Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Người ký quyết định bổ nhiệm vụ phó 'chưa đi làm ngày nào' lên tiếng; Ô. Sơn Minh Thắng: Vụ bổ nhiệm ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: “Có điều bất thường!”; Chủ tịch Cần Thơ nói về vụ phó 26 tuổi: 'Đồng chí ấy không phải con cháu quan chức nào cả'; Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng là cháu Phó GĐCA tỉnh Bắc Ninh ?

Người ký quyết định bổ nhiệm vụ phó 'chưa đi làm ngày nào' lên tiếng

Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Nguyễn Quốc Việt, khẳng định việc tuyển dụng và bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế là đúng, phù hợp chính sách thu hút nhân tài.
Nguoi ky quyet dinh bo nhiem vu pho 'chua di lam ngay nao' len tieng - Anh 1
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
Trao đổi với PV chiều 8.12, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB), cho biết: “Lúc xét tuyển và bổ nhiệm Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang còn làm Phó ban thường trực BCĐTNB. Ngày 12.12, ông Quang sẽ họp cùng các cơ quan Trung ương để xử lý thông tin báo chí nêu. Báo nào viết về BCĐTNB mà không đến cơ quan để tìm hiểu thì khó nắm được thông tin chính xác”.
Trước đó, báo chí thông tin trường hợp ông Vũ Minh Hoàng, quê Bắc Ninh, được nhận vào làm ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mà không cần qua thi tuyển. Và chỉ qua vài tháng sau khi hết hạn tập sự, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban này.
Chỉ hơn 30 ngày sau, ông Hoàng được UBND TP.Cần Thơ xin về và bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP.Cần Thơ.
Và điều đáng lưu ý, suốt thời gian được nhận vào làm và bổ nhiệm, ông Hoàng không làm ngày nào do phải đi nước ngoài học thạc sĩ, rồi tiến sĩ…
Theo ông Việt, ông Hoàng quê huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, gia đình có điều kiện tốt về kinh tế. Nghiên cứu sinh 26 tuổi này có trình độ Cử nhân Chính trị và Quan hệ quốc tế, tốt nghiệp loại giỏi tại trường Đại học Tổng hợp Kent, Anh.
Còn tại trường Đại học Tổng hợp Kent, Vương quốc Bỉ, ông Hoàng tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc, chuyên ngành Phát triển quốc tế.
“Cán bộ này biết đến 5 ngoại ngữ là Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Hoàng có đến BCĐTNB làm việc, hưởng lương 2 tháng chứ không phải chưa hưởng đồng lương nào như các báo thông tin”, ông Việt nói.
“Được ban nhận vào làm việc từ đầu tháng 6.2014, thì ngày 8.9.2014, Hoàng có đơn xin đi nghiên cứu sinh khóa tiến sĩ trong chương trình quốc tế về nghiên cứu phát triển nông nghiệp của Đại học Tokyo, từ ngày 1.10.2014 - 30.9.2017. Thấy việc đi học này là phù hợp nên ban đồng ý”, ông Việt nói.
Phó BCĐTNB cũng cho rằng trường hợp của ông Hoàng đi học thuộc diện vẫn được hưởng lương bình thường. Tuy nhiên, gia đình nghiên cứu sinh này có điều kiện nên ông Hoàng xin được không hưởng lương Nhà nước.
“Lẽ ra cơ quan phải trả lương cho cán bộ đi học. Ông Hoàng không nhận lương khi đi học là quá tốt. Cán bộ này tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc, theo Kết luận 86 của Bộ Chính trị thì tương đương với chuyên viên chính", ông Việt khẳng định.
Lý do nhận ông Hoàng vào làm không qua thi tuyển, ông Việt dẫn Kết luận 86 ngày 24.1.2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.
Theo kết luận này thì nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đã được tuyển dụng làm công chức, viên chức không qua thi tuyển. Phần lớn đã được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị và chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực.
Vì vậy, đối với trường hợp của ông Hoàng, ngày 19.5.2014, BCĐTNB thành lập Hội đồng xét tuyển công chức. 1 ngày sau, ban có biên bản xét tuyển công chức và công văn 3037 (ngày 20.5.2014) gửi Ban Tổ chức Trung ương về việc thống nhất xét tuyển ông Hoàng không qua thi tuyển công chức.
Ngày 2.6.2014, Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt ký công văn 6799 gửi BCĐTNB về việc thống nhất tiếp nhận ông Hoàng vào làm việc tại Văn phòng BCĐTNB mà không qua thi tuyển.
Theo ông Việt thì việc này Ban Tổ chức Trung ương căn cứ vào Nghị định 24 năm 2010 của Chính phủ, Thông tư 13 năm 2010 của Bộ Nội vụ và các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước.
Đối với việc điều động, bổ nhiệm ông Hoàng, lãnh đạo BCĐTNB cho biết đã thực hiện khi có ý kiến của đơn vị Trung ương có liên quan và thông báo kết luận của Thường trực BCĐTNB. Sau đó, Chi bộ Văn phòng BCĐTNB họp Chi ủy ngày 14.1.2016 để lấy ý kiến và có tờ trình gửi Đảng ủy cơ quan về việc bổ nhiệm cán bộ.
1 tháng sau, khi ông Hoàng đang học ở Nhật thì ngày 17.2, UBND TP.Cần Thơ có công văn đề nghị BCĐTNB điều động vị Phó vụ trưởng này. Ngày 26.2.2016, UBND TP.Cần Thơ có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ trong thời hạn 5 năm. Sau khi về nước nhận quyết định, ông Hoàng lại tiếp tục qua Nhật Bản làm nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng chính mình cũng chưa hề biết có người Vụ phó tên Hoàng.
Hàm Yên
(http://www.baomoi.com/nguoi-ky-quyet-dinh-bo-nhiem-vu-pho-chua-di-lam-ngay-nao-len-tieng/c/21034597.epi )



Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng là ai?


Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Vũ Minh Hoàng là cháu của Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh. Cha ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, mẹ nội trợ.
Trao đổi với Zing.vn sáng 9/12, ông Nguyễn Phong Quang, Chủ tịch Hội hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ, nguyên Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB), cho biết ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi, quê Bắc Ninh) là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh.
Cha ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, mẹ nội trợ và công ty của gia đình không đầu tư gì vào Cần Thơ hay Hậu Giang.
Tuyển dụng không qua thi tuyển
Trước đây, khi đại tá Tuấn làm Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, Vũ Minh Hoàng đến thăm chú và gặp ông Quang. Qua trò chuyện, ông Quang phát hiện Hoàng thông thạo nhiều thứ tiếng, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc nên mời làm thông dịch viên cho đơn vị trong những lần xúc tiến đầu tư nước ngoài.
“Lúc đó ở BCĐTNB không ai giỏi ngoại ngữ như Hoàng. Sau một thời gian mời Hoàng hợp tác làm việc, các đoàn nước ngoài đến Tây Nam Bộ thích cách làm việc của cán bộ trẻ này. Từ đó tôi bàn với lãnh đạo ban để xin cậu ấy về làm việc và có sự đồng ý của Ban Tổ chức Trung ương là tuyển dụng không qua thi tuyển”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: Việt Tường.Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: Việt Tường.
Nguyên Phó ban thường trực BCĐTNB nói một năm sau khi ông Hoàng tập sự, việc xúc tiến đầu tư của Tây Nam Bộ gặp nhiều thuận lợi. Do ông Hoàng vừa học vừa làm ở nước ngoài nên ít cán bộ ở BCĐTNB biết mặt.
“Hoàng làm việc tốt ở nước ngoài, dẫn nhiều đoàn xúc tiến đầu tư về Tây Nam Bộ nên tôi thấy bổ nhiệm cậu ấy làm vụ phó là phù hợp vì thường làm việc với các đại sứ quán. Lãnh đạo ban lúc đó ít, có tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Việt và Trần Phi Hổ nên nhiều người bây giờ được hỏi thì nói không biết Hoàng là phải”, ông Nguyễn Phong Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, lúc bổ nhiệm Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế của BCĐTNB, ông chỉ nghĩ đến cái chung của toàn vùng, cần có nhân sự để phục vụ cho việc xúc tiến đầu tư gấp rút cho Tây Nam Bộ. Việc tiếp nhận cán bộ trẻ này “là khách quan, không vụ lợi”.
“Có điều cập rập là văn bản của UBND TP Cần Thơ xin Hoàng sang bên đó và BCĐTNB quyết định cho cậu ấy đi được ký cùng một ngày do Hoàng phải đi nước ngoài học gấp. Gia đình Hoàng chỉ có đóng góp kinh phí vào việc xây Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và đình Tân An ở Cần Thơ chứ không đầu tư làm ăn gì ở đây”, ông Quang nói.
“Tôi thấy việc bổ nhiệm là quá nhanh”
Sáng cùng ngày, ông Sơn Minh Thắng, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có buổi làm việc với đại diện một số cơ quan báo chí tại TP Cần Thơ, xoay quanh việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng.
“Tôi nhận công tác tại BCĐTNB được nửa năm và biết chuyện Hoàng từng làm việc cơ quan này cách đây một tháng. Tôi đang hối thúc anh em rà soát, đánh giá việc thu nhận, sử dụng, đề bạt chức vụ cho đến chuyển cán bộ này đi nơi khác”, ông Thắng mở đầu câu chuyện về vụ phó 26 tuổi.
Theo ông Thắng, lúc ông về BCĐTNB thì Vũ Minh Hoàng đã chuyển công tác và nhiều lãnh đạo ban trước đây đã nghỉ hưu. Hiện, chỉ còn Phó trưởng ban Nguyễn Quốc Việt đương chức nên đơn vị phải có sự phối hợp kiểm chứng thông tin từ cán bộ cũ với hiện tại.
Quyết định tuyển dụng ông Hoàng về làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: CTV.Quyết định tuyển dụng ông Hoàng về làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: CTV.
“Hoàng là thạc sĩ loại giỏi, biết nhiều thứ tiếng, cơ quan này biên chế còn, nhu cầu công việc có và được phép cơ quan cấp trên thì tiếp nhận là điều bình thường. Sáng nay Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát vụ này và báo cáo cho đồng chí trong ngày”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng dẫn chứng nhiều cán bộ làm việc lâu năm tại BCĐTNB nhưng chỉ lên đến chức vụ trưởng. Ông Hoàng lên chức nhanh được cho là hi hữu, đặc biệt và cá biệt tại BCĐTNB.
“Tôi không biết Hoàng là con ai. Cán bộ giỏi như vậy thì tiếp nhận, bổ nhiệm hợp lý nếu biên chế còn. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm thì phải làm quy trình, cấp nào thì làm quy trình rõ ràng ở cấp đó chứ không qua loa được. Tôi cũng đang yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Đảng ủy cơ quan trong vụ này, nếu anh em có sai sót”, Phó ban thường trực BCĐTNB chia sẻ.
Ông Thắng thông tin thêm BCĐTNB đang vào thời điểm rà soát, củng cố lại bộ máy để phục vụ kiểm điểm cuối năm. Trong đợt kiểm điểm này, lãnh đạo ban yêu cầu các đơn vị và các bộ liên quan phải kiểm điểm lại việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng trên tinh thần tự giác.
Sau khi kiểm điểm, BCĐTNB xét đúng sai thế nào, trách nhiệm thuộc về cán bộ nào thì xử lý đến nơi đến chốn để tránh hoài nghi trong nội bộ và dư luận không hay từ bên ngoài.
Hai ngày qua, dư luận ở miền Tây xôn xao khi báo chí đăng tải thông tin Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ từng bổ nhiệm một nghiên cứu sinh 26 tuổi làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. Đó là ông Vũ Minh Hoàng, sinh ngày 22/8/1990.
Vụ việc bắt đầu từ ngày 4/6/2014, khi Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyết định tuyển dụng ông Hoàng vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp thuộc văn phòng của cơ quan. Theo quyết định, ông Hoàng được hưởng 85% lương ngạch chuyên viên, thời gian tập sự 12 tháng.
Chưa đầy 3 tháng sau (ngày 8/9/2014), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho ông Hoàng đi học tiến sĩ ở Nhật khi chưa hết thời gian tập sự. Do đi học, ông Hoàng chưa thể điều hành công việc trực tiếp ở cơ quan. Đến ngày 15/1/2016, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại có quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế.
Hơn một tháng sau, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ký quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ. Lúc này ông Hoàng vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản.

(http://vietnamvn.net/vu-pho-26-tuoi-vu-minh-hoang-la-ai-20161209.html )

Chủ tịch Cần Thơ nói về vụ phó 26 tuổi: 'Đồng chí ấy không phải con cháu quan chức nào cả'



Chủ tịch Cần Thơ nói về vụ phó 26 tuổi: 'Đồng chí ấy không phải con cháu quan chức nào cả'
Ông Võ Thành Thống. Ảnh: Cantho.gov.vn

"Đó là những người có kiến thức trong các lĩnh vực Cần Thơ đang cần. Từ đó, TP Cần Thơ mới xin người", ông Thống nói về đề xuất "xin" vụ phó 26 tuổi.



"Không phải con quan chức nào cả"
Dư luận đang xôn xao về thông tin Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ từng bổ nhiệm một nghiên cứu sinh 26 tuổi làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế. Đó là ông Vũ Minh Hoàng, sinh ngày 22/8/1990.
Sau khi nhận được đề xuất "xin", ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ.
Liên quan đến việc UBND TP Cần Thơ làm đề xuất "xin" ông Vũ Minh Hoàng từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, sáng nay, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có những trao đổi với chúng tôi.
Ông Thống cho rằng, thực tế TP Cần Thơ cần các cán bộ có trình độ để đại diện ở nước ngoài.
"Đó là những người có kiến thức trong các lĩnh vực Cần Thơ đang cần. Từ đó, TP mới xin người", ông Thống nói.
Ông cho biết chưa nắm được những vấn đề báo chí nêu về trường hợp ông Vũ Minh Hoàng thời kỳ còn ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
"Bây giờ phải kiểm tra lại xem thế nào. Thông tin báo nêu cũng là một cơ sở để thành phố tham khảo. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm tra để có hướng xử lý xác đáng", Chủ tịch Cần Thơ nêu rõ.
Người đứng đầu TP Cần Thơ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng ông Vũ Minh Hoàng "phải là con cháu một quan chức nào đó nên TP mới xin về".
"Không có. Trường hợp này không phải con cháu quan chức nào cả. 
Do thành phố có biết về trường hợp ông Vũ Minh Hoàng nên các cơ quan tham mưu đề xuất chứ không có con ông cháu cha gì đâu", ông Thống nhấn mạnh.
Chủ tịch Cần Thơ cũng giải thích, việc "xin người" xuất phát từ nhu cầu của TP muốn mở văn phòng đại diện ở Nhật.
"Thành phố cũng có thông tin người này (ông Vũ Minh Hoàng - PV) giỏi ngoại ngữ. Lúc đầu, chúng tôi mới chỉ nghe nói chú này giỏi 4 ngoại ngữ, sau mới nghe giỏi 5 ngoại ngữ.
Trước đó, Hoàng cũng tốt nghiệp thạc sĩ ở những trường đại học nổi tiếng và đang là Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Vì vậy, thành phố có nhu cầu và thấy phù hợp nên mới xin. Còn việc báo chí thông tin như những ngày qua thì thành phố chưa biết", ông cho hay.
Đồng thời, ông Thống khẳng định, việc đề xuất "xin" ông Vũ Minh Hoàng không có áp lực gì.
"Chúng tôi không chịu áp lực từ cơ quan, cá nhân nào trong việc "xin" ông Vũ Minh Hoàng. Chỉ có khâu bên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về vấn đề tiếp nhận, bổ nhiệm có vấn đề gì không thì phải kiểm tra lại...", ông chỉ rõ.
Cơ quan nào tham mưu "xin" ông Hoàng?
Chủ tịch TP Cần Thơ cũng thông tin, trước đây, UBND TP đã giao Sở Nội vụ tìm hiểu, trên cơ sở đó tham mưu cho ban cán sự Đảng UBND Thành phố để đề xuất "xin" ông Vũ Minh Hoàng về địa phương công tác.
"Sau đó, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố họp xét và thấy phù hợp nên đề xuất Thường trực Thành uỷ TP Cần Thơ xin ý kiến.
Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng tương đương với Phó Giám đốc Sở bên này. Vì vậy, trên tinh thần được thống nhất thì thành phố mới đặt vấn đề xin chính thức ông Hoàng", ông Thống nói.
Về việc sẽ xử lý vấn đề này như thế nào trong giai đoạn hiện nay, ông Thống cho rằng, chưa thể thông tin ngay vì phải chờ thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ xem vụ việc đúng sai thế nào.
"Khi có chuyện này, tôi đã điện sang Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Mấy anh lãnh đạo bên đó bảo đang kiểm tra làm rõ, nhưng chưa xong. Một lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định, việc bổ nhiệm đúng quy định nhưng việc này vẫn cần rà soát lại", ông Thống nêu.
Trả lời câu hỏi, trong trường hợp việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ "có vấn đề" thì TP Cần Thơ có biện pháp gì để giải quyết, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trả lời:
"Bây giờ chúng tôi cũng chưa thể nói có biện pháp gì, vì khâu xác minh kết quả hiện chưa có.
Cho nên biện pháp xử lý sẽ có sau khi có xác minh giai đoạn ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tuyển dụng, bổ nhiệm đúng sai như thế nào. TP Cần Thơ rất cầu thị khi xem xét về trường hợp này. Cái gì cũng phải đúng cả quá trình...".
Trả lời báo chí vào sáng 9/12, ông Nguyễn Phong Quang, Chủ tịch Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi, quê Bắc Ninh) là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh.
Cha ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, mẹ nội trợ và công ty của gia đình không đầu tư gì vào Cần Thơ hay Hậu Giang. (Theo Zing.vn)
theo Trí Thức Trẻ

Vụ bổ nhiệm ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: “Có điều bất thường!”

09/12/2016 09:12 GMT+7
TTO - Liên quan bài viết “Một vụ bổ nhiệm kỳ lạ” diễn ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, chiều 8-12, ông Sơn Minh Thắng - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.

Vụ bổ nhiệm ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: “Có điều bất thường!”
Ông Sơn Minh Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: C.Quốc
Ông Sơn Minh Thắng nhìn nhận “đúng là bổ nhiệm quá nhanh, có điều bất thường”.
* Thưa ông, báo chí đã đặt nhiều khía cạnh rất “lạ” trong việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm phó vụ trưởng Vụ Kinh tế như bổ nhiệm khi không công tác ở cơ quan, ngay cả vụ trưởng cũng không biết vụ phó, bổ nhiệm xong được 32 ngày thì chuyển công tác... Đến giờ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã xác định được việc đúng - sai của câu chuyện bổ nhiệm kỳ lạ này chưa?
- Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng trước thời điểm tôi về nhận nhiệm vụ tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (ngày 24-5-2016 - PV). Khi báo chí đăng tải, tôi giật mình và đã chỉ đạo Đảng ủy cơ quan phối hợp cùng với Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ rà soát, đánh giá đúng - sai, quá trình đề bạt thế nào.
Đến giờ phút này tôi vẫn chưa nhận được báo cáo nên chưa thể thông tin được, nhưng có thể thấy rằng câu chuyện bổ nhiệm, tuyển dụng và chuyển công tác ông Vũ Minh Hoàng là có thật.
Hôm qua, chi bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đã tổ chức kiểm điểm, ngoài kiểm điểm cuối năm như mọi khi thì lần này còn đi sâu vấn đề đề bạt cán bộ. Làm chưa xong nên chiều nay còn phải kiểm điểm một buổi nữa.
* Trước ông Hoàng, ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có ai được bổ nhiệm tương tự chưa?
- Chưa có ai được bổ nhiệm như thế. Đây có lẽ là trường hợp cá biệt.
* Cá nhân ông từng biết hoặc từng gặp qua ông Hoàng chưa?
- Chưa. Ngay cả nhiều cán bộ có thâm niên công tác lâu năm ở cơ quan này cũng nói ít ai biết ông Hoàng.
* Vụ việc đã được báo cáo lên cấp trên chưa, thưa ông?
- Qua làm việc và báo cáo của Đảng ủy, văn phòng về vụ việc này, chúng tôi sẽ họp ban lãnh đạo để đánh giá vấn đề này thế nào nhằm báo cáo trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - PV).
Tinh thần của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ là vụ việc này phải được làm rõ, chấn chỉnh và công khai vì bây giờ nó không còn riêng của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nữa, mà dư luận cả nước rất quan tâm.
* Thưa ông, không chỉ có trường hợp bổ nhiệm ông Hoàng, mà tại ban này còn có chuyện bổ nhiệm một số cán bộ không đúng chuẩn, quy định, giữ nhiều vị trí khác nhau?
- Tôi cũng đã nghe phản ảnh việc này, nhưng do vụ việc xảy ra trước khi tôi về đây công tác nên hiện đang cho bộ phận tham mưu rà soát, báo cáo lại toàn bộ.
Riêng trường hợp của bà Hằng (Lê Thị Thu Hằng - PV) - phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo - được bố trí kiêm một số chức vụ khác liên quan đến tài chính, không đúng như: phó chánh văn phòng, giám đốc nhà khách, kế toán trưởng..., từ cuối tháng 11-2016 tôi đã chỉ đạo cho thôi các chức vụ trên, phân công nhiệm vụ khác.
Ông Hoàng là con cháu ông nào?
Trao đổi với phóng viên tại buổi làm việc chung với ông Sơn Minh Thắng, thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết - ủy viên chuyên trách, vụ trưởng Vụ quốc phòng - an ninh Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - khẳng định làm việc tại nơi đây nhiều năm nhưng ông cũng không biết ông Vũ Minh Hoàng là ai.
Ông Kết nói sau này mới biết Hoàng là cháu của một cán bộ trước đây ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện đang giữ chức phó giám đốc công an một tỉnh phía Bắc.
Nhiều trường hợp bổ nhiệm tùy tiện
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng có biểu hiện bất thường, việc bổ nhiệm cán bộ tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong năm 2015 và ba tháng đầu năm 2016 còn nhiều trường hợp chưa chuẩn, sai nguyên tắc. Đây là thời điểm trước khi ông Nguyễn Phong Quang - phó trưởng ban thường trực - về hưu.
Trong số 14 cán bộ cấp vụ và tương đương (chưa kể cấp phòng) được bổ nhiệm có đến 8 trường hợp, chiếm hơn 57%, không đúng theo quy định chung và quy chế làm việc do chính cơ quan này ban hành.
Có tình trạng bổ nhiệm cán bộ cấp tập, sai nguyên tắc cơ bản trong quản lý, điều hành. Điển hình là trường hợp bà Lê Thị Thu Hằng thi rớt chuyên viên chính năm 2015 vẫn được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng ban phụ trách tài vụ kiêm kế toán trưởng, giám đốc nhà khách...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc bổ nhiệm cán bộ này bị phản ứng trong một số cuộc họp tại cơ quan này, nhưng vẫn được kéo dài từ ngày 5-6-2015 đến khi ông Quang về hưu và chỉ được khắc phục vào cuối tháng 11-2016.
Chỉ trong thời gian ba tháng trước khi về hưu, ông Quang đã thay đổi đến ba lần giám đốc nhà khách Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Huỳnh Phước, hàm vụ trưởng Vụ Văn hóa - xã hội, được giao kiêm nhiệm giám đốc thay cho một giám đốc nhà khách trước đó tuy ông này được xem là điều hành đơn vị có hiệu quả. Ông Phước cũng chỉ giữ chức vụ được hơn một tháng phải chuyển giao lại cho bà Hằng để cán bộ này “một mình diễn nhiều vai”.
Trường hợp bà Huỳnh Thị Kim (đã về hưu, hiện đang công tác tại Hội Bảo trợ người nghèo Tây Nam bộ) lúc 53 tuổi là trưởng phòng tổ chức - hành chính được bổ nhiệm hàm vụ phó, phó chánh văn phòng không đúng chuẩn.
Bà Kim chưa có bằng trung cấp lý luận chính trị, đang giữ ngạch chuyên viên, thi rớt chuyên viên chính, trong khi tiêu chuẩn quy định phải là chuyên viên chính, học qua cao cấp lý luận chính trị, bổ nhiệm lần đầu phải đủ 5 năm công tác.
M.QUÂN
H.T.DŨNG - C.QUỐC thực hiện

Không cho phép ai lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực để chống phá Đảng;Chấm dứt ngay việc liên hoan, chè chén, mừng lên chức; [NÓNG] Quốc hội Hàn Quốc chấp thuận việc luận tội, Tổng thống Park Geun Hye bị đình chỉ;

09/12/2016  12:15 GMT+7

- Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng - Tổng bí thư nói.
Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Không cho phép ai lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực để chống phá Đảng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã bàn và thống nhất ban hành nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh.
Tổng bí thư đã nêu một số lưu ý trong quá trình học tập, nghiên cứu nghị quyết. Theo Tổng bí thư, trước hết cần phải nhận thức đầy đủ việc chỉnh đốn đi đôi với đổi mới xây dựng Đảng là một yêu cầu khách quan, một việc làm tự nhiên, thường xuyên của bất cứ một Đảng cách mạng chân chính nào, ở bất kỳ giai đoạn nào. Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành, Đảng ta đã phải luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình.
Tổng bí thư nêu rõ, vấn đề đấu tranh chống thói hư tật xấu, xây dựng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người cho rằng một Đảng mà không nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa là một Đảng hỏng. Chỉ tính riêng từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Tổng bí thư cho biết, ngày nay trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu cách mạng, với quy mô tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn phức tạp mới, hơn bao giờ hết chúng ta càng cần phải phát huy truyền thống anh hùng và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thoái hóa, tiêu cực, chăm lo xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển. 
Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Tổng bí thư chỉ rõ, cần nắm rõ nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết để tập trung chỉ đạo triển khai một cách có hiệu quả. Điểm mới trong Nghị quyết chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó.
Cùng với việc cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Đại hội 12 đã nêu ra, Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, trong đó tập trung vào việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nghị quyết còn nhấn mạnh một nội dung mới lần này là xây dựng Đảng về đạo đức gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa này về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tổng bí thư cũng nêu rõ, việc triển khai Nghị quyết phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng trong dân; phải tăng cường đôn đốc kiểm tra.
“Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng thì phải nhận thức tốt, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng. Bộ Chính trị tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định sẽ chuyển biến được tình hình, không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Sáng nay, hội nghị cũng đã nghe ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt nội dung Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết.
T. Hằng

Chấm dứt ngay việc liên hoan, chè chén, mừng lên chức

Hôm nay, 9-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 04 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Khác với cách triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (cũng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng), việc quán triệt lần này tổ chức theo cách tiết kiệm hơn: ngoài các ủy viên trung ương tập trung họp ở Hà Nội thì các tỉnh, thành ủy kết nối hội nghị qua hệ thống trực tuyến.
Để thúc đẩy mạnh mẽ cuộc “chỉnh Đảng” này, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch – cũng lấy số 04, trong đó nêu rõ từng đầu công việc, cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn triển khai, hoàn thành.
Chẳng hạn, trong nhóm nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, Bộ Chính trị yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để rèn luyện, phấn đấu và làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm. Cấp ủy, tổ chức đảng có chương trình, kế hoạch để kiểm tra, giám sát thực hiện các cam kết này.
Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khác với cách thực hiện Nghị quyết 04 khóa XI là “trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau”, thì lần này được thực hiện gắn với kiểm điểm hàng năm và đột xuất, và đồng thời ở các cấp.
Cũng trong nhóm việc làm ngay, đáng chú ý có những vấn đề rất lớn như phải thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán điều tra, truy tố, xét xử ngay, dứt điểm các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ nghiêm trọng phức tạp… mà dư luận quan tâm, và công khai kết quả xử lý. Đồng thời cũng có những việc cụ thể, như chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác cũng như việc cưới hỏi, ma chay, giỗ tết… xa hoa, lãng phí, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm. Việc tưởng như rất nhỏ nhặt ấy, dự kiến Bộ Chính trị sẽ có chỉ thị để chấn chỉnh dứt điểm.
Trong nhóm nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ rà soát các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng để hoàn thiện các quy định của Chính phủ, của Thủ tướng. Mục tiêu là phải kiểm soát việc thực thi quyền lực của hành pháp, điều hành, quản lý công khai, minh bạch qua đó xóa bỏ hiện tượng tiêu cực từ cơ chế “xin – cho”, “duyệt – cấp”, xóa bỏ “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Việc này phải có kết quả trong năm 2017-2018.
Ban Tổ chức trung ương trong năm 2017 phải chủ trì tham mưu để hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uy viên trung ương và bí thư cấp ủy các cấp.
Ủy ban Kiểm tra trung ương có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng trình Bộ Chính trị thông qua quy định về xử lý tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng hay có lời nói, việc làm thể hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là bước tiếp theo để có chế tài cho những việc làm, biểu hiện suy thoái, hư hỏng lần đầu tiên được chỉ ra cụ thể trong Nghị quyết 04 vừa rồi. Việc này 2017 phải hoàn thành.
Đáng chú ý, trong bản kế hoạch này, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an trung ương trong năm 2017 cũng được yêu cầu phải chỉ đạo rà soát, thoái vốn, cổ phần hóa cũng như chấn chỉnh tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp trong lực lượng vũ trang mà sản xuất, kinh doanh thua lỗ hoặc không phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Các công việc cụ thể, chi tiết sẽ được quán triệt trong hội nghị quan trọng hôm nay.

NGHĨA NHÂN

[NÓNG] Quốc hội Hàn Quốc chấp thuận việc luận tội, Tổng thống Park Geun Hye bị đình chỉ

Linh Nguyễn - Thủy Thu | 
[NÓNG] Quốc hội Hàn Quốc chấp thuận việc luận tội, Tổng thống Park Geun Hye bị đình chỉ
Ảnh: Yonhap/Reuters

Vào thứ Sáu (09/12), Quốc hội Hàn Quốc đã chính thức nhóm họp và bỏ phiếu quyết định luận tội Tổng thống Park Geun Hye, sau scandal gây chấn động Hàn Quốc.

Theo CNN, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu chấp thuận tiến hành các thủ tục luận tội Tổng thống Park Geun Hye. Theo Yonhap, có 234 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 56 phiếu chống và 2 phiếu trắng.
Với quyết định này, bà Park sẽ bị đình chỉ chức vụ.
Thủ tướng Hwang Kyo Ahn sẽ nhận vị trí Tổng thống tạm quyền trong thời gian tòa án cân nhắc. 
Sau khi Quốc hội Hàn Quốc đồng ý luận tội bà Park, kết quả này sẽ được chuyển giao Tòa án hiến pháp. Phán quyết của Tòa án hiến pháp sẽ được công bố muộn nhất trong vòng 180 ngày. 
Nếu Tòa án hiến pháp quyết định lập cáo trạng, bà Park sẽ bị cách chức Tổng thống. 60 ngày sau đó, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới.
Về phần mình, sau khi có kết quả bỏ phiếu của Quốc hội, bà Park cho biết bà tôn trọng ý nguyện của người dân và hy vọng cục diện hỗn loạn hiện tại kết thúc.
theo Trí Thức Trẻ


Nỗi cô đơn của Tổng thống Hàn Quốc trước ngày bị luận tội

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải trải qua những ngày đầy áp lực và cô đơn bởi vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân lâu năm.


noi-co-don-cua-tong-thong-han-quoc-truoc-ngay-bi-luan-toi
Vụ bê bối Tổng thống Park Geun-hye để người bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia đã đẩy danh tiếng cũng như sự nghiệp chính trị của bà đến bên bờ vực sụp đổ. Ảnh minh họa: AFP
Quốc hội Hàn Quốc ngày 9/12 thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đình chỉ toàn bộ quyền lực của bà để chờ Tòa án Hiến pháp ra quyết định cuối cùng. Nếu Tòa án Hiến pháp trong vòng 180 ngày tới thông qua kiến nghị này, bà Park sẽ chính thức mất chức Tổng thống Hàn Quốc.
Bà Park những ngày qua ít xuất hiện trước công chúng. Vụ bê bối bà để người bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia chính là nguyên nhân đẩy danh tiếng cũng như sự nghiệp chính trị của bà đến bờ vực sụp đổ.
New York Times dẫn lời một số cố vấn thân cận với Tổng thống Park cho hay những ngày qua, bà chọn cách giam mình trong Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, luôn sống trong tâm lý dằn vặt, tuyệt vọng và lúc nào cũng chỉ cô độc một mình.
Ở tuổi 64, bà Park chưa kết hôn và không có con cái. Em trai và em gái bà không liên lạc suốt nhiều năm. Ba cố vấn thân cận nhất đã bị sa thải vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối khiến bà bị luận tội. Choi Soon-sil, người bạn bà Park coi là thân thiết nhất, tâm điểm trong vụ bê bối, đã bị bắt giữ.
Bà Park đã ngừng tham gia các cuộc họp nội các. Chiều nay bà sẽ có cuộc họp với các thành viên nội các để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, người sẽ trở thành quyền Tổng thống trong thời gian chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết. 
Trong một bài phát biểu xin lỗi gửi tới người dân Hàn Quốc, bà Park cho biết bà đã có "vô số đêm" mất ngủ và từng cảm thấy hối hận vì quyết định trở thành tổng thống.
"Bà ấy trông rất xanh xao", ông Chung Jin-suk, lãnh đạo nhóm các nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền, người hôm 6/12 tới gặp Tổng thống Park tại Nhà Xanh, miêu tả. "Bà ấy nhiều lần nói rằng cảm thấy có lỗi với các nghị sĩ của chúng ta".
Theo truyền thông Hàn Quốc, bà Park bị tố tạo điều kiện để người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil tống tiền nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thu lợi hàng chục triệu USD, đồng thời thao túng các công việc chính quyền từ trong bóng tối. Vụ việc bị vỡ lở hồi tháng 10.
Từ đó tới nay, bà Park đã đưa ra ba lời xin lỗi trên truyền hình với nhiều cảm xúc. "Trái tim tôi tan vỡ mỗi khi nghĩ về việc mình không thể làm gì để xoa dịu nỗi thất vọng cũng như sự tức giận của người dân dù tôi có xin lỗi tới 100 lần đi chăng nữa", bà Park nói.
Hàng loạt cuộc biểu tình quy mô đã diễn ra ở Hàn Quốc yêu cầu Tổng thống Park từ chức và thúc giục việc luận tội bà. "Tổng thống nghe tiếng nói của người dân với trái tim trĩu nặng", Jung Youn-kuk, phát ngôn viên cho bà Park, nói sau một cuộc biểu tình.
Theo lời kể của một số cố vấn, bà Park tháng trước còn mời các lãnh đạo Thiên chúa giáo và một nhà sư Phật giáo tới tư dinh để xin lời khuyên về cuộc khủng hoảng. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc không tiết lộ nội dung các cuộc gặp.
Ngay tại quê hương bà Park ở thành phố Daegu, làn sóng phản đối bà cũng dâng cao. Tuần trước, bà có chuyến thăm ngắn tới Daegu và ngay lập tức phải đối mặt với một cuộc biểu tình đòi bà từ chức. 
Nơi đong đầy ký ức
noi-co-don-cua-tong-thong-han-quoc-truoc-ngay-bi-luan-toi-1
Bà Park (đứng sau cùng) trong bức ảnh không rõ ngày tháng chụp cùng cha mẹ và hai em. Ảnh: Yonhap
Đối với bà Park, Nhà Xanh là nơi ngập tràn ký ức, theo New York Times. Bà lần đầu tiên chuyển tới sống tại Nhà Xanh vào năm 9 tuổi, khi cha bà, tướng Park Chung-hee, lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1961. Năm 22 tuổi, mẹ bà bị giết trong một âm mưu ám sát nhằm vào cha bà. Năm 1979, cha bà bị ám sát. Bà rời dinh tổng thống và mãi tới năm 2013 mới đặt chân trở về nơi gắn bó với tuổi thơ trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc.
Quãng thời gian này, bà Park sống khép mình tại một khu dân cư phía nam thủ đô Seoul, trong một căn nhà dán đầy ảnh cha mẹ.
"Căn nhà giống như một viện bảo tàng về tướng Park Chung-hee", Choi Sang-yeon, cây bút từ nhật báo JoongAng Ilbo, miêu tả. "Như thể đồng hồ của bà ấy đã ngừng lại ở thập niên 70 và bà ấy dành rất nhiều thời gian trò chuyện với người cha quá cố".
Choi thêm rằng ông cảm thấy không khí ở đó " đầy u ám và nặng nề".
Theo những người am hiểu vấn đề, sống tại Nhà Xanh, bà Park thường dành các buổi tối để đọc báo cáo công việc. Bà hạn chế các cuộc họp riêng một đối một với những cố vấn cấp cao.
Đầu bếp cũ của Tổng thống Park từng kể với một tạp chí Hàn Quốc rằng bà thường xuyên ăn một mình, vừa ăn vừa xem tivi. Bà Park cho biết bà phải cắt đứt mối liên hệ với em gái và em trai để ngăn chặn để xảy ra kịch bản gia đình trị trong chính quyền.
Người mà bà Park tin cậy nhất, kiêm nhiệm luôn cả công việc cố vấn không chính thức cho bà là Choi Soon-sil. Sau khi trở thành tổng thống, bà Park cho hay bà vẫn tiếp tục nhờ bạn thân lâu năm chăm sóc tủ quần áo của mình cũng như các vấn đề cá nhân khác.
Tuy nhiên, công tố viên lại nói những việc bà Choi nhúng tay vào không chỉ dừng lại ở đó. Họ đã truy tố bà về hành vi tống tiền cùng một số tội danh khác. Vì bà Park không thể bị truy tố khi vẫn đương chức, bản cáo trạng đối với bà Choi xác định bà Park là một đồng phạm.
Trong những lần đưa ra lời xin lỗi, bà Park cho biết bà không thể tha thứ cho bản thân bởi quá mất cảnh giác trước bà Choi, người đã nói chỉ muốn giúp đỡ bà ở những thời điểm "cô đơn" và "khó khăn".
Bà đã cố gắng khôi phục lại hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước thông qua việc bổ nhiệm các vị trí đại sứ và thứ trưởng trong nội các. Chính quyền bà Park cũng thúc đẩy việc ký kết một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự gây tranh cãi với Nhật Bản.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá những nỗ lực kể trên có thể chưa đủ và đã quá muộn. Bằng chứng là đám đông biểu tình bên ngoài Nhà Xanh hôm 3/12 không cho thấy bất kỳ chút cảm thông nào. "Nếu cô đơn đến vậy sao bà không vào tù cùng với Choi Soon-sil đi", một người hét lên.
noi-co-don-cua-tong-thong-han-quoc-truoc-ngay-bi-luan-toi-2
Khoảng 1,7 triệu người tham gia cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hôm 3/12, yêu cầu Tổng thống Park từ chức. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng