Ông Lê Kiên Thành |
Gã quý trọng tâm huyết và cả những tư duy cấp tiến của ông Lê Kiên Thành con trai của ông Lê Duẩn về hiện trạng và tương lai đất nước.
Gã quen biết nhiều con của các ông là lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước một thời, rất buồn là đa số họ co vòi, hoặc lo làm ăn, hoặc bo bo yên phận với những gì đã có, hoặc bảo thủ bởi những vòng kim cô mà các phụ huynh để lại như một truyền thống, duy Lê Kiên Thành khác. Ông nồng nhiệt quan tâm vận nước và thẳng thắn lên tiếng đấu tranh với những gì trì kéo dân tộc, hăng hái đóng góp ý kiến cho con đường phát triển của dân tộc.
Tuy vậy cái khó của ông Thành là ông chưa dám nhìn thẳng vào sự thật của đất nước có căn nguyên cả từ thời cha ông là vua ngự trị đất nước này.
Gần đây ông Thành trả lời trên Tuần Việt Nam về những gì ông biết qua cha ông về sự kiện ngày 17 tháng Hai năm 1979 tạo nên một làn sóng không nhỏ trong dư luận nước nhà.
Điều rõ nhất là qua bài trả lời phỏng vấn, gã và người đọc tin tưởng ông Thành luôn đứng về phía dân tộc chứ không hề bao che, núp bóng những thế lực nào đó để biện minh cho kẻ thù dân tộc. Gã và người đọc tin rằng ông Lê Duẩn luôn đứng về dân tộc để chống lại bọn ngoại xâm.
Tuy vậy, có một sự thật khác, còn một sự thật khác mà vì là bổn phận người con kính yêu cha nên ông Thành không thể và có thể cả không đủ nhận thức để đánh giá đầy đủ vai trò của cha ông đối với vận nước, và con đường đi của đất nước.
Đó là ,nếu ông Thành cho rằng cha ông biết rất rõ âm mưu của Mao và Đặng Tiểu Bình từ trước cả năm 1975 sẽ tìm mọi cách thôn tính Việt Nam như trả lời của ông Thành trên báo thì tại sao, cha ông không hề có phương án chuẩn bị tốt nhất cho đất nước?
Chắc chưa ai quên ông Lê Duẩn đã tuyên bố hào hứng thế nào khi đất nước thống nhất 1975: Vĩnh viễn từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù.
Nếu ông Lê Duẩn như ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu có tầm nhìn chiến lược về Trung Cộng ngay từ năm 1954, lo sợ VN sẽ bị Trung Cộng thôn tính, thì tại sao ông lại vội vã khẳng định "vĩnh viễn không còn kẻ thù" như thế?
Nếu ông Lê Duẩn có ý thức chiến lược về kẻ thù tiềm ẩn và nguy cơ bị xâm chiếm qua bài học năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và năm 1972 Trung Quốc bắt tay với Mỹ bán rẻ VN vì lợi ích của Trung Quốc thì ông có chịu coi Đặng Tiểu Bình là người bạn thân thiết chí cốt của mình không để rồi sau này ông ngỡ ngàng về cái gọi là sự phản bội tình bạn ấy?
Liệu ông Lê Duẩn có dám cao ngạo cộng sản, cao ngạo kẻ chiến thắng để đưa đất nước vào cảnh bị cô lập trên thế giới, để dân tộc VN bị chia rẽ, hàng trăm ngàn người của chế độ cũ bị tù đày, ruồng bỏ, hàng ngàn trí thức của dân tộc, những tinh hoa làm nòng cốt cho sức mạnh dân tộc bị đẩy ra biển, vượt biên không?
Hơn ai hết là người kế thừa ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn thừa biết dân tộc đoàn kết mới có sức mạnh.
Ông Lê Duẩn là người am hiểu lịch sử Dân tộc,hơn ai hết ông biết nước mạnh về kinh tế, chính trị, đoàn kết thì không kẻ nào có thể xâm chiếm được.
Lòng dân thì tan hoang vậy.
Kinh tế thì ông Lê Duẩn kiên định và duy ý chí theo chủ thuyết "làm chủ tập thể và kinh tế tập trung bao cấp" phá bỏ mọi quy luật thị trường đã dẫn đến nghèo đói, sức dân, lực nước kiệt quệ mà di hại của nó còn đến tận bây giờ.
Sự thật phải là sự thật.
Gã tin cha của ông Thành là người yêu nước.
Nhưng gã không tin cha ông Thành là người sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về vận nước về kẻ thù và về con đường đi của đất nước.
Vì không sáng suốt nên mới chủ quan trước những cảnh báo về quân xâm lược, mới bị động hầu như không hay biết sẽ có 600.000 quân Trung Quốc tràn qua nước ta vào sớm 17.2.1979.
Đó là chưa kể có vấn đề khó hiểu về nhân tâm khi chính cái tối 17.2.1979, lúc nước sôi lửa bỏng như thế, khi mà hàng ngàn chiến sĩ, người dân bị Trung Quốc giết hại dã man, khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc bị dày xéo bởi quân xâm lược thì hầu hết lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng ông Lê Duẩn tổng tư lệnh tối cao vẫn đến dự đám cưới của ông Thành, con trai ông Duẩn. Và, theo tường thuật của ông Thành thì các vị vẫn nói cười bình thường như chiến tranh chưa hề xảy ra.
Những người cha, người mẹ, người con, người vợ của những người bị quân xâm lược thảm sát sẽ nghĩ sao khi người thân và quê hương của họ chìm trong máu lửa thì những vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất với đất nước vẫn dành thời gian cho một cuộc vui của con lãnh tụ?
Gã nghĩ lịch sử đã đến lúc cần lên án hành động thiếu nhân văn và trách nhiệm này.
Có thể đêm ấy có đám cưới của một người lính, rồi ngày mai người lính ra trận.Và có thể người lính sau đêm tân hôn vĩnh viễn không trở về.
Nhân dân vẫn chia vui cùng người lính ấy.
Ông Thành cũng là người lính lúc ấy.
Nhưng ông Thành còn là con của tổng tư lệnh. Hành động phải đạo nhất là chính ông Thành quyết định hoãn đám cưới ngày vui của mình để cha mình, tổng tư lệnh tập trung vào việc chỉ huy chiến trận trong lúc đất nước thập tử nhất sinh.
Nếu người con không sẵn sàng hoãn đám cưới thì chính người cha tổng tư lệnh phải đề nghị con hoãn đám cưới vì lúc này tình hình đất nước chưa cho phép.
Còn không thì, cứ đám cưới thật đơn giản người cha cùng dàn lãnh đạo tới có lời chúc mừng trong mấy phút rồi rút về vị trí chỉ huy của mình.
Nhưng sự thực qua lời kể của ông Thành thì đám cưới của ông không diễn ra theo kịch bản như gã vừa nêu.
Tiếc rằng sau 38 năm chính ông Thành cũng không nhận ra lỗ hổng nhân tâm này.
Câu chuyện ông Thành kể về sự kiện ngày 17.2.1979 theo gã vẫn nóng hổi bài học cho những ai đang cầm quyền và cho cả những nhà viết sử.
Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét