Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Bài viết ngầm so sánh "loạn Tam Vương" thời Lý và công cuộc tranh dành quyền lực hiện nay

Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông


S.T | 
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông
Hình cắt trong "Hào khí ngàn năm" của VTV về Loạn Tam Vương.

Sau khi Lý Thái Tổ băng hà, 3 vương tử là Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức hợp nhau làm phản, tính lật đổ ngôi vị của thái tử Phật Mã, tức vua Lý Thái Tông sau này.







Có một sự kiện rất đáng tiếc đã xảy ra trong cung đình nhà Lý ngay sau khi vua Lý Thái Tổ mất (năm Mậu Thìn – 1028), đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 11a-b và tờ 12-a) ghi lại như sau:
“Mùa xuân, tháng 2 Vua không khỏe. Tháng ba, ngày mồng một là ngày bính thân, có nhật thực. Đến ngày Mậu Tuất (tức 3-3-ND), Vua băng hà ở điện Long An. Bầy tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử (Phật Mã – ND) vâng di chiếu lên ngôi. 
Tam Vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin, đều đem theo quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, cùng đợi Thái tử đến thì đánh úp. 
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông - Ảnh 1.
Lý Thái Tổ. Ảnh minh họa: Viettoon.net
  Một lúc sau, Thái tử đi từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên thì biết có biến, bèn sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai vệ sĩ ở trong cung phòng giữ. (Thái tử) nhân đó bảo tả hữu rằng:
"Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay tam vương làm việc bất nghĩa, quên đi di mệnh của tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?".
Nội thị là Lý Nhân Nghĩa nói:
"Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sức bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay tam vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho chúng thần được đánh một trận để quyết được thua".
Thái tử nói:
"Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất, thi thể chưa quàn mà cốt nhục đã đánh nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?".
Nhân Nghĩa nói:
"Thần nghe rằng, muốn mưu xa thì phải quên ân gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng, đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. (Ý muốn chỉ việc Đường Thái Tông giết hai anh, Chu Công Đán giết em là Quản Thúc để giữ ngôi vua cho Đường Thái Tông và cho Chu Thành Vương – ND).  
Nay, điện hạ có cho Đường Thái Tông và Chu Công là chăm mưu xa và giữ đạo công chăng? Hay (hai người ấy) chỉ là tham công gần và đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái Tông và Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa hết, còn đâu mà chê cười?".
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông - Ảnh 2.
Tượng vua Lý Thái Tông. Ảnh: Internet
Nhân Nghĩa lại nói:
"Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, có tài để làm nổi việc, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao?".
Thái tử in lặng hồi lâu rồi bảo Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng:
"Ta há lại không biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của tam vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để đươc vẹn toàn tình cốt nhục là hơn".
Khi ấy, phủ bình của tam vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, liền nói:
"Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy tam vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục (lễ mặc đồ tang – ND) đến hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy thác cho các khanh cả".
Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy, nói:
"Chết vì vua gặp nạn là chức phận của chúng thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa".
(Nói xong), bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông phá, có sức một người chọi với cả trăm người. Khi quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, hô to rằng:
"Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối dõi vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thành gươm này để dâng".
Nói rồi, xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của tam vương thua chạy, quan quân đuổi theo chém chết không sót một tên nào, chỉ có hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.
Lời bàn: 
Dẫu là người dưng mà chém giết nhau để giành quyền cao chức trọng, cũng đã đủ để tiếng xấu muôn đời, huống chi là anh em ruột thịt, nồi da nấu thịt. Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức làm sao có thể gọi là hợp mưu để giết Phật Mã được? 
Ngôi vua thì chỉ có một, dẫu có giết được Phật Mã đi chăng nữa, chẳng lẽ sau đó, cả ba lại cùng nhau làm vua? Cả ba chỉ lừa nhau, liên minh giả dối với nhau để rồi kẻ thắng thế duy nhất cũng chính là kẻ nham hiểm cao tay nhất.
Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát lưỡi gươm đương thời, nhưng làm sao thoát được lời búa rìu khinh ghét của muôn đời.
Nguồn sưu tầm: 
- Cuốn "Tiểu sử giai thoại – 51 giai thoại thời Lý", trang 11-13 , NXB Giáo dục.
*Tiêu đề bài viết đã được chúng tôi đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ

Điều khiến phương Tây cũng phải ngả mũ kính phục vua Gia Long

Lê Thái Dũng | 

Điều khiến phương Tây cũng phải ngả mũ kính phục vua Gia Long

Tưởng rằng, 1 vị vua ở phương Đông sẽ chỉ quen với văn chương, thơ phú nhưng ít ai ngờ Gia Long đã khiến nhiều người châu Âu phải kinh ngạc về kiến thức khoa học sâu rộng của mình.

Thân thế vua Gia Long
Vua Gia Long là người sáng lập ra nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chủng, Nguyễn Phúc Noãn), sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (tức ngày 8 tháng 2 năm 1762), cha là Nguyễn Phúc Luân, con thứ hai của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, mẹ là Nguyễn Thị Hoàn.
Họ Nguyễn làm chúa, xưng vương ở Đàng Trong được khoảng 200 năm thì bị lật đổ bởi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn bắt sống Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương và đến tháng 10 cùng năm thì bắt được Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần đưa về Gia Định xử tử; chính quyền của họ Nguyễn đến đây coi như chấm dứt.
Tuy nhiên một nhân vật nổi bật là Nguyễn Phúc Ánh đã quyết tâm khôi phục quyền vị của dòng họ.
Để có chính danh, năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định, đúc ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo", xây dựng lực lượng, thậm chí cầu viện đến sự giúp đỡ của ngoại bang như Xiêm La (Thái Lan), Phú Lang Sa (Pháp)…
Điều khiến phương Tây cũng phải ngả mũ kính phục vua Gia Long - Ảnh 1.
Một bức hình chân dung hoàng đế Gia Long. Ảnh: Vntinnhanh
Trải qua hàng chục năm gian nan, vất vả, kiên trì trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, cuối cùng nhân khi nội bộ triều đình Tây Sơn suy yếu do mâu thuẫn bè phái đã cơ hội tốt cho Nguyễn Phúc Ánh dần chiếm ưu thế.
Sau khi chiếm được kinh đô Phú Xuân (Huế ngày nay) vào tháng 5 năm Tân Dậu (1801) rồi tấn công ra Bắc, đến ngày mồng 2 tháng 5 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, lập ra triều Nguyễn.
Ngày 21 tháng 6 cùng năm, thành Thăng Long thất thủ, quân Tây Sơn thua to, vua Cảnh Thịnh bỏ thành cùng các các bề tôi qua sông Nhĩ Hà (sông Hồng) chạy về hướng bắc nhưng đến Kinh Bắc thì bị bắt, triều Tây Sơn đến đây chấm dứt.
Chúng ta thường nghe nói đến "Chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn", nhưng thực ra họ Nguyễn có 10 đời chúa và Nguyễn Phúc Ánh chính là vị chúa thứ 10 - đời chúa cuối cùng của chính quyền Đàng Trong; ông cũng là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn.
Như vậy, xét trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Phúc Ánh là người duy nhất làm chúa rồi lại làm vua.
Vua Gia Long và những hiểu biết khiến người Tây nể phục
Chính sử nước ta hầu như không nhắc đến những hiểu biết rộng rãi của vua Gia Long về châu Âu nói chung và về khoa học, kỹ thuật tiên tiến đương thời nói riêng, thế nhưng qua một số nguồn tư liệu của những người phương Tây có may mắn gặp gỡ, tiếp xúc đều thể hiện sự ngưỡng mộ về trí tuệ và tài năng của ông.
Trong cuốn Souvenirs de Hue (Hồi ký Huế) của Michel Đức Chaigneau, con trai một phụ tá người Pháp của vua Gia Long là Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) đã cho biết vị vua đầu tiên của triều Nguyễn là một người hòa nhã, giản dị, tài năng, có những ý tưởng khoáng đạt và cả sự hào hiệp.
Cuốn sách cũng cho biết "trong sự tâm giao, vua Gia Long rất thích hỏi cha tôi về các trường học và những phong tục của nước Pháp" và "vua Gia Long được công nhận là một người có khả năng nhất của vương quốc vì đã có đầy đủ trong mình những đức tính cần thiết cho một người đứng đầu nhà nước.
Lòng quả cảm và đức tính kiên trì theo đuổi tất cả những mục tiêu đúng đắn làm cho giám mục Adran và những người Pháp làm việc ở Nam Kỳ cho rằng tuyệt nhiên không có một người đứng đầu quốc gia châu Âu nào có thể thay thế được".
Điều khiến phương Tây cũng phải ngả mũ kính phục vua Gia Long - Ảnh 2.
Chân dung hoàng đế Gia Long (Hình minh họa- Nguồn: ABS Travel)
Những hiểu biết về châu Âu, với tri thức và khoa học tân tiến lúc bấy giờ mà vua Gia Long có được không chỉ qua trao đổi, học hỏi, thu thập từ những người phương Tây mà vua có dịp gặp gỡ; ông còn có được thông tin qua sách vở.
Một cố đạo người Pháp tên là Lelabrousse trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris đã viết: 
"Nhà vua có tính chăm chỉ hết sức. Ban đêm Ngài ít ngủ, đọc sách rất nhiều; việc gì cũng tò mò muốn biết và cần cù hiếu học đáo để. Trong điện Ngài ở, có nhiều bộ sách của người Pháp soạn, dạy về các khoa kiến trúc, xây thành đắp lũy.v.v…
Ngài để luôn bên mình, năng mở ra xem những hình vẽ kiểu mẫu rồi cố bắt chước làm theo. Mỗi ngày thấy Ngài tấn tới lên mãi. Tóm lại, ông vua này là một bậc nhân quân vĩ đại nhất xứ Đàng Trong nước Nam từ trước đến giờ".
Không chỉ người Pháp, những người châu Âu khác cũng rất nể phục vua Gia Long. 
Một nhà du hành người Anh tên là John Barrow xuất bản tại London vào năm 1806 cuốn sách "A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793" (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793) đã ca ngợi vua là: "...con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới".
Hay "...câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự, nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng chỉ đạo đúng đắn, người ta có thể làm được nhiều việc lớn lao đến như thế nào".
Tự đóng chiến thuyền, một minh chứng cho tài năng của Gia Long
Câu chuyện này chính sử nước ta không ghi chép đến, nhưng các tài liệu của người châu Âu có nhắc đến, nó khiến không chỉ người phương Tây, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn rất nhiều phải cúi đầu thán phục mà khi đọc những dòng ghi chép trong sử sách hậu thế chúng ta cũng phải sửng sốt, bất ngờ.
Trong cuốn sách của mình, John Barrow đặc biệt đánh giá cao việc Gia Long xây dựng, tổ chức, cải tiến lực lượng hải quân:
"Ông nắm vững không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó ông đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Theo nguồn tin đáng tin cậy, người ta kể lại rằng để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như về lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha.
Với mục đích chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn được đổi mới.
Nghị lực tinh thần của ông không kém phần mạnh mẽ so với năng lực hoạt động thể chất của ông. Thực vậy, nhà vua đã được coi như xung lực chủ yếu của mọi cuộc vận động xảy ra trong vương quốc rộng lớn và thịnh vượng của mình.
Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, là thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình; không có việc gì dự định thực hiện lại không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông.
Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông.
Không những ông đi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất khi thảo ra những chỉ dẫn mà chính bản thân ông thực tế còn trông nom khi chúng được thực hiện".
Cố đạo Lelabrousse cũng dành một phần trong bức thư của ông để nhắc đến câu chuyện đáng nể này như sau:
"Thiên tư nhà vua cũng tốt không kém gì tâm tính, trí khôn nhanh nhẹn, thấu suốt dù những việc rắc rối nhất hạng, Ngài chỉ trông thoáng qua là hiểu ngay.
Lại có khiếu nhớ lạ lùng, phàm những gì qua mắt có thể ghi mãi trong trí không quên, cũng như trông thấy điều gì mới lạ đều có thể bắt chước một cách dễ dàng, tự nhiên.
Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.
Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ..v.v.. Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi.
Một bên thì đỗ chi chít những chiến thuyền không biết cơ man nào mà đếm; to có nhỏ có, chiếc nào chế tạo trông cũng có vẻ hùng vĩ khá sợ. Tất cả các thuyền binh khí ấy toàn là công trình của ông vua hiếu động và đa tài, đa nghệ…
Ngài đã chế tạo được những chiến thuyền theo kiểu châu Âu mà chỉ dùng toàn những người thợ bản xứ.
Ban đầu, ngài mua một chiếc tàu Tây đã cũ đem về tháo tung ra từng mảnh để xem cách thức chế tạo, sau đó tự tay ráp lại y nguyên hình thức cũ, ráp khéo đến nỗi xem chiếc tàu lại có vẻ đẹp hơn lúc trước.
Sự thành công ấy làm cho nhà vua nức lòng phấn chí, nhất định ra tay đóng hẳn một chiếc hoàn toàn mới. Mà ngài làm được mới thật lạ kỳ, sau đó lại đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc tàu này đi đến đâu cũng làm lên oai danh hiển hách cho nhà vua.
Công cuộc chế tạo lại mau chóng không ngờ, chiếc nào cũng đóng không quá 3 tháng đã hoàn thành, có chiếc lại còn làm nhanh chóng hơn…
Các ông ở bên Tây nghe nói một ông vua ở nước Nam có thể chỉ huy được một chiếc tàu chiến đóng theo kiểu châu Âu, tất lấy làm lạ vô cùng; nhưng các ông còn kinh ngạc nhiều hơn nữa nếu như các ông được chứng kiến mọi sự kiến thiết ở xứ sở này".
Điều khiến phương Tây cũng phải ngả mũ kính phục vua Gia Long - Ảnh 3.
Một loại chiến thuyền thời Nguyễn (Hình minh họa – Nguồn: quansuvn)
Trên đây là một số nhận xét, đánh giá của người châu Âu về vua Gia Long ở bối cảnh ông vẫn chưa lên ngôi hoàng đế mà vẫn là một vị chúa đang trong cuộc tranh đấu với triều Tây Sơn để giành lại quyền cai trị cho dòng họ Nguyễn.
Tuy nhiên, những kiến thức mà ông học hỏi được từ phương Tây có hữu ích rất lớn, lực lượng thủy quân gồm thuyền chiến chèo tay, tàu chiến đóng theo kiểu châu Âu và các loại thuyền mành khác nhau chính là lực lượng nòng cốt giúp ông làm lên đế nghiệp.
Trận thủy chiến lớn diễn ra đầu năm Tân Dậu (1801) ở đầm Thị Nại trong cuộc tấn công đánh chiếm thành Quy Nhơn đã khiến cho toàn bộ hạm đội chiến thuyền hùng mạnh của Tây Sơn bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tạo ra bước ngoặt quan trọng đánh dấu đà thắng lợi của Nguyễn Phúc Ánh nhờ đó mà chỉ một thời gian ngắn sau ông đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, chấm dứt triều đại Tây Sơn và thay thế bằng vương triều mới do ông đứng đầu.
Làm vua được 18 năm, đến ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tức ngày 3/2/1820) Gia Long qua đời, hưởng thọ 59 tuổi.
Triều đình đặt thụy hiệu cho vua là "Khai thiên Hoằng đạo Lập kỷ Thùy thống Thần văn Thánh vũ Tuấn đức Long công Chí nhân Đại hiếu Cao Hoàng đế"; sử sách thường gọi là Nguyễn Thế Tổ.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Trinh Nhất tác phẩm (Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, giới thiệu)- NXB Văn học, 2010
2. Hồi ký Huế (Michel Đức Chaigneau)- NXB Thuận Hóa, 2011
3. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792 – 1793 (John Barrow) – NXB Thế giới, 2011
4. Phan Đình Phùng và Việt sử giai thoại (tuyển tập Đào Trinh Nhất)- NXB Văn học, 2000
5.Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) – NXB Đà Nẵng, 2003
theo Trí Thức Trẻ

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 43)

  Báo chí

Chương Tám

Người cùng thời

Chú Bảy Trân
Lời Ai Điếu
Như tôi đã nói ở đầu tập hồi ký này, Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) là một người cộng sản hiếm có, nói sao làm vậy. Ông là con một điền chủ ở Nam Bộ, cha chết sớm, ở với chú. Năm 15 tuổi đã sang Pháp học đến tú tài rồi đi hoạt động cách mạng, qua Liên Xô học trường Đảng cao cấp, quay lại Pháp, rồi về Việt Nam hoạt động. Ông kể với tôi: “Tao về Việt Nam năm 1930 theo một tàu thủy chở khách từ Marseille về Sài Gòn, do một thiếu tá Pháp đảng viên đảng Cộng Sản Pháp làm thuyền trưởng. Ông thiếu tá này giấu tao dưới boong tàu, hằng ngày cho người đem thức ăn xuống. Ông dặn: Ăn xong thì ỉa vào bát và ném xuống biển để khỏi lộ. Cứ thế tao sống một tháng dưới boong tàu cho đến khi về đến Sài Gòn. Lúc lên bờ, mật thám Tây, Ta giăng kín trên bến. Nhưng ông thiếu tá cùng tao sóng đôi, vừa đi vừa nói chuyện nên qua được vòng vây mật thám. Tiễn tao đi một đoạn xa thì ông mới quay lại.”
Người cán bộ cộng sản cao cấp này xuất hiện ở nhà tôi như đã kể ở đầu sách, với tư cách là sui gia với bố mẹ tôi, đã gây cho cả dòng họ tôi một sự ngạc nhiên về người cộng sản. Thời ấy, sau hòa bình năm 1954, cả miền Bắc sống trong không khí hừng hực của đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản; nhà thờ, đình chùa được xem như những địa chỉ đen. Người ta phá đình, phá chùa, vặn cổ bụt ném xuống ao. Bàn thờ tổ nhà tôi, trừ ông nội tôi ngày tết ngày giỗ chính tay cụ thắp hương, vái lại, còn không ai ngó ngàng gì đến. Vậy mà ông cán bộ cộng sản cao cấp này, lại là dân Nam Bộ, lần đầu tiên đến nhà tôi đã xin phép ông nội tôi được thắp ba nén hương và chắp tay vái lạy bàn thờ tổ. Ông nội tôi nhận ra, đây là một nhà cách mạng chân chính. Từ đó, mỗi khi “chú Bảy Trân” như tôi vẫn gọi theo cách gọi của chị ruột tôi, người nhận ông là bố chồng danh dự, xuống nhà tôi chơi, chú đều được ông nội tôi đón tiếp rất niềm nở.
Theo cách phân loại con người qua ba tiêu chí: thông minh, lương thiện và cộng sản, mà ông Hà Sĩ Phu nói đến, thì: Nếu thông minh mà cộng sản thì gian hùng như Lê Đức Thọ, nếu lương thiện mà cộng sản thì bầm dập, nếu thông minh và lương thiện thì không theo cộng sản. Vậy thì ông Bảy Trân ở loại thứ hai. Vì thế ông bầm dập. Chỉ vì khi học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị vào Trung ương và đi làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, học trò Bảy Trân đã theo tinh thần dân chủ của Aristote “chân lý quý hơn thầy” dám cãi lại Tổng Bí thư Trường Chinh: Thanh niên Tiền phong ở Nam Bộ là của ta, không phải của Nhật như thầy giảng nên chỉ sau đó ít lâu là về vườn!
Điều tôi ngạc nhiên nhất là sau khi thất sủng, Bảy Trân đã lên Bắc Ninh xin một quả đồi (thời đó xin đất rất dễ) để ngày ngày cuốc đất trồng dứa (khóm). Tôi lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai, nghỉ hè đạp xe đạp lên chơi với “chú Bảy”, thấy ông vẫn vui vẻ say sưa trồng dứa. Tôi ở chơi cả tuần lễ với chú Bảy. Ông bảo tôi, mày đưa cái bản đồ thế giới treo tường kia lại đây, tao chỉ cho mày những nơi tao đã ở. Ông kể: “Có lần tao ở nhà một nữ đảng viên Cộng sản Đức, thấy tao cả mấy tháng trời toàn nghiên cứu tài liệu rồi viết lách, không trai gái bồ bịch gì cả, một buổi bà ấy bảo: Hôm nay tao cho mày ngủ với tao, mày đáng thương quá. Thế là tối hôm ấy tao được sang buồng ngủ chung với bà ấy!(!)”
Nhà chú Bảy dưới chân đồi, dĩ nhiên là nhà lá, nhưng mát mẻ hơn ở Hà Nội về mùa hè nhiều. Tôi đã được đọc tập hồi ký viết tay của ông. Đây là một tập hồi ký cách mạng rất giá trị, đặc biệt về cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Lúc đó Bảy Trân thâm nhập vào lãnh địa của đảng cướp Bình Xuyên để hoạt động. Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, ông đã biết là khởi nghĩa “non”. Vì thế, ông tổ chức một đường dây liên lạc trong đêm 22 rạng ngày 23/11/1940. Ông cho người gác ở dọc đường từ nam Sài Gòn về Cần Giuộc Long An. Liên tục chạy xe đạp để thông tin. Nếu Sài Gòn khởi nghĩa thành công thì ông mới phát lệnh khởi nghĩa Cần Giuộc. Khi được biết ở Sài Gòn chỉ nổ ra khởi nghĩa ở Hóc Môn, Mười tám thôn Vườn Trầu, rồi tắt ngấm, ông đã ra lệnh giải tán anh em Bình Xuyên ai về nhà nấy và tiếp tục đi ăn cướp (ông còn dặn họ, cướp được của nhà giàu thì chia cho dân nghèo). Nhưng một số anh em Bình Xuyên hăng máu đánh Pháp, đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, nghe được lệnh giải tán từ mồm Bảy Trân, đã hè nhau trói Bảy Trân lại chuẩn bị xử bắn! May quá, có người là kẻ kề bên trong Bình Xuyên, hiểu biết hơn, đã nói: “Thầy Bảy không phải là hạng người sọc dưa như thế, thầy là trí thức nên hiểu biết”. Thế là Bảy Trân thoát chết. Ai đọc tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” của nhà văn Nguyên Hùng sau này, nhân vật “Thầy Bảy” trong đó chính là Bảy Trân ngoài đời.
Nhờ sự sáng suốt của Bảy Trân mà cơ sở của đảng Cộng Sản ở một số nơi còn giữ được. Lê Duẩn, Trần Văn Giàu giạt xuống miền Tây, sau này nối lại được với cơ sở còn “nguyên vẹn” của Bảy Trân ở Cần Giuộc. Ông kể với tôi: “Sau Nam kỳ Khởi Nghĩa, tao về quê. Thằng Bazin, trùm mật thám Sài Gòn dẫn lính về tận nhà tao. Nó hỏi: Trong Nam kỳ khởi nghĩa mày làm gì? Tao trả lời: Ở nhà với vợ! Nó quát: Nói láo! Thằng này ngày xưa ở Paris học cùng lớp với tao, nên tao chỉ vào mặt nó mắng: Mày biết thừa tao từng đi học trường Đảng cao cấp ở Moscou (Mạc Tư Khoa). Tao biết lúc nào thì khởi nghĩa, nếu tao mà khởi nghĩa thì mày không còn đến hôm nay để đến đây mà đòi bắt tao! Đuối lý, nó dẫn lính về! Bà con trong ấp Phú Lạc xã An Phú được một bữa đứng coi một Tây một ta chửi nhau bằng tiếng Tây rồi thằng Tây cút xéo!”
Cuốn hồi ký của Bảy Trân là một tài liệu rất trung thực về Nam Kỳ khởi nghĩa mà tôi đã được đọc theo yêu cầu của ông: “Mày là sinh viên Văn khoa, tao thì tiếng Tây rành hơn tiếng Ta nên mày đọc và chữa ngữ pháp, chính tả cho tao!” Vì thế tôi đã đọc rất kỹ. Sau này, con trai lớn của ông là Ba Đăng (Nguyễn Hồng Đăng) có đem về Sài Gòn nhưng không một nhà xuất bản nào chịu in! (Thật là hoài phí, thời đó chưa có mạng Internet). Bây giờ cả Bảy Trân và Ba Đăng đã đi xa, không biết cuốn hồi ký đó lưu lạc ở đâu (Bảy Trân còn một người con trai nữa là Nguyễn Hồng Kỳ, anh này đang học luật ở Hà Nội thì ông bảo anh đi B, và anh đã hy sinh tại chiến trường B).
Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên từ những năm 1960 ở Hà Nội. Ba Đăng gặp tôi ở Hoàng Mai, anh bảo tôi: “Hồ Chí Minh là tay bịp đấy! Mày đừng có tin.” Thời đó mà nói ông Hồ như thế là phạm thượng lắm, đi tù như chơi. Vì thế bà chị cả tôi, hồi mới giải phóng thủ đô làm công an hộ khẩu ở khu Ba Đình, đã từng ngồi trong thùng phiếu (to) để chờ kiểm soát lá phiếu của một cử tri nào đó cả gan gạch tên ông Hồ khi bầu cử quốc hội, bảo tôi: “Cậu chớ nghe lời Ba Đăng nói bậy bạ, đi tù có ngày.”
Ba Đăng về Nam sau 1975, làm đến Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Tây Ninh, nhưng khi đi họp cải tạo tư sản ở dinh Thống Nhất, nghe ông Đỗ Mười định nghĩa “cải tạo là cướp đoạt lại của giai cấp tư sản”, Ba Đăng cãi lại: “Người cách mạng không cướp của ai cả!” Thế là anh lại phải về vườn như cha anh đã cãi lại Trường Chinh năm xưa!
Sở dĩ tôi dùng từ huyền thoại gắn với Bảy Trân, vì cả hai cha con ông đều nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy chân chất như con người trong cổ tích thần thoại giữa một xã hội, một chế độ lấy dối trá làm nguyên tắc tồn tại. Năm 1981, tôi mới từ Hà Nội vô Sài Gòn, còn tá túc ở nhà bà chị tôi, Ba Đăng gặp tôi nói: “Mày vô đây định cư, mai mốt có biến loạn, bọn cục bộ địa phương nó truy lùng Bắc kỳ thì đến nhà tao lánh nạn. Xưa kia ở Hà Nội, gia đình mày cưu mang nhà tao, bây giờ có gì nhà tao lại cưu mang nhà mà.” Ông con nói thế, còn ông bố Bảy Trân thấy tôi đến chơi thì bảo: “Nấu cơm cho thằng Khải nó ăn, ngày xưa ở miền bắc, tao luôn ăn cơm nhà nó!”
Năm 1995, Bảy Trân tròn 90 tuổi, gia đình tổ chức mừng thọ. Khi tôi đến, gặp cả giáo sư Trần Văn Giàu. Ông Giàu và Mười Giáo xưa kia học chung một khóa ở trường Đảng cao cấp Moscou với Bảy Trân. Ngày sinh nhật của Lenin hằng năm ba vị này vẫn họp mặt liên hoan, vì thế giới trí thức Sài Gòn mới chơi chữ, gọi các ông là “Le trois Mouscoutaires” nhại mấy chữ “Les trois Mousquetaires” (Ba người ngự lâm pháo thủ) tên tác phẩm nổi tiếng của Alexandre Dumas. Tôi còn thấy một bức trướng của vợ chồng Phan Văn Khải mừng thọ “chú Bảy Trân”. Tôi hỏi Ba Đăng, ngoài bức trướng này còn cái gì nữa không? Ba Đăng nói: “Còn bao thư 500.000 đồng!” Tôi nói: “Phó thủ tướng mừng thọ 90 tuổi chú ruột vợ là lão thành cách mạng mà ít thế thôi à?” Ba Đăng cười hóm hỉnh: “Mừng nhiều “lộ” thì sao?” Anh còn nói thêm: “Hai vợ chồng đến rồi về liền, không thèm dự liên hoan, VIP mà(!)”. Tại cuộc liên hoan này, tôi còn may mắn gặp các “hảo hán” của đảng cướp Bình Xuyên năm xưa như bác Mai Văn Vĩnh, nay là đại tá quân đội, đã nghỉ hưu. Bác Vĩnh đã ngoài 80 tuổi mà chắc nịch như một cây gỗ sao. Khi chụp hình bác Vĩnh, tôi còn nói đùa: “Khi trai trẻ chắc bác khỏe lắm, đi ăn… là phải(!)” bác Vĩnh vui vẻ bảo tôi: “Năm 1940 tôi theo thầy Bảy đi cách mạng bỏ nghề ăn cướp!”
Sau khi tôi chụp hình hai vợ chồng chú Bảy và mọi người đến chúc tụng, tặng quà, một vị vỗ vai tôi bảo: “Còn bác Trần Văn Giàu kia sao không chụp?” Tôi buột miệng nói: “Bác ấy vừa được nhận danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “không bằng móng chân hoa hậu”. Tôi không dám chụp “móng chân hoa hậu!” Vị này có hơi men nên túm cổ áo tôi nói: “Thằng Bắc kỳ này nói láo!” Ba Đăng chạy lại: “Nó là Bắc Kỳ mà tử tế lắm, gia đình nó là sui gia với ông già tao đấy!” Nhưng sau đó tôi vẫn kiên quyết từ chối chụp hình bác Giàu. Tôi nói: “Vị thế bác Trần Văn Giàu thì phải đi trao danh hiệu cho những kẻ khác, chứ việc gì phải đi nhận danh hiệu từ đám con nít trao cho mình! Ngược đời!” Ba Đăng nói: “Thằng Bắc Kỳ này nói có lý, tao đồng ý!”
Ba Đăng tính rất ngang tàng, râu quai nón, nói năng không cần biết người nghe mình là ai. Vì thế anh mới dám đứng lên cãi ngay ông Đỗ Mười đang hùng hổ đòi “cướp đoạt lại của giai cấp tư sản”!
Sau cuộc mừng thọ đó, nhân kỷ niệm 55 năm Nam Kỳ khởi nghĩa (1940-1955) tôi có viết một bài về chú Bảy Trân, nhan đề “90 tuổi lão chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa Nguyễn Văn Trân” đang trên “Tuần san SGGP Thứ bảy” số ra ngày 25/11/1995, kèm hai tấm hình vợ chồng chú Bảy trong lễ mừng thọ 95 tuổi. Điều khôi hài nhất là, sau khi bài đó đăng lên, Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt bị Ban Khoa giáo Thành ủy TPHCM gọi điện xuống phê phán chất vấn(!). Các chú con nít ở Ban Khoa giáo này nhầm Nguyễn Văn Trân với Nguyễn Văn Trấn vừa bị kỷ luật vì chống Đảng trong tác phẩm “Gửi mẹ và quốc hội”. Nguyễn Văn Trấn cũng là một lão thành cách mạng kỳ cựu của Nam Bộ, nổi tiếng đến mức “chết danh” là “héros de Chợ Đệm (Anh hùng Chợ Đệm). Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi Nguyễn Văn Trấn ra Bắc, Tướng Giáp đã báo cáo Cụ Hồ. “Thưa Bác, ‘héros de Chợ Đệm’ đã ra!” Ông Trấn quê ở Chợ Đệm Long An. Từng viết cuốn “Chợ Đệm quê tôi” nổi tiếng. Trong cuốn sách đó, ông có dẫn câu ca dao Nam Bộ “Cô kia cắt cỏ bên cồn/Lội đi lội lại cái lồn đóng rêu” rồi kết luận: “Vậy mà khi cắt được bó cỏ lên bờ thì cán bộ thuế xông ra đánh thuế ngay”, để chỉ trích chính sách thuế của ta sau 1975.
Chính vỉ hai ông Nguyễn Văn Trân và Nguyễn Văn Trấn đều là nhân vật nổi tiếng chống Pháp nên thời Pháp, thằng Tây nhiều lần xuất giấy bắt lộn hai ông. Vì chữ Tây không đánh dấu. Cả hai đều là Nguyen Van Tran! Nhưng đến thời Ta, đến năm 1995 mà Ban Khoa giáo Thành ủy cũng lộn như Tây thì mới nực cười. Chứng tỏ rằng, các chú con nít ở Ban Khoa giáo chẳng học hành gì, có học cũng là bằng dỏm, chẳng hiểu gì lịch sử của chính Nam Bộ mà đòi lãnh đạp báo chí, còn gọi điện nạt TBT Vũ Tuấn Việt đã đăng bài ca ngợi một kẻ phản bội cách mạng, viết sách chống Đảng là Nguyễn Văn Trấn! Tuất Việt là tay TBT cao thủ đã làm thinh! Ý ông muốn nói: “Vậy thì đã sao!”
Cuộc đời Bảy Trân như một pho tiểu thuyết hoành tráng, không gian mênh mông, thời gian thăm thẳm, biết bao thăng trầm. Những căn nhà cổ, những hàng cau ở Mười tám thôn Vườn Trầu Hóc Môn Bà Điểm còn như in bóng một chú Bảy đi bán dạo dầu cù là trên chiếc xe đạp cọc cạch, với cái cặp da đã sờn gáy, bạc màu, len lỏi khắp các đường quê để tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền đánh Pháp.
Là người cùng thời với chú Bảy Trân, biết con người này từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, tôi nghĩ, nhờ sự hiểu biết và sáng suốt của ông nên đã tránh được bao nhiêu đầu rơi máu chảy vùng Cầu Giuộc Long An trong Nam Kỳ khởi nghĩa và giữ được an toàn cho cơ sở cách mạng. Ông nói: “Nếu trên Sài Gòn mà khởi nghĩa không đè được cái cổ thằng Tây xuống đất mà ở Long An lại nắm cái chân thì nó đạp mình xuống hố!”
Với cá nhân tôi, cũng nhờ ông chở tôi bằng chiếc xe đạp vào gặp Thầy Tuất ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà sau hai lần “thi trượt” tôi đã lại “đỗ” vào khoa Văn ở cái thời mà số phận hàng triệu thanh niên “miền Bắc XHCN” do những ông công an xóm ở khắp nơi định đoạt!
(Còn tiếp)

Đọc tất cả những bài đã đăng ở tại trang: Lời Ai Điếu