Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Trung Quốc có khởi chiến xác lập chủ quyền ở Biển Đông?

Bước sang năm mới 2017, điều mà có lẽ nhiều người Việt quan tâm là những động thái có thể của Trung Quốc ở Biển Đông sắp tới là gì và Việt Nam sẽ phải đối phó như thế nào?

Tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu chiến của Trung Quốc, trong có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, tập trận ở Biển Đông
Câu trả lời dễ mà khó.

Điều dễ đoán, dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ tiếp tục các chiến dịch của họ (tạm cho thấy là thành công) từ nhiều năm nay, như đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền về pháp lý, siết chặt vòng vây về kinh tế và gia tăng áp lực về quốc phòng.

Điểm khó đoán là thái độ của Việt Nam và chính sách đối ngoại của chính phủ Trump ở Mỹ trong những ngày tới. Tùy theo thái độ của Việt Nam và Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông hay là không.

Dầu vậy, điểm qua một số sự kiện trọng yếu về pháp lý, về kinh tế và quốc phòng (ở các chiến dịch của Trung Quốc) ta có thể có một kết luận (chủ quan) để tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Chủ quyền là vấn đề cốt lõi

Vấn đề chủ quyền đã được các chiến lược gia quốc tế nhấn mạnh trong các tác phẩm của họ từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Theo đó ai nắm chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát Biển Đông, ở tất cả các mặt tài nguyên kinh tế và chiến lược biển (như mặt nước, cột nước, thềm lục địa… chung quanh các đảo và nhất là vùng không gian ở trên và chung quanh các đảo).

Một cách sơ lược, trên mặt biển, quốc gia có chủ quyền các quần đảo sẽ có thể kiểm soát các hải lộ cực kỳ quan trọng (chiếm trên 50% tổng số lượng hàng hóa thế giới), bao gồm hải lộ năng lượng nối các nước cung cấp năng lượng Trung Đông với các nước tiêu thụ Đông Á (và Đông Nam Á), hay hải lộ kinh tế nối Châu Âu với các nước Đông Á…

Quốc gia có chủ quyền các đảo cũng là quốc gia nắm chìa khóa kinh tế. Họ có thể khai thác tài nguyên trên mặt nước hay trong cột nước (tôm cá, các loại hải sản), trên mặt và dưới thềm lục địa như băng cháy, gas, dầu khí…. Về chiến lược, quốc gia có thể kiểm soát tàu bè quân sự, các thiết bị ngầm (như tàu ngầm) qua lại trong khu vực.

Quốc gia kiểm soát được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là quốc gia kiểm soát vùng không gian bận rộn của thế giới, nối giữa các quốc gia Đông Á, Nam Á với phần còn lại của thế giới...

Từ Đệ Nhị Thế chiến đến nay, khu vực Biển Đông tương đối bình ổn, tạm gọi là trật tự "status quo ante", vì sau khi đế quốc Nhật đầu hàng tháng 8/1945 đến nay thì chưa có nước nào có khả năng (kinh tế và quốc phòng) để có thể chiếm hữu và khai thác kinh tế cũng như lợi ích chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa.

Trật tự "status quo" này bắt đầu thay đổi.

Để có thể áp đặt một "trật tự mới", lãnh đạo Bắc Kinh có thể đang tính toán đến những biện pháp "không hòa bình" trong những ngày sắp tới.

Với một Trung Quốc mạnh mẽ đang lên, khẩu hiệu tuyên truyền thường nghe "Trung Quốc hòa bình phát triển", mà thực chất là che đậy một Trung Quốc đang trên đường "quang phục" bằng mọi phương cách. Trung Quốc đang trỗi dậy để tái lập lại thế lực của đế quốc Trung Hoa đã thiết lập từ nhiều thế kỷ trước bằng các biện pháp hòa bình như tuyên truyền pháp lý, áp lực kinh tế và đe dọa quốc phòng.

Nhưng để có thể áp đặt một "trật tự mới", lãnh đạo Bắc Kinh có thể đang tính toán đến những biện pháp "không hòa bình" trong những ngày sắp tới.

Thông điệp đầu năm 2017 của Tập Cận Bình ta không ngạc nhiên khi đã nhấn mạnh đến vấn đề "chủ quyền". Việc này cũng đã xảy ra tương tự từ nhiều thập niên nay. Nên biết, lúc lãnh đạo Bắc Kinh quyết định ra chiến dịch xâm lăng Hoàng Sa tháng giêng năm 1974, thì bộ máy tuyên truyền của họ ra rả những luận điệu "giải phóng các vùng lãnh thổ hiện đang bị địch chiếm đóng trở về đất mẹ". Cốt lõi của việc tuyên truyền vẫn là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuyên truyền pháp lý và bao vây kinh tế

Về mặt tuyên truyền pháp lý, đối với dư luận quốc tế, mục tiêu trọng yếu là thuyết phục dư luận quốc tế về cái gọi là "chủ quyền bất khả tranh nghị của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển chung quanh". Sau đó nhằm "hóa giải" phán quyết bất lợi ngày 17/7/2016 của Tòa Trọng tài PCA.

Hải quân Trung Quốc

Ta thấy trên phương diện này Trung Quốc đã thành công.

Phán quyết của PCA hiển nhiên đã "hạ thấp" giá trị của các "đảo" ở Trường Sa. Theo Tòa thì không có thực thể nào ở Trường Sa có hiệu lực "đảo", theo điều 135 của Bộ Luật quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS) để có thể đòi hỏi hiệu lực vùng "kinh tế độc quyền - EEZ" 200 hải lý. Kể cả đảo lớn nhất là Ba Bình (hiện do Đài Loan kiểm soát) cũng không có hiệu lực "đảo".

"Quần đảo" Trường Sa từ nay phải đổi tên là "quần thạch". Điều này khiến người ta hy vọng rằng cuộc chạy đua "mở rộng hải phận" của các nước ở Biển Đông sẽ chấm dứt. Việc này sẽ đem lại ổn định cho khu vực.

Nhưng hy vọng sớm tiêu tan.

Trung Quốc từ đầu đã biểu lộ lập trường không nhìn nhận "thẩm quyền" của Tòa PCA và dĩ nhiên không tham gia vụ án. Theo họ, nguyên nhân của mọi tranh chấp đến từ vấn đề "chủ quyền" và việc "phân định biển", là hai điều mà Tòa PCA không có thẩm quyền phân xử.

Song song đó Trung Quốc dùng những biện pháp kinh tế và ngoại giao để thuyết phục một số quốc gia ủng hộ cho lập trường về pháp lý của họ.

Bằng các biện pháp kinh tế, đối với các nước trong khu vực, Trung Quốc tiếp tục các chính sách ve vuốt và đầu tư, nhằm lệ thuộc hóa nền kinh tế các quốc gia này vào các chính sách của Trung Quốc.

Như "dự án hai hành lang một vành đai" đối với Việt Nam, những "củ cà rốt" đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, cảng biển…) đối với Thái Lan, Malaysia, Philippines... để các nước này phụ thuộc vào "Ngân hàng Xây dựng cơ sở hạ tầng" cũng như dự án "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc. Đối với Campuchia thì vừa mua chuộc giới lãnh đạo vừa hứa hẹn đầu tư. Các chính sách phủ dụ bằng kinh tế của Trung Quốc cho thấy có kết quả hết sức ngoạn mục.

Trung Quốc đã sử dụng Campuchia để "phân hóa nội bộ" của ASEAN. Bằng việc mua chuộc các cấp lãnh đạo và hứa hẹn đầu tư, Campuchia đã ngăn cản khối ASEAN, không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa. Điều này trái với thông lệ của khối. ASEAN luôn có chủ trương "trọng luật", khuyến cáo các quốc gia thành viên "chấp hành phán quyết của Tòa theo pháp luật của quốc gia".

Trung Quốc cũng thuyết phục được Malaysia, một bên có tranh chấp phân định biển với Trung Quốc. Nước này cũng có khuynh hướng "đông lạnh" phán quyết của Tòa PCA. Trung Quốc cũng dùng miếng mồi đầu tư và viện trợ, có thể cả đe dọa quốc phòng, đối với Philippines để "hóa giải" phán quyết của Tòa.

Donald Trump
Chính phủ Trump sẽ có động thái gì?
Áp lực quân sự

Về áp lực quân sự trong khu vực, 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng (nhanh kỷ lục từ năm 2013) trên các bãi đá Chữ Thập, Su bi, Gạc Ma, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Vành Khăn đã hoàn tất năm 2015. Các đảo nhân tạo này được lần hồi "quân sự hóa" từ năm 2016. Hình ảnh từ các vệ tinh gần đây đã cho thấy các đảo nhân tạo này đã trở thành những căn cứ không quân, hải quân với những giàn ra đa, những phi trường (có cái dài trên 3.000 mét ở đá Chữ Thập) với bãi đậu máy bay và bến tàu. Vừa rồi báo chí cũng đăng tin Trung Quốc đã đưa trên 400 hỏa tiễn địa không (tầm ngắn 40km và tầm trung 400km) ra đặt ở các đảo. Việc "quân sự hóa" các đảo xem như hoàn tất.

Song song, Trung Quốc liên tục gia tăng chi phí quốc phòng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí thông minh ứng dụng cho không gian cũng như trên mạng tin học. Trung Quốc thúc đẩy chế tạo và sản xuất các loại khí tài mà trước đây phải mua của Nga như phi cơ chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm, thậm chí hàng không mẫu hạm. Trung Quốc cũng huấn luyện và hiện đại hóa các lực lượng hải quân, không quân cho phù hợp với các cuộc chiến cục bộ (đổ bộ, chiếm đảo…), vừa chống lại sự tiếp cận (vào Biển Đông) của các lực lượng hải, không quân thuộc các quốc gia thù nghịch.

Bằng lực lượng quân sự vừa được bố trí trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc có thể uy hiếp không chỉ bất kỳ tàu bè, phi cơ của các quốc gia chung quanh, mà còn có thể đánh chiếm bất cứ đảo nào ở Trường Sa, hiện do Việt Nam hay Philippines kiểm soát.

The Boa Diao boat, center, is surrounded by Japan Coast Guard
Trung Quốc đã thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông từ 2013
Động thái có thể của Trung Quốc ở Biển Đông

Những vận động đã nói ở trên để làm gì, nếu không phải là "khẳng định chủ quyền" để tiến tới việc thiết lập vùng "nhận diện phòng không" (Air Defense Identification Zone - ADIZ) ở Biển Đông?

Về vùng ADIZ, câu hỏi đặt ra, trên phương diện công pháp quốc tế, Trung Quốc có "quyền" làm vậy hay không ?

Câu trả lời sẽ tương tự như tuyên bố ngày 23/11/2013 vùng ADIZ khu vực Hoa Đông của Trung Quốc, bao trùm quần đảo Điếu Ngư, tức Senkaku, đang trong tình trạng tranh chấp và hiện do Nhật kiểm soát.

Nếu vùng ADIZ khu vực Hoa Đông là "hợp pháp" thì khó có thể kết luận rằng vùng ADIZ khu vực Hoa Nam (tức khu vực Biển Đông) là "bất hợp pháp".

Tuyên bố vùng ADIZ ngày 23/11/2013 của Trung Quốc mang hình thức một "tuyên bố đơn phương", liên quan đến nội dung của các điều ước cũng như tập quán quốc tế (điều 1 Công ước Quốc tế về Hàng không Dân sự - còn gọi là công ước Chicago 1944) và Công ước về Luật Biển 1982.

Theo tập quán quốc tế, có từ thời chiến tranh lạnh, các quốc gia ven biển có thể mở rộng vùng trời của nước mình, gọi là "vùng nhận dạng phòng không". Các nước Hoa Kỳ, Nhật, Pháp… đều có vùng nhận diện phòng không mở ra ít nhứt là 200 hải lý. Mục tiêu của việc thiết lập vùng nhận diện phòng không là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Đến đây ta thấy rằng "chủ quyền" quần đảo Trường Sa, ngay cả khi phán quyết của Tòa PCA có hiệu lực thi hành, vẫn hết sức quan trọng về chiến lược. Trung Quốc có mở được vùng ADIZ khu vực này hay không là dựa lên "chủ quyền" các đảo.

Các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam... sẽ phải đối phó ra sao nếu Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Hoa Nam (tức Biển Đông)?

Thử tưởng tượng, đối với Việt Nam, bất kỳ chiếc phi cơ hay tàu bè nào đi vào vùng ADIZ của Trung Quốc đều có thể bị không quân hay hải quân nước này khống chế, thậm chí bắn hạ. Lực lượng của Việt Nam không đủ để chống chọi. Điều này đưa đến các đảo của Việt Nam ở sẽ mất về Trung Quốc.

Việt Nam cũng không thể trả đũa bằng cách ra tuyên bố vùng ADIZ tương tự. Bởi vì Việt Nam không có khả năng để khiến các quốc gia khác tuân thủ nội dung tuyên bố của mình.

Yếu tố Đài Loan

Nhưng việc này không dễ đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Đài Loan vừa rồi được tổng thống đắc cử Donald Trump nhắc tới. Ta có thể xem như đây là một "cảnh cáo" của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể sử dụng yếu tố Đài Loan, như ủng hộ Đài Loan độc lập, để làm rối rắm các chính sách về kinh tế và quốc phòng của TQ.

Điều nên biết là từ năm 2005 Trung Quốc có bộ luật "chống ly khai", theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để cản trở bất kỳ âm mưu nào đưa tới việc ly khai.

Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ và Nhật ủng hộ, Trung Quốc có đủ khả năng phát động chiến tranh hay không ?

Từ lâu Trung Quốc đã có lý thuyết về một cuộc chiến tranh với Mỹ và Nhật bao gồm ba mục tiêu: giải phóng Đài Loan, Điếu Ngư và các đảo Trường Sa. Sở dĩ có lý thuyết này là vì Trung Quốc quan niệm không thể giải phóng Đài Loan mà không có chiến tranh với Mỹ và Nhật. Cũng không thể giải phóng Điếu Ngư mà không gây chiến tranh với Nhật và Mỹ (do ràng buộc của hai bên từ các hiệp ước an ninh hỗ tương). Bất kỳ cuộc chiến xảy ra theo hình thức nào, có Nga hay không có Nga là đồng minh, Trung Quốc cũng sẽ thua.

Chỉ có "giải phóng" Trường Sa là không đụng độ với các cường quốc Mỹ và Nhật.

Thì bây giờ, nếu chiến dịch "giải phóng Trường Sa", thông qua việc tuyên bố vùng ADIZ, lại bị Mỹ gắn liền với việc ủng hộ Đài Loan độc lập. Cuộc chiến ở đây Trung Quốc vẫn có thể phải đối mặt với HK và Nhât.

Rốt cục việc thiết lập vùng ADIZ của Trung Quốc có thể như cái "gân gà" trong truyện Tam Quốc, nuốt vào không trôi mà nhả ra thì lại tiếc.

Có nên giao Hoàng Sa-Trường Sa cho Mỹ quản lý?

Những nét phác thảo về chiến lược của Trung Quốc, qua những toan tính về pháp lý, kinh tế, quốc phòng của Trung Quốc cho thấy Việt Nam không có phương pháp nào hữu hiệu để chống trả, ngoài biện pháp "núp" dưới "cây dù" của Hoa Kỳ (và Nhật Bản). Điều khó đoán là chính sách Châu Á của tân tổng thống Donald Trump sẽ ra sao ?

Không chừng Hoàng Sa và Trường Sa giao cho Hoa Kỳ "quản lý", chủ quyền thuộc về Việt Nam tương tự Okinawa thộc chủ quyền của Nhật, thì tình hình lại tốt hơn cho Việt Nam và các nước chung quanh.

Nhưng dầu thế nào, Việt Nam là phía yếu, vì vậy phải vận dụng pháp luật quốc tế để tự bảo vệ.

Phán quyết của Tòa PCA 12/7 là "giải thích" Luật (UNCLOS), cho dầu Philippines chủ trương không thi hành phán quyết, nhưng bản chất của phán quyết vẫn là "Luật".

Từ đầu những năm 2000, khi được vào WTO, ngay tại Hiến pháp Trung Quốc đã cam kết "xây dựng một quốc gia trên pháp luật và cai trị bằng pháp luật". Cho dầu đó là "nhà nước pháp trị" với cái đuôi "xã hội chủ nghĩa", thì bản chất của các cam kết của Trung Quốc vẫn là "tôn trọng pháp luật".

Vì vậy, theo tôi, Việt Nam không thể bỏ qua phán quyết của Tòa, không chỉ vì đó là một "lợi thế" của Việt Nam , mà vì đó là "luật" mà Trung Quốc phải tôn trọng.

Việt Nam cũng nên tính toán đến điều tệ hại nhất: Giải pháp của sự "tận cùng", là phải "đông lạnh" yêu sách chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên lý thuyết, sau Thế chiến thứ II, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc thẩm quyền "quản lý" của Hoa Kỳ. Một điều khoản của Hội Quốc Liên thời đó, tất cả các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng sẽ thuộc quyền "quản lý" của Hoa Kỳ. Phần lớn các đảo này hiện nay thuộc "chủ quyền" của Hoa Kỳ, ngoại trừ quần đảo Nam Tây (quần đảo Nansei trong tiếng Anh hay Ryukyu trong tiếng Nhật), bao gồm quần đảo Lưu Cầu, Okinawa, trả lại cho Nhật Bản đầu thập niên 70 thế kỷ trước.

Không chừng Hoàng Sa và Trường Sa giao cho Hoa Kỳ "quản lý", chủ quyền thuộc về Việt Nam tương tự Okinawa thộc chủ quyền của Nhật, thì tình hình lại tốt hơn cho Việt Nam và các nước chung quanh.

Trương Nhân Tuấn 

* Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu sống ở Pháp.

(BBC)

Người đầu bếp và những chuyện thú vị về bữa ăn của Bác Hồ

                    Cách làm một số món ăn phục vụ Bác Hồ của ông Đặng Văn Lơ: 

"Gà rán Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, pha nước 3 sôi 2 lạnh, rửa sạch gà, thả vào nồi rồi mới vặt lông. Để ráo, ướp xì dầu trong ngoài đầy đủ. Trước khi ăn, cho vào chảo mỡ ngập, rán vàng hết hai mặt, khi chặt ra trong xương gà còn hơi hồng hồng.
Gà luộc Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, rửa gà, cho vào nước 3 sôi 2 lạnh. Vặt lông, để ráo, rắc muối gia vị lên con gà sau đó luộc đến độ sôi khoảng 80 độ thì bắc ra, để nguyên trong nồi 15 phút. Sau đó cho con gà đã luộc vào nồi nước thật lạnh, để 15 phút nữa. Khi chặt thịt bên trong vẫn còn nước hơi hồng hồng, như thế khi ăn thịt sẽ mềm và da gà vẫn giòn. Thái vát, bỏ xương, lấy nước dùng, pha thêm ít mì chính là ăn.
Cá bống kho tộ: bống sông rửa sạch, lấy khăn thấm khô, ướp gia vị, rồi tưới nước màu (nước hàng) lên. Sau đó cho vào nồi đất, có nước dùng gà xâm xấp, đun sôi đến chín, rồi để nhỏ lửa, khoảng 60 độ, chờ cá săn lại là được..."


(VTC News) - Bác bảo, đánh bằng trấu và cát thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, đánh bằng tro bếp, lâu một tí nhưng nồi không bị mòn mà lại bóng.

Ở tuổi ngoài 80, cao lớn, khỏe mạnh nhưng bị nặng tai. Trí nhớ còn khá minh mẫn, ông bồi hồi nhớ lại từng chi tiết thời gian được nấu ăn phục vụ Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Phủ Chủ tịch. Tên ông là Đặng Văn Lơ.

Phục vụ việc nấu ăn cho Bác từ năm 1960 đến ngày Bác qua đời (1969) có ông Đinh Văn Cẩn và ông, trong đó ông Cẩn được phân công làm bếp chính của Bác, ông là bếp chính của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng vì Bác Hồ và bác Phạm Văn Đồng ở cùng một nơi, ăn cùng một chỗ, ngồi cùng một mâm, nên hai ông thay phiên nhau phục vụ cả hai người. 

Ông Lơ kể, nhà ông rất nghèo, chỉ học đến lớp 3 rồi vào bộ đội, trung đoàn 15, đại đội 421 đóng quân ở chợ Chu. Từ năm 1949, có nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam, vì vậy một số bộ đội được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc. Tổng cộng có 150 người, nhưng ông là một trong những học viên xuất sắc nhất, thường xuyên được nấu tiêu chuẩn đặc táo (tức là trên cả trung táo và tiểu táo). 

Ông Đặng Văn Lơ
Ông Đặng Văn Lơ
Lý do ông được nhận vinh dự cao quý này là trong thời gian từ năm 1953-1954, Bác Hồ thường sang Đồi cố vấn làm việc với các chuyên gia. Ông Cẩn mượn bếp của ông để nấu cơm cho Bác. Thấy ông là người chăm chỉ, thật thà lại khỏe mạnh, nấu ăn ngon nên ông Cẩn chú ý. Kháng chiến thành công, Trung ương về Hà Nội, ông Cẩn đã giới thiệu ông và được chấp nhận. 

Ông kể: “Ông Cẩn được Pháp đào tạo, nấu giỏi cả cơm Tây lẫn cơm Việt, tôi coi là bậc thầy. Anh em thường xuyên trao đổi nên sau này các món ăn Tây, Tàu, Việt cả hai đều thạo cả. Hai chúng tôi thay nhau phục vụ, khi tôi làm thì ông Cẩn nghỉ và ngược lại. Hàng ngày, người phục vụ đứng bên này ao, trông sang nhà sàn của Bác, nếu nghe tiếng chuông leng keng sẽ xuống bếp báo chúng tôi chuẩn bị. 

Buổi sáng Bác ăn lúc 6h, trưa ăn lúc 10 rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17h30. Bác Đồng làm việc bên ngoài nếu về kịp thì ăn cùng, còn bận đi tiếp khách thì Bác ăn một mình. Các món ăn thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la.

10h Bác uống một ly nước sâm, 10h30 thì ăn trưa. Đến 2h chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4h lại uống 1 ly nước sâm, rồi 5h30 chiều thì ăn cơm. 8h tối Bác uống thêm một cốc cà phê sữa nữa, chỉ thế thôi.

Căn bếp nơi phục nấu ăn cho Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Phủ Chủ tịch
Bữa cơm của Bác giản dị lắm, món ăn chính chỉ có 3 món: canh, rau, thịt (hoặc cá), ăn xong tráng miệng bằng một quả táo nướng. Đây là loại táo Trung Quốc, đem bổ đôi, bỏ ruột, nướng xém, phết một ít đường và bơ, Bác cầm chiếc thìa nhỏ xúc ăn.”


Bác ăn rất đúng giờ, luôn dặn người phục vụ chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí. Khi ăn, món nào không ăn hết, Bác trở đầu đũa để riêng, bảo cất đi, đến chiều làm nóng lại cho Bác ăn tiếp.
Video Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập


Ông Lơ kể tiếp: “Chúng tôi muốn Bác ăn được nhiều, nên múc một bát súp lớn, nhưng Bác sẻ lại một nửa. Sau chúng tôi rút xuống 1/3 bát thì Bác ăn hết. Biết thói quen của Bác nên mâm cơm bao giờ chúng tôi cũng bày thêm một miếng cháy nhỏ. Hai anh em thường xuyên trao đổi với nhau, để kịp thời điều chỉnh. Tiêu chuẩn là phải vệ sinh, tinh khiết, chất lượng.” 

Thực phẩm hàng ngày được ô tô đưa đến tận nơi, đựng trong một chiếc hòm bằng gỗ, đề số 401. Bên trong có 2 hộp nhôm để riêng hàng chín và hàng tươi sống kèm theo hóa đơn, cuối tháng thì thanh toán một lần. 

Cơ bản thì hai bác ăn như nhau, nhưng buổi sáng bác Phạm Văn Đồng thích ăn các món vặt mỗi thứ một tí: 2 quả chà là, cốc nước chè tươi, một ca nhỏ cháo vừng đen. Hôm thì ăn miếng phomat kèm vài miếng đu đủ. Bữa chính thì bác Đồng thường ăn thêm khoai lang, 2 miếng đậu rán non và mấy nhánh tỏi.

Ông Lơ bật mí về công tác an ninh, an toàn thực phẩm phục vụ hai bác. Người phục vụ thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, nhắc nhở cắt móng tay, quần áo phải luôn sạch sẽ. Hàng ngày cứ trước giờ ăn 1 tiếng, an ninh đến lấy mẫu thức ăn mang về xét nghiệm. Nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang. Ông Lơ tự hào nói: “Nhưng trong từng ấy năm, chưa bao giờ chúng tôi bị gọi “gọi điện” cả.” 

Để giữ bí mật, trên bảng chấm cơm ở nhà bếp Bác Hồ lấy tên là Cụ Hiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy tên là ông Lành.
Để giữ bí mật, trên bảng chấm cơm ở nhà bếp Bác Hồ lấy tên là Cụ Hiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy tên là ông Lành.
Những hôm Bác có khách là chuyên gia nước ngoài, hay anh hùng, chiến sĩ thi đua thì hai ông khá bận rộn vì chỉ có hai người tự tay nấu tất cả các món ăn. Ông Lơ làm thêm bánh bao, tráng bánh cuốn, ông Cẩn làm bánh mỳ. Khi nào Bác họp với Bộ Chính trị, các ông cũng phục vụ luôn, lúc thì bánh cuốn, bánh giò, lúc thì cháo cá quả, mì vằn thắn, phở… Ngay cả khi có khách, Bác đều dặn kỹ chúng tôi có bao nhiêu người, chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí.

Ông Lơ tự hào kể, phục vụ Bác 9 năm trời, có 2 lần ông được Bác hỏi chuyện riêng. “Một lần tôi đi chăn bò về thì gặp Bác. Bác ra hiệu cho tôi dừng lại hỏi, chú đông con lắm phải không? Tôi thưa vâng. Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình thế nào, tôi không dám thưa kỹ, nhưng Bác biết. Vài hôm sau thấy ông Vũ Kỳ mang chăn, áo len xuống bảo Bác cho tôi để gửi về nhà. 

Lần khác tôi ngồi ở bờ ao, bấy giờ chưa kè đẹp như bây giờ đâu, đánh xoong nồi bằng trấu và cát. Bác đi bộ qua thấy, dừng lại hỏi chú đánh nồi bằng cái gì thế? Tôi thật thà thưa. Bác bảo, đánh bằng trấu và cát thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, chú chịu khó đánh bằng tro bếp, nó lâu một tí nhưng nồi không bị mòn mà lại bóng. Ấy là Bác dạy tôi đức tính tiết kiệm.”

Ông Đặng Văn Lơ đã biểu diễn lại những món ăn từng phục vụ Bác Hồ. Bên cạnh là thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Ông Đặng Văn Lơ đã biểu diễn lại những món ăn từng phục vụ Bác Hồ. Bên cạnh là thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Những khi Bác đi công tác, hai ông xếp sẵn thức ăn vào cặp lồng. Đến trưa thì trải một tấm ni lông ra bày thức ăn lên. Bác không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước!

Món ăn Bác thích là thịt mỡ kho, nhưng vì tuổi Bác đã cao, nên các bác sĩ không đồng ý. Hai ông chỉ dám lọc thịt mỡ ra, cho vào miếng vải màn, ép thành nước, tẩm ướp với thịt nạc rồi đem kho, nhưng mỗi bữa cũng chỉ 2 miếng nhỏ thôi. Mỗi khi ăn xong, Bác đều xếp lại bát đũa gọn gàng, phục vụ chỉ việc bê đi.

Vui nhất là bữa cơm tất niên, mỗi năm hai bác ăn với anh em phục vụ vào ngày 28 hoặc 29 Tết. Bác ân cần bảo, anh em vất vả quanh năm, bữa cơm này phải ăn thật khỏe, thật nhiều, ăn cho hết nhé.

Chúng tôi hỏi, được phục vụ gần Bác lâu như vậy, điều gì ông rút ra cho mình từ tấm gương của Bác? Ông Lơ nói ngay: thường xuyên vận động. Bác Hồ đi bộ rất đều, ăn uống điều độ, đúng giờ. Bác luôn quan tâm đến mọi người, sống giản dị, tình cảm chân thật. “Những hôm trời mưa, chúng tôi định mang cơm lên nhà sàn, Bác trông thấy bắt bê về, rồi Bác tự xắn quần đi xuống nhà ăn.” Ông Lơ xúc động nhớ lại.

Sau ngày Bác mất một thời gian, ông Đinh Văn Cẩn cũng qua đời. Ông Lơ tiếp tục phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến năm 1988 thì hết tuổi, tổng cộng ông nấu ăn trong Phủ Chủ tịch 28 năm 6 tháng. Ông được ưu tiên sang Trung Quốc làm đầu bếp tại Đại sứ quán Việt Nam 3 năm nữa thì về hưu. Hiện ông đang sống tại Hà Nội. 

Cách đây không lâu, ông đã “biểu diễn” lại một số món ăn mình từng phục vụ Bác Hồ cho một nhóm cán bộ chiến sĩ, trong đó có thiếu tướng Phạm Sơn Dương là con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Hữu Việt

VinGroup thật đáng xấu hổ khi làm giàu bằng tham nhũng chính sách

Đăng bởi Lê Sơn on Tuesday, January 3, 2017 | 3.1.17


Từ dự án đầu tư xây dựng khu triển lãm bỗng chuyển sang khu căn hộ cao cấp 50 tầng?
Cuối 2014: Vận động thành công để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận cho VinGroup làm nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Triển lãm Giảng Võ, chiếm 80% cổ phần.

---> Một trong những yếu tố để VinGroup được chọn là hứa hẹn sẽ phát triển khu dự án triển lãm hiện đại hơn ngay tại khu đất Giảng Võ hiện nay.

Tháng 3-2015: Công ty Triển lãm Giảng Võ tiến hành bán đấu giá 9,8% cổ phần nhưng kết quả không khả quan cho lắm, nên VinGroup mua gần như toàn bộ số này giúp họ nắm gần 90% cổ phần công ty.

---> Sở dĩ ít nhà đầu tư mặn mà với cổ phiếu này là vì tình hình tài chính trước đó của Công ty Triển lãm Giảng Võ không được khả quan cho lắm, lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3-6 tỷ đồng.

Dù Công ty Triển lãm Giảng Võ có cổ đông chiến lược là VinGroup nhưng rõ ràng tập đoàn này tuyên bố sẽ đầu tư xây khu triển lãm chứ có nói là chuyển đổi công năng sang khu căn hộ cao cấp đâu. Vả lại nếu có chuyển đổi công năng thì theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, khu đất này nằm trong vùng nội đô lịch sử, HẠN CHẾ XÂY CAO TẦNG. Viễn cảnh kiếm bộn tiền còn mờ mịt nên không nhiều nhà đầu tư hứng thú cũng hợp lý.

Tháng 4-2016: UBND Hà Nội ra Quyết định 11/2016/QĐ-UBND về Quy hoạch công trình cao tầng nội đô, chỉ rõ khu vực Triển lãm Giảng võ là điểm nhấn đô thị, là nơi ĐƯỢC PHÉP XÂY DỰNG 50 TẦNG duy nhất trong khu nội đô lịch sử (các điểm khác chung tuyến đường chỉ tối đa 21/24/27 tầng, tùy vị trí)

---> Không chỉ có khu đất này, theo VnExpress thì "khu nội đô lịch sử chỉ có duy nhất 2 vị trí được xây dựng quá 39 tầng, đó là Khu vực triển lãm Giảng Võ cao tối đa 50 tầng (tương đương 180m) và Khu vực ô đất 29 Liễu Giai cao tối đa 45 tầng (tương đương 162m). Cả 2 lô đất này hiện đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup." Sao kỳ lạ thế, căn cứ vào đâu mà chọn 2 vị trí đó làm điểm nhấn, ngẫu nhiên trúng vào 2 khu đất của VinGroup à? Hay UBND Hà Nội làm chính sách cho VinGroup?

Tất cả những điều trên gọi đúng tên là gì? - Là THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH, khi mà các nhóm lợi ích coi nhà nước như công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, và thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia.

Chuyện mất mát một không gian công cộng thì đã đành, thiệt hại kinh tế cho quốc gia còn là một chuyện khác. Nếu thông báo khu đất đó được xây 50 tầng, đấu giá công khai thì tổng số tiền nhà nước thu về cho ngân sách quốc gia không phải là đã lớn hơn rất nhiều so với con số 21,5 triệu/m2 hiện tại thu từ VinGroup sao?(VinGroup chỉ bỏ ra 1500 tỷ cho gần 90% cổ phần của công ty Triển lãm Giảng Võ, trong khi đó giá thị trường khu vực này vào khoảng 200-300 triệu/m2).

Câu hỏi cuối cùng là: Làm giàu mà bằng cách tham nhũng chính sách, đạp lên lợi ích của quốc gia, cộng đồng như thế thì có gì mà đáng tự hào hở VinGroup?


VINGROUP KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU BẰNG THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH Ở KHU ĐẤT GIẢNG VÕ?

Khu vực đường Lê Duẩn ở Sài Gòn và Giảng Võ ở Hà Nội đều thuộc loại đất vàng, với giá thị trường hiện đang ở mức 300-400 triệu/m2.

Ở Sài Gòn: Tân Hoàng Minh qua đấu giá đã phải trả 1430 tỷ để có được 3025 m2 đất đường Lê Duẩn (472 triệu/m2).

Ở Hà Nội: VinGroup, nhờ tham nhũng chính sách, cũng chỉ với số tiền tương đương (1500 tỷ) đã có được 7ha ~ 70,000 m2 đất đường Giảng Võ (21 triệu/m2).

Vâng, không phải 7000 m2, mà là 70,000 m2 ạ, tức là một diện tích gấp 23 lần khu đất mà Tân Hoàng Minh có được trong Sài Gòn. Đó là chưa nói đến việc họ còn được quyền xây cao ốc cao tới 50 tầng ở khu đất này.

Đất nước đã mất bao nhiêu tiền bởi kiểu tham nhũng chính sách này?

    NHÀ BÁO TRƯƠNG HUY SAN: BA SON, GIẢNG VÕ THẤT THOÁT BAO NHIÊU?

Từ mức khởi điểm 550 tỷ, sau 16 vòng đấu giá, TP đã bán được 1.430 tỷ. Cho dù ai mới thực sự đứng sau cuộc đấu giá này thì kết quả của nó cũng gây nhiều suy nghĩ. Chúng ta có thể làm một bái toán số học (giữa giá thị trường và giá anh Vượng đã mua, trên giấy) để thấy tiền bạc của đất nước đã thất thoát bao nhiêu khi các dự án như Ba Son, Giảng Võ được âm thầm đem bán.

Đấy là cái giá của sự thiếu minh bạch.

 Chính phủ cần ngay lập tức yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tính đủ giá thành bất động sản (nhà xưởng, văn phòng...) trước khi cho cổ phần hóa.

 Đối với các diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc đang giao cho các cơ quan làm trụ sở thì không thể coi là tài sản riêng của các cơ quan này (Nhà nước chỉ giao đất để phục vụ cho mục đích hiện hữu). Nay nếu các cơ quan đó không còn nhu cầu sử dụng thì phải trả lại và phải được quản lý như công sản. Ví dụ, Hội Nhà văn của ông Hữu Thỉnh nếu không còn cần trụ sở thì phải trả lại cho nhà nước chứ không thể tự đem bán cho tư nhân hay tự làm khách sạn.

Trong trường hợp cần bán các phần đất này thì phải công khai đấu giá như cách Sài Gòn đã làm với trụ sở của xổ số kiến thiết.

Nếu như Bộ Quốc Phòng khi cho dời cảng Ba Son, Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng không lén lút bán cho ông Vượng ngay thì Hội đồng Nhân dân TP hoàn toàn có thể lấy ý kiến nhân dân để biến nó trở thành một công viên bảo tàng, vừa tôn được giá trị của cả TP vừa không biến Ba Son thành cái thòng lọng thắt cổ giao thông TP.

 Nếu những khối tài sản hàng ngàn tỷ được trao đổi dưới gầm bàn thì thánh cũng trở thành tham nhũng.

 Nguyễn Anh Tuấn

Tin tham khảo:
Tháng 4/2015: http://kinhdoanh.vnexpress.net/…/vingroup-mua-gan-90-co-pha…
Tháng 5/2016: http://kinhdoanh.vnexpress.net/…/trien-lam-giang-vo-la-vi-t…
Quyết định 1259 của Thủ tướng: http://thuvienphapluat.vn/…/Quyet-dinh-1259-QD-TTg-phe-duye…


( FB Nguyễn Anh Tuấn)

Làm sách cẩu thả: Chẳng khác gì lừa đảo người đọc

Toàn những đầu sách quan trọng được bán với giá rất cao nhưng nội dung chẳng giúp gì cho người đọc, kiểu trá hình lừa đảo

Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 2-1-2017 đăng bài “Một kiểu làm sách cẩu thả” phản ánh quá nhiều sai sót trong các cuốn: “Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương sưu tầm, biên soạn và “Cách mạng Tháng Tám 1945” (sự kiện, hình ảnh và ký ức) do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương - Vũ Thị Kim Yến sưu tầm, biên soạn (đều do NXB Thông tin - Truyền thông cấp phép, được xác định thuộc kinh phí nhà nước tài trợ), tòa soạn đã nhận được thông tin từ bạn đọc Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân, cho biết đang cất giữ nhiều đầu sách khác cũng có nội dung về lãnh tụ và những sự kiện xã hội lịch sử quan trọng nhưng nội dung cực kỳ nhảm nhí, đang được lưu hành công khai trên thị trường.
Kiếm tiền quá dễ
Cuốn “Hồ Chí Minh - Con người và thời đại dấu ấn trong lòng dân tộc” được NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành hồi năm 2014 do tác giả Hải Sơn sưu tầm và biên soạn, dày 432 trang, giá bán 335.000 đồng/cuốn thực chất là những bài viết tập hợp từ nhiều nguồn, cả báo chí, các trang web chính phủ, trang web địa phương và các trang web khó kiểm chứng.
Bìa cuốn sách được cho là làm ẩu, lừa độc giả
Bìa cuốn sách được cho là làm ẩu, lừa độc giả
Cuốn “70 năm nhìn lại nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Một sự thật lịch sử” do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014, giá bán 350.000 đồng/cuốn. Khi mở sách ra thì… hỡi ôi, chỉ là một mớ tài liệu chưa kiểm chứng, được tập hợp cẩu thả. Phần 1 của cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - một sự thật lịch sử” chỉ là một bài viết nhỏ của một tác giả, dài gần 10 trang in khổ A4. Phần 2 “Tội ác chiến tranh của phát xít Nhật tại Việt Nam” cũng chỉ dài 9 trang in. Phần 3 “Vạch rõ nguyên nhân gây ra nạn đói” dài 9 trang in. Những bài viết ngắn lại được kèm theo các bảng biểu số liệu dài dòng như “Danh sách các hộ ở thôn Lương Phú” và “Xóm Trại của thôn Thượng” dài 21 trang (từ trang 89 đến trang 109), “Các hộ gia đình ở Lương Phú và người chết trong hộ” dài 12 trang, từ trang 129 đến trang 141… và rất nhiều bảng biểu khác nữa khiến người đọc có cảm giác người biên soạn đang sử dụng tài liệu hội thảo in ra kiếm tiền.
Cuốn “Những cuộc đàm phán lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh” có sử dụng 2 hình ảnh minh họa “Quang cảnh hội nghị Genève” và “Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương năm 1954” nhìn qua đã biết là lấy xuống từ internet vì ảnh bị vỡ, mờ nhòe, nhìn không rõ bất cứ nhân vật nào trong ảnh để xác định đúng sai.
“Những cuốn sách theo kiểu “biên soạn”, “sưu tầm” này đều có chất lượng in quá xấu, quá ẩu, chẳng khác gì sách sao chụp. Mặc dù có ghi: “Trong quá trình biên soạn cuốn sách này, chúng tôi có sử dụng một số tư liệu từ một số tác phẩm đã xuất bản” nhưng cách nói này chỉ là “lừa đảo”, người biên soạn đã làm không đúng luật. Lẽ ra phải liên hệ và xin phép các tác giả và phải ghi rõ nguồn gốc tài liệu sử dụng nhưng các ấn phẩm này tự động trích dẫn các tài liệu, tự tập hợp bài viết của các tác giả từ nhiều nguồn để in thành sách bán kiếm lời. Thứ hai, những sự thật lịch sử liên quan trong các cuốn sách nói trên chưa được bất cứ chuyên gia nào thẩm định hoặc dẫn theo thông tin xác thực từ những nguồn đáng tin cậy. Thứ ba, có quá nhiều chuyện nhảm nhí được trộn lẫn đưa vào trong sách để tăng độ dày, mọi bảng biểu đưa vào sách chẳng có chút giá trị nào về mặt học thuật” - ông Lê Hoàng Việt Lâm bức xúc nêu ý kiến.
Coi thường độc giả
Độc giả Lê Hoàng Việt Lâm cho biết vì công việc thường xuyên của mình cần tham khảo các tài liệu như thế nên khi có người gọi điện tới cơ quan để tiếp thị các đầu sách nói trên, anh và đồng nghiệp đều lựa chọn đặt hàng. Không ngờ, khi nhận được sách, mở ra đọc mới thấy thất vọng kinh khủng. Anh cho biết chẳng tham khảo được gì từ những cuốn sách này, tất cả các bài viết được tập hợp trong sách hầu như khi tra trên Google đều có thể tìm thấy ngay, vậy tại sao lại phải bỏ một số tiền lớn như thế để chuốc nỗi bực bội?
Tất cả những cuốn sách nói trên đều được các nhà xuất bản cấp phép xuất bản. Với số lượng in ghi trên sách là 1.000 cuốn, giá bán 350.000 đồng/cuốn, người làm những cuốn sách này đã thu được 350 triệu đồng mỗi đầu sách, thực tế số lượng in có thể lên đến bao nhiêu là tùy nhu cầu thị trường mà không cơ quan chức năng nào kiểm soát.
“Cầm những cuốn sách này, chúng tôi chẳng tham khảo được bất cứ kiến thức nào. Khi mua phải sách làm ẩu, thậm chí làm gian, chúng tôi biết phản ánh với ai? Số điện thoại gọi đến bán sách có phải khi nào người mua cũng lưu lại đâu? Mà có lưu lại nhưng gọi người ta không đến thì biết làm thế nào? Làm sao có thể vào Nam ra Bắc gặp lãnh đạo các NXB này để hỏi cho rõ tại sao các vị lại cấp phép ẩu đến thế?” - giảng viên Lê Hoàng Việt Lâm thất vọng bày tỏ.
Bài và ảnh: Hòa Bình

“Muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu”

VOV.VN - GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu, tận tâm, tận lực vì dân, tận tụy vì công việc.
Sự gương mẫu của Trung ương có tác động rất quan trọng
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với việc khẳng định truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, Nghị quyết chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
muon nhan dan tin thi nguoi lanh dao phai guong mau hinh 1
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nghị quyết cũng nêu rõ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Với nhận định nêu trên, có thể nói Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã dũng cảm nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ, khuyết điểm; đồng thời đề ra quyết tâm khắc phục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Người đứng đầu một tổ chức phải luôn luôn là người tiêu biểu nhất về đức và tài, khi để xảy ra những yếu kém, lộn xộn, thậm chí gây hậu quả nặng nề thì phải xử lý. Xử lý người đứng đầu phải nghiêm minh thì mới làm gương cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta không xử lý được nhiều, thậm chí yếu kém trong lĩnh vực này do bệnh cả nể, nể nang, dĩ hòa vi quý mà mục đích cuối cùng là để bảo vệ lợi ích của mình không bị va chạm, không bị phiền toái.
Chúng ta chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc phát huy vai trò của người dân trong giám sát, thực hiện chức năng thẩm quyền các cơ quan, đơn vị chưa phát huy tốt.
Có nhiều giải pháp nêu ra nhằm khắc phục những thiếu sót khuyết điểm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó Nghị quyết của Đảng đã chú trọng hơn trong việc gắn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, sự gương mẫu của Trung ương có tác động rất quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết chỉnh đốn Đảng lần này, cũng như việc học tập, làm theo Bác về tư tưởng, đạo đức, phong cách.
Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Dân nhìn vào Đảng, vào Nhà nước thông qua những nhân cách đảng viên, những con người cụ thể, nhất là người đứng đầu. Chính vì vậy, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động để nhân dân tin.
“Muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu, tận tâm, tận lực vì dân, nghiêm túc, dân chủ, tôn trọng con người, tận tụy vì công việc”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
muon nhan dan tin thi nguoi lanh dao phai guong mau hinh 2
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương (ảnh: Vũ Toàn)
Không chỉ tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, sự gương mẫu của người đứng đầu và cơ quan lãnh đạo còn tạo ra sung lực, là lý trí, hành động của toàn Đảng.
“Nếu cán bộ không gương mẫu sẽ phản tác dụng, làm cho công việc không triển khai tốt đẹp, gây sức ì lớn, thậm chí làm cho sự suy thoái tiếp tục nặng nề hơn. Bất cứ lúc nào gương mẫu cũng quan trọng, càng trong lúc khó khăn thì gương mẫu càng quan trọng. Đó là nhân tố rất cần thiết cần phải nhấn mạnh đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, văn kiện Đảng nói chung đi vào cuộc sống có hiệu quả”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh thêm.
Cần cơ chế đủ mạnh để truy trách nhiệm người đứng đầu
Để chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngoài sự nêu gương, theo GS Hoàng Chí Bảo cũng cần có cơ chế đủ mạnh để truy trách nhiệm đến cùng của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, khuyết điểm. Theo đó, phải thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ, quy định, kỷ luật Đảng và phải công khai trong dư luận. Phải chú trọng bầu không khí dân chủ trong tổ chức, tập thể để tạo áp lực thống nhất, đẩy mạnh việc xử lý đến nơi đến chốn. Phải có sự hỗ trợ của dư luận xã hội, nhất là tiếng nói của người dân giúp các cơ quan lãnh đạo có áp lực để xử lý người đứng đầu tốt hơn, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu chấn chỉnh tổ chức tốt hơn nữa.
Thực hiện nghiêm lời của Bác: Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm bất kể chúng là ai. Quyền càng cao trách nhiệm càng lớn, lợi ích hưởng càng nhiều nghĩa vụ càng nặng. Bác còn phân biệt, đảng viên và người ngoài Đảng cùng mắc lỗi như nhau thì đảng viên phải xử lý nặng gấp 3 lần.  Ở đây, ta học Bác sự quyết liệt, thiết thực, sâu xa là vì dân. Bác nói trừng trị cái ác là để bảo vệ cái thiện mà cái thiện lớn nhất là nhân dân, cái ác là tham nhũng gây tổn hại nhân dân. Nếu làm đúng những chỉ dẫn của Bác thì mới nghiêm chỉnh, kỷ cương phép nước được giữ vững, trong Đảng mới mạnh được.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn chúng ta: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn. Và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Dân nhìn vào cán bộ, đảng viên, công chức, họ đánh giá Đảng và nhà nước của chúng ta. Chính vì vậy, mất niềm tin của nhân dân là mất mát lớn nhất. Có một thực tế là tăng trưởng kinh tế đã khó mà tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp bội. Có niềm tin thì mới có được sức mạnh vật chất, dân là tất cả, dân mất lòng tin coi như là mất tất cả.
Năm 2016 là năm toàn Đảng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thành công của việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và sự kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa phương, đơn vị có sai phạm./.
Kim Anh/VOV.VN

Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hòa bình cho Việt Nam

Vào tháng 12.1968, Tổng thống Lyndon Johnson (phải) tiếp Tổng thống đắc cử Richard Nixon tại Nhà Trắng /// The New York Times
Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng bị cáo buộc cố ý phá hoại nỗ lực hòa đàm của chính quyền Lyndon Johnson nhằm kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1968.
Nước Mỹ, trong bất cứ lúc nào, chỉ có “một tổng thống” là người nắm giữ quyền hạn thực thi chính sách đối ngoại nhân danh đất nước. Nguyên tắc này hiện trở thành tâm điểm chú ý trước tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Hai vị hiện có nhiều xung khắc trong lĩnh vực đối ngoại, từ vấn đề Trung Đông cho đến quan hệ với Nga. Nổi bật nhất trong số đó là nghi án Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, dẫn đến những hành động trả đũa của Washington. Vụ việc ầm ĩ này không khỏi gợi nhớ đến nghi án lịch sử cách đây gần 50 năm, khi một chính phủ nước ngoài bị cho là đã can thiệp để lèo lái kết quả bầu cử Mỹ, với sự thông đồng của một ứng cử viên tổng thống. Đó là cuộc bầu cử năm 1968, với ứng cử viên Richard M.Nixon.
Hòa bình trong danh dự
Suốt cuộc đời mình, ông Nixon luôn phủ nhận chuyện bí mật liên hệ với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu để lèo lái dư luận theo hướng có lợi cho mình trong cuộc bầu cử năm đó. Tuy nhiên hầu như tất cả những người liên quan đều khẳng định điều ngược lại. Trong cả hai cuốn The Palace File (tựa Việt:Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, NXB Trẻ, 1990; và Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, NXB Công an Nhân dân, 2003) và Khi đồng minh tháo chạy, tác giả Nguyễn Tiến Hưng, cựu phụ tá của ông Nguyễn Văn Thiệu, đều dành một chương để viết về câu chuyện “bầu cho Nixon”, với phần xác nhận của nhiều nhân chứng.
Đạo luật Logan
Những hành vi của Nixon và Chennault bị cho là vi phạm đạo luật Logan ban hành năm 1799, vốn cấm các công dân tham gia đàm phán với các chính phủ nước ngoài có tranh chấp với Mỹ. Trong thời gian tranh cử và cả sau khi đắc cử, ông Donald Trump cũng thường xuyên bị cáo buộc vi phạm đạo luật này.
Vào năm 1968, sau khi tuyên bố không tái cử và ủng hộ Phó tổng thống Hubert Humphrey đại diện tranh cử, Tổng thống Lyndon Johnson đã nỗ lực khởi động tiến trình hòa đàm nhằm tìm lối thoát “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam. Trong mùa thu, Nixon dẫn trước đối thủ Humphrey nhưng khoảng cách bị thu hẹp dần trong tháng 10. Nixon lo ngại rằng một bước đột phá hướng đến hòa bình có thể mang lại chiến thắng cho Humphrey, người chủ trương kết thúc sớm chiến tranh.
Theo sử gia John A.Farrell viết trên tờ The New York Times, Henry Kissinger, khi đó là một cố vấn của đảng Cộng hòa, đã báo động Nixon rằng nếu Johnson ngưng toàn bộ các chiến dịch ném bom miền Bắc thì Hà Nội nhiều khả năng sẽ tham gia đàm phán. Chính vì vậy, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa quyết định sử dụng đầu mối liên lạc của ông với chính quyền Sài Gòn nhằm gây sức ép lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để phá hoại nỗ lực hòa bình. Vụ “đi đêm” này đã khiến cuộc chiến Việt Nam kéo dài thêm nhiều năm, dẫn đến không biết bao nhiêu tổn thất về xương máu của các bên liên quan.
Kênh liên lạc bí mật
Nhân vật trung tâm trong vụ “đi đêm” của Nixon là một khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, bà Anna Chennault, người gây quỹ của đảng Cộng hòa. Bà Chennault (tên thời con gái là Trần Hương Mai) là quả phụ của tướng Claire Lee Chennault, chỉ huy phi đoàn Phi Hổ (Flying Tigers), nhóm tình nguyện của Mỹ chi viện cho không quân Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Vì thế, bà có nhiều mối quan hệ rộng khắp ở châu Á.
Theo tờ The New York Times, Nixon còn tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan. Các phụ tá của Nixon cũng liên hệ với một nhân vật vận động hành lang của Quốc dân đảng là doanh nhân Louis Kung (Khổng Lệnh Kiệt, con trai Tống Ái Linh và là cháu vợ của Tưởng Giới Thạch) để nhờ ông này khuyên nhủ Nguyễn Văn Thiệu.
“Ông Thiệu bị phe Dân chủ làm áp lực nặng. Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng thay đổi ý kiến”, bà Chennault được trích lời trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy. Trong năm 1968, bà Chennault thường xuyên liên hệ với Đại sứ VNCH tại Mỹ Bùi Diễm để truyền đạt các thông điệp từ Nixon. Theo BBC, trong một cuộc gặp gỡ ở căn hộ của Nixon tại New York vào tháng 7.1968, ông Bùi Diễm được thông báo rằng bà Chennault sẽ đại diện cho Nixon. Nếu có thông điệp nào cần được chuyển đến Nguyễn Văn Thiệu thì nó sẽ được chuyển thông qua bà Chennault.
Cuối tháng 10.1968, có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ chấp nhận tham gia vào các cuộc đàm phán ở Paris, mang lại cho Johnson cái cớ để ngưng ném bom và xúc tiến hòa đàm. Đây chính là điều Nixon lo sợ. Vì thế, Chennault được cử đến Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa với một thông điệp rõ ràng: chính quyền Sài Gòn hãy từ chối đàm phán và nếu Nixon đắc cử, họ sẽ có một thỏa thuận tốt hơn. Kết quả là ngay sau khi đưa ra tuyên bố ngưng ném bom vào ngày 31.10.1968, Johnson được báo cáo rằng chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán.
Động thái này xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử và được cho là đã giúp Nixon chiến thắng vào ngày 5.11. Trong hồi ký của mình, Johnson nhận xét: “Ngày 1.11.1968, sau khi cho hay là sẽ đi dự hòa đàm Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa lại quyết định không tham dự. Tôi tin chắc rằng sự việc đó đã làm cho ông Humphrey thất cử”.
Cũng trong ngày 1.11, Johnson nhận được báo cáo giải thích về câu chuyện rút lui của Nguyễn Văn Thiệu. Cục Điều tra Liên bang (FBI) trước đó đã nhận chỉ thị giám sát bà Chennault và nghe lén Đại sứ quán VNCH. Báo cáo của FBI cho biết Chennault đã “liên hệ với Đại sứ Nam Việt Bùi Diễm… và khuyên ông ta rằng bà đã nhận được một thông điệp từ sếp của mình… để đích thân chuyển đến ngài đại sứ. Bà ấy nói thông điệp là “Hãy gắng chờ. Chúng ta sắp thắng… Hãy nói sếp của ngài gắng chờ””.
Trong một cuộc trò chuyện sau đó với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Everett Dirksen, Johnson đã nguyền rủa Nixon: “Đây là tội phản quốc”. Các phụ tá của Johnson cũng hối thúc ông công khai “bàn tay vấy máu” của Nixon. Tuy nhiên trong một cuộc họp ngày 4.11, họ kết luận rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục về sự dính líu trực tiếp của Nixon. Ngày hôm sau, Nixon đắc cử để trở thành tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Còn bằng chứng về sự chỉ đạo trực tiếp của Nixon trong vụ bê bối còn tồi tệ hơn cả vụ Watergate này chỉ được hé lộ sau nhiều thập niên. (Còn tiếp)
Công Chính