Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Trường Lê Quý Đôn tưng bừng khai giảng bằng “Pháp luân đại pháp”

(Xã hội) - Sự việc kỳ lạ này diễn ra tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến cho nhiều học sinh, phụ huynh choáng váng.

Trong chương trình khai giảng ngày 5/9 tại ngôi trường này đã diễn ra màn biểu diễn văn nghệ “có một không hai”, với khoảng 60 người xếp hàng chiếm toàn bộ diện tích sân khấu.
Loại nhạc mà nhóm người này chơi trong lễ khai giảng ở Trường THCS Lê Quý Đôn không phải nhạc Việt Nam.
Rất nhiều học sinh và phụ huynh bất ngờ trước tiết mục này, nhưng choáng váng nhất là màn kết, các băng rôn màu xanh tung ra với một dòng chữ “Falun Dafa”, trong khi tiếng Việt ghi là “Pháp luân đại pháp”.
Nhiều phụ huynh, học sinh choáng váng vì màn biểu diễn “Pháp luân đại pháp”. ảnh lan truyền trên internet, không rõ tác giả
Chứng kiến lễ khai giảng này, rất nhiều phụ huynh tỏ rõ thái độ không hài lòng, khi mà cả ngôn ngữ lẫn âm nhạc đều không phải của Việt Nam.
Ngay trên áo của nhóm người này cũng có in các chữ nước ngoài, không ai biết các chữ đó có nghĩa gì?
Vì sao không sử dụng các tiết mục múa hát của các em học sinh trong trường mà phải cần đến một đội kèn đồng sử dụng ngôn ngữ nước ngoài như vậy?
Trường THCS Lê Quý Đôn, nơi xảy ra sự cố “Pháp luân đại pháp”. ảnh: Ngọc Quang.
Chiều 6/9, phóng viên đã đến Trường THCS Lê Quý Đôn liên hệ làm việc với Hiệu trưởng – bà Đàm Thu Hương, để tìm hiểu về sự việc trên.
Tuy nhiên, sau khi cán bộ bảo vệ nhận giấy giới thiệu mang lên báo cáo đã quay xuống cho biết, nhà trường yêu cầu liên lạc qua Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy.
Với lối đá bóng trách nhiệm như vậy, liệu bà Đàm Thu Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn có thoái thác trách nhiệm khi để xảy ra sự cố trên?
Thiết nghĩ, Trường THCS Lê Quý Đôn cần thẳng thắn đối diện với sự thật, không nên né tránh.
(Theo Giáo Dục)

Dư luận viên Trung Quốc bị chặn bình luận về bộ " SƯỜN RÁN"...cách tân của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên

Trung Quốc chặn bình luận về trang phục cách tân của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên

Dân trí Phu nhân Chủ tịch Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên, đã gây sự chú ý tại yến tiệc tiếp đón lãnh đạo G20 diễn ra tối qua 4/9 tại thành phố Hàng Châu với váy sườn xám (hay xường xám) truyền thống.
 >> Chuyện hậu trường của hội nghị G20 ở Trung Quốc
 >> Trung Quốc mở yến tiệc xa hoa thiết đãi lãnh đạo G20


Bà Bành Lệ Viên tại yến tiệc tiếp đón lãnh đạo G20. (Ảnh: Reuters)
Bà Bành Lệ Viên tại yến tiệc tiếp đón lãnh đạo G20. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, những người hâm mộ lại không thể dùng mạng xã hội để đưa ra bình luận như vẫn làm bởi tình trạng kiểm duyệt mạng trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Theo chỉ số đánh giá mức độ kiểm duyệt Weiboscope do Đại học Hong Kong đưa ra, ngày 4/9 có thể nói là ngày Trung Quốc siết kiểm duyệt mạng chặt nhất kể từ tháng 8/2015 - thời điểm xảy ra hai vụ nổ lớn tại thành phố cảng Thiên Tân.
Cụ thể, khoảng 18 bài viết trong số hàng chục nghìn bài viết trên mạng xã hội Weibo hôm qua đã bị kiểm duyệt. Những từ khóa như “đất nước”, “hội nghị”, “sân bay” và Hàng Châu đều bị kiểm duyệt.
Trước đây, những bộ váy của bà Bành thường có hàng chục nghìn bình luận trên các mạng xã hội của Trung Quốc, ca ngợi vẻ đẹp của đệ nhất phu nhân.
Tuy nhiên, cho đến sáng nay 5/9, bàn luận về bộ váy của bà Bành dường như không xuất hiện trên mạng xã hội nổi tiếng nhất Trung Quốc là Weibo. Kiểm duyệt được thực hiện gắt gao trên Internet vì hội nghị thượng đỉnh G20.
Từ trước đến nay, các váy dạ tiệc của bà Bành đều nhận được hàng chục nghìn bình luận trên mạng Weibo của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến tận sáng nay 5/9, những bài viết, những tranh luận về trang phục của bà Bành tại yến tiệc chiêu đãi lãnh đạo G20 vẫn hiếm hoi trên Weibo hay truyền thông.

Đệ nhất phu nhân Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Đệ nhất phu nhân Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Bà Bành Lệ Viên và Michelle Obama có thể coi là 2 Đệ nhất phu nhân nổi tiếng với phong cách ăn mặc thời trang. Bà Bành đã chinh phục trái tim của nhiều người ủng hộ vì sự tự tin và gu thời trang, khác hẳn với các phu nhân Chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm.
Không để người hâm mộ thất vọng, trong yến tiệc, bà Bành đã lựa chọn một chiếc đầm sườn xám cách tân màu xanh sapphire với họa tiết thêu hoa văn nhẹ nhàng, trong khi tay cầm chiếc xắc nhỏ cùng tông màu và đi đôi giày màu đen cổ điển.
“Thật tuyệt. Chiếc sườn xám thật ấn tượng. Tôi cho 8/10 điểm”, William Tang, một trong những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất Hong Kong, nhận định. Tuy nhiên, nhà thiết kế này cũng cho rằng, chiếc váy may cách tân nên nó “quá ngắn”, nên để dài thêm 15cm.
Minh Phương
Theo SCMP

Trung Quốc và bài toán hóc búa để giải quyết nợ

Thu Hằng

mediaMột góc chợ ở Hàng Châu (Hangzhou), Trung Quốc, ngày 09/08/2016.REUTERS/China Daily
Trung Quốc, nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc ngày 05/09/2016, là chủ đề được hai nhật báo Le Monde và Le Figaro quan tâm. Tổng nợ của Trung Quốc đã vượt 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tiếp tục tăng với nhịp độ đáng ngại. « Bài toán hóc búa của Trung Quốc để giải quyết nợ » được phân tích trong chuyên trang « Kinh Tế » của nhật báo Le Monde.
« Quả bom nổ chậm »« Cơn sóng thần tài chính »… là những cụm từ được giới phân tích đánh giá về tổng số nợ của Trung Quốc. « Chủ đề này khiến mọi người bận tâm (…) và không chỉ riêng ở châu Á » là lời bình luận của chuyên gia Louis Kuijs thuộc Oxford Economics và từng là kinh tế gia tại văn phòng Bắc Kinh của Ngân Hàng Thế Giới.
Thực vậy, từ khoảng cuối năm 2006 đến cuối năm 2015, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm các gia đình, doanh nghiệp (trừ lĩnh vực ngân hàng), Nhà nước và địa phương, đã tăng từ 151,4% lên thành 255% GDP của đất nước. Nhà kinh tế học Barry Eichengreen, thuộc đại học Berkeley, California, nhấn mạnh : Không một quốc gia nào trên thế giới có số nợ tăng nhanh đến như vậy trong cùng giai đoạn này, thậm chí là trong suốt lịch sử.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng vọt như vậy ? Theo nhật báo Le Monde, chính kế hoạch phục hồi kinh tế được Bắc Kinh bắt đầu vào năm 2009 là nguyên nhân chính. Chính quyền Trung Quốc bơm hơn 4.000 tỉ nhân dân tệ (536 tỉ euro, chiếm 13% GDP) để đối chọi với hậu quả của tình trạng phát triển chậm lại của thế giới. Pham Thuy Van, chuyên gia kinh tế của Groupama Asset Management, nhắc lại : « Các ngân hàng nhà nước cho các địa phương và các công ty quốc doanh vay tràn lan, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng ».
Thế nhưng, các khoản cho vay tín dụng trên góp phần làm tăng sản lượng dư thừa trong lĩnh vực công nghiệp : có quá nhiều nhà máy so với lượng cầu. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp nhà nước không có cơ chế quản lý tốt, ít lợi nhuận, sẽ không bao giờ hoàn trả được các khoản vay.
Tình hình trên khiến nhiều chuyên gia e rằng Trung Quốc sắp trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, tương đương với cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ sau xì-căng-đan bong bóng địa ốc năm 2007. Họ đánh giá nếu tín dụng tiếp tục tăng với nhịp độ như trên mà không có biện pháp thay đổi, thì sẽ khó tránh khỏi một thảm họa sau này.
Ngược lại, các chuyên gia tỏ ra lạc quan thì cho rằng « không có lý do gì phải lo lắng ». Vì chính quyền Trung Quốc có đủ mọi phương tiện để can thiệp trong trường hợp rủi ro. Tổng nợ của trung ương chỉ đạt ở mức 27% GDP. Nếu tính cả tổng nợ của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tổng nợ công chung (trong đó có cả các địa phương), thì con số này chiếm 80% GDP, vẫn nằm trong giới hạn « chịu được ».
Lý do thứ hai là « phần lớn nợ của Trung Quốc được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ và trong nội bộ đất nước », như vậy Bắc Kinh « sẽ không phải chịu áp lực từ phía các chủ nợ nước ngoài. Điều này hạn chế những rủi ro dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và nguy cơ lan truyền », theo nhận định của Hui Feng, thuộc Viện Griffith Asia Institute, đại học Griffith, Úc.
Nắm rõ vấn đề, Bắc Kinh hứa sẽ giải quyết tình hình. Thế nhưng, hạn chế nợ sẽ đồng nghĩa với việc đưa ra những biện pháp cải cách khó khăn, liên quan đến chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình tăng trưởng nhờ tiêu dùng và dịch vụ, thay vì xuất khẩu và đầu tư. Chính vì vậy, nhà nước để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tự phá sản. Tình trạng này lại dẫn đến tỉ lệ người thất nghiệp tăng vọt và có thể là nguyên nhân dẫn đế những biến loạn xã hội.
Những hậu quả này giải thích tại sao chính phủ không muốn nhanh chóng tiến hành đường lối trên mà muốn một quá trình chuyển đổi chậm mà chắc. Trung Quốc có thể sẽ không rơi vào khủng hoảng tài chính, nhưng nền kinh tế nước này sẽ phát triển chậm hơn, có thể giống trường hợp của Nhật Bản trong thập niên 1990.
Tổng thống Obama thúc Bắc Kinh tôn trọng luật hàng hải quốc tế
Dù chỉ còn vài tháng là hết nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn không có ý định tránh những chủ đề khiến người đồng nhiệm Trung Quốc « phật lòng » tại hội nghị thượng đỉnh G20. Theo Le Figaro, « Luật hàng hải quốc tế đã được tổng thống Obama thúc giục Bắc Kinh tôn trọng ».
Bài báo cho biết nước chủ nhà G20 muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế vai trò của một nước lãnh đạo có trách nhiệm trước một thế giới đầy xáo động. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hạn chế nội dung các cuộc thảo luận chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế và môi trường. Thế nhưng, bất chấp ý định của Trung Quốc, ngay trước thềm thượng đỉnh, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh đến chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông, đồng thời khẳng định nhiệm vụ mà Hoa Kỳ thực hiện tại vùng này.
Trong buổi làm việc kéo dài 4 giờ với chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã thúc giục Trung Quốc « tôn trọng các nghĩa vụ của mình » liên quan đến Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trước đó, tức giận vì phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, Bắc Kinh từng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau giật dây và tiếp tục khẳng định chủ quyền lịch sử trên hầu hết khu vực Biển Đông. Trong buổi làm việc với tổng thống Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc « sẽ tiếp tục kiên quyết giám sát chủ quyền và quyền hàng hải của mình tại Biển Đông ». Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ sẽ giải quyết các tranh chấp một cách « hòa bình » và yêu cầu Hoa Kỳ đóng « vai trò xây dựng » trong vùng.
Trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng diễu võ giương oai ở Biển Đông, Washington cho biết tiếp tục đảm bảo « an ninh » cho các đồng minh trong khu vực. Ngày 04/09, Philippines đã thể hiện « quan ngại sâu sắc » của nước này liên quan đến sự kiện các tầu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở ngoài khơi bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp.
Một số chủ đề khác dễ gây mất lòng Trung Quốc cũng được tổng thống Obama đề cập, như yêu cầu Bắc Kinh tạo điều kiện cho một môi trường thương mại « cởi mở », đề nghị chính quyền cộng sản tôn trọng « nghĩa vụ bảo vệ tự do tín ngưỡng đối với công dân Trung Quốc ».
Về phần mình, ông Tập Cận Bình nhắc lại lời phản đối việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc.
Angela Merkel bị phản công vì chính sách nhập cư
Thời sự châu Âu nổi bật là chính sách nhập cư của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày càng bị phản đối dữ dội, ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo (CDU) của bà cũng như tại vùng Mecklenburg-Vorpommern, thường bầu cho CDU. Sự bất tín nhiệm này được phản ánh thông qua kết quả cuộc bầu cử cấp vùng diễn ra ngày 04/09/2016.
Le Figaro nhận định : « Đảng của bà Angela Merkel bị phe dân túy đánh bại ». Thực vậy, đảng CDU của thủ tướng Đức đã đạt kết quả thảm hại nhất tại vùng Mecklenburg-Vorpommern, thậm chí là trong suốt lịch sử của đảng, với khoảng 19% số phiếu (xếp vị trí thứ ba) và thua cả đảng AfD với kết quả 21,4%. Le Figaro nhận định dường như chiến dịch vận động bầu cử của phong trào dân túy AfD, chủ yếu là phản đối chính sách nhập cư và thủ tướng Đức, đã thu được kết quả.
Cũng chung nhận định trên, trang nhất của Les Echos chạy tựa : « Phe dân túy giáng một đòn mạnh vào Merkel ». Đây là lần đầu tiên, AfD vượt qua đảng CDU của bà Angela Merkel. Theo Les Echos, đây là lời báo động nghiêm khắc đối với thủ tướng Đức khi cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra trong năm tới và là dấu hiệu phản đối chính sách nhập cư của người đứng đầu chính phủ.
Với La Croix, cuộc bầu cử cấp vùng tại Đức là một bài trắc nghiệm đối với đảng CDU. Một năm kể từ khi Berlin mở cửa biên giới với người nhập cư, « Vấn đề di dân là chủ đề chính của các cuộc tranh luận chính trị ».
Trang nhất của Libération là hàng tựa lớn : « Merkel bị trừng phạt ». Hiện đang bị suy yếu vì chính sách nhập cư đầy dũng cảm nhưng lại bị chỉ trích kịch liệt, liệu người đứng đầu chính phủ Đức có thay đổi chiến lược không ?
Bầu cử Mỹ : Cả Clinton lẫn Trump bị bất tín nhiệm ngang nhau
Chỉ còn hai tháng là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, cả Trump và Clinton đều có mức bất tín nhiệm ngang nhau. Trong khi đó, phe Cộng Hòa vẫn tiếp tục bị chia rẽ trước những bài diễn văn gần đây của ứng viên Donald Trump.
Theo nhật báo Les Echos, sau nhiều tuần vượt qua đối thủ đảng Cộng Hòa, tỉ lệ ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton giảm xuống một cách đáng ngại. Theo kết quả thăm dò của Washington Post-ABC News công bố vào tuần trước, 56% cử tri có ý kiến tiêu cực về bà Clinton, giảm 6 điểm chỉ trong vòng một tháng. Hai nguyên chính vẫn là quỹ của nhà Clinton và việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi bà còn là ngoại trưởng Mỹ.
Ngày lễ Lao Động Mỹ 05/09 cũng là mốc đánh dấu sự mất uy tín của ứng viên đảng Cộng Hòa, khi nhà tỉ phú không ngừng chỉ trích đảng của mình thiếu hợp tác. Bài phát biểu về tình hình nhập cư ngày 01/09 của ông Donald Trumps cũng dội gáo nước lạnh vào mọi hy vọng giảm bớt căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng Hòa.
Trang nhất các nhật báo
Thời sự chính trị Pháp được hai nhật báo Le Monde và Le Figaro đề cập nhân sự kiện các đảng phái bắt đầu năm mới. Đảng cực hữu Front National được Le Monde phản ánh trên trang nhất với hàng tựa « Marine Le Pen đi tìm chiến lược tranh cử tổng thống ». Còn nhật báo Le Figaro thì nhận định : « Tranh cử tổng thống : căng thẳng bên cánh hữu dịu xuống, cánh tả tan nát ».
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến thời sự nước Pháp nhưng trên khía cạnh kinh tế. Nhờ việc « Các ngân hàng mở van tín dụng », nên vào tháng 7/2016, các khoản vay tín dụng mua bất động sản đã đạt một mức kỷ lục và « tín dụng tiêu dùng » vẫn ở mức năng động. Les Echos nhận xét chính sách lãi suất thấp của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Về tình hình xã hội, người Hoa tại Pháp lại xuống đường vào ngày 04/09 thể hiện sự tức giận và lo lắng về tình trạng an ninh đối với họ được Le Figaro đề cập.
Hai chủ đề liên quan đến châu Âu được đề cập là « Bốn kịch bản cho Brexit » trên trang nhất của La Croix và « Chính sách người nhập cư : Merkel bị phản ứng dữ dội » trên Libération.

Thủ tướng Nhật: “Trung Quốc từ lâu là người bạn quan trọng”

Ông Tập Cận Bình nói với ông Shinzo Abe rằng mối quan hệ Trung-Nhật đã bước vào một giai đoạn mà “không có bước tiến nghĩa là thụt lùi”...

Thủ tướng Nhật: “Trung Quốc từ lâu là người bạn quan trọng”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
AN HUY
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có một cuộc gặp song phương vào ngày 5/9 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, giữa lúc căng thẳng Trung-Nhật gia tăng vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.

Hãng tin Bloomberg cho biết, trong cuộc gặp, ông Tập nói với ông Abe rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại, đồng thời cảnh báo mối quan hệ song phương đã bước vào một giai đoạn mà “không có bước tiến nghĩa là thụt lùi”.

“Cả hai bên cần tăng cường tinh thần trách nhiệm và nhận thức khủng hoảng, và nỗ lực để xây dựng những yếu tố tích cực của quan hệ song phương đồng thời hạn chế những yếu tố tiêu cực”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Về phần mình, ông Abe nhất trí rằng hai nước nên hợp tác chặt chẽ hơn và nói ông đã bày tỏ với nhà lãnh đạo Trung Quốc “những suy nghĩ trung thực nhất”. Trước cuộc trao đổi kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ vào ngày 5/9, Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 4/9 đã bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20.

“Mặc dù thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh này là có hạn, chúng tôi có thể có những cuộc thảo luận kỹ hơn”, ông Abe nói với các nhà báo sau cuộc gặp với ông Tập. “Trung Quốc từ lâu đã là một người bạn quan trọng của Nhật Bản. Trung Quốc có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và ổn định trong khu vực và đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Theo ông Koichi Hagiuda, Phó chánh Văn phòng nội các Nhật, ông Tập muốn kéo dài thời gian cuộc gặp với ông Abe, nhưng nếu làm vậy, ông có thể bị muộn trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G20 khác. Ông Hagiuda miêu tả cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật là tốt đẹp và thẳng thắn.

Một trong những kết quả của cuộc gặp là hai bên nhất trí thúc đẩy việc thiết lập một cơ chế liên lạc trên không và trên biển nhằm tránh va chạm trên biển Hoa Đông. Cơ chế này vẫn chưa trở thành hiện thực dù đã được lên kế hoạch và đàm phán từ nhiều năm qua.

Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á diễn ra vào tháng 4/2015 tại hội nghị thượng đỉnh Á-Phi diễn ra ở Indonesia. Kể từ đó, quan hệ Trung-Nhật xấu đi nhiều do Trung Quốc cho rằng Nhật Bản can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và do sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Trong cuộc gặp với ông Abe, ông Tập có vẻ như đã “cảnh báo” ngầm về vấn đề biển Đông khi nói rằng Nhật Bản “nên thận trọng trong lời nói và hành động” về vấn đề này - Tân Hoa Xã đưa tin. Trong khi đó, ông Abe nói với báo giới sau cuộc họp rằng điều quan trọng là phải giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế.

Giữa lúc nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức như hiện nay, Nhật và Trung Quốc sẽ chịu áp lực lớn nếu mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Trong khi đó, nguy cơ xảy ra va chạm trên biển Hoa Đông vẫn đang treo lơ lửng.
  
Giữa lúc diễn ra cuộc gặp giữa ông Abe và ông Tập, lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản cho biết 4 tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại nơi ngay gần khu vực mà Nhật cho là lãnh hải của nước này xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tháng trước, một số lượng lớn tàu của Chính phủ Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo này, khiến Chính phủ Nhật lên tiếng phản đối.

“Có vẻ như cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung-Nhật đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện. Cả hai bên nhận ra rằng tranh chấp đã làm phương hại nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế giữa họ, và họ đều muốn cải thiện quan hệ”, giáo sư Zhou Yongsheng thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói.

“Vấn đề duy nhất là hai nhà lãnh đạo thiếu niềm tin chính trị và điều này cần phải có một thời gian dài mới khắc phục được. Mối quan hệ này vẫn còn mong manh và thường xuyên nứt vỡ”, ông Zhou nói.

Thủ tướng Đức có nguy cơ phải từ chức sớm?

Nguy cơ này được cho là bắt nguồn từ chính sách nhập cư gây tranh cãi của bà Merkel...

Thủ tướng Đức có nguy cơ phải từ chức sớm?
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
THĂNG ĐIỆP
Sau thất bại của đảng cầm quyền Đức tại một cuộc bầu cử bang vào cuối tuần vừa rồi, giới phân tích bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu chính sách nhập cư của Thủ tướng nước này Angela Merkel có thể tồn tại đến bao giờ và bản thân bà có thể giữ chức vụ này đến khi nào - theo CNBC.

“Kết quả của cuộc bầu cử là một đòn giáng vào cá nhân bà Thủ tướng và nhấn mạnh câu hỏi liệu bà có thể lãnh đạo đảng cầm quyền cho tới cuộc bầu cử sang năm hay không”, ông Alastair Newton, Giám đốc công ty tư vấn Alavan Business Advisory, nhận định.

“Đến nay, bà Merkel vẫn từ chối cam kết sẽ đứng ra tranh cử Thủ tướng Đức một lần nửa trong cuộc tổng bầu cử vào năm sau… Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ suy giảm của bà ấy khiến đặt ra câu hỏi liệu bà ấy có chọn đứng sang một bên, thay vì đối mặt với thách tức từ chính nội bộ hoặc thậm chí là khiến Đảng Liên đoàn Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà bị loại khỏi Chính phủ nếu tiếp tục được bà lãnh đạo”, ông Newton nói thêm.

Trong cuộc bầu cử ở bang Mecklenburg-West Pomerania thuộc miền Bắc nước Đức vào hôm Chủ nhật, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng với khoảng 30% số phiếu, trong khi đảng chống người nhập cư Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) gây bất ngờ khi về nhì với 21% số phiếu. Trong khi đó, đảng CDU của bà Merkel chỉ đạt 19% số phiếu.

Kết quả tồi tệ này đối với CDU được cho là bắt nguồn từ chính sách nhập cư gây tranh cãi của bà Merkel, chính sách đã mở đường cho hơn 1 triệu người tị nạn, trong đó chủ yếu là những người chạy trốn chiến tranh ở Syria, vào Đức chỉ trong năm 2015.

Thất bại đối với CDU trong cuộc bầu cử bang nói trên không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cử tri Đức không hài lòng với đảng cầm quyền. Trong các cuộc bầu cử địa phương khác diễn ra ở Đức năm nay, kết quả cũng đều cho thấy ngày càng nhiều cử tri ủng hộ AfD. Hiện AfD đã có đại biểu trong nghị viện tại 9 trong tổng số 16 bang của Đức.

Theo ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của ING-DiBa, “bài kiểm tra lớn” tiếp theo đối với bà Merkel và CDU trước thềm cuộc tổng bầu cử vào năm 2017 sẽ là cuộc bầu cử ở bang miền Tây North Rhine Westphalia, một bang có nhiều cử tri hơn tất cả các bang miền Đông gộp lại. Cuộc bầu cử bang này diễn ra vào năm sau.

Trước mắt, vị thế của bà Merkel và CDU sẽ tiếp tục bị thử thách trong cuộc bầu cử bang Berlin, dự kiến diễn ra vào ngày 18/9.

Ông Brzeski không cho rằng kết quả của cuộc bầu cử mới nhất sẽ khiến bà Merkel thay đổi lập trường về người nhập cư hay nền kinh tế, “nhưng bầu không khí trong Chính phủ và trong đảng của bà sẽ trở nên căng thẳng hơn”.

Phát biểu ngày 5/9 khi đang dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc, bà Merkel nói bà “rất không vui” với kết quả cuộc bầu cử ở bang Mecklenburg-West Pomerania. 

“Mọi người đều nghĩ về việc làm thế nào chúng tôi có thể lấy lại niềm tin, hầu hết là như vậy, và dĩ nhiên cả tôi nữa”, bà nói.

“Rõ ràng là kết quả cuộc bầu cử có liên quan đến vấn đề người tị nạn. Nhưng tôi tin rằng quyết định của chúng tôi là đúng đắn và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ quyết định đó”, bà Merkel phát biểu.

Thủ tướng cấm cán bộ vào casino đánh bạc

Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp...

Thủ tướng cấm cán bộ vào casino đánh bạc
Việt Nam sẽ cấm cán bộ vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.
SONG HÀ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Theo đánh giá của Chính phủ, dù một số cơ quan, ban hành đã có chuyển biến, song việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm. Nhiều công việc đã được Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo nhưng chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Cùng với đó là thái độ và hành vi trong công việc, đời sống của một số cán bộ, công chức còn thiếu chuẩn mực, đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội.

Cho nghỉ việc cán bộ yếu kém

Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết tinh giản cán bộ viên chức năng lực yếu, thiếu trách nhiệm.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động...

Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các nội dung được lấy ý kiến, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đầy đủ thủ tục, nội dung...

Các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng...

Các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính, đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Cấm cán bộ vào casino

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cán bộ công chức tuyệt đối không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng, không được vào đánh bạc tại các casino dưới mọi hình thức.

Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền.

Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực...

Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính Nhà nước, báo cáo Thủ tướng.

Tổng thống Pháp mong chuyến thăm tạo luồng gió mới cho quan hệ Việt - Pháp

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp François Hollande cùng chủ trì họp báo sau cuộc hội đàm /// Ảnh Trường Sơn
Tại cuộc họp báo quốc tế sáng 6.9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ông và Tổng thống Pháp Hollande đã có cuộc hội đàm hữu ích trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Cho biết hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước nhấn mạnh chuyến thăm này của ông Hollande rất có ý nghĩa, đưa quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn mới, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực quan trọng, đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển hiệu quả và thực chất hơn nữa.
Tổng thống Pháp mong chuyến thăm tạo luồng gió mới cho quan hệ Việt - Pháp - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp François Hollande chủ trì họp báo sau Hội đàmẢNH TRƯỜNG SƠN
Chủ tịch nước cho biết trong hội đàm, hai bên đã nhất trí đánh giá: kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 đến nay, quan hệ hai nước đã và đang phát triển tích cực, hiệu quả trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, an ninh - quốc phòng đến thương mại đầu tư, giáo dục - đào tạo...
Chủ tịch nước cho biết hai bên đã nhất trí Việt Nam và Pháp cần hướng tới tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của 2 nước; thắt chặt quan hệ chính trị, khuyến khích doanh nghiệp hai nước hướng tới thiết lập quan hệ đối tác kinh tế, công nghiệp trên cơ sở chuyển giao công nghệ hai bên cùng có lợi. “Hai nước cũng sẽ đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, hàng không, chế biến thực phẩm, y tế và môi trường...", Chủ tịch nước nói.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có việc triển khai đối thoại chiến lược quốc phòng, hợp tác trang thiết bị quân y, thăm viếng tàu quân sự; Pháp hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ... Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo...
Tổng thống Pháp mong chuyến thăm tạo luồng gió mới cho quan hệ Việt - Pháp - ảnh 2
Chủ tịch nước cho biết hai bên đã nhất trí Việt Nam và Pháp cần hướng tới tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của 2 nướcẢNH TRƯỜNG SƠN
Chủ tịch nước cho biết, hai bên thống nhất ủng hộ nhau phát triển quan hệ của Pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Pháp trong chống biến đổi khí hậu, với thành công của Hội nghị COP 21. Hai nước thống nhất tăng cường hỗ trợ nhau thực hiện cam kết trên lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho biết hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LQH về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Luồng gió mới cho quan hệ Việt - Pháp
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết đã hơn 12 năm kể từ khi có một Tổng thống Pháp đến Việt Nam và bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ có luồng gió mới cho quan hệ hai nước cho quan hệ Đối tác chiến lược được hai bên ký kết từ 2013.
Tổng thống Pháp mong chuyến thăm tạo luồng gió mới cho quan hệ Việt - Pháp - ảnh 3
Tổng thống Pháp bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ có luồng gió mới cho quan hệ hai nước cho quan hệ Đối tác chiến lược được hai bên ký kết từ 2013ẢNH TRƯỜNG SƠN
Về chính trị, Tổng thống Hollande cho biết mong muốn củng cố quan hệ, làm sao có đối thoại thường xuyên giữa hai bộ Quốc phòng trên tinh thần tinh tưởng để cùng nhau giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Ông Hollande cũng nhắc tới các nguyên tắc tự do hàng hải, tôn trọng UNCLOS 1982, và khả định đối thoại như là biện pháp để giải quyết tranh chấp, ủng hộ Việt Nam trong những nỗ lực gìn giữ an ninh vùng trời và vùng biển của mình. Tổng thống Hollande bày tỏ mong muốn hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác này trong lĩnh vực kinh tế...
Với các hợp đồng mua máy bay, Tổng thống Pháp cho rằng Việt Nam đã tin tưởng các sản phẩm của Pháp, mong có thêm đường bay thẳng giữa hai nước. Tổng thống Pháp cũng mong hai nước phát triển thêm hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạt nhân...
Theo ông Hollande, Việt Nam là quốc gia hết sức quan trọng ở Đông Nam Á với mức tăng trưởng đáng chú ý. Sự hiện diện của hơn 300 nghìn doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau đã cho thấy sức hút của Việt Nam. “Tôi mong qua chuyến thăm này tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Pháp ở Việt Nam, giúp doanh nghiệp hai bên gia nhập các thị trường của nhau", Tổng thống nói. Trong quan hệ đối tác chiến lược còn các lĩnh vực hợp tác về văn hóa, khoa học, tri thức, y tế...
Theo ông Hollande, việc cùng là thành viên của khối Pháp ngữ đã đưa quan hệ 2 bên đến gần nhau hơn. Ông Hollande bày tỏ mong muốn tiếng Pháp được giảng dạy nhiều hơn ở Việt Nam và điều này theo ông sẽ giúp quan hệ hai nước tốt hơn. "Lịch sử có những thăng trầm, nhưng quan hệ gắn bó lâu đời đã đưa hai nước đến gần nhau", Tổng thống Hollande nói.
Sau hội đàm sáng nay tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chứng kiến lễ ký kết một số văn bản hợp tác song phương. Trong đó có các Hiệp định về dẫn độ, tương trợ tư pháp giữa hai nước, cũng như thỏa thuận hành chính giữa Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hai nước.
Một số văn bản khác được ký kết là Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A350 của Tổng Công ty Hàng không VN Vietnam Airlines, 20 máy bay A321 của Công ty cổ phần hàng không VietJet Air, và 10 máy bay A320 của Công ty Cổ phần hàng không JetStar Pacific.
Ngoài ra, hai bên cũng ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý nguồn nước, thích ứng biến đối khí hậu, khai thác vũ trụ, nông nghiệp, đường cao tốc, giảng dạy tiếng Pháp...
Trường Sơn