Quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, thiếu vốn... là các nguyên nhân khiến công tác chống ngập tại TP HCM chưa hiệu quả.
Trong 10 năm qua TP HCM đã đầu tư gần 29.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Ảnh: An Nhơn
|
Để giải quyết vấn đề thoát nước, từ năm 2001, TP HCM đã quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn (Quy hoạch 752 do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản lập). Chủ yếu áp dụng các giải pháp nâng cấp cống thoát nước, san nền và kiểm soát triều cục bộ, từ năm 2003. Song song đó, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008 cũng đang triển khai.
Theo ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM - năm 2008, trên toàn địa bàn TP có tới 126 điểm ngập chia làm sáu vùng chính. Trong đó, vùng trung tâm (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 5, 8 , Bình Thạnh) có tới 85 điểm ngập. Ba năm sau, khi thành phố xác định trong giai đoạn 2011-2015 tập trung tối đa giải quyết tình trạng ngập nước thì vùng trung tâm chỉ còn 31 điểm ngập.
Hàng loạt công trình cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ trongthời gian qua đã được triển khai; mới nhất là dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn tất giúp tình trạng ngập nước giảm đáng kể.
Đến nay, khu vực trung tâm chỉ còn hai điểm ngập là đường Phan Anh, đường Ung Văn Khiêm và 7 điểm ngập ngoại vi (An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Tân Quý, Lê Đức Thọ). "Hồi năm 2008, lưu lượng mưa ở mức 100 mm thành phố bị ngập tới 126 điểm nhưng nay chỉ còn 6-7 điểm", ông Long cho biết.
Đánh giá hiệu quả của các dự án chống ngập tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng dù thành phố đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, song tình trạng này đang có xu hướng xuất hiện ở khu vực ngoại thành như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân... Chứng tỏ thành phố đang "đuổi" ngập từ chỗ này sang chỗ khác chứ chưa phải "xử lý" ngập. Mới đây nhất, cơn mưa vũ lượng 142 mm xuất hiện chiều 15/9 đã khiến thành phố xuất hiện 66 điểm ngập.
Cơn mưa chiều 15/9 làm 66 điểm ở khắp các quận huyện TP HCM ngập nặng. Ảnh: Hải Hiếu.
|
Về nguyên nhân khiến các dự án chưa hiệu quả như mong đợi, UBND TP cho rằng, với Quy hoạch 752 hiện thành phố chỉ xây mới và cải tạo gần 2.600 trên 6.000 km2 hệ thống thoát nước; nạo vét hơn 60 km trong 5.005 km kênh rạch và đã hoàn thành giai đoạn 1 của một trong tổng số 12 nhà máy nước thải. Tổng số vốn dành cho quy hoạch này là 24.300 tỷ đồng. Còn Quy hoạch 1547 thì mới xây dựng được một trong số 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và hơn 60 km đê bao (tổng số 149 km) với tổng số vốn hơn 4.700 tỷ đồng.
"Chậm trễ là do thiếu vốn. Để triển khai 2 quy hoạch trên cần số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng thực tế thành phố mới đầu tư được 25.000 tỷ nên khối lượng công việc còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng quá chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập", Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết.
Cùng với việc chậm triển khai các quy hoạch thoát nước, TP HCM đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi khiến công tác chống ngập gặp thêm nhiều khó khăn. Một trong số đó là biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều trên sông ngày càng cao.
Cụ thể, các cơn mưa có vũ lượng trên 100 mm xuất hiện ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần) và triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước với đỉnh triều hiện là 1,68 m so với 10 năm trước đây chỉ là 1,5 m. Ngoài ra, địa hình thấp (41% diện tích có cao độ dưới một mét) và hệ thống kênh rạch chằng chịt (hơn 3.000 tuyến dài hơn 5.000 km) cũng góp phần làm cho TP HCM ngập nặng hơn những nơi khác.
Bên cạnh đó, theo UBND TP, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn với quy mô dân số chỉ khoảng 2 triệu người nên cơ sở hạ tầng, trong đó hệ thống thoát nước cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng. Tuy nhiên, đến nay dân số thành phố đã hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng gấp 5 lần.
Quán cà phê bị ngập trong cơn mưa lớn. Ảnh: Duy Trần
|
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn KHCN và Quản lý TP HCM) lại cho rằng, biến đổi khí hậu dù có tác động nhưng không thể gây ảnh hưởng nhanh đến tình hình ngập tại TP HCM như vậy. Hiện, chưa có câu trả lời vì sao triều cường ngày càng cao một cách bất thường.
"Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nguyên nhân là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao. Nhưng thực tế năm 1995-2010 nước biển chỉ dâng cao tối đa 2 cm, trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25 cm và có thể cao hơn nữa. Không ai đi nghiên cứu vì sao nước biển chỉ dâng 2 cm mà triều cường lại cao hơn gấp nhiều lần như vậy? Đây mới chính là nguyên nhân gây ngập", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. "Thành phố ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này. Đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được", ông Phúc nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TPHCM) cho rằng, nguyên nhân chính khiến thành phố ngập ngày càng nặng là do quá trình đô thị hóa, bêtông hóa thiếu kiểm soát. Nhiều công trình xây dựng chiếm mất diện tích thoát nước, san lấp kênh rạch nhưng lại không có gì để bù đắp, trong khi công trình thoát nước chỉ được đầu tư nhỏ giọt.
"Quá trình xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng của thành phố đã bắt đầu từ mấy chục năm trước. Trong khi công tác chống ngập chỉ mới bắt đầu độ 10 năm trở lại đây. Thông thường, khi chi 10 đồng cho phát triển đô thị như xây khu chung cư, khu công nghiệp, khu dân cơ mới... thì phải có 2 đồng dành cho hạ tầng chống ngập. Nhưng thực tế, con số này ở TP HCM chưa tới 10% yêu cầu", ông Phi phân tích.
Theo tiến sĩ Phi, vốn đô thị hóa phần lớn là của tư nhân, san lấp kênh rạch, xây dựng cao ốc nhưng lại không dành lối thoát cho nước mà chỉ muốn đẩy nước đi chỗ khác.
"Chống ngập cứ chống ngập, san lấp kênh rạch vẫn san lấp thì không thể hiệu quả được", ông nói.
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét