền mua thứ này thứ kia."

Một nhân viên văn phòng 36 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh tên Nguyễn Tâm chứng kiến mức tiền lương của cô tăng lên hơn 10 phần trăm sau hai năm làm việc. Cô thường mua thức ăn ở siêu thị về tự nấu, nhưng ăn với gia đình ở ngoài vào dịp cuối tuần và đã tiêu 5.000 đôla cho một chuyến du lịch bốn người tới Nhật Bản.

Cô cho biết cô muốn chi tiền cho du lịch, đi nhiều nơi nhất có thể ở Việt Nam và ở nước ngoài. Cô quyết định để dành thu nhập còn dư lại của mình để mua nhà trong 5 năm tới bởi vì theo lời cô, "tất nhiên khi bạn có tiền thì bạn suy nghĩ nhiều hơn về chuyện này."

Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đã thu hút sự chú ý của những nhà cung ứng nước ngoài, cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực thức ăn nhanh, sản phẩm làm từ sữa, xe hơi, sản phẩm vệ sinh và đồ điện tử tiêu dùng. Những thương hiệu thường thấy ở thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Burger King, Starbucks, Family Mart, Nestlé và Sony.

Để giành được thị phần tại Việt Nam, cô Tâm cho biết các công ty nước ngoài nên bán bất cứ "giá trị" nào mà sản phẩm của họ có thể cung cấp cho những gia đình người Việt Nam.

Hãng máy tính Dell ở Mỹ nhận thấy Việt Nam là một thị trường "độc đáo," vì người tiêu dùng ở miền Bắc ưa thích những thương hiệu Châu Âu trong khi người tiêu dùng ở miền Nam ưu ái những thương hiệu của Mỹ và Nhật Bản, theo lời ông Nguyễn Cường Thịnh, giám đốc phát triển kinh doanh của Dell tại Việt Nam. Ông Thịnh cho biết Dell giờ nhấn mạnh vào dịch vụ sau bán hàng để xây dựng "niềm tin" trong những sản phẩm của họ.

Ralph Jennings



(VOA)

Tiêu tiền Formosa: Cần đối thoại với dân

043_dpa-pa_63721253.jpg
Một tàu cá của ngư dân vùng biển Bình Thuận hôm 16/8/2015. AFP photo
500 triệu USD mà Việt Nam nhận được của Formosa Hà Tĩnh sẽ được Chính phủ sử dụng như thế nào. Ngư dân và những người bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung sẽ nhận được tiền mặt, tiền mặt kèm phẩm vật, hay hình thức hỗ trợ nào khác. Đây vẫn là một ẩn số vì đến 15/9 mới là hạn chót để  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương.

Trả lời Nam Nguyên vào tối 1/9/2016, ông Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14 từ Hà Nội nhận định:
Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân. - Ông Nguyễn Việt Thắng
“Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân. Cho nên về phía Hội Nghề Cá, chúng tôi nghĩ là các phương án ấy cũng nên bổ sung một điều là đối thoại với ngư dân, người dân ở các vùng bị thảm họa môi trường do Formosa gây ra để xem người ta có nguyện vọng như thế nào, là hợp tình hợp lý nhất đối với người ta. Tôi cho rằng phải có nội dung đấy, chứ còn các phương án nêu ra thì có tính chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước, tất nhiên cũng có phối hợp với các cơ quan đoàn thể ở địa phương, nhưng tôi cho rằng phải đối thoại trực tiếp với ngư dân, với bà con nông dân ở đấy để bổ sung cho các phương án ấy một cách tốt hơn.”

Hầu hết truyền thông báo chí trong nước đưa tin Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường. Báo điện tử Một Thế Giới, bản tin trên mạng ngày 31/8/2016 cho biết sau khi nhận đủ 500 triệu USD, Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ thiệt hại. Tờ báo trích lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung thành phần nạn nhân gián tiếp của thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Danh sách bổ sung bao gồm những người bị thiệt hại do thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh bị khai tử sau thảm họa cá chết hàng loạt. Đó là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90 mã lực trên lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh; cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm; các cơ sở nuôi thủy sản phải tạm dưng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Tiền tươi thóc thật

Phương hướng đền bù hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại vì thảm họa môi trường chưa có thông tin minh bạch. Trong 4 tháng qua, báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin với cách biệt khá lớn liên quan đến tổng số người bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa.

Người đọc báo ghi nhận cụ thể các con số này. Báo Dân Trí bản tin trên mạng ngày 28/6/2016 trích lời Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đông Hà Quảng Trị, là có hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường Formosa và cần được chuyển nghề.

Con số này có sự thay đổi khá nhiều, VnExpress ngày 21/7/2016 đưa tin gần 300.000 người bị ảnh hưởng vì cá chết ở miền Trung. Cụ thể  khoảng 100.000 bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.000 người phụ thuộc. Tới cuối tháng 7/2016, Chính phủ chính thức gởi báo cáo cho Quốc hội thì tổng số người chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường chỉ còn 217.000 người, gồm 41.000 ảnh hưởng trực tiếp và 176.000  người phụ thuộc.

Vào ngày 15/9/2016 sắp tới, khi 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương cho hai Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Tài Chính, nhiều khả năng sẽ là một con số khác biệt nữa.

Nên đền bù hỗ trợ ngư dân và người dân 4 tỉnh chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra như thế nào. TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội góp ý:

“Đầu tiên việc đền bù cho bà con, trên các trang mạng xã hội rộ lên chuyện gạo chất lượng không tốt. Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất. Nhà nước chỉ nên khuyến khích việc này việc kia. Tôi e rằng Nhà nước mà đứng ra làm, bất kể một cái gì, từ đào tạo nghề cho tới chuyện định hướng, thì kinh nghiệm quốc tế có thể có nơi là tốt, nhưng rất đáng tiếc ở Việt Nam về cơ bản là thất bại, những cái mà Nhà nước đứng ra làm…”

043_dpa-pa_63721267.jpg-400.jpg
Tàu cá của ngư dân ở bãi biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. AFP photo
Theo TS Nguyễn Quang A, chính phủ không nên trực tiếp tổ chức đền bù, hỗ trợ và chuyển nghề cho hàng trăm ngàn người. Chính phủ nên để người dân tự quyết, tự chủ và kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp tham gia chương trình này.

Số tiền 500 triệu USD mà Formosa đền bù cho Việt Nam trên thực tế là quá nhỏ, nếu Nhà nước dùng để bồi thường và hỗ trợ các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường. Nếu chi tiền mặt thì phụ thuộc vào con số người bị ảnh hưởng và phương cách đền bù. Giả sử đem số tiền 500 triệu USD chia đều cho 41.000 ngư dân thực sự của 4 tỉnh thì mỗi ngư dân sẽ được 12.195 USD, chưa nói gì đến 176.000 người phụ thuộc. Còn nếu chia đều cho 217.000 người bị ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp thì mỗi đầu người nhận được 2.300 USD tính tròn số. Tất nhiên các tỉnh và các Bộ ngành sẽ thống nhất mức bồi thường theo một tỷ lệ nào đó, giữa người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi trường. Chi phí làm sạch môi trường biển hay kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển nghề cũng chưa biết lấy từ nguồn tiền nào, có bao gồm trong 500 triệu USD Formosa trả hay không.

Trước ý kiến nên trả tiền bồi thường bằng tiền mặt cho ngư dân và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường, Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam nhận định:

“Theo tôi nghĩ việc này phụ thuộc vào các phương án, phương án nào cần tiền thì nên có tiền; còn phương án nào thì phải qua một số kênh…bởi vì mỗi người dân khi có tiền trong tay, không phải ai cũng sáng suốt đưa hết vào để tạo một nghề, hay tạo một công việc bền vững về tương lai. Cũng có thể có nhiều người, người ta muốn thế này thế nọ… làm cho vấn đề tiền mặt có thể không hợp lý. Mà hợp lý hay không còn phụ thuộc vào các phương án cụ thể, nó cũng là một thực tiễn của Việt Nam, không phải cái gì cũng đưa tiền mặt là tốt cả.”
Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất. - TS Nguyễn Quang A
Giới báo chí thường gọi giai đoạn hiện nay là “hậu Formosa”, ngày 31/8/2016 VnExpress có loạt phóng sự ảnh “4 tháng sau sự cố Formosa, ngư dân vẫn gác mái chèo.” Những bức ảnh mà nhà báo ghi nhận cho thấy một thảm trạng về đời sống và nghề đi biển ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong một bức ảnh mới chụp ở tâm điểm sự cố môi trường biển là Cảng cá thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hàng trăm tàu thuyền nằm bờ phơi mưa phơi nắng nhiều tháng qua. Nhà báo ảnh ghi chú “Lâu ngày không ra khơi, ngư dân lấy chăn màn che thuyền, nhưng nắng gió đã làm rách tơi tả tấm che. Cách đó khoảng 2km, ống khói nhà máy trong công trường Formosa hoạt động đều đặn…”

Hậu Formosa, có thể còn có nhiều câu hỏi bức xúc hơn là chuyện trả tiền đền bù ở 4 tỉnh có thảm họa môi trường. Báo Tuổi trẻ ngày 31/8 đưa tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế họp phiên chất vấn, bài báo được giật tít “Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để né…”. Chẳng là các đại biểu Hội đồng nhân dân cảm thấy không hài lòng về các thông báo trước đó của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Họ cho là thông tin không rõ ràng, nhất là chuyện nước biển đạt chuẩn để tắm và  nuôi thủy sản, còn ăn thì chưa an toàn…hoặc là không khai thác cá tầng đáy và gần bờ, tránh ba vùng cấm mấy trăm cây số vuông…hoặc là nước biển cũng như nước trong các đầm phá có chất lượng an toàn, nhưng không ai trả lời là ăn tôm cá ở đó thì có an toàn hay không.

Theo TS Nguyễn Quang A, tất cả vẫn là một tình trạng không rõ ràng, chưa minh bạch, người dân không biết đường nào mà lần. Tuy vậy có một điều chắc chắn là khi chưa xác định cá an toàn để ăn, thì thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh miền Trung sẽ vẫn chưa thể hồi phục.

Nam Nguyên

(RFA)

Lãnh đạo Kỳ Anh tiếp thu nguyện vọng của dân thế nào?

000_Hkg765165.jpg
Trẻ em huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 4 tháng 10 năm 2007.  AFP photo
Sáng ngày 1/9/2016, hàng ngàn người dân Kỳ Anh đã biểu tình tuần hành đến trước trụ sở UBND thị xã, để đưa các yêu sách trong việc Forrmosa Hà Tình xả thải gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã phải chấp nhận đối thoại với người dân.

Yêu cầu của người dân

Ông Nguyễn Thành Lạng – thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ Quý Hòa cho rằng, sở dĩ có sự việc này là do chính quyền thị xã luôn trốn tránh việc gặp dân. Mới đây hôm thứ 2, ngày 15/8/2016, khi dân kéo nhau lên thị xã thì bị lãnh đạo từ chối gặp bằng cách đóng cửa trụ sở làm việc. Theo ông nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc này là do vấn đề xử lý thảm họa ô nhiễm môi trường của lãnh đạo thị xã chưa thỏa đáng, kịp thời. Ông nói:

“Do thảm họa ô nhiễm môi trường, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống vật chất, nghề nghiệp,… cho nên người dân chúng tôi đã đến tận Ủy ban thị xã Kỳ Anh để đòi hỏi những việc mà bà con đưa ra trong cuộc họp”.
Đề nghị thứ nhất của bà con là yêu cầu thị xã Kỳ Anh tạo điều kiện cho con em được vào học văn hóa, mà không được thu khoản nào. - Ông Nguyễn Thành Lạng
Ông Lạng cũng cho biết thêm, trong buổi đối thoại với lãnh đạo thị xã Kỳ Anh, bà con giáo dân đã đưa ra rất nhiều đề nghị về việc xử lý thảm họa ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, có bốn đề nghị chính được đại diện dân đưa ra. Ông cho biết:

“Đề nghị thứ nhất của bà con là yêu cầu thị xã Kỳ Anh tạo điều kiện cho con em được vào học văn hóa, mà không được thu khoản nào; Đề nghị thứ 2 là yêu cầu Formosa một là ra khỏi Việt Nam, hai là đóng cửa lại; Đề nghị thứ 3 là yêu cầu chính phủ Việt Nam cùng các cấp tỉnh, huyện phải đền bù thiệt hại của nhân dân 4 tỉnh miền Trung nói chung, cũng như chúng tôi nói riêng; Đề nghị thứ tư là yêu cầu Formosa cũng như chính phủ Việt Nam làm sạch môi trường, trả lại sự trong sạch cho biển và để cuộc sống của nhân dân có nghề nghiệp trở lại ổn định như trước”.

Theo những người tham gia biểu tình lần này cho biết, ở bên ngoài hội trường giữa cái nắng chói chang của miền Trung, bà con giáo dân vẫn tiếp tục giăng băng rôn, biểu ngữ mà họ còn giữ lại được sau nhiều lần bị nhân viên công vụ giật, xé, cướp lúc trên đường họ tuần hành biểu tình đến trụ sở.

Những người thay mặt nhà nước trực tiếp đối thoại với dân, là ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch và ông Phan Duy Vĩnh –  Phó Chủ tịch thị xã. Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện từ phía người dân, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch thị xã Kỳ Anh nói với dân về sự quan tâm của chính quyền thị xã với bà con giáo dân từ khi thảm họa xảy ra. Ông nói:

“Về công ăn việc làm của bà con ta trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và đặc biệt là các xã ở bãi biển mà chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng, nghề phụ liên quan đến biển. Sau khi sự cố môi trưởng xảy ra, chính quyền thị xã cũng đã trực tiếp về với bà con để gặp gỡ chia sẻ, hỗ trợ để ổn định từ từ cho bà con ta”.

Sau đó ông Hà còn hứa với bà con giáo dân sẽ xem xét việc miễn toàn bộ chi phí học hành cho con em trong thị xã; sẽ giám sát việc xả thải của Formosa; sẽ nhanh chóng xem xét việc đền bù thiệt hại cho bà con; cải tạo môi trường biển cách nhanh nhất…

Niềm tin của người dân

Không khí bên trong hội trường Ủy ban thị xã Kỳ Anh, ngày càng nóng hơn, sau khi ông Chủ tịch thị xã kết thúc phát biểu, rất nhiều bà con giáo dân đưa ý kiến phản biện đối đáp lại với chính quyền về những gì điều đại diện nhà nước nói và thực tế đang diễn ra.

Bà Việt – giáo dân xứ Quý Hòa cho rằng chính quyền đã lạm quyền trong việc cố tình bảo vệ Formosa. Bà nói:

“Các ông lạm quyền của dân, ngay lúc đầu xảy ra thảm họa, nhân dân đã biết là do thằng Formosa rồi. Mà các ông lại tìm đủ mọi cách che đậy, giấu diếm,… mà chúng tôi không hiểu nguyên nhân gì mà các ông cứ lừa dân chúng tôi như vậy?”

Bà Mai, người đại diện cho tập thể người dân nói về việc lãnh đạo thị xã hứa sẽ đề phòng việc Formosa xả thải chất độc ra môi trường là điều không khả thi. Bà minh chứng:
Các ông làm lãnh đạo nên suy tính thế nào, chứ đừng để như ba ông ở ngoài Yên Bái, ba ông đó chết mà cả làng, cả nước đều vui mừng. - Bà Thịnh
“Làm sao mà canh giữ được, công an chỉ lo chặn bà con đi biểu tình, khi công an đi vào chỗ Formosa để canh giữ cho họ hoạt động. Nói thực chất là vậy, chứ làm gì có chuyện công an canh giữ, ngăn cản Formosa xả thải chất độc ra môi trường, cho nên mới có chuyện Formosa thoải mái chở chất thải đi khắp cả nước”.

Bà Thịnh – người tham gia cuộc đối thoại nhắc nhở lãnh đạo thị xã hãy quan tâm đến đời sống của người dân địa phương nhiều hơn, tuyệt đối đừng như ba ông lãnh đạo bị bắn ở Yên Bái. Bà nói:

“Các ông làm lãnh đạo nên suy tính thế nào, chứ đừng để như ba ông ở ngoài Yên Bái, ba ông đó chết mà cả làng, cả nước đều vui mừng. Chỉ một thông điệp duy nhất, các ông sống làm lãnh đạo như thế nào để dân thương, dân mến, dân kính trọng,… chứ đừng để dân hôm nay chửi, ngày mai lại nói này nói nọ.”

Bà Nga – một giáo dân cho biết về thái độ, cách giải quyết của của chính quyền thị xã Kỳ Anh, theo bà bốn đề nghị chính của bà con giáo dân không được chính quyền trả lời cách thỏa đáng, chưa đi vào vấn đề trọng tâm. Bà cho chúng tôi biết về kết quả của cuộc đối thoại:

“Họ vẫn chưa trả lời được cái gì dứt khoát, thứ nhất là học phí, họ bảo rằng ngày 24/9/2016, sẽ họp Hội đồng Nhân dân, sau đó mới trả lời cho dân. Thứ hai họ hứa sẽ quản lý chặt chẽ việc xả thải của Formosa, về đền bù thiệt hại thì họ nói cứ kê khai trước, rồi sẽ bàn sau”.

Những giáo dân xứ Quý Hòa mà chúng tôi tiếp xúc trong ngày hôm qua đều cho biết, hầu hết bà con giáo dân ra về trong bức xúc trước thái độ trả lời cho qua chuyện của chính quyền thị xã. Tuy nhiên, bà con vẫn hy vọng chính quyền thị xã sẽ ưu tiên việc miễn toàn bộ chi phí cho con em trong năm học sắp tới, để con em họ có cơ hội được đến trường.

Dư luận xã hội thấy rằng, cách chỉ đạo cũng như đối phó với thảm họa môi trường biển nhiễm độc của chính quyền nhà nước ở các cấp, đã cho thấy sự thiếu sót, và yếu kém trong khâu điều hành quản lý hiện nay.

Xuân Nguyên

(RFA)

Thủ tướng Ấn Độ trả lời phỏng vấn TTXVN trước chuyến thăm Việt Nam

(Chính trị) - Trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn Thủ tướng Modi về chuyến thăm này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
– Thưa Thủ tướng, xin ngài cho biết ý nghĩa chuyến thăm tới Việt Nam lần này?
- Thủ tướng Modi: Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ gắn bó truyền thống bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành tự do của hai nước, do hai vị cha già của dân tộc là Thủ tướng Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ấn Độ không chỉ đứng bên Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do mà còn cả trong giai đoạn tái thống nhất đất nước. Cuối những năm 1970 và những năm 1980 là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam, Ấn Độ là một trong số ít nước đứng về phía Việt Nam trong lúc Việt Nam rất cần sự giúp đỡ.
Chuyến thăm của tôi tới Việt Nam là sự tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện của chúng ta. Chuyến thăm này nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và đa phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và kỹ thuật, nghiên cứu vũ trụ, quốc phòng và an ninh.
Việc thúc đẩy mối quan hệ đa chiều của chúng ta sẽ hướng tới sự ổn định, duy trì hòa bình, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng ở hai nước, khu vực châu Á và vươn ra ngoài khu vực này.
– Thưa Thủ tướng, hai nước đã và đang là bạn bè truyền thống trong thời gian dài và cũng là đối tác chiến lược trong chính sách đối ngoại. Vậy, những nội dung nào sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước?
- Thủ tướng Modi: Chúng tôi sẽ thảo luận rất nhiều chủ đề liên quan tới toàn bộ những tác động qua lại song phương và đa phương giữa hai nước. Thương mại chắc chắn là một khía cạnh quan trọng. Thương mại của chúng ta hiện ở mức 7,83 tỷ USD và chúng tôi cam kết đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD. Chúng tôi sẽ điều chỉnh những lĩnh vực thế mạnh và các lĩnh vực mới để tăng cường thương mại và động lực cần có để tăng cường đầu tư.
Chúng tôi cũng muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện ở mức khoảng 1,1 tỷ USD và sẽ được tăng cường đáng kể dựa trên việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú giai đoạn II có công suất 1.320 MW mà Tập đoàn Tata Power đầu tư với chi phí ước tính khoảng 2,2 tỷ USD.
Chúng tôi cũng muốn mời Việt Nam hướng tới Ấn Độ như là một điểm đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi đặc biệt muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào vùng Đông Bắc Ấn Độ, vốn là một khu vực trọng tâm trong Chính sách “Hành động hướng Đông” của chúng tôi.
Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy sự kết nối giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tôi đã công bố gói tín dụng 1 tỷ USD cho các dự án kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi cũng sẽ thảo luận về hợp tác và ổn định khu vực cũng như hợp tác đa phương giữa hai nước.
– Thưa Thủ tướng, Ấn Độ đang thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông.” Vậy Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược này?
- Thủ tướng Modi: Chính sách “Hành động hướng Đông” của chúng tôi nhằm tạo dựng các mối quan hệ đối tác với các nước láng giềng phía Đông bao trùm sự hợp tác về an ninh, chiến lược, chính trị, quốc phòng và chống khủng bố, bên cạnh các mối quan hệ về kinh tế. Chính sách này nêu bật tầm quan trọng của các nước láng giềng của Ấn Độ ở phía Đông châu Á và dành cho họ sự ưu tiên trong hợp tác chính sách đối ngoại của chúng tôi.
Việt Nam là một thành viên không thể thiếu của ASEAN và là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của chúng tôi. Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018 và cả hai nước đều cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác trong các khuôn khổ Hợp tác Ấn Độ-ASEAN và Mekong-sông Hằng.
– Hướng tới 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2017, Thủ tướng có thông điệp gì gửi tới người dân Việt Nam?
- Thủ tướng Modi: Năm 2017 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước và chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện trong cả năm để kỷ niệm những sự kiện này.
“Mối quan hệ đối tác chiến lược” được thành lập năm 2007 là phương tiện để củng cố các mối quan hệ an ninh và quốc phòng của chúng ta và ngày nay mang tính toàn diện trong cách tiếp cận, hợp tác và mức độ sâu rộng.
Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng ta sẽ không bị giới hạn trong 45 năm tồn tại hiện nay mà còn kéo dài qua hai thiên niên kỷ tiếp xúc giữa hai nền văn minh của chúng ta. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ và vết tích của nền văn hóa Chăm đã minh chứng cho điều này.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có dân số trẻ và năng động khi mà phần lớn dân số ở dưới độ tuổi 35. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo được tương lai của chúng ta và trọng tâm của mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng đúng đắn hướng tới việc hoàn thành khát vọng của giới trẻ của hai nước.
Hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa truyền thống và tôn giáo, dù tình bằng hữu và hiểu biết lẫn nhau đã được thử thách qua những thăng trầm của lịch sử. Tôi muốn nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam “trong sáng như bầu trời không một gợn mây.” Chúng ta phải có nhiệm vụ giúp hai nước và người dân hai nước làm giàu thêm vốn di sản giàu có này.
– Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng.
(Theo Vietnam+)
Xem thêm:
  • Thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam: Biển Đông sẽ là hồ sơ nổi bật ? (RFI) - Theo chương trình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hà Nội vào chiều tối ngày 02/09/2016 để thực hiện một ngày công du Việt Nam, trước khi bay sang Hàng Châu,Trung Quốc dự Thượng Đỉnh G20. Giúp Việt Nam tự vệ tại Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc sẽ là một chủ đề được thủ tướng Ấn trao đổi với giới lãnh đạo Việt Nam.
  • Thủ tướng Ấn Độ sắp thăm Việt Nam (RFA) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày mai sẽ đến thăm Việt Nam. Mục tiêu được nói nhằm củng cố mối quan hệ giữa Hà Nội và New Dehli trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Bắc Kinh dựa trên G20 để tô điểm lại hình ảnh bị hoen ố vì Biển Đông

media
Hàng Châu là thành phố tiếp đón Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 2016. REUTERS/Aly Song/File Photo
Trong hai ngày 04-05/9/2016, Trung Quốc sẽ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ trong G20, tề tựu về Hàng Châu để tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh. Bắc Kinh hy vọng lợi dụng dịp đó để tô bóng hình ảnh « lãnh đạo » tự nhiên của mình trên sân khấu thế giới, và tái khẳng định tư thế một cường quốc « có trách nhiệm ». Theo phân tích của hãng tin Pháp AFP ngày 01/09/2016, Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là Biển Đông.

Bài phân tích trước hết ghi nhận là tại hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Biển Đông và các vấn đề địa chính trị châu Á khác sẽ chen vào các cuộc thảo luận, bất kể dụng tâm của Bắc Kinh, vốn chỉ muốn giới hạn nghị trình vào vấn đề kinh tế.

Bắc Kinh đã không tiếc tiền bạc và sự xa hoa tại Hàng Châu, một thủ phủ miền Đông Trung Quốc được biết đến qua phong cảnh hồ nước cũng như các doanh nghiệp lớn, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn thương mại trục tuyến khổng lồ Alibaba.

Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Baptist ở Hồng Kông nhận định : « Đối với Trung Quốc, toàn bộ công việc tổ chức hội nghị G20 là một vấn đề hình ảnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí của mình ở trung tâm hệ thống điều hành toàn cầu. »

Dĩ nhiên là uy tín của nền kinh tế thứ hai của thế giới đã bị sứt mẻ do sự sụp đổ ngoạn mục của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ và sự suy giảm nặng nề của tỷ lệ tăng trưởng.

Vì vậy, ở Hàng Châu, Bắc Kinh sẽ xoáy mạnh hơn vào những nỗ lực trong lãnh vực môi trường, vào kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng rộng lớn ở châu Á và vào sự vươn lên của ngân hàng phát triển và đầu tư mà Trung Quốc đã tung ra để làm đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới.

Hồ sơ Biển Đông nổi cộm bất chấp Trung Quốc ?

Ông Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham ghi nhận rằng do việc « bản năng tự nhiên của Đảng Cộng Sản là tránh mọi bất ngờ », cho nên chính quyền Bắc Kinh đã muốn « bám chặt chủ đề các vấn đề kinh tế toàn cầu ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ vẻ tin tưởng : « Chúng tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ bơm một động lực mới vào sự phát triển toàn cầu ». Nhưng ngay sau đó,nhân vật này đã nhấn mạnh : « Tôi không nghĩ rằng vấn đề Biển Đông có dính líu đến G20. »

Có điều là việc Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát của họ trên khu vực chiến lược này đã khiến các quốc gia ven Biển Đông, cũng như Hoa Kỳ lo ngại. Kết quả là Biển Đông sẽ hiện diện trong tâm trí của hầu hết mọi người tại Hàng Châu.

Bắc Kinh coi gần như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, bất chấp các đòi hỏi của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Việc Bắc Kinh càng lúc càng quân sự hóa các rạn san hô mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, và bồi đắp lên thành đảo nhân tạo, cũng như một phán quyết gần đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, phủ nhận mọi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, đã góp phần làm căng thẳng gia tăng.

Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Nhà Trắng cho biết là sẽ đề cập đến tại Hàng Châu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ thúc đẩy đồng nhiệm Trung Quốc tăng cường sức ép lên Bắc Triều Tiên, bất chấp việc hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.

« Đừng gây rắc rối ! »

Về phần thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông hiếm khi bỏ lỡ cơ hội đả kích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nơi một quần đảo do Tokyo kiểm soát bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Tuy nhiên ông Cao Hồng, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, tin rằng Nhật Bản sẽ phải « hòa ca với các chủ đề của hội nghị thượng đỉnh » do « nước chủ nhà » quyết định, mà không « gây rắc rối ».
Theo giáo sư Cabestan, « Rõ ràng là ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng chứng minh rằng Trung Quốc là một người hàng xóm có trách nhiệm và không có kẻ thù ».

Về phần mình, các nhà lãnh đạo khác trong G20 có thể tránh đụng chạm Bắc Kinh để tranh thủ Trung Quốc trên các vấn đề chiến lược khác.

Washington chẳng hạn, đã có giọng điệu ôn tồn hơn trong giai đoạn trước hội nghị thượng đỉnh, nơi ông Obama hy vọng đạt được nhiều bước tiến với Trung Quốc về hồ sơ khí hậu và về một thỏa thuận đầu tư bị ách tắc từ bao lâu nay.

Theo bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, thì trong những tháng gần đây, « Hoa Kỳ đã cố tình giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông ».
Ngay cả Nhật Bản, theo chuyên gia Haruko Sato, thuộc Đại học Osaka, cũng có thể tránh né chủ đề Biển Đông « vào lúc khả năng một hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Trung Quốc được gợi lên ».

Còn đối với Trung Quốc, nước này sẽ tránh không gây ra sóng gió để khỏi làm lu mờ sự kiện này. Nhưng đối với ông Graham Webster, chuyên gia tại trường Luật Yale, « một khi hội nghị kết thúc, triển vọng sẽ bấp bênh hơn » ở Biển Đông.

Trọng Nghĩa

(RFI)