Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Phân tích quân sự cuộc chiến Trung Quốc- Việt Nam 1979

This entry was posted on Tháng Mười Hai 10, 2013, in Lịch sử Việt Nam and tagged , , , . Bookmark the permalink. 1 Phản hồi

ChienTranh 1979 Map
Tác giả King C. Chen
Ngô Bắc dịch và phụ chú
Trước đây chưa hề có việc một nước anh em xã hội chủ nghĩa phóng ra một cuộc chiến tranh chống lại một nước anh em xã hội chủ nghĩa khác như Trung Quốc đã làm đối với Việt Nam hồi năm 1979.  Sự can thiệp của Sô Viết tại Hung Gia Lợi năm 1956 được thi hành dưới danh nghĩa các lực lượng của Thỏa Ước Warsaw Pact chiếu theo sự “chấp thuận” của các thành viên của Thỏa Ước trong đó Hung Gia Lợi đã (và hiện vẫn còn) là một thành viên.  Sư xâm lăng của Sô Viết vào Tiệp Khắc năm 1968 được thực hiện trong một cung cách tương tự.  Trung Quốc và Việt Nam không có ký kết hiệp ước quân sự nào tương tự như Thỏa Ước Warsaw, hay Việt Nam cũng không “chấp thuận” các cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc.  Cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Việt Nam thực sự một một sự khai triển bất thường trong thế giới cộng sản.
       Hồ Chí Minh đã nhiều lần phát biểu rằng Trung Quốc và Việt Nam vừa là đồng chí vừa là anh em.  Như các đồng chí theo chủ nghĩa Marx, cả hai bên được giả định sẽ giải quyết các sự tranh chấp của họ trong một thái độ tham khảo và thuyết phục đúng theo đường lối đảng và lý thuyết Mác-xít.  Như các anh em đông phương, họ sẽ giải quyết các vấn đề của họ trong tình anh em hay phù hợp với nguyên tắc thưởng và phạt để duy trì các quan hệ của gia đình.  Trong khung cảnh này, cuộc chiến “trừng phạt” đánh vào Việt Nam đã là một hành vi dựa trên tinh thần và các tiêu chuẩn đạo đức Trung Hoa cổ truyền hơn là trên học thuyết Mác Xít.
       Mục đích của bài viết này để phân tích khía cạnh quân sự của Trung Quốc trong cuộc chiến này: chiến lược, các mục tiêu, hệ thống chỉ huy, các tổn thất nhân mạng vì chiến tranh, và, đặc biệt, sự lượng giá và các hàm ý cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, viết tắt: QĐGPNDTQ (tiêng Anh: People’s Liberation Army: PLA).
I. CHIẾN LƯỢC VÀ CÁC MỤC TIÊU QUÂN SỰ
 Trong khi viết về chiến tranh vào năm 1938, Mao Trạch Đông đã giải thích các quan điểm của Lenin (thực sự của Clausewitz) về ý nghĩa của chiến tranh và chính trị. 1 Họ Mao đã viết, “Khi chính trị phát triển đến một giai đoạn nào đó mà xa hơn nữa nó không thể tiến hành được bằng các phương tiện bình thường, chiến tranh bùng nổ để quét sạch các chướng ngại vật trên đường đi”. 2 “Cuộc chiến tranh “giáo trừng” của Trung Quốc đánh Việt Nam, bất kể xưng danh là “hoàn kích tự vệ”, đã được phóng ra đích thực là dưới một sự cứu xét chính sách như thế.
       Nói một cách tổng quát, giới lãnh đạo Trung Quốc đã suy ngẫm về một hành vi “trừng phạt” trong gần hai năm (1977-1979). 3 Mục đích tổng quát của nó là “để quét sạch các chướng ngại vật” bằng phương tiện quân sự với hy vọng rằng các quan hệ Trung – Việt bình thường sẽ được tái lập.  Bất kể sự sử dụng các lực lượng quân sự để giải quyết các sự tranh chấp quốc tế sẽ phải bị bác khước và bị kết án, hành động mà Bắc Kinh đã thực hiện rõ ràng là một phương sách cuối cùng.
1. CHIẾN LƯỢC
 Kể từ khi thành lập vào năm 1927, QDGPNDTQ đã tồn tại và tăng trưởng dưới học thuyết và các sự vận hành của “chiến tranh nhân dân”. Ngay trong kỷ nguyên hạt nhân, Bắc Kinh vẫn ca ngợi, mới Tháng Bảy, 1977 đây thôi, uy lực của chiến tranh nhân dân trên chiến tranh của các vũ khí hạt nhân:
Uy lực của chiến tranh nhân dân mạnh gấp vạn lần các khí giới hạt nhân của đế quốc chủ nghĩa và đế quốc xã hội chủ nghĩa.  Chiến tranh nhân dân là vũ khi kỳ diệu hữu hiệu nhất để đối đầu với chúng5
       Nếu chúng ta sắp đi đên việc khai triển một công thức cho “chiến tranh nhân dân”, chúng ta có thể kết luận rằng nó phải chiến đấu một cách tổng quát trên sáu điều kiện hầu bảo đảm sự chiến thắng của nọ  Các điều kiện này là: 1) sự tổ chức một đảng, quân đội và mặt trận thống nhất với đảng ở vị thế chỉ huy; 2) sự ủng hộ từ quần chúng; 3) các nước kém phát triển; 4) sự can thiệp của nước ngoài; 5) khí giới quy ước và kỹ thuật lạc hậu; và 6) các chiến lược của trì cửu chiến (protracted war). Sự chiến thắng của cuộc chiến tranh cách mạng Trung Quốc bị điều kiện hóa bởi các yếu tố này; cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng giống như thế.  Trong kinh nghiệm giao tranh của nó, QĐGPNDTQ đã đặt một sự nhấn mạnh đặc biệt trên chiến lược phòng thủ và trên yếu tố nhân lực có ưu thế trên vũ khí. Đây là một di sản của học thuyết quân sự của họ Mao, liên quan một cách đáng kể đên cuộc “giáo trừng” của Trung Quốc đánh Việt Nam.  Một sự thảo luận về nó là điều thích đáng.
       Bất kể các nỗ lực của họ có thể là gì, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từ năm 1949 đã thường trực cảnh giác người dân Trung Hoa chống lại các đe dọa ngoại lai tiềm ẩn.  Các thí dụ kể sau sẽ chứng thực cho nhận xét này.  Sự can thiệp của Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên được gán nhãn hiệu bởi các lãnh đạo của nó như một cuộc chiến tranh “kháng Mỹ và trợ giúp Hàn Quốc”.  Chính sách be bờ ngăn chặn của Hoa Kỳ tại Đông Á trong thập niên 1950 được giải thích như một “cuộc bao vây của đế quốc Mỹ” nhắm vào Trung Quốc.  Sau khi chiến tranh Việt Nam leo thang, họ Mao nhìn thấy trong năm 1965-1966 mối nguy hiểm của một cuộc “xâm lăng” của Mỹ vào Trung Quốc; việc này không hề hiện thực.  Như một hậu quả của cuộc xâm lăng của Sô Viết vào Tiệp Khắc (Czecgoslovakia) và các cuộc xung đột biên giới Nga – Hoa, họ Mao đã nhận thức sự củng cố quân sự của Sô Viết tại vùng biên giới Nga – Hoa như một mối đe đọa nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc.  Trước khi có sự thừa nhận của Nhật Bản dành cho chính quyền Bắc Kinh năm 1972, Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại của mình trên việc phục hồi chủ trương quân phiệt của Nhật Bản.  Trong năm 1973, Trung Quốc chấp nhận chính sách “chống bá quyền”, được nhắm vào hai siêu cường, đặc biệt là Liên Bang Sô Viết.  Trong hơn một thập niên, Trung Quốc đã phát động chiến dịch “đào đường hầm dưới sâu”, “chuẩn bịchống chiến tranh” và sự tổ chức một “mặt trận thống nhất quốc tế” chống lại “nguồn cội nguy hiểm nhất của chiến tranh thế giới” – đế quốc xã hội chủ nghĩa Sô Viết. 8 [các chữ in nghiêng để nhấn mạnh được bổ túc bởi tác giả bài viết, chứ không phải từ nguyên bản]
       Tất cả các thí dụ trên cho thấy một nhận thức đơn độc của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, có nghĩa, Trung Quốc thường trực bị bao vây bởi các lực lượng thù nghịch có thực hay tiềm tàng, đe dọa nền an ninh của Trung Quốc.  Trong một nhận thức như thế, họ đã nhấn mạnh đến chiến lược quân sự phòng thủ mặc dù họ không hề sao lãng một chiến lược tấn công.  Được hướng dẫn bởi một chiến lược như thế, QĐGPNDTQ đã điều hướng sự huấn luyện của nó và đã phát triển các vũ khí của nó cho sự phòng thủ nền an ninh của Trung Quốc chống lại “sự xâm lăng” ngoại lai.  Ngay cả sau khi Trung Quốc đã phát triển các vũ khí hạt nhân, chiến lược của nó vẫn không thay đổi.  Như bài viết được trưng dẫn trước đây giải thích:
Nhằm đánh bại các vũ khí hạt nhân của đế quốc chủ nghĩa và đế quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng phải phát triển các vũ khí hạt nhân cùng các vũ khi khác.  Chúng ta đã không sợ hãi các vũ khí hạt nhân khi chúng ta không có chúng.  Chúng ta cũng sẽ không quá tôn sùng chúng khi chính ta có được chúng.  Vũ khí đó thuần túy dành cho sự phòng thủ …” (chữ in nghiêng để nhấn mạnh được bổ túc bởi tác giả)
       Sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào chiến lược phòng thủ trong thời điểm hiện tại được thúc đẩy bởi hai yếu tố: nó cần một thời kỳ hòa bình cho chương trình hiện đại hóa bị trì hoãn đã lâu của nó và năng lực quân sự bị hạn chế của nó.  Trong thực tế đúng là các nhà lãnh đạo quân sự của Bắc Kinh có thể có tham vọng để phát huy quyền lực và các vị thế của họ bằng việc phóng ra các cuộc tấn công vào các lân bang của Trung Quốc. 10 Song, các cuộc tấn công như thế trong quá khứ thì ngắn hạn và ít rủi ro ngoại trừ cuộc can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên.
       Nhưng, chiến lược tấn công của nó cũng sẽ phải được thảo luận, đặc biệt với sự tham chiếu đến cuộc chiến tranh “giáo trừng” năm 1979.  Cho đến hiện thời, QĐGPNDTQ vẫn còn thừa hưởng tư tưởng quân sự của họ Mao về sự tấn công chiến lược dựa trên các kinh nghiệm của nó trong cuộc nội chiến.  Cũng đáng để trích dẫn nơi đây các điểm kể sau:
3. Lấy việc quét sạch sức mạnh hữu hiệu của địch làm mục tiêu chính của chúng ta; không lấy việc kiểm soát hay chiêm giữ một thành phố hay địa điểm làm mục tiêu chính của chúng ta …
4. Trong mọi trận đánh, tập trung một ưu thế tuyệt đối (gấp hai, ba, bốn và đôi khi còn gấp năm hay sáu lần sức mạnh của địch), bao vây các lực lượng của địch một cách hoàn toàn, gắng sức để quét sạch chúng một cách toàn triệt và đừng để bất kỳ ai trốn thoát khỏi mạng lưới…
5. Không giao tranh trong một trận đánh chưa chuẩn bị, không giao tranh vào trận đánh mà bạn không chắc thắng …” 11
       Với các nguyên tắc tấn công như thế, QĐGPNDTQ đã không chỉ giành thắng cuộc nội chiến, mà còn tạo được nhiều cuộc chiến thắng trong chiến tranh Triều Tiên và các cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ và Liên Bang Sô Viết (LBSV).  Khỏi cần nói, các thắng lợi này đã không đạt được bằng khí giới tiên tiến, mà bằng nhân lực áp đảo.  Hậu quả, lý thuyết của họ Mao “nhân lực đứng trên khí giới’ trong việc quyết định kết quả của một cuộc chiến tranh đã được nhìn bởi CHNDTQ trong nhiều năm như một “luật bằng sắt” của “chiến tranh nhân dân”. Nó gọi bom nguyên tử là một “con hổ bằng giấy”.  Một lý thuyết như thế đã được duy trì cho đến giờ đây.  Một vài thí dụ được thảo luận nơi đây để giải thích.
       Trong các năm 1955-1956, khi các nhà lãnh đạo QĐGPNDTQ lần đầu tiên trải qua cuộc tranh luận về sự hiện đại hóa quân sự, kể cả một chương trình hạt nhân, yếu tố “nhân lực” được biện hộ như yếu tố quyết định cuộc chiến tranh.  Như Tan Zheng (T’an Cheng), khi đó là Thứ Trưởng Quốc Phòng, đã trình bày như sau:
… khi chúng ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kỹ thuật, chúng ta không có nghĩa cho rằng vai trò của con người và vai trò của các yếu tố chính trị có thể bị sút giảm.  Ngược lại, yếu tố con người luôn luôn là một yếu tố quyết định trong một cuộc chiến tranh … Kỹ thuật được quản lý bởi con người và không có kỹ thuật mới nào có thể đóng vai trò của nó trừ khi nó được kết hợp với yếu tố con người”. 12 (phần in nghiêng để nhấn mạnh là của tác giả).
       Sự canh tân hóa quân sự hầu như không thực hiện được sự tiến bộ trong thời khoảng dài hơn hai thập niên sau khi Trung Quốc thăm dò lần đầu vấn đề này trong các năm 1955-56.  Ngay cả đến mười ba năm sau cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc (1964-77) , trong đó hơn 24 cuộc thử nghiệm tương tự đã được thực hiện một cách thành công, yếu tố nhân lực vẫn còn được xem như ưu tiên hàng đầu trong tư tưởng quân sự của Trung Quốc. 13 Thí dụ, tờ Renmin Ribao có đăng tải hai bài viết trong Tháng Năm và Tháng Sáu 1977, khẳng định rằng nhân lực, chứ không phải khí giới hạt nhân, là yếu tố quyết định trong chiến tranh. 14
       Chiến dịch “Tứ Hiện Đại Hóa” chắc chắn đã khích lệ người dân Trung Quốc đặt nhiều hy vọng của họ vào sự cải thiện tình trạng kinh tế cũng như vũ khí hiện đại.  Trong vài dấu hiệu chỉ dẫn, một bài viết từ Ủy Hội Kỹ Thuật và Khoa Học Quốc Phòng tiêu biểu cho sự kỳ vọng về quân sự:
Trong bất kỳ cuộc chiến tranh tương lai nào chống lại quân xâm lược, nếu bất kỳ người nào còn nghĩ rằng vẫn có thể dùng các ngôn từ dao to búa lớn chống lại các hỏa tiễn được hướng dẫn hay các vũ khí hạch nhân khác .. kẻ ấy như thế rõ ràng đã không chuẩn bị để sở đắc mọi vũ khí và phương tiện để giao tranh … Đây là một thái độ điên rồ và còn mang tính chất tội phạm … Các lực lượng vũ trang của chúng ta phải có một hệ thống chỉ huy, truyền tin, và bấm giờ chạy ngược được điện toán hóa tự động, và các phương tiện chuyển vận hiện đại động cơ hóa, nhanh nhẹn. 15
       Trong một thời gian ngắn, nỗ lực hiện đại hóa quân đội xem ra đã ủng hộ một tư tưởng chiến lược mới toan tính gạt sang một bên học thuyết “chiến tranh nhân dân” lỗi thời và còn là một chướng ngại vật cho sự hiện đại hóa.  (Ủy Hội này và các kẻ bênh vực khác cho sự hiện đại hóa quân đội có thể được đặt tên một cách độc đoán như “các kẻ hiện đại hóa quân đội: military modernizers”.) Nhưng sự kháng cự sớm được phát triển trong hầu hết giới “chiến sĩ lão thành: veteran fighters”.  Tại Hội Nghị Công Tác Chính Trị Toàn Quân” trong Tháng Tư-Tháng Sáu 1978, lực lượng kháng cự đã tái khẳng định lý thuyết và đường lối chiến lược cũ của nó.  Khi Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc điều chỉnh sự phát triển quân sự với “các điều kiện lịch sử mới”, phe đối kháng đã lập luận rằng “việc cách mạng hóa phải chỉ huy sự hiện đại hóa”.  Phe này đã đẩy Hoa Quốc Phong ra trình bày một lập luận như thế. 16  Không có gì còn nghi ngờ rằng Hội Nghị Công Tác Chính Trị kéo dài 41 ngày này hẳn phải là một kỳ họp quan trọng và gây tranh cãi.  Trong việc chấp nhận nguyên tắc mới của việc điều chỉnh chiều hướng phát triển quân sự cho phù hợp với “các điều kiện lịch sử mới”, Hội Nghị đã kết thúc với sự tái khẳng định việc tăng cường công tác ý thức hệ và hậu thuẫn cho khẩu hiệu mới “cách mạng hóa chỉ đạo hiện đại hóa”. 17  Có vẻ rằng hai lực lượng (“phe “hiện đại hóa quân sự” và phe đối kháng) đã đạt được một sự thỏa hiệp tạm thời nhưng còn gây tranh cãi.
       Một sự giải thích khác nữa đã xuất hiện hai tháng sau đó.  Trong dịp kỷ niệm Ngày Thành Lập QĐGPNDTQ 1 Tháng Tám, Bộ Trưởng Quốc Phòng Xu Xiangqian đã tranh luận một cách mạnh mẽ trong một bài viết quan trọng rằng lý thuyết của “chiến tranh nhân dân” phải tuân theo nguyên lý “tìm kiếm sự thật từ sự kiện” và phối hợp chặt chẽ lý thuyết với “các điều kiện hiện đại”.  Dưới các điều kiện lịch sử mới, họ Xu viết tiếp, chiến lược và các chiến thuật của “chiến tranh nhân dân” phải được áp dụng một cách linh động và “nền quốc phòng” phải được canh tân hóa cao độ cho phù hợp với chiến tranh hiện đại.  “Chỉ khi đó, việc cách mạng hóa mới có thể chỉ đạo sự hiện đại hóa”. 18 Rõ ràng, họ Xu đang nói về chính sách quân sự của CHNDTQ, ngả theo, một cách khéo léo, phe “hiện đại hóa”.
       Phe hiện đại hóa quân sự tiếp tục tranh đua với phe đối kháng.  Vào ngày 2 Tháng Mười Hai, 1978 (16 ngày trước khi Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba quan trọng của ĐCSTQ khai mạc), Tao Hanzhang, Chỉ Huy Phó của Học Viện Quân Sự QĐGPNDTQ, có viết một bài văn tinh tế mạnh mẽ thúc dục sự hiện đại hóa quân sự.  Bài văn của ông được viết không lâu sau cuộc viếng thăm chính thức của ông ta tại Đại Anh Cát Lợi (Great Britain) hồi Tháng Mười 1978.  Ông đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc không chỉ phải bắt kịp kỹ thuật quân sự của Sô Viết và Mỹ, mà còn phải theo đuổi lý thuyết quân sự đúng đắn và thiết lập một hệ thống chỉ huy hiện đại. 19 Vào ngày khi Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba khởi sự (18 Tháng Mười Hai, 1978), Ban Biên Tập của tờ Junshi Xueshu (Học Thuật  Quân Sự) có công bố một bài viết khẳng định quyết liệt trên cả tờ People’s Daily lẫnLiberation Army Daily, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lĩnh hội toàn diện tư tưởng quân sự của họ Mao.  Bài báo bênh vực cho việc học tập và phát triển lý thuyết quân sự của họ Mao, kết án “chính sách đà điểu” đối với khí giới mới, và đòi hỏi một cuộc nghiên cứu không mệt mỏi trên các câu hỏi mới về chiến tranh hiện đại. 20 Tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba, Thứ Trưởng Quốc Phòng Su Yu đã lập lại gần như cùng luận đề trong bài báo của Ban Biên Tập, bổ túc rằng ngay dù “khí giới là một yếu tố chính yếu của chính tranh, nhân lực cũng là một thành phần quyết định”. 21 Hơn nữa, Rao Shoukun, Tư Lệnh Hạm Đội Bắc Hải, đã nghiêm khắc phê bình “sự hóa đá của tư tưởng” của một số “các đồng chí lão thành” trong một phiên họp hôm 23 Tháng Một 1979, và đã thúc dục rằng các quân nhân phải “học tập lại, tìm hiểu từ các điều tân tiến trong các quân đội nước ngoài, và nghiên cứu các đặc tính và nhu cầu của chiến tranh hiện đại”. 22 Hơn thế, Zhang Tiungfa, Tư Lệnh Không Lực, đã lập lại một quan điểm tương tự hôm 11 Tháng hai, 1979 tại một phiên họp của các cán bộ ĐCSTQ trong Không Quân.  Từ tất cả các lời phát biểu này, người ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng “phe hiện đại hóa quân sự” đã tham gia vào một cuộc vận động chống lại phe đối kháng và cổ vũ cho sự hiện đại hóa khí giới và tư tưởng quân sự.  Đi theo sự lãnh đạo và nỗ lực hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình, họ đã tìm cách bước trước một chút các kẻ cạnh tranh với họ.
       Trong bất kỳ trường hợp nào, trước khi “phe hiện đại hóa” và “các lý thuyết gia quan sự mới” có được một cơ hội giành thắng cuộc tranh đua và phát triển một lý thuyết quân sự mới, “cuộc chiến tranh giáo trừng” đã bùng nổ.  Nó là một cuộc chiến tranh được giao chiến theo chiến lược của chiến tranh nhân dân nhưng không xưng danh.  Yếu tố nhân lực vẫn còn áp đảo.  Song hệ thống chỉ huy , các chiến thuật hành quân, tiếp vận, và trên hết, khí giới của QĐGPNDTQ không ở trong “các điều kiện hiện đại”.  Chúng đi sau thời đại.
2. CÁC MỤC TIÊU
       Điều được tường thuật rằng một buổi thuyết trình quan trọng đã được tổ chức tại Bắc Kinh chiều ngày 16 Tháng Hai, khoảng 17 tiếng trước khi có sự bùng nổ cuộc chiến, dành cho các viên chức lãnh đạo Trung Quốc.  Mục đích của buổi thuyết trình là để thông báo một cách trực tiếp cho các tham dự viên về cuộc chiến tranh sắp xẩy ra và một cách gián tiếp cho các giới chức thẩm quyền cấp thành phố và tỉnh liên hệ xuyên qua cấp lãnh đạo này.
       Buổi họp được chủ tọa bởi Hoa Quốc Phong.  Họ Hoa tuyên bố ngắn gọn rằng sau nhiều sự cứu xét và thảo luận, giới lãnh đạo “Trung Ương” đã quyết định phóng ra một cuộc chiến tranh đánh Việt Nam vào ngày kế tiếp.  Sau đó Đăng Tiểu Bình đã giải thích bản chất và các mục tiêu của cuộc chiến. 23
       Bản chất của cuộc chiến tranh là một cuộc “hoàn kích tự vệ”.  Nó được “giới hạn về thời và không gian”, và cũng được giới hạn vào việc giao tranh trên đất liền – tương tự như cuộc chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962.  Sẽ không có việc sử dụng các lực lượng hải và không quân.  Nó cũng là một cuộc chiến tranh trắc nghiệm cho quân đội Trung Quốc vốn không có kinh nghiệm giao tranh thực sự trong gần hai mươi năm kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung -Ấn.  Các cuộc xung đột biên giới Trung Quốc – Sô Viết là các cuộc chạm súng ở quy mô nhỏ và ngắn hạn.  Quân đội Trung Quốc sẽ thu được một số kinh nghiệm chiến tranh từ cuộc “hoàn kích” này.
       Mục tiêu chính, họ Đặng tiếp ytục, là dạy cho Việt Nam một “bài học”.  Việt Nam đã trở nên “cực kỳ ngạo mạn”, khoa trương là cường lực quân sự mạnh “thứ ba” trên thế giới.  Ngoài việc xâm lăng Căm Bốt và trục xuất các cư dân gốc Hoa, Việt Nam còn thực hiện nhiều lần các cuộc đột nhập biên giới vào Trung Quốc và giết hại các binh sĩ cũng như thường dân Trung Quốc.  Trung Quốc buộc phải đánh trả, để giáng cho Việt Nam một “sự trừng trị”.  Trung Quốc không muốn chiếm dù một tắc đất của lãnh thổ Việt Nam.  Ngay khi các lực lượng Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu, chúng sẽ đơn phương triệt thoái.
       Đâu là các mục tiêu chính xác của sự “trừng phạt” – xóa sạch một ít sư đoàn trong các lực lượng.Việt Nam và các căn cứ quân sự, hay chiếm giữ một phần đất đai ở biên giới? Họ Đặng không công bố.  Lời phát biểu duy nhất được hay biết mà ông ta đưa ra là vào ngày 26 Tháng Hai (9 ngày sau khi chiến tranh bùng nổ).  Ông nói rằng Trung Quốc sẽ không bận tâm về các thành quả quân sự.  Rõ ràng, họ Đặng không muốn tuyên bố về các mục tiêu một cách minh bạch sao cho ông ta, hay giới lãnh đạo Bắc Kinh, sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thất bại sau này nào nếu không đạt được chúng.
       Chúng ta có thể nhận thức rằng các mục tiêu của Bắc Kinh có thể là sự tiêu diệt một ít sư đoàn quân chính quy và nhiều trung tâm quân sự của Việt Nam.  Khi làm như thế, cuộc chiến sẽ phục vụ như một sự trả đũa cho sự trục xuất cư dân gốc Trung Hoa và các cuộc xung đột biên giới.  Nó cũng có thể làm giảm bớt một cách đáng kể áp lực quân sự liên tục của Việt Nam trên các lực lượng của Pol Pot.  Hơn nữa, nó sẽ phô bày quyết tâm của Trung Quốc trong việc đáp ứng thử thách trước sự bao vây của Sô Viết – Việt Nam, và có thể giành đoạt sự ủng hộ của khối ASEAN.  Trong một ý nghĩa truyền thống và xa xôi, nó cũng sẽ biểu lộ cho thế giới sự tái khẳng định của Trung Quốc vai trò khống chế tại Á Châu.
II. SỨC MẠNH QĐGPNDTQ VÀ SỰ SẮP XẾP HỆ THỐNG CHỈ HUY
Tổng số nhân lực của QĐGPNDTQ vào khoảng 4.3 triệu người trong lục, hải và không quân. 24 Lục quân, vẫn còn là lực lượng chính của QĐGPNDTQ có 3.8 triệu người thuộc 175 sư đoàn (121 sư đoàn bộ binh, 11 sư đoàn thiết giáp, 3 sư đoàn nhẩy dù, và 40 sư đoàn pháo binh).  Các lực lượng này đồn trú tại mười một quân khu hạng nhất, 25 với một sự bố trí dầy đặc tại các khu vực Bắc Kinh và Thẩm Dương (52-55 sư đoàn và 4,700 xe tăng).  Các Quân Khu Quảng Châu và Côn Minh có vào khoảng 12-16 sư đoàn.
1. NHÂN LỰC VÀ TRANG THIẾT BỊ
Trước cuộc chiến tranh “trừng phạt” 1979, lục quân có 9,000 – 10,000 xe tăng (T59), phần lớn lỗi thời.  Các vũ khí chống xe tăng của nó – các dàn phóng hỏa tiễn và súng chống xe tăng 100 mm thông thường đều đã cổ lỗ.  Nó không sở đắc các trang thiết bị và kỹ thuật khai hỏa tiên tiến, chẳng hạn như tia laser hay tia hồng ngoại.  Pháo binh của nó có 16,000-20,000 súng và dàn phóng hỏa tiễn dã chiến.  Hiệu năng của chúng bị giới hạn bởi tính lưu động thấp của chúng và sự thiếu sót các dụng cụ ngắm xa, bén nhậy, tinh vi.  Một số súng là di tích từ thời Thế Chiến II.  Chúng đã quá cũ đến nỗi nếu chúng không được dùng tại Việt Nam trong năm 1979, chúng sẽ phải bị vất bỏ như “các vật liệu phế thải”. 26 Các phương tiện vận chuyển phần lớn đều lạc hậu và tỷ số xe vận tải trên số binh sĩ thì thấp.  Trong cuộc chiến tranh “giáo trừng”, sự tiếp vận đã cho thấy sẽ là một vấn đề nghiêm trọng.
       Trước cuộc chiến hồi Tháng Hai 1979, hải quân Trung Quốc đã có một quân số 280,000 – 300,000 người.  Hạm đội Bắc Hải của nó có khoảng 300 chiếc tàu.  Hạm Đội Đông Hải, có vào khoảng 450 chiếc, và Hạm Đội Nam Hải, khoảng 300 chiếc.  Nó bao gồm 6-8 khu trục hạm (destroyers) hạng Luta-class, 16 hộ tống khu trục hạm, và 40 chiếc tàu săn bắt tàu ngầm.  Mặc dù các khu trục hạm được trang bị với các hỏa tiễn địa-địa, sự phát triển của nó thì chậm chạp, chủ yếu bởi sự lạc hậu về kỹ thuật quân sự và các khó khăn về tài chính.
       Trung Quốc có 73-75 tàu ngầm vào Tháng Hai 1979.  Hạm đội bao gồm 48-50 tàu hạng Romeo –(R)-class, 21 tàu hạng Whisky (W)-class, 1 tàu hạng Golf (G)-class, 2 tàu hạng Ming-class (do Trung Quốc chế tạo), và 1 tàu hạng Han-class (do Trung Quốc chế tạo).  Ngoại trừ các tàu do Trung Quốc chế tạo, phần lớn chúng là các sản phẩm của Sô Viết trong thời Thế Chiến II.  Chỉ có tàu ngầm hạng G-class là tương đối mới với một sự trang bị khả dĩ các hỏa tiễn đầu đạn phóng đi từ tàu ngầm (submarine-launched ballistic missiles: SLBM); các tàu khác đề kém xa các tàu thuộc hạng đối ứng của Mỹ và Sô Viết.
       Cho đến Tháng hai 1979, Trung Quốc đã thực hiện khá nhiều các sự cải tiến cho hạm đội tàu tuần cảnh chạy nhanh của nó.  Được trang bị với khoảng 400 hỏa tiễn được hướng dẫn (hỏa tiễn Styx SS-N-2), hạm đội có 141-160 tàu chạy nhanh đã mang lại cho Trung Quốc một lực lượng di chuyển mau lẹ và đáng nể sợ để tuần cảnh bờ biển Trung Quốc.  Ngoài ra, Trung Quốc có 440-500 tàu gắn súng không có hỏa tiễn được hướng dẫn có thể dùng làm một lực lượng phụ trợ cho hạm đội.
       Hai lãnh vực yếu kém phải được cải thiện.  Một là lực lượng thủy-bộ của nó, bao gồm đơn vị nhỏ thuyền đổ bộ; điều thứ nhì kia là năng lực chống tàu ngầm của nó.  Trung Quốc đã (và hiện) gần như không có lực lượng hữu hiệu để chống lại các tàu ngầm hạt nhân.
       Không lực vào đầu năm 1979 có khoảng 400,000 người.  Số 5,000 máy bay chiến đấu của nó nói chung từ lạc hậu hay cổ lỗ.  Thí dụ, 4,100 máy bay ngăn chặn hầu hết là MIG-15, MIG-17, và MIG-19, chỉ có 80 chiếc là MIG-21.  Một số máy bay được trang bị với các hỏa tiễn không-không Atoll, một số với súng đại bác. 27 Trung Quốc sản xuất máy bay Shenyang F6 (theo mẫu MIG-19), F8 (theo mẫu MIG-21) và F9 (theo mẫu F6), nhưng chúng đều yếu thế.  Chúng không có khả năng đối đầu với sự thách thức của MIG-23 hay MIG-25.  Ngay hỏa tiễn tốt nhất của chúng, theo một quan sát viên tháp tùng Bộ Trưởng Quốc Phòng [Hoa Kỳ], Harold Brown sang Trung Quốc hồi Tháng Một 1980, là một “vũ khi’ tụt hậu hai mươi năm” theo các tiêu chuẩn của Mỹ. 28
       Với một bối cảnh tổng quát về nhân lực và khí giới của các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, chúng ta hãy hướng đến sự sắp xếp lực lượng và sự chỉ huy cụ thể cho cuộc chiến.
2. SỰ SẮP XẾP LỰC LƯỢNG VÀ SỰ CHỈ HUY
 Đặng Tiểu Bình được cử làm Tư Lệnh tối cao của cuộc chiến tranh “giáo trừng”.  Xu Xiangqian và Nie Rongzhen được cử làm Tư Lệnh Phó; Geng Biao, Tổng Tham Mưu Trưởng.  Điều rõ ràng là thẩm quyền chiến tranh đến trực tiếp từ “Trung Ương Đảng”.
       Dưới sự chỉ huy “Trung Ương”, hai mặt trận đã được thành lâp: phương bắc và phương nam.  Mặt Trận Phương Bắc, bao gồm các Quân Khu Thẩm Dương, Bắc Kinh, Tế Nam, Lan Châu, và Tân Cương, được đặt dưới sự chỉ huy của Li Desheng (Tư Lệnh Quân Khu Thẩm Dương).  Trước khi chiến tranh khởi phát, chính phủ Truung Quốc đã sẵn di tản 300,000 cư dân khỏi các khu vực biên giới bị ảnh hưởng tại Hắc Long Giang và Tân Cương, và đặt toàn thể Mặt Trận Phương Bắc vào tình trạng báo động cao nhất. 29 Đây là một biện pháp đề phòng chống lại một cuộc tấn công khả hữu của Sô Viết đánh tập hậu.  Sau một tuần giao tranh tại phương nam, sự căng thẳng tiềm ẩn tại phương bắc đã hạ xuống bởi một cuộc tấn công của Sô Viết rõ ràng không có mấy xác xuất.
       Bởi vì chiến tranh được giao đấu tại phương nam, sự sắp xếp cho Mặt Trận Phương Nam thì quan trọng và phức tạp hơn.  Xu Shiyou (Hứa Thế Hữu) (Tư Lệnh Quân Khu Quảng Châu) được cử làm Tư Lệnh; Yang Dezhi (Dương Đắc Chí) (Tư Lệnh mới của Quân Khu Côn Minh), làm Tư Lệnh Phó [Mặt Trận Phương Nam]; và Zhang Dinhfa (Tư Lệnh Không Quân), làm Tham Mưu Trưởng.  Tại Mặt Trận Phương Nam, họ được chia làm Cánh Phía Đông và Cánh Phía Tây.  Cánh Phía Đông bao gồm các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông dưới quyền chỉ huy của Xu Shiyou.  Cánh Phía Tây dưới quyền của Yang Dezhi, bao gồm tỉnh Vân Nam.  Không Lực dưới quyền chỉ huy của Zhang Tingfa.  Hạm Đội Nam Hải được bố trí tại khu vực Zhanjiang-Hải Nam.
       Được rút ra từ nhiều quân khu, quân Trung Quốc tập hợp khoảng 31 sư đoàn (330,000 người, khoảng 10% tổng số lực lượng trên đất liền) và 1,200 xe tăng tại biên giới.  Tại Cánh Phía Đông dưới sự chỉ huy của Xu Shiyou, có 5 quân đoàn (armies: A), và 2 sư đoàn (divisions: D).  Các đoàn quân này là: 41A và 55A (Quảng Đông), 42A (Quảng Tây), 43A và 54A (Hà Nam), 1D Sư Đoàn Pháo Binh 1D (Quảng Đông), và Sư Đoàn Phòng Không 70D (Hồ Nam).  Trong Cánh Phía Tây dưới quyền chỉ huy của Yang Dezhi, có 3 quân đoàn và 4 sư đoàn: 11A và 14A (Vân Nam), 13A (Thành Đô), 43D, 49D, và Sư Đoàn Pháo Binh 4D (Vân Nam), Sư Đoàn Phòng Không 65-D (Phúc Kiến).  Nhiều sư đoàn từ Nam Kinh và Phúc Kiến (Phúc Châu) được giữ làm các đơn vị trừ bị.  Chúng có trang bị các xe tăng loại nhẹ T-62, các xe tăng T-59; các khẩu trọng pháo 152mm, 122mm; các dàn phóng hỏa tiễn nhiều loại 107mm và 140mm; súng phòng không 37mm; các hỏa tiễn SAM-2 (có lẽ chưa bao giờ được sử dụng); và các thiết bị khác.  948 máy bay (Tháng Hai – Tháng Ba, 1979) đồn trú tại 15 căn cứ không quân tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, và Hải Nam.  Hạm Đội Nam Hải có điều động 2 khu trục hạm (có trang bị hỏa tiễn), 4 hộ tống khu trục hạm (có trang bị hỏa tiễn), 27 tàu tuần cảnh chạy nhanh (có trang bị hỏa tiễn), 20 tàu ngầm, và 604 các tàu khác. 30
       Để minh họa sự sắp xếp lực lượng tại Mặt Trận Phương Nam, một đồ biểu được phác họa dưới đây từ các tin tức kể trên. [Xem Biểu Đồ 1]
       Ngoài các lực lượng chính quy, các đơn vị địa phương quân và dân quân cũng được sử dụng cho công việc tiếp vận và an ninh tại mặt trận và khu vực biên giới.  Trên quần đảo Xisha [Tây Sa, tên gọi của Trung Cộng cho Quần Đảo Hoàng Sa, Paracels, chú của người dịch], một số quân đồn trú 1,000 người đã gia tăng các vị trí đặt súng phòng không của họ.  Số tầu tuần cảnh quanh quần đảo cũng gia tăng như thế.  Không lực tại Quảng Đông và Hải Nam duy trì sự quan sát chặt chẽ khu vực từ Hải Nam đến Hoàng Sa.
       Về phía Việt Nam, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam vào đầu năm 1979 có một nhân lực vào khoảng 600,000 người.  Khi chiến tranh bùng nổ, Hà Nội đã cho đóng khoảng 150,000-200,000 binh sĩ tại Kampuchea, 100,000 lính tại Lào, 100,000 tại miền nam, và 200,000-250,000 tại miền bắc.  Quanh khu vực Hà Nội, chỉ có năm sư đoàn chính quy (308D, 320D, 329D, 386D, và 431D) và bốn trung đoàn (45B pháo binh, 329B công binh, 202B thiết giáp, và 241B phòng không).  Nhưng tại khu vực biên giới Hoa – Việt, có 150,000 binh sĩ địa phương và dân quân, kể cả sáu sư đoàn trong địa hạt quân khu (325D, 332D, 334D, 337D, 338D, và 386D) và một lữ đoàn (regiment 241R).  Hai sư đoàn chính quy (3D và 346D) được biết ở gần khu vực Lạng Sơn. 31 Các lực lượng địa phương được huấn luyện và trang bị hoàn hảo.  Sức mạnh của chúng có thể vượt trội một số đơn vị chính quy của Trung Quốc.
       Việt Nam có khoảng 300 máy bay chiến đấu vào đầu năm 1979, gồm 70 MIG-19, 70 MIG-21, và một số máy bay F-5 do Mỹ chế tạo tịch thu được trong năm 1975.  Nhưng trong năm 1979 MIG-21 của Việt Nam tân tiến hơn máy bay của Trung Quốc bởi chúng có trang thiết bị điện tử tinh vi hơn.  Trong khi đó, các máy bay của Trung Quốc có thể bị xâm phạm trước sự bài trí rộng lớn của Hà Nội các hỏa tiễn địa không và các cỗ phòng không hướng dẫn bởi radar do Sô Viết chế tạo. 32 Đáp ứng sự củng cố của Trung Quốc tại biên giới, Hà Nội đã di chuyển một số máy bay MIG-21 của mình từ miền nam ra miền bắc.
       Trước Tháng Hai 1979, hải quân Việt Nam có 2 khu trục hạm PETYA do Sô Viết chế tạo (với hỏa tiễn chống tàu ngầm), 30 tàu tuần cảnh chạy nhanh (cung cấp bởi Trung Quốc), 32 tàu tuần cảnh khác, và một số tàu do Mỹ chế tạo.  Số lượng và hỏa lực của nó thì thấp hơn so với Trung Quốc.
BIỂU ĐỒ 1: SỰ SẮP XẾP LỰC LƯỢNG TẠI MẶT TRẬN PHƯƠNG NAM
                                                                                           Quân Đoàn 41                                                
                                                                                           Quân Đoàn 42
                                                       Cánh Đông                  Quân Đoàn 43
                                                       Xu Shiyou                   Quân Đoàn 54
                                                                                           Quân Đoàn 55
                                                                                           Sư Đoàn Pháo Binh, Thứ Nhất
                                                                                           Sư Đoàn Phòng Không 70 D.
Mặt Trận Phương Nam                               
Tư Lênh: Xu Shiyou                                                           Quân Đoàn 11
Tư Lệnh Phó: Yang Dezhi                                                   Quân Đoàn 13
Tham Mưu Trưởng                          Cánh Tây                     Quân Đoàn 14
Zhang Tingfa                                  Yang Dezhi                  Sư Đoàn 43
                                                                                           Sư Đoàn 49
                                                                                           Sư Đoàn Pháo Binh Thứ Tư
                                                                                           Sư Đoàn Phòng Không 65 D.
                                                                                           28 MIG-21
                                                       Không Lực                   560 MIG-19
                                                       Zhang Tingfa               98 MIG-17
                                                                                           120 F-9
                                                                                           142 máy bay khác
                                                                                           Khu trục hạm, 2 (hỏa tiễn)
                                                       Hải quân:                     Hộ tống khu trục hạm, 4 (hỏa tiễn)
                                                       Hạm Đội                      Tàu ngầm, 20
                                                       Nam Hải                     Tầu tuần cảnh, 27 (hỏa tiễn)
                                                                                           Các tàu khác, 604
So sánh, các con số cho thấy trước khi có chiến tranh các lực lượng Trung Quốc tại khu vực biên giới vượt trội về số lượng so với đối thủ Việt Nam của chúng với tỷ số 3 trên 1.  Chắc chắn, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược của họ Mao rằng “tại mọi trận đánh, tập trung một lực lượng ưu thế tuyệt đối” đánh lại quân thù Việt Nam.  Nhân lực được chủ trương như yếu tố “quyết định”. Song, cả chiến lược lẫn nhân lực Trung Quốc sớm đụng phải một sự thử nghiệm nghiêm trọng.
III. HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ
  Vì mục đích đơn giản hóa, “cuộc hoàn kích tự vệ” của QĐGPNDTQ được chia làm hai thời kỳ: thời kỳ yhứ nhất bao gồm từ ngày17 đến ngày 26 Tháng Hai, thời kỳ thứ nhì kéo dài từ 27 Tháng Hai đến 5 Tháng Ba.  Cuộc triệt thoái của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 5 Tháng Ba và được hoàn tất vào ngày 17 Tháng Ba.  Nhằm đặt tình trạng phức tạp này vào một tiêu điểm rõ nét hơn, phản ứng của Liên Bang Sô Viết và Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh mười sáu ngày cũng sẽ được thảo luận.
1. THỜI KỲ THỨ NHẤT: 17-26 THÁNG HAI
 Vào 5:00 giờ sáng ngày 17 Tháng Hai, 1979, một lực lượng Trung Quốc khoảng 100,000 người đã phát động cuộc “hoàn kích” của họ bằng việc phóng ra các vụ pháo kích cực kỳ mãnh liệt, được tiếp nối bởi các đơn vị thiết giáp và các làn sóng binh sĩ.  Tại Cánh Phía Đông với bộ chỉ huy mặt trận tại Nam Ninh, hai đội ngũ chính yếu của lực lượng đã tiến bước cùng lúc.  Mũi thứ nhất, hướng dẫn bởi Quân Đoàn 42, tiến từ Long Châu xuống Đồng Đăng, nhắm vào mục tiêu Lạng Sơn.  Mũi thứ nhì, hướng dẫn bởi Quân Đoàn 41, di chuyển từ Jingxi và Long Châu xuống Cao Bằng và Đồng Khê.  Ngoài ra, một sư đoàn (165D) của Quân Đoàn 55 đã tiến từ Fangcheng xuống Móng Cái (trên bờ biển). 33Mục tiêu chính là Lạng Sơn.
       Tại Cánh Phía Tây với bộ chỉ huy mặt trận đặt tại Mông Tự (Mengzi), ba mũi chính đã tấn công dữ dội.  Hướng dẫn bởi Quân Đoàn 13A và 11A, mũi thứ nhất tiến quân từ Hokou (Hà Khẩu?) xuống Lào Cai, một thành phố tỉnh lỵ nằm trên đường hỏa xa chạy xuống Hà Nội; mũi thứ nhì từ Wenshan (Văn Sơn?) xuống Hà Giang (phía đông của Lào Cai), và mũi thứ ba (hướng dẫn bởi Sư Đoàn 42D của Quân Đoàn 14A) từ Jinping xuống Lào Cai (phía tây Lào Cai). 34 Hiển nhiên, mục tiêu là Lào Cai.
       Một cách dễ hiểu, cuộc tấn công chớp nhoáng cxủa Trung Quốc được thiết kế cho một sự thắng lợi tối đa.  Nhưng các giới chức thẩm quyền ở Bắc Kinh không bao giờ nói trắng ra như thế.  Sự ức đoán từ phía Việt Nam tập trung quanh ba mục tiêu:
       1. Chiếm cứ mau chóng một dải đất dọc theo biên giới, sâu vào khoảng vài chục cây số, sẽ bao gồm các trị trấn Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai … Từ khu vực đầu cầu, nhiều cuộc tấn kích sẽ được phóng ra tùy thuộc vào tình hình.
       2. Triệt hủy các lực lượng quân sự Việt Nam và làm suy yếu khả năng quốc phòng của Việt Nam bằng việc thực hiện “cú quét sạch” các quân biên phòng, hủy hoại một phần lớn các binh sĩ tại địa phương, và gây thương tổn một số đơn vị chính quy.
       3. Hủy diệt các cơ sở kinh tế Việt Nam … 35
Việc tiến quan mau lẹ vào lúc khởi sự, các lực lượng Trung Quốc sớm gặp phải các sự khó khăn.  Địa hình gồ ghề của khu vực biên giới núi đồi bất tiện một cách lớn lao cho sự di chuyển các lực lượng cấp sư đoàn, các xe vận tải và các loại xe gắn động cơ khác.  Phiá Trung Quốc, không có các trang thiết bị tiếp vận hiện đại và bị kềm chế không được sử dụng sự chuyên chở bằng máy bay, 36 bị buộc phải dưa vào các xe vận tải cũ kỹ, con con ngựa, lừa và nhân công cho việc tiếp vận.  Họ cũng bị buộc phải phân tán rồi tái phân tán các lực lượng của họ từ sư đoàn xuống tới mức đại đội và ngay cả tới mức trung đội.  Tốc độ tiến quân của họ bị giảm thiểu rất nhiều.  Nguồn tin Việt Nam trích dẫn trước đây, mặc dù có tính chất thậm xưng, đã tường thuật như sau:
Quân xâm lược nhận thấy mình bị sa lầy và bao vây.  Chiến tranh nhân dân chiến đấu bởi phía Việt Nam, trong đó chỉ có các lực lượng địa phương được sử dụng, đã chặn đứng một cách hữu hiệu mọi cuộc tấn kích của Trung Quốc và bẻ gẫy mọi mũi mở đường của chúng. 37
       Đâu là chiến lược và các chiến thuật của Việt Nam đã làm chùn bước các cuộc tấn công của Trung Quốc? Tóm tắt, họ hoàn toàn sử dụng các binh sĩ địa phương và dân quân dọc theo khu vực biên giới để giao tranh trong khi tập hợp đội quân chính quy của họ tại đồng bằng phía nam Cao Bằng và Lạng Sơn.  Mục đích nhắm vào hai khía cạnh: làm suy yếu các lực lượng Trung Quốc bằng việc giao tranh ở biên giới và chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng với đội quân Trung Quốc suy yếu tại vùng đồng bằng.  Điều đó sẽ đặt phía Trung Quốc vào một vị thế cực kỳ bất lợi: họ sẽ có một tuyến tiếp vận kéo dài và sẽ đi ra khỏi tầm yểm trợ pháo binh của họ từ biên giới.
       Sự phòng thủ biên giới của Việt Nam mạnh mẽ một cách làm kinh ngạc.  Như một nguồn tin Việt Nam cho hay: các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, và Hà Tuyên [trong nguyên bản ghi sai là Hu Huyen?, chú của người dịch] thực sự tạo thành một “thành lũy không thể xâm nhập được”. 38 Một chiến lũy như thế được đặc trưng bởi các đường hầm, hang động, đường hào được trấn giữ bởi các dân quân được huấn luyện kỹ càng và được trang bị hoàn hảo trên khắp rặng núi.  Họ cũng sử dụng nhiều chiến thuật và hình thái chiến tranh khác nhau, chẳng hạn như giao chiến đường hầm, giao chiến trong rừng rậm, các cuộc tấn công bất ngờ, đặt bẫy và các bãi mìn, các vũ khí bắn tia laser (“tia tử thần”), và bẫy bằng cọc tre (tương tự như đối với quân Mỹ đã từng ở Việt Nam trong thời Chiến Tranh Việt Nam). 39 Thế hệ trẻ, đương thời của QĐGPNDTQ thiếu kinh nghiệm giao chiến.  Khuyết điểm này, cộng với sự không quen thuộc với địa hình hiểm trở, đã mang lại các sự khốn khổ khổng lồ cho QĐGPNDTQ.
       Đối diện với các trở ngại gần như bất ngờ này bên trong Việt Nam, các lực lượng Trung Quốc, ngoài việc phân tán và tái phân tán sư đoàn của họ xuống tới mức đại đội và trung đội, chấp nhận phản chiến lược và phản chiến thuật.  Họ được nói phải theo mệnh lệnh không được tiến sâu hơn 50 cây số vào trong lãnh thổ Việt Nam 40 hầu né tránh các cạm bẫy của một “trận đánh quan trọng” tại vùng đồng bằng.  Trong khi đó, phía Trung Hoa giữ làm trừ bị hơn phân nửa các lực lượng của họ bên trong Trung Quốc như các đơn vị mới và năng động để thay thế khi cần thiết.  Khi làm như thế, họ sẽ không để các lực lượng “bị suy yếu” lâm tình trạng bị bỏ rơi.  Hơn nữa, họ sử dụng các chiến thuật và phương pháp “biển lửa” và “biển người”, truy tìm đương hầm và cho nổ bộc phá, làm nổ bãi mìn, các cuộc tấn công bất ngờ, bao vây, và các hình thức khác của chiến tranh du kích. 41 Nhưng trong ít ngày đầu tiên của cuộc giao tranh, Trung Quốc hầu như không đưa ra bản tin báo chí nào về chiến tranh.  Mặc dù phía Việt Nam có đưa ra một vài bản tin, tin tức về tình hình chiến sự thật hiếm hoi đến nỗi ngay cả các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông thuộc Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Sô Viết tại Mạc Tư Khoa đã không thể thảo được một báo cáo chiến cuộc tương đối bao quát như được yêu cầu.
       Tóm lại, ngày đầu tiên của các cuộc tấn công của Trung Quốc là một sự khởi đầu mạnh mẽ và thành công.  “Biển lửa” và “biển người” được phối hợp tốt đẹp.  Sự giao tranh dữ dội nhất, theo đài phát thanh Hà Nội, ở tại các khu vực biên giới phía tây bắc của Bát Xát, và Mường Khương, và quanh các thị trấn biên cương đông bắc là Đồng Đăng, Hữu Nghị, và Thông Nông. 43 Trung Quốc tiến sâu hơn mười dặm vào Việt Nam và chiếm đoạt nhiều thị trấn biên giới.  Họ cũng băng ngang sông Hồng, nhấn sâu đến Lào Cai.
       Ngay khi chiến tranh bùng nổ, Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường chính thức rõ ràng.  Trong khi duy trì một tư thế trung lập, Bộ Ngoại Giao kêu gọi hôm 17 Tháng Hai một “cuộc triệt thoái tức thời bộ đội Việt Nam ra khỏi Kampuchea và bộ đội Trung Quốc ra khỏi Việt Nam”. 44 Bộ này cũng tuyên bố rằng “Sự xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam được đi trước bởi cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Kampuchea” .  Vào ngày sau đó, chính phủ Sô Viết đã công bố một bản tuyên bố trưng dẫn các nghĩa vụ hiệp ước của nó với Việt Nam, thúc dục Trung Quốc “hãy dừng lại trước khi quá trễ” và đòi hỏi “một sự triệt thoái tức thời bộ đội của Trung Quốc” ra khỏi Việt Nam. 45
       Vào ngày thứ nhì và thứ ba (18-19 Tháng Hai), các trận đánh dữ dội đã xảy ra.  Sự kháng cự của Việt Nam thì mạnh mẽ không ngờ.  Mặc dù tinh thần thì cao, nhân lực của Trung Quốc ở cấp sư đoàn khó có thể vận dụng được.  Chỉ có các đơn vị nhỏ là có thể hoạt động được.  Các lực lượng Trung Quốc áp dụng một cách ngập ngừng và đau khổ các chiến thuật và phương pháp đã tu chỉnh của họ, kể cả sư truy tìm đường hầm, cho nổ bộc phá, làm nổ bãi mìn, và các biện pháp khác đã thảo luận trước đây.  Cuộc tiến quân thực hiện từ đường hầm này đến đường hầm kia, từ ngọn đồi này đến ngọn đồi kia. Tiến độ chậm chạp của họ được nhận xét như một “sự ngừng nghỉ” chờ tăng viện hay triệt thoái. 46Nhưng họ đã chiếm giữ Mường Khương (tỉnh Hoàng Liên Sơn), Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), và Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn).  Trận đánh Đồng Đăng là một cuộc chạm trán dữ dội trong đó phía Trung Quốc đã đánh bại ”Lữ Đoàn Hổ Bay” (Flying Tiger Regiment) (đội quân chính quy). 47 Tại khu vực Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), cuộc xung đột trở nên một cuộc cù cưa.  Cả hai bên đều phải gánh chịu các tổn thất nặng nề.
       Trong khi chiến cuộc tiếp diễn trong tuần lễ từ 20 đến 26 Tháng Hai, nhiều sự khai triển quan trọng đã xảy ra.  Trước tiên là về các sự tường thuật sơ khởi về cuộc chiến.  Vào ngày 20 Tháng Hai, Bắc Kinh báo cáo lần đầu tiên rằng phía Trung Quốc đã gây ra các tổn thất “rất nặng nề” cho các lực lượng Việt Nam kể từ khi khởi sự cuộc chiến.  Họ đã tiến sâu 10 dặm vào lãnh thổ Việt Nam, chiêm giữ 26 điểm.  Đã có 10,000 người bị chết và bị thương về phía Việt Nam, trong khi chỉ có 2,000-3,000 về phía Trung Quốc. 48Ngoài ra, bẩy căn cứ hỏa tiễn của Việt Nam bị hủy diệt.  Nhưng phía Việt Nam đã đưa ra một sự tường thuật khác biệt.  Chỉ sau ba ngày giao tranh, phía Việt Nam đã gây “các tổn thất nặng nề” cho phía Trung Quốc.  Riêng tại tỉnh Cao Bằng (kể cả Trùng Khánh), bốn tiểu đoàn Trung Quốc đã bị tổn thương trầm trọng và một số các xe tăng và xe bọc thép bị hủy diệt. 49 Cả hai phía đã đưa ra các lời tuyên bố khác biệt, các sự tường thuật về cuộc giao tranh trở nên mâu thuẫn với nhau.
       Sự khai triển thứ nhì là sự chiếm cứ của Trung Quốc tại Lào Cai và Cao Bằng, và sự sẵn sàng để phóng ra một trận đánh tại Lạng Sơn.  Vào ngày 21 Tháng Hai, các lực lượng Trung Quốc, được tăng cường với hai sư đoàn, đã tái lập các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn của họ.  Sau các sự giao tranh cù cưa, dữ dội, họ đã chiếm đoạt các thành phố Lào Cai và Cao Bằng vào ngày kế tiếp.  Trong khi tiếp tục tiến quân, họ đã chiếm cứ nhiều khu vực hơn tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh.  Các sự giao tranh mới cũng bùng nổ tại khu vực Móng Cái (thị trấn duyên hải).  Điều được tường thuật rằng các lực lượng tăng phái của Việt Nam – các sư đoàn chiến đấu chính quy, pháo binh, và thiết giáp – đang di chuyển lên phía bắc. 50 Các lực luợng Trung Quốc bắt đầu giao tranh với quân chính quy Việt Nam tăng phái vào ngày 22 Tháng Hai. 52  Vào ngày 26 Tháng Hai, càng nhiều các binh sĩ Trung Quốc hơn được tập hợp gần Lạng Sơn.  Trong khi các sự giao tranh tiếp diễn tại các khu vực Lào Cai và Cao Bằng, trận đánh Lạng Sơn đã khởi sự.
       Sự khai triển thứ ba là sự lập lại thông điệp công khai của Trung Quốc rằng “cuộc chiến tranh giáo trừng” là một cuộc hành quân giới hạn về thời và không gian và rằng phía Trung Quốc sẽ triệt thoái khỏi Việt Nam tức thời sau khi các mục tiêu hạn chế đã đạt được.  Lời xác nhận đầu tiên của sự phát biểu như thế được đưa ra bởi Đặng Tiểu Bình hôm 19 Tháng Hai, khi ông ta có một cuộc đàm thoại với ông Alejandro Orfila người Á Căn Đình, Tổng Thư Ký Tổ Chức Các Quốc Gia Mỹ Châu.  Geng Biao đưa ra một ý kiến tương tự với một vị Đại Sứ Tây Phương hôm 23 Tháng Hai tại Bắc Kinh, bổ túc rằng chiến tranh sẽ chấm dứt “vào khoảng một tuần nữa, hay lâu hơn một chút … “. 53 Cùng ngày, Đặng Tiểu Bình một lần nữa lại đưa ra một quan điểm tương tự với ông Roy Jenkins, Chủ Tịch Công Đồng Kinh Tế Âu Châu. 54 Họ Đặng nói một cách cụ thể hơn một chút khi ông ta nói chuyện với Takei Watanabe, chủ tịch hãng thông tấn KYODO, cùng vào ngày 23 Tháng Hai.  Họ Đặng nói rằng chiến sự sẽ chấm dứt trong “khoảng 10 ngày” hay “một vài ngày lâu hơn”, và rằng Trung Quốc sẽ rút chân ngay sau khi mục tiêu của nó đạt được. 55 Một lời tuyên bố bổ túc được đưa ra hôm 25 Tháng Hai bởi Wang Zhen, phó thủ tướng đặc trách công nghiệp, tại một bữa tiệc dành cho ông Eric Varley, Bộ Trưởng Kỹ Nghệ của Anh Quốc.  Họ Wang cũng tuyên bố rằng Trung Quốc “không có ý định” di chuyển xuống Hà Nội. 56 Chắc chắn, các thông điệp công khai này  đã được phổ biến cho nhu cầu thông tin quốc ngoại cũng như quốc nội.  Về mặt đối ngoại, chúng được dùng làm bằng chứng để làm nản chí Liên Bang Sô Viết khỏi sự can thiệp, một sự đáp ứng với lời kêu gọi triệt thoaíu của Hoa Kỳ, 57 và liều thuốc êm dịu làm giảm bớt nỗi lo sợ của nhiêu quốc gia về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, và một sự tiết lộ bất thường gây khó hiểu cho Hà Nội.  Về mặt đối nội, các thong điệp làm thất vọng phe chủ chiến nhưng làm dịu phe chống đối chiến tranh.
       Sự khai triển thứ tư là các sự chuyển động của Sô Viết.  Ngoài một hạm đội gồm 11 tàu hải quân Sô Viết ngoài khơi Việt Nam, Liên Bang Sô Viết đã phái hôm 21 Tháng Hai một tuần dương hạm hạng Sverdlov và một khu trục hạm hạng Krivak sang Biển Nam Hải.  Điều được tường thuật rằng hai tàu này sẽ gia nhập vào hạm đội Sô Viết ngoài khơi Việt Nam. 58 Trong khi đó, sự không vận các vũ khí của Sô Viết cho Việt Nam được nói là đã khởi sự.  Hai chuyến bay đặc biệt từ Sô Viết và Bulgari với các tiếp liêu quân sự đã bay đến Hà Nội qua ngả Calcutta.  Một phái đoàn quân sự từ Moscow cũng đã khởi hành sang Việt Nam. 59
       Trong khi tiếp tục tuyên bố về sự ủng hộ của Moscow, các viên chức quân sự Sô Viết đã lên tiếng.  Thứ Trưởng Quốc Phòng Thứ Nhất, Thông Chế S. L. Sokolov yêu cầu tại Moscow hôm 22 Tháng Hai, trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Hải và Lục Quân Sô Viết lần thứ 61, rằng Bắc Kinh “phải rút tay” ra khỏi Việt Nam. 60 Trong cùng dịp tại Hà Nội, Đại Tá N. A. Trarkov, tùy viên quân sự của Tòa Đại Sứ Sô Viết, cũng đòi hỏi sự triệt thoái tức thời của Trung Quốc.  Trarkov, trong một phong cách hung hăng, còn tuyên bố thêm rằng Liên Bang Sô Viết sẽ “thi hành các nghĩa vụ của nó chiếu theo hiệp ước Sô Viết – Việt Nam”. 61 Rõ ràng, thông điêp của Trarkov là nhằm dành cho đối tượng Việt Nam, hơn là cho Trung Quốc.
       Bất kể các lời nói cứng rắn này, một thông điêp tỉnh táo và thực tiễn đã được đưa ra bởi các viên chức Sô Viết với nhiều nhà ngoại giao Á Châu và Tây Phương tại Mạc Tư Khoa.  Thông điêp cho thấy rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không dự trù việc can thiệp vào cuộc chiến tranh Trung – Việt chừng nào quy mô của sự giao tranh còn được hạn chế. 62
       Tổng kết, vào cuối thời kỳ thứ nhất của cuộc giao tranh (17-26 Tháng Hai), sự phát triển của cuộc chiến trở nên tương đối rõ ràng: phía Trung Quốc đã chiếm giữ nhiều thành phố biên giới trong khi vẫn duy trí ý định không tiến quân xuống Hà Nội; chiến tranh sẽ tiếp tục trong mười ngày nữa hay lâu hơn một chút; và Liên Bang Sô Viết sẽ không can thiêp vào cuộc xung đột.  Trong khi đó, các số tổn thất lên cao cực kỳ .
2. THỜI KỲ THỨ NHÌ: 27 THÁNG HAI – 4 THÁNG BA
Bất kể sự giao tranh tiếp diễn tại các khu vực ở Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái, cuộc chiến trong giai đoạn này được tập trung quanh Lạng Sơn.  Cách khoảng 10 dặm từ Hữu nghị Quan và 85 dặm đến Hà Nội, Lạng Sơn đối diện với một vùng hiểm trở ở hướng bắc và đồng bằng rộng mở ở hướng nam.  Nó là một trạm khó khăn cho các lực lượng phương bắc chiếm đoạt nhưng thuận lợi để phóng ra một mũi tấn công quan trọng nhắm vào Hà Nội.  Nó là một thành phố quan trọng về mặt chiến lược cho sự phòng thủ Hà Nội.
       Trận đánh Lạng Sơn khởi sự vào ngày 27 Tháng Hai.  Trung Quốc đã phái thêm hai sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (đông nam Lạng Sơn) đến tăng viện.  Các đơn vị mới và chưa đụng trận cũng băng qua Việt Nam. 63 Các cuộc tấn công vũ bão của” Trung Quốc gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Việt Nam tại các Đồi 417, 473, 556, 568, và 800. 64 Các sự tổn thất nặng nề được tường thuật cho cả hai bên.  Hàng nghìn thi thể rải rác dọc Xa Lộ 1A (tây nam Lạng Sơn đến Hà Nội). 65 Trong khi các lực lượng Trung Quốc tấn công, họ cũng bắt đầu cắt đứt một cách có hệ thống mọi con đường nối liền với Lạng Sơn.  QĐGPNDTQ, mặc dù trên một quy mô nhỏ, đang áp dụng chiến lược của họ Mao “lấy nông thôn bao vây thành thị” để né tránh một cạm bẫy của Việt Nam muốn tạo thành “một trận đánh kiểu Verdun thứ nhì” tại Lạng Sơn. 66 Điều quan trọng cần ghi nhận, trong khi trận đánh ở Lạng Sơn diễn ra một cách mau lẹ, các lực lượng Việt Nam đã tìm cách tấn công hai thị trấn biên giới Trung Quốc thuộc Quảng Tây: Malipo và Ninh Minh. 67 Không có tổn thất đáng kể, nhưng làm phát lộ ở vài tầm mức khả tính bị xâm kích của hậu tuyến của Trung Quốc.
       Vào ngày 2 Tháng Ba, QĐGPNDTQ nói chung đã bao vây Lạng Sơn.  Nó đoạt được sự kiểm soát  phần lớn các ngọn đồi quanh thành phố ngoại trừ núi Khấu Mã Sơn không thể thiếu được về mặt chiến lược.  Tờ Renmin Ribao tường thuật quả núi như “vị trí then chốt cho việc phóng ra các cuộc tấn công cũng như để phòng thủ của Lạng Sơn”. 68
       Cuộc tấn kích sau cùng đã được phóng ra hôm 3 Tháng Ba với sự chiếm giữ Đồi 303 xảy ra trước đó.  Các xe tăng dẫn đường bộ binh trong một cuộc xô đẩy tiến về phía trước chỉ trong vòng mười phút; sau đó ngọn đồi được chiếm giữ.  Không lâu sau đó, pháo binh Việt Nam trên ngọn núi Khâu Mã Sơn đã pháo kích nặng nề vào QĐGPNDTQ trên ngọn đồi.  Các xe tăng Trung Quốc một lần nữa phối hợp với bộ binh.  Sau các cuộc trao đổi dữ dội các hỏa lực, làm nổ bãi mìn, và bộc phá đường hầm, sáu vị trí khai hỏa của Việt Nam trên ngọn núi đã lần lượt bị triệt hạ.  Các hỏa tiễn sau cùng bắn đi từ đỉnh núi báo hiệu sự chiếm giữ được ngọn đồi. 69 Không lâu sau đó, Lạng Sơn bị chiếm đoạt.  Tại thành phố chiến lược mới bị chiếm đoạt này, các lực lượng Trung Quốc đã tìm thấy các đường hầm công sự rộng lớn, kể cả một con đường rộng đủ cho nhiều chiếc xe chạy song song với đường hầm, và một sảnh đường tập hợp dành cho các cuộc họp chính trị và giải trí. 70
       Các sự giao tranh nhỏ cũng được tường thuật ở các khu vực khác.  Theo các nguồn tin Việt Nam, Đồng Đăng hoàn toàn bị san bằng.  Các lực lượng Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh tâm lý, đã phân phát gạo cho người Việt Nam tại Cao Bằng và Cam Đường sau khi họ đã chiếm giữ hay phá hủy các khu vực này. 71   Sau khi Lạng Sơn được tường thuật đã thất thủ, giao tranh vẫn tiếp diễn quanh Lộc Bình và Móng Cái.  Để bảo đảm an toàn cho sự triệt thoái, các lực lượng Trung Quốc đã đặt mìn giật sập chiếc cầu nam Lạng Sơn. 72
       Vào ngày 5 Tháng Ba, chính phủ Trung Quốc đã loan báo sự triệt thoái QĐGPNDTQ khỏi Việt Nam. 73 Một cách mỉa mai, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi, trong cùng ngày, một cuộc tổng động viên toàn quốc cho cuộc chiến. Một thông tư từ Ủy Ban Trung Ương của ĐCSTQ gửi một văn phòng đảng ủy khắp nước có đưa ra các tin tức bổ túc về cuộc chiến.  Bản văn tuyên bố rằng QĐGPNDTQ đã “tiến sâu 30 .. cho đến 80 dặm, chiếm giữ các tỉnh lỵ của Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai,và 17 quận huyện và thành phố khác, gây tổn hại nghiêm trọng cho 4 sư đoàn chính quy và 10 trung đoàn trong các lực lượng của địch”. 74 Cùng ngày, Li Xiannian (Lý Tiên Niệm), trong một cuộc phỏng vấn với một chủ biên Nhật Bản, đã cảnh cáo Hà Nội về bất kỳ cuộc tấn công nào của Việt Nam trong khi triệt thoái”. 75 Đáp lại lời cảnh cáo của họ Lý, Hà Nội đã trải thảm đỏ cho sự rút lui của Trung Quốc.  Hà Nội đã loan báo hôm 7 Tháng Ba rằng để bày tỏ “thiện chí vì hòa bình” của Việt Nam, Việt Nam sẽ “cho phép” quân xâm lược Trung Quốc được triệt thoái. 76
       Lập trường của Sô Viết trong thời kỳ này cần phải được đề cập đến ở đây. Trong lời lẽ nghiêm khắc, cả Kosygin và Brezhnev đã chỉ trích cuộc tấn công của Trung Quốc như một “hành vi mỉa mai và man rợ của giới hải tặc quốc tế”, đòi hỏi một sự chấm dứt tức thời “cuộc chiến tranh xâm lược”: của Trung Quốc”, và đã cảnh cáo Trung Quốc về “sự trung thành đối với hiệp ước Sô Viết – Việt Nam” của Sô Viết.77 Nhưng đã có ít hành động của Sô Viết vượt quá các lời cảnh cáo này ngoài sự tiếp tục cuộc không vận các vũ khí và bố trí hải quân ngoài khơi bờ biển Việt Nam.  Cuba, vào lúc sắp có cuộc rút quân của Trung Quốc, cũng cảnh cáo Trung Quốc rằng nó sẽ cung cấp cho Việt Nam mọi sự trợ giúp, kể cả các binh sĩ nếu cần. 78 Bởi Liên Bang Sô Viết đã không tự thân dính líu về mặt quân sự vào cuộc chiến, một lòi hứa hẹn của Sô Viết về viện trợ hậu chiến cho Việt Nam trở thành bắt buộc và dễ dàng để hứa hẹn.  Do đó, Kosygin, trong cuộc thăm viếng của ông ta tại Ấn Độ  hôm 10 Tháng Ba, đã đưa ra một sự cam kết  như  thế với Hà Nội .  79
Một nghịch lý đã phát triển tại Liên Hiệp Quốc. Được yêu cần nguyên thủy bởi Na Uy, Bồ Đào Nha, Đại Anh Cát Lợi, và Hoa Kỳ đòi mở ra một cuộc tranh luận về “tình hình tại Đông Nam Á và các hàm ý của nó đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, Hội Đồng Bảo An nhận thấy tự bản thân bị phân hóa không thể hòa giải được sau năm phiên họp vào các ngày 23, 24, 25, 27 và 28 Tháng Hai. 80 Cuộc tranh luận thì nghiêm trọng và chua chát.  Các thành viên khối ASEAN 81 không chấp thuận các cuộc xâm lăng của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam và thúc dục họ rút về các lực lượng của mình.  Phái đoàn Mỹ, cầm đầu bởi Andrew Young, tán thành một nghị quyết theo đường lối của lập trường của khối ASEAN, đòi hỏi sự triệt thoái các binh sĩ “ngoại lai”; không nước nào bị nêu tên.  Liên bang Sô Viết và CHNDTQ tranh luận chống lại nhau.  Phái đoàn LBSV, cầm đầu bởi Mikhail A. Kharlamov, đã cảnh cáo rằng LBSV sẽ không ủng hộ một nghị quyết mà không kết án Trung Quốc và đòi hỏi một sự triệt thoái binh sĩ Trung Quốc (chữ in nghiêng để nhấn mạnh của tác giả).  Nga đã đệ trình (cùng với Tiệp Khắc) một dự thảo nghị quyết hôm 23 Tháng Hai kết án Trung Quốc về cuộc xâm lăng của nó, đòi hỏi sự triệt thoái toàn thể binh sĩ Trung Quốc và một sự bồi thường trọn vẹn các tổn hại vì chiến tranh của Việt Nam, và kêu gọi một cuộc cấm vận vũ khí chống lại Trung Quốc. 82 Chen Chu, đại biểu Trung Quốc, chỉ trích sự cổ vũ của Sô Viết cho các cuộc tấn công của Việt Nam vào Trung Quốc và cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Kampuchea.  Phái đoàn Trung Quốc đã đệ trình bản dự thảo nghị quyết của mình hôm 24 Tháng Hai, kêu gọi sự triệt thoái tức thì tất cả các binh sĩ Việt Nam ra khỏi Kampuchea. 83
       Trong khi cuộc chiến tranh tiếp diễn mau lẹ, các sự bất đồng trên các nghị quyết đề nghị kéo lê chân.  Cả hai nghị quyết của Sô Viết lẫn Trung Quốc đều không có hy vọng được thông qua.  Ngay bản dự thảo nghị quyết nhẹ nhàng nhất của khối ASEAN, được đệ trình vào ngày 16 Tháng Ba, khi sự triệt thoái các binh sĩ Trung Quốc được hoàn tất, cũng sẽ gặp phải sự phủ quyết của Sô Viết, đặc biệt nó đã đu dây quanh các thuật  ngữ ngoại giao bằng cách nói “các bên của cuộc xung đột” và yêu cầu “mọi bên” triệt thoái mà không kết án Trung Quốc.  Đối với phái đoàn Trung Quốc, nghị quyết của khối ASEAN có thể chấp nhận được bởi nó sẽ bao che cho sự xâm lăng của Trung Quốc, và thúc dục phía Việt Nam rút quân ra khỏi Kampuchea. Nếu Hội Đồng Bảo An thúc đẩy sự chấp thuận bản nghị quyết của khối ASEAN, điều này sè không chỉ mời gọi một sự phủ quyết của Sô Viết và một cuộc cãi cọ Nga- Hoa nghiêm trọng hơn mà phần lớn các nước Thế Giới Thư Ba đều lo sợ, mà lại còn có vẻ chấp thuận một nghị quyết một chiều “thân Trung Quốc”.  Cố gắng mạnh mẽ để giữ vị thế trung lập, phần lớn các thành viên của Hội Đồng lùi bước.  Hậu quả, Hội Đồng Bảo An đã thất bại không đưa ra được một nghị quyết trong suốt cuộc chiến tranh. 85 Kinh nghiệm này một cách mỉa mai đã xác nhận điều mà một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc đã nói với tác giả này trong tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến tranh: “Khi có một sự tranh chấp giữa các nước lớn, Liên Hiệp Quốc biến mất!” 86
IV. MỘT SỰ LƯỢNG GIÁ
QĐGPNDTQ khởi sự triệt thoái hôm 5 Tháng Ba.  Đó là một tiến trình “đổi chiều xoay vòng” của sự triệt thoái.  Nói cách khác, khi các đơn vị tiền tuyến rút đi, các đơn vị phía sau bảo toàn sự di chuyển cho một sự rút lui trật tự cho đến khi các đơn vị sau đuối rõ ràng sẽ ở tại tuyến đầu; sau đó đợt thứ nhì của sự rút quân khởi sự.  Điều đó dễ dàng để điều khiển bởi đường rút lui thì ngắn và phía Việt Nam không truy kích.  Sự triệt thoái được hoàn tất hôm 16 Tháng Ba.  Bất kể sự xác quyết của Đặng Tiểu Bình rằng QĐGPNDTQ “có thể đi hết con đường xuống tới Hà Nội nếu họ muốn”, 87 sự triệt thoái mau lẹ là một quyết định đúng của Bắc Kinh vì các lý do tài chính và quân sự.  Như Chen Yun (Trần Vân) đã vạch ra tại Hội Nghị Công Tác Trung Ương hồi Tháng Tư 1979, nếu chiến tranh kéo dài sáu tháng nữa, gánh nặng tài chính sẽ to lớn không thể gánh vác được.  “Sau cùng”, họ Chen lập luận, “ngay dù chúng ta chiếm giữ Hà Nội, điều đó sẽ phục vụ cho mục đích gì?” 88
       Các nhà lãnh đạo CHNDTQ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận để lượng giá cuộc chiến tranh.  Các quan điểm khác biệt và các sự chỉ trích được lên tiếng.  Trong việc nhìn nhận một sự tổn thất nặng nề về phía Trung Quốc, cả Đặng Tiểu Bình và Trần Vân đã gạt sang một bên bất kỳ sự tranh luận nào khác và sự lượng giá thấu đáo.  Trong khi Trần Vân ám chỉ rằng một cuộc chiến tranh “không thắng lợi” như thế không nên được lập lại vì các lý do tài chính, họ Đặng đã xác quyết một sự chiến thắng chính trị của cuộc chiến tranh bất kể có một số tổn thất về quân sự.  Hậu quả, nó vẫn là một cuộc chiến thắng của Trung Quốc, họ Đặng đã tuyên bố. 89 Bởi họ Đặng là nhà lãnh đạo thực sự chính quyền, quan điểm của ông ta thắng thế trên các quan diểm của Trần Vân.
1. CÁC THẮNG LỢI VÀ CÁC TỔN THẤT
Trong suốt cuộc giao tranh 16 ngày, Cánh Phía Tây của Yang Dezhi thành công hơn Cánh Phía Đông dưới quyền chỉ huy của Xu Shiyou.  Các tổn thất cũng thấp hơn tại Cánh Tây.  Sự chỉ huy kém thành công hơn của họp Xu trong chiến tranh, bị phê bình nặng nề bởi phe “bất kỳ điều gì”, cộng với sự chống đối của ông ta việc giải hóa học thuyết họ Mao (de-Maoization) đã dẫn đến sự bãi chức Tư Lệnh Quân Khu Quảng Châu của ông ta vào Tháng Một 1980. 90 Ngược lại, Yang Dezhi được thăng lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng QĐGPNDTQ trong Tháng Ba 1980.
       Khi cuộc chiến tranh kết thúc, đã có nhiều báo cáo trái ngược nhau về các sự tổn thất.  Đài Phát Thanh Hà Nội tuyên bố rằng các lực lượng Việt Nam đã hạ sát hay làm bị thương 42,000 quân Trung Quốc. 91 Tướng Wu Xiuquan, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng QĐGPNDTQ, tuyên bố rằng phía Trung Quốc đã hạ sát hay làm bị thương 50,000 người Việt Nam, so với 20,000 bên phía Trung Quốc. 92 Một nguồn tin khác tiết lộ các số tổn thất  “vào khoảng đồng đều”. 93 Trong một hình thúc cô đọng, một bảng về các sự tổn thất chính của cả hai phía được biên soạn như sau:
BẢNG 1.  CÁC TỔN THẤT VÌ CHIẾN TRANH
                                                                        Trung Quốc            Việt Nam
Bị giết                                                              26,000                              30,000
Bị thương                                                         37,000                             32,000
Tù Binh Chiến Tranh                                  260                                    1,638
Xe tăng, xe bọc sắt                                        420                                     185
Súng & súng cối hạng nặng                         66                                        200
Trạm phóng hỏa tiễn                                        0                                          6
___
Nguồn: Tongzhi, trang 3; P’ou-his Pao-kao, trang 16; Chan-cheng chih Yen-chiu, trang 2; FBIS, 3 Tháng Năm, 1979, trang E1; NYT, 5, 27, 28 Tháng Ba, 9 Tháng Tư, và 3 Tháng Năm 1979; CSM, 7 Tháng Ba, 1979; và Cheng Ming, 1 Tháng Tư, 1979, trang 10.
      Trung Quốc đà đối xử với các Tù Binh Chiến Tranh Việt Nam với sự khoan dung. 94 Trong số các tù binh Việt Nam, một đại tá và một trung tá được nói là có cấp bậc cao nhất. 95 Các du khách từ Quảng Tây đến Hồng Kông vào cuối Tháng Ba 1979 cho tin tác giả này rằng các tù binh Việt Nam được đối xử tốt nhưng rằng có ít nhất 30,000 lính Trung Quốc bị thương ở tất cả các bịnh viện chính của Quảng Tây. 96
       Tại các lãnh vực khác của bảng cân đối các sự thắng lợi và tổn thất, phía Trung Quốc đạt được có lẽ khoảng 50-55% các mục tiêu giới hạn đã ấn định của họ.  Nói chung, QĐGPNTQ giữ được sự chủ động của nó trong chiến tranh, theo sát các kế hoạch tiến quân và rút lui của nó.  Nó hoạt động khá tốt, mặc dù chậm chạp, tại địa hình hiểm trở, không quen thuộc, kể cả trong sự giao ttranh chống lại đường hầm và chống mìn của nó.  Bởi thiếu các trang thiết bị tiếp vận hiện đại, nó đã sử dụng tối đa dân quân làm các công việc tiếp vận. 97 Nó đã hủy diệt 6 [? hay 7] trạm hỏa tiễn, nhiều cầu, đường lộ, đường hỏa xa, và các cột điện.  Như một ký giả đã mô tả không lâu sau cuộc chiến:
Ở mọi nơi các cây cầu bị giật sập và các đường xá bị gài mìn và phá hủy.  Các bệnh viện tại Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng bị triệt hạ.  Tại cả ba thị trấn … mọi sự bị đổ nát và tất cả đều câm lặng.  Khoảng 80% các kiến trúc bị phá hủy.  Không một cột điện duy nhất nào còn đứng lại trong hay quanh ba thị trấn … Có sự khan hiêm nước uống khắp nơi trong vùng và dòng điện bị cắt đứt.  Các ngôi làng kề cận cũng nằm trong sự đổ nát …98
Sự phá hoại trong vùng khá triệt để.  Mặc dù không ai có thể phủ nhận rằng đại đa số sự phá hủy đó được thực hiện bởi phía Trung Quốc, nó có thể không hoàn toàn được thi hành bởi chúng.  Như cùng phóng viên này đã viết, “Không thể xác định bao nhiêu tổn hại đã bị gây ra bởi binh sĩ Trung Quốc … và bởi các binh sĩ Việt Nam khi họ cố gắng giành lại lãnh thổ Việt Nam”. 99 Bất kể phần góp sức nhỏ nhoi khả dĩ của bộ đội Việt Nam vào sự hủy diệt, phản ứng tức thời của nhân dân Việt Nam phải gánh chịu sự đổ nát chắc chắn là một sự thù hận sâu sắc đối với quân Trung Quốc.
Mặc dù các lực lượng ưu thế của Trung Quốc đã gây tổn hại phần nào cho vài sư đoàn chính quy của Việt Nam, chẳng hạn như Sư Đoàn 3 tại Đồng Đăng, sư đoàn 345 và 316 (A) tại Lào Cai và có thể sư đoàn 346 tại Lạng Sơn, 100  Trung Quốc đã không có khả năng triệt hủy một cách đáng kể một hay hai sư đoàn.  Một trong các nhược điểm lớn nhất của Trung Quốc là vũ khí và sự tiếp vận lạc hậu. Sự thiếu các vũ khí và trang thiết bị tiếp vận hiện đại, khi so sánh với vũ khí và trang thiết bị tiếp vận của Việt Nam, đã khiến cho các lực lượng Trung Quốc bị bất lực một cách lớn lao trong việc sở đắc một ưu thế về hỏa lực, di chuyển binh sĩ, tấn công và hệ thống truyền tin. 101 Ngoài ra, họ đã ước lượng thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam.  Thí dụ, Thứ Trưởng Quốc Phòng Su Yu đã báo cáo tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba của ĐCSTQ hồi cuối Tháng Mười Hai 1978 rằng QĐGPNDTQ có thể chiếm cứ Hà Nội trong vòng một tuần lễ với chỉ một phần sức mạnh từ các Quân Khu Quảng Châu và Côn Minh. 102 Trong thực tế, QĐGPNDTQ  đã cần đến 16 ngày để chiêm cứ Lạng Sơn (cách Hà Nội 85 dặm) với sức mạnh của 10 sư đoàn rút ra từ sáu quân khu – một sức mạnh gần ngang bằng sức mạnh của hai Quân Khu Quảng Châu và Côn Minh cộng lại.
Sự thiếu kinh nghiệm chiến tranh cũng góp phần vào nhược điểm của các lực lượng Trung Quốc.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có hay biết về tình trạng này, nhưng có thể họ đã không kỳ vọng một cách cụ thể ở hai sự khai triển kể sau.  Một là sự vô khả năng của các sĩ quan cấp thấp để đưa ra các sự phán đoán độc lập và các hoạt động phối hợp vào những lúc nguy cấp; 101 sự phát triển kia là vấn đề tinh thần.  Chúng làm giảm sút đáng kể hiệu năng của các cuộc tấn công của Trung Quốc.
Vấn đề tinh thần không phải là một trường hợp biệt lập của quân đội can dự vào cuộc chiến tranh.  Nó đã, và hiện vẫn là một vấn đề tổng quát trong quân đội cũng như toàn thể dân chúng trong thời hậu Mao.  Một sự thảo luận sâu rộng về vấn đề này ở đây vượt quá phạm vi nghiên cứu; song điều thích đáng là duyệt xét lại một cách ngắn gọn các vấn đề cụ thể liên quan đến chiến tranh.
Tại Cánh Phía Đông dưới quyền chỉ huy của Xu Shiyou, tinh thần của một số đơn vị, mặc dù nhỏ về quân số, thì thấp đến nỗi các sĩ quan thượng cấp sẽ phải cưỡng bách binh sĩ của họ tiến quân. 104 Tinh thần thấp cũng được nhận thấy ở hậu phương.  Theo tài liệu nửa bí mật được trưng dẫn trước đây, nhiều nhà lãnh đạo và cán bộ địa phương tại một ít địa điểm “xa cách tiến tuyến cuống cuồng đưa ra các quyết định độc đoán, sau khi chiến tranh bùng nổ, về việc di tản [phải là evacuating, thay vì trong nguyên bản làevaluating, có nghĩa lượng giá, và làm câu văn không có ý nghĩa, có lẽ vì sắp chữ sai, chú của người dịch] gia đình và cư dân của họ.  Nhiều cán bộ còn “vắng mặt trong công tác, tạo ra các ảnh hưởng xấu nghiêm trọng”, 105 Truyền thông đại chúng Việt Nam cũng công bố vấn đề tinh thần phía Trung Quốc như một trong ba yếu tố cho sự “thất trận” của Trung Quốc”. 106 Vấn đề này vẫn tồn tại ngày nay như một trong nhiều vấn đề nghiêm trọng trong các lực lượng Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
2. LƯỢNG GIÁ
 Bất kể sự kiện rằng cả hai phía Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyên bố một sự chiến thắng trên phía bên kia, 107 không bên nào đã đạt được các mục tiêu quan trọng của nó.  Liên quan đến Trung Quốc, “các mục tiêu giới hạn” được công bố của nó chỉ đạt được một phần.  Trước tiên, nó đã không hủy diệt được một vài sư đoàn mạnh mẽ của Việt Nam.  Thứ nhì, nó đã không thể bình định khu vực biên giới thoát khỏi các cuộc xung đột vũ trang.  Thứ ba, nó đã không buộc quân đội Việt Nam phải triệt thoái khỏi Kampuchea.  Thứ tư, nó đã thất bại không ảnh hưởng được chính quyền Hà Nội phải thay đổi chính sách của Việt Nam đối với cư dân gốc Hoa tại Việt Nam.  Về phía đối cân của sổ cái kết toán, Trung Quốc đã khêu lên các mối nghi ngờ cho Hà Nội về sự sẵn lòng của Sô Viết để can thiệp bằng vũ lực chống lại Trung Quốc.  Hơn nữa, CHNDTQ cũng đạt được một vài sự ủng hộ từ khối ASEAN cho toan tính của nó nhằm chặn đứng sự tiên bước hơn nữa của Việt Nam tại Đông Nam Á.  Hơn nữa, nó đã gây ra một ảnh hưởng xấu trực tiếp trên nền kinh tế Việt Nam.
       Nhưng, một sự lượng giá quan trọng hơn nhiều sẽ phải đặt trên chiến lược của Trung Quốc.  Học thuyết “con người ưu thế hơn vũ khí” diễn tiến ra sao từ cuộc thử nghiệm?  Hay nói một cách rộng rãi hơn, lý thuyết và chiến lược của họ Mao về “chiến tranh nhân dân” đã chứng minh là đúng hay đã lỗi thời?
Hiển nhiên, chiến lược “chiến tranh nhân dân” trong “các điều kiện hiện đại”, như được thảo luận trước đây, đã được áp dụng trong cuộc chiến tranh.  Và một số các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp vẫn còn bám víu vào học thuyết cũ kỹ của “chiến tranh nhân dân” như một lá bùa thần diệu để đánh bại địch quân. 108 Như kết quả của cuộc chiến tranh 16 ngày, cả khí giới lạc hậu lẫn chiến lược lỗi thời đã bị bộc lộ ra trước giới lãnh đạo Bắc Kinh.  Trong khi họ đã chấp nhận sự kiện về khí giới lạc hậu, các lãnh đạo quân sự cao cấp đã có các khó khăn trong việc nhìn nhận chiến lược lỗi thời của họ.  Trong khi “phe hiện đại hóa quân sự” chủ trương rằng thời đại đã thay đổi, và chiến lược theo đó cũng sẽ phải được thay đổi.
Sự thừa nhận chiến lược lỗi thời và tư tưởng quân sư sai lầm đã diễn ra trong một cung cách tế nhị.  Vào ngày 26 Tháng Ba, 1979, tờ Nhật Báo Quân Đội Giải Phóng (Liberation Army Daily: Jiefangjun Bao) đã đăng tải một sự lượng giá chiến tranh của ban biên tập.  Bài báo tuyên bố rằng chiến tranh đã
giáo dục và tôi luyện nhân dân chúng ta, củng cố sự thống nhất của họ, và năng cao lòng yêu nước cùng nhiệt tình làm biến đổi Trung Quốc của họ.  Nó cũng giúp việc khai quang một số ý tưởng sai lầm về vấn đề chiến tranh và một số các vấn đề khác109 (chữ in nghiêng để nhấn mạnh của tác giả).
“Những ý tưởng sai lầm” và “các vấn đề khác” về chiến tranh đã được khai quang là những tư tưởng nào?  Tờ báo quân đội đã không nêu cụ thể.  Ngay cả nếu “các ý tưởng sai lầm” có nghĩa là lý thuyết và chiến lược “chiến tranh nhân dân” của họ Mao, điều đó cũng không tạo thành một sự thú nhận công khai như thế.  Dù sao, có một điều chắc chắn: “các ý tưởng sai lầm” này và “hóa thạch của tư tưởng” được trưng dẫn trước đây trong quân vụ chịu sự phê bình nghiêm trọng.  Bài viết của ban biên tập này là tài liệu đầu tiên công khai thừa nhận một số trong các ý tưởng về chiến tranh này theo cùng đường lối hóa giải huyền thoại tổng quát đang diễn ra về chủ thuyết của họ Mao vào lúc đó.
Một câu trả lời minh bạch cho vấn đề này sau cùng đã được đưa ra sáu tháng sau đó.  Dùng dịp kỷ niệm hàng năm lần thứ 30 sự thành lập Cộng Hòa Nhân Dân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Xu Xiangqian đã viết một bài báo, bày tỏ mạnh mè quan điểm chính thức:
Tư tưởng quân sự của chúng ta phải kiểm điểm với các điều kiện đang thay đổi.  Nếu chúng ta ứng xử và chỉ huy một cuộc chiến tranh hiện đại trong cung cách cổ xưa mà chúng ta đã làm trong các thập niên 1930 và 1940, chúng ta nhất thiết gặp phải một sự kháng cự to lớn và phải gánh chịu một sự thất trận nghiêm trọng.  Như chúng ta biết, trong lịch sử chiến tranh, đã có nhiều sự thất trận gây ra không phải bởi nhân lực hay khí giới yếu kém, mà là bởi tư tương quân sự lạc hậu và sự chỉ huy chiến tranh sai lầm110 (các chữ in nghiêng để nhấn mạnh là của tác giả).
Một sự thừa nhận như thế về tư tưởng quân sự Trung Quốc lạc hậu sẽ nhất định không được cất lên nếu họ Mao vẫn còn nắm quyền lực.  Rõ ràng, sự tự phê bình này liên hệ chặt chẽ với chiến dịch hóa giải chủ thuyết họ Mao và sự lên ngôi của họ Đặng.
Đăng Tiểu Bình đã đúng  khi nói rằng “cuộc chiến tranh giáo trừng” sẽ bộc lộ các khuyết điểm của QĐGPNDTQ để cải thiện.  Giờ đây “các khuyết điểm” đã được phơi bày.  Ngoài các đề mục đã thảo luận trước đây, tư tưởng quân sự của “chiến tranh nhân dân” có lẽ là một sự tụt hậu nghiêm trọng nhất.
Trong khi phóng ra “cuộc chiến tranh giáo trừng” này, Trung Quốc đã dạy cho cả Việt Nam lẫn chính nó một bài học.  Các giới chức thẩm quyền quân sự Bắc Kinh hẳn đã phải đạt tới kết luận rằng QĐGPNDTQ đã không có năng lực để giao tranh một cuộc chiến tranh hiện đại trước khi nó được hiện đại hóa cả về khí giới lẫn chiến lược.
V. CÁC HÀM Ý: CÁC NỖ LỰC CHO SỰ HIỆN ĐẠI HÓA MAU LẸ
 Đến giữa năm 1982, tác động của “cuộc chiến tranh giáo trừng” trên QĐGPNDTQ đã mang lại một động lực bổ túc cho nỗ lực hiện đại hóa quân sự.  Tóm tắt, nỗ lực này có thể           được phân chia thành hai lãnh vực: 1) vị trí của tư tưởng quân sự của họ Mao, và 2) sự chính quy hóa (chuyên nghiệp hóa) và hiện đại hóa hệ thống quân đội và khí giới.  Sẽ là điều thích đáng để nói sơ qua về mỗi lãnh vực.
       Vị trí của tư tưởng quân sự của họ Mao.  Làm sao để lượng định một cách đúng đắn tư tưởng quân sự của họ Mao đã là một phần của vấn đề khó khăn của một sự tái lượng giá bao quát về họ Mao kể từ khi có sự từ trần của ông ta trong năm 1976.  Sau một sự trì hoãn và thảo luận kéo dài, giới lãnh đạo đảng đã đạt tới “một sự phán đoán chính thức về các thành tích và các lỗi lầm của họ Mao” 111 vào Tháng Năm 1981, và đã gộp nó vào một tài liệu đảng, “Trên Các Câu Hỏi Về Lịch Sử Đảng”, ấn hành hồi Tháng Sáu. 112 Sự nhận định này cho rằng các chiến thắng của họ Máo nhiều hơn các sự thất bại của ông ta.  Về tư tưởng quân sự sự họ Mao, một bài báo của Song Shidun, ủy viên Ủy Ban Trung Ương và Giám Đốc Học Viện Khoa Học Quân Sự, có lẽ có thể diễn tả đúng hơn các quan điểm của giới lãnh đạo so với nhiều bài báo tương tự khác vào lúc đó.  Bài báo lập luận rằng tư tưởng quân sự của họ Mao là sự khôn ngoan tập thể “được kết tính của toàn thể đảng và quân đội sau sự áp dụng trong một thời kỳ chiến tranh kéo dài, và đã không được khai triển bởi một “thiên tài” duy nhất.  Vài nguyên tắc về chiến tranh đã lỗi thời và không nên được áp dụng nữa, nhưng, bản văn tiếp tục, tư tưởng quân sự của họ Mao vẫn phải được sử dụng như “mũi tên” nhắm vào “mục tiêu” của chiến tranh tương lai.  Để đạt được điều này, người Trung Quốc phải học tập sâu xa tư tưởng quân sự của họ Mao, phân tích các đặc tính của chiến tranh hiện đại, và học hỏi từ các kinh nghiệm ngoại quốc sẽ làm lợi cho quân đội Trung Quốc. 113 Một sự tái lượng giá như thế, mặc dù không dứt khoát, có lẽ là điều tốt nhất mà giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm, và phải được xem là một thắng lợi của phe “hiện đại hóa quân sự” trên phe đối kháng.  Nó đã khai quang sự dè dặt cho một nỗ lực để cập nhật hóa chiến lược quân sự.
       Sự chính quy hóa (chuyên nghiệp hóa) và sự hiện đại hóa.  Tại một cuộc thao diễn quân sự ở phía bắc Trung Quốc hồi Tháng Chín 1981, Đặng Tiểu Bình, trong vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Quân Sự, đã kêu gọi sự xây dựng một “quân đội cách mạng chính quy hóa, hiện đại hóa”. 114 Lời kêu gọi này là lời kêu gọi đầu tiên trong 23 năm sau sự mất chức cu/a Bộ Trưởng Quốc Phòng Bành Đức Hoài (Peng Dehuai) hồi năm 1958.
       Kể từ khi có lời kêu gọi của họ Đặng, một loạt các bài quan điểm của ban biên tập và các bài viết đã được ấn hành trên tờ Jiefangjun Bao nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chính quy hóa quân đội. 115 Trong một cung cách cụ thể hơn, Tổng Tham Mưu Trưởng Yang Dezhi đã đưa ra vài đề nghị cho nỗ lực: 1) tăng cường sự lãnh đạo của các cấp khác nhau; 2) thi hành nghiêm ngặt các quy định và quy luật; 3) phát huy phẩm chất quân đội bằng việc cải thiện các chương trình huấn luyện và khuyến khích các dự án nghiên cứu; và 4) cải cách và tăng cường hệ thống. 116 Các vấn đề then chốt ở đây là sự phát huy phẩm chất và sự cải cách hệ thống.  Nó sẽ đòi hỏi một số thời giờ để thực hiện các điều đó.  Nhưng Bắc Kinh đang di chuyển theo chiếu hướng đúng.
       Chương trình huấn luyện của QĐGPNDTQ trong thực tế đã được cải thiện kể từ sau cuộc chiến tranh đánh Việt Nam.  Thí dụ, nó đã thực hành “sự giao tranh thực và chất nổ thực (đạn sống)”, cũng như “huấn luyện phối hợp” các đơm vị khác nhau thay vì một lực lượng duy nhất chẳng hạn như bộ binh trong phần lớn các trường hợp.  Các sự huấn luyện này khác biệt với quá khứ; và chúng được lan truyền đến các Quân Khu Phúc Châu, Quảng Châu, Bắc Kinh, Nam Kinh, Tế Nam, Thẩm Dương, và các quân khu khác.  Các sự nhấn mạnh được nhắm vào các khả năng chiến đấu, các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, sự phán đoán độc lập của các sĩ quan trung cấp và cấp thấp, và về sự tiếp vận.
       Sự hiện đại hóa khí giới cũng được xúc tiến kể từ 1979.  Vào đầu năm 1982, Trung Quốc đã sở đắc một vài lực lượng tân tiến: 117
       ICBM:  4CSS-3 (tầm 6,000-7,000 km; đầu năm 1979: không có).
       IRBM:  65-85 CSS-2 (tầm 2,500 km; đầu năm 1979: 30-40)
       MRBM: khoảng 50 CSS-1 Tong Feng (Đông Phong) (tầm 1,800 km; đầu năm 1979: 30-40)
       Máy bay: 3 lữ đoàn với 90 B (Hong) – 6 oanh tạc cơ cỡ trung (đầu năm 1979: khoảng 80)
       Tàu ngầm: 102 tàu ngầm (đầu năm 1979: khoảng 75).
       Quan trọng hơn, QĐGPNDTQ đã thực hiện trong Tháng Sáu 1982 một cuộc thao diễn quân sự với “chất nổ thật” trên quy mô rộng lớn tại tỉnh Ningxia.  Nó đã cho nổ một quả bom hạt nhân chiến lược, và sử dụng các hỏa tiễn, máy bay và xe tăng. 118 Nó thì khác với các cuộc thao diễn trong quá khứ.  Điều đó cho thấy rằng QĐGPNDTQ có thể đã chấp nhận một chiến lược mới của chiến tranh hiện đại, kể cả sự sử dụng các vũ khí hạt nhân thay vì chiến lược cũ của “chiến tranh nhân dân”.
       Tổng kết, sự hiện đại hóa quân sự của QĐGPNDTQ đã thực hiện được một số tiến bộ cả về khí giới lẫn chiến lược.  Sự thành công hay thất bại của nó xoay quanh chương trình hiện đại hóa toàn diện.  Song, điều rõ ràng rằng cuộc chiến tranh đánh Việt Nam đã trợ lực cho phe “hiện đại hóa quân sự” thúc đẩy nỗ lực này. /- 
___     
CHÚ THÍCH
* Bài viết này được dựa theo một quyển sách dự phóng nhan đề “China’s War against Vietnam: Cuộc Chiến Tranh Của Trung Quốc Đánh Việt Nam”.  Hệ thống phiên âm Pinyin được dùng cho các danh tính và tài liệu từ Trung Quốc (PRC: People’s Republic of China); hệ thống phiên âm Wade được dùng cho các danh xưng và tài liệu từ Đài Loan (ROC: Republic of China).
1. Lenin đã viết, “Chiến tranh chỉ đơn giản là sự kéo dài của chính trị bằng … phương tiện khác”.  Xem V. I. Lenin, “The Collapse of the Second International”, trong tậpCollected Works, Vol. 21 (Moscow: Progress Publishers, 1964), trang 219.  Câu nói của Lenin là một câu trích dẫn từ Clausewitz.  Lenin cũng ca ngợi Clausewitz: “điều như thế là công thức của Clausewitz, một trong những tác giả vĩ đại nhất về lịch sử chiến tranh”.  Tuy nhiên, họ Mao không đề cập gì đến Clausewitz mà chỉ nói đến Lenin.  Câu văn nguyên thủy của của Karl von Clausewitz như sau: “Chiến tranh không chỉ là một hành vi đơn thuần của chính sách mà là một công cụ chính trị đích thực, một sự kéo dài hoạt động chính trị bằng phương cách khác.”  Xem quyển sách của ông, On War (Về Chiến Tranh), được biên tập và phiên dịch bởi Michael Howard và Peter Paret (Princeton, N. J.: Princeton University Press, 1976), Book One (tập 1), trang 87, và Book Eight (tập 8), trang 605.
2. Mao Tse-tung, “On Protracted War”, Selected Military Writings (Peking: Foreign Languages Press, 1963), trang 227.
3. Các cuộc phỏng vấn tại Hồng Kông, Lo and Chen, 27-28 Tháng ba, 1979, và Lu, 12 Tháng Tư, 1981 tại New York.
4. Trong số nhiều cuộc nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, các bộ sách sau đây thường được liệt kê như là các tài liệu tham khảo rất hữu dụng: William W. Whitson (với Chen-hsia Huang), The Chinese High Command: A Hostory of Communist Military Politics, 1927-71 (N. Y.: Praeger, 1973); Samuel B. Griffith II, The Chinese People’s Liberation Army (N. Y.: McGraw-Hill, 1967); John Gittings, The Role of the Chinese Army (London: Oxford University Press, 1967); Alexander L. George, The Chinese Communist Army in Action (N. Y.: Columbia U. Press, 1967); Alice Langley Hsieh, Communist China’s Strategy in the Nuclear Era (Englewood Cliffs, N. J.: Prentice-Hall, 1962); Ellis Joffe, Party and Army: Professionalism and Political Control in the Chinese Officer Corps, 1949-1964 (Cambridge, Mass.: Harvard U. Press, 1965); Chester J. Cheng (biên tập), The Politics of the Chinese Red Army (Stanford, Calif.: Hoover Institution Publications, 1966); Michael Y. M. Kau (biên tập), The Lin Piao Affairs (White Plains, N. Y.: International Arts and Sciences Press, 1975); Harvey W. Nelson, The Chinese Military System (Boulder, CO.: Westview Press, 1977); và Harlan W. Jencks, From Muskets to Missiles: Politics and Professionalism in the Chinese Army, 1945-1981 (Boulder, CỌ: Westview Press, 1982).
       Về chủ đề “chiến tranh nhân dân” (people’s war), xem, trong số các tác giả khác, Lin Piao, “Long Live the Victory of People’s War”, Peking Review, Tháng Chín 1965; Samuel B. Griffith, Peking and People’s War (N. Y.: Praeger, 1966); David P. Mozingo và Thomas W. Robinson, Lin Piao on “People’s War”: China Takes a Second Look At Vietnam (Santa Monica: Rand Corporation, 1965), và Chalmers Johnson, Autopsy on People’s War (Brerkeley: University of California Press, 1973).
5. Hsieh Chan, “The Atom Bomb Is a Paper Tiger”, Peking Review, Số 30 (22 Tháng Bẩy, 1977), trang 17.
6. Sáu thành tố được rút ra từ một bài viết chưa được công bố của chính tác giả về “cách mạng và chiến tranh nhân dân”.
7. Muốn có một sự thảo luận chi tiết hơn về các chiến lược và chiến thuật nền tảng của QĐGPNDTQ, xem Whitson, The Chinese High Command, Chương 11.
8. Xem, thí dụ, thông tấn viên Hsinhua, “Soviet Social-Imperialism: ‘The Most Dangerous Source of World War”, Peking Review, Số 5 (30 Tháng Một, 1976), các trang 9-13; và số 29 (15 Tháng Bẩy, 1977), các trang 4-10, 21.
9. Hsieh Chan, “The Atomic Bomb …”, trang 18.
10. Thí dụ, một sự giải thích nêu ý kiến rằng cuộc xung đột biên giới Sô Viết – Trung Cộng Hồi Tháng Ba 1969 bị khiêu khích trước tiên bởi Lâm Bưu với tham vọng thăng tiến chức vụ của ông ta trong hệ cấp Trung Quốc.  Xem Thomas W. Robinson, “The Sino-Soviet Border Dispute”, The American Political Science Review, Tháng 12 1972, các trang 1175-1202.
11. Mao Tse-tung, Selected Military Writings (Peking: Foreign Languages Press, 1963), trang 347.
12. T’an Cheng, “Questions of Political Work at the New Stage of Army-building”, diễn văn tại Đại Hội Toàn Quốc Lần Thứ Tám của ĐCSTQ hôm 23 Tháng Chín, 1956, trongCurrent Background, số 422, 18 Tháng Mười, 1956, các trang 13-21.
13. Drew Middleton, “Chinese Military Regards Manpower as No. 1 Asset”, The New York Times (NYT), 2 Tháng Mười Hai, 1976, các trang 1, 14; cũng xem Russell Spur, “China’s Defense: Men against Machine”, Far Eastern Economic Review (FEER), 28 Tháng Một, 1977, các trang 24-30.
       CHNDTQ đã thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên hôm 14 Tháng Mười 1964, và lần thứ 25 vào ngày 17 Tháng Chín, 1977.  Vào thời điểm đó, LBSV (Liên Bang Sô Viết) đã sẵn thực hiện hơn 167 vụ thử nghiệm nguyên tử, và Hoa Kỳ với hơn 278 vụ.
14. Hu Hsueh, “Get Rid of the Blind Belief in Nuclear Weapons”, Renmin Ribao (RMRB), 13 Tháng Năm, 1977, trang 6; Chi Chuan, “Long Live the Spirit of Millet Plus Rifles”,Renmin Ribao, 3 Tháng Sáu, 1977, trang 5.  “Hạt kê cộng với các khẩu súng trường: Millet Plus Rifles” (hay “Hsiao-mi chia pu-ch’iang”) là một cách nói và một lối sống trong suốt thời kỳ du kích của ĐCSTQ. “Tinh thần” của nó có nghĩa “tinh thần” của “chiến tranh nhân dân”, rõ ràng phơi bày một số sự dè dặt trong nỗ lực hiện đại hóa kỹ thuật quân sự.
15. Đài Phát Thanh Bắc Kinh, 20 Tháng Một, 1978.   Nhóm Lý Thuyết của Ủy Hội Kỹ Thuật và Khoa Học Quốc Phòng, “Integration of ‘Millet Plus Rifles’ with Modernization – Criticizing the Crimes of the Gang of Four in Undermining Modernization of National Defense”, trong Foreign Broadcast Information Service (FBIS), 23 Tháng Một, 1978, các trang E1-E6.
16. Xem các bài diễn văn của họ Hoa và họ Đặng tại Hội nghị trên tờ Hongqi (Hồng Kỳ), số 7 (1 Tháng Bẩy, 1978), các trang 17-22, và 30-37.
17. “Revolutionization Commands Modernization”, Xã Luận của Ban Biên Tập, RMRB, 10 Tháng Sáu, 1978.
18. Xu Xiangqian, “Tigao Jingti, Zhunbei Dazhang” (Giữ Cảnh Giác, Chuẩn Bị Đại Chiến), Hongqi, số 8 (1 Tháng Tám, 1978), các trang 42-50.  Cũng xem William T. Tow, “Chinese Strategic Thought”, Asian Affairs, VII, số 4 (Tháng Ba-Tháng Tư 1980), các trang 248-269.
19. Mei-chou Fei-ch’ing T’ung-hsin (Tuần San Trung Hoa Cộng Cản Sự Vụ, Taipei; từ giờ trở đi gọi tắt là Mei-chou T’ung-hsin), 1 Tháng Sáu, 1979, các trang 4-6.
20. “Wan-zheng di Zhun-que di Zhangwo Mao Zedong Jun-shi Si-xiang” (Lĩnh Hội Chính Xác và Hoàn Toàn Tư Tưởng Quân Sự của Mao Trạch Đông), Jiefang Bao, RMRB, 18 Tháng Mười Hai, 1978.
21. Mei-chou T’ung-hsin, 16 Tháng Hai, 1979, trang 14, và 1 Tháng Sáu, 1979, các trang 7-8.
22. Đài Phát Thanh Bắc Kinh, 23 Tháng Một, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Một, 1979, trang E24.
23. Câu chuyện về họ Đặng được dựa trên các cuộc phỏng vấn của chính tác giả này tại Hồng Kông với các cá nhân từ lục địa Trung Hoa, các hôm 27, 28, và 29 Tháng Ba, 1979.  Một người trong họ, ông Lu, đã thăm viếng New York từ 9-15 Tháng Tư, 1981 và đã có các cuộc đàm thoại nhiều hơn với tác giả này.  Cũng xem Ming Pao (Hong Kong), 4 Tháng Ba, 1979; The Seventies, Tháng Tư 1979, các trang 25-26.
24. Các con số về sức mạnh của QĐGPNDTQ, kể cả các vũ khí và trang thiết bị trong các đoạn văn tiếp sau, đựoc rút ra, ngoại trừ khi được chỉ rõ một cách khác, chính yếu từ các nguồn tin kể sau: The Military Balance 1978-1979 (London: The International Institute for Strategic Studies, 1978); Jane’s Weapon System 1979-80, ấn bản lần thứ mười, biên tập bởi R. T. Prerry (New York: Franklin Watts, 1979); Studies on Chinese Communism (hàng tháng), 1978-80 (Taipei); NYT, 14, 18 Tháng Hai, 1979.
25. Mười một quân khu này là: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tân Cương, Tế Nam, Nam Kinh, Phúc Châu, Quảng Châu, Vũ Hán, Thành Đô, và Côn Minh.  Quân Khu Đông Cương (phía đông của Tân Cương) được thành lập tức thì trước khi có “cuộc chiến tranh trừng phạt”, là một phân khu hạng nhì nằm trong Quân Khu Tân Cương.
26. Cheng Ming (Hong Kong), số 18 (1 Tháng Tư, 1979), các trang 10-11.
27. Newsweek, 21 Tháng Một, 1980, trang 51;  Harlan W. Jencks, “China’s ‘Punitive War’ on Vietnam: A Military Assessment”, Asian Survey, Tháng Tám 1979, trang 808.  Hỏa tiễn không-không Atoll là một hỏa tiễn Sidewinder (đánh vào bên hông) tầm nhiệt của Hoa Kỳ hồi đầu thập niên 1960.  Kể từ đó, Hoa Kỳ đã trải qua tám mẫu khác nhau, mỗi mẫu mới có bộ phận điện tử tinh vi hơn mẫu trước.
28. Newsweek, 21 Tháng Một, 1980, trang 51.
29. AFP, (bởi Georges Biannic) 21 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 22 Tháng Hai, 1979, trang E3.
30. Các con số nêu ra ở đây đựoc rút ra từ các nguồn tài liệu kể sau: Fei Yueh Chan-cheng chi Chan-shu Chan-fa Yen-chiu (Chan-shu Chan-fa: Nghiên Cứu về Chiến Lược và Các Phương Pháp của Của Chiến Tranh Trung – Việt.  Taipei, 1979), các trang 7-8 và phụ lục I; Tui Fei-Yueh Chan-cheng chung Fei-chun Chan-shu Chan-fa chi ch’I Wu-ch’I chih Chien-pao (từ giờ trở đi viết tắt là Chien-pao) : Báo cáo tóm lược về Chiến Lược, Các Chiến Pháp và Các Khí Giới của Trung Quốc Trong Cuộc Chiến-Tranh Trung – Việt; Taipei, 1979), các trang 21-25; các ảnh chụp, các trang 22-25; Da Gong Bao, 3.4. và 7 Tháng Ba, 1979; FEER, 9 Tháng Ba, 1979, trang 15; NYT, 14, 18. Và 23 Tháng Hai, và 15 Tháng Tám, 1979, trang A3, trang 10, trang A10, và trang A3; AFP, 20 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, trang A3.  948 máy bay bao gồm 28 MIG-21, 560 MIG-19, 98-MIG-17, 120 F9, và các loại khác.  15 căn cứ không quân gồm 5 tại Vân Nam, 5 tại Quảng Tây, 1 tại Quảng Đông, và 4 tại đảo Hải Nam.
31. Các con số quân số và vũ khí của các lực lượng vũ trang Việt Nam được rút ra từ The Military Balance 1978-79 (London), các trang 68-69; Chan-shu Chan-fa, các trang 11-12; NYT, 14, 18, 23 Tháng Hai, 1979; FEER, 9 Tháng Ba, 1979, các trang 14-15.
32. The Military Balance 1978-79, trang 69; NYT, 14 Tháng Hai, 1979, trang A3.
33. Chan-shu Chan-fa, trang 10.
34. Cùng nơi dẫn trên, các trang 10-11.
35. The Chinese Aggression: Why and How It Failed (Hanoi: Foreign Languages Publishing House, 1979), trang 4.
36. Một cơ quan thông tấn Nhật Bản tường thuật một lời tuyên bố bởi phát ngôn nhân Trung Quốc: “Lực lương không quân Trung Quốc đã không can dự vào chiến tranh”. Kyodo, 24 Tháng Hai, 1979.
37. Chinese Aggression, trang 10.
38. “Communiqué of the Ministry of National Defense of the Socialist Republic of Vietnam” trong Chinese Aggression Against Vietnam: Dossier (Hanoi: Vietnam Courier, 1979), các trang 94-95.
39. Chan-shu Chan-fa, các trang 18-21.  Các vũ khi bắn tia Laser (tia tử thần: death ray) được tường thuật được sử dụng bởi Việt Nam như một tiến trình “thử nghiệm” cho Liên Bang Sô Viết.
40. Guang Jiao Jing (Góc Nhìn Rộng Rãi, Hồng Kông), số 78, 16 Tháng Ba, 1979, trang 8.   
41. Sau một số tổn thất bởi việc nổ của bẫy và bãi mìn, phía Trung Quốc đã sử dụng các con trâu để làm phát nổ hầu khai quang lối tiến cho các lực lượng dẫn đường.
42. Như được tường thuật bởi một nhà nghiên cứu Sô Viết tại một Cuộc Hội Thảo Đại Học về Chủ Nghĩa Cộng Sản của Trường Columbia University, New York, 29 Tháng Chín, 1981, mà tác giả đã tham dự.
43. Đài Phát Thanh Hà Nội, 18 Tháng Hai, và 19 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang K6-K8.  Sau khi chiến tranh bùng nổ, Cánh Tây dưới sự chỉ huy của Yang Dezhi (Dương Đắc Chí) đã chiến đấu với thắng lợi nhiều hơn Cánh Đông dưới quyền chỉ huy của Xu Shiyou (Hứa Thế Hữu).
44. NYT, 18 Tháng Hai, 1979, trang 1.
45. TASS, 18 Tháng Hai, 1979.
46. NYT, 19 Tháng Hai, và 20 Tháng Hai, 1979,  trang A1 trong cả hai ngày.
47. Xinhua, 25 Tháng Hai, 1979.
48. Xinhua, 20 Tháng Hai, 1979, AFP, trong FBIS, PRC, 21 Tháng Hai, 1979, trang A2.
49. Chinese Aggression, các trang 25-26;  NYT, 19 Tháng Hai, 1979, trang A1, và 20 Tháng Hai, 1979, trang A7.
50. NYT, 23 Tháng Hai, 1979, trang A10.
51. Kyodo (Beijing), 23 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, PRC, 23 Tháng Hai, 1979, trang A13[ không thấy nơi đánh số cước chú 51 này trong nguyên bản, chú của người dịch].
52. NYT, 20 Tháng Hai, 1979, trang A7.
53. AFP (Beijing), 23 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang A6.
54. Cùng nơi dẫn trên, trang A7.
55. Kyodo (Beijing), 26 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, các trang 5-6.
56. NYT, 26 Tháng Hai, 1979, trang A1.
57. Hoa Kỳ kêu gọi sự triệt thoái binh sĩ Trung Quốc ra khỏi Việt Nam và binh sĩ Việt Nam ra khỏi Căm Bốt được nhắc lại nhiều lần bởi Bộ Ngoại Giao và Tổng Thống Carter xuyên qua một lời nhắn với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh được chuyển giao bởi Bộ Trưởng Ngân Khố W. Michael Blumenthat, NYT, 23 Tháng Hai, 1979, trang A10.
58. NYT, 22 Tháng Hai, 1979, các trang A1 và A6.  Tàu Sverdlovs trọng tải 16,000 tấn là các tàu chiến đấu diện địa lớn nhất của Hải Quân Sô Viết.  Chúng đã được tại vũ trang với các dàn phóng các hỏa tiễn địa-địa và địa-không.
59. AFP (Beijing), 23 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang A7; NYT, 23 Tháng Hai, 1979, các trang A1; và AFP (New Delhi), 23 Tháng Hai, 1979, trongFBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang K2.
60. VNA (Vietnam News Agency: Việt Tấn Xã), Hà Nội, 24 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang K2.
61. VNA (Hà Nội), 24 Tháng Hai, 1979, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang K1.
62. NYT, 23 Tháng Hai, 1979, trang A11.
63. Như được phát biểu bởi các sĩ quan Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn tại Trung Quốc; xem Jonathan Mirsky, “China’s Invasion of Vietnam: A View from the Infantry”,Journal of the Royal United Services for Defense Studies (Vol. 126, số 2, 2 Tháng Sáu, 1981, London), trang 49.
64. Chinese Aggression (Hà Nội), các trang 23-24.
65. Cùng nơi dẫn trên, trang 24.
66. Guang Jiaso Jing, số 78 (16 Tháng Ba, 1979), trang 7.
67. Renmin Ribao, 3 Tháng Ba, 1979, trang 4;  NYT, 28 Tháng Hai, 1979, trang A1.
68. RMRB, 4 Tháng Ba, 1979, trang 5.
69. Cùng nơi dẫn trên.
70. FEER, 4 Tháng Năm, 1979, trang 12.
71. Chinese War Crimes (Hà Nội: Vietnam Courier, 1979), các trang 21-24; Beijing Review, số 10 (9 Tháng Ba, 1979, các trang 15-16.
72. Fei-Yueh Chan-cheng P’ou-his Pao-kao ( Báo Cáo Phân Tích về Chiến Trang Trung – Việt;  từ giờ trở đi viết tắt là P’ou-his Pao-kao.  Taipei: 1979), trang 14.
73., RMRB, 6 Tháng Ba, 1979, trang 1; Beijing Review, số 10 (9 Tháng Ba, 1979), các trang 12-13.
74. Zhonggong Zhongyang Guanyu Shengli Jieshu dui Yue Ziwei Fanji Baowei Bianjiang Zhanzheng di Tongzhi(Thông Tri của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc về Sự Kết Thúc Thắng Lợi của Cuộc Phản Kích Tự Vệ chống Việt Nam và Bảo Vệ Biên Cương.  Từ giờ trở đi viết gọn lại là Tongzhi.  Beijing: 1979), trang 2.  Tongzhi này được xem là một thông tư nửa bí mật; nó cũng chỉ thị cho mọi văn phòng đảng không được “ấn hành, phát thanh hay niêm yết thông tri”.
75. NYT, 05 Tháng Ba, 1979, các trang A1 và A12.
76. Nhân Dân, 7 Tháng Ba, 1979.
77. VNA, 2 Tháng Ba, 1979 và 3 Tháng Ba, 1979 trong FBIS, 5 Tháng Ba, 1979, trang K3.
78. Phỏng vấn Đại Sứ Cuba, Fernando López Muino với tờ El Sol, một nhật báo tại Mexico City, trong NYT, 34 Tháng Ba, 1979, trang 11.
79. NYT, 11 Tháng Ba, 1979, trang 3.
80. UN Chronicle, Vol. XVI, số 3 (Tháng Ba, 1979), các trang 5-17, 42-46; cũng xem UN Documents, Provisional, Security Council, 34th Year-Plenary, 1979, s/pv. 2114-2118 (23-25, 27-28 Tháng Hai, 1979).
81. Được thành lập trong năm 1967, khối ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) gồm Thái Lan,Mã Lại Singapore, Indonesia, và Phi Luật Tân.
82. UN Chronicle, Tháng Ba 1979, trang 5.
83. Beijing Review, 2 Tháng Ba, 1979, các trang 19-22; UN Chronicle, Tháng Ba 1979, trang 5.
84. UN Chronicle, Vol. XVI, số 4 (Tháng Tư 1979), trang 46.
85. Cùng nơi dẫn trên, các trang 46-49; NYT, 05 Tháng Ba, 1979, trang A12.
86. Một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc có nói với chính tác giả hôm 21 Tháng Hai, 1979: “Chúng tôi có một câu nói tại LHQ: Khi có một cuộc tranh chấp giữa các nước nhỏ, cuộc tranh chấp biến mất.  Khi có một cuộc tranh chấp giữa một nước lớn và một nước nhỏ, nước nhỏ biến mất.  Khi có một cuộc tranh chấp giữa các nước lớn (đại cường), Liên Hiệp Quốc biến mất”.
87. AFP, 11 Tháng Ba, 1979, trong FBIS, 12 Tháng Ba, 1979, trang A4.
88. Mei-chou T’ung-hsin, 27 Tháng Bẩy, 1979, trang 15.
89. Tui Fei-Yueh Chan-cheng chih Yen-chiu (Một Nghiên Cứu về Chiến Tranh Trung – Việt; từ giờ trở đi viết tắt là Chan-cheng chih Yen-chiu, Taipei, 1979), các trang 2-5; Mei-chou T’ung-hsin, 23 Tháng Ba, 27 Tháng Bẩy, 1979, các trang 9-10 và 14-16.
90. Chung-kung Wen-ti Tzu-liao (Tuần san Dữ Liệu Trung Cộng, từ giờ trở đi viết tắt là Tzu-liao; Taipei), 25 Tháng Hai, 1980, các trang 1-5; 22 Tháng Chín, 1980, các trang 24-25; 3 Tháng Mười Một, 1980, trang 23.  Họ Xu (Hứa Thế Hữu), sinh năm 1906, có tập luyện “Kung Fu: Công Phu” Trung Hoa (Wu-Shu) cho đến khi ông gia nhập cách mạng cộng sản năm 16 tuổi.  Binh nghiệp của ông rõ ràng được thuận lợi nhờ các kỹ năng của ông về võ thuật Trung Hoa.  Vẫn còn quan tâm đến “Công Phu”, ông đã được mời tham dự Hội Nghị Trao Đổi và Trình Diễn Vũ Thuật Toàn Quốc hôm 9 Tháng Năm 1979 tại Nam Ninh, Quảng Tây.
       Phần lớn các kẻ ủng hộ Hoa Quốc Phong cũng được mệnh danh là “phe bất kỳ điều gì: whatever faction”, có nghĩa, bất kể điều gì họ Mao đã nói đều là đúng.  Phe này bao gồm cả Wu De, Wang Doingxing, Ji Dengkui, và các nhân vật khác.
91. Đài Phát Thanh Hà Nội, Phát Thanh Quốc Nội, 4 Tháng Ba, 1979, trong FBIS, 5 Tháng Ba, 1979, Việt Nam, trang K25.
92. AFP (Hong Kong), 2 Tháng Năm 1979, trong FBIS, 3 Tháng Năm, 1979, PRC, trang E1.
93. Christian Science Monitor (CSM), 7 Tháng Ba, 1979, trang 12.
94. NYT, 28 Tháng Ba, 1979, trang A6.
95. Cheng Ming, 1 Tháng Tư, 1979, trang 10.
96. Các cuộc phỏng vấn với ông Li và ông Chen, 28 Tháng Ba, 1979, Hồng Kông.
97. Chan-cheng chih Yen-chiu, các trang 6-7.  CHNDTQ được tường thuật đã động viên hơn 50,000 dân quân từ Quảng Tây và 30,000 người từ Vân Nam.  Họ đã được tổ chức thành 102 tiểu đoàn và hàng trăm đại đội, kể cả đại đội súng cối, đại đội súng máy hạng nặng, đại đội súng phòng không, đại đội y tế, đại đội sửa chữa đường lộ, đại đội chuyển vận, đơn vị vận tải bằng lừa-ngựa, và các đơn vị tiếp vận khác.  Hệ thống dân quân được cải thiện đáng kể sau Hội Nghị Công Tác Dân Quân Toàn Quốc trong Tháng Bẩy – Tháng Tám 1978.  Khẩu hiệu trong chiến dịch của nó là “Mỗi-người-đều-là-một-chiến-sĩ”.  Xem Mei-chou T’ung-hsin, 30 Tháng Ba, 1979, trang 11; Chang Tai, “National Militia Work Conference”, Studies on Chinese Communism, Bộ 12, số 9 (15 Tháng Chín, 1978), các trang 20-27.
98. Jean Thoraval của AFP từ Hà Nội trên NYT, 27 Tháng Ba, 1979, trang A3.
99. Cùng nơi dẫn trên.
100. Kyodo, 29 Tháng Ba, 1979, trong FBIS, 29 Tháng Ba, 1979, trang E7.  RMRB, 1 Tháng Ba, 1979, trang 2.  Các sư đoàn 3145 và 316A là các lực lượng tăng phái.
101. Chan-cheng chih Yen-chiu, các trang 7-9; P’ou-his Pao-kao, các trang 18-27; NYT, 6 Tháng Ba, 1979, trang A10.
102. Mei-chou T’ung-hsin, 6 Tháng Hai, 1979, trang 14.
103. Chan-cheng chih Yen-chiu, trang 10; Chinese Aggression, các trang 14-15.
104. Phỏng vấn với ông Lu tại New York, 12 Tháng Tư, 1981.  Ông Lu đã trú ngụ tại Trung Quốc cho đến cuối năm 1978 và hiện đang ở Hồng Kông.
105. Tongzhi, trang 8.  “Các địa điểm” rõ ràng là ở Bose, và Gueixien, tỉnh Quảng Tây.
106. Hai yếu tố khác là sự tiếp vận lỗi thời của Trung Quốc và các lực lượng địa phương của Việt Nam đã ngăn chặn, cô lập, và tỉa dần lực lượng Trung Quốc.  VNA (Hà Nội), 6 Tháng Tư, 1979, trong FBIS, 9 Tháng Tư, 1979, các trang K2-K3.
107. Các sự tuyên xác của Trung cộng đã được trưng dẫn nhiều lần ở trên.  Bài xã luận của tờ Renmin Ribao hôm 7 Tháng Ba, 1979 đã lập lại các sự tuyên xác như thế.  Về các lời tuyên bố của phía Việt Nam, xem VNA (Hà Nội), 6 Tháng Tư, 1979, trong FBIS, 9 Tháng Tư, 1979, các trang K2-K3; và Người Bình Luận: “Thất Bại Chiến Lược Đầu Tiên Của Quân Xâm Lược Trung Quốc”, Nhân Dân, 10 Tháng Ba, 1979, tại Cùng Nơi Dẫn Trên, 12 Tháng Ba, 1979, các trang K2-K3.  Liên Bang Sô Viết cũng tuyên xác một sự chiến thắng cho phía Việt Nam.  Xem CSM, 6 Tháng Ba, 1979, trang 3.
108.  Được chống đỡ chính yếu bởi Wang Dongxing và các nhân vật khác trong phe”bất kỳ điều gì”.
109. Xã luận, “Love and Defend Our Motherland”, Jiefangjun Bao (Nhật Báo Quân Đội Giải Phóng), 26 Tháng Ba, 1979, trang 1.
110. Xu Xiangqian, “Wei Shi-xian Guo-fang Xian-dai-hua er Nu-li Fen-dou” (Đấu Tranh Khổ Nhọc Để Thực Hiện Sự Hiện Đại Hóa Quốc Phòng), Hongqi, số 10 (2 Tháng Mừoi, 1979), các trang 28-33.
111. Phỏng vấn với Hoàng Hoa, Bộ Trưởng Ngoại Giao [Trung Quốc], NYT, 1 Tháng Năm 1981, trang A11.
112. “On Question of Party History”, (được chấp nhận bởi Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Sáu của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng San Trung Quốc Nhiệm Kỳ Thứ 11, hôm 27 Tháng 6, 1981), Beijing Review, số 27 (6 Tháng Bẩy, 1981), các trang 10-39.
113. Song Shilun, “Mao Zedong Military Thought is the Guidance of the Victory of Our Army”, Hongqi, số 16, 1981, các trang 5-15.
114. Được trưng dẫn trong bài Xã Luận: “Build Up a Strong, Modernized and Regularized Revolutionary Army”, Jiefangjun-Bao, 1 Tháng Mười, 1981.
115. Jiefangjun-Bao, 27 Tháng Chín, 1981, và 22 Tháng Một, 1982.
116. Yang Dezhi, “Several Poblems of the Building of Regularization [of the Army]”, Jiefangjun-Bao, 22 Tháng Một, 1982.
117. The Military Balance 1978-79, các trang 56-57; và Cùng Nơi Dẫn Trên, 1981-82, các trang 72-75.
118. UP [I?], 13 Tháng Bẩy, 1982 (Beijing), trong World Journal (New York), 15 Tháng Bẩy, 1982.
____
Bài gốc :  China’s War Against Vietnam: A Military Analysis, The Journal of East Asian Affairs, Vol. 3, Issue 1, 1983, các trang 233-63.
Nguồn : gio-o.com

Không có nhận xét nào: