Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

MUỐN CHỐNG “SUY THOÁI”, ĐẢNG PHẢI CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC VÀ TỰ DO BÁO CHÍ!

                                                                 -Nguyễn Đăng Quang -

           Trung tuần tháng 10/2016, Hội nghị Trung ương 4 ĐCSVN (Khóa XII) họp trong 6 ngày. Hội nghị tập trung bàn thảo chủ yếu về công tác xây dựng Đảng, mà đề tài nóng bỏng là sự SUY THOÁI đang diễn ra trong Đảng lúc này! Kết thúc Hội nghị, theo lệ thường, là sự ra đời một bản Nghị quyết quan trọng! Lần này bản Nghị quyết có tên khá dài là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; và một số vấn đề khác.” Ngay trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường!
        Trước hết, cần khẳng định, cũng như THAM NHŨNG, hiện tượng SUY THOÁI là khuyết tật của riêng Đảng, khởi nguồn ngay trong nội bộ Đảng chứ không phải là tác động khách quan từ bên ngoài dội vào hàng ngũ Đảng, càng không phải là của “các thế lực xấu, thù địch chống phá Đảng”! Trong vấn đề này, hoàn toàn không có thế lực nào chui được vào trong nội bộ Đảng để có thể bôi nhọ hoặc làm mất uy tín của Đảng! Thứ đến, xem chừng hiện tượng này đã đến điểm nút và rất nguy cấp, đến mức ông Nguyễn Phú Trọng phải lo lắng thốt lên “có thể gây ra những hậu quả khôn lường!” . Hậu quả khôn lường ở đây, theo thiển ý của người viết, có thể là Đảng đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” chăng?!
        Vậy đâu là nguyên nhân của sự SUY THOÁI này và giải pháp thoát khỏi nó là gì? Thực ra, tình trạng SUY THOÁI trong Đảng không phải là hiện tượng mới, nó đã có từ trên 20 năm nay! Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996), Đảng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này rồi! Và, cũng giống như THAM NHŨNG mà Đảng coi là căn bệnh ung thư cách đây đã trên 25 năm (từ Đại hội Đảng lần VII, 6/1991), nguy cơ SUY THOÁI cũng không dễ ngăn chặn và đẩy lùi được! Thực tế, các nguy cơ trên cứ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, nó hình như lại được “nuôi dưỡng” để trở nên lớn mạnh không ngừng! Vậy, đâu là căn nguyên gốc rễ đưa đến vấn nạn này, và đâu là giải pháp chủ yếu để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ mà TBT Trọng coi là “sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”?
       Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương (Khóa XI) đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân gốc rễ của nạn SUY THOÁI trong Đảng hiện nay. Trong số các nguyên nhân chính, ông Hoàng (ông Vũ Ngọc Hoàng chứ không phải là ông Vũ Huy Hoàng) nhấn mạnh việc thiếu vắng 2 cơ chế là Kiểm soát quyền lựcTự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin!  Nhưng ông Hoàng không đề xuất và kiến nghị được giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn SUY THOÁI này! Song ông Hoàng đã nói rất đúng, 2 cơ chế này đâu đã có, nó hoàn toàn thiếu vắng trong sinh hoạt Đảng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay!
        Trước hết, xin được bàn qua về cơ chế Kiểm soát quyền lực! Nói đến cơ chế này, phải nói đến Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng. Từ khi Đảng ra đời, tất cả Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng đều do Đảng bộ cấp đó chỉ định, không thông qua qua bầu cử! Ngay cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay cũng vậy, đều do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Cơ cấu nhân sự gồm những ai, quy chế hoạt động ra sao đều do TBT và BCT quyết định, chứ không do Đại hội Đảng bầu ra! Đây là một khiếm khuyết vô cùng nghiêm trọng! Được biết, từ năm 1980, trước và trong mỗi kỳ Đại hội toàn quốc, rất nhiều đảng viên, trong đó có người viết bài này, kiến nghị Đại hội Đảng phải trực tiếp bầu ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chứ không thể để Ban Chấp hành Trung ương chỉ định ra Ủy ban này! (Cũng như UBKT các cấp phải do Đại hội Đảng bộ và Chi bộ bầu, chứ không thể do Đảng ủy hay Chi ủy cử như hiện nay!) Nhưng tất cả các ý kiến này đều bị phớt lờ hoặc bịt đi, không được chấp nhận! Như mọi người đều rõ, quyền lực của Đảng trước nay chủ yếu tập trung vào các chức vụ chủ chốt như Tổng Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư! Nhưng Đảng lại không có cơ chế kiểm soát các vị này một khi họ có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng hoặc vi phạm Hiến pháp và Pháp luật Nhà nước, chẳng hạn như các hiện tượng “SUY THOÁI về chính trị biểu hiện qua các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc “SUY THOÁI về đạo đức, lối sống biểu hiện qua các hiện tượng như lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực, tham ô công quỹ, nhận hối lộ v.v...”  Chủ động tiến hành việc ngăn chặn, đẩy lùi hoặc xử lý những hiện tượng này là Ủy ban Kiểm tra Trung ương ư? Không đâu! Ủy ban này chỉ được làm những vụ việc do TBT hoặc BCT trực tiếp ra lệnh hoặc cho phép. Nếu tự tiện làm những vụ việc mà chưa được lệnh hoặc không có sự đồng ý của TBT hoặc BCT thì ngay lập tức sẽ bị “tốp” lại ngay, và ông Chủ nhiệm hay Phó Chủ nhiệm hoăc toàn bộ Ủy ban Kiểm tra sẽ bị bãi chức, bị giải thể lập tức! Nhưng nếu UBKTTƯ do Đại hội bầu thì lại khác, sẽ khác hoàn toàn với UBKTTƯ như hiện nay, vì Ủy ban này không phụ thuộc vào BCHTƯ, họ chịu trách nhiệm và chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng toàn quốc, chứ không phụ thuộc vào TBT hay BCT như hiện nay! Do vậy, họ có toàn quyền kiểm tra, giám sát những vụ việc, hoặc bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả TBT và các Ủy viên BCT, một khi Ủy ban này thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi hiến, lạm quyền như Dự án Bauxite Tây Nguyên, 2 vụ Vinashines, Vinalines, vụ cảng nước sâu Sơn Dương và Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), hoặc các vụ cấp phép cho Trung Quốc thuê 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới trong những năm đầu thập kỷ 2010’s! Tôi tin rằng, nếu có UBKTTƯ do Đại hội Đảng bầu ra, chắc chắn rất nhiều dự án, trong đó có các dự án nói trên, sẽ không hình thành, và do vậy lúc này Đảng đâu phải lo lắng đối phó với “Tình trạng SUY THOÁI có thể gây ra những hậu quả khôn lường” như ông Nguyễn Phú Trọng đang lo lắng và than thở!
      Còn về cơ chế “Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin”, nói gọn lại đó chính là tự do báo chí, tự do biểu đạt! Vâng, song song với cơ chế Kiểm soát quyền lực, nhất thiết phải có cơ chế tự do báo chí! Nhưng cơ chế này đã thiếu vắng ở đất nước ta tròn nửa thế kỷ qua! Nói “tự do báo chí” mà không cho phép báo chí tư nhân hoạt động thì không thể nói là có “tự do báo chí” được! Tự do báo chí nhất thiết phải chấp nhận báo chí tư nhân! Tổng Biên tập và Tòa soạn các báo phải tuân theo và chỉ tuân theo Luật Báo chí do Quốc hội ban hành, và chịu trách nhiệm trước độc giả và nhân dân, chứ không tuân theo chỉ thị (miệng hay văn bản) của bất cứ ai, tổ chức nào ngoài Luật Báo chí! Tình trạng như hiện nay, trên 800 tờ báo, bao gồm báo in, báo nói, báo hình và báo mạng mà chỉ có một “Tổng Biên tập” duy nhất, đó là Ban Tuyên giáo Trung ương! Tình trạng này không nên kéo dài, vì nó rất tai hại cho đất nước và xã hội! Quyền lực thứ tư (sau quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp) mà nằm gọn trong tay của một tổ chức, một đảng chính trị thì sao có thể gọi là “tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin” được?  Chính vì thế, Đảng nên chấp nhận tự do báo chí vì cơ chế này rất có lợi cho tiến bộ  xã hội nói chung và làm trong sạch nội bộ Đảng nói riêng, vì nó sẽ loại bỏ ngay “nạn SUY THOÁI, nạn THAM NHŨNG” từ trong trứng nước, chứ không để đến mức chúng trở thành bầy sâu, thậm chí cả tập đoàn sâu như hiện nay được! Tôi dám chắc, điều mà ông Trọng lo lắng “sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường” chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu Đảng chấp nhận và thực thi 2 cơ chế Kiểm soát quyền lựcTự do báo chí (tức tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin) mà ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ ra nhưng không dám đề xuất và kiến nghị Đảng áp dụng!  
       Trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều trang mạng xã hội trong và ngoài nước đã đăng tải 4 kỳ liên tiếp một bài viết rất đặc sắc có đầu đề là “Đảng Cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử.” của tác giả ký tên Lãng Anh. Trong bài viết rất sắc sảo này, tác giả Lãng Anh đã tổng hợp và phân tích sâu sắc những khuyết tật bẩm sinh dẫn đến sự thất bại tất yếu của các Đảng Cộng sản theo chủ thuyết Marxist-Leninist trên toàn thế giới! Hai trong các khuyết tật khiến các Đảng Cộng sản đồng loạt sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối những năm 1980’s, đầu những năm 1990’s có lẽ chính là sự thiếu vắng 2 nguyên lý mà ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu lên, đó là “Nhà nước không có cơ chế kiểm soát quyền lực và Xã hội không có tự do báo chí”!  Tôi tin rằng, nếu ĐCSVN chấp nhận và áp dụng cơ chế “Kiểm soát quyền lực” và cơ chế “Tự do tư tưởng, Tự do ngôn luận và Minh bạch thông tin” thì ĐCSVN hoàn toàn có thể yên tâm, tránh được nguy cơ SUY THOÁI “sẽ gây ra những hậu quả khôn lường” mà TBT Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư-Tiến sỹ hàng đầu chuyên về Xây dựng Đảng, đã lo lắng cảnh báo trong Hội nghị Trung ương 4 vừa qua!  

                                                   Hà Nội, ngày Kỷ niệm thành lập Đảng, 3/2/2017.

                                                                                      N.Đ.Q.                         

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Thủ tướng: Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam; Cần xóa tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của công chức; Thủ tướng: Sau Tết, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ( PTT không chấp hành lệnh TT ?)

(Chinhphu.vn) - Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam và yêu cầu nâng gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm dự án VinEco Hà Nam của Tập đoàn Vingroup.  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hôm nay, 2/2, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này. Tham dự lễ khởi động có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố phía Bắc và lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Cho rằng đây là một mô hình tốt về nông nghiệp mà các địa phương cần học tập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề "nền nông nghiệp hiện nay của Việt Nam như thế nào?”. Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác, do đó, hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.
Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi: Tinh thần kiến tạo của Chính phủ mới trong nông nghiệp là gì? Và cho biết đây cũng là câu hỏi, điều trăn trở mà “chúng tôi suy nghĩ trong đầu năm mới này”.
Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường gần 100 triệu dân của nước ta và hướng về xuất khẩu, nhất là rau, củ, quả, chăn nuôi.
Nêu tiếp câu hỏi “Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?”, Thủ tướng cho rằng, hôm nay đã có lời giải đáp thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng vừa ấn nút khởi động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam. Các đồng chí thấy nhà kính, nhà lưới đang mọc lên ở tỉnh Hà Nam này”, Thủ tướng nói.
Lời giải nữa là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Tại lễ khởi động, Thủ tướng khẳng định, sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…
Trên khu đất sản xuất với diện tích gần 130 ha, VinEco Hà Nam sẽ triển khai khoảng 15 sản phẩm chủ lực phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Các địa phương phải chú ý cái này để tạo điều kiện, chứ không phải làm giữa cánh đồng không mông quạnh, cô độc đâu. Cái chính là các địa phương phải quan tâm, chúng ta thấy đường vào như thế nào, điện như thế nào… thì mới có nông nghiệp công nghệ cao được”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương giảm thủ tục rườm rà.
Thủ tướng sẽ giúp tiếp thị nông sản
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có VinEco. Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng, các thương hiệu nông sản Việt Nam của các doanh nghiệp, HTX làm nông nghiệp công nghệ cao. “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”, Thủ tướng khẳng định và cho biết gần đây Nhật Bản đã đồng ý tiêu thụ thêm một nông sản của Việt Nam là quả thanh long ruột đỏ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách như trong tháng 3 này phải chỉnh sửa xong Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bày tỏ vui mừng khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam dịp đầu xuân mới, bắt đầu từ tỉnh Hà Nam, Thủ tướng mong muốn nhiều tỉnh khác sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này.
Theo Tập đoàn Vingroup, dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích dự án.
Khu nhà kính số 1 được Thủ tướng ấn nút khởi động có diện tích 8.300 m2, công suất trung bình khoảng 150 tấn/năm cho nhóm rau ăn lá. Nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và kiểm soát các thông số nước, không khí và sinh trưởng cây trồng theo công nghệ của Israel.

Trên khu cánh đồng mẫu lớn gần 130 ha, VinEco Hà Nam cũng sẽ triển khai sản xuất khoảng 15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20-30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong chuyến công tác tại Hà Nam, Thủ tướng đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed). Đây là cơ sở nông nghiệp công nghệ cao từng bị thiệt hại nặng nề do bão số 1 năm 2016, khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp đến thăm hỏi, chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
“Hồi bão số 1, tôi xuống đây thì nhà lưới sụp đổ hết. Bây giờ, các đồng chí làm sang nhà kính, áp dụng công nghệ Israel và giải pháp Việt Nam”, Thủ tướng nói và đánh giá cao hướng đi của cơ sở sản xuất này. Thủ tướng cho rằng, “tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao là mô hình tốt ở Việt Nam, cùng với mô hình HTX thời gian tới”.
Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đề nghị Công ty nghiên cứu sâu hơn những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Đức Tuân


"Tháng giêng là tháng ăn chơi" (Ảnh Minh họa theo kênh Phụ nữ).

Cần xóa tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của công chức

LĐO MINH ANH

Ông bà ta thường có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên sau tết hầu hết người dân vẫn còn tâm lý vui xuân, ăn chơi, chưa vội lấy lại tinh thần, năng suất để lao động, sản xuất. Cán bộ, công chức nhà nước cũng không “ngoại lệ” nên không tránh khỏi tình trạng nhiều công sở vắng hoe sau tết.
Có thể kể đến nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên: Số lượng cán bộ, công chức về quê ăn tết chưa kịp đến cơ quan làm việc; một số cán bộ, công chức còn bận đi du lịch, đi lễ hội, đi chùa để cầu may mắn… Đồng thời, đầu năm tư tưởng còn tết vẫn hiện hữu nên mặc dù là ngày làm việc nhưng có thể xảy ra tình trạng cán bộ, công chức lại đi muộn về sớm để làm việc riêng.
Với tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, đây là thói quen chưa dễ bỏ, nên không ít cán bộ, công chức tự cho mình được hưởng cái quyền sao nhãng công việc sau tết. Chính thói quen kéo dài ăn chơi sau tết đã kéo theo nhiều hệ lụy như lãng phí thời gian, trì hoãn, ách tắc, gây phiền hà trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; làm xấu hình ảnh của nền hành chính Nhà nước…          
Sau tết, không ít cơ quan công sở vẫn còn hương vị ngày tết nên có thể cán bộ, công chức sử dụng thời gian này để gặp gỡ đầu xuân, chúc tụng nhau, tranh thủ giờ làm việc thăm hỏi người thân, bạn bè…, không tránh khỏi tình trạng cán bộ, công chức chúc tết bằng rượu, bia tại công sở, vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, dẫn đến sa sút tinh thần lao động.            
Nhiều năm trước, dư luận đã phản ánh rất nhiều tình trạng các xe công dừng, đậu, đỗ trước cổng đền, chùa… để cán bộ, công chức và gia đình đi lễ, điều này cho thấy tình trạng mê tín dị đoan đang tồn tại và có chiều hướng tăng lên trong một bộ phận cán bộ, công chức.          
Đối với cơ quan công sở, đầu năm rất nhiều việc phải giải quyết vì một số việc trước tết làm không kịp phải chuyển ra sau tết, thế nhưng nhiều công sở vẫn chưa thể triển khai công việc một cách nghiêm túc, lý do cán bộ, công chức chưa có tinh thần khẩn trương trở lại làm việc, còn tư tưởng vui xuân. Thực trạng này là biểu hiện của việc thừa biên chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm ở một số công sở; thủ trưởng đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, nhắc nhở, xử lý, “ngại va chạm”.          
Bởi vậy, ngay trong những ngày làm việc đầu năm mới, thủ trưởng các cơ quan công sở cần phải quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức; sốc lại tinh thần làm việc; động viên cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm thời giờ làm việc; chỉ đạo giải quyết công việc phải đảm bảo chất lượng, thời hạn quy định, đặc biệt nghiêm cấm tình trạng sử dụng rượu, bia trong công sở trong giờ làm việc.
Có như vậy mới xóa bỏ tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của cán bộ, công chức đã và đang phần nào kìm hãm nhu cầu khẩn trương xử lý công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu cho nhu cầu của sự phát triển hiện nay.  

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính

LĐO XUÂN HÙNG - NGUYỄN TRƯỜNG

Ngày 2.2 (tức ngày mùng 6 tháng giêng), tại Chùa Bái Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, địa phương cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử, du khách thập phương đã tham dự Lễ khai hội Chùa Bái Đính Xuân Đinh Dậu 2017.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 1
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính năm 2017. Ảnh: N.T
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, những người con Phật ở khắp mọi nơi và du khách thập phương lại nô nức tụ hội về chùa Bái Đính để chiêm bái cảnh Phật, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đây là một lễ hội truyền thống, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Có mặt ở chùa từ 8h sáng, cụ ông Hoàng Đình Thức (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho hay, năm nào ông cùng con cháu cũng đi lễ chùa Bái Đính vào đúng ngày khai hội. “Chùa Bái Đính to đẹp, sạch sẽ và hầu như không còn tệ nạn như ăn xin, chèo kéo” – ông Thức chia sẻ.
Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ bao gồm các nghi thức như: Tụng kinh cầu quốc thái dân an, đánh trống, đánh chiêng khai hội, rước kiệu truyền thống... Phần hội có các hoạt động mang tính chất văn hoá tâm linh như: thả chim phóng sinh, giao lưu văn nghệ…
Phần chính lễ, sau tụng kinh cầu quốc thái dân an, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh hồi trống khai hội, mong đất nước thái bình, muôn dân no ấm. Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh chiêng mở đầu mùa trẩy hội chùa Bái Đính.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Thanh - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thỉnh chiêng khai hội. Ảnh: N.T
Năm nay, nhà chùa cũng đã bố trí lắp đặt hệ thống loa phát thanh ở trong khuôn viên chùa để hướng dẫn cho du khách đi đúng luồng tuyến, tuyên truyền về văn hóa đi lễ chùa để du khách được biết. Ngoài ra, nhà chùa cũng đã bố trí lực lượng tình nguyện viên tham ra hướng dẫn cho du khách và dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên chùa.
Để chủ động đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực chùa Bái Đính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhà chùa đã chủ động phối hợp với các sở ban ngành có liên quan, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo khách mua hàng, chụp ảnh, trông giữ xe trái phép. Đồng thời, điều tiết giao thông, lắp đặt các bảng thông báo nội quy của khu du lịch, giá cả từng loại dịch vụ để thuận lợi cho khách tham quan và nhân dân đến lễ Phật, du Xuân… Nhờ vậy, tình trạng bán hàng rong, ăn xin, cờ bạc, móc túi… trong khuôn viên chùa đã được xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 3
Phần lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính. Ảnh: Nguyễn Trường

Chỉ tính riêng trong 3 ngày Tết Đinh Dậu vừa qua, đã có hơn 12 vạn lượt khách đến tham quan, lễ phật tại Chùa Bái Đính. Đặc biệt, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 lượng khách đã tăng đột biến, mỗi ngày có khoảng 10 vạn lượt khách đến tham quan, lễ phật tại chùa. Dự kiến, số du khách viếng thăm trong hôm nay (6 tháng Giêng) sẽ tăng đột biến.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 4
Ngay từ sáng sớm đã có hàng ngàn phật tử  tập trung dự lễ. Ảnh: N.T
Chùa Bái Đính do doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. Quần thể chùa Bái Đính nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An rộng gần 2.000 ha do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư. Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính của công ty Xuân Trường là 70 năm.
Mỗi mùa lễ hội, DN tư nhân Xuân Trường thu được số tiền khá lớn từ dịch vụ gửi xe, xe điện và cho thuê các ki ốt bán hàng.  
Lễ hội Chùa Bái Đính Xuân Đinh Dậu 2017 được kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 5
Nhiều lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dự lễ. Ảnh: N.T


Thủ tướng: Sau Tết, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính

02-02-2017

(Dân trí) - Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, công điện của Thủ tướng nêu rõ tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội và không tổ chức liên hoan.



Đầu năm có nhiều hoạt động lễ hội nên việc dùng xe công, công chức trốn việc đi lễ vẫn xảy ra trong nhiều năm
Đầu năm có nhiều hoạt động lễ hội nên việc dùng xe công, công chức trốn việc đi lễ vẫn xảy ra trong nhiều năm
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ngay các công việc, trong đó đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.
"Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công", Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến một số nội dung về kinh tế, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm kế hoạch thời vụ ngay từ những ngày đầu Xuân. Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đề phòng ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian tới; phát huy truyền thống Tết trồng cây, triển khai tốt kế hoạch trồng rừng năm 2017.
Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp ngay sau kỳ nghỉ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp chỉ đạo vận hành hiệu quả các hồ chứa thủy điện, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm nguồn nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương chủ động nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu hụt lao động.
Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông, nhất là vận chuyển hành khách mùa lễ hội; không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến trọng điểm, các thành phố lớn; đẩy mạnh phòng chống cháy, nổ; xử lý nghiêm tình trạng cờ bạc, lô đề dưới mọi hình thức.
Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các Hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, vươn lên làm giàu cho mình và cho xã hội. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp biểu thị quyết tâm đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhân dân sáng tạo, khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bích Diệp

TIN KHỦNG ĐẦU XUÂN: NHÀ MÁY NƯỚC THẢI YÊN SỞ KIỂM TOÁN PHÁT HIỆN ĐỘI GIÁ 61 TRIỆU USD ? TÙ HAY RÚT KINH NGHIỆM? !

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Soi những chi phí “đội" giá hàng chục triệu đô la Mỹ





(Dân trí) - Tổng mức đầu tư được thẩm định phê duyệt còn thiếu chính xác về khối lượng, đơn giá và không phù hợp với quy định, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ gần 61 triệu đô la Mỹ.


Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại khu đô thị Gamuda City có vốn đầu tư lên tới 250 triệu đô la Mỹ.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại khu đô thị Gamuda City có vốn đầu tư lên tới 250 triệu đô la Mỹ.
Như tin Dân trí đã đưa, Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Nội dung các khoản mục được kiểm toán chi tiết chi phí đầu tư bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn xây dựng, chi phí khác và chi phí quyết toán giai đoạn 2 của dự án, chi phí giải phóng mặt bằng. Tất cả các khoản mục này khi kiểm toán đều có chênh lệch so với số liệu báo cáo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia).
Tổng số chi phí chênh lệch lên tới 147,8 triệu đô la Mỹ và hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng sau khi kiểm toán giảm tới 44,8 triệu đô la Mỹ. Nguyên nhân chi phí xây dựng theo báo cáo của chủ đầu tư cao hơn nhiều so với số liệu sau kiểm toán là do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu.
Ngoài ra, một số hạng mục không đủ điều kiện xác định hơn 6,3 triệu đô la Mỹ do không có khối lượng và đơn giá chi tiết, bản vẽ thiết kế không đủ điều kiện đo bóc khối lượng nên không đảm bảo cơ sở để kiểm toán xác nhận. Chi phí nhân công do đơn vị điều chỉnh đơn giá cũng chưa có cơ sở hơn 1,3 triệu USD, chi phí chung do hồ sơ quyết toán tính trên cơ sở dự toán nhưng chưa có căn cứ gần 9 triệu đô la Mỹ.
"Chi phí thiết bị cũng chênh lệch gần 33,7 triệu đô la Mỹ, trong đó sai khối lượng 3,65 triệu đô la Mỹ và sai tỷ lệ gần 3,8 triệu đô la Mỹ. Các chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn được báo cáo tăng lần lượt hơn 11,1 triệu đô la Mỹ và 9,1 triệu đô la Mỹ", báo cáo kiểm toán nêu.
Riêng khoản thuế VAT, phía chủ đầu tư lại khai thấp hơn so với số liệu kiểm toán hơn 4 triệu US. Chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu báo cáo của chủ đầu tư tăng hơn 20,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, nhà đầu tư Gamuda Berhad đã thực hiện các dự án cơ bản theo đúng quy định, lập quyết toán dự án và thuê đơn vị kiểm toán độc lập nhưng việc thực hiện báo cáo tiến độ chưa đảm bảo thời gian, việc lắp đặt thay đổi các thiết bị so với danh mục thiết bị đã được quy định của hợp đồng BT chưa được chấp thuận bằng văn bản. Việc thực hiện lập báo cáo còn chậm so với quy định.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, dự án được hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án (thi công 1/1/2009, quyết định phê duyệt 19/3/2010). Việc lập và trình duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư còn chậm so với quy định, thực tế tận tháng 10/2010, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam mới trình duyệt dự án.
Tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án. Cụ thể, tăng thêm 15% khối lượng công tác khá 18,4 triệu USD; lợi nhuận định mức tăng hơn 785 nghìn đô la Mỹ; sai khối lượng, đơn giá 12,7 triệu đô la Mỹ; giá thiết bị tăng 26,4 triệu đô la Mỹ… so với dự toán được duyệt, tổng mức đầu tư tăng 81,6 triệu đô la Mỹ.
Mặc dù thực hiện trước khi phê duyệt hơn 1 năm nhưng thực tế, việc hoàn thành và bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội bị chậm so với thời gian ký kết 17,5 tháng. Nguyên nhân chính là do thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục ngoài nhà máy chậm và do thay đổi, điều chỉnh thiết kế.
Phương Dung

Người Buôn Gió - Phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh (phần1)

Thanh bóc điếu xì  gà châm, hỏi tôi.

- Đi mệt không, cậu việc gì phải mất công thế. Xong rồi thì thôi chứ.

Tôi đặt đồ bên cạnh ghế nói.

- Em nói anh rồi, với anh là xong. Nhưng với em thì em không thể để ngừng câu chuyện mà không có kết thúc. Còn bao nhiêu câu hỏi của mọi người bạn đọc.

Thanh phất tay.

- Ừ thì anh chiều chú, chú hỏi gì anh trả lời tất.



Trước đó một quãng thời gian, tôi không gặp người của Thanh. Mới rồi người của Thanh nói anh ta đã ổn định, có giấy tờ hợp pháp và đã bắt đầu vào cuộc sống mới. Tôi đề nghị họ cho tôi được phỏng vấn Thanh một cách chính thức, không phải là những câu chuyện vụn vặt đã kể trong các phần Dê Tế Thần hay Đường Xa Vạn Dặm. Lúc đầu họ có vẻ thoái thác, nhưng tôi nói rằng họ không đồng ý cũng không sao. Vì chả có gì ràng buộc, nhưng nếu thế tôi sẽ mang tiếng với độc giả của mình để câu chuyện ở một màn sương khói ai hiểu ra sao thì hiểu.

 Ý tôi muốn nói, các anh chơi thế không đẹp. Xong của phần các anh, các anh đứng dậy đi. Để tôi ở lại chịu hoài nghi của dư luận.

Tất nhiên những người như họ hiểu tôi trách gì, lập tức họ đồng ý.

- Nếu Hiếu cần thiết phải thế, bọn tôi sẽ làm theo ý Hiếu. Chúng tôi nghĩ không cần, nhưng Hiếu cần thấy phải thế thì không có gì cả. Anh em có duyên mới chiến cùng, Hiếu đừng lo, chúng tôi sẽ bố trí sớm.

 Tôi lấy máy tính trên bàn , xin nước nóng pha trà mạn, trà tôi mang theo. Khó mà biết được nơi đến có thứ đồ uống mình thích hay không. Nên tôi đi đâu xa vẫn thường mang trà theo như vậy.

 Thanh đứng dậy, anh ta đi lấy một xấp hồ sơ trở lại bàn và ngồi ngay ngắn sẵn sàng trả lời.

Tôi vào việc ngay, vì không biết sẽ mất bao thời gian. Tôi cần quay về sớm, hoàn cảnh gia đình tôi hiện nay đang rất nhiều việc phải lo, tôi đi vắng vài ngày lúc này mà tâm trạng lo ngay ngáy việc gia đình.

 Phần câu hỏi đáp, tôi sẽ ghi nguyên dưới đây cho các bạn tiện theo dõi. Có lẽ do bị ảnh hưởng của nhiều bị công an hỏi cung, nên những câu hỏi của tôi khô khan không mang âm điệu dân dã bình thường.

Người Buôn Gió (NBG) phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh (TXT)

NBG: Xin ông giới thiệu ngắn gọn về bản thân?

TXT: Tôi là Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13 tháng Hai năm 1966, đã tốt nghiệp Đại học kiến trúc Hà Nội. Bố tôi là Trịnh Xuân Giới, sinh năm 1938, nguyên Phó ban dân vận trung ương đảng. Mẹ tôi là bác sỹ Đàm Thị Ngọc Kha, sinh năm 1942. Cả bố mẹ tôi đều đã nghỉ hưu. Tôi có vợ và bốn con.

 NBG: Báo chí nhà nước đặt nghi vấn về việc bằng cấp của ông, chẳng hạn như tờ Dân Việt ngày 28 tháng 9 năm 2016 đặt vấn đề này, ông có ý kiến gì.?

TXT: Tôi có bằng từ năm 2002 và đã đưa bằng tốt nghiệp đại học vào hồ sơ lý lịch cán bộ. Đến nay sau 14 năm,  báo chí khơi ra việc này,  thử hỏi trách nhiệm của báo chí và các cơ quan khác ở đâu trong 14 năm đó nếu như tôi bằng cấp của tôi có vấn đề. Phải để đến khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng săm soi tôi báo chí mới để ý, như thế nếu tôi có sai mà không có chỉ đạo của tổng bí thư đảng thì báo chí cũng làm ngơ sao?

NBG:Tại sao đến năm 2002 ông mới có bằng, lúc đó ông đã 36 tuổi?

TXT: Năm 1990 tôi đã bảo vệ tốt nghiệp , khoá 85D ( lớp trưởng lúc đó là Bảo hiện đang làm ở dầu khí, lớp phó Thiện hiện đang làm phó ban dự án xây dựng của Tổng cục thuế, bí thư đoàn tên Hào cũng làm ở dầu khí ). Sau đó tôi có cơ hội đi sang Đức làm việc, tôi không kịp ở lại nhận bằng.  Ở hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh tôi lúc đó thì chẳng ai nghĩ chuyện nhận bằng để mà bỏ lỡ cơ hội đi nước ngoài làm cả. Nhiều năm sau tôi thấy cần đến bằng mới vào trường xin cấp lại, đó là năm 2002.


NBG: Ông cho biết đã trải qua chức vụ nào ở Tổng công ty xây lắp Dầu Khí ( PVC ) ?

TXT: Tháng 8 năm 2007 tôi đang làm Tổng giám đốc Công ty xây dựng Sông Hồng thuộc Bộ Xây Dựng thì có văn bản của Tập đoàn Dầu Khí do chủ tịch Tập đoàn là Đinh La Thăng ký xin tôi về làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây lắp và thiết kế dầu khí  ( PVECC ) và được sự đồng ý của Bộ Xây Dựng.

NBG: Khi ông đến PVECC thì tình hình ở đó thế nào?

TXT: Khi đó vốn điều lệ của Công ty là 150 tỷ, nhưng thực tế đã  mất vốn và đang trên dự định giải tán. Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí đã chỉ đạo tôi lập phương án thành lập Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khi Việt Nam ( PVC ) trên cơ sở 6 xí nghiệp của công ty PVECC thành 6 công ty  TNHH một thành viên vốn nhà nước. Đó là các công ty : công ty TNHH xây dựng công nghiệp và dân dụng, công ty TNHH kết cấu kim loại, công ty TNHH xây lắp đường ống và bồn bể, công ty TNHH xây lắp dầu khí miền Trung, công ty TNHH xây lắp dầu khí miền Nam, công ty TNNH xây lắp dầu khí Hà Hội.  Tôi trở thành tổng giám đốc PVC, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, vào ngày 21 tháng 11 năm 2007.

NBG: Ông đã trải qua những chức vụ nào trong công ty PVC ?

TXT: Như đã nói, từ 11.2007 đến 02.2009 tôi làm Tổng giám đốc PVC. Sau đó, từ 02.2009 đến 08.2013 tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

NBG: Vậy tình hình của PVC khi thành lập thế nào?

TXT: PVC được thành lập dựa trên khung chuyển đổi của các xí nghiệp, lúc đầu không có vốn vì bản thân PVECC không còn vốn. Tình trạng kinh doanh bê bết vì thừa kế lại từ PVECC. Đến năm 2008 thì tăng vốn hoá lên 1500 tỷ.

NBG:  Tại sao có 1500 tỷ này ?

TXT: Tại vì PVC là công ty cổ phần nên cần định giá vốn. Do vậy, những tài sản của PVC như máy móc, nhà cửa, thiết bị, trụ sở ... đã được định giá và kết quả là con số 1500 tỷ.

NBG: Định giá này được dựa trên cơ sở nào ?

TXT: Trên cơ sở chúng tôi định giá đưa lên Bộ Tài Chính và  kiểm toán nhà nước .

NBG: Việc định giá những cơ sở, thiết bị của PVC có theo giá thực tế thị trường không?

TXT:  Không! Có những thứ giá thị trường cao chúng tôi đánh giá theo giá thị trường. Những thứ giá thị trường không cao tại thời điểm đó, chúng tôi đánh giá bằng giá lúc mua vào. Ví dụ như những máy móc đã qua sử dụng nhiều năm , nhưng vẫn được đánh giá theo hợp đồng lúc mua mới. Còn về đất đai lúc đó đang cao giá, chúng tôi đánh giá theo thị trường. 

NBG: Tại sao PVC lại không đánh giá vốn của mình thực tế theo đúng giá trị thị trường?

TXT: Thứ nhất vì ảnh hưởng của thành tích, thứ hai là để chuẩn bị cho việc đưa PVC lên sàn chứng khoán. Việc định giá vốn cao hơn thực tế như vậy sẽ có lợi cho nhà nước khi thực hiện vốn hoá trên thị trường chứng khoán.

NBG: Ông có thể cho biết giá trị thực sự của PVC lúc đó khoảng là bao nhiêu.?

TXT: Giá trị thực sự khoảng 807 tỷ.

NBG: Tại sao các cấp chủ quản và có trách nhiệm lại dễ dàng đồng ý với con số 1500 tỷ, trong khi thực tế không đến như vậy. Không lẽ họ yếu kém tới mức không biết giá trị thực là  807 tỷ?

TXT: Giá trị thương hiệu của tổng công ty được lý giải cho số vốn còn lại.

NBG: Một tổng công ty đã mất sạch vốn, được tái cơ cấu lại trên nền tảng đổ nát ấy thành một cái tên mới. Vậy thì giá trị thương hiệu của nó nằm ở đâu?

TXT: Nằm ở cái tên mới, như một tổng công ty mới ra đời đầy sức sống. Trong thời điểm sốt chứng khoán những năm đó thì nhiều nơi cũng đều định giá thương hiệu như vậy. Lúc này PVC đã thành công ty cổ phần, để cho đúng nghĩa nên đã cho một số tư nhân chủ nợ của các công ty con trước đó nắm 13%.

NBG: Trong quãng thời gian ông làm ở PVC, tổng số những lần tăng vốn là bao nhiêu?

TXT: Năm 2010 tăng vốn lên 2500 tỷ.

NBG:  So với số vốn được coi là 1500 tỷ vào năm 2008 thì con số 2500 tỷ này cao hơn 1000 tỷ. Số vốn vượt này do đâu mà có ?

TXT: Từ các công ty mà Tập đoàn Dầu Khí góp vốn,  gồm công ty PETROLAND, PVPOWER, PVFCLAND, IDCO Long Sơn và khách sạn Thái Bình Dầu Khí , toà nhà Dầu khí ở Bạc Liêu.

NBG: 
Tại sao lại có việc tăng vốn như vậy?

TXT: Đó là do quyết định của Tập đoàn dầu khí tái cơ cấu ngành dầu khí theo quyết định của Bộ Chính Trị và  Thủ tướng chính phủ.

 NBG:  Vậy trị giá 1000 tỷ của các công ty này được xác định ra sao?

TXT :Tính trên vốn Tập đoàn Dầu Khí góp vào các công ty cổ phần này. Trên thực tế, các công ty cổ phần này đã mất hết vốn chung của các cổ đông, cộng với tiền còn nợ ngân hàng thì các công ty này lúc đó đang cõng nợ âm. 

 -------------------

 Chúng tôi dừng lại nghỉ và ăn cơm, người lái xe đón tôi trong lúc chúng tôi làm việc đã nấu cơm và vài món ăn. Không ai uống  rượu cả, chúng tôi ăn xong sẽ vào việc tiếp. 

Người Buôn Gió

(Blog Người Buôn Gió)

Nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga dùng 2 hãng phim quốc doanh để lừa đảo

Nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga: Từng làm phim “Khôn ngoan không lại với trời”
06:26 ngày 02 tháng 02 năm 2017

TP - Dù dự án chưa được phê duyệt nhưng nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đồng phạm đã lừa dối khách hàng để huy động vốn trái phép. Trong số hàng trăm tỷ đồng chiếm đoạt được, bà Nga sử dụng cho nhiều mục đích, gồm cả sản xuất phim.

“Khôn ngoan không lại với trời”
Đây là một trong số các bộ phim được nguyên ĐBQH đầu tư sản xuất bằng tiền chiếm đoạt được qua việc huy động vốn trái phép. Tổng cộng, bà Nga đã thu về số tiền hơn 348 tỷ đồng và chi cho nhiều mục đích khác nhau. Trong số đó, có 8,2 tỷ đồng hợp tác với hãng phim truyện VN sản xuất phim “Trái tim kiêu hãnh”; 430 triệu đồng hợp tác với hãng phim Hội điện ảnh VN làm phim “Ảo vọng”; 260 triệu đồng cho Cty TNHH hãng phim Thời đại sản xuất clip hài “Khôn ngoan không lại với trời”. Ngoài ra, bà Nga còn chi tiền để thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng môi giới; chi hơn 3,2 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện và các dự án khác...