Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Bài viết ngầm so sánh "loạn Tam Vương" thời Lý và công cuộc tranh dành quyền lực hiện nay

Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông


S.T | 
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông
Hình cắt trong "Hào khí ngàn năm" của VTV về Loạn Tam Vương.

Sau khi Lý Thái Tổ băng hà, 3 vương tử là Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức hợp nhau làm phản, tính lật đổ ngôi vị của thái tử Phật Mã, tức vua Lý Thái Tông sau này.







Có một sự kiện rất đáng tiếc đã xảy ra trong cung đình nhà Lý ngay sau khi vua Lý Thái Tổ mất (năm Mậu Thìn – 1028), đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 11a-b và tờ 12-a) ghi lại như sau:
“Mùa xuân, tháng 2 Vua không khỏe. Tháng ba, ngày mồng một là ngày bính thân, có nhật thực. Đến ngày Mậu Tuất (tức 3-3-ND), Vua băng hà ở điện Long An. Bầy tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử (Phật Mã – ND) vâng di chiếu lên ngôi. 
Tam Vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin, đều đem theo quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, cùng đợi Thái tử đến thì đánh úp. 
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông - Ảnh 1.
Lý Thái Tổ. Ảnh minh họa: Viettoon.net
  Một lúc sau, Thái tử đi từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên thì biết có biến, bèn sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai vệ sĩ ở trong cung phòng giữ. (Thái tử) nhân đó bảo tả hữu rằng:
"Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay tam vương làm việc bất nghĩa, quên đi di mệnh của tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?".
Nội thị là Lý Nhân Nghĩa nói:
"Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sức bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay tam vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho chúng thần được đánh một trận để quyết được thua".
Thái tử nói:
"Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất, thi thể chưa quàn mà cốt nhục đã đánh nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?".
Nhân Nghĩa nói:
"Thần nghe rằng, muốn mưu xa thì phải quên ân gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng, đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. (Ý muốn chỉ việc Đường Thái Tông giết hai anh, Chu Công Đán giết em là Quản Thúc để giữ ngôi vua cho Đường Thái Tông và cho Chu Thành Vương – ND).  
Nay, điện hạ có cho Đường Thái Tông và Chu Công là chăm mưu xa và giữ đạo công chăng? Hay (hai người ấy) chỉ là tham công gần và đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái Tông và Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa hết, còn đâu mà chê cười?".
Loạn Tam Vương ngay sau khi cha mất và cách xử trí của vua Lý Thái Tông - Ảnh 2.
Tượng vua Lý Thái Tông. Ảnh: Internet
Nhân Nghĩa lại nói:
"Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, có tài để làm nổi việc, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao?".
Thái tử in lặng hồi lâu rồi bảo Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng:
"Ta há lại không biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của tam vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để đươc vẹn toàn tình cốt nhục là hơn".
Khi ấy, phủ bình của tam vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, liền nói:
"Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy tam vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục (lễ mặc đồ tang – ND) đến hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy thác cho các khanh cả".
Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy, nói:
"Chết vì vua gặp nạn là chức phận của chúng thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa".
(Nói xong), bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông phá, có sức một người chọi với cả trăm người. Khi quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, hô to rằng:
"Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối dõi vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thành gươm này để dâng".
Nói rồi, xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của tam vương thua chạy, quan quân đuổi theo chém chết không sót một tên nào, chỉ có hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.
Lời bàn: 
Dẫu là người dưng mà chém giết nhau để giành quyền cao chức trọng, cũng đã đủ để tiếng xấu muôn đời, huống chi là anh em ruột thịt, nồi da nấu thịt. Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức làm sao có thể gọi là hợp mưu để giết Phật Mã được? 
Ngôi vua thì chỉ có một, dẫu có giết được Phật Mã đi chăng nữa, chẳng lẽ sau đó, cả ba lại cùng nhau làm vua? Cả ba chỉ lừa nhau, liên minh giả dối với nhau để rồi kẻ thắng thế duy nhất cũng chính là kẻ nham hiểm cao tay nhất.
Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát lưỡi gươm đương thời, nhưng làm sao thoát được lời búa rìu khinh ghét của muôn đời.
Nguồn sưu tầm: 
- Cuốn "Tiểu sử giai thoại – 51 giai thoại thời Lý", trang 11-13 , NXB Giáo dục.
*Tiêu đề bài viết đã được chúng tôi đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: