Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang

Hoàng Đan | 

Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu của báo Quân đội nhân dân.

"Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được và trong lịch sử, tôi chưa thấy một quân đội của nước lớn nào phát động chiến tranh lại như thế", tướng Lương nói.

Đội quân ô hợp, hôi của
38 năm đã trôi qua nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, người từng lăn lộn, chiến đấu tại những nơi ác liệt nhất ở biên giới phía Bắc 8 năm (1979 - 1987) vẫn không giấu được cảm xúc.
Theo tướng Lương, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược.
"Chúng ta cần tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự hy sinh đó", tướng Lương chia sẻ.
Kể lại diễn tiến của cuộc chiến, theo ông, từ mờ sáng 17/2 đến 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).
Quân Trung Quốc đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới; giết hại nhiều dân thường vô tội như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (Cao Bằng).
Trên thực tế, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài đến năm 1988. Như vậy, chúng ta mất 10 năm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang - Ảnh 1.
Chiến sĩ Việt Nam bắt giữ tù binh ngày 28.2 tại Cao Bằng - Ảnh: Corbis.
Cũng theo ông, mặc dù, quân Trung Quốc đông đảo như vậy nhưng những từ "run sợ" hay "lo sợ" chưa bao giờ có trong tư duy quân sự cũng như trong suy nghĩ của người Việt Nam.
"Người Việt Nam luôn có một tấm lòng bao dung, tinh thần hòa hiếu, khát vọng hòa bình và không bao giờ run sợ. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 là một minh chứng rõ ràng cho điều đó", ông chia sẻ.
Tướng Lương cũng nhắc lại một điều mà ông thấy lạ ở đội quân xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhưng lại được trang bị rất kém, ô hợp và hôi của.
"Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được các vị trí, đường phố thì phía sau là đội quân binh rất đông nhưng lại là đội quân ô hợp chuyên hôi của.
Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy một quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế.
Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và xuống ao để bắt cá, rồi có thể đặt mìn để phá tất cả, cầu, cống và cả những cây to ở ven đường.
Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945 khi quân Tàu – Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật.
Không thể tưởng tượng được quân đội của một nước mạnh như Trung Quốc lại vô kỷ luật như vậy và hành động của họ không tương xứng với tên của họ", tướng Lương kể.
Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang - Ảnh 2.
Tướng Lê Mã Lương.
Thêm vào đó, việc huy động 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với một không gian chiến trường rộng và chiều dài biên giới nhiều km đã khiến họ tổn thất hết sức nặng nề.
"Chưa có trận đánh nào quân Trung Quốc làm tê liệt nổi một đại đội của Việt Nam. Trong khi đó bộ đội ta tổ chức những trận đánh tiêu diệt gọn một đại đội của quân Trung Quốc", ông kể thêm.
Tướng Lê Mã Lương cũng nêu rõ, trong kế hoạch của quân đội Trung Quốc, nếu như có thể tiến sâu về Hà Nội thì cố gắng tiến sâu nhưng đã không một đơn vị nào của Trung Quốc nào vượt qua được các tỉnh biên giới. khi không còn chịu nổi thì quân Trung Quốc đã buộc phải rút về nước.
Khi Trung Quốc rút, quân ta có lệnh không ngăn chặn việc Trung Quốc rút quân, không đánh úp. Việc làm này thể hiện tinh thần hòa hiếu của dân tộc ta.
Nếu không có lệnh đó thì nhiều đơn vị của ta sẽ chặn đường rút lui của quân Trung Quốc. Việc này sẽ làm cho quân Trung Quốc hoảng loạn và tình hình sau đó như thế nào sẽ rất khó đoán được.
Tướng Lương nhận xét: "Nếu bị chặn đánh, khả năng sẽ không những giống quân Thanh rút chạy khi bị quân của Quang Trung đánh mà còn có thể loạn hơn. Khi đó họ sẽ phải vứt xe, vứt pháo mà băng rừng lội suối rút về nước".
Bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang
Cũng trong câu chuyện với chúng tôi, khi nhận xét về lính Trung Quốc lúc đó, cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả của bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng đã nêu rõ, đó là đội quân ô hợp nhất mà ông từng thấy.
"Sau quá trình chiến đấu, chúng tôi phát hiện ra là lính Trung Quốc không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên chỉ đi tay không. Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên khi bị quân ta tiêu diệt tay vẫn còn ôm một bao khoai lang", ông kể lại.
Thiếu tá Phạm Văn Quế, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, hiện đang sinh sống tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, được đồng đội gọi là "thần chiến tranh" trong giai cuộc chiến tranh biên giới cũng nhận xét, quân Trung Quốc lúc đó rất nhát.
"Cái nhát gan đó không chỉ nằm trong việc không có pháo là không tiến công mà còn thể hiện ở việc họ không dám đánh ban đêm. Cứ ban đêm là họ co cụm lại.
Những khẩu súng trường hay CKC, tiểu liên mà quân Trung Quốc được trang bị nếu nói ra thì chỉ dùng cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.
Thậm chí, nhiều lính của chúng còn không có súng mà chỉ chạy theo để cướp hôi với sự chỉ điểm của lũ gián điệp người Trung Quốc.
Chúng cậy đông xông lên ào ào theo hiệu lệnh của kèn Tây nhưng gặp hỏa lực mạnh của ta thì lại chạy rất nhanh, co cụm lại và họ không dám tiến công trực diện, chủ yếu là đánh vòng", ông Quế chia sẻ thêm.
Cũng trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cũng khẳng định cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới. Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Đây cũng là điều mà chúng ta cần tự hào.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: