27/09/2016
27-9-2016
Trước đó chỉ vài ngày ở Thừa Thiên Huế đã ráo rác về việc cả thành phố ngập trong biển nước sau một cơn mưa lớn.
Hôm qua ở TP.HCM còn khủng khiếp hơn khi dòng nước chảy xiết như những con sông mùa lũ, cuốn trôi cả người, xe và các đồ vật.
Đó là tình trạng trung về việc quy hoạch thành phố, quy hoạch đô thị tồi tệ, không có tư duy hay giải pháp khoa học. Người dân có thể coi đó là “hệ quả tự nhiên” của một hiện tượng thiên nhiên có mức độ lớn, nhưng đó chỉ là cách nhìn vấn đề theo hướng lạc quan tếu và cũng là né tránh cái cốt lõi thực sự của vấn đề.
Nếu một bài toán được đưa ra, bạn không đánh giá đúng đề bài, không nhìn nhận đúng phương pháp thì sẽ không bao giờ đi đến một cách giải và kết quả khả quan. Vì vậy bạn chỉ có thể bỏ nó đi và tìm một bài toán khác để giải chơi.
Cũng như giáo dục, cứ cải cách, năm này qua năm khác, đổ hàng đống tiền và hàng chục dự án gối đầu nhau không kịp dứt, nhưng cuối cùng là tình trạng giáo dục ngày càng tồi tệ hơn, đối phó hơn và nhiều biến thể khủng khiếp hơn. Học sinh như những đứa trẻ bơ vơ trong cơn khủng hoảng về chính sách đào tạo dài hạn bằng các kế hoạch ngắn hạn biến thiên liên tục.
Cái cuối cùng và cốt lõi của một vấn đề quản trị quốc gia, đó chính là quản trị quy hoạch gốc, nếu cái gốc đó khoa học thì tất cả những chuỗi chu trình tiếp theo sẽ vận hành tốt và đi lên.
Đó chính là vấn đề của thể chế chính trị, vì thể chế này bao trùm toàn bộ mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống, nên nếu không thay đổi thể chế theo kiểu “cờ một tướng, kiềng một chân” thì sẽ không bao giờ có một toàn cảnh quốc gia vững chãi dù có chắp mọc thêm rất nhiều xúc tu như chân bạch tuộc vây quanh để chống đỡ mang tính tình thế. Nó chỉ khiến chính những giải pháp tức thời đó trở thành gánh nặng cho hệ thống vốn đã trở nên ngày một tồi tệ hơn thêm.
Vì mọi sự vá víu đều chỉ làm cho tấm áo nham nhở và chóng rách hơn.
Ngay cả cái cách khi gọi tên, dùng danh từ Sài Gòn khi ở đây có một sự kiện tiêu cực, và trịnh trọng xướng lên tên gọi TP.HCM khi có điều nổi bật nào đó diễn ra, đó chính là tư duy tồi tệ nhất của những con người bần tiện, xảo trá và luôn thoái thác sự thật mà chỉ muốn nhận lấy cái đẹp về mình.
_____
Dân Sài Gòn bức xúc sau trận mưa ngập nặng
27-9-2016
Cơn mưa làm ngập hơn 30 điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và khiến nhiều người không thể về nhà sau giờ làm việc.
Nhiều người đã thể hiện ý kiến sau sự cố bị ngập nặng giữa thành phố lớn nhất tại Việt Nam này.
Một người tên Đỗ Oanh nói cô “băn khoăn” sau trận mưa và nước dâng. Cô liệt kê:
“Mưa ngập ướt khắp nơi vầy nguồn điện dễ chạm mạch, rất là nguy hiểm tính mạng.
“Những xe bốn bánh khi ngập nước sẽ bị hư hỏng rất nặng . Chi phí bảo trì và sửa chữa hơn giá trị 1/2 chiếc xe . Ko biết lái xe taxi họ sẽ về đâu.
“Rắn rết , côn trùng độc hại bò lên bờ cắn người.
“Nước cống , nước thải tràn lên bờ tắm người.
“Mọi thứ đình trệ , thiệt hại tổn thất rất lớn … Trận ngập này có tính là thiên tai ko ? Ai gánh trách nhiệm này ? Ông trời hay ai?,” bình luận của cô được nhiều người chia sẻ.
“Đất nước trên yên xe máy”
Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật cảnh hỗn loạn tại thành phố lớn sau cơn mưa dai dẳng.
Trang tin Kenh14.vn đăng tải sự cố một bà mẹ khi đi ngang qua đoạn đường ngập đã vô tình thất lạc đứa con.
Nhà văn Đàm Hà Phú, tác giả nhiều quyển sách nói về văn hóa Sài Gòn viết: “Ai cũng nói chuyện cơn mưa đêm qua, về quy hoạch đô thị và 68 ngàn tỉ tiền chống ngập cùng sự chịu đựng lô cốt kẹt xe khói bụi mấy năm rồi đã trôi theo dòng nước cống đêm qua… nên mình không nói lại, nói thêm chi nữa, mình chỉ nên nói về xe máy.”
“Hôm qua cả trăm ngàn chiếc xe máy bị ngập, bị cuốn trôi, bị chết máy, bị ngã… kèm với đó là hàng ngàn ngàn người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vâng tội nhất là trẻ em, chúng đói, lạnh, hoặc khóc ngất hoặc vất vưởng chịu đựng cùng cha mẹ.
“Bên cạnh chỗ tôi, một chị kia dỗ con mãi không nín, chị ôm con khóc nức nở theo nó, chiếc xe bị cuốn trôi và chết máy vừa được mọi người vớt lên để nằm chỏng chơ bên cạnh. Bạn Thắm đội mưa đi mua đồ ăn cho con bị rơi vào miệng cống, ướt như chuột, đứt dép, đau đớn và căm phẫn.
“Đó là bức tranh chung của Sài Gòn đêm qua, hàng triệu người phải vật lộn xoay xở với cơn mưa trên xe máy, vâng, chiếc xe máy, cùng với một văn hoá quốc gia giao thông bằng xe gắn máy, chính là bộ mặt của nghèo đói và lạc hậu,” nhà văn này bình luận.
“Và, trong khi các báo cáo ở hội nghị ca ngợi mọi thứ, các bạn dư luận viên đang hát bài của họ, thì nhân dân vẫn trần mình cùng kẹt xe, khói bụi, tai nạn, nước ngập… trên chiếc xe gắn máy thần thánh cùng với áo mưa cánh dơi hai đầu huyền thoại… trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới người ta ngồi xe hơi, xe buýt, xe điện ngầm, MRT…”
Ông Đàm Hà Phú ví von “một đất nước trên yên xe máy, trong kỷ nguyên vũ trụ”.
Cảnh các hộ lý bắt lươn trong bệnh viện Trưng Vương bị ngập, do báo Thanh Niên tại Việt Nam ghi nhận. Ảnh: báo TN
“Quy hoạch” kém?
Báo Thanh Niên có nhiều video về trận mưa và nước ngập, với cảnh nhiều bác sĩ trong bệnh viện bắt được cả lươn khi nước dâng.
Vnexpress chạy tựa “Sài Gòn rối loạn vì ngập nặng”, với cả video tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố bị mưa hắt, nước tràn từ tầng bốn xuống sảnh.
Một số báo về giải trí đăng tải hình ảnh ngôi nhà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ngập và nhiều người phải dọn dẹp đồ đạc lên cao.
Người dùng Facebook tên Thinh Nguyen bình luận: “Sài Gòn ngập nước sau cơn mưa kéo dài lịch sử. Ngay cả nhà xây cất kiên cố hàng trăm tỉ (vài triệu dollars) của ca sĩ Đam Vĩnh Hưng cũng bị nước ngập tơi tả !?”
Bạn đọc Quynh Anh Pham lại dẫn một bài báo “Hơn 1000 xe máy bị nhấn chìm trong hầm sâu 2 mét giữa Sài Gòn” của báo Dân Trí và bình luận: “Không thể lấy lí do trận mưa khủng khiếp như một vài báo giật tít (vì không có số liệu lịch sử khí tượng kèm theo), và chắc chắn trong lịch sử Sài gòn cũng đã từng hứng những trận mưa như thế nhưng không hoặc ít ngập.
“Đã đến lúc (tuy đã muộn nhưng còn hơn không) cần nhìn thẳng vào sự thật: Nguyên nhân căn bản là do quy hoạch và quản lý trật tự đô thị yếu kém, trong thời gian dài – ít nhất cả thập kỉ.”
Người dùng Facebook này cũng nói với vị lãnh đạo thành phố: “Thưa anh Đinh La Thăng, trong nhiệm kì của mình, anh chỉ cần huy động bộ máy quản lí nhà nước đồ sộ của thành phố tập trung giải quyết được vấn đề tối thiểu, cơ bản của 1 thành phố văn minh là: ít hay tốt hơn là hết ngập nước và kẹt xe máy là dân thành phố và cả nước sẽ đội ơn anh và hệ thống quản lý nhà nước lắm rồi.
“Không cần đặt mục tiêu khó với tới: Hòn ngọc Viễn Đông, chỉ cần hết là “hòn ngập, bãi xe máy Viễn đông” là thiết thực và quí lắm rồi ạ!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét