Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Mỗi năm Việt Nam thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng vì phân bón giả; Thị trường phân bón: 90% là gạch đá, vôi, chỉ có 1,9% dinh dưỡng

Vấn nạn phân bón giả đang gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh minh họa
Đó là số liệu do Bộ Công Thương công bố tại một cuộc hội thảo về thị trường phân bón Việt Nam tổ chức ngày 26/9.
Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết mỗi năm cơ quan này phát hiện gần 4.000 vụ vi phạm khi tiến hành kiểm tra, xử phạt việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Con số thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Thị trường cho thấy, các năm qua đã có 63 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành.
Theo đó, mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng 2,6 tỷ USD, tương đương gần 60.000 tỷ đồng, vì phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng vấn nạn phân bón giả đang vô cùng nhức nhối, trong khi công tác phát hiện và xử lý vi phạm thời gian qua không hiệu quả do chính sách về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón chưa đủ sức răn đe, còn sự phân công trách nhiệm của các cơ quan hữu quan chưa rõ ràng.
Hiện tại, Bộ Công Thương được giao quản lý 90% phân bón vô cơ, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao quản lý 10% phân hữu cơ và các loại phân bón khác, nhưng mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng chưa biết quy trách nhiệm cho ai.
Trong khi sản xuất tiêu thụ phân bón giả ngày càng phức tạp, không chỉ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, mà còn trong cả các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Thanh tra của Bộ nông nghiệp đã đi kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định thì tất cả các trung tâm này đều vi phạm các Nghị định, Thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Cả 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.
Với khoảng 70% dân số sản xuất nông nghiệp, phân bón được coi là một trong những mặt hàng quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường phân bón nhiễu loạn như hiện nay cho thấy việc quản lý mặt hàng này đang bộc lộ nhiều bất cập mà sau một thời gian rất dài vẫn chưa được giải quyết.
Hạo Nhân tổng hợp
( Đại Kỷ Nguyên)

Thị trường phân bón: 90% là gạch đá, vôi, chỉ có 1,9% dinh dưỡng

“Phân bón” khi kiểm tra, thành phần chủ yếu là đất sét, cát, sỏi, ximăng…
1474974993-6803-1-37385
Nhan nhản Cty, tổ hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả
Theo TS Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam – chỉ tính chưa đầy đủ, cả nước có tới 63 Cty, tổ hợp sản xuấtkinh doanh phân bón giả (PBG), phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, TP cả nước. Trong đó có những vụ điển hình: Cty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng trên giấy phép và bao bì phân NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng khi kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.
Hay như tại CTCP Quốc tế Đông Trung (Lâm Đồng), sau 3 lần kiểm tra mới bắt được, hàm lượng dinh dưỡng trong phân chỉ có 8,2% nhưng trên bao bì ghi tới 53%. Cty Đông Hải (Đà Nẵng) trên giấy phép, bao bì ghi hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng thực chất chỉ có 3%. Hay mới đây, CTCP Đầu tư Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội bị phát hiện 600 tấn phân bón NPK và nhiều bao bì giả danh các Cty phân bón có uy tín như Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau… Điều kinh khủng là hàm lượng dinh dưỡng trong các mẫu phân bón giả danh này chỉ có 1,9%, còn lại là bột, đá vôi, đất sét.
Đặc biệt, vụ Cty Tân Trường Sinh (Hải Dương) bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả, hay vụ việc Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện tất cả 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý, khảo nghiệm phân bón. 11 trung tâm này đã cấp khống sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp (DN).
TS Thúy cũng cho rằng, kết quả điều tra cho thấy có tới trên 800 cơ sở sản xuất phân bón. Đa số các cơ sở sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bêtông và không có phòng thí nghiệm. “Nếu kiểm tra 100% các tỉnh, thành thì con số sẽ lên trên 1.000 cơ sở. Việc cung ứng thì chồng chéo, phân bón từ miền Nam chở ra Bắc và ngược lại, trong khi đó các loại phân này cùng một chủng loại, cùng một hàm lượng…; các yếu tố này đã khiến giá phân bón bị “đội” lên ngất ngưởng và bắt nông dân phải gánh chịu” – TS Thúy bất bình nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) – cũng cho rằng, việc cấp phép sản xuất phân bón đang có nhiều vấn đề. Nhiều DN không đáp ứng được các yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Có những DN khi gửi hồ sơ đến đăng ký rất “hoành tráng”, nhưng khi kiểm tra thực tế thì nhà xưởng, phương tiện sản xuất rất sơ sài. “Việc quản lý cũng đang có vấn đề. Theo quy định, các địa phương phải báo cáo định kỳ, nhưng không có địa phương nào thực hiện” – ông Thanh bức xúc nói.
Ai “chống lưng” cho PBG hoành hành?
TS Thúy nhiều lần nhấn mạnh: Tại sao Cty Tân Trường Sinh (Hải Dương) bị Bộ Công an bắt quả tang sản xuất PBG, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố số 05, Viện KSND Tối cao có quyết định số 03 chuyển vụ hình sự để điều tra, nhưng khi chuyển về Công an tỉnh Hải Dương, vụ án đã rơi vào quên lãng?
“Với lợi nhuận lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ, thì xử phạt hành chính chỉ là “gãi ghẻ” – khiến các cơ sở sản xuất PBG không sợ” – TS Hạc Thúy đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới – khẳng định: “Tôi khẳng định là trong 11 DN vi phạm về cấp phép, có những vị “chạy án” xong vẫn giàu sụ, vẫn còn 3-4 cái nhà. Nói PBG từ máy trộn bêtông vẫn chưa đủ, thậm chí có những DN máy móc hiện đại, nhưng vì lợi nhuận vẫn làm PBG”(!)
Ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam – cũng cho rằng: Tại sao vấn đề PBG nổi cộm như vậy? Có những vụ tưởng xử lý được đến nơi, sai phạm 100% nhưng vẫn bị “chìm”? Là bởi các sai phạm này từ trước đến nay chỉ bị xử lý hành chính, rất ít vụ bị xử lý hình sự. Nộp phạt xong, các DN này lại tiếp tục ung dung tái phạm.
Ông Trần Hùng – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 – khẳng định: Đã đến lúc lập lại trật trự trong việc sản xuất, quản lý phân bón với sự vào cuộc của tổng lực các cấp, các ngành, trong đó có các phương tiện truyền thông. TS Nguyễn Đăng Nghĩa cũng cho rằng, không thể để “lợi ích nhóm” làm hại người nông dân, biến những ruộng đồng màu mỡ thành “đất chết”, bị hoang hóa vì PBG, mà thực chất thành phần chủ yếu là bêtông, gạch, đá…
dak-lak-gan-1000-tru-tieu-rung-sach-trai-sau-khi-phun-thuoc


Không có nhận xét nào: