Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ đánh giá về Putin và Trung Quốc

Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ quan điểm về Putin và nạn mổ nội tạng ở Trung Quốc do Giang Trạch Dân chủ mưu từ năm 1999.
Ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ những quan điểm nổi bật về tình hình thế giới, trong đó có nhận định về tổng thống Nga Putin và Trung Quốc.
Vị trí Ngoại trưởng Mỹ đang được tổng thống đắc cử Trump cân nhắc rất nhiều nhưng chưa quyết định. Hiện nay đang có 5 ứng cử viên, trong đó có nghị sỹ kỳ cựu Dana Rohrabacher, người từng là trợ lý cho cựu Tổng thống Mỹ Reagan trong nhiều năm.
Trong các cuộc phỏng vấn của báo Breibart, ông Dana cho biết những quan điểm nổi bật của ông về công việc Ngoại trưởng và tình hình thế giới.

1. Đánh giá về công việc Ngoại trưởng?

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Breitbart, ngày 30/11, ông Dana cho biết ông hoàn toàn hài lòng với công việc Nghị sỹ hiện nay. Tuy nhiên ông tin rằng Trump cần một Ngoại trưởng chia sẻ cùng quan điểm, trong khi các ứng cử viên hiện nay không như vậy. Vì vậy ông Dana rất sẵn lòng tham gia bộ máy ông Trump nếu được giao trọng trách.
Ông nói: “Tôi chia sẻ quan điểm của ông Trump về các vấn đề thế giới, không phải là một lý thuyết toàn cầu giúp toàn bộ thế giới tốt đẹp hơn. Thay vào đó, chính phủ cần tập trung vào việc đảm bảo an ninh tốt cho người dân Mỹ và sự thịnh vượng của nước Mỹ”.

2. IS là mối đe dọa toàn cầu lớn nhất

Ông Dana xác định phong trào IS là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và nói có thể hợp tác với Nga để đánh bại thế lực cực đoan này.
Ông nói: “Chúng ta phải có ưu tiên để tập trung giải quyết vấn đề quan trọng nhất. Hiện nay IS là mối đe dọa với chúng ta. Theo tôi, Nga cùng chung quan điểm này nên chúng ta có thể hợp tác vì mục tiêu chung này”.

3. Nhận định về Putin

Một số chính trị gia tại Mỹ phê phán ông Dana có quan điểm thân Nga. Ông Dana nói với báo Breitbart rằng: “Putin không phải là người hoàn hảo, tuy nhiên ông ta không phải là Joseph Stalin hay Khrushchev”.
Quan điểm của ông là nước Nga hiện nay không phải là mối đe dọa như thời Chiến tranh lạnh và nước Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác để giải quyết các vấn đề trên thế giới.

4. Quan điểm về ngăn chặn Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của báo Breibart, ngày 23/11, ông Dana cho rằng nước Mỹ cần hành động để ngăn chặn Trung Quốc không được đe dọa các nước láng giềng. Nhưng cần có cách làm khác với thời ông Obama.
Ông Dana cho rằng Obama đã có chính sách xoay trục sang châu Á nhưng lại ít có hành động cụ thể. Điều này vô tình đã khuyến khích Trung Quốc phản ứng mạnh hơn, trở thành thế lực ở châu Á.
Theo ông Dana, để đối trọng với Trung Quốc tại châu Á Thái Bình Dương thì Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Nga.
Ông nói: “Nếu chúng ta hợp tác với các nước đó, tạo thành liên minh thực sự thì mới hình thành được một đối trọng vượt trội so với tham vọng mở rộng của Trung Quốc”.

5. Bất bình về tội ác chống lại nhân loại

Trước các bằng chứng rõ ràng về việc chính quyền Trung Quốc ra lệnh mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm từ năm 1999 đến nay, ông Dana là một trong những nghị sỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Ngày 16/3 năm nay, Hạ viện Mỹ đã ra Nghị quyết số 343 lên án hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống được nhà nước bảo hộ từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc mà không có sự đồng ý của họ. Trong sự kiện này, nghị sỹ Dana Rohrabacher nói trước Ủy ban rằng: “Chúng ta đang có quan hệ giao dịch với một chế độ ngược đãi con người tồi tệ nhất thế giới”.
Vào năm 2015, trong “Thư gửi các đồng nghiệp nghị sỹ Hoa Kỳ”, ông Dana viết:
“Sự tha hóa đạo đức đến mức mổ cưỡng bức lấy tạng nạn nhân để bán là một hiện tượng chưa từng có. Chúng ta những người lập pháp, những viên chức nhà nước và những công dân Hoa Kỳ nhất định không thể thỏa hiệp với tội ác kia bằng cách im lặng”.
Trong thư, ông còn viết:
“Lịch sử sẽ không đánh giá chúng ta qua việc ký thêm một hợp đồng kinh tế, hoặc bán thêm một chiếc phi cơ Boeing 747, nhưng lịch sử sẽ chắc chắn đánh giá chúng ta nếu hôm nay chúng ta ngoảnh mặt đi trước tội ác kinh khủng đang diễn ra trên quy mô lớn như thế này”.
Video: Giết người cướp nội tạng – Quốc doanh bí mật của Trung Quốc
Dương Minh
Xem thêm:

Mãnh tướng duy nhất đánh bại được Quan Vân Trường thời Tam Quốc là ai?

Untitled-1
Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” ai cũng biết Quan Vân Trường văn võ song toàn, đứng đầu “Ngũ hổ tướng” nhà Thục Hán, sức địch muôn người, khó ai sánh kịp. Thế nhưng trong nghiệp cầm quân của mình, ông từng phải chịu thất bại đau đớn trước một danh tướng cũng không kém phần xuất sắc khác. Người đó chính là Từ Hoảng.
Mãnh tướng văn võ kiêm toàn
Nếu Lưu Bị có “Ngũ hổ tướng” dũng khí ngút trời: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung thì Tào Tháo cũng có 5 dũng tướng xuất sắc của riêng mình. Sử sách chép lại 5 mãnh tướng nhà Tào Ngụy là: Nhạc Tiến, Trương Cáp, Trương Liêu, Vu Cấm và đặc biệt là Từ Hoảng. Từ Hoảng (169 – 227), tên chữ là Công Minh, sinh ra ở Dương Quận (nay thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Hồi trẻ, Từ Hoảng theo dưới trướng Xa kỵ tướng quân Dương Phụng đi đánh dẹp quân “Khăn Vàng”, được phong là Kỵ đô úy.
Năm 196, sau khi loạn thần Đổng Trác chết, Từ Hoảng theo dưới trướng Dương Phụng, hộ giá đưa Hán Hiến Đế trở về kinh đô cũ Lạc Dương. Tuy nhiên khi ấy Lạc Dương đã trở thành một tòa thành hoang phế, tôn miếu nhà Hán đổ nát, không thể định đô. Cùng lúc, Tào Tháo dẫn quân bản bộ đến Lạc Dương đón xa giá thiên tử và ngỏ ý muốn rời đô đến Hứa Xương. Tuy nhiên, Dương Phụng không chấp nhận và đem quân đánh nhau với Tào Tháo để “cướp” lại Hiến Đế về. Phụng thua, Tào Tháo ung dung rước xa giá về Hứa Xương. Từ Hoảng bèn ra hàng Tào Tháo.
Xu_Huang_Portrait
Tranh vẽ Từ Hoảng
Kể từ đó, Tào Tháo rất tin dùng Từ Hoảng, thường mang theo bên mình và giao cho nhiều trọng trách lớn. Trước sau, Từ Hoảng đã diệt Lã Bố, đánh Lưu Bị, phá Nhan Lương, Văn Xú, Mã Siêu và đặc biệt là đập tan tập đoàn Viên Thiệu, đối thủ lớn nhất của Tào Tháo ở miền bắc Trung Hoa.
“Tam Quốc chí” (Trần Thọ) nhận xét về Từ Hoảng như sau: “Hoảng có tính tiết tiện giản dị mà cẩn thận, khi dẫn quân đi thường cho người dò xét ở đằng xa, lúc trước đánh không thắng, lúc sau lại gắng đánh tiếp, truy đuổi quân địch giành thắng lợi, quân sĩ chẳng được nhàn hạ ngồi ăn. Hoảng thường than rằng: “Cổ nhân thường lo chẳng gặp được đấng minh quân, nay ta may mắn gặp được, phải lấy việc lập công để báo đáp, đâu vì danh dự cá nhân!” Hoảng trọn đời chẳng chịu nhún mình giao kết cùng người khác”.
Không chỉ dũng mãnh phi thường trên chiến địa, Từ Hoảng còn là một người túc trí đa mưu, xứng đáng là “nho tướng”, không phải là hạng thất phu tầm thường chỉ biết dùng võ lực. Lần Tào Tháo bị quân Mã Siêu – Hàn Toại làm cho khốn đốn ở Đồng Quan, Từ Hoảng đã hiến kế đánh vào mạn sườn của quân Tây Lương vốn rất thiện chiến. Kết quả quân Tây Lương hoàn toàn bất ngờ, hỗn loạn rồi cuối cùng bị Tào Tháo đánh tan.
tonluutao 2
Tào Tháo rất tin dùng Từ Hoảng
Một lần khác, khi đang đi chinh phạt tàn quân của Viên Thượng, Viên Đàm (các con Viên Thiệu), Từ Hoảng không tốn một binh một tốt vẫn lấy được cả một thành trì. Nhận thấy kẻ địch đang hoang mang, rối bời, ông lệnh cho quân lính bắn thư thuyết hàng vào thành Dịch Dương. Sau khi đọc được, thái thú ở thành này lập tức ra lệnh cho quân sĩ cởi giáp quy hàng vô điều kiện.
Sau những trận chiến ấy, danh tiếng của Từ Hoảng đã nổi như cồn trong quân đội Tào Ngụy. Người ta thậm chí đã xếp Từ Hoảng đứng đầu trong danh sách “Ngũ hổ tướng” của Tào Tháo, coi ông là võ tướng dũng mãnh nhất nhì thời Tam Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau khi đánh bại Quan Vũ ở trận Phàn Thành, danh tiếng Từ Hoảng mới thực sự lưu danh sử sách muôn đời.
Trận Phàn Thành, phá tan Quan Vũ
Ở đây, cần phải truy nguyên một chút về bối cảnh trước khi trận Phàn Thành diễn ra. Năm 219, Lưu Bị đem quân đánh phá Đông Xuyên, cướp Hán Trung trên tay Tào Tháo. Cùng thời điểm đó, Quan Vũ đang trấn thủ ở Kinh Châu cũng điểm binh tiến lên mặt bắc trợ chiến, đánh Tào.
Quan Vũ tiến quân rất nhanh, thu được nhiều thắng lợi và mau chóng vây khốn Tương Dương, Phàn Thành. Khi đó, Tào Nhân trấn thủ Phàn Thành và Lã Thường đóng ở Tương Dương. Trước sức tấn công vũ bão của Quan Vũ, Tương Dương, Phàn Thành vô cùng nguy ngập. Tào Nhân chỉ biết đóng cửa, thành cao hào sâu ngồi giữ Phàn Thành, không dám ra ứng chiến.
Từ Hứa Xương nghe tin dữ, Tào Tháo kíp sai Vu Cấm và Bàng Đức mang 7 đạo quân chi viện cho Tương Dương, Phàn Thành. Dù vậy, đạo quân tiếp viện này đã mau chóng bị Quan Vũ diệt gọn với kế đắp đập, khơi dòng sông Hán Thủy nhấn chìm quân Tào. Tào Tháo càng thêm sốt ruột. Nếu Tương Dương, Phàn Thành vỡ, kinh đô Hứa Xương chắc chắn nguy trong sớm tối. Lần này, Từ Hoảng được lệnh ra trận. Ông có cuộc chạm trán đáng nhớ với Quan Vân Trường.
Screen Shot 2016-08-26 at 2.19.01 PM
Quan Vũ mang quân tiến đánh Tương Dương – Phàn Thành. 
Trước đây, khi về hàng Tào Tháo (trên danh nghĩa hàng vua Hán), Quan Vũ chỉ chơi thân với 2 người là Từ Hoảng và Trương Liêu. Cả 3 người đều quê ở Sơn Tây và từng phục vụ trong đội kỵ binh Tinh Châu nổi tiếng tinh nhuệ. Ngoài ra, họ cũng đều là hàng tướng dưới trướng Tào Tháo nên tâm sự có nhiều điểm tương đồng.
Do đó, khi ra trận tiền đối đầu nhau, cả hai vẫn còn dành cho nhau những lời hết sức trân trọng, thân tình. Dù thế, việc quân không kể tình thân, Từ Hoảng không chút mảy may động lòng khi phải đối trận cùng người bạn cũ đồng thời là danh tướng kiệt xuất như Vân Trường.
Binh sĩ của Từ Hoảng phần lớn là tân binh, chưa quen chiến trận nên ông không vội giao chiến ngay với Quan Vũ mà cho hạ trại phía sau lưng quân địch, án binh bất động. Ông lại cho quân giả vờ đào hầm xung quanh, vờ cắt đường vận lương của Quan Vũ. Quan Vũ cho rút quân lại về sau, nhân đó Phàn Thành được giải vây.
Screenshot_2
Từ Hoảng mang quân giải cứu Phàn Thành, đối đầu với Quan Vũ
Quan Vũ cho quân rút về đóng ở hai trại Vi Đầu và Tứ Trủng. Tào Tháo lại tiếp tục lệnh cho viện binh tới tiếp ứng Từ Hoảng. Có thêm quân tiếp ứng, Từ Hoảng tiếp tục xuất binh đánh Vân Trường. Để đánh bại một Vân Trường dũng khí ngút trời, Từ Hoảng quyết định dùng mưu thay vì dùng sức dù tài nghệ võ biền của ông cũng không hề tầm thường.
Từ Hoảng cho quân phao tin rằng sắp đánh đồn Vi Trủng nhưng lại âm thầm dẫn quân tập kích đồn Tứ Trủng. Quan Vũ trong lúc rối bời, nhuệ khí giảm sút không biết hành xử ra sao, lập tức mang quân đến cứu Vi Trủng. Quả nhiên, trại Tứ Trủng bị đánh úp. Quan Vũ dẫn 5000 kỵ binh nghênh chiến, phá vây nhưng thất bại. Mất thế thượng phong, Quan Vũ bèn ra lệnh cho quân rút lui. Trên đường đi, quân Thục thiệt hại vô số vì bị rơi xuống sông Hán Thủy. Phàn Thành được giải cứu thành công.
Untitled-1
Tào Tháo nhận tin thắng trận đã đích thân đi đón Từ Hoảng
Tào Tháo sau khi nhận tin báo tiệp thắng trận thì hết sức vừa ý, gọi Từ Hoảng là Tôn Vũ. “Tam Quốc chí” chép lại rằng Tào Tháo đã khen ngợi Từ Hoảng không ngớt lời bằng những mỹ từ hay nhất: “Giặc đào hào kín mít rải chông chà mười phần trầm trọng, tướng quân hết sức đánh thu được toàn thắng, lại phá vòng vây của địch, chém được nhiều đầu giặc. Ta dụng binh ba hơn mươi năm, cũng có nghe đến cái khéo dùng binh của người xưa, mà chưa thấy có ai xông thẳng vào vòng vây của địch như vậy. Vả lại vòng vây ở Phàn Thành – Tương Dương, còn hơn vòng vây ở Thành Cử – Tức Mặc, công lao của tướng quân, còn hơn cả Tôn Vũ – Nhượng Thư”.
Chuyện kể rằng, sau khi thắng trận, Từ Hoảng chỉnh đốn quân mã trở về trại, đích thân Tào Tháo đã ra ngoài thành 7 dặm để nghênh đón. Cơ hội nhìn thấy mặt Tào Tháo không nhiều, quân sĩ của các tướng khác đều nhốn nháo, xôn xao khi thấy Tào Tháo đến úy lạo ba quân. Duy chỉ có quân của Từ Hoảng là đội hình vững vàng, cờ súy nghiêm chỉnh, tướng sĩ xếp hàng gần như bất động. Thấy vậy, Tào Tháo khen “Từ tướng quân có thể nói là có phong độ của Chu Á Phu vậy”.
Dưới trướng Tào Tháo, Từ Hoảng luôn là “tướng yêu”, hết sức được trọng dụng. Sau này, khi Tào Phi nối nghiệp cha, rồi xưng đế, Từ Hoảng cũng vẫn là đại thần rường cột của nước nhà. Ông được phong tới tước hầu (Dương Bình hầu), ăn thực ấp hơn 3000 hộ. Năm 227 Từ Hoảng mất, hưởng thọ 58 tuổi.
Hữu Bằng
Xem thêm:

Trung Quốc tuyên bố đã đánh bại ‘âm mưu’ gây rối ở Biển Đông

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào ngư dân Philippines ở gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông vào tháng 9 năm 2015 (Ảnh: Ngư dân Philippines Renato Etac)
Việc Bắc Kinh xoay chuyển thành công mối quan hệ với Philippines đã cho thấy ‘các âm mưu’ gây rối Biển Đông của một số nước đã bị đánh bại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hôm nay (3/12).
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của Philippines và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte, người mới nhậm chức hồi cuối tháng 6, đột ngột ‘chia tay’ đồng minh Hoa Kỳ và chuyển hướng hợp tác sang Trung Quốc, nói rằng phán quyết về Biển Đông chỉ là ‘một mảnh giấy’.
Ông Duterte cũng thừa nhận rằng quyết định của ông được châm ngòi vì Hoa Kỳ chỉ trích ông về tình trạng giết người ngoài vòng pháp luật trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.
Động thái chuyển hướng của Tổng thống Duterte đã được Trung Quốc trải thảm đỏ chào đón trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh của ông hồi tháng 10.
Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một diễn đàn học thuật rằng chuyến thăm của Tổng thống Philippines Duterte đã báo hiệu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, Reuters đưa tin.
“Điều này đánh dấu vấn đề Biển Đông đã trở lại lộ trình phân xử đúng đắn là thông qua đối thoại và tham vấn, và điều này có nghĩa là các âm mưu của các nước có liên quan vốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để làm rối loạn khu vực đã bị phá vỡ hoàn toàn”, ông Vương nói.
Ông Vương không nêu tên quốc gia nào, nhưng Trung Quốc thường đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Australia là can thiệp vào tình hình Biển Đông.
Tuyên bố của ông Vương đã được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Thu Phương
Xem thêm:

Tỷ phú Trung Quốc bị nghi đã bí mật giấu 500.000 tấn nhôm ở Việt Nam là ai?; Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ

02/12/2016  14:24 GMT+7

Các hoạt động nhập khẩu nhôm bất thường về Việt Nam được cho là có liên quan đến gia đình tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.
Một trong những kho dự trữ nhôm lớn nhất thế giới, vốn vài tháng trước còn vùi dưới lớp cỏ và những tấm bạt nhựa trên sa mạc Mexico, nay đã được vận chuyển tới một bến cảng xa xôi ở miền Nam Việt Nam. 
Từ đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chở bằng xe tải ra khỏi thành phố San José Iturbide của Mexico và được chuyển đến Việt Nam, theo dữ liệu vận tải và nguồn tin của Wall Street Journal. Phần lớn số nhôm này hiện đang nằm dưới những tấm bạt đen tại một cảng biển cách TPHCM hai giờ lái xe, được canh chừng nghiêm ngặt bởi những người bảo vệ chạy xe mô tô và có trang bị dùi cui.
Các chuyến hàng lớn bất thường này đang gây nhiều sự chú ý, và làm dấy lên lo ngại về tác động tới ngành công nghiệp nhôm và giá của kim loại này. Theo Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), Việt Nam hiện là điểm đến cho 91% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mexico, điều gần như chưa hề xảy ra trước đây. 
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), kho nhôm này có liên quan tới một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Liu Zhongtian, Chủ tịch công ty nhôm khổng lồ China Zhongwang Holdings. Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành nhôm của Mỹ từng cáo buộc ông Liu chuyển kho nhôm từ Trung Quốc đến Mexico nhằm trốn thuế của Mỹ. 
Theo dữ liệu vận tải và những người theo dõi chuyến hàng này, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp có liên quan tới gia đình ông Liu với kho nhôm đang nằm tại Việt Nam. 
Nhôm ép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế lên tới 374%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%. 
Hành trình kho nhôm từ Mexico tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ. Số nhôm này được vận chuyển thông qua những cảng biển nằm gần các doanh nghiệp có liên quan tới ông Liu, theo nguồn tin thân cận với WSJ.
Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ
Các lô hàng nhôm đang được che bạt đen tại bến cảng ở Vũng Tàu. Ảnh: Vu Trong Khanh/The Wall Street Journal
Chẳng hạn như tính đến tháng 8/2016, 65% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mỹ trong năm nay có điểm đến là Việt Nam, trong khi năm ngoái con số này chưa tới 3%, theo dữ liệu của GTIS. Dữ liệu nhập khẩu cho thấy một lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam trong năm nay đến từ công ty Perfectus Aluminum Inc.
Perfectus từng được sở hữu bởi con trai ông Liu, còn giờ đây được quản lý bởi Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Liu. Jacky Cheung cũng sở hữu Aluminicaste Fundición de México, công ty Mexico quản lý kho dự trữ nhôm tại Mexico nói trên, theo nguồn tin thân cận. Con trai ông Liu lại cũng từng sở hữu Aluminicaste. 
Ông Cheung cũng là một trong những chủ sở hữu của Global Vietnam Aluminum, công ty có nhà máy đặt tại Vũng Tàu, nơi đang lưu trữ một lượng lớn nhôm Mexico này. 
Ông Liu cho biết, ông không có liên quan tới doanh nghiệp của con trai ông tại Mexico hay Mỹ. "Trong chuyện này, tôi không giúp đỡ nó", ông nói với WSJ trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6/2016 khi đề cập đến Aluminicaste. 
WSJ đã nỗ lực liên lạc với con trai ông Liu nhưng không thành công.
Aluminicaste, vốn phủ nhận quyền sở hữu kho nhôm ở Mexico, đã từ chối đưa ra bình luận. Đồng sở hữu Global Vietnam là ông Cheung cũng không đưa ra bình luận gì. 
Người phát ngôn của China Zhongwang, bà Harriet Lau, cho biết công ty không liên quan tới kho nhôm đang lưu trữ tại Việt Nam. "Về mặt tài chính, hiện không có ý nghĩa thương mại khi lưu trữ các sản phẩm nhôm", bà nói, khi việc vận chuyển và lưu trữ các sản phẩm nhôm khá tốn kém và không tạo ra lợi nhuận cho công ty này. 
Ông Liu, China Zhongwang và Aluminicaste cũng phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào tới kho dự trữ nhôm đã biến mất khỏi Mexico. 
Như đã biết, kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm ép trị giá 5 tỷ USD đã được nhập cảng Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo GTIS. Điểm nhập nhôm lớn thứ hai thế giới là Hà Lan, một trung tâm kinh doanh kim loại, nhưng chỉ bằng một phần ba của Việt Nam.
Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ
Việt Nam nhập khẩu một lượng nhôm lớn từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ. Đồ họa: The Wall Street Journal
"Đây là một kho dự trữ khổng lồ", Eoin Dinsmore, chuyên gia phân tích tại công ty kinh doanh nhôm CRU Group tại London cho biết. Ông ước tính, kho trữ nhôm tại Việt Nam chiếm tới 14% tổng lượng hàng tồn kho nhôm trên thế giới. Nếu được bán ra thị trường, khối nhôm này sẽ tác động đáng kể đến giá nhôm, ông nhận định. 
Phần lớn trong số 1,7 triệu tấn xuất sang Việt Nam đi qua cảng biển Vũng Tàu, theo ông Dinsmore, dựa theo hình ảnh vệ tinh cho thấy có một kho nhôm lớn tại đây. Vũng Tàu là cảng biển xuất nhập hàng hóa chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có thể xử lý một lượng lớn nhôm đến vậy, theo nhận định của Jorge Vazquez, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường nhôm Harbor Aluminum Intelligence LLC. 
Bộ Thương mại Mỹ trong năm 2010 đã cáo buộc các sản phẩm nhôm của China Zhongwang bán phá giá tại Mỹ, và đã áp mức thuế 374% đối với các sản phẩm của công ty này. Cơ quan hồi đầu tháng 11 cũng cho biết China Zhongwang đã tìm cách "lách luật". Về phía mình, China Zhongwang không hề phản hồi gì với cuộc điều tra thương mại năm 2010. Trong tuyên bố hồi tháng trước, công ty này cho biết đã không còn bán các loại nhôm ép mà Bộ Thương mại Mỹ nhắm đến.
Một chứng cứ khác cho thấy kho nhôm tại Việt Nam có liên quan tới ông Liu. Một lượng lớn nhôm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc mà phần lớn là từ tỉnh Liêu Ninh, nơi đặt nhà máy của China Zhongwang, theo thông tin từ Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại EU đồng thời là đồng sáng lập của Boyden Gray & Associates PLLC. Một đại diện cho ông Gray nói rằng, công ty của ông đang nghiên cứu về China Zhongwang và các hoạt động thương mại của ông Liu. 
"Rõ ràng là các sản phẩm nhôm do Global Vietnam Aluminum nắm giữ được sản xuất bởi China Zhongwang", ông Gray nói và khẳng định rõ ràng mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Liu và một số công ty đã đứng sau những chuyến vận chuyển nhôm số lượng lớn tại Mỹ, Mexico và Việt Nam. 
Theo một nguồn tin đáng tin cậy xác nhận với Nhịp Cầu Đầu Tư, các chuyến hàng nói trên được nhập cảng Việt Nam không chỉ có nhôm mà còn bao gồm các sản phẩm đồng. Hiện, các chuyến hàng này đang được nhập về Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất và đang gặp phải một số vấn đề về pháp lý, nguồn tin cho biết.
(Theo Nhịp cầu đầu tư)


Theo Thời đại/Bloomberg,WSJ


Tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian là người đứng sau Zhongwang Holdings, tập đoàn sản xuất và bán các sản phẩm nhôm ép hiện đang giữ vị trí số 1 ở châu Á và thứ 2 trên thế giới.


Trung tuần tháng 9, tờ Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal) đã đưa tin một tỷ phú người Trung Quốc bị cáo buộc giấu gần 1 triệu tấn nhôm, trị giá 2 tỷ USD, bên trong một “pháo đài” được bảo vệ nghiêm ngặt với hàng rào dây thép gai nằm sâu bên trong sa mạc Mexico. Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về những ảnh hưởng đến thị trường nhôm và giá nhôm thế giới.
Mới đây tờ báo này lại đưa tin kho nhôm bí ẩn này đã được chuyển về Việt Nam. Dựa trên số liệu xuất nhập khẩu và những nguồn tin thân cận, Wall Street Journal cho rằng kể từ đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chuyển ra khỏi thành phố San Jose Iturbide của Mexico và đưa về Việt Nam. Hiện số nhôm này đang được cất ở một nhà máy tại cảng Vũng Tàu.
Vậy tỷ phú nhiều tai tiếng này là ai?
Tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian là người đứng sau Zhongwang Holdings, tập đoàn sản xuất và bán các sản phẩm nhôm ép hiện đang giữ vị trí số 1 ở châu Á và thứ 2 trên thế giới.
Theo Bloomberg, tỷ phú Liu Zhongtian sinh năm 1964, tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Hiện ông là một trong những tỷ phú giàu thứ 65 ở Trung Quốc với tài sản trị giá 3,1 tỷ USD.
Liu đã tận dụng tốt những cơ hội khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu cải cách. Khi mới 14 tuổi, với chỉ 200 nhân dân tệ tiền đi vay mà nhiều giấc mơ ấp ủ, ông đã khởi nghiệp bằng cách bán sơn chống cháy cho các nhà máy ở địa phương. Khi thị trường ngày càng mở cửa, Liu thành lập một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, nhựa và nhôm như Liaoyang Factory, Futian Chemical, Liaoning Cheng Cheng và Hong Cheng.
Năm 1993, ông thành lập công ty TNHH Zhongwang và làm Chủ tịch cho đến tháng 3/2016. Zhongwang đã phát triển thành một tập đoàn lớn mạnh mà Liu là người chèo lái chính với 16 năm kinh nghiệm quản lý và hoạt động trong ngành nhôm ép.
Năm 2003, Liu trúng cử đại biểu quốc hội và giữ cương vị này tới 2 nhiệm kỳ. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội thương mại và công nghiệp Liêu Ninh, từng nhận được nhiều bằng khen từ Chính phủ Trung Quốc.
Vị tỷ phú này là người tin vào tăng trưởng “mì ăn liền”. Ông từng nói mục tiêu của Zhongwang là nhảy được 2,3 bước lớn trong 3 đến 5 năm, nếu không tập đoàn sẽ bị “dìm chết” bởi những công ty lớn hơn.
Năm 2009, Zhongwang niêm yết cổ phiếu và huy động được 1 tỷ USD. Trước khi IPO, Liu sở hữu gần 75% cổ phần của tập đoàn.
Zhongwang xuất khẩu nhôm đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh… Trong 6 tháng đầu năm 2016, 15% doanh thu của tập đoàn đến từ các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, năm 2010, Bộ Thương mại Mỹ buộc tội Zhongwang bán nhôm dưới mức giá thị trường và đánh thuế chống bán phá giá lên tới 374%. Sau đó các công ty nhôm Mỹ lại buộc tội Liu đã chuyển nhôm đến Mexico nhằm trốn thuế vì như vậy có thể che giấu xuất xứ Trung Quốc. Do bị đánh thuế chống bán phá giá ở Mỹ, các thanh nhôm ép có xuất xứ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế lên tới 374%; trong khi nhôm xuất từ Mexico được hưởng ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ.
Tất nhiên ông Liu và tập đoàn Zhongwang bác bỏ lời buộc tội này.
Việc phát hiện ra 6% lượng nhôm của toàn thế giới, có giá trị 2 tỷ USD và đủ để làm 77 tỷ lon bia bị chôn dưới sa mạc Mexico nhằm trốn thuế đã khiến 2 bên Mỹ - Trung căng thẳng.
Theo Wall Street Journal, lần này Liu lại áp dụng chiến thuật tương tự khi chuyển số nhôm nói trên về Việt Nam. Nhôm ép từ Việt Nam xuất đi Mỹ sẽ chỉ phải chịu mức thuế 5% mà thôi.
Thu Hương
Theo Thời đại/Bloomberg,WSJ

TSKH Phan Hồng Giang: Làm thế nào để chấn hưng đạo đức dân tộc?

 03/12/2016

Tôn Phi  thực hiện
2-12-2016
TSKH Phan Hồng Giang. Ảnh: internet
TSKH Phan Hồng Giang. Ảnh: internet
(VNTB) – Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết
Vào đầu tháng 9 năm 2016, tiến sĩ Phan Hồng Giang có bài viết được rất nhiều người chú ý và nhiều báo đăng tải đồng loạt, đó là bài viết “ Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa?”. Vấn đề bằng cách nào để cứu vãn đạo đức xã hội, bằng cách nào để giảm thiểu tội ác này được ngày càng nhiều tri thức trong ngoài nước trăn trở.
Hội nhà báo độc lập Việt Nam có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, từng là viện trưởng viện Văn hoá – nghệ thuật Việt Nam, tác giả của bài luận ngắn trên.  
P.vMến chào tiến sĩ Phan Hồng Giang đã trở lại trong chuyên mục phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo. Đạo đức xã hội xuống cấp, suy đồi đang trở thành một vấn nạn đáng báo động. Tăng cường nhiều công an tư tưởng, cảnh sát, xây nhiều nhà tù, có thể là nơi giáo dục đạo đức, răn đe  cộng đồng bớt phạm tội lâu dài được hay không?
TSKH Phan Hồng Giang (P.H.G.) :   Quả là đạo đức xã hội  đang suy đồi, đáng báo động ở mức cao nhất. Tăng cường nhiều công an tư tưởng là việc không nên làm, vì  bản thân suy nghĩ – tư tưởng mới tồn tại trong đầu hoặc thể hiện qua lời nói, chữ viết ôn hòa thì chưa thể là  – vàkhông thể bị coi là – hành vi phạm tội. Còn tăng cường lực lượng cảnh sát, xây thêm nhà tù… ở khía cạnh trấn áp tội phạm, chừng mực nào đó, cũng có tác dụng ngắn hạn giáo dục đạo đức ( ở mức tối thiểu là không vi phạm pháp luật). Và thực ra, theo tôi, tác dụng này cũng không quá lớn: Bằng chứng là dù số lượng cảnh sát đã tăng cao đến mức kỷ lục, nhà tù liên tục được mở rộng, xây thêm thì vẫn không đủ chỗ để nhốt tội phạm sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa !
Về lâu dài thì cần áp dụng biện pháp căn cơ, sâu xa hơn :Tính cách con người chủ yếu là do hoàn cảnh tạo ra; muốn cải tạo tính cách theo chiều hướng Chân-Thiện-Mỹ thì trước tiên phải tập trung cải tạo hoàn cảnh – sao cho môi trường xã hội trở nên tử tế, hợp đạo lý hơn.
P.vCó một ý kiến so sánh thế này: Người châu Phi cũng nghèo, thậm chí tính về thu nhập bình quân đầu người thì còn nghèo hơn Việt Nam. Nhưng cái nghèo ở châu Phi không làm cho con người ta rơi vào vòng tội lỗi, dân nghèo ở châu Phi vẫn có tâm hồn trong sáng, trong khi cái nghèo ở Việt Nam lại biến nhân dân thành những người “đa nhân cách”. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang thì “đa nhân cách” có phải là hiện trạng chung của dân Việt Nam, và  có nguy hiểm cho  cá nhân và cộng đồng hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Cách đây 15 năm tôi có dịp đi dự một Hội thảo về văn hóa ở Cộng hòa Benin, miền Trung Phi. Khi dạo chơi ngoài phố, tôi ngạc nhiên đầy thú vị khi thấy các xe máy không gắn biển số và hầu hết người dân khi dừng đậu xe ở vỉa hè vào cửa hàng hay đi đâu đó đều  không phải làm cái động tác đã thành bản năng ở xứ ta là… khóa xe !  Nghĩa là người dân Benin, tuy chưa phải là giàu có gì nhiều, đã không thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ăn cắp xe, trong khi ở xứ ta dù xe đã khóa vẫn có thể …bốc hơi chỉ 5-7 giây sau khi chủ xe khuất mắt !  Ở ta không gì có thể không bị mất cắp:  từ gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, hộp số xe máy đến biển số (!) xe hơi (người bị mất đành cắn răng ra Chợ Giời tìm hỏi mua lại chính biển số xe của mình (!). Thật là một kiểu ăn cắp độc nhất vô nhị trên cả thế giới diễn ra  công khai trước mũi người ngay và… công an !
Sự phổ biến của nạn dân ta ăn cắp đã trở nên khá nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Nhiều cửa hàng ở các nước đó đã phải treo biển cảnh báo về nạn ăn cắp bằng… tiếng Việt ! Dù các cụ đã dạy : “Bần cùng sinh đạo tặc”, nhưng xin nói ngay rằng ăn cắp phần lớn không phải do nghèo. Phi công, tiếp viên hàng không bị bắt vì trộm cắp ở Nhật đâu phải vì nghèo ? Bị bắt vì trộm kính đeo mắt trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay Thái Lan là Giám đốc một Công ty lớn…
Anh nhắc đến  căn bệnh “đa nhân cách” của nhiều người dân ta, theo tôi,  cũng là một cách lý giải dễ thuyết phục. Theo tôi, nên dùng chữ “rối loạn nhân cách” hay “lệch lạc nhân cách” thì độc giả bình thường dễ hiểu hơn. Dù về cơ bản, “rối loạn nhân cách” được hiểu như một căn bệnh – bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng hiểu là bệnh như thế, theo tôi, dễ dẫn đến chỗ không còn coi ăn cắp là một tội hình sự, một hành vi vô đạo đức. Nếu không kịp thời chú trọnggiáo dục nhân cách, không nghiêm khắc áp dụng chế tàiđủ mạnh đối với vấn nạn trộm cắp thì  các cá nhân và cộng đồng ở xứ ta còn phải chịu bất an dài dài. (Xin nhắc : theo Luật Hồi giáo cực đoan, kẻ trộm cắp phải bị … chặt tay !).
P.vVừa rồi có vụ các cô giáo bị ép đi tiếp khách, bộ trưởng giáo dục thì đứng về phía những người ép các cô làm lễ tân. Thật khó mà tin cậy  vào ngành giáo dục là nơi rèn luyện nhân cách được nữa. Nhiều người già nói rằng do thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh, người dân Việt Nam mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi, cho nên không ngừng phạm tội. Tiến sĩ Phan Hồng Giang có nhận định thế nào về ý kiến này?
TSKH Phan Hồng Giang: Câu chuyện xoay quanh việc các cô giáo ở thị trấn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bị cấp trên “giao nhiệm vụ” đi tiếp khách cho các quan chức ăn nhậu làm dư luận phải  nghi ngờ về năng lực rèn luyện nhân cách của các nhà quản lý ngành giáo dục. Đặc biệt đáng thất vọng là ông “tư lệnh” ngành giáo dục, một vị GS,TS chữ nghĩa bề bề, lại thể hiện một tư duy lệch lạc: trước Quốc hội, trước bàn dân thiên hạ, vị này gọi  đó  là “chuyện vui vẻthôi mà” ! Trả lời cánh báo chí, ông dạy dỗ các cô giáo “trước hết phải tự trách mình đã không biết từ chối” công việc không phải của mình ! Ông như người ở trên trời vừa rơi xuống hay sao mà  không biết tai họa nào sẽ chắc chắn  đổ xuống đầu các cô gái trẻ nếu họ dám từ chối “nhiệm vụ chính trị” (!) mà quan trên đã đắc chí áp xuống ! Các cô giáo vốn là nạn nhân, thay vì được thương xót bênh vực thì lại bị phê phán ! Thật là ngược đời !
Câu chuyện trên, nói cho đúng ra, chỉ là điều thất vọngnhỏ trong vô số những điều gây thất vọng lớn hơn nhiều trong “sự nghiệp trồng người” – từ triết lý giáo dục bất cập; chương trình – sách giáo khoa thiếu hệ thống, nhiều lý thuyết yếu thực hành; coi nhẹ truyền bá kỹ năng sống; phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo… đến cách thi cử nặng nề; chất lượng giáo viên còn xa mới đạt yêu cầu; thái độ học tập đối phó; nạn dạy thêm, học thêm tràn lan;  bạo lực học đường không còn hiếm thấy v.v…
Quả là  như anh vừa nhắc, “thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh”, người dân chúng ta nhiều khi “mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi”.  Khi con người không còn tin vào điều gì thiêng liêng, không còn biết sợ bất kỳ điều gì – sản phẩm cực đoan của chủ nghĩa vô thần – thì họ chỉ còn cách hành động phạm tội một gang tay !  Những báu vật trong các chùa chiền ở khắp các miền quê đã tồn tại hàng trăm năm không ai dám động đến vì sợ bị “Thánh vật”. Còn bây giờ dù cửa đóng then cài thì sểnh ra là bị đạo chích rinh mất như tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở – Hưng Yên đã 2 lần bị bọn trộm vô đạo hỏi thăm…
P.vTrong bài báo “Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa”, tiến sĩ đưa ra giải pháp thúc đẩy quyền tự do dân chủ, vì thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Liệu có giải pháp nào để cải thiện đạo đức dân tộc mà không đi qua con đường tự do dân chủ không? Giải pháp đó có cấp bách hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết, căn bản, lâu dài để  ngăn chặn đà suy thoái của văn hóa – trước hết là văn hóa đạo đức, rồi từ đó xây dựng được một nền văn hóa đạo đức tử tế, lương thiện, bền vững. (Điều này phần nào tôi đã giải thích  trong bài báo anh đã nhắc đến).
Đã là giải pháp căn bản, lâu  dài thì khó có thể là cấp bách, phải làm  được trong ngày một ngày hai.
Tôi nghĩ, nếu nhận được sự đồng thuận xã hội, nếu được các nhà lãnh đạo  “bật đèn xanh” thì đạo đức xã hội có thể được cải thiện thông qua việc thấm nhuần sâu sắc, thực chất và rộng khắp các giáo lý cao đẹp của tôn giáo. Thực tế đã chứng minh rằng ở những nước theo quốc đạo là Phật giáo như Lào, phạm đều rất thấp, (Myanmar dù còn rất nghèo, vẫn đứng đầu  Bảng xếp hạng các nước trên thế giới về mức độ làm từ thiện). Ngay ở nước ta, những vùng công giáo toàn tòng (như ở Hải Hậu, Bùi Chu, Phát Diệm…) các vấn nạn trộm cắp, nghiện ngập, ly hôn… đều rất ít xẩy ra. Vai trò tích cực của tôn giáo ở đây là rất rõ ràng.
P.v: Dù sao thì vẫn phải thừa nhận giáo dục vẫn là một trong những mặt trận cốt yếu để cứu vãn đạo đức xã hội. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang, bản thân nền giáo dục Việt Nam có những tiền đề tự thân để có thể thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản, ít nhất là như các triều đại trước hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Đương nhiên phải thừa nhận giáo dục là lĩnh vực mà nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi đi tìm giải pháp chấn hưng văn hóa.
Bên cạnh những điểm yếu dễ thấy, tôi rất tin là nền giáo dục nước ta, may mắn là còn có, như chữ dùng của anh, “những tiền đề tự thân” để có thể “thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản”. Đa số các thầy cô tận tụy với nghề, phụ huynh đều  mong muốn con em mình “nên người”, học sinh đều muốn “học ít, biết nhiều”, cả nước từ trên xuống dưới đều khát khao “đổi mới căn bản và toàn diện” lĩnh vực giáo dục sao cho các “sản phẩm giáo dục” có thể sớm đáp ứng yêu cầu xây dựng được một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh, toàn dân  hạnh phúc, tự do.
Bởi xét cho tới cùng, nhân bản vị tha là phương cách duy nhất để cho loài người tồn tại. Sự độc ác, tồi tệ giữa con người với nhau, sự tụt dốc không phanh của văn hóa chỉ làsản phẩm nhất thời của một thời loạn lạc vô đạo, khi hệ thống giá trị bị đảo lộn, đồng tiền bất chính lên ngôi, bạo lực được tôn vinh thành chủ thuyết phát triển, dối trá ăn vào máu, con người trở nên vô cảm  trước tai họa của đồng bào và Đất nước.
Xin được cám ơn tiến sĩ Phan Hồng Giang đã dành thời gian quý báu cho độc giả Việt Nam Thời Báo. Mến chúc ông có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.