Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Từ Hội nghị ngoại giao lần thứ 29: Suy nghĩ về Vận nước hôm nay

 03/09/2016

TS Đinh Hoàng Thắng
2-9-2016
Kết quả hình ảnh cho Hội nghị ngoại giao 29
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: internet
Hơn ngàn năm trước, tổ tiên ta đã giải mã một cách cụ thể và chuẩn xác những yếu tố nào có thể làm cho vận nước được trường tồn. Đó chính là sự đoàn kết của toàn dân và tài đức của người lãnh đạo. Khi vua Lê Đại Hành đem vận nước ra để hỏi ý kiến, thiền sư Pháp Thuận đã dùng hình ảnh cuộn mây (đằng lạc) và lời khuyên nhà cầm quyền nên ứng xử có tâm, có tầm (vô vi) như là cội nguồn tạo nên sức mạnh để chiến thắng thù trong giặc ngoài. “Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi nơi điện các / Xứ xứ hết đao binh”.
Bài học muôn thuở ấy, thời nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 mới đây (23-26/8/2016) được phản ánh khá đậm nét trên truyền thông. Mỗi tờ báo tiếp cận khác nhau đối với các phát biểu của lãnh đạo đảng và nhà nước tại Hội nghị[1]. Báo Nhân dân nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với ngoại giao là phải quán triệt các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và “thêm bạn bớt thù”. Báo Quân đội Nhân dântruyền đi thông điệp: Hoạt động đối ngoại là phương thức hòa bình hữu hiệu. Báo Tin tức trích dẫn ý: Thực lực và vị thế của ngoại giao Việt Nam không chỉ thể hiện bằng sức mạnh vật chất, mà còn cả trong “sức mạnh mềm”. BáoNgười Đại biểu Nhân dân nêu đối sách: Ngoại giao cần hiện thực hóa biểu tượng “cây tre Việt Nam”… Có điều, cho đến nay, chưa thấy xuất hiện bất cứ một bình luận hay phân tích chuyên biệt nào về các đề tài liên quan đến công tác ngoại giao nói chung, ngoài các bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh[2]. Phải chăng vì ngoại giao quá “kín cổng cao tường” đối với người ngoài cuộc như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập khi ông nói về các nhiệm vụ mang tính đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ trong ngành[3].
Nội tình đất nước
Thật ra thì Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Nó không chỉ đặc biệt ở nội dung thảo luận việc thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phần về công tác đối ngoại, cũng như thảo luận các nhiệm vụ liên quan đến tiến trình hội nhập toàn diện vào đời sống quốc tế, như chủ đề của 4,5 ngày hội luận vừa qua[4]. Điều đặc biệt hơn và cũng là nỗi bức xúc lớn hơn, chính là các nhiệm vụ đối ngoại những năm tới đây sẽ phải thực thi trong các hoàn cảnh khắc nghiệt được cảnh báo trước: “Ngoại giao cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”[5]. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định khá trung thực các điều kiện quốc tế nghiệt ngã ấy: “Ở bên ngoài, môi trường chiến lược của nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển”[6].Những thách thức chưa từng có, những khắc nghiệt nguy cấp trước mắt và lâu dài còn nằm ngay trong sự giao thoa và cộng hưởng giữa những điều kiện quốc tế ngặt nghèo với các hoàn cảnh nan giải của đời sống kinh tế – xã hội trong nước. Bức tranh ấy được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát ngay tại Hội nghị: Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số, nhưng GDP đầu người xếp thứ 133, năng suất lao động chỉ bằng ½ ASEAN, 80% công nghệ FDI sang Việt Nam đều thuộc loại trung bình. Vì vậy, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là hiện hữu. Việt Nam có thể sẽ rơi vào giai đoạn phát triển chậm lụt, nếu không có một cuộc cách mạng thay đổi về nhận thức và hành động[7].
Tất cả các vấn nạn nói trên không phải giờ đây mới được cập nhật hóa. Có điều là liệu các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người được lãnh đạo trao cho sứ mệnh như những “ăng-ten” nhậy cảm, có đủ dũng khí để tường trình và dự báo cho trong nước những điều “tai nghe mắt thấy” từ các nước sở tại hay không? Nhất là khi bạn đánh giá, thậm chí phê phán một số khía cạnh trong chính sách của ta? “Tần số” từ các đại sứ đa phần có thể đều bắt được các “bước sóng” của thời đại. Những người ngoại đạo nào từng đọc “Trăm năm sắp tới”[8] hay “Thập niên tiếp theo”[9]và gần đây nhất là “Thế giới 2035”[10] thì có thể hiểu được sự căng thẳng thường trực của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, vì sao hàng tuần, thậm chí hàng ngày, họ phải gò lưng ngồi viết (hay gõ) các bức điện cho lãnh đạo. Ta hãy nghe người đứng đầu chính phủ tâm sự: “Tôi rất lắng nghe các đồng chí (đại sứ). Việc gì có lợi cho Tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, (phải) khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không giải quyết đến nơi đến chốn”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, các ngành cần lắng nghe ý kiến các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước để vận dụng, tránh tình trạng đã lắng nghe rồi nhưng thấy khó khăn rồi chùn bước, “biết bàn bí bỏ”[11].
Ra khỏi bế tắc
H1Những tin tức quốc tế tuần này càng khiến các nhà ngoại giao như “như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Trung Quốc và Nga sắp tập trận chung trên Biển Đông. Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa công bố kế hoạch xây dựng một con đường dọc theo biên giới tỉnh Takeo và yêu cầu di dân đến khu vực gần biên giới với Việt Nam. Campuchia sẽ kiến nghị ASEAN loại bỏ các vấn đề biển đảo ra khỏi dự thảo tuyên bố chung của khối trong cuộc họp đầu tháng 9 tới tại Vientiane (Lào). Trung Quốc tiếp tục tăng cường quân sự hóa trên các đảo cưỡng chiếm từ Việt Nam. Dường như, chính sách muốn làm bạn với tất cả, chủ trương không liên minh với các nước đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Hệ lụy nhãn tiền là Việt Nam sẽ thiếu vắng đồng minh “ruột” trong hoạn nạn. Cũng chưa bao giờ vận mệnh Dân tộc, Tổ quốc bị nhiều mối đe dọa có khả năng ập đến cùng một lúc như hôm nay. Trung Quốc tuy là đối tác thương mại hàng đầu của ta, nhưng không bao giờ được quên “chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam… vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế thiên triều suốt mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính và khuất phục Việt Nam”[12]. Nhìn vào những diễn biến gần đây, không cần phải là chuyên gia thượng thặng cũng hình dung ra thế đứng mong manh cả về an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống của Việt Nam trong nay mai.
Nhưng cũng ngay tại đây, chúng ta gặp lại một nghịch lý lạ lẫm, có thể tạm gọi đó là nghịch lý của tư duy hay còn gọi là nghịch lý trong quá trình tiến hóa của sự vật. Cùng tắc biến, biến tắc thông! Dù tình hình khá nguy cấp, ngoại giao Việt Nam vẫn còn “cửa ra” cho những lựa chọn, nhưng phải nói ngay rằng, các lối ra giờ đây đã trở nên khá hẹp! Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu đối với ngoại giao Việt Nam giờ đây là tìm gấp đáp án để trả lời câu hỏi:“Việt Nam là gì trong thế giới hôm nay?” (Việt Nam to be or not to be that is the question today?) Thật ra khi nhân vật Hamlet tự vấn như thế trong bi kịch của Shakespeare, Hamlet đã biết rất rõ mình là ai rồi? Trong một thế giới cạnh tranh và đối kháng về địa – chính trị như hiện nay, Việt Nam càng phải tự biết mình là ai và đặc biệt là phải làm cho các đối tác hiểu rõ, Việt Nam là ai và ta có cái gì mà đối tác đang cần? Việt Nam có thể đóng góp cụ thể nào vào công việc chung của khu vực, liên khu vực cũng như trên toàn cầu? Ngày nay, mọi nước, kể cả lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều đang có những vấn nạn của riêng nó, hầu như không có ngoại lệ. Đấy là chưa nói các thế tan – hợp trong thiên hạ lúc này thế nào cũng sẽ tạo ra nhu cầu và cơ hội để liên minh. Không quốc gia nào có thể một mình tự đứng ra giải quyết các khó khăn một cách đơn độc. Đối tác càng chất lượng, đồng minh càng “ruột” bao nhiêu, đất nước càng an toàn bấy nhiêu. Trong một thế giới “phẳng, nóng và chật”, sự liên kết giữa các nước “cùng hội cùng thuyền” thường được đặt ra như ưu tiên hàng đầu. Lợi ích ở đây là phải hỗ tương! Nếu không định vị được cho mình một thế đứng vững chãi thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Nếu một Việt Nam thiếu tinh thần tự cường quốc gia, một Việt Nam tuy có được nhiều quan hệ đối tác chiến lược hay toàn diện đã được tập hợp bằng các con số thống kê, nhưng chất lượng của các mối bang giao ấy lại không đáp ứng được nội hàm cần phải có, thì rõ ràng chúng ta sẽ gặp rất nhiều trắc trở, mà có khi chính chúng ta tự cản trở chúng ta trong việc hoàn thành sứ mệnh đề ra.
Vận nước như mây cuốn
Bài học “lòng dân và vận nước” muôn đời vẫn mới. Bởi lẽ, hiểm nguy của mọi nguy hiểm hiện nay, thật ra là một bí mật công khai: Lòng tin của người dân đối với chế độ chính trị nói chung và đối với đảng cầm quyền nói riêng đang có dấu hiệu giảm sút. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cũng đánh giá: “Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh… đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”[13].Còn nhớ trước đây, người viết bài này đã từng đến Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hà Lan để vận động phía bạn công khai ủng hộ Việt Nam có quy chế “kinh tế thị trường”. Các nhà chức trách Hà Lan, từ cao nhất là bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế hay các chuyên gia về Việt Nam từ các Vụ Chính trị khu vực hay Vụ Kinh tế đa phương, đều thống nhất một câu trả lời: “Chúng tôi rất thông cảm với ngài đại sứ, nhưng chúng tôi thiết nghĩ, quý ngài nên quay về xin chính nhân dân các ngài, xin chính các nhà doanh nghiệp, các thương gia Việt Nam công nhận cái quy chế ấy. Muốn thế, các ngài nên sớm chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”. Nói vậy nhưng hồi ấy, chính Hà Lan là một trong những quốc gia Tây Bắc Âu đã sớm công nhận điều ta đề nghị và bạn còn dành ưu tiên cho Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển ở châu Á được nhận viện trợ ODA. Tất nhiên, mặt trời lên không phải do gà trống gáy. Công cuộc lobby của chúng tôi sẽ không đi đến đâu, nếu phía bạn không nhìn thấy Việt Nam như một nhịp cầu nối ASEAN với châu Âu, không nhìn thấy một Việt Nam tuy có nhiều thứ lạc lõng nhưng lại có cơ cấu dân số vàng (lúc bấy giờ) và nhiều lợi thế tiềm ẩn khác nữa mà đôi khi chính đại sứ cũng không lượng định được hết.
Hẳn nhiên, mọi lối ra hiện nay cho ngoại giao không thể nào thiếu vắng vai trò của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh xung năng của xã hội hiện đại đang tạo ra nhiều “chuyển động Brao-nơ” khó dự kiến và khó kiểm soát. Hơn lúc nào hết, bên cạnh ý chí và tập hợp ý chí của giới cầm quyền thì quá trình đối thoại với người dân cần sớm được đặt ra trong bối cảnh khi mà “địa phương hóa” các xu thế toàn cầu càng làm cho các thực thể nhỏ (kể cả mỗi cá nhân) có vai trò ngày một lớn hơn. Từ các nguồn mở về lao động trên lộ trình thực thi Hiệp định TPP đến các ngư dân đêm ngày bám biển để vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo… không đâu có thể vắng bóng người dân. “Tài nguyên con người” từ nay là một khái niệm rộng, đang được các nước tiên tiến coi là nhân tố hàng đầu cho phát triển. Hãy nhìn “làn sóng start-up” (làn sóng khởi nghiệp) ở ta mấy năm gần đây đủ thấy tiềm năng về “tài nguyên con người” của Việt Nam “khủng” như thế nào. Hơn nữa, thế giới còn nhìn vào cách đối đãi với xã hội dân sự nói chung để thẩm định các chất lượng “tiệm cận văn minh phổ quát” của mọi chính quyền hợp pháp và hợp hiến. Kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến kiến quốc trước đây, minh triết từ các bậc đế sư ngày xưa đều mách bảo với chúng ta bao bài học quý giá về chính sách thân dân. “Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi nơi điện các / Xứ xứ hết đao binh”[1]4. Muốn đất nước hòa mục và thịnh vượng thực sự thì người dân phải đoàn kết lại thành một khối như “đằng lạc” (như một cuộn mây), người lãnh đạo trị vì mà đừng để người dân biết là họ bị cai trị, tức là “vô vi nhi vô bất vi” (không làm mà không có gì là không làm). Nhà cầm quyền xử sự thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào bất cứ một khuôn mẫu khiên cưỡng nào cả. Hiện nay, đất nước đang rất cần cả sự cố kết lẫn sự cởi mở, từ cả bên trong lẫn bên ngoài để đối phó với đủ loại thách thức. Một trong những phương cách có thể tính đến là cần mở ra các cuộc đối thoại ở tầm hệ thống. Có thể đồng thuận với ý kiến cho rằng, đối thoại là để tìm ra lỗi hệ thống và biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng được yêu cầu cứu nguy dân tộc ở thời điểm khắc nghiệt hiện nay. Đối thoại sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được tổ chức công khai, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, tuân thủ chuẩn mực học thuật và tinh thần bao dung. Nếu chỉ nói vòng vo theo kiểu “không thể nóng vội, phải có lộ trình”… thực chất chỉ là né tránh những điều gốc rễ cốt lõi, thì lại một lần nữa chúng ta sẽ mất cơ hội.
*
Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King, một nhà hoạt động vì dân quyền, đã đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” tại Đài tưởng niệm Lincoln (Washington, Mỹ) trước hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đến thủ đô để chống nạn phân biệt chủng tộc. Bài diễn văn đã khiến những kẻ chủ trương phân biệt chủng tộc phải hổ thẹn, nước Mỹ đã buộc phải điều chỉnh chính sách. Bài diễn văn đã chấm dứt luồng tư duy theo kiểu cũ, rằng trong chính trị mọi thời đại, nhân dân bao giờ cũng chỉ là tham số cuối cùng. Quả thật, “sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân…” Lời của vị mục sư da đen năm nào vẫn còn vang vọng đến tận thế giới hiện đại ngày nay. Giờ đây, ngoại giao Việt Nam cũng cần có những giấc mơ,“giấc mơ Việt Nam”. Đó là giấc mơ về độc lập dân tộc từ nay phải gắn với hội nhập quốc tế, độc lập trong thế liên lập, biết đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thông qua các kế sách xuất phát từ lòng tự tôn và tinh thần tự cường của xứ sở. Đó là giấc mơ về tư duy toàn cầu, nhưng vẫn biết cách hành động địa phương. Giấc mơ về cuộc đấu tranh pháp lý không ngơi nghỉ trên Biển Đông, với ý chí “đảo bị chiếm quyết không thể là đảo bị mất!” Tổng quan lại, đấy là những giấc mơ tái định vị các giá trị cốt lõi về ngoại giao để vượt lên chính mình. Đừng để những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, đừng để “lòng ta hóa rêu phong” đối với những chuyện mới! (Chế Lan Viên). Không thể một mình một chợ, mà thực sự phải là một bộ phận cấu thành hữu ích trong hệ thống lớn sẽ rất năng động, dù là về kinh tế, chính trị hay an ninh của khu vực và thế giới. Cuộc tìm kiếm niềm tin và bản lĩnh bị mai một, sau Hội nghị ngoại giao này, vì thế, vẫn sẽ còn tiếp diễn…
____
[4] Chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29: “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế – Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”:http://baotintuc.vn/thoi-su/khai-mac-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-29-20160822131351470.htm
[12] Sự thật về quan hệ Việt Nam—Trung Quốc, NXB Sự Thật, năm 1981, tr. 21

14 Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (TRẢ LỜI NHÀ VUA KHI ĐƯỢC HỎI VỀ VẬN NƯỚC), Phiên âm tiếng Hán: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh.

Không có nhận xét nào: