Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Thủ tướng: Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam; Cần xóa tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của công chức; Thủ tướng: Sau Tết, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ( PTT không chấp hành lệnh TT ?)

(Chinhphu.vn) - Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam và yêu cầu nâng gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm dự án VinEco Hà Nam của Tập đoàn Vingroup.  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hôm nay, 2/2, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này. Tham dự lễ khởi động có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố phía Bắc và lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Cho rằng đây là một mô hình tốt về nông nghiệp mà các địa phương cần học tập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề "nền nông nghiệp hiện nay của Việt Nam như thế nào?”. Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác, do đó, hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.
Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi: Tinh thần kiến tạo của Chính phủ mới trong nông nghiệp là gì? Và cho biết đây cũng là câu hỏi, điều trăn trở mà “chúng tôi suy nghĩ trong đầu năm mới này”.
Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường gần 100 triệu dân của nước ta và hướng về xuất khẩu, nhất là rau, củ, quả, chăn nuôi.
Nêu tiếp câu hỏi “Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?”, Thủ tướng cho rằng, hôm nay đã có lời giải đáp thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng vừa ấn nút khởi động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam. Các đồng chí thấy nhà kính, nhà lưới đang mọc lên ở tỉnh Hà Nam này”, Thủ tướng nói.
Lời giải nữa là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Tại lễ khởi động, Thủ tướng khẳng định, sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…
Trên khu đất sản xuất với diện tích gần 130 ha, VinEco Hà Nam sẽ triển khai khoảng 15 sản phẩm chủ lực phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Các địa phương phải chú ý cái này để tạo điều kiện, chứ không phải làm giữa cánh đồng không mông quạnh, cô độc đâu. Cái chính là các địa phương phải quan tâm, chúng ta thấy đường vào như thế nào, điện như thế nào… thì mới có nông nghiệp công nghệ cao được”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương giảm thủ tục rườm rà.
Thủ tướng sẽ giúp tiếp thị nông sản
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có VinEco. Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng, các thương hiệu nông sản Việt Nam của các doanh nghiệp, HTX làm nông nghiệp công nghệ cao. “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”, Thủ tướng khẳng định và cho biết gần đây Nhật Bản đã đồng ý tiêu thụ thêm một nông sản của Việt Nam là quả thanh long ruột đỏ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách như trong tháng 3 này phải chỉnh sửa xong Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bày tỏ vui mừng khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam dịp đầu xuân mới, bắt đầu từ tỉnh Hà Nam, Thủ tướng mong muốn nhiều tỉnh khác sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này.
Theo Tập đoàn Vingroup, dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích dự án.
Khu nhà kính số 1 được Thủ tướng ấn nút khởi động có diện tích 8.300 m2, công suất trung bình khoảng 150 tấn/năm cho nhóm rau ăn lá. Nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và kiểm soát các thông số nước, không khí và sinh trưởng cây trồng theo công nghệ của Israel.

Trên khu cánh đồng mẫu lớn gần 130 ha, VinEco Hà Nam cũng sẽ triển khai sản xuất khoảng 15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20-30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong chuyến công tác tại Hà Nam, Thủ tướng đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed). Đây là cơ sở nông nghiệp công nghệ cao từng bị thiệt hại nặng nề do bão số 1 năm 2016, khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp đến thăm hỏi, chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
“Hồi bão số 1, tôi xuống đây thì nhà lưới sụp đổ hết. Bây giờ, các đồng chí làm sang nhà kính, áp dụng công nghệ Israel và giải pháp Việt Nam”, Thủ tướng nói và đánh giá cao hướng đi của cơ sở sản xuất này. Thủ tướng cho rằng, “tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao là mô hình tốt ở Việt Nam, cùng với mô hình HTX thời gian tới”.
Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đề nghị Công ty nghiên cứu sâu hơn những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Đức Tuân


"Tháng giêng là tháng ăn chơi" (Ảnh Minh họa theo kênh Phụ nữ).

Cần xóa tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của công chức

LĐO MINH ANH

Ông bà ta thường có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên sau tết hầu hết người dân vẫn còn tâm lý vui xuân, ăn chơi, chưa vội lấy lại tinh thần, năng suất để lao động, sản xuất. Cán bộ, công chức nhà nước cũng không “ngoại lệ” nên không tránh khỏi tình trạng nhiều công sở vắng hoe sau tết.
Có thể kể đến nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên: Số lượng cán bộ, công chức về quê ăn tết chưa kịp đến cơ quan làm việc; một số cán bộ, công chức còn bận đi du lịch, đi lễ hội, đi chùa để cầu may mắn… Đồng thời, đầu năm tư tưởng còn tết vẫn hiện hữu nên mặc dù là ngày làm việc nhưng có thể xảy ra tình trạng cán bộ, công chức lại đi muộn về sớm để làm việc riêng.
Với tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, đây là thói quen chưa dễ bỏ, nên không ít cán bộ, công chức tự cho mình được hưởng cái quyền sao nhãng công việc sau tết. Chính thói quen kéo dài ăn chơi sau tết đã kéo theo nhiều hệ lụy như lãng phí thời gian, trì hoãn, ách tắc, gây phiền hà trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; làm xấu hình ảnh của nền hành chính Nhà nước…          
Sau tết, không ít cơ quan công sở vẫn còn hương vị ngày tết nên có thể cán bộ, công chức sử dụng thời gian này để gặp gỡ đầu xuân, chúc tụng nhau, tranh thủ giờ làm việc thăm hỏi người thân, bạn bè…, không tránh khỏi tình trạng cán bộ, công chức chúc tết bằng rượu, bia tại công sở, vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, dẫn đến sa sút tinh thần lao động.            
Nhiều năm trước, dư luận đã phản ánh rất nhiều tình trạng các xe công dừng, đậu, đỗ trước cổng đền, chùa… để cán bộ, công chức và gia đình đi lễ, điều này cho thấy tình trạng mê tín dị đoan đang tồn tại và có chiều hướng tăng lên trong một bộ phận cán bộ, công chức.          
Đối với cơ quan công sở, đầu năm rất nhiều việc phải giải quyết vì một số việc trước tết làm không kịp phải chuyển ra sau tết, thế nhưng nhiều công sở vẫn chưa thể triển khai công việc một cách nghiêm túc, lý do cán bộ, công chức chưa có tinh thần khẩn trương trở lại làm việc, còn tư tưởng vui xuân. Thực trạng này là biểu hiện của việc thừa biên chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm ở một số công sở; thủ trưởng đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, nhắc nhở, xử lý, “ngại va chạm”.          
Bởi vậy, ngay trong những ngày làm việc đầu năm mới, thủ trưởng các cơ quan công sở cần phải quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức; sốc lại tinh thần làm việc; động viên cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm thời giờ làm việc; chỉ đạo giải quyết công việc phải đảm bảo chất lượng, thời hạn quy định, đặc biệt nghiêm cấm tình trạng sử dụng rượu, bia trong công sở trong giờ làm việc.
Có như vậy mới xóa bỏ tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của cán bộ, công chức đã và đang phần nào kìm hãm nhu cầu khẩn trương xử lý công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu cho nhu cầu của sự phát triển hiện nay.  

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính

LĐO XUÂN HÙNG - NGUYỄN TRƯỜNG

Ngày 2.2 (tức ngày mùng 6 tháng giêng), tại Chùa Bái Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, địa phương cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử, du khách thập phương đã tham dự Lễ khai hội Chùa Bái Đính Xuân Đinh Dậu 2017.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 1
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính năm 2017. Ảnh: N.T
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, những người con Phật ở khắp mọi nơi và du khách thập phương lại nô nức tụ hội về chùa Bái Đính để chiêm bái cảnh Phật, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đây là một lễ hội truyền thống, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Có mặt ở chùa từ 8h sáng, cụ ông Hoàng Đình Thức (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho hay, năm nào ông cùng con cháu cũng đi lễ chùa Bái Đính vào đúng ngày khai hội. “Chùa Bái Đính to đẹp, sạch sẽ và hầu như không còn tệ nạn như ăn xin, chèo kéo” – ông Thức chia sẻ.
Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ bao gồm các nghi thức như: Tụng kinh cầu quốc thái dân an, đánh trống, đánh chiêng khai hội, rước kiệu truyền thống... Phần hội có các hoạt động mang tính chất văn hoá tâm linh như: thả chim phóng sinh, giao lưu văn nghệ…
Phần chính lễ, sau tụng kinh cầu quốc thái dân an, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh hồi trống khai hội, mong đất nước thái bình, muôn dân no ấm. Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh chiêng mở đầu mùa trẩy hội chùa Bái Đính.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Thanh - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thỉnh chiêng khai hội. Ảnh: N.T
Năm nay, nhà chùa cũng đã bố trí lắp đặt hệ thống loa phát thanh ở trong khuôn viên chùa để hướng dẫn cho du khách đi đúng luồng tuyến, tuyên truyền về văn hóa đi lễ chùa để du khách được biết. Ngoài ra, nhà chùa cũng đã bố trí lực lượng tình nguyện viên tham ra hướng dẫn cho du khách và dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên chùa.
Để chủ động đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực chùa Bái Đính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhà chùa đã chủ động phối hợp với các sở ban ngành có liên quan, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo khách mua hàng, chụp ảnh, trông giữ xe trái phép. Đồng thời, điều tiết giao thông, lắp đặt các bảng thông báo nội quy của khu du lịch, giá cả từng loại dịch vụ để thuận lợi cho khách tham quan và nhân dân đến lễ Phật, du Xuân… Nhờ vậy, tình trạng bán hàng rong, ăn xin, cờ bạc, móc túi… trong khuôn viên chùa đã được xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 3
Phần lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính. Ảnh: Nguyễn Trường

Chỉ tính riêng trong 3 ngày Tết Đinh Dậu vừa qua, đã có hơn 12 vạn lượt khách đến tham quan, lễ phật tại Chùa Bái Đính. Đặc biệt, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 lượng khách đã tăng đột biến, mỗi ngày có khoảng 10 vạn lượt khách đến tham quan, lễ phật tại chùa. Dự kiến, số du khách viếng thăm trong hôm nay (6 tháng Giêng) sẽ tăng đột biến.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 4
Ngay từ sáng sớm đã có hàng ngàn phật tử  tập trung dự lễ. Ảnh: N.T
Chùa Bái Đính do doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. Quần thể chùa Bái Đính nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An rộng gần 2.000 ha do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư. Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính của công ty Xuân Trường là 70 năm.
Mỗi mùa lễ hội, DN tư nhân Xuân Trường thu được số tiền khá lớn từ dịch vụ gửi xe, xe điện và cho thuê các ki ốt bán hàng.  
Lễ hội Chùa Bái Đính Xuân Đinh Dậu 2017 được kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính ảnh 5
Nhiều lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dự lễ. Ảnh: N.T


Thủ tướng: Sau Tết, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính

02-02-2017

(Dân trí) - Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, công điện của Thủ tướng nêu rõ tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội và không tổ chức liên hoan.



Đầu năm có nhiều hoạt động lễ hội nên việc dùng xe công, công chức trốn việc đi lễ vẫn xảy ra trong nhiều năm
Đầu năm có nhiều hoạt động lễ hội nên việc dùng xe công, công chức trốn việc đi lễ vẫn xảy ra trong nhiều năm
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ngay các công việc, trong đó đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.
"Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công", Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến một số nội dung về kinh tế, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm kế hoạch thời vụ ngay từ những ngày đầu Xuân. Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đề phòng ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian tới; phát huy truyền thống Tết trồng cây, triển khai tốt kế hoạch trồng rừng năm 2017.
Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp ngay sau kỳ nghỉ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp chỉ đạo vận hành hiệu quả các hồ chứa thủy điện, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm nguồn nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương chủ động nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu hụt lao động.
Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông, nhất là vận chuyển hành khách mùa lễ hội; không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến trọng điểm, các thành phố lớn; đẩy mạnh phòng chống cháy, nổ; xử lý nghiêm tình trạng cờ bạc, lô đề dưới mọi hình thức.
Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các Hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, vươn lên làm giàu cho mình và cho xã hội. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp biểu thị quyết tâm đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhân dân sáng tạo, khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bích Diệp

Không có nhận xét nào: