Quế Trà My, tỉnh Quảng Nam được biết đến với cái tên “cao sơn ngọc quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác và đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, một sản phẩm giá trị về kinh tế.
Để đến nóc Ông Ní, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, một trong những nơi có hàng chục cây quế cổ thụ, chúng tôi phải đi bộ gần 1 giờ đồng hồ vì đường lầy lội, không thể đi lại bằng xe máy.
Chúng tôi thật sự mãn nhãn khi tận thấy nhiều cây quế hàng trăm năm tuổi, đường kính thân cả 3 người ôm giữa đại ngàn Trường Sơn.
Tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có những cây quế tuổi đời từ 150-170 năm sừng sững trên dãy Trường Sơn, là “chứng nhân” lịch sử ở vùng đất này, được người dân và lực lượng Công an bảo vệ nghiêm ngặt.
Quế là loại cây trồng quen thuộc với đồng bào thiểu số vùng Nam Trà My. Chúng được trồng ở mọi nơi, bên cả lối đi dẫn vào làng, là một trong những loại cây chủ lực để thoát nghèo, vươn lên làm giàu nơi đây.
Bên những cây quế cổ thụ, người dân tiếp tục trồng mới nhiều cây quế khác, tạo nên khu rừng quế giữa mênh mông đại ngàn Trường Sơn.
Trao đổi với phóng viên CAND, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết để phát triển cây quế một cách bền vững, chính quyền huyện đã triển khai dự án “Đầu tư phát triển vùng chuyên canh quế Trà My, giai đoạn 2017-2020” trên địa bàn 10 xã của huyện.
Lực lượng Công an xã Trà Vân thường xuyên xuống địa bàn để cùng người dân tuần tra kiểm soát, bảo vệ những cây quế cổ thụ.
Đồng thời, nhằm bảo tồn loại gen quế đặc hữu của vùng Trà My, huyện Nam Trà My đang lên kế hoạch mua lại 100 cây quế cổ thụ của người dân để làm nguồn cung cấp giống.
Ngọc Thi
( CAND)