Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Nga kỳ vọng điều gì ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc?

Thứ 7, 06:19, 03/09/2016

VOV.VN -Chương trình nghị sự mà lãnh đạo Nga quan tâm hàng đầu ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 là các chủ đề: Trung Quốc, Ukraine và Syria.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc trong 2 ngày 4-5/9. Chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh là nhằm xây dựng một nền kinh tế thế giới sáng tạo, khả thi, kết nối với nhau và toàn diện. Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận những vấn đề quan tâm toàn cầu.
nga ky vong dieu gi o hoi nghi thuong dinh g20 tai trung quoc? hinh 0
Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4-5/9 (Ảnh: Reuters).
Một điều rất quan trọng là Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng sẽ là minh chứng cho thấy sự thất bại hoàn toàn của phương Tây hòng cô lập Nga về chính trị. Tại Hội nghị G20 cách đây hai năm tại Australia, sự “tẩy chay” của phương Tây đã khiến bầu không khí của hội nghị trở nên “giá lạnh”, và Tổng thống Nga đã buộc phải rời hội nghị sớm hơn kế hoạch.
Hội nghị Thượng đỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, không khí đã ấm hơn đối với Nga, báo chí cũng ghi nhận cuộc trò chuyện bất ngờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề của sự kiện.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay hứa hẹn sẽ có một số cuộc gặp gỡ quan trọng dành cho Tổng thống Nga. Một sự kiện rất được trông đợi là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May kể từ khi bà nhậm chức. Ông Putin cũng sẽ có các cuộc gặp chính thức khác với các thành viên của tổ chức BRICS trong thời gian diễn ra G20 (BRICS- tổ chức hợp tác kinh tế gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Như vậy có thể thấy, các đối tác của Nga vẫn coi nước này là một đối tác quan trọng, được lắng nghe ý kiến. Thậm chí Bắc Kinh còn đánh tiếng coi Moscow là khách VIP của Hội nghị lần này.
Trang Russia Direct phân tích một số chủ đề quan trọng đối với nước Nga sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
nga ky vong dieu gi o hoi nghi thuong dinh g20 tai trung quoc? hinh 1
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký hiệp định hợp tác tại Moscow (Ảnh: AP).
Tăng cường mối quan hệ Nga - Trung Quốc
Theo ông Gui Congyou, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Âu- Trung Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "Nga là nền kinh tế lớn trên thế giới, sự hiện diện của Nga tại G20 có tác động mạnh mẽ đến trật tự kinh tế toàn cầu và giải pháp cho những khó khăn kinh tế toàn cầu". Tuy nhiên, nếu nghiên cứu tình hình kinh tế của Nga, thì lời nhận định này mang tính chất nhằm cải thiện quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là nhiều hơn.
Quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý rằng sẽ có một cuộc họp theo kế hoạch giữa các nguyên thủ quốc gia Nga và Trung Quốc, trong đó sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác Nga-Trung. Kèm theo đó là việc ký kết các hiệp định liên chính phủ, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ giữa hai nước.
Các chủ đề dự kiến khác trong hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ bao gồm cả ý tưởng sáp nhập chương trình Con đường tơ lụa và Liên minh kinh tế Á-Âu. Bên cạnh đó có khả năng sẽ thảo luận về một liên minh lớn hơn, bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ Tứ Normandy và Hiệp định Minsk
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể có một cuộc họp không chính thức của ba thành viên Bộ Tứ Normandy – gồm Nga, Đức và Pháp. Hiện đang có những gia tăng đáng kể trong tình trạng bạo lực tại khu vực Donbas. Các quan chức Nga cũng cho rằng, có thể có hành động khủng bố ở Crimea. Liên quan đến Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng một cuộc họp đầy đủ của Bộ Tứ Normandy (bao gồm cả Ukraine) sẽ là "vô nghĩa".
Việc có sự gia tăng tình trạng xung đột Ukraine khiến các nhà phân tích đánh giá lại quan hệ giữa Nga và Ukraine, cũng như khả năng Thỏa thuận Minsk mất hiệu lực.
Nhưng vẫn còn quá sớm để nói về sự tan rã của nhóm Bộ Tứ Normandy.
Chủ đề Ukraine, bằng cách này hay cách khác sẽ được đưa ra tại G20, ngay cả khi không có đủ Bộ Tứ. Ba trong bốn bên sẽ có mặt, vì vậy có khả năng là họ sẽ thảo luận vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng Syria
Một chủ đề mà chắc chắn sẽ không thể thiếu là tình hình Syria, và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Chỉ một năm trước đây, Syria đang trên bờ vực sụp đổ, nhưng với sự hậu thuẫn của Nga (cả quân sự và ngoại giao), tình hình đã trở nên ổn định hơn nhiều. Lực lượng chính phủ Syria đã giải phóng được một số thành phố quan trọng chiến lược khỏi sự chiếm đóng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhưng vấn đề Syria còn lâu nữa mới có thể kết thúc. Lực lượng chống chính phủ của ông Assad có thể tận dụng sự “lơi lỏng” trong hợp tác giữa Nga và Mỹ trong khoảnh khắc hòa bình để phản công. Câu hỏi về số phận của ông Assad, cũng như các nhóm có nên coi là "kẻ khủng bố" hay không vẫn chưa được giải quyết.
Các lực lượng Hồi giáo cực đoan lại đang tập hợp lại, bắt đầu phản công, và theo giới truyền thông, nguy cơ các mối đe dọa đang “kéo đến” Aleppo. Lực lượng chính phủ đang rất suy yếu, nên họ chỉ có thể bảo vệ các mục tiêu của họ. Tình hình như vậy đòi hỏi Mỹ và Nga cần tăng cường hợp tác và viện trợ. Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là một dịp để lãnh đạo 2 nước thảo luận về vấn đề quan trọng này.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở lại là bạn bè
Thực tế cho thấy, vấn đề Syria không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ trước sau đều có thái độ không khoan nhượng đối với ông Assad và tương lai Syria. Chính vì thái độ đó, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành vi “phá hoại” khi bắn hạ máy bay Nga. Hành động này đã khiến mối quan hệ giữa Putin và Erdogan căng thẳng cực độ và đã có lúc ở bên bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự.
Chiến lược chính trị này làm hỏng các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với gần như tất cả các nước láng giềng. Nó cũng là một trong những lý do dẫn đến cuộc đảo chính (đã thất bại), các quan chức chính phủ sau đó đã kiểm soát được tình hình. Điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi phương thức của mình. Đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương cải thiện quan hệ với Israel, và sau đó Tổng thống Erdogan đến St Petersburg để hàn gắn quan hệ với Nga, và Putin sau đó đã tuyên bố rằng, quan hệ đã trở lại bình thường giữa hai quốc gia.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ xuất hiện bên nhau như bạn bè, và sẽ thảo luận về một số vấn đề mà 2 bên quan tâm, chẳng hạn như tình hình Trung Đông và Syria thời hậu chiến. Ông Erdogan đã thừa nhận rằng ông Assad có thể đóng một vai trò trong chính phủ chuyển tiếp của Syria. Ông cũng trông đợi sự bình thường hóa hơn nữa các mối quan hệ với Nga, trong đó có chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ của Nga./.
Bích Đào/VOV.VNTheo Russia- Direct

Biển Đông sẽ ra sao sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu?

Thứ 7, 06:30, 03/09/2016

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị G-20 ở Hàng Châu, báo chí thế giới đã đưa ra những dự đoán khác nhau về việc Trung Quốc sẽ làm Biển Đông dậy sóng như thế nào.
Sự “nhẫn nhịn” của Bắc Kinh sau phán quyết của PCA là có lý do, vì lần đầu tiên nước này được đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi. Họ chủ trương lái hội nghị chỉ bàn về kinh tế toàn cầu không đi sâu vào an ninh, nhất là không bàn đến những sai trái của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
bien dong se ra sao sau hoi nghi thuong dinh g-20 o hang chau? hinh 0
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép trên đó nhiều công trình quân sự. Ảnh: CSIS
Từ “nhẫn nhịn”
Học giả cao cấp về Chính sách Quốc phòng Harry J. Kazianis đã bình luận trên tờThời báo châu Á mới đây rằng, dù Trung Quốc gặp bất lợi sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc, không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ bó tay mà chỉ là kiềm chế để chọn thời cơ mà thôi.
Bắc Kinh lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-20 từ ngày 4 đến 5/9 tại thành phố Hàng Châu. Với mục tiêu nâng cao vị thế của một siêu cường mới nổi, Bắc Kinh đã chọn kịch bản thận trọng ở Biển Đông để tỏ ra họ có vai trò nước lớn có trách nhiệm và không bao giờ là nước khơi mào rắc rối.
Mặc dù sau phán quyết từ PCA, Trung Quốc đã gửi đi những thông điệp cứng rắn, nhưng trên thực địa nước này đã không có các bước leo thang nào đáng kể trong thời gian qua.
Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh cố “nhẫn nhịn” trước Hội nghị G-20 để phản ứng mạnh mẽ sau khi hội nghị đã kết thúc. Ngoài ra còn phải kể đến chiến thuật “giấu mình” để chờ thời điểm phản ứng thích hợp.
Thời điểm đó được cho là khi Mỹ - nước duy nhất có khả năng răn đe thực tế đối với Trung Quốc lại sắp lao vào nhiệm vụ quan trọng nhất là lựa chọn Tổng thống cho nhiệm kỳ 2017-2021.
Bắc Kinh đã chọn kịch bản kinh điển trên Biển Đông là “phát ngôn mạnh mẽ với nhiều tín hiệu, nhưng chưa có động thái leo thang”. Với tham vọng, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tập trung bàn thảo về kinh tế, không đi sâu vào an ninh, nhất là tránh bàn đến phán quyết từ PCA vừa qua.
Đến “thời cơ”
Một học giả cao cấp về chính sách quốc phòng của Trung Quốc cho rằng tháng 9 tới, sau thời điểm kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-20, có thể là thời gian thuận lợi để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà ít bị chú ý của dư luận quốc tế.
Giới quân sự Trung Quốc cũng cảm nhận rằng họ sẽ không phải chịu sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Obama muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình mà không bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng ở châu Á. Đó là một thuận lợi, chắc chắn Bắc Kinh không thể bỏ qua.
Mới đây, trang tin chính trị - quân sự National Interest dẫn lời lẽ trên tờ South China Morning Post của Trung Quốc cho biết, có thể Bắc Kinh sẽ có động thái lấn tới để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Cụ thể là cải tạo bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough mà nước này tranh chấp với Philippines. 
Và phản ứng của một số nước
Theo Reuters, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có vai trò thành viên G-20 có thể sẽ không quên đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, mặc dù Jakarta vẫn ưu tiên tăng cường hợp tác song phương với nước chủ nhà, hơn là đại diện cho các nước Đông Nam Á.
Ông Pierre Marthinus, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Marthinus Academy (Jakarta), nhận định trên tờ South China Morning Post rằng: Tổng thống Widodo “tập trung vào các lợi ích chiến lược của Indonesia” nhưng ông vẫn không quên nói về vấn đề Biển Đông.
Ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu chuyên về Indonesia thuộc Viện chính sách quốc tế Lowy (Australia) lại có nhận định khác: “Indonesia tự xem mình là một cường quốc đang lên ở Đông Nam Á, và vì thế sẽ tìm kiếm cảm hứng từ Trung Quốc cho các nỗ lực tăng trưởng kinh tế của mình khi đến Hàng Châu - Trung Quốc”.
Quan hệ song phương của Jakarta với Bắc Kinh có tác động quan trọng lên cả ba trụ cột của chiến lược trung tâm biến Indonesia thành “trục hàng hải của thế giới” của ông Widodo muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới và bảo vệ tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế.
Chuyên gia Connelly nhận định: “Tổng thống Widodo xem Trung Quốc như một đối tác quan trọng, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng. Vì thế, ông ấy sẽ không gây tác động gì lớn lên Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp tới, mà chỉ tập trung vào các cơ hội song phương”.
Tính đến năm 2014, thương mại song phương hai nước Trung Quốc - Indonesia đã đạt 50 tỷ USD và Indonesia dự kiến sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong gói tài trợ đầu tư hạ tầng 87 tỷ USD trong chiến lược “Một vành đai - Một con đường” của Bắc Kinh. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đã tăng đến 400% trong quý I/2016.
Quan hệ Jakarta - Bắc Kinh từng vấp phải căng thẳng từ đầu năm nay, xoay quanh việc Trung Quốc cho tàu cá đổ bộ hoạt động gần quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Trong bài phát biểu với quốc dân ngày 15/8, ông Widodo cam kết sẽ “bảo vệ từng tấc đất chủ quyền” của đất nước.
Tuy nhiên, trước đây Jakarta thường nhấn mạnh việc đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng trong vài năm gần đây, nước này cũng đã bắt đầu quan ngại trước sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, khiến vấn đề này trở thành “điểm nghẽn” trong quan hệ hai nước. Indonesia cũng đã từng tuyên bố không công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 7, Indonesia đã kêu gọi các bên “bảo vệ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tránh các hành động quân sự có thể uy hiếp hòa bình và ổn định khu vực”, yêu cầu Trung Quốc và Philippines tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Giới chức Trung Quốc cho đây là “động thái cho thấy Indonesia đang xa rời lập trường kiên định trước đây trong vấn đề này”.
Philippines cũng vừa mới thành lập đoàn đám phán với Trung Quốc do cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos dẫn đầu. Đây được xem là cuộc hội đàm có tính chất “phá băng” đầu tiên kể từ phán quyết của Tòa. 
Trang National Interest dẫn lại nguồn tin mà báo Trung Quốc dẫn lời rằng sẽ tạo sức ép khiến Philippines phải “hòa giải”. Còn Manila một mặt sẽ phải kìm hãm tranh cãi, mặt khác phải tìm kiếm những điều khoản thỏa hiệp để đạt được một sự hòa giải với Trung Quốc, trên cơ sở phán quyết từ PCA./.
CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Ông Vũ Khoan: "Tôi vẫn nhớ cảm giác bị cô lập và sức ép nặng nề”

30 năm ĐỔI MỚI nhìn từ ngành Ngoại giao:

 “Hồi chúng ta bị cô lập chính trị, bị bao vây kinh tế, cán bộ ngoại giao tham dự các hội nghị quốc tế rất cực vì bị cô lập hoàn toàn. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào”,  nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn nhớ như in về một thời gian khó.
LTS:Năm 2016 là năm đánh dấu chặng đường 30 năm ĐỔI MỚI và phát triển của đất nước. Từ một đất nước thu nhập kém, chậm phát triển, nay Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình, từ một đất nước trong thế bị bao vây cấm vận nay đã bình thường hóa quan hệ với hầu hết các quốc gia, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Để đạt được những thành tựu đó có phần đóng góp tích cực của hoạt động đối ngoại.
Tiếp mạch bài nhìn lại 30 năm ĐỔI MỚI, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Đối ngoại đã trợ thủ đắc lực cho đối nội
Năm 2016 đánh dấu chặng đường 30 năm ĐỔI MỚI và phát triển của đất nước, là người đã có những đóng góp lớn trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước, theo ông, cơ sở thực tiễn của công cuộc ĐỔI MỚI (trong lĩnh vực đối ngoại) đó là gì? Ông còn nhớ bối cảnh đất nước lúc bấy giờ như thế nào?
Ông Vũ Khoan: Đường lối, chính sách đối ngoại luôn xuất phát từ lợi ích và nhu cầu của đất nước cũng như cục diện thế giới, những xu thế lớn trên thế giới. Đối với nước ta, vào cuối những năm 80 thế kỉ trước nổi lên 3 câu chuyện.
Thứ nhất, đất nước ta bị khủng hoảng kinh tế - xã hội rất sâu sắc. Lúc bấy giờ nước ta trải qua cuộc lạm phát như phi mã, riêng năm 1986 chỉ số giá cả tăng lên gần 800%. Hồi đó tôi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô về mua được cái xe đạp và đã bán đi gửi tiền tiết kiệm phòng thân. Thế nhưng đến lúc đổi tiền thì giá trị xe đạp chỉ còn đủ mua được mười quả trứng. Tôi lấy ví dụ như vậy để hiểu lúc bấy giờ đời sống khó khăn nhường nào.
Lúc đó, Bộ Ngoại giao coi việc góp phần kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới chống lạm phát như thế nào để góp phần xử lí nạn lạm phát ở Việt Nam.
đối ngoại, đổi mới, Đại hội VI, Đại hội VII, Campuchia, Trung Quốc, Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào".Ảnh: infonet
Thứ hai, từ năm 1979, đất nước ta rơi vào thế bị cô lập về chính trị và bao vây về kinh tế với cái cớ là “Việt Nam đưa quân xâm lược Campuchia”. Thực ra đó là cái cớ nguỵ tạo vì quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh xương máu để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Lúc ấy, cán bộ ngoại giao tham dự các hội nghị quốc tế rất cực vì bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt anh chị em hoạt động ở Liên Hợp Quốc đã gánh chịu nỗi khổ đó vì bất kì cuộc họp nào họ cũng nêu vấn đề Campuchia để công kích ta.
Tôi được phân công xử lí vấn đề người ra đi bằng thuyền, do đó đã dẫn đầu một đoàn sang dự Hội nghị ở Kuala Lumpur về chủ để này, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào.
Thứ ba, các nước đồng minh chủ yếu của nước ta lúc đó là Liên Xô và các nước Đông Âu. Cuối những năm 80 thế kỉ trước, các nước này rơi vào khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, năm 1991 thì Liên Xô tan rã. Cộng đồng xã hội chủ nghĩa giải thể đã gây tác động nghiêm trọng đến nước ta vì chỉ riêng về kinh tế, viện trợ của các nước này chiếm tới trên dưới 70% ngân sách của nước ta.
Tôi còn nhớ lúc ấy Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn về những đối sách kinh tế. Đồng chí Đỗ Mười cho biết tình hình kinh tế đất nước rất khó khăn, những mặt hàng chủ yếu như sắt thép, xăng dầu, phân bón… đều gần cạn và yêu cầu các ngành phải tìm mọi biện pháp để cứu vãn tình hình.
Tôi nêu 3 đặc điểm trên để thấy tình hình trong nước lúc đó bức bách thế nào. Người ta nói chính sách đối ngoại là sự nối tiếp của chính sách đối nội. Theo tôi, nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ, mà cần phải hiểu chính sách đối ngoại là trợ thủ của chính sách đối nội.
Đại hội VI đã được tiến hành vào thời điểm có những đặc điểm nói trên và đã đưa ra những quan điểm rất mới mang tính đột phá được gọi là đổi mới tư duy. Riêng về phần đối ngoại, lần đầu tiên văn kiện Đảng đã nói tới quá trình quốc tế hoá và đánh giá rằng trên thế giới đang hình thành một thị trường một nền kinh tế, trong đó các nền kinh tế vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Những ý tưởng ĐỔI MỚI như vậy rất quan trọng, không có chúng thì không thể có chính sách mở cửa mà sau này chúng ta gọi là hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau Đại hội VI, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết sách rất quan trọng. Ví dụ, Đảng và Nhà nước ta đã nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước là tranh thủ điều kiện hoà bình để phát triển từ đó đã quyết định rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, thúc đẩy quá trình tìm kiếm giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN…
Những quyết sách như vậy đã đặt nền tảng cho đường lối chính sách ngoại giao suốt 30 năm qua.
Chúng tôi có thể hiểu, Đại hội VI mới chỉ manh nha ý tưởng, còn Đại hội VII mới thực sự là bước ngoặt hình thành nên chính sách đối ngoại thời kì ĐỔI MỚI có đúng không, thưa ông?
Ông Vũ Khoan: Đúng vậy. Đại hội VI của Đảng đã phát động công cuộc ĐỔI MỚI toàn diện cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, riêng về đối ngoại, Đại hội mới đưa ra một số cách tiếp cận mới song chưa hình thành một chính sách toàn diện. Phải tới Đại hội VII, đường lối chính sách đối ngoại trên tinh thần ĐỔI MỚI mới hình thành. Đặc biêt, Hội nghị TƯ 3 khoá VII đã thông qua Nghị quyết về chính sách đối ngoại chính trị lẫn kinh tế. Như vậy có thể nói, Đại hội VII là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp ĐỔI MỚI về đối ngoại.
Những tư tưởng Đại hội VI là mang tính mở đường, cởi bỏ những tư duy giáo điều, lạc hậu.
Mạnh dạn bước sang con đường đúng
Ông có thể phân tích kỹ hơn về những điểm mới trong chính sách đối ngoại của thời kì ĐỔI MỚI mà chúng ta đã trải qua?
Ông Vũ Khoan: Đường lối chính sách đối ngoại trong thời kì ĐỔI MỚI chứa đựng rất nhiều điều mới mẻ.
Bất kì quốc gia nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều theo đuổi ba mục tiêu đối ngoại: giữ vững độc lập chủ quyền, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước mình. Trong thời kì ĐỔI MỚI, chúng ta cũng xác định 3 mục tiêu chủ yếu đó. Chúng gắn kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhiệm vụ tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm vì trong chính sách đối nội phát triển kinh tế - xã hội được coi là nhiệm vụ trung tâm.
Nói như vậy không có nghĩa là nới lỏng mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế của đất nước. Vấn đề chỉ là xếp đặt trình tự ưu tiên, định hướng cho hoạt động đối ngoại trên thực tế.
Để thực hiện những mục tiêu nói trên thì đường lối chính sách đối ngoại phải xác định được tư tưởng chủ đạo. Đảng và Nhà nước ta đã xác định tư tưởng chủ đạo coi lợi ích dân tộc là tối thượng. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà trước sau như một, vẫn nhận rõ trách nhiệm quốc tế của mình là đóng góp vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Thể theo tư tưởng chỉ đạo trên, chúng ta luôn luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; còn làm thế nào để thực hiện mục tiêu đó thì chúng ta vận dụng tư tưởng của Bác Hồ là dĩ bất biến ứng vạn biến, vận dụng các sách lược thiên biến vạn hoá, cơ động linh hoạt. Bây giờ, những điều này trở nên rất quen thuộc, nhưng 30 năm trước thật ra không đơn giản vì chúng ta đã sống và hoạt động trong chiến tranh lạnh khi thế giới bị phân chia hai cực.
Đi liền với việc xác định mục tiêu và tư tưởng chỉ đạo, Đảng đã đề ra một loạt các phương châm tư tưởng chỉ đạo.
Nếu như trước đó chúng ta tuân theo phương châm đứng hẳn về cộng đồng xã hội chủ nghĩa thì trong thời kì ĐỔI MỚI, khi cộng đồng Xã hội chủ nghĩa không còn thì ta chủ trương theo đuổi chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quán hệ quốc tế. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới sau thời kì chiến tranh lạnh.
đối ngoại, đổi mới, Đại hội VI, Đại hội VII, Campuchia, Trung Quốc, Vũ Khoan
Các vị lãnh đạo cấp cao bỏ phiểu tại Đại hội VI. Ảnh tư liệu.
Một phương châm khác là chúng ta chủ trương trong quan hệ quốc tế luôn luôn có hai mặt: hợp tác và đấu tranh. Thực ra trong thế giới ngày nay mỗi quốc gia đều theo đuổi lợi ích riêng của mình; có khi những lợi ích đó song trùng nhau nhưng cũng có nhiều khi lợi ích quốc gia khác biệt nhau. Về sau này, chúng ta làm rõ mối quan hệ giữa “đối tác” và “đối tượng”.
Điều đó có nghĩa là, trong khi là đối tác với nhau vẫn có sự khác biệt cần được xử lí; tuy có khi là đối tượng tranh chấp song vẫn có những điểm song trùng lợi ích. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ biện chứng trong mối quan hệ quốc tế. Tinh thần chung của chúng ta là hợp tác càng nhiều càng tốt song không lệ thuộc; khi có sự khác biệt, mâu thuẫn thì tìm cách giải quyết chủ yếu bằng phương pháp ngoại giao, đàm phán hoà bình, tránh làm đổ vỡ quan hệ quốc tế.
Một phương châm khác mà chúng ta theo đuổi là “thêm bạn, bớt thù”. Chính vì vậy mà từ Đại hội VII trở đi, ta đã nêu tư tưởng Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và ta đã xây dựng đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều quốc gia trong đó có tất cả các nước lớn trên thế giới. Tư tưởng này Bác Hồ đã nêu năm 1946 khi khẳng định: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với ai.
Trong mối quan hệ quốc tế, chúng ta đã có bước điều chỉnh quan trọng theo hướng dành mối quan tâm hàng đầu cho sự hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung, đồng thời coi trọng quan hệ với các nước lớn trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lãng quên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, với các nước dân tộc độc lập và các lực lượng ưa chuộng hoà bình và công lí trên thế giới.
Một chính sách lớn trong thời kì ĐỔI MỚI là chủ trương hội nhập quốc tế. Thực ra, cụm từ “hội nhập kinh tế quốc tế” chỉ xuất hiện năm 1995 tại Đại hội VIII và kể từ Đại hội X chúng ta nêu chủ trương hội nhập quốc tế nói chung chứ không riêng gì hội nhập kinh tế quốc tế.
Như mọi người đều biết ngày nay, nước ta bước vào thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng chưa từng có với hàng loạt các thoả thuận về khu mậu dịch tự do với 55 quốc gia đồng thời Việt Nam tham gia rất tích cực vào các thể chế chính trị, an ninh, văn hoá, xã hội của thế giới.
Chính sách đúng là rất quan trọng, nhưng trong ngành ngoại giao, nhiều khi bước đi lại quyết định thành bại chứ không chỉ là vấn đề chính sách. Chúng ta đã có những bước đi ngoại giao trong bối cảnh đất nước ĐỔI MỚI như thế nào thưa ông?
Ông Vũ Khoan: Đúng như vậy, để đường lối chính sách được thực hiện thành công, trong ngoại giao “bước đi” có ý nghĩa rất quan trọng.
Từ sau Đại hội VI, chứ không cần đợi đến Đại hội VII, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phải ưu tiên giải quyết vấn đề Campuchia.
Theo hướng đó, ta đã chủ động quyết định sớm hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, mở đường cho Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia. Đó chính là khâu đột phá để đầy lùi chính sách bao vây cô lập Việt Nam.
Tận dụng khâu đột phá đó ta đã bình thường hoá quan hệ với các nước trên thế giới.
Tôi còn nhớ, lúc ấy Bộ Chính trị quyết định tiến hành một loạt chuyến thăm cấp cao đi các nước. Vấn đề chỉ là đi nước nào trước, nước nào sau. Trong một cuộc họp lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã gọi tôi ra một góc phòng để trao đổi xem hành trình nên như thế nào cho hợp lí.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, đoàn Chính phủ ta do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu đã đi thăm một loạt nước Đông Nam Á; đoàn đại biểu cấp cao do Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã đi thăm Trung Quốc, tiếp tới là các chuyến thăm Nhật Bản, Austraylia, NewZealand rồi tới Châu Âu.
Trong tình hình đó, Hoa Kì đã từng bước xoá bỏ chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Năm 1995 đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta.
Đó là những mốc quan trọng đánh dấu việc đẩy lùi chính sách bao vây cô lập Việt Nam.
Trong sự nghiệp hội nhập quốc tế, chúng ta cũng đi từng bước từ thấp đến cao: bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế, gia nhập ASEAN năm 1995, tham gia ASEM 1996; tham gia APEC năm 1998; kí Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kì năm 2000; gia nhập WTO năm 2006….
Còn nữa
Kỳ Duyên - Lan Anh – Huỳnh Phan

TT Obama "dằn mặt" Trung Quốc về biển Đông trước G20


03/09/2016 08:13

(NLĐO)- Trung Quốc cần phải trách nhiệm hơn khi có được sự ảnh hưởng toàn cầu và tránh phô trương “cơ bắp” trong tranh chấp với các nước nhỏ hơn trong những vấn đề như biển Đông.

Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn với đài CNN dự kiến được phát sóng vào ngày 4-9 tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị lên đường tới Trung Quốc tham dự G20. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị lên đường tới Trung Quốc tham dự G20. Ảnh: Reuters
Trước thềm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới, ông chủ Nhà Trắng khẳng định một cách dứt khoát rằng Mỹ ủng hộ Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình", nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng "sức mạnh lớn, trách nhiệm càng cao". Cuộc phỏng vấn với CNN được thực hiện hôm 2-9.
"Nếu bạn ký kết một hiệp ước kêu gọi sử dụng biện pháp trọng tài quốc tế giải quyết các vấn đề trên biển, thì thực tế là dù bạn có lớn hơn Philippines hay Việt Nam hoặc các nước khác, đó không phải là lý do để bạn đi khắp nơi phô trương sức mạnh" – Tổng thống Obama nói . "Bạn phải tuân theo luật pháp quốc tế".
Lời lẽ trên của ông Obama rõ ràng nói về hành động Bắc Kinh ngang ngược chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7 bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên biển Đông, dù Trung Quốc đã ký kết Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Người đứng đầu nước Mỹ cho biết Washington đã hối thúc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để góp phần xây dựng một trật tự thế giới vững mạnh. "Ở những nơi Trung Quốc vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế như tại biển Đông hay với một số hành vi của họ trong chính sách kinh tế, chúng tôi luôn rất cứng rắn. Chúng ta phải cho họ thấy các hành động đó sẽ phải hứng chịu hậu quả"- ông Obama nói
Tổng thống Mỹ còn khẳng định rằng Trung Quốc đừng mong theo đuổi những chính sách hám lợi, chỉ làm lợi cho bản thân khi đã có ảnh hưởng hơn và trở thành quốc gia thu nhập trung bình.
Đỗ Quyên (Theo Reuters

Ông trời ơi, tội ông to lắm!

Gần đây, liên tiếp các công trình nghìn tỷ chưa hoàn thành đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Được biết, vì tất cả đều thi công đúng quy trình nên “thủ phạm” không ai khác chính là… ông trời!

Thưa ông trời!
Đầu thư, cho tôi gửi lời hỏi thăm ông. Có lẽ mùa này tình hình sức khỏe của ông không được ổn định, cứ mưa nắng thất thường, gió bão liên miên khiến người dân chúng tôi lo lắng bất an. Không hẳn là lo cho ông, mà lo cho các công trình nghìn tỷ đang thi công dở dang, cứ vài ngày lại nghe tin công trình này sụt lún, mấy bữa lại tượng đài xuống cấp,…
Nguyên nhân không phải bởi nhà thầu, càng không phải bởi đơn vị thi công, chắc chắn không thể do cơ quan quản lý. Vì vậy nên đối tượng duy nhất phải chịu trách nhiệm về những vụ việc này không ai khác chính là ông!
Chắc hẳn dạo gần đây, ông bị hắt xì hơi liên tục vì không hiểu sao mà tên ông bị kêu nhiều đến thế phải không. Đừng vội thắc mắc. Để tôi kể ông nghe.

Đầu tiên phải nói đến sự xuống cấp với mức độ tăng dần đều của tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại TP Ninh Bình.
Cỏ mọc um tùm như không có người chăm sóc. Ảnh: Hồng Nhung.
Cách đây không lâu, một vị quan chức nào đó của tỉnh đã nói đại ý rằng: xây tượng đài để đáp ứng nguyện vọng và tấm lòng của người dân. Vì mục đích cao cả ấy, hòa chung trong không khí tưng bừng xây tượng đài nghìn tỷ của cả nước, dù đã có đến 23 di tích thờ vị vua này ở TP Ninh Bình thì tượng đài nghìn tỷ Đinh Tiên Hoàng Đế tọa lạc tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế vẫn được xây lên.
Ban đầu tôi cứ nghĩ số vốn đầu tư xây dựng chỉ khoảng 15 tỷ, hoặc cùng lắm 150 tỷ thôi. Nhưng không phải, hơn 1.500 tỷ. Chính xác là 1.543 tỷ.
Thực ra thì con số này chẳng nhằm nhò gì so với số tiền tham nhũng mà một số cán bộ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước dạo gần đây. Nhưng vấn đề ở chỗ, công trình này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều phần của tượng đài như cổ tay, cánh tay hay khuỷu tay bị ăn mòn, thủng những mảng lớn xen lẫn những vết mốc đen trông không khác gì bị thương. Sân khánh tiết xây dựng dở dang, nhiều mảng vỡ ngổn ngang, nứt nẻ…
Một góc sân khánh tiết bị hỏng hóc. Ảnh: Hồng Nhung.
Tiếp theo phải kể đến vụ việc sập đổ 3 dầm cầu tại công trình cầu vượt đường cao tốc La Sơn- Túy Loan đi qua xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cách đây một tuần. May là không có thiệt hại về người, và cũng may là công trình chưa đưa vào sử dụng.
Và ông biết nguyên nhân của cả hai vụ việc trên là gì không? Tại ông đấy chứ còn ai nữa. Này nhé! Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh – Phó Chủ tịch UBND TP. Ninh Bình cho biết, một trong những lý do khiến công trình xuống cấp bởi: “vừa qua, tỉnh Ninh Bình có xảy ra bão mạnh, dẫn đến hư hỏng và thiệt hại nhiều công trình chứ không phải một mình khu tượng đài và quảng trường. Mặc dù đơn vị thi công đã xây sửa lại, nhưng vẫn chưa triệt để".
Còn về 3 chiếc dầm cầu tại công trình cầu vượt đường cao tốc nối Huế - Đà Nẵng kia, ông Phạm Văn Quyên – Giám đốc phụ trách thi công dự án đã trả lời báo chí rằng do mưa nên đất lún khiến dầm cầu bị gãy.
Tôi tin họ vì ít ra họ còn có lời giải thích chứ không im lặng như ông, ông trời ạ! Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Tôi tin tưởng tuyệt đối vào hai lời giải thích đầy tính thuyết phục trên bởi họ đã nói rõ ràng như vậy, còn ông thì không. Nên tất nhiên, ông là người có lỗi trong chuyện này.
Ông biết không, vì những hậu quả mà ông gây ra, có khi ban quản lý các dự án và công trình ấy lại phải xin thêm kinh phí để trùng tu, bảo dưỡng hay… làm thêm mái che mưa nắng cho tượng đài hay công trình cũng nên.
Ông đừng thắc mắc tại sao chúng tôi xây nhiều công trình như vậy. Bởi “có làm thì mới có ăn” nhưng “làm” gì và “ăn” như thế nào lại không phải chuyện người dân chúng tôi có thể hiểu được.
Ông đừng mưa nắng thất thường, đợi người ta xây xong hẵng mưa bão xem người ta còn đổ tại ông nữa không? Nhưng chắc ông chờ lâu quá sốt ruột không chịu được. Thôi thì đằng nào người ta cũng đổ tại ông rồi. Theo đúng quy trình dưới hạ giới thì ông phải nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc đấy nhé! Còn nếu đứa nào nói điêu, nói láo, ông cứ vặn cổ lè lưỡi chúng nó ra.
Bức thư này không có ý định đổ lỗi cho ông như chúng tôi đã từng làm với “thằng đánh máy” mà chỉ nhằm phân tích vấn đề và góp ý với ông vài điều trên tinh thần xây dựng.
Mong ông sức khỏe và lần sau, muốn mưa nắng gì thì phải để ý, không được bạ đâu mưa đấy mà phải tránh các khu vực có công trình nghìn tỷ ra ông nhé!
Thân ái!
Thảo Dân
( Người đưa tin)