Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của ông Cự 'nếu không còn uy tín'; Tổng Bí thư: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người

TPO - “Cần đợi kết luận cụ thể đối với ông Võ Kim Cự để xem mức độ thế nào. Căn cứ vào đó, Ban Công tác đại biểu mới xem xét, đề xuất”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi nói về quy trình kỷ luật đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự.
Ông Võ Kim CựÔng Võ Kim Cự
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là ông Cự có bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV hay không?
Trao đổi với phóng viên về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Hiện đang trong giai đoạn làm quy trình kỷ luật ông Võ Kim Cự nên "chưa biết hình thức kỷ luật cụ thể ra sao".
“Cần đợi kết luận cụ thể để xem mức độ thế nào. Căn cứ vào đó, Ban Công tác đại biểu mới xem xét, đề xuất”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong trường hợp “uy tín không còn, cử tri không tín nhiệm, vi phạm pháp luật”, thì phải xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự.
Cùng ngày khi trao đổi với phóng viên, một đại biểu Quốc hội khoá XIV cho rằng, ông Võ Kim Cự đã mất uy tín, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Vì thế việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự là việc làm cần thiết.
Ông Võ Kim Cự, sinh năm 1957, ứng cử và trúng cử tại tỉnh Hà Tĩnh, nơi ông từng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và cũng là nơi ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Trong chương trình hành động khi ra ứng cử, ông Cự khẳng định, nếu được cử tri tin tưởng, ông sẽ gần dân, dành nhiều thời gian tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đưa tiếng nói của nhân dân đến diễn đàn Quốc hội. Ông cũng đặc biệt coi trọng những vấn đề cử tri quan tâm như phòng chống tham nhũng, giải quyết các chính sách liên quan đến người có công, vấn đề tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỳ họp thứ 11 và đã xem xét, kết luận những vi phạm của những người có liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Kết luận nêu rõ: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh
Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010) và trách nhiệm của đồng chí Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016); các đồng chí Lê Đình Sơn, đồng chí Đặng Quốc Khánh, đồng chí Dương Tất Thắng và đồng chí Nguyễn Nhật trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh có phần trách nhiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh các nhiệm kỳ trong thời gian từ 2005 -2016 đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án Formosa Hà Tĩnh.
"Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật", Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và các đồng chí Lê Đình Sơn, đồng chí Đặng Quốc Khánh, đồng chí Dương Tất Thắng, đồng chí Nguyễn Nhật tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét kỷ luật đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền theo kết luận của UBKT T.Ư.

Tổng Bí thư: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người

TPO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật.
Sáng 24/2, đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Trung ương đã diễn ra khá sôi động, có nhiều việc làm và làm được nhiều việc, có kết quả rõ rệt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, tạo ra một làn gió mới, niềm tin mới.
Theo Tổng Bí thư, cái mới của thời gian gần đây là chủ động tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm khá nhiều, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra vi phạm; làm vụ nào ra vụ ấy, làm bài bản, khoa học, làm đến nơi, đến chốn.
Đồng thời làm kỷ luật đảng trước không chờ kết luận của các cơ quan nhà nước, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận... Sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhịp nhàng, chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả, cho chúng ta thêm những bài học quý.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa mạnh mẽ. Uỷ ban kiểm tra cùng cấp cũng chưa mạnh dạn, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ về công tác kiểm tra, nhất là việc kiểm tra những vụ việc sai phạm cụ thể. Mảng giám sát chưa rõ nét lắm.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra thực tế là còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, toà án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống,…
Từ đó Tổng Bí thư yêu cầu, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính.
Theo Tổng Bí thư, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích "trị bệnh cứu người".
Đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xem toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại đây

Không có nhận xét nào: