Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Đề nghị Bộ Công an làm rõ việc phóng sinh sinh vật ngoại lai xuống sông Hồng; Hà Nội muốn “tái sinh” 4 dòng sông phía Tây thành phố

Dân trí Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 582 gửi Bộ Công an đề nghị điều tra vụ việc phóng sinh sinh vật ngoại lai vào sông Hồng tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày 5/2 vừa qua.
 >> Nghi vấn thả cá "ăn thịt" xuống sông Hồng: Cá chim trắng có phải loài ngoại lai xâm hại?

Hình ảnh người dân thả cá chim trắng xuống sông Hồng ngày 5/2 (Ảnh Vietnamnet).
Hình ảnh người dân thả cá chim trắng xuống sông Hồng ngày 5/2 (Ảnh Vietnamnet).
Dẫn thông tin báo chí phản ánh về một lượng lớn cá đã được phóng sinh, trong đó có loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhưng chưa thống nhất về nguồn gốc, chủng loại, khối lượng cá được phóng sinh, Bộ Tải nguyên và Môi trường cho rằng sự việc đang gây hoang mang trong dư luận và người dân về ảnh hưởng của việc phóng sinh các loài ngoại lai vào môi trường tự nhiên.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại là trái với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (tại Khoản 1 Điều 52) quy định: "Việc nuôi trong loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép".
Nghị định số 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (tại Khoản 2 Điều 43): "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại". Đối với các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn, tùy mức độ thiệt hại thì mức xử phạt sẽ tăng nặng theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 Nghị định này.
Tại Nghị định số 103/2013 của Chính phủ quy địnhvề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (tại điểm b Khoản 4 Điều 24) quy định: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Nuôi các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra, Thông tư số 53/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng về quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai (tại Khoản 6 Điều 7) "Nghiêm cấm chủ sở hữu tự ý phóng sinh thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại ra môi trường tự nhiên, khu bảo tồn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này".
Từ phân tích trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai công tác nghiệp vụ để xác định rõ các thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.
Thế Kha

Hà Nội muốn “tái sinh” 4 dòng sông phía Tây thành phố

Dân trí Tại cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian tới cần tập trung cải tạo, làm “sống lại” 4 dòng sông phía Tây thành phố là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch.



Hà Nội muốn làm sống lại 4 dòng sông phía Tây của thành phố, trong đó có sông Tô Lịch.
Hà Nội muốn làm "sống lại" 4 dòng sông phía Tây của thành phố, trong đó có sông Tô Lịch.
Thông tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 16/2, Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc bàn về công tác phối hợp giữa 2 bên.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Tuy nông nghiệp của Hà Nội phát triển nhanh với tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng vẫn dưới tiềm năng. Các sản phẩm mới đáp ứng 69% nhu cầu. Ông Hải phân tích, hiện nay có 3,7 triệu dân Hà Nội sống ở nông thôn, trong đó có 27% làm và thu nhập từ nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội mới chiếm 20%.
Theo ông Hoàng Trung Hải, việc tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ vẫn còn là nhiệm vụ, mục tiêu lớn của thành phố. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động nông nghiệp cần chuyển dịch. Trong đó, mảng thị trường dịch vụ nông nghiệp còn rất mở, điều này giúp nhà nông nâng cao giá trị gia tăng, năng suất. Điều đáng nói nữa là giá trị nông nghiệp công nghệ cao mới chiếm thấp, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đạt được rất thấp.
“Nông nghiệp Hà Nội nếu không tính đến xuất khẩu là thất bại vì cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản các nước ngay trên địa bàn thành phố. Ví dụ như rau muống Thái Lan cạnh tranh với rau muống Thanh Trì, Phúc Thọ. Nếu không nâng chất lượng sản phẩm thì chúng ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà” – ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề môi trường của Hà Nội, đặc biệt là ô nhiễm không khí, môi trường nước còn nặng nề, ông Hải cho rằng, cần tập trung cải tạo, làm “sống lại” 4 dòng sông phía Tây thành phố là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Ông Hoàng Trumg Hải đề nghị Bộ NN&PTNT cần chủ trì việc này, có chỉ đạo tập trung, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách, gây mất thời gian, lãng phí.
Xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng “dẫn dắt, lan tỏa và đầu tàu”
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, mặc dù gặp phải những khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp Thủ đô vẫn tăng trưởng trên 2%/năm. Nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả đặc sản, vùng lúa chất lượng cao và chăn nuôi tập trung xa dân cư đạt giá trị cao được phát huy. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế của TP. Hà Nội năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011. Đây là mức giá trị sản xuất cao nhất nước, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt hơn 25% so với mục tiêu đề ra. Đời sống nông dân ngày một cải hiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 36 triệu đồng/người/năm (năm 2016).

Ông Hoàng Trung Hải (đứng) lo lắng: Nông nghiệp Hà Nội nếu không tính đến xuất khẩu là thất bại vì cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản các nước ngay trên địa bàn thành phố.
Ông Hoàng Trung Hải (đứng) lo lắng: "Nông nghiệp Hà Nội nếu không tính đến xuất khẩu là thất bại vì cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản các nước ngay trên địa bàn thành phố".
Đáng lưu ý, đến hết năm 2015, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo tiền đề để hình thành nhiều vùng rau an toàn, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bò thịt, bò sữa, thủy sản tập trung quy mô lớn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến 30/3/2017, thành phố sẽ hoàn thành việc cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp cho người dân sau dồn điền đổi thửa. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để người dân đầu tư phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá việc hoàn thiện dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận hơn 96% là việc rất khó, chưa nơi nào làm được. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Trong thời gian tới Hà Nội cần đưa ra nhiều nhóm giải pháp quyết liệt hơn và thực sự tạo được sự đột phá, trên tinh thần xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng “dẫn dắt, lan tỏa và đầu tàu”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng thành phố cần tận dụng triệt để các yếu tố thuận lợi về địa chính trị, kinh tế, sinh học, địa lý và thị trường (thành phố có 10 triệu dân và 2 triệu người vãng lai).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, định hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vào chăn nuôi, thủy sản (đến năm 2020 đạt 54%) của TP Hà Nội là đúng hướng. Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội nên tập trung vào những phân khúc có giá trị và tính lan tỏa cao nhất, nhất là khâu giống và phát huy lợi thế của các cây, con đặc sản của thành phố. Qua đó, tạo ra những đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để du lịch phát triển.
Nguyễn Dương

Không có nhận xét nào: