Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Hạt Giống Yêu Thương (134) Kỷ niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt – Trung

By
Lê Tâm
Published on
Friday, February 17, 2017 - 12:32
File size
7.1 MB
Duration
15 min 35 sec

0
Nhà văn Phạm Viết Đào đã tìm hiểu nhiều tư liệu và nhân chứng nhằm minh bạch các cuộc chiến tại biên giới từ năm 1975 đến 1988.
Ông cho SBS Việt ngữ biết cũng có thể vì sự tìm tòi và đi sâu vào những chi tiết trong kế hoạch các cuộc chiến tại biên giới, mà ông đã bị án tù 15 tháng.
"Chính xác thì không rõ vì án thì tất nhiên là họ có bản án, trong bản án họ không nói về cái đó, nhưng tôi cảm thấy cái thời gian mà tôi đeo đuổi, cái chủ đề Vị Xuyên ấy mà, thì nó cũng chạm đến một số người, một số thế lực, mà ở trong đó tôi có vạch ra một số sai lầm, mà một trong những sai lầm là phía quân đội Việt Nam đã có những kẻ cộng tác với Trung Quốc, tiết lộ thông tin cho Trung Quốc nên mình bị thua, bị Trung Quốc phát hiện trước, cho nên mình thất bại. Thì trong nhiều bài điều tra tôi chứng minh chuyện đó hiện nay trên mạng vẫn còn. Về những trận pháo binh mà mình bắn nhầm rồi họ biết trước cái hướng của mình và họ bắn, nhân chứng vẫn còn và họ đã kể với tôi. Thì cũng nhiều người, chắc là vì tôi chạm đến những cái việc ấy, cho nên họ tìm cách bịt lại, chứ trong bản án thì họ không nói. Họ nói chuyện khác, cái lỗi lãng xẹt. Nhưng mà cuộc điều tra của tôi thời kỳ mà người ta chưa cho ai nói thì tôi vẫn cứ đào bới, vẫn cứ gặp các sĩ quan tôi đưa lên rồi tôi làm kiến nghị, đề nghị nên cũng chắc làm họ khó chịu. Cũng nhiều người đoán chắc là vì tôi quá xông xáo với lĩnh vực ấy thì người ta phải tìm cách hạn chế bớt".
Nhà văn Phạm Viết Đào có một người em trai hy sinh trong trận đánh ngày 12/7/1984 ở mặt trận Vị Xuyên. Từ năm 1985 nhà văn đã có mặt ở chiến địa này, đã tìm tòi và khơi lên câu chuyện, để trả lại sự thật cho vong linh của những người đã ngã xuống, hiện vẫn còn nằm phiêu bạt nơi biên giới phía Bắc chưa được trở về quê hương.    
Vậy ngày giỗ em của chú là ngày nào?    
“Ngày 12/7, trở thành ngày giỗ trận lớn. Ngày 12/7/1984, trận đánh cao điểm 772 và 1509, mà Trung Quốc họ cũng nói trận ấy là lớn. Mình huy động bốn trung đoàn, bốn sư đoàn mạnh nhất đánh. Cái trận ấy còn có những tình tiết tức là, có những cựu chiến binh kể với tôi là khi mà họ cách chiến hào của Trung Quốc khoảng 100 mét, theo sơ đồ tập là phải dừng lại, và chờ cho pháo mình bắn dọn đường, thế nhưng cái loạt pháo đầu, pháo của mình bắn ngay đúng đội hình của mình. Rất là bí hiểm. Còn gần như pháo Trung Quốc khai hỏa trước khi pháo mình bắn. Cho nên pháo là nó tập trung nó bắn. Quân mình nhảy vào chiến hào thì chẳng thấy lính Trung Quốc đâu. Tức là nó đã rút trước rồi. Để cho mình vào thì pháo bắt đầu nó quay lại nó dập và gần như là trận đó mình bị thua đau. Thì tất cả những cái đó tôi có đi điều tra, chứng minh và đưa lên mạng. Thì cái đó rồi chắc là nó có động chạm đến nhiều người, và những người có những vị trí trong bộ phận này, cho nên họ cũng cảm thấy mình đang bới áo của họ ra chăng? Bây giờ thì người ta công khai nhiều chuyện rồi nhưng mà không phải là người ta mở hết. “
Thưa chú đó có phải là trận đánh khiến cột mốc của Việt Nam bị rơi vào tay Trung Quốc không?
“Cột mốc biên giới Việt Nam thì nhiều chỗ bị lùi. Cái trận mà cái cao điểm lớn nhất bị mất là mất trước đó. Mất từ ngày 28/4/1984. Rồi sau đấy họ tiếp tục chiếm điểm cao 1509 ấy, rồi họ lấn sâu hơn vào đất mình. Rồi sau đấy mình mới tổ chức phản công trở lại, 12/7 là mình phản công trở lại. Nhưng mình phản công rồi không lấy lại được, mình thất bại. Sau đấy thì mới dùng chiến thuật đánh lấn, đánh lấn dần thì mới lấy lại lên được, và hiện nay thì Trung Quốc họ vẫn chiếm 1509. Còn họ trả lại 100, rồi 772, 685 là họ rút họ không ở nữa. Còn cột mốc thì bây giờ họ lấn của mình cái điểm (1509) mà trước là của mình, và họ xây căn cứ ở đấy.”
Trong cuốn sách Bên Thắng Cuộc, tác giả Huy Đức có nói ngày kết thúc chiến tranh Biên giới năm 1979 là ngày 6/3/1979, lúc đó Trung Quốc tuyên bố chiến thắng và rút quân. Sau đó Trung Quốc tiếp tục đánh những trận nào nữa?
“Năm 1979 là họ dừng ở mạn bên này thôi, mạn phía Đông, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh thôi. Nhưng từ năm 1980 là bắt đầu đánh nhau những trận đánh nơi họ vẫn chiếm mình ở vùng Hà Giang, Vị Xuyên. Những năm 1980, 1981 thì chỉ đánh nhau ở cấp tiểu đoàn thôi, quân mình ở các bình độ 1800 rồi tất cả các thứ, họ chiếm phía Vị Xuyên. Khi đánh điểm cao nhất là ngày 28/4/1984, họ đánh lớn nhất vào cao điểm 1509. Thì lúc đó mới trở thành mốc điểm lớn, mình huy động tổng lực để lấy lại cái mảnh đất này. Mình huy động 4 đến 5 sư đoàn lên. Bên kia họ tập trung hai mấy sư đoàn vào đấy, là năm 1984. Giai đoạn đấy là giai đoạn đánh mạn Vị Xuyên này, là đánh lớn đấy, khoảng 4, 5 chục vạn quân họ tập trung vào phía này. Còn từ 1979 là chỉ đánh ở mạn Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, một số nơi thế thôi. Lạng Sơn là ác liệt nhất. Ở đấy có pháo đài Đồng Đăng là họ dùng chất độc giết chết một lúc 400 nhân viên và bộ đội ở trong pháo đài. Ở đây có những người anh hùng của mình, như anh Trần Ngọc Sơn, với 24 viên AK và một quả lựu đạn mà anh Trần Ngọc Sơn diệt được 74 lính Trung Quốc. Là mình cũng đánh một trận kiên cường ở Lạng Sơn đấy. Và tôi cũng đã viết về người anh hùng ấy rồi”.

Không có nhận xét nào: