Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI VÀ CHỦ TỊCH UBNDTP HÀ NỘI; THÔNG TIN VỀ "BẢN KIẾN NGHỊ 5 ĐIỂM GỬI 2012" VÀ SỐ PHẬN NHỮNG NGƯỜI KÝ...

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Hà Nội, ngày 16/02/2017

ĐƠN KHIẾU NẠI
Kính gửi: -Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
-Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
-TÒA ÁN HÀNH CHÍNH HÀ NỘI
( Khiếu nại về việc vi phạm kỷ cương hành chính )

Tôi là Phạm Viết Đào
Địa chỉ: Nhà 2 ngõ 460/7/39 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; Số CMND:....
Ngày 21/1/2016 tôi đã gửi Đơn khởi kiện Quyết định số 56/ QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016 do Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội ký giữ nguyên Quyết định số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã cắt 15 tháng lương hưu của tôi; Ngày 6/4/2016 tôi đã nộp án phí và đã nộp biên lai gốc cho Tòa…
Ngày 16/12/2016 tôi đã nhận được giấy báo của Tòa Hành chính Hà Nội do Thẩm phán Hoàng Chí Nguyện ký.
Tôi đã có mặt tại Tòa và được cán bộ của Tòa cho biết: Đơn khởi kiện của tôi chưa đưa ra xét xử là do Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội không hợp tác với Tòa theo quy định của luật pháp.
Tôi kiện Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội Hà Nội vì đã ra quyết định giải quyết khiếu nại số 56 công nhận Quyết định Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt 15 tháng lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị án phạt tù do viết blog; Quyết định 1454 đã áp dụng sai, trái Điều 62 của LBHXH 2006, Điều 15 và Điều 20 của Luật bảo hiểm Xã hội 2006; Trái Nghị định 152/2006/NĐ-CP; Trái Điều 258 của Bộ Luật Hình sự và Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003; vi phạm Điều 32  Hiến pháp 2013
Điều 62 của Luật Bảo hiểm 2006 và Nghị định 152 chỉ quy định: Tạm dừng trả lương hưu đối với người bị án phát tù...; Không quy định cắt hẳn !
Điều 15, mục 3 của Luật Bảo hiểm 2006 quy định Quyền của người lao động đã đóng bảo hiểm bắt buộc:” Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;”
Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội tại mục 3 quy định:” thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn;
Quyết định 1454 của Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã căn cứ vào khoản 11, mục 6 của Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH”; Thông tư 19 là một văn bản hướng dẫn pháp luật trái pháp luật của Bộ Lao động Thương binh Xã hội...
Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2006 quy định: “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.” Thông tư 19 đã hướng dẫn trái trái với 4 bộ luật hiện hành trong đó có Luật bảo hiểm xã hội 2006…
Bản án phúc thẩm số 305/2014/HSPT ngày 9/6/2014 của Tòa án nhân dân tối cao-Tòa phúc thẩm Hà Nội đã quyết định:” Áp dụng khoản 2 Điều 258; điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47 Bộ Luật Hình sự, để phạt tù tôi; bản án không hề có điều nào buộc, xử phạt cắt lương hưu của tôi.
-Điều 9 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định:” Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật…”
Như vậy, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội Hà Nội ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/ QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016: giữ nguyên Quyết định số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội”: vô cớ cắt 15 tháng lương hưu trong thời gian tôi bị án phạt tù là trái pháp luật, là xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân Phạm Viết Đào.
Năm 2017 là năm Hà Nội chủ trương chấn chỉnh kỷ cương hành chính.Tôi làm đơn gửi tới quý Ông Đơn khiếu nại về việc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội Hà Nội và Tòa án Hành chính Hà Nội đã không đưa ra xét xử Đơn khởi kiện của tôi đã nộp tại Tòa án Hành chính Hà Nội 21/1/2016 là hành vi vi phạm kỷ cương hành chính.

Người làm đơn:
         Phạm Viết Đào.

Địa chỉ: Nhà 2 ngõ 460/7/39 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

 

Phạm Viết Đào.

Tháng 4/2012, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 

Nghị định số 23/2012/NĐ-CP, một Nghị định đã góp phần ghi công và đền đáp một phần sự hy sinh cống hiến của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các nhân viên cơ yếu đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.

Trước sự xuất hiện của văn bản Nghị định quan trọng và có ý nghĩa này, một số CCB là sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân VN gồm: Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2; Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, Đại tá Tạ Cao Sơn, nguyên Tham mưu phó Quân khu 2; Đại tá Phạm Xuân Phương, nguyên Chuyên viên Tổng Cục chính trị và tôi nhà văn Phạm Viết Đào… đã bàn bạc và cuối cùng thống nhất soạn một Bản kiến nghị 5 điểm gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Quốc phòng hoan nghênh và ủng hộ Nghị định 23, đồng thời đề nghị:

BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC SAU 30/4/1975 ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH 23/NĐ-CP/2012…

Bản kiến nghị đã được gửi đi ngày 12/9/2012…
Sau khi Bản kiến nghị đã gửi, sau hơn 30 ngày chờ đợi hồi âm theo Luật khiếu nại tố cáo của công dân; nhóm soạn thảo đã không nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng mà kiến nghị đã gửi nên đã quyết định công bố “Bản kiến nghị 5 điểm” này lên blog của Nhà văn Phạm Viết Đào…
Khi bản kiến nghị được đưa lên mạng, hàng trăm cựu chiến binh từ nhiều địa phương đã hồi âm gửi chữ ký, tán thành và hưởng ứng bản kiến nghị 5 điểm này…
Một số Đài nước ngoài và trang blog trong nước đã đã đưa tin, giới thiệu Bản kiến nghị 5 điểm; Một số đài, báo nước ngoài đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Duy Mật, Đại tá Phạm Xuân Phương, nhà văn Phạm Viết Đào để tìm hiểu thêm nội dung thông tin của Bản kiến nghị 5 điểm gửi ngày 12/9/2012…
Bản tin A của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổng thuật lại thông tin về bản kiến nghị 5 điểm…
Sau khi “Bản kiến nghị 5 điểm”… được đưa lên mạng và được dư luận chú ý, phản ứng tích cực, ngày 10/1/2013, Tướng Lê Duy Mật đã nhận được Công văn số 308/ VPCP của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Quốc phòng, đồng thời gửi cho ông Lê Duy Mật của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định ký thay thông báo:
“ Căn cứ quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành theo Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16/2/2012 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin chuyển Bộ Quốc phòng đề nghị ( Bản kiến nghị 5 điểm…) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời ông Lê Duy Mật”…


Sau khi nhận được thông báo chuyển đơn này từ Văn phòng Chính phủ, cơ quan duy nhất hồi âm; (Bản kiến nghi đã được gửi tới 7 cơ quan chức năng)…, nhóm soạn thảo không nhận được bất cứ một hồi âm nào từ phía Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác..
Sau Bản kiến nghị này, một loạt sự cố đã xảy ra với một số người tham gia ký kiến nghị:
1/ Nhà văn Phạm Viết Đào bị khởi tố, bắt giam vì tội viết blog xâm phạm Điều 258 của Bộ Luật Hình sự;
2/ Tháng 10/2013 Đại tá Quách Hải Lượng đã qua đời vì bạo bệnh;
3/ Trên mạng internet xuất hiện trên một trang mạng một bài viết dài, với nội dung chính ca ngợi một vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, là bạn chiến đấu của Tướng Lê Duy Mật, có công trong chống Pháp, chống Mỹ và chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc; phần kết của bài viết nhân đề cập tới cuộc chiến tranh ở Vị Xuyên, Hà Giang, trang mạng này đã có những lời lẽ khiếm nhã khi viết về Tướng Lê Duy Mật và lên tiếng đe dọa: "đưa Tướng Lê Duy Mật và Tướng Vũ Lập-(Nguyên Tư lệnh Quân khu 2 đã mất) ra Tòa án binh ?"
Ngày 20/10/2015 Tướng Lê Duy Mật đã qua đời vị bạo bệnh…
Như vậy, cho đến nay, “số phận” của “Bản kiến nghị 5” điểm này, đã được thông tin trên mạng, chưa được cơ quan chức năng theo Công văn số 308 của Văn phòng Chính phủ đó là Bộ Quốc phòng vẫn chưa có bất cứ hồi đáp gì…
Trong khi đó thì 2 người ký kiến nghị là Tướng Lê Duy Mật và Đại tá Quách Hải Lượng không còn nữa mà đã về cõi vĩnh hằng; Đại tá Phạm Xuân Phương, Đại tá Tạ Cao Sơn tuổi đã cao, đều gần 90 tuổi, sức đã yếu; còn nhà văn Phạm Viết Đào thì sau 15 tù tội giờ đang rơi vào tình cảnh “ cánh chim sợ cành cây cong”…đang đi kiện để đòi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội và Bảo hiểm Xã hội Hà Nội trả lại 15 tháng lương hưu bị cắt trái pháp luật và vi Hiến...
Nhân dịp này blog Phạm Viết Đào xin đưa lại “ Bản kiến nghị 5 điểm” và thông tin thêm một vài chuyện liên quan tới “ số phận” những người tham gia ký…
Phạm Viết Đào và Tướng Lê Duy Mật-Ảnh chụp sau khi P.V.Đ mãn hạn tù và 1 tháng trước khi
Tướng Lê Duy Mật về cõi Vĩnh Hằng...


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
-----------------------------------------------------------
                                                   Hà Nội, ngày  12   tháng   09  năm 2012

BẢN ĐỀ NGHỊ
BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC SAU 30/4/1975 ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH 23/NĐ-CP/2012

(Nghị định 23/NĐ-CP/2012 quy định về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước...)


          Kính gửi:   -  BỘ CHÍNH TRỊ  TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
   -    BAN BÍ THƯ TW ĐCSVN
-        CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
-        CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
-        THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-        BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
-        QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG

Kính thưa các đồng chí

Chúng tôi một số cựu chiến binh ký tên dưới đây xin bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh việc tháng 4/ 2012 vừa qua, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/NĐ-CP/2012, một Nghị định đã góp phần ghi công và đền đáp một phần sự hy sinh cống hiến của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các nhân viên cơ yếu đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.
I.Về việc xác định mốc thời gian của Nghị định 23 về các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc xác định về các mốc thời gian về diễn biến của các cuộc chiến tranh tại các chiến trường khác nhau như Nghị định 23 đã xác định đứng về phương diện quản lý nhà nước:
-Cuộc chiến tranh trên biên giới Tây-Nam được xác định từ 5/1975 đến 7/1/1979;
-Cuộc chiến đấu tiêu diệt FULRO ở Tây Nguyên được tính từ 5/1975 đến 12/1992;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến 31/12/1988;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cămpuchia từ 1/1979 đến 31/8/1989;
-Cuộc chiến tranh trên biên giới phía bắc chống chiến tranh lấn chiếm do Trung Quốc tiến hành và cuộc chiến tranh trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa tính từ 17/2/1979 tới 31/12/1988...

Việc xác định các mốc thời gian trên đã phản ánh rõ ràng, đầy đủ tính chất, quy mô, thời gian, không gian của việc sử dụng lực lượng vũ trang đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đúng như thực tế lịch sử đã xảy ra: từ tháng 5/1975 đến 1992 ( đối với chiến trường Tây Nguyên ); đến ngày 31/8/1989 ( đối với cuộc chiến tranh giúp bạn Cămpuchia ); đến ngày 31/12/1988 ( đối với cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía bắc và trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ).
Tuy nhiên Nghị định 23 mới đề ra các chế độ, chính sách cụ thể bằng vật chất nhằm ghi nhận, động viên, đền đáp công lao đối với những người từng tham gia tới các cuộc chiến tranh trong giai đoạn kể trên; Nghị định 23 tuy được chính phủ ban hành nhưng chưa phản ánh và bao quát đầy đủ ý nghĩa chính trị, lịch sử, an ninh quốc phòng rộng lớn liên quan tới toàn bộ các cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; giúp bạn Cămpuchia diệt trừ nạn diệt chủng của giai đoạn sau 30/4/1975.
Văn bản Nghị định 23 hết sức quan trọng vì nó liên quan tới một giai đoạn lịch sử xảy ra liên tiếp nhiều cuộc chiến tranh; mốc giới thời gian không chỉ làm căn cứ ban hành chế độ, chính sách mà nó còn là cơ sở để biên soạn các văn kiện lịch sử quân sự, lịch sử đất nước khi viết về giai đoạn này; Vì đây là một sự xác nhận và xác định chính thức về phương diện quản lý nhà nước.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: sau ngày 30/4/1975, khi chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, dân tộc ta đã phải trải qua một loại hình chiến tranh mới, Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bành trướng bá quyền Đại Hán và bè lũ diệt chủng Paul Pot.
Các cuộc chiến tranh này diễn ra trên quy mô toàn quốc, trên đất liền, biên giới, hải đảo và cả trên đất nước bạn Cămpuchia; Những cuộc chiến tranh này đã nổ ra với những đối tượng tác chiến có những đặc điểm riêng; những cuộc chiến tranh này lại diễn trong một bối cảnh, hoàn cảnh bị chi phối, đan xen nhiều quan hệ quốc tế phức tạp...
Những đối tượng tác chiến này trước 30/4/1975 là bạn, là đồng chí, đồng minh nhưng sau 30/4/1975 bất ngờ tấn công chúng ta và hiện nay lại đang bình thường hóa quan hệ trở lại. Những điều này gây cho chúng ta rất nhiều những yếu tố bất ngờ từ thế trận, tâm lý và xác định tư tưởng cho bộ đội. Đây là những vấn đề về phương diện quản lý nhà nước vĩ mô, vấn đề chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước cần phải khắc ghi để làm những bài học lịch sử về ý thức cảnh giác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước.
Chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ không dừng lại việc ban hành Nghị định 23, một nghĩa cử đền ơn, đáp nghĩa cho những ai đã hy sinh xương máu mà còn cần thiết phải có các chủ trương chính sách bổ sung, hoàn thiện thêm về giai đoạn lịch sử này nhằm ghi lại những bài học lịch sử xương máu để không bị lãng quên, bỏ sót.

II. Một số kiến nghị liên quan tới các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975

1/  Kiến nghị tổng kết lại toàn diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/ 1975
Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một Nghị quyết có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước, Chính phủ tiến hành tổng kết toàn diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau năm 1975 cả trên cấp độ chiến lược, chiến dịch nhằm mục đích:
-Đánh giá lại việc chỉ đạo chiến tranh ở cả cấp chiến lược và chiến dịch; Đáng giá lại việc chỉ đạo xây dựng và phối hợp tác chiến của 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; tổng kết sự hợp đồng tác chiến của các quân binh chủng; sự phối hợp tác chiến giữa mặt trận quân sự, ngoại giao...
- Qua việc đánh giá này mà rút ra những bài học cấp thiết cho việc tăng cường nhiệm vụ quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.
2/ Tìm kiếm, quy tập hài cốt, phần mộ liệt sĩ ta hiện đang nằm bên phần đất Trung Quốc
Do việc Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp định hoạch định lại đường biên giới 2 nước nên đã xảy ra một số tình trạng sau đây: Một số vùng đất trước đây thuộc về ta nay thuộc về Trung Quốc; trong thời gian chiến tranh do tính chất ác liệt của các trận đánh nên rất nhiều hài cốt, phần mộ liệt sĩ trước đây nằm trên đất ta nay lại nằm bên phần đất của Trung Quốc. Vì thế chúng tôi kiến nghị:
- Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cần làm việc với các cơ quan hữu trách Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện, giúp chúng ta tìm kiếm, quy tập và đưa những hài cốt, phần mộ của các liệt sĩ trở về Tổ Quốc, trở về đất mẹ;
-Hiện nay tại một số cao điểm tại Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhiều bộ đội ta đã hy sinh và hài cốt của họ hoặc do ta hoặc do lính Trung Quốc đã chôn lấp tạm tại đây. Chúng tôi kiến nghị Bộ Quốc phòng xây dựng dự án cho rà phá bom mìn tại những địa điểm này để tạo điều kiện cho các cựu chiến binh, đồng đội cũ, thân nhân của các liệt sĩ quay lại các vị trí này tìm lại phần hài cốt liệt sĩ còn nằm tại đây.
3/ Đưa các cuộc chiến tranh này vào các văn kiện chính thức của nhà nước, Đảng;
Biên soạn, bổ sung vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử quân sự, các tài liệu giáo khoa lịch sử của hệ thống các trường học phổ thông và đại học đối với các cuộc chiến tranh trong giai đoạn sau 30/4/1975. Đầu tư, tạo điều kiện, bạch hóa thông tin, khuyến khích văn nghệ sĩ, nhà báo sáng tác, viết về các cuộc chiến tranh trong giai đoạn lịch sử này.
4/ Ban hành chủ trương: Tổ chức kỷ niệm những sự kiện quan trọng vào những năm chẵn, năm có ý nghĩa và tôn vinh các danh hiệu cao quý liên quan tới các cuộc chiến tranh này
Ban hành chủ trương cho phép Tổ chức kỷ niệm các năm chẵn, các ngày xảy ra các sự kiện chiến tranh đáng lưu ý đối với các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975; cắm bia ghi công những đơn vị, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc; lập đề án lưu giữ hiện vật, các bảo tàng, các di tích lịch sử chiến tranh quan trọng, mang ý nghĩa lớn để lưu giữ làm bài học cho con cháu mai sau đối với các cuộc chiến tranh lớn xảy ra sau 30/4/1975.
5/ Chúng tôi kiến nghị được trực tiếp đối thoại với các cơ quan hữu trách thụ lý đơn để làm sáng tỏ thêm kiến nghị./.
Trân trọng cảm ơn !


Những người ký Bản kiến nghị:

1.  Thiếu tướng Lê Duy Mật
Nguyên Phó Tư lệnh; Tham mưu trưởng
Quân khu 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang:
2.  Đại tá Tạ Cao Sơn
Nguyên Tham mưu phó Quân khu 2:
3. Đại tá Quách Hải Lượng
Nguyên Tùy viên Quân sự
ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc
4. Đại tá Phạm Xuân Phương
Nguyên Chuyên viên Tổng cục Chính trị
5.Nhà văn Phạm Viết Đào
Và khoảng 300 CCB từ nhiều địa phương trong cả nước ký hưởng ứng
Đại tá Phạm Xuân Phương, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Đại tá Bùi Văn Bồng, Nhà giáo Vũ Linh, nhà văn Nguyên Bình và P.V.Đ. ( Từ trái sang phải )

Không có nhận xét nào: