Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Toàn văn Nghị quyết 05 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng

VOV.VN - Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 1/11/2016.
Ngày 1/11/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 05 – NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đài Tiếng nói Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này:
toan van nghi quyet 05 khoa xii ve doi moi mo hinh tang truong hinh 1
Toàn cảnh phiên họp Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện, quan tâm đầu tư.
Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng đạt kết quả bước đầu, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống. Nợ xấu và các ngân hàng yếu kém đang từng bước được xử lý. Quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hoá; vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển. Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, bước đầu hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải.
Khu vực nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, phương thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới; sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi; giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng khá. Hội nhập kinh tế quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Tuy nhiên, nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn.
Việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa gắn kết chặt chẽ giữa tổng thể với các trọng tâm. Cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn; nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế còn cao, an toàn hệ thống còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế xử lý dứt điểm, triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu. Ðổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ vốn được cổ phần hoá thấp; quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém.
Cơ cấu lại nông nghiệp chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chưa thực chất, hiệu quả thấp.
Cơ chế, chính sách điều phối phát triển vùng chưa đủ mạnh. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu tính liên kết, bị giới hạn bởi địa giới hành chính; chưa phát huy được các lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của toàn vùng; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, trở thành trung tâm kết nối cho phát triển kinh tế vùng.
Những yếu kém, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đầy đủ, có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở các cấp, các ngành và địa phương còn thụ động, chậm trễ. Đột phá về thể chế, nhất là thể chế thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển còn bất cập. Đổi mới, hoàn thiện thể chế bên trong và hội nhập với bên ngoài chưa được tiến hành đồng bộ; hội nhập quốc tế chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.
II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
1- Quan điểm, định hướng đổi mới
- Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
Tuỳ theo tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mà kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ trí thức, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
2- Một số mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP.
- Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
- Giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020.
- Đến năm 2020, tỉ trọng lao động có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 25%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
- Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 - 35%; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4.
III- MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN
1- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô
Tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.
2- Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược
2.1- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là:
- Hoàn thiện thể chế về cổ phần hoá, định giá doanh nghiệp nhà nước; thể chế về tài sản và quyền về tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ tài sản); thể chế về thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực; thực hiện phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan toả. Khắc phục tư tưởng bao cấp, xin - cho, ỷ lại của các cấp, ngành, địa phương và trong xã hội.
- Phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; quan tâm phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và tín dụng tiêu dùng.
- Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan toả với các khu vực kinh tế trong nước.
- Hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, nhất là đối với đất nông nghiệp.
- Tiếp tục hoàn thiện luật pháp về lao động và thị trường lao động; tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động ở trong nước.
- Hoàn thiện chính sách, luật pháp, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm các khu vực trọng điểm; giám sát các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu, xây dựng thể chế vượt trội cho những địa phương, vùng kinh tế động lực, khu hành chính - kinh tế đặc biệt để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2.2- Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.
2.3- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; coi trọng đào tạo đại học và trên đại học, cao đẳng và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tạo chuyển biến nhanh và rõ nét trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao năng lực, trình độ quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề công lập; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
3- Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế
- Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
- Tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Xây dựng và thực hiện chính sách nhập khẩu công nghệ.
- Xây dựng, vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu và thực hành tốt nhất về năng suất lao động để theo dõi tình hình thực hiện và phân tích, đánh giá, dự báo.
4- Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm
4.1- Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định.
- Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.
- Xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; sớm xoá bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện biện pháp phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.
4.2- Về cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng
- Tiếp tục lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
- Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
- Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các tổ chức tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
4.3- Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công.
- Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư.
4.4- Đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập
- Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công; phát triển thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết phù hợp của Nhà nước.
- Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả; không để cổ phần hoá thành tư nhân hoá và xã hội hoá thành thương mại hoá dịch vụ công.
4.5- Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để lựa chọn phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, từng vùng và cả nước.
- Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả đã được kiểm chứng; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thuỷ sản; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền.
- Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.
4.6- Cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp
- Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
- Tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững; lựa chọn sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chủ lực để ưu tiên phát triển, cơ cấu lại; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm.
- Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.
4.7- Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP
- Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, hàng hải, logistics, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, dịch vụ thương mại; dịch vụ giáo dục, đào tạo; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ; các loại dịch vụ kiểm toán, tư vấn, pháp lý…
- Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển du lịch quốc gia, tạo chuyển biến mạnh để đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
5- Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế
- Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp chính thức có đăng ký, giảm dần và thu hẹp quy mô kinh doanh phi chính thức.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đổi mới cách thức quản lý và thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp; công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu.
6- Đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá
- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực thực thi các quy hoạch phát triển kinh tế vùng; nâng cao năng lực các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển vùng và chỉ đạo, giám sát liên kết, phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng.
- Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và hình thành thể chế điều phối phát triển kinh tế theo vùng. Các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng các đề án, thoả thuận phối hợp, liên kết phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp ban hành và thực hiện chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
- Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia với tầm nhìn đến năm 2050.
7- Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
- Chính sách quốc phòng, an ninh phải tạo thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phát triển kinh tế phải góp phần gia tăng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tiên tiến, hiện đại. Các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các khu vực phòng thủ, tuyến biên giới và vị trí chiến lược phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Ưu tiên phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng biển, đảo. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân định cư lâu dài trên các đảo.
8- Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước
- Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng nhà nước quản lý và phục vụ; đồng thời, tăng cường khả năng điều tiết, giám sát, kiểm tra và thanh tra theo mức độ rủi ro và tuân thủ pháp luật của đối tượng quản lý; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hoá nghiệp vụ quản lý nhà nước và xã hội hoá việc xây dựng các dữ liệu thông tin quản lý nhà nước.
- Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.
- Tăng cường năng lực các cơ quan chức năng quản lý và giám sát thị trường. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các ban đảng Trung ương, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết; xác định nhiệm vụ, chủ trương, các giải pháp phù hợp, cụ thể thực hiện ngay trong phạm vi tổ chức, cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương.
2- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên các dự án luật trực tiếp hỗ trợ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tăng cường giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
3- Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương:
- Xây dựng kế hoạch hành động với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị thực hiện phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đơn vị.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm sau:
+ Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản.
+ Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.
+ Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản và triệt để; từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
+ Đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư nhà nước một cách minh bạch, thực chất, thận trọng theo cơ chế thị trường; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không thể phục hồi.
+ Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại và giao quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
+ Tập trung, tích tụ ruộng đất, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu.
4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tham gia và giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết.
5- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức tuyên truyền sâu, rộng và liên tục về Nghị quyết, kết quả thực hiện, những cách làm sáng tạo, điển hình tốt; phê bình những cá nhân, tổ chức chần chừ, thiếu tích cực, thụ động hoặc thực hiện không đạt kết quả như yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
6- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.
Vũ Duy/VOV

Một sở 44 lãnh đạo: Hải Dương không phải là duy nhất

02/11/2016  06:00 GMT+7

- Nhân chuyện một sở có 44 lãnh đạo, TS Lê Minh Thông chia sẻ với Góc nhìn thẳng rằng, Hải Dương không phải là nơi duy nhất. Nếu thanh tra nghiêm túc, sẽ còn thấy nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.
Tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương đã có từ lâu, nhưng hiệu quả ra sao vẫn còn là vấn đề đáng suy ngẫm. Gần đây, chúng ta lại thấy chuyện một sở có 46 biên chế thì tới 44 người là lãnh đạo, chỉ có 2 nhân viên, hay ở Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra trước khi về hưu đã bổ nhiệm cán bộ ồ ạt, rồi chuyện lãnh đạo sở y tế tỉnh nọ tuyển dụng một lúc vài trăm nhân sự...Tất cả những hiện tượng này đã đặt ra vấn đề cấp thiết về công tác cải cách tổ chức cán bộ theo đúng hướng tinh giản biên chế, tinh gọn và hiệu quả.
Để làm rõ hơn về câu chuyện này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet trao đổi với TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIII, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, Ban Tổ chức Trung ương. Hiện nay, ông là trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm HuyềnThưa ông, có lẽ ông cũng đã biết câu chuyện ở Sở LĐTB&XH ở tỉnh Hải Dương, một sở 46 biên chế nhưng chỉ có 2 nhân viên và tới 44 người là lãnh đạo. Nhiều ý kiến đã phê phán hiện tượng này.
Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, với cơ cấu tổ chức ở sở này, 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, gần chục phòng, với các trưởng phòng, phó phòng, cộng với các chức danh chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh nhiên.. thì số người làm lãnh đạo cũng lên tới 30. Như vậy, theo ông, bộ máy hành chính cồng kềnh như vậy có phải có phần lỗi ở công tác tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta hay còn vì lý do gì?
TS Lê Minh Thông: Đúng là lâu nay, chúng ta rất băn khoăn về câu chuyện ở Hải Dương. Có thể, chẳng cần phải bàn luận nhiều, ai cũng thấy rằng, đó là câu chuyện không bình thường trong một bộ máy hành chính Nhà nước.
Tôi cho rằng, nó không phải chỉ có 1 nguyên nhân do lãnh đạo ở Sở đó tuỳ tiện bổ nhiệm mà là hiện tượng của nhiều nguyên nhân, trong đó, có một nguyên nhân cấu trúc tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chúng ta có vấn đề không ổn. Thứ hai là việc phân công chức năng, nhiệm vụ, chức trách trong nội bộ từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau có vấn đề không ổn.
Thứ ba là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cũng không ổn. Nhiều cái không ổn trong tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta đã tạo nên những hiện tượng bất bình thường như vậy.
Tôi nghĩ rằng, Hải Dương không phải là nơi duy nhất có hiện tượng như vậy. Chỉ có điều, chúng ta chưa phát hiện ra mà thôi. Nếu đi nghiên cứu kỹ, nếu thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra công vụ thì chắc chắn rằng, còn đâu đó cũng có hiện tượng quan chức nhiều hơn nhân viên và Hải Dương không phải là trường hợp đơn độc.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, không chỉ bổ nhiệm nhiều các chức danh chính thức, gần đây, một số cơ quan ban ngành hiện nay còn có những trường hợp bổ nhiệm cấp bậc nhưng không chịu trách nhiệm làm lãnh đạo, như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó... nhưng công việc thực chất như chuyên viên.
Điều này không những làm tăng chi phí từ ngân sách mà còn gây điều tiếng nhiều trong nhân dân, ông thấy đây là việc làm đúng quy định hay tùy tiện?
TS Lê Minh Thông: Tôi nhớ tại diễn đàn Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã có giải thích, giải trình trước Quốc hội là không có văn bản pháp luật nào quy định các cơ quan tổ chức có chức vụ "hàm".
Một sở 44 lãnh đạo, Hải Dương, Góc nhìn thẳng, bổ nhiệm
TS Lê Minh Thông 
Nhưng có một nhu cầu thực tiễn là, nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan trung ương khi xuống địa phương làm việc, để dễ làm việc, người ta trao cho ông một chức danh cụ thể để dễ tiếp cận, dễ được tôn trọng. Từ chuyện đó, cơ quan này làm được rồi cơ quan khác làm được nên trở thành hiện tượng phổ biến.
Và tôi cho rằng, xét trên phương diện quản lý hành chính thì đó cũng là chuyện không bình thường.
Ở đây, chúng ta có sự lẫn lộn giữa ngạch hành chính và chức vụ hành chính. Nếu không trao chức vụ hành chính thì dường như khó xử lý công việc. Đây là vấn đề cần phải thay đổi.
Chừng nào, chúng ta thiết kế một mô hình tổ chức bộ máy, trong đó, mỗi người có một việc cụ thể của mình, có trách nhiệm quyền hạn cụ thể của mình mà không cần thiết người đó phải nắm giữ vị trí lãnh đạo thì lúc đó, chúng ta sẽ có bộ máy tinh giản, hoạt động thông suất.
Nhà báo Phạm HuyềnNăm nào chúng ta cũng đề cập đến việc tinh giản biên chế. Nhưng nhiều bộ ngành vẫn có những đề xuất nâng cấp từ vụ lên cục, từ cục lên tổng cục. Nhiều lãnh đạo đứng đầu bộ ban ngành nói rằng, do nhu cầu thực tiễn nên cần thành lập các bộ phận, phòng ban mới. Nỗ lực tinh giản biên chế bao nhiêu cũng không đủ cân bằng với nhu cầu phình to nhân sự cần có ở bộ phận mới này. Ông có thấy đây là ý kiến thỏa đáng?
TS Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, cần phải phân biệt 2 hiện tượng, một là tăng biên chế trong khi cơ cấu bộ máy không thay đổi, hai là xuất hiện những cơ quan tổ chức mới. Trong đó, việc xuất hiện những cấu trúc tổ chức mới trong một cơ thì đương nhiên, phải tăng biên chế bổ sung. Hai chuyện này không thể nhầm lẫn với nhau được.
Vấn đề đặt ra chính là, tổ chức mới đó lập ra có hợp lý hay không? Cho nên tôi cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các tổ chức mới đó có thực sự cần thiết hay không? Hay là, xuất hiện lên, chia việc ra để tạo ra tổ chức mới thì đó là việc không lành mạnh.
Nhà báo Phạm Huyền: Điều mà nhiều người dân quan tâm khi nói tới tinh giản biên chế là mỗi năm, chúng ta sẽ giảm được bao nhiêu biên chế? Chính phủ đã có Nghị định về vấn đề này và Bộ Chính trị còn đặt mục tiêu vào năm 2021, không làm tăng tổng biên chế. Ông đánh giá thế nào về việc giảm biên chế và làm sao để chúng ta thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế, vận hành bộ máy tinh gọn và hiệu quả?
TS Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, hiện tượng tăng biên chế đột biến là khó phát hiện ra. Có thể nói, chưa thấy cơ quan nào báo cáo là tăng biên chế, còn giảm bao nhiêu thì con số đó phải tính. Không tăng nhưng ta lại không thấy giảm. Vấn đề đặt ra là cần có tư duy mới, phải xem, bộ máy Nhà nước có cần phải làm tất cả từng ấy việc hay không?
Theo xu hướng xã hội hoá một số dịch vụ công, bộ máy Nhà nước sẽ phải thu nhỏ lại. Nhà nước càng ôm đồm nhiều việc thì biết bao nhiêu biên chế cho đủ được?
Khía cạnh thứ hai là áp dụng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tức là áp dụng công nghệ thông tin và quản trị quốc gia.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính trên phương diện tái cơ cấu lại chức năng, tái cơ cấu lại nhiệm vụ. Từ đó, Nhà nước chỉ làm những việc gì mà xã hội, công dân không làm được. Như vậy, bộ máy Nhà nước không có lý do gì tồn tại cồng kềnh như thế này, và cán bộ công chức, biên chế không có lý do gì lại đông như thế này, tự sẽ phải giảm, miễn là chúng ta quyết tâm giảm.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Clip: Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý, Diệu Bình

Con đẻ, con nuôi của công an được miễn học phí

Thứ Sáu, ngày 02/08/2013, 15:07

Nghị định quy định con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ công an được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành nghị định quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong ngành công an nhân dân.

Theo đó, gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ gồm: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ sẽ được hưởng một số chính sách trợ cấp khi khó khăn đột xuất và tiền học phí đối với con cái trong độ tuổi đi học.

Cụ thể, gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất/lần.
con de, con nuoi cua cong an duoc mien hoc phi hinh anh 1
Thủ tướng chỉ đạo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ bảy ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Chế độ trợ cấp được thực hiện không quá hai lần trong một năm đối với một đối tượng.

Đối với bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị từ trần, mất tích được trợ cấp 1.000.000 đồng/suất.

Đặc biệt, nghị định quy định con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ miễn, giảm học phí.

Thủ tướng chỉ đạo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 9 năm 2013,đồng thờ thay thế nghị định số 54/2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ công an đang phục vụ có thời hạn. 
Theo VnEconomy (Theo VnEconomy)

Kinh hoàng: 13 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy

Việc tìm kiếm nạn nhân diễn ra đến nửa đêm, hiện trường vẫn bị phong tỏa. Danh tính những người tử vong chưa được công bố.

13-nguoi-chet-trong-vu-chay-quan-karaoke-o-cau-giay
Vụ cháy quán karaoke phố Trần Thái Tông (Hà Nội). Ảnh: Bá Đô
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) cho VnExpress biết, lực lượng chức năng ở hiện trường đã đưa 13 nạn nhân tử vong từ quán karaoke phố Trần Thái Tông (Hà Nội) ra ngoài. Việc tìm kiếm cứu nạn tiếp diễn trong đêm.
Trong khi đó, trả lời tại hiện trường, ông Lương Cao Thanh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết cơ quan chức năng xác định có 12 người tử vong.
Nhận được báo cáo về vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân, Công an Hà Nội sớm điều tra nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm.
13-nguoi-chet-trong-vu-chay-quan-karaoke-o-cau-giay-1
Cảnh sát cứu hoả tại hiện trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động các quán karaoke, nhà hàng không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng nhanh chóng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ cháy.
Đám cháy được phát hiện lúc gần 14h ngày 1/11, khởi phát từ quán karaoke nhanh chóng lan ra các nhà lân cận trên phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Sau 7 tiếng chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 13 nạn nhân tử vong. Mặt tiền 4 căn nhà cao khoảng 8 tầng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhiều xe máy và ôtô hư hỏng.
Khu vực xảy ra cháy có hoạt động kinh doanh sầm uất, với 5-6 cơ sở karaoke, nhiều nhà hàng và cửa hàng thời trang, gần Học viện Báo chí Tuyên truyền và Đại học Quốc gia Hà Nội.
( Vnexpress)
Bá Đô

Người Việt có tài giỏi như chúng ta đang tự hào?

Sông Hàn-Duy Linh | 

Người Việt có tài giỏi như chúng ta đang tự hào?
Nguồn VNN

Người Việt Nam ta có thực là một dân tộc thông minh, với những đóng góp giá trị cho văn minh nhân loại như nhiều người thường tự hào? Lần lại cả lịch sử và hiện tại, câu trả lời khá buồn.

Trước đây, ta thường nghe báo chí nói rằng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao người ViệtNam thông minh, cần cù, khéo tay… và tương lai không xa nữa nền kinh tế Việt Nam sẽ "hóa rồng", "hóa cọp".
Những lời có cánh sẽ chắp cho ước mơ của người Việt Nam bay bổng. Nhưng thực tế hiển nhiên và lời nói thật sẽ kéo ta về gần hơn với thực tại.
Một dân tộc thông minh, cần cù, khéo tay lẽ nào lại là chủ nhân của một quốc gia nhận viện trợ rất nhiều? Và là chủ nhân của một quốc gia có đôi lúc "không chịu phát triển" như lời Chuyên gia kinh tế nước ngoài nói với bà Phạm Chi Lan?
Người Việt có tài giỏi như chúng ta đang tự hào? - Ảnh 1.
"Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!" - Đó là lời "nói đùa" mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thuật lại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tại một hội nghị ở Đà Nẵng, tháng 8/2015. Ảnh: Infonet.
Tháng 6 năm 2014, nhà cố vấn chính sách độc lập Simon Anholt công bảng xếp hạng "Good Country Index" (Chỉ số quốc gia tử tế), Việt Nam đứng áp chót bảng xếp hạng 124/125 nước được điều tra (chỉ trên mỗi quốc gia đang chìm trong nội chiến là Lybia).
Đây là chỉ số xếp hạng mức đóng góp của các quốc gia cho thế giới. Và như vậy, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia có đóng góp tối thiểu cho phồn vinh nhân loại.
Tất nhiên sẽ có những người "phản pháo" Simon Anholt! Người Việt Nam có thể đổ lỗi rằng cơ chế, môi trường khiến chúng ta không thể phát huy hết năng lực của mình. Sẽ biện bạch rằng ở những nước phát triển, người Việt Nam thực sự không kém ai.
Người Việt thành danh tại nước ngoài, tiêu biểu có Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, GS.TS.Hùng Nguyễn (Đại học Sydney ở Australiavới phát minh xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người), Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh (Dr. Randal Pham - Chủ tịch Hội Y Bác sĩ Hoa Kỳ đã phát minh ra phương pháp mới giúp những người có bệnh về mắt không phải đeo kính)…
Về chính trị có Philipp Rösler – một người đã từng làm tới Phó thủ tướng của Cộng Hòa Liên Bang Đức… Còn rất nhiều người thành đạt mà do hiểu biết hạn hẹp của mình tôi không biết tên nữa.
Và du học sinh Việt Nam, sinh viên gốc Việt theo học tại Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, hay Tây Âu rất xuất sắc. Nhưng đấy là ta nói sự thành công vượt bậc của người Việt Nam và so sánh với chính người Việt Nam trong nước.
Người Việt có tài giỏi như chúng ta đang tự hào? - Ảnh 2.
Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu
Vậy còn cộng đồng người Do Thái, Ấn kiều, người Hoa kiều, Myanmar… thì sao?
Cũng trong bảng xếp hạng "quốc gia tử tế", Simon Anholt xát muối thêm: "Đáng nói là, các chỉ số như số lượng sinh viên học tập tại nước ngoài, số bài báo quốc tế, số xuất bản phẩm quốc tế, số bằng sáng chế của Việt Nam theo bảng xếp hạng này đều ở mức thấp hơn so với trung bình chung của thế giới".
Và nhìn về lịch sử - nhìn về văn minh, văn hiến hay sức phát triển quốc gia, ta sẽ thấy người Việt Nam hôm nay còn rất nhiều tồn đọng cần vượt qua.
Hãy cứ so sánh Việt Nam trong không gian Á Đông để định vị lại chính mình.
Chữ viết là một trong những thước đo quan trọng của nền văn minh. Trong cuốn "Nguồn gốc gia đình và chế độ tư hữu", Friedrich Engels cho rằng chữ viết có vần và việc sử dụng chữ để ghi lời văn là bước chuyển qua thời đại văn minh.
Cha ông ta đã vật lộn với Hán tự rồi tạo ra chữ Nôm theo cách phức tạp hóa một thứ chữ vốn rất phức tạp. Chữ Nôm không thành công bất chấp việc những nhà trí thức khoa bảng, những vị minh quân Việt Nam bỏ công theo đuổi hàng trăm năm.
Nhưng ngót 600 năm trước, tại vương quốc Joseon (Triều Tiên), Sejong đại đế nhận ra chữ Hán rất khó học, không thể phổ cập cho bình dân, ông quyết tâm làm ra chữ viết riêng cho vương quốc của mình.
Vượt qua rất nhiều thử thách, cùng các bề tôi tin cẩn, Sejong đại đế đã sáng tạo ra Hangul với bảng chữ cái, nguyên âm và phụ âm. Đó là chữ viết của Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay.
Với Nhật Bản thì sao?
Trong lịch sử Nhật Bản có một giai đoạn mà đặc biệt đáng chú ý. Đó là việc Mạc phủ (tướng quân) nhà Tokugawa thực hiện chế độ Châu Ấn Thuyền (Shuinsen).
Những thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy thông hành (Châu Ấn Trạng) tỏa ra buôn bán khắp Nam Dương (vùng Đông Nam Á theo cách gọi của Nhật Bản).
Tại Việt Nam, những đoàn thuyền buôn Nhật Bản đã góp phần làm nên phố Nhật ở Hội An.
Người Việt có tài giỏi như chúng ta đang tự hào? - Ảnh 3.
Một góc Hội An
Người Việt Nam không sáng tạo ra chữ viết của mình (hoặc đến giờ chúng ta chưa tìm được những bằng chứng rõ ràng về chữ viết của người Việt cổ), cũng không buôn bán đường biển lừng lẫy như Nhật Bản.
So với Chiêm Thành, với Khmer, các công trình kiến trúc còn đến ngày nay đủ chứng minh các vương quốc này không hề thua kém Việt Nam về trình độ văn minh.
Người Khmer từng có một đế quốc rộng cả triệu km2 trước khi những sức mạnh của người Thái (vương quốc Xiêm – Siam) lan tràn trên bán đảo Indochina. Chiêm Thành đã từng là quốc gia mạnh về buôn bán đường biển.
Và hẳn nhiều người trong chúng ta cũng biết đến Đế quốc Majapahit với nền văn hóa rực rỡ ảnh hưởng đến quần đảo Mã Lai, góp phần quan trọng làm nên Indonesia ngày nay.
Không chỉ là lịch sử mà hiện tại, tương lai đang thách thức người Việt Nam.
30 năm Đổi mới, GDP bình quân đầu người của nước ta tăng từ 86USD/năm/người lên 2.300 USD; từ năm 1989 đến cuối 2015 quy mô kinh tế tăng 32 lần (từ 6,3 tỷ USD lên 204 tỷ USD). Đó là một thành tựu lớn, nhưng đấy là ta tự hào với chính ta.
Sau 30 năm, nhiều quốc gia trong khu vực đã công nghiệp hóa thành công, còn Việt Nam mục tiêu "đến năm 2020, cơ bản thành một nước Công nghiệp" vẫn trở nên xa vời.
Năm 1990, khoảng cách về GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD, đến nay đã là 8.000 USD.
Nhìn lại mình một cách chân thực là việc đầu tiên cần phải làm để tiến trình "Hóa rồng", "hóa Cọp" có thể khởi động thành công. Tự huyễn hoặc, chúng ta sẽ sa lầy trong những cái bẫy tự tạo ngay dưới chân mình.
theo Trí Thức Trẻ

Bội chi ngân sách của Việt Nam ‘nhanh và mạnh như hỏa tiễn’

Từ đầu năm đến giữa tháng 10, bội chi của Việt Nam là 188,400 tỉ đồng. (Hình: Vneconomy)
HÀ NỘI (NV) – Hồi tháng 8, so sánh thu-chi ngân sách của chính quyền Việt Nam, bội chi là 115,000 tỉ. Ðến giữa tháng 10, các số liệu thu-chi ngân sách cho thấy, bội chi đã tăng thành 188,400 tỉ!
Nói cách khác, chỉ trong vòng sáu tuần (từ cuối tháng tám đến giữa tháng 10), chênh lệch thu-chi ngân sách của Việt Nam đã tăng thêm 73,400 tỉ đồng.
Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam thu được 736,400 tỉ đồng nhưng đã chi 924,800 tỉ đồng (khoảng 41.4 tỉ Mỹ kim).
Sở dĩ nguồn thu giảm, thua xa mức dự thu vì giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực nên nguồn thu từ thuế xuất cảng và nhập cảng giảm. Mức dự thu giảm còn vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh thiếu hiệu quả, thua xa mức dự trù (đến giữa tháng 10 mà mức đóng góp cho ngân sách mới chỉ được 58% mức dự trù).
Còn lý do chi tiêu tăng, khiến chênh lệch thu-chi tăng (bội chi) là vì số tiền phải trả cả vốn lẫn lãi cho các khoản vay càng lúc càng lớn. Từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam đã phải chi khoảng 180,000 tỉ vào việc trả nợ. Nếu tính chung cho cả năm 2016, số nợ vốn và lãi Việt Nam phải trả cho các khoản nợ khoảng 12 tỉ Mỹ kim.
Hồi tháng 9, Bộ Tài Chính Việt Nam từng thú nhận là họ không cân đối được thu chi bởi các nguồn thu quan trọng cùng giảm còn các khoản chi đều tăng hơn 5%. Trong đó, chi tiêu cho việc duy trì hoạt động của hệ thống công quyền tăng thêm khoảng 6% (511,000 tỉ) so với cùng kỳ năm 2014. Riêng chi trả nợ thì tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vòng mười năm gần đây, Việt Nam liên tục mất cân đối về ngân sách. Bội chi diễn ra thường xuyên.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, nợ của Việt Nam đã lên tới 110 tỉ Mỹ kim. Mức lãi phải trả cho các khoản nợ nay đã chiếm 7.2% tổng chi ngân sách, lấn át nhiều khoản thiết yếu khác. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam do WB thực hiện và công bố thì tình trạng mất cân đối tài chính kéo dài trong nhiều năm là rất đáng ngại, đặc biệt khi nợ nần của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ nợ nần tăng nhanh là vì chính quyền Việt Nam phải liên tục đi vay để bù đắp sự thiếu hụt do kinh tế suy thoái và đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Bởi Việt Nam sẽ không thể vay các khoản có tính ưu đãi như trước nên việc vay mượn mang tính thương mại sẽ khiến chi phí đối với các khoản vay để đầu tư lớn hơn và áp lực về việc kiếm cho ra tiền để trả lãi sẽ rất nặng nề.
Trong bối cảnh như thế, chi tiêu cho hệ thống công quyền vẫn tăng chứ không giảm. Tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, không giấu được sự lo âu khi “cơ cấu ngân sách quá xấu,” lương cho các loại công chức ngốn hơn 55% tổng chi tiêu. Chính quyền Việt Nam sử dụng đến 72% ngân sách cho những chi tiêu có tính chất thường xuyên (chi tiêu để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền).