Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Ngành tôm Việt Nam có lợi thế tuyệt đối; Nhiều công ty Nhật muốn làm nông tại Việt Nam; Tôm hùm bị cấm nuôi ở Việt Nam thành đặc sản tiền triệu

(Chinhphu.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bộ NN&PTNT cũng xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam ngày 6/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời kỳ 1999-2010 (Chương trình 224) và ký ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những chính sách này có tầm quan trọng đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và NTTS nói riêng.
Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng sản lượng thủy sản đạt 9,89%, thì NTTS đạt tới 17,96%, giá trị xuất khẩu thủy sản cũng tăng bình quân 12,23%/năm. Chương trình này cũng đã đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.

Trong đó, trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tôm nước lợ đã nổi lên như một sản phẩm đầy tiềm năng và lợi thế để phát triển. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài là tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, tôm thẻ chân trắng bắt đầu được du nhập vào Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2008, sau khi Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm sú. Đến năm 2013, tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng hiện là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Chỉ sau 10 năm thực hiện Chương trình 224 và Nghị quyết 09 (2000-2010), diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97.628 tấn lên 443.714 tấn (gấp 4,5 lần). Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu.
Năm 2011-2012, ngành tôm Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS). Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt, mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và trong nước về bệnh tôm để xác định tác nhân gây bệnh và tìm giải pháp khắc phục. Do xác định sớm nguyên nhân và kiểm soát được dịch bệnh, năm 2013 và 2014, Việt Nam đã tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh sản xuất (trong khi các quốc gia khác chưa kịp hồi phục sản xuất). Kết quả, ngành tôm nước ta đã có bước bứt phá, năm 2013 lần đầu tiên sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú, năm 2014 đạt tổng sản lượng 657.000 tấn và mức xuất khẩu kỷ lục 3,95 tỷ USD.
Năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL như độ mặn tăng cao, tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha, (trong đó Cà Mau bị thiệt hại 155.890 ha, Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha).
Tính đến ngày 30/6, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt 191.560 tấn (bằng 28,2% so với kế hoạch năm 2016). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả rất ngoạn mục.
Tổng diện tích thả nuôi tôm là 694.645 ha (100,1% cùng kỳ 2015) trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 600.399 ha; diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 94.246 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015, trong đó sản lượng tôm sú là 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng là 393.429 tấn.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.
Năm 2017, thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Hiện nay, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 161 thị trường trên thế giới. Nhờ việc ký kết các hiệp định thương mại, thủy sản Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan.

Ngoài ra, một trong những thách thức đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt đang và sẽ được tăng cường. Các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là com tôm sẽ chịu sự cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu tôm trong khu vực và Nam Mỹ…
Bộ NN&PTNT xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng là phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp.

Cùng với đó, việc phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững sẽ được thực hiện ở tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Đỗ Hương


Nhiều công ty Nhật muốn làm nông tại Việt Nam

Nhiều công ty nông sản của Nhật Bản đang tiến vào các thị trường tăng trưởng ở châu Á, trong đó có Việt Nam...

Nhiều công ty Nhật muốn làm nông tại Việt Nam
Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các giống gạo Nhật.
THĂNG ĐIỆP
Nhiều công ty nông sản của Nhật Bản đang tiến vào các thị trường tăng trưởng ở châu Á, trong đó có Việt Nam, do triển vọng đi xuống của ngành nông nghiệp tại Nhật - tờ Nikkei Asian Review cho hay.

Tờ báo dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá Nhật Bản cho biết trong vòng 10 năm từ 1995 đến 2015, sản lượng nông nghiệp của nước này đã giảm 16% về giá trị.

Công ty AoiFarm có trụ sở ở tỉnh Miyazaki của Nhật Bản đã bắt đầu trồng tại Việt Nam khoai lang Nhật - loại khoai có độ ngọt cao và được yêu thích ở Hồng Kông và Nhật Bản. Với công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Nhật Bản, AoiFarm đã đạt sản lượng 1.250 tấn khoai khi trồng tại Việt Nam năm đầu tiên. Một phần số khoai này sẽ được xuất khẩu sang Singapore và Hồng Kông.

Chiến lược marketing của AoiFarm bao gồm hai mũi nhọn. Loại khoai lang do công ty trồng tại Nhật sẽ được xuất khẩu và hướng tới tầng lớp người tiêu dùng thu nhập cao, còn sản lượng khoai trồng ở Việt Nam sẽ hướng tới tầng lớp tiêu dùng trung lưu và thu nhập thấp - một lãnh đạo của công ty cho hay.

Kitoku Shinryo, một nhà bán buôn gạo lớn của Nhật, sẽ bắt đầu trồng koshihikari, một giống gạo trồng phổ biến ở Nhật, tại miền Bắc Việt Nam vào tháng 2 này. Công ty đặt mục tiêu sản lượng khoảng 500 tấn, cung cấp cho các nhà hàng Nhật vốn đang mọc lên ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Một lãnh đạo của Kitoku Shinryo cũng cho biết công ty có dự kiến xuất khẩu một phần sản lượng gạo trồng được ở Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các giống gạo Nhật. Ngoài ra, các loại nông sản dễ được xuất khẩu đi từ Việt Nam hơn là từ Nhật Bản, nơi các tiêu chuẩn kiểm dịch rất ngặt nghèo.

Không chỉ tiến vào Việt Nam, các công ty nông sản Nhật cũng đang xem xét sản xuất ở một số quốc gia và khu vực khác. Công ty Agricultural Production Corp. GRA hiện đang nghiên cứu khả thi về trồng dâu tây ở Trung Đông. Công ty có trụ sở ở tỉnh Miyagi này đã trồng thành công dâu tây ở Ấn Độ với độ ngọt như dâu trồng tại Nhật và sản lượng thu hoạch được cung cấp cho các khách sạn tại Ấn Độ.


 

Kiều Vui | 

Tôm hùm bị cấm nuôi ở Việt Nam thành đặc sản tiền triệu

Loại tôm hùm đất (Procambarus clarkii) bị cấm nuôi ở Việt Nam đang được hô biến thành đặc sản, giá hơn 600.000 đồng/kg sau chế biến.

Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được nuôi lén ở Đồng Tháp. Loại sinh vật này được cho là tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, có tên khoa học Procambarus clarkii.
Theo quy định, loại tôm này muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Bị cấm vì giá trị thấp lại gây hại cho nông nghiệp
Tôm hùm bị cấm nuôi ở Việt Nam thành đặc sản tiền triệu - Ảnh 1.
Tôm hùm đỏ (tôm hùm đất) bị cấm nhập khẩu về Việt Nam nuôi do chúng có thể phá hoại mùa màng. Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu, cho hay nguyên nhân loại này bị “cấm” tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
“Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay”, ông cho biết.
Trong khi đó, trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thừa nhận đó là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.
“Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay”, ông Công khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cũng từng cho rằng loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Tôm từ Trung Quốc: Dân buôn cũng không dám mua
Theo tìm hiểu, loại tôm này hiện được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc…
Năm 2000, tổng sản lượng tôm hùm nước ngọt thương mại khoảng trên 110.000 tấn trong đó Mỹ chiếm 55%, Trung Quốc 35%, các nước châu Âu 8%, châu Úc 2%.... Mỗi kg tôm này có giá xuất khẩu từ vài USD đến hơn 10 USD.
Tại Việt Nam, dù bị cấm nhập khẩu về nuôi, loại tôm hùm này vẫn đang được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (chưa sơ chế), bán lẻ 300.000-400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết mối buôn chỉ bán hàng qua mạng Internet, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể.
Chị Thúy, một chủ buôn tại TP.HCM, cho hay tôm hùm đất ở Việt Nam chủ yếu là hàng đông lạnh, có nguồn gốc từ Mỹ. Là người bán hàng nhưng chị cũng không biết sản phẩm của mình có được cấp phép hay không. Dẫu vậy, trung bình 1-2 tháng, chị cho hay tiêu thụ hết một container vài chục tấn tôm hùm đất, chủ yếu bán buôn.
“Loại tươi sống là tôm từ Trung Quốc, giá rẻ như cho, rẻ hơn cả tôm đông lạnh, nhưng chúng tôi không dám mua. Người mua loại tôm này chủ yếu là chủ nhà hàng ở TP.HCM, Vũng Tàu, Hà Nội,… Ai muốn mua gọi vào đường dây nóng chúng tôi giao hàng tận nơi chứ không có địa chỉ cửa hàng”, chị nói.
Tại Hà Nội, nhiều nhà hàng có tiếng cũng nhập loại tôm này về để làm đặc sản “khai xuân”. Đơn cử một nhà hàng ở Yên Phụ (Tây Hồ) quảng cáo ăn tôm hùm đất sẽ “đỏ” cả năm do loại tôm này sau chế biến có màu đỏ rực rỡ, bắt mắt. Giá của âu tôm 1,3 kg đã qua chế biến khoảng 700.000 đồng.
Chị Trịnh Hiền, người vừa đặt mua 2 âu tôm trên với giá gần 1,5 triệu đồng (cả phí ship), cho hay: “Tôi thấy chúng lạ, màu sắc bắt mắt lại được gắn mác tôm hùm nên mua về ăn thử. Tuy nhiên chất lượng thực sự không ngon, tuyệt vời như quảng cáo. Loại tôm này nhiều vỏ cứng, không dễ ăn”.
Tương tự chị Hiền, nhiều “thượng đế” mua loại tôm này cũng không hề biết chúng bị “cấm cửa” tại Việt Nam. Phần lớn những người này mua về ăn thử do tò mò.
Tôm hùm đỏ sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C.
Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...
theo zing

Chính phủ đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội...để "nâng điểm" ( cho một cuộc thi gì đó..) của ông Hoàng Trung Hải ?

Đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội mà còn với cả nước. Chính phủ đã và đang nỗ lực để cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trình ga La Khê - tuyến Cát Linh  - Hà Đông. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến nói trên khi đi kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sáng nay 4/2.
Cùng đi có Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Xây dựng, Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra công trình nhà ga La Khê trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; công trình nhà ga số 2 trước khi làm việc tại khu vực ga Deport tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Tại buổi làm việc, cả hai Ban Quản lý dự án đường sắt đều kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc về vốn để bảo đảm dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó hạ tầng không theo kịp, năng lực của giao thông công cộng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, phương tiện giao thông cá nhân hiện đang tăng lên rất nhanh.

Trước vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, ngay trong những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ đã làm việc trực tiếp với Hà Nội và TPHCM để chỉ đạo các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Theo đó, trước mắt cần tổ chức giao thông tốt hơn, có biện pháp giảm phương tiện cá nhân đi vào các khu vực dễ ùn tắc. Về dài hạn, phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị là một trong những giải pháp quan trọng, có tính ổn định bền vững, lâu dài.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra đường ray - hiện đã được lắp đặt xong- trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng được hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn lực rất lớn. Với 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).
Vì vậy, việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.
Về quá trình thi công hai tuyến đường sắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao quyết tâm của Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội cùng sự vào cuộc quyết liệt của các Ban Quản lý, các nhà thầu trong điều kiện rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tế là cả hai tuyến đều chậm so với tiến độ, dù đã nhiều lần được điều chỉnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do thể chế liên quan đến đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, đặc biệt là thể chế liên quan đến quản lý đầu tư bằng hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Việc đánh giá, định giá các gói thầu không chính xác, khiến giá thành bị đội lên nhiều lần so với giá trị hợp đồng EPC ban đầu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý dự án còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những dự án liên quan đến pháp luật quốc tế.
“Những vướng mắc này khiến chủ đầu tư liên tục phải xin ý kiến, hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, do đó mất rất nhiều thời gian. Thời gian tới, tôi yêu cầu các Bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội phải thực sự quyết liệt, rà soát kỹ những khó khăn, vướng mắc của các dự án để có giải pháp tháo gỡ phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đúng tiến độ hai dự án đường sắt đô thị” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên công trường, công nhân đang tập trung vệ sinh, trước khi lắp đặt những thiết bị hoàn thiện cuối cùng. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Theo Phó Thủ tướng, hai tuyến đường sắt đô thị là những công trình đặc biệt quan trọng, không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hai dự án có thể sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô.
Tuy phải đẩy nhanh tiến độ nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo an toàn.
“Yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Trước hết là an toàn lao động, an toàn cho người tham gia giao thông. An toàn môi trường, an toàn cháy nổ. Phải giám sát chặt chẽ, không để xảy ra mất an toàn trên công trường, trong quá trình thi công, vận hành, khai thác sau này”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung quyết liệt để hoàn thiện đúng cam kết tiến độ đã đề ra, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về các công trình xây dựng chủ động tiến hành công tác nghiệm thu song song với quá trình thi công, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục triển khai các công việc còn lại.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chủ đầu tư về chất lượng hoàn thiện, chất lượng kiến trúc các công trình. Theo Phó Thủ tướng, các nhà ga là những công trình công cộng quan trọng, phải đảm bảo tính thẩm mỹ, giá trị văn hoá, do đó cần phải mời những công nhân có trình độ tay nghề cao để hoàn thiện, rút kinh nghiệm chất lượng hoàn thiện chưa cao như tại nhà ga La Khê.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong các khâu GPMB, đấu thầu... đối với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND Thành phố đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP. Hà Nội tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực để quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị. Thành phố cũng cần có sự chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ để tiếp nhận, khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT.
“Phải tạo ra văn hoá phục vụ riêng của đường sắt đô thị. Mọi người dân đi tàu phải được phục vụ, ứng xử văn minh”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội cần sớm nghiên cứu để có cơ chế huy động nguồn lực xã hội thông qua các hình thức hợp tác công - tư để triển khai các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần cố gắng ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia thi công, vừa góp phần giảm giá thành, vừa nâng cao trình độ, năng lực trong xây dựng đường sắt đô thị.
“Khi đó, giá rẻ hơn, lại nâng cao được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ở đường sắt đô thị. Toa tàu có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đường sắt, trụ móng, nhà ga chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Cái gì không làm được mới nhập khẩu nước ngoài, đây cũng là mong muốn của Thủ tướng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân trên công trường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tháng 9/2017 chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đến nay, khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Công tác xây lắp cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công đã đề ra. Các bên đang tiếp tục bám sát tiến độ thi công tổng thể đã đề ra, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý I/2017.
Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc BQL Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, mục tiêu đặt ra là hoàn thành, đưa vào chạy thử trong tháng 9/2017. Để bảo đảm mốc tiến độ này, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3; hoàn thành lắp đặt thiết bị trước ngày 31/7/; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9.
“Thời gian vận hành chạy thử liên động toàn hệ thống tối thiểu là 3 tháng nhưng có thể lên tới 6 tháng tùy thuộc kết quả chạy thử trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác”, ông Lê Kim Thành cho biết.
Phó Thủ tướng làm việc với các Ban Quản lý dự án. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (là đoạn tuyến giai đoạn 1 của tuyến số 3 trong mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội) có chiều dài 12,5 km với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án gồm 10 gói thầu được khởi công vào năm 2010, tuy nhiên đến nay, tiến độ chung mới đạt trên 30%.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết tiến độ tổng thể dự án đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện Thành phố đã tháo gỡ cơ bản các khó khăn cho dự án, tập trung điều chỉnh lại tiến độ các gói thầu để đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch chi tiết để tập trung thi công phần ngầm trong năm nay.
Xuân Tuyến - Phan Trang

Nhà văn Nguyễn Ngu Í và thế giới người điên tại bệnh viện tâm thần Biên Hòa

Bệnh viện tâm thần Biên Hòa.

Võ Đắc Danh


Má ơi ! Con muốn điên rồi,

Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi

. . .

Au ơ . . .

Ví dầu con Má có sao

Có điên, có dại Má nào bớt thương

Đó là những câu thơ của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngu Í (1921 – 1979 ) bật lên trong những ngày điên loạn. Giữa ngổn ngang hiện vật trong phòng lưu trữ của nhà thương điên Biên Hoà, chúng tôi tìm thấy bút tích lời kêu cứu của ông viết vào năm 1976 như sau:

"Tôi là Nguyễn Hữu Ngư, 58 tuổi, bút hiệu Nguyễn Ngu Í, là nhà văn, nhà giáo, nhà báo chuyên nghiệp, hiện là bệnh nhân ở khu 3, bệnh viện tâm thần Biên Hòa ( tức nhà thương điên Biên Hoà ). Xin có lời kêu cứu với các bạn, các thầy, học trò cũ và những người quen biết:

Tôi mắc bệnh cuồng não tuần hoàn từ năm 18 tuổi. Lúc trẻ, năm bảy năm bệnh tái phát một lần, càng có tuổi chu kỳ càng hẹp. Biến cố lịch sử tết Mậu Thân xúc động tôi quá mạnh, tôi lên cơn dữ dội. Nay chu kỳ bệnh lại công phạt, cứ vài tháng là bệnh cũ tái phát trở lại, tôi phải sống nhờ cơm của nhân dân, lấy bệnh viện làm nhà. Vừa rồi tôi suýt chết, tôi thấy sức lực tôi đã mòn nhiều, sống ráng độ vài năm nên tha thiết yêu cầu người quen giúp phương tiện để tôi có thể: 1-Mua một kính cận thị bị anh em quận đội đánh bể vì tôi đột nhập vào quận đội nửa đêm tết năm ngoái. 2-Làm một hàm răng giả ( tôi phải ăn nuốt trọng từ một năm nay ). 3-Tái bản quyển “Sống vôvi”, “Có những bài thơ”, “Hạnh phúc chính nơi bạn”. 4-Xuất bản hai tập hồi ký “Nếu tôi nhớ kỹ” và “Những bức thư tình tưởng không bao giờ viết”.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh sau khi đọc cho tôi ghi lời kêu cứu của Nguyễn Ngu Í, ông nói: “ Một người điên mà biết trăn trở vì sống nhờ hạt cơm của nhân dân thì quả là một người điên cực kỳ tử tế”.

Trong hồ sơ bệnh lịch của Nguyễn Ngu Í nhập viện hồi năm 1964 có đoạn viết: “Bệnh khởi phát từ năm 1940 với triệu chứng nói nhiều, chửi bới, lui tới lăng xăng. Đã điều trị ở bệnh viện Chợ Quán một đợt sáu tháng, được choáng điện nhiều lần, khi về đi dạy học được. Đến năm 1947, bệnh tái lại, điều trị ở trại an trí Quảng Ngãi sáu tháng, bệnh giảm, vài tháng bệnh trở lại, đến Biên Hoà, ra vào 12 lần, mỗi lần hai ba tháng. . .

Theo nhà văn Sơn Nam thì Nguyễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tĩnh nửa điên. Có lần, chính quyền sài Gòn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch bình định cấp tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long tại căn cứ Đồng Tâm, có cả cố vấn Mỹ tới dự. Nguyễn Ngu Í cũng tới dự với tư cách nhà báo.

Ông mặc áo sơ mi trắng, thắt cà-vạt nhưng lại mang guốc vông. Chính điều đó đã biểu hiện một trạng thái bất thường. Sau bài phát biểu của một cử toạ, Nguyễn Ngu Í xin phát biểu cảm tưởng của một nhà báo. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Ông nghiêm mắt nói: “Làm công việc bình định đồng bằng sông Cửu Long nhưng vị quận trưởng có mặt tại đây là một người đạo đức giả, là kẻ gian phu ! Ông ta thông dâm với tất cả những nữ giáo viên xinh đẹp trong vùng. Trong số gái mất nết ấy, vài người hiện có mặt tại đây . . .”

Nguyễn Ngu Í vừa nói vừa chỉ vào mặt viên quận trưởng, vừa lia lia ngón tay về phía các cô giáo. Trước tình thế quá căng thẳng, một viên chức địa phương phải lên phân trần với cố vấn Mỹ và các quan chức chủ toạ rằng đó là một nhà báo mắc bệnh thần kinh đang lên cơn. Có lẽ vì Nguyễn Ngu Í mang đôi guốc vông không giống ai nên ông thoát nạn.

Trong phòng lưu trữ của nhà thương điên Biên Hoà, chúng tôi còn tìm thấy tờ đơn xin nghỉ phép của Nguyễn Ngu Í đề ngày 13 tháng 8 năm 1976, ông viết : “ Kính xin bác sĩ cho tôi được về phép ngày chúa nhật 15/8/76 để đến thăm gia đình một bạn thân ở tỉnh lỵ Biên Hoà, anh Nguyễn Văn Thuyết, con trai cố bác sĩ Nguyễn Văn Hoài "(Giám đốc bệnh viện tâm trí Biên Hoà từ 1945-1955 – NV )

Nguyễn Ngu Í là bạn thân với nhà văn Bình Bình Lộc, mà Bình Nguyên Lộc lại có người con trai là bác sĩ Tô Dương Hiệp làm giám đốc bệnh viện tâm trí Biên Hoà những năm 1972-1973. Bản thân nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng từng là bệnh nhân của nhà thương điên Biên Hoà trong những năm chống Pháp. Chính vì mối quan hệ nầy mà nhà văn Nguyễn Ngu Í từng được bác sĩ Tô Dương Hiệp trực tiếp chăm sóc như một người thân. Hoạ sĩ Lê Thành Vinh, phụ trách phòng hội hoạ trong bệnh viện cho biết, những lúc tỉnh táo, Nguyễn Ngu Í thường bắt bác sĩ Hiệp ra ngồi đánh cờ tướng với ông hàng buổi. Thắng thì vui vẻ, thua thì nổi cơn điên. Có lần ông cầm bàn cờ đập lên đầu bác sĩ Hiệp, thủng cả bàn cờ, tròng xuống cổ, mặt mài đầy máu nhưng bác sĩ Hiệp vẫn vui, vì đó không chỉ là một bệnh nhân mà còn là bạn chí cốt của cha mình.

Bác sĩ Hiệp mất năm 1973 vì bệnh ung thư, an táng tại nghĩa trang bệnh viện. Nguyễn Ngu Í mất năm 1979, tại tư gia ở sài Gòn. Bình Nguyên Lộc sang California chữa bệnh năm 1985 và từ trần bên ấy năm 1987.

Chưa tìm được mối quan hệ nào trong nhà thương điên Biên Hoà giữa Nguyễn Ngu Í, Bình Nguyên Lộc và Bùi Giáng. Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ thì Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian nầy Nguyễn Ngu Í vẫn còn trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3 nhưng chúng tôi không tìm được thông tin về mối quan hệ của họ như thế nào. Đây cũng là một việc đáng tiếc.

Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi: “Bệnh tái phát từ tháng 4 năm 1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hóa trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3 năm 1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vỡ quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn . . .”

Bùi Giáng để lại trong bệnh viện rất nhiều bút tích, chủ yếu là thơ. Nhưng hầu hết những bài thơ ông không ghi ngày tháng, và, cũng chẳng mấy ai hiểu ông muốn gởi gắm những điều gì qua những vầng thơ nửa tĩnh nửa điên:

Tờ thư bí mật hôm nay

Gửi em nói chuyện dằng dai đuôi đầu

Đầu tiên gió gác trăngh lầu

Cuối cùng đuôi đứt mối sầu trường sinh

Hình dung mộng tưởng chênh vênh

Trăm năm rút gọn gập gềnh tử sinh

Tam bành tuyệt đối đinh ninh

Rồi ra tứ trướng bất thình lình điên

Thư về bí mật liên miên

Té ra toàn thể là thiên thu khùng

( Tờ thư bí mật )

Nỗi buồn như chiếc lá rơi

Từ cành rụng xuống chốn nơi nào là

Nỗi buồn gieo giọt sương hoa

Cho tim máu động chan hoà một phen

Nỗi buồn chắp cánh bay lên

Vi vu mười hướng bay lên bốn trời

Buồn vui cũng thế mà thôi

Tình thương mơ mộng muôn đời một mai

Ay người, ấy kẻ, ấy ai

Trận buồn chếnh choáng than dài nỗi vui

Chia nhau một chút ngậm ngùi

Hình dung mộng tưởng ra ngoài trăm năm

( Nỗi buồn )

Thưa em từ bữa xa xưa

Ngẫu nhiên tao ngộ một mùa đa mang

Tình yêu cậy cánh hoa lan

Giãi giùm tinh thể đá vàng đầu tiên

Em người xứ sở thần tiên

Lạc loài để rớt cõi miền đi đâu

Chờ em suốt mấy trăng thâu

Bầu tiên chuốc rượu nguyệt lầu vô phương

Bổng dưng tình huống dị thường

Thình lình một ngã ba đường tẻ ra

( Ngẫu nhiên )

Gần một trăm năm qua, nhà thương điên Biên Hoà đã có hàng chục vạn bệnh nhân đến và đi, tất nhiên đi về đâu của bước chân người điên thì chẳng ai biết được. Có một nghĩa trang phía sau dành cho hàng ngàn người ở lại. Có một phòng bảo tàng rất khiêm tốn dành cho những giá trị mà họ để lại. Ơ đó có những bút tích, những bài thơ, những bức tranh cũng hết sức khiêm tốn, nhưng, nói theo bác sĩ Nguyễn Gia Khanh thì xin chớ vội coi thường bởi điên mà còn biết trăn trở khi ăn hạt cơm của nhân dân như nhà văn Nguyễn Ngu Í thì quả là một người điên cực kỳ tử tế.

2. 

-Dạ, em tên là Lê Viết Tuấn, em xin nhắc lại là Lê Viết Tuấn chớ không phải là Lê Việt Tuấn, sinh năm 1961, tại . . . Cha em là bác sĩ . . . Em bị rối lọan ngôn ngữ nên em tìm đến hội họa là để khẳng định lại giá trị trong ký tự ABC của Alexandr de Rhoes . . .

Mọi người cố nín cười. Tôi mời Tuấn điếu thuốc. Tuấn khom người đưa hai tay đỡ lấy và cảm ơn rối rít rồi cúi chào bước ra. Người Tuấn dường như lúc nào cũng co ro, khiêm tốn, trầm lặng với dáng đi lầm lũi, nhẫn nhục và chịu đựng trông thật đáng thương. Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, trưởng khoa họat động liệu pháp – Bệnh viện tâm thần Trung ương II – cho biết, cách đây hơn hai mươi năm, Tuấn đang học đại học năm thứ ba ngành mỏ-địa chất thì phát bệnh, bỏ nhà đi lang thang, miệng nói huyên thuyên về những ý tưởng lạ lùng không ai hiểu. 

Những lúc tỉnh táo, Tuấn hay kể với bác sĩ Khanh về những quyển sách triết học mà anh đã đọc thời sinh viên, trong đó có quyển tâm lý học của Sigmund Freud, quyển sách nầy có một chi tiết phân tích tâm lý của một chàng trai lọan luân với mẹ ruột, anh ta đã giết chết người cha và tự móc mắt mình. Nỗi ám ảnh tội ác và sự kinh dị ấy làm cho Tuấn bị căng thẳng thần kinh, anh đã ba lần nhảy lầu tự tử nhưng nhờ nhà thấp nên thóat chết, chỉ bị gảy tay.

Theo bác sĩ Khanh thì chứng bệnh của Tuấn gọi là ngộ độc triết học dẫn đến hoang tưởng bị tội. Cha mẹ Tuấn đã lần lượt qua đời, hiện Tuấn chỉ còn người anh đang sống ở Sài Gòn, nhưng vì không đủ điều chăm sóc nên ký gởi cho Tuấn ở lâu dài trong bệnh viện, thỉnh thỏang anh vào thăm và hay chở Tuấn đi chơi trong những ngày lễ tết. Ơ đây, Tuấn luôn được sự chia sẻ của bác sĩ Khanh và anh đã lao vào hội họa như một nhu cầu bộc lộ tâm tư, như tìm thấy một lối thóat nên không còn ý định tự tử như trước nữa.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi xuống phòng hội họa thì gặp Tuấn đang ngồi vẽ, Tuấn vẽ một người con gái đang bấu víu vào người con trai. Tôi hỏi vẽ cái gì vậy, Tuấn nói: “ Hồi sáng em đọc báo thấy có một bài viết về sự đột quỵ nên em vẽ bức tranh nầy”. Chẳng ai hiểu gì về bức tranh và lời giải thích của Tuấn. Khi tôi bảo anh giải thích về những bức tranh của mình đang treo trên tường, Tuấn rất nhiệt tình. “ Bức tranh nầy có tên là lương tâm, em nhớ có một quyển sách nói về một nhạc sĩ người Nga kéo đàn violon, khi đàn bị đứt dây, ông ta móc ruột mình ra để làm dây đàn”. 

Lời giải thích của Tuấn chẳng ăn nhập gì với bức tranh vẽ nội tạng con người, trong đó cái bao tử được ráp lại bởi hai hàm răng lởm chởm. Tuấn nói tiếp: “Em cũng chẳng hiểu sao em vẽ người mà lại không có cái đầu, có lẽ vì em là người điên”. Rồi Tuấn dẫn tôi sang bức tranh khác và giải thích: “Đây là hình con gà, em vẽ bức tranh nầy vào năm ất dậu, con gà tượng trưng cho sức mạnh để đá độ. Nhưng em lại nhớ đến nạn đói năm ất dậu 1945, miền Bắc của chúng ta chết hàng triệu người . . .”

Trong phòng treo hơn mười bức tranh của Tuấn, bức nào cũng đẹp, táo bạo và đầy ấn tượng. Thật khó mà hình dung rằng đây là tranh của một người điên.

Bệnh nhân thứ hai mà chúng tôi gặp ở đây – cũng rất tình cờ – lại có một câu chuyện hòan tòan ngược lại với Lê Viết Tuấn. Đó là Nguyễn Văn Hòang. Nhưng anh ta tự đặt cho mình biệt danh là Tony Hòang cho nó sang trọng hơn, phù hợp hơn với tính cách của một tay chơi. Trong bệnh án của Hòang có đọan: “ Khởi bệng từ tháng 11 năm 2002, mất ngủ, luôn nghĩ mình tài giỏi, tiêu xài hoang phí. Bệnh nhân đang học trường nhạc được chín năm, đến năm cuối thì bỏ học. Sau đó làm nhiều việc linh tinh nhưng không làm gì đến nơi đến chốn, ăn xài phun phí, tự cho mình là giàu có, hay yêu sách, nếu không thỏa mãn thì đập phá đồ đạc trong nhà và hăm dọa đánh cha mẹ. Bệnh nhân không có công ăn việc làm nhưng đến các báo đăng quảng cáo tuyển nhân viên khiến gia đình phải giải quyết hậu quả . . .

Chúng tôi gặp Hòang đang làm việc trong khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Hòang hỏi: “Anh là nhà báo ?”, tôi gật đầu, Hòang hỏi tiếp: “Anh vô đây làm phóng sự ?”. Thấy Hòang rất vui vẻ và tĩnh táo như một người bình thường, tôi hỏi: “ Em bị bệnh gì ?”, “Dạ, bệnh tiêu xài hoang phí”, “Xài như thế nào mà gọi là hoang phí ?”, “Mỗi đêm em xài hết tám triệu đồng”, “Xài cái gì mà dữ vậy ?”, “Thì nhà hàng, vũ trường, bao mấy em”, “Em có bồ không”, “Nhiều, khỏang tám cô”, “Mấy cô ấy có yêu em không”, “ Em cũng không biết mấy cổ yêu em hay yêu tiền của em”. 

Rồi Hòang kể tên mấy cô bồ của mình, nào MT, THV, TH, MA . . . tòan những diễn viên điện ảnh và người mẫu nổi tiếng. Hòang cho tôi một lô số điện thọai, địa chỉ nhà và nói: “ Vài hôm nữa em xuất viện, em sẽ chở anh đi chơi và bao anh trọn gói. Nhưng kỳ nầy mình chơi á hậu thôi chớ không thèm chơi hoa hậu, tốn kém lắm”.

Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh của Hòang gọi là hoang tưởng tự cao dẫn đến rối lọan nhân cách, lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ và cho rằng người khác phải có bổn phận cung phụng cho mình. Trong hồ sơ của Hòang có một mảnh giấy mà tình cờ bác sĩ Khanh phát hiện trong túi Hòang: “Tony Hòang, 37 tuổi, độc thân, cao 1,73m, nặng 70kg, trình độ đại học, nghề nghiệp: Kinh doanh địa ốc, điện thọai di động, bán vé máy bay trong và ngòai nước, làm visa, hộ chiếu, cho vay lãi suất 4%. Có nhà riêng, xe ô tô. Hiền, vui tính. Rất hân hạnh được làm quen với các cô”.

Cách đây mấy hôm, Hòang chuẩn bị xuất viện thì tình cờ bác sĩ Khanh phát hiện cũng trong túi của Hòang có mấy tờ giấy khác, trong đó Hòang kê ra chi tiết trong một năm Hòang nằm bệnh viện, tiền lương và tiền điện thọai hàng tháng mà mẹ và anh trai phải truy trả sau khi Hòang xuất viện là gần 40 triệu đồng, chưa kể tiền lì xì tết và các ngày lễ trong năm. Thế là, Hòang phải ở lại để điều trị tiếp.

Bác sĩ Khanh nói rằng, Hòang vẫn là kẻ đáng thương hơn đáng trách. Tuy mỗi người biểu lộ một tính cách khác nhau nhưng suy cho cùng, tất cả đều là nạn nhân của một căn bệnh ngặt nghèo, bi kịch cho đời họ và làm khổ người thân.

Chúng tôi gặp chị Lan, nhà ở Gò Vấp vào thăm đứa con trai tên Võ Văn Khôi, 26 tuổi. Khôi to lớn như kẻ bị béo phì, ngồi gục gặt, mắt đờ đẫn vì dùng thuốc an thần liều cao để chặng đứng cơn kích động. Chị Lan buồn bã kể rằng, vợ chồng chị có hai đứa con, một gái một trai, cả hai đều rất ngoan và học giỏi. Khôi lớn lên trong sự đầm ấm của gia đình, đặc biệt là tình thương của bà ngọai. Ngọai đưa đón Khôi đi học từ nhỏ cho đến hết cấp hai. 

Thậm chí những ngày Khôi đi học võ, ngọai dắt Khôi đến nơi rồi ngồi chờ ngòai cổng cho đến hết giờ vì bà không yên tâm với môn học dễ xảy ra tai nạn. Thế rồi một hôm, bà ngọai về quê và chết ở quê. Trước sự mất mác mà không lý giải được, Khôi bị mắc bệnh trầm cảm, rồi từ trầm cảm trở nên cộc cằn, hung hăng và nổi lọan. Mỗi khi lên cơn, gặp ai Khôi cũng đánh, bất kể đó là cha mẹ ruột của mình. Mỗi ngày Khôi bắt cha phải chở đi đúng năm tiếng đồng hồ vòng quanh thành phố, phải đi đúng tuyến đường và ghé đúng những quán cà phê mà Khôi quy định. Suốt mười năm qua, Khôi đã hành hạ cha mình như thế. Mỗi năm Khôi vào bệnh viện một lần, mỗi lần vài tháng, nhưng vừa xuất viện thì bệnh lại tái phát.

Hai mẹ con ngồi cạnh nhau, Khôi cao to nhưng vô hồn như tượng gỗ, chị Lan tiều tụy, héo gầy, khắc khổ nhưng vẫn nhân hậu, ngọt ngào: “Có những lần hai vợ chồng tôi đưa cháu vào đây, tôi ở lại, ảnh ra về. Bất chợt cháu nhìn theo cha rồi khóc nấc lên, cháu nói: “ Cha đã già, tóc đã bạc, đã khổ vì con quá nhiều, vậy mà con cứ đày đọa cha”. Lúc ấy tôi cứ tưởng đâu cháu tĩnh. Nhưng không ngờ khi về nhà thì chứng nào tật nấy”.

Chị Lan vừa nói vừa nhìn con. Tôi nghĩ đến sự chịu đựng mười năm, có lẽ chị đã khô nước mắt !

3.

Nghe nói chị Huệ có một bức tranh bán cho bảo tàng Đồng Nai, tôi hỏi chị vẽ cái gì trong đó, chị rụt rè nói: “Tôi vẽ sự cô đơn”.

Bác sĩ Khanh nói mấy năm trước chị Huệ vẽ khá nhiều. Đúng là tranh của chị thường mô tả sự cô đơn. Những năm gần đây, bệnh tái phát trở lại, chị không vẽ nữa. Trong hồ sơ của chị còn lại bệnh án của chế độ cũ đã úa vàng với tiêu đề “Bệnh viện tâm trí Biên Hòa”, số 291/73, tức chị là bệnh nhân thứ 291 của năm 1973, cách nay đã 33 năm. Bệnh lịch có đọan ghi: “Bệnh nhân Đinh Thị Huệ, nghề nghiệp thư ký, quê quán Khánh Hòa. Bệnh tái phát cách nay 3 năm, triệu chứng: Buồn cha có vợ nhỏ, bỏ mẹ không có tiền, bệnh nhân uống thuốc mê, cắt lưỡi, rạch bụng, nhảy lầu. Khi vào viện,bệnh nhân hay viết lên giấy mấy chữ:Trông cha về chắc hết bệnh”. Một bệnh án khác ghi tiếp: “Nhập viện ngày 29 tháng 6 năm 1976, do cán bộ thương binh phường đưa đến vì phá phách ngòai chợ”.

Y tá Nguyễn Thị Ngoan Hiền, người trực tiếp chăm sóc chị Huệ cho biết, những dòng ngắn gọn như thế nhưng ẩn chứa bao nhiêu uẩn khúc của cuộc đời. Những lúc tĩnh táo, chị Huệ theo phụ với Hiền chăm sóc những bệnh nhân khác, chị thường hay tâm sự rằng chị từng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Năm 1970, chị thi đậu tú tài, đi làm thư ký được một năm thì phát bệnh. Đến năm 1975, hết bệnh, chị về quê học cao đẳng sư phạm được một năm thì bệnh tái phát. Vậy là suốt ba chục năm qua, cô sinh viên sư phạm xưa đã trở thành một bà già điên lọan. 

Thỉnh thỏang chị hay mời các bác sĩ và điều dưỡng viên trong khoa đến để giảng bài và cho điểm từng người một. Tôi hỏi chị giảng những bài gì, chị nói giảng về cuộc đời ở ba thế giới khác nhau. Đó là đia ngục, trần gian và cõi thiên đàng, các bác sĩ ở đây chỉ mới thành tiên thôi chớ chưa thành Phật, muốn thành Phật để lên tới tầng trên cùng của thiên đàng phải thêm vài năm nữa.

Tôi hỏi chị có viết văn không, chị gật đầu rồi chạy về phòng mang lên cuốn tập học trò. Ơ trang đầu, chị vẽ chân dung cô y tá Hiền rất đẹp và trang trọng. Tiếp theo là những tạp văn. Trong bài “Tình muộn”, chị viết: “Tôi ghé thăm anh một chiều vàng nhạt, khi ánh thái dương đã tắt sau đồi. Anh ra tiếp tôi với nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Tóc anh đã hoa râm nhưng hồn anh vẫn trẻ. Anh bâng khuâng dí giày trên cát. Tôi đến với anh đã muộn màng vì anh đã có vợ rồi. Tôi yêu anh với tình yêu trong trắng của một thiếu nữ đã lớn khôn, hay hơn thế nữa là đã quá tuổi trung niên rồi. Tôi chẳng biết nói gì cùng anh, tôi cũng bâng khuâng dí giày trên cát, cát trắng của miền Biên Hòa xứ bưởi.

Thôi anh ạ, nếu chúng mình còn có duyên với nhau xin làm đôi bướm trắng bay giữa bầu trời xanh đầy ước mơ.

Thân tặng anh Nguyễn Văn Chiến – 1977.

Tôi hỏi Chiến là ai, chị rụt rè nói: “Hồi xưa ảnh ở khoa nam, rất đẹp trai, hát hay. Tôi yêu ảnh nhưng thấy ảnh có nhiều bạn gái quá nên thôi, không nói.” Y tá Hiền cho biết, ông Chiến là một bệnh nhân đã xuất viện lâu rồi, có lần vào thăm chị Huệ, hai người ôm nhau khóc sướt mướt.

Những tạp văn của chị Huệ thường gởi gấm tình cảm của mình với đức Phật, ca ngợi tình người. Một bác sĩ Trần Lâm Cao nào đó đã cưới một cô gái lầm lỡ về làm vợ, “Tôi yêu tâm hồn cao quý của anh,những người như anh trên đời nầy thật hiếm có, tôi nguyện kiếp sau sẽ gặp lại anh, hai ta sẽ là một, anh là bác sĩ hộ sinh, tôi là bác sĩ chuyên khoa mổ . . .”; Hay một người thầy cũ mà chị hết lòng tôn kính, một ông anh họ, một người chị dâu, một mùa xuân tuyệt đẹp ở quê nhà. Trong bài “Một chuyến về thăm”, chị kể chuyện về quê gặp lại mẹ, gặp lại các em, các cháu trong trạng thái mừng mừng tủi tủi, nước mắt rung rưng, gặp lại quê hương “với bờ biển về đêm lấp lánh những ngọn đèn, gió thổi lồng lộng nghe hồn mình lâng lâng vui sướng”. 

Nhưng tất cả chỉ là hoang tưởng như chính tên gọi căn bệnh ngặt nghèo của chị. Khi tôi hỏi chị có nhớ nhà, nhớ quê không, chị nói: “Nhà ấy đâu phải là nhà tôi, nơi ấy có còn ai thương tôi nữa đâu mà nhớ”. Bác sĩ trưởng khoa Lê Văn Hiến nói rằng, suốt ba mươi năm qua, chị Huệ cũng như hàng trăm số phận của những bệnh nhân bị thân nhân ruồng bỏ, chỉ có những người thầy thuốc trong bệnh viện nầy là người thân của chị. Thỉnh thỏang, có ai đó chạnh lòng cho chị một ít tiền, chị đi mua bánh kẹo, trà đá mời tất cả các thầy thuốc trong khoa, ai từ chối là chị giận. Lúc tĩnh, chị theo các nhân viên điều dưỡng đi làm vệ sinh hoặc chăm sóc cho những bệnh nhân khác. Nói chung, chị Huệ là một người điên tử tế.

Y tá Hiền kể với chúng tôi một câu chuyện khá đau lòng rằng, cách đây mấy tháng, có một cô giáo rất đẹp ở Vũng Tàu được chồng đưa vào nhập viện. Nhưng khi xuất viện thì cha cô vào rước. Hiền hỏi chồng cô ấy đâu, ông lão nghèn nghẹn trả lời: “Nó bị chồng bỏ từ khi mới phát bệnh, hôm trước chồng nó đưa vào chẳng qua vì tình vì nghĩa mà thôi”. Ơ đây có rất nhiều bộ hồ sơ gọi là “vô danh nữ”, không tên, không tuổi, không quê quán, không cha mẹ, người thân. 

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh kể với chúng tôi rằng cách nay hai năm, từ khoa nữ chuyển qua khoa họat động liệu pháp của ông một nữ bệnh nhân với bọ hồ sơ như thế. Bệnh án chí có mấy dòng ngắn gọn: bệnh nhân bị người nhà bỏ rơi trước cổng trong tình trạng bấn lọan, đi lang thang, miệng nói lãm nhãm, lúc khóc lúc cười, bảo vệ đưa vào nhập viện vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 7 năm 2002. Rồi như một sự bất ngờ, bác sĩ Khanh nói vui rằng đó là một ngày đẹp trời của tháng 10 năm 2004, tức sau hơn hai năm điên lọan, chị tĩnh hẳn ra với những tâm sự như nhận diện chính mình: “ Tôi tên là Phạm Kim Thoa, sinh năm 1948, quê xã Xuân Thành, huyện Xuân Thủy, Nam Định . . . năm 1988, tôi theo người chú vô Vũng Tàu rồi lập gia đình với anh Tăng Tự Phi, chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc nhưng không có con. 

Thế rồi một đêm nọ, tôi nghe có tiếng gọi bên tai, tôi bỏ nhà ra đi như một người mộng du. Hôm sau chồng tôi tìm gặp và chở chở tôi đến bỏ trước cổng bệnh viện”. Tôi hỏi chị có nhớ nhà không, chị nói nhớ, nhất là nhớ chồng. “Nhưng có lẽ ảnh bỏ tôi rồi nên không thấy tới thăm”.

Y tá Nguyễn Thị Ngọc Hương kể một câu chuyện buồn về bệnh nhân của mình – chị Phan Thị Bích, quê ở Hòn Đất, Kiên Giang – rằng khi Bích vừa phát bệnh thì chồng bỏ nhà đi, để lại cho chị đứa con trai ba tuổi. Sự phản bội của chồng đã làm cho bệnh tâm thần của Bích nặng thêm. Chiều chiều chị hay ẳm con ra tắm dưới sông, một hôm, trong lúc giỡn với con, chị đã trấn nước thằng bé mà không hề hay biết. Từ đó, trong mắt người thân và hàng xóm, Bích như người phạm tội giết con. Sau hơn một năm điều trị trong bệnh viện, Bích được xuất viện nhưng không ai đến đón, chị Hương phải đưa Bích về quê. Từ Biên Hòa về đến nhà Bích phải đi bảy chuyến xe đò và một chiếc đò ngang, mất cả ngày đường. 

Thế nhưng khi đến nơi thì gặp phải sự xua đuổi quyết liệt của hàng xóm, hàng chục người dưới đò không cho Bích qua sông, chị Hương phải nhờ công an can thiệp. Đến khi đưa được Bích qua sông thì lại bị người nhà từ chối, cho rằng chị là một người điên, không được trở lại gia đình. Một lần nữa, chị Hương phải nhờ công an can thiệp theo luật. Vậy rồi vài hôm sau, Bích lại xuất hiện trước cổng bệnh viện tâm thần trong cơn điên lọan. Không còn cách nào khác, Bích nhập viện lần nầy sẽ không có đường về.

Bác sĩ Khanh kết luận rằng, ông làm việc ở đây ba mươi năm nay nhưng chỉ thấy những người vợ âm thầm, nhẫn nhục đi nuôi chồng chớ chưa thấy người chồng nào đi nuôi vợ dù trong hàng trăm hồ sơ bệnh nhân nữ có ghi rõ tên và địa chỉ của chồng. Có chăng là những ông chồng chở vợ đến bỏ trước cổng bệnh viện vào lúc nửa đêm rồi biến mất. Nên chăng xem lại tích xưa về chuyện con cua cái hại con cua kình để giảm án cho người phụ nữ !

4.

Bác sĩ Khanh kể rằng, trong những dịp tết, bệnh viện tổ chức xe đưa những bệnh nhân bình ổn về đòan tựu gia đình. Căn cứ vào địa chỉ trong hồ sơ và sự hướng dẫn của bệnh nhân mà xe đưa đến. Nhưng hỡi ơi ! khi đến nơi thì gặp phải những ánh mắt từ chối lạnh lùng của người nhà, rằng đây không phải là người thân của tôi, hoặc nhà nầy đã sang cho chủ khác. Khi bệnh nhân gọi tên người thân thì họ cho rằng đó là do người điên ngộ nhận. Khi công an địa phương xác nhận và can thiệp thì bệnh nhân mới được bước vào nhà trong sử ghẻ lạnh của người thân.

Khi tâm trí bệnh nhân bình ổn thì người nhà phải nhận. Đó là quy định của pháp luật. Và khi bệnh nhân tái phát thì bệnh viện phải cho nhập viện. Đó cũng là quy định của pháp luật. Nhưng có một quy luật tất yếu đối với bệnh tâm thần là khi họ không tìm thấy sự chia sẻ tình cảm hoặc bị ngược đãi thì bệnh tái phát. Đó chính là lý do mà bệnh nhân sau một thời gian hồi gia rồi cũng phải quay lại, chọn bệnh viện làm nhà, chọn thầy thuốc làm người thân.

Bác sĩ Phan Văn Tiếng nói rằng, trong bệnh viện nầy có 1650 bệnh nhân là 1650 số phận khác nhau, họ nhập viện hay ra viện như thế nào, người điên không có quyền lựa chọn. Ví dụ như bà Lưu Thị Tám, nhập viện từ năm 1999 do người con trai đưa đến, bảy năm nay không thấy anh ta trở lại thăm, khi bệnh viện liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh thì hóa ra địa chỉ anh ta khai trong hồ sơ là một địa chỉ ma. 

Thế là, người mẹ ấy dù muốn hay không muốn rồi cũng sẽ chọn bệnh viện làm nhà. Chúng tôi gặp bà Hùynh Thị Hương, gần tám mươi tuổi, bà cho biết, bà đã sống hơn nửa cuộc đời trong cơn mê điên lọan và đã ở trong bệnh viện nầy gần bốn chục năm. Ngày xưa, bà đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng rồi bổng dưng phát điên, bị chồng đuổi ra khỏi nhà, bà lang thang trong khu chợ Bàn Cờ -Sài Gòn thì cảnh sát đưa bà vô bệnh viện. Có một lần tĩnh táo, bà tìm về nhà của một người em nhờ nhắn tin hai đứa con đến cho bà gặp mặt. 

Đứa con gái thì tỏ ra xúc động khi biết mình còn mẹ, nhưng thằng con trai thì từ chối một cách phủ phàng. Bà ngậm ngùi quay vào bệnh viện. Những ngày tháng sau đó, những lúc bình phục, trong nỗi khát khao làm mẹ, bà nhận một bệnh nhân nữ rất trẻ làm con nuôi. Không ngờ, hai người lại gắn bó với nhau như tình mẩu tử. Cô gái ấy sau khi xuất viện đã xin phép gia đình rước bà về chăm sóc. Nhưng chẳng bao lâu, cô ta xuất cảnh, bà lại trở vào bệnh viện. Từ đó đến nay, chuyện con ruột con nuôi cứ làm xao động lòng bà.

Bệnh nhân Phạm Văn Hòai, tóc trắng màu mây nhưng không biết mình bao nhiêu tuổi. Ong kể rằng ông nhập viện từ năm 1968, cách nay gần bốn chục năm, lúc ấy ông còn tuổi thiếu niên, mắc bệnh động kinh. Sau khi mẹ mất, cha lấy vợ khác, không hiểu ông đã làm gì mà bị cha đánh và đuổi ra đường. Ong vừa đi vừa khóc, cảnh sát Sài Gòn bắt ông bỏ lên xe và đưa vô bệnh viện. Ong sống ở đây như gần trọn một cuộc đời. Ong nói nhờ bệnh viện cho học nghề cắt tóc nên hàng ngày ông có việc làm, có bạn, rất vui.

Những người như ông Hòai, bà Hương đều được các bác sĩ, y tá, nhân viên điều dưỡng gọi bằng ba bằng má một cách ngọt ngào, thân thiện. Có lẽ nhờ vậy mà họ bớt cô đơn. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ở khoa nào cũng có vài ba chục mãnh đời cô độc, bị bỏ rơi như thế. Họ lặng lẽ sống và lặng lẽ chết, có một mãnh đất phía sau bệnh viện dành riêng cho họ.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hùng Hiệp, người quản lý nhà xác của bệnh viện suốt hai chục năm qua. Công việc của anh là trực chờ khi tử thần cướp lấy sinh mạng của bệnh nhân thì anh sẽ làm công việc tiếp theo là tiễn họ vào lòng đất. Hỏi trong hai chục năm qua, anh đã giúp cho bao nhiêu bệnh nhân có mồ yên mả đẹp, anh nói hàng trăm, làm sao nhớ nổi. Hiệp nghiệm ra một điều khác lạ trong công việc của mình rằng, nó đơn điệu và buồn hơn nhân viên mai táng ở các công ty. 

Các công ty mai táng gởi vào lòng đất đủ mọi thành phần, vô cùng phong phú, từ quan chức đến thường dân, từ học giả đến một tên lưu manh, trộm cướp, lại có tang lễ rình rang, có những dòng người đưa tiễn. Còn anh, chỉ lặng lẽ một mình anh với người chết, mà người chết chỉ một thành phần duy nhất: người điên. Cứ sau 24 giờ ngồi canh xác chết, không ai đến nhận thì Hiệp đưa vào hòm, rồi lặng lẽ đào huyệt, nhờ một bệnh nhân gần nhất tiếp khiêng một đầu hòm đưa vào lòng đất. Anh nói nhiều khi buồn lắm, tiễn một kiếp người mà không có lấy một nén nhan. 

Cái chết của người điên là như thế. Rồi Hiệp lật sổ tử đọc cho tôi ghi vài con số, những con số ngẩu nhiên trong cuốn sổ nhàu nát, ngã màu: Năm 1983 chết 101 người nhưng chỉ có sáu người được thân nhân nhận xác; năm 1984 chết 150 người nhưng chỉ có 13 người được thân nhân nhận xác. Tôi bảo Hiệp thôi đừng đọc nữa, tôi không muốn nghe những con số đầy ta thán chuyện nhân tình. Hiệp nói nghĩa trang gần bốn hécta nhưng đã chật hết rồi, bây giờ phải chèn kẻ để mà chôn.

Song, nghĩ đi rồi nghĩ lại, dù là sống bị người thân ruồng rẫy, chết trong lặng lẽ cô đơn, nhưng ít ra cũng có một nơi để họ sống ra người, được chăm sóc đến giờ phút cuối cùng và chết cũng được yên mồ yên mã. Nếu không có những người thầy thuốc tử tế trong bệnh viện nầy thì hàng ngàn thân phận ấy biết mục rã nơi đâu.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh nói rằng, ông đã sống với người điên gần trọn ba mươi năm. Ngẫm ra thấy mình hạnh phúc nhiều hơn họ. Nhiều khi nhìn họ mà trộm nghĩ rằng, cái ranh giới giữa vinh quang và tủi nhục trong cuộc đời nó rất mong manh. Biết đâu những người như Tuấn, như Hòang, như chị Huệ . . . nếu họ không điên, giờ đây họ là những con người thành đạt, làm được nhiều việc hơn mình. Càng nghĩ càng thấy thương họ. Bác sĩ Tiếng kể rằng, có một bệnh nhân nữ có tình ý với anh tự lúc nào không biết, một hôm anh đang khám bệnh thì bất ngờ cô ấy cầm hai nắm phân vuốt lên người anh, cô giận giữ nói: “Em yêu bác sĩ mà bác sĩ lại yêu cô khác”. 

Lúc ấy, anh chỉ biết cười. Y tá Ngọc Hương kể, có lần một bệnh nhân nữ lên cơn cắn chị gần đứt lìa ngón tay áp phải, và một lần khác, chị đang tắm cho một bệnh nhân nam thì bất ngờ anh ta thoi vào mặt chị, sụp xương má trái phải ra bệnh viện Chợ Rẩy điều trị cả tuần. Ơ đây, hầu như mỗi bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên đều bị bệnh nhân hành hung ít nhất đôi ba lần. Nhưng khi hỏi chuyện ấy, họ đều kể lại như một chuyện vui, một kỷ niệm đẹp trong nghề. Bác sĩ Tiếng nói rằng, chẳng có gì phải tôn vinh, chẳng có gì phải thổi phồng như một tấm lòng cao cả. Thật ra, không ai lựa chọn bệnh viện tâm thần làm nơi lập nghiệp. Nhưng sống với bệnh nhân riết rồi thấy quen dần và thấy yêu thương họ, một tình cảm cần chia sẻ giữa con người với con người. Và, tình cảm ấy đã trưởng thành theo năm tháng, nó đã dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo để tất cả cùng đi trên con đường tử tế.


Võ Đắc Danh

Triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sát biên giới Nga, Trung Quốc nhắm vào ai?

Không ai hiểu Trung Quốc bằng Mỹ, trừ Việt Nam, nhưng Nga thì không.

Vào hôm thứ 3 ngày 24/1 Global Times (Hoàn cầu Thời báo) một phụ trang của Nhân dân Nhật báo-Trung Quốc đã đăng tải tin và ảnh về việc Trung Quốc triển khai  lữ đoàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-41 tại tỉnh Hắc Long Giang cách biên giới Nga 300 km.

Tên lửa ICBM DF-41 của Trung Quốc, theo định danh của NATO là CSS-X-10, có tầm bắn lên đến 14.000km. DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn, mang theo 10-12 đầu đạn hạt nhân cho các mục tiêu độc lập.

DF-41 của Trung Quốc nhắm vào mục tiêu nào?

Không nhắm vào Nga!

Một thực tế giờ đây giới quân sự Nga đã công nhận là tại vùng Đông-Bắc của Trung Quốc đã bố trí nhiều loại tên lửa tầm trung như DF-4, DF-21, DF-26 là đủ khả năng bay tới Nga. Tên lửa tầm trung này để tấn công Nga thì độ chính xác cao hơn, đe dọa nghiêm trọng hơn so với ICBM.

Trong khi đó, theo Nga thì ICBM là DF-41 của Trung Quốc triển khai tại đây, Đông-Bắc Trung Quốc, thì gần Mỹ hơn, chỉ cách New York 12.000km và xa thêm Moscow 6000km. Do đó, DF-41 không nhằm vào Nga. Đó là sự lý giải theo nguyên nhân kỹ-chiến thuật.

Về nguyên nhân chính trị, các chuyên gia Nga cho rằng, Nga và Trung Quốc là bạn bè, không ở trong trạng thái răn đe hạt nhân lẫn nhau như Nga-Mỹ. Trung Quốc và Nga có ký hiệp định năm 2001 là không xỉa tên lược vào nhau. Do đó, DF-41 tại Đông-Bắc Trung Quốc không nhằm vào Nga.

Ten lua ICBM DF-41 ap sat Nga, Trung Quoc nham vao ai?
Để nhằm vào Mỹ, bố trí DF-41 tại vùng Đông-Bắc là hợp lý, nhưng DF-41 bố trí tại Tây-Bắc Trung Quốc thì nhằm vào ai?
Đó là chuyện bàn sau, hiện tại, chúng ta hoàn toàn đồng ý với các chuyên gia phân tích Nga về cơ sở chính trị, cơ sở kỹ-chiến thuật của lữ đoàn tên lửa DF-41 mà Trung Quốc bố trí tại vùng Đông-Bắc là không nhằm vào Nga. Vậy nó nhằm vào ai?

Nhằm vào Mỹ?

Việc triển khai, bố trí tên lửa DF-41 là một quá trình lâu dài, nó được Mỹ, Nga theo dõi từ lâu nhưng đến hôm nay Hoàn cầu Thời báo được phép tuyên bố vào thời điểm này là có lý do của nó.

Trước đó chính quyền của D.Trump đã có những hành động, tuyên bố gì ảnh hưởng đến Trung Quốc? Có 2 sự việc khiến Trung Quốc không thể chấp nhận được.

Một là D.Trump tuyên bố có thể xem lại quan điểm “một Trung Hoa” trong vấn đề Đài Loan.

Hai là tạo ra một ranh giới đỏ trên Biển Đông khi D. Trump đồng ý với tuyên bố của Ngoại trưởng đề cử, ông  Rex Tillerson,  khi được hỏi về quan điểm của chính quyền Trump trên Biển Đông trong buổi điều trần xác nhận  "Chúng ta sẽ phải gửi Trung Quốc một tín hiệu rằng…bạn truy cập tới những hòn đảo này là không được cho phép. "Cách duy nhất để chặn truy cập của Trung Quốc đối với các đảo mà họ chiếm trong vùng biển Nam Trung Quốc là Mỹ sẽ ban hành lệnh phong tỏa bằng hải quân, đó là một hành động chiến tranh”.

Có thể 2 vấn đề cực kỳ nhạy cảm này đã chấn động đến ngay “thần kinh trung ương” của Bắc Kinh.
Tại sao chính quyền D.Trump mới “chân ướt chân ráo” đã vội có những tuyên bố nguy hiểm và vô trách nhiệm “5 ăn 5 thua” như vậy? Tuyên bố mà về chính sách chỉ có hai hậu quả thực tế: thực thi, có nghĩa là xung đột, hoặc “võ mồm” thì có nghĩa tự hạ thấp uy tín của chính quyền mới với Châu Á. 

Lịch sử lặp lại?

Thông cáo chung Thượng Hải được ký giữa Mỹ-Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ R.Nicxon năm 1972, có điểm nhấn mà Nga cần nhớ kỹ là, Đài Loan đã trở thành một con bài trao đổi giữa Mỹ-Trung Quốc. Liên Xô và Việt Nam đã trở thành kẻ bị hại, thua thiệt trong Thông cáo này.

Đó là câu chuyện lịch sử, nhưng hiện tại, chính quyền mới của Mỹ muốn gì với Trung Quốc qua con bài Đài Loan? Dư luận đang để ý và thấy rằng có những vấn đề lớn giữa 3 cường quốc Mỹ-Trung Quốc-Nga.

Trước hết, chẳng ai ngây thơ khi D.Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì Nga-Mỹ sẽ bình thường hóa quan hệ. Nga vẫn là kẻ thù nguy hiểm mà bất kỳ ai lên làm tổng thống nước Mỹ cũng muốn tiêu diệt. Mỹ cần Trung Quốc để chống Nga. Do đó, cũng như trước đây, Mỹ buộc Trung Quốc phải lựa chọn hoặc Đài Loan hoặc chống Nga.

Không ngạc nhiên khi Global Times hô hào rằng, “Trung Quốc phải hiện đại hóa hạt nhân để không một quốc gia nào dám thác thức quân sự, rằng, mở rộng kho VKHN để buộc Mỹ phải tôn trọng…”

Mỹ chẳng có bất ngờ gì về hành động này của Trung Quốc mà có vẻ như Mỹ đang cần Trung Quốc công khai để vận động nguồn tài chính hàng trăm tỷ USD cho chính quyền của D.Trump khởi động quá trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân Mỹ sau 25 năm kể từ khi Liên Xô tan rã.

Liệu Trung Quốc vì Đài Loan, vì lợi ích cốt lõi trên Biển Đông mà sẵn sàng có với Mỹ một “Thông cáo Thượng Hải 2.0”?

Rõ ràng là Bắc Kinh không thèm đấu “võ mồm” với chính quyền của Tổng thống D.Trump…Trung Quốc đáp lại lập tức bằng cách triền khai ICBM tại vùng Đông-Bắc mà Nga cho rằng để nhằm về phía Mỹ.

Tuy nhiên, được biết là Trung Quốc đã triển khai 3 lữ đoàn tên lửa DF-41 trong đó có 1 lữ đoàn tại Tân Cương là vùng Tây-Bắc Trung Quốc. Vậy lữ đoàn tên lửa DF-41 này nhằm vào ai? Chắc là nhằm vào Pháp và Anh chăng?

Phản ứng của điện Kremlin, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố:

 “Trung Quốc là đồng minh của chúng tôi, là đồng minh chiến lược, là đối tác của chúng tôi cả trong chính trị và trên bình diện  kinh tế-thương mại. Chúng tôi coi trọng mối quan hệ này. Đương nhiên, nếu thông tin này đúng sự thật, với hoạt động theo kế hoạch phát triển lực lượng vũ trang và xây dựng quân đội của Trung Quốc, chúng tôi không cảm nhận như là mối đe dọa với đất nước Nga”.

Nga có thể tự an ủi, đặt lòng tin vào Trung Quốc bao nhiêu tùy, nhưng người Nga nên biết là không ai hiểu Trung Quốc bằng Mỹ, trừ Việt Nam, nhưng Nga thì không.

Lê Ngọc Thống

(Blog Lê Ngọc Thống)

Nước Mỹ đã phạm sai lầm khi chọn Donald Trump làm tổng thống

LS Thomas M. Wells, người ngồi bên trái. Nguồn: Wells Law.
LS Thomas M. Wells (người ngồi bên trái) và các luật sư trong tổ hợp luật sư của ông. Nguồn: Wells Law.
Thomas M Well, người điều hành và cũng là một trong những người thành lập tổ hợp luật sư Wells, Jaworski & Liebman LL, một tổ hợp nổi tiếng, hoạt động hơn 30 năm  ở Paramus, tiểu bang New Jersey, có chi nhánh ở Vermont, New York. Tổ hợp này tập trung vào các lãnh vực về bất động sản, đất đai, thương mại, kinh doanh và các công ty phi lợi nhuận. Thân chủ  của họ hầu hết là những người có tiếng tăm.

Thomas Wells đã gửi một tin nhắn cho nước Mỹ. Những kinh nghiệm và liên hệ nội bộ với Donald Trump đã cho Wells có đầy đủ hiểu biết để nhận định chính xác về con người của Trump, ông cảnh báo mọi người rằng, kẻ ngồi trong văn phòng hình bầu dục là tên độc tài, Wells không muốn Trump trở thành tổng thống.

Trong một bài báo đăng trên Huffington Post: Donald Trump đã thuê tôi làm luật sư. Làm ơn đừng ủng hộ ông ta làm tổng thống, Wells cho biết, ông đã từng là luật sư của Trump và kêu gọi không nên hỗ trợ Trump trở thành tổng thống. Wells theo dõi những câu hỏi nhận định về bản tính cũng như chứng rối loạn thần kinh của Donald Trump. Nhờ khoảng thời gian làm luật sư đại diện cho Trump trong thập niên 1980, khi cùng làm việc với Trump trong dự án Shopping Center mang tên Trump Centre, Wells nhận ra tính khí bất thường, cực kỳ hung hăng, cũng như chiến thuật trấn áp, bịp bợm, qua mặt người khác của Trump. Trump cũng có niềm vui bệnh hoạn khi kể những câu chuyện về những người phụ nữ đã ngủ với mình.

Wells viết như sau: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi muốn nói đến cá tính của Trump nhiều hơn là chính trị bởi vì Trump chưa hề làm chính trị, trước đây cũng như hiện tại, do đó khó có thể nhận biết được những chính sách của ông ta. Mỗi khi nghĩ đến những lý do mà Donald Trump không thể nào là người tốt cho đất nước chúng ta, ý nghĩ đó không thể dừng lại. Tuy nhiên tôi đã ngừng, tôi đã viết 20 lý do hay 4.000 chữ bài này,  nếu cảm thấy thích thú, chịu đựng được những điều tởm lợm, không bị nôn mửa, bạn có thể đọc tiếp ở đây”.

Wells đưa ra 6 nguyên nhân đầu tiên trong 20 nguyên nhân, căn cứ vào những kinh nghiệm trong thời gian làm việc chung với Donald Trump để kêu gọi mọi người không nên ủng hộ Donald Trump thành tổng thống. Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu những điều bạn thấy, bạn đã từng làm khi nhìn ông ta xuất hiện trước công chúng.

1) Trump là người luôn nói dối. Hoàn toàn không có một chút sự thật nào. Trump nói dối một cách tỉnh táo, được đào tạo có bài bản mà không hề bị trừng phạt những điều như sau: “Tôi đã nhìn thấy ở thành phố New Jersey (bang New Jersey) hàng ngàn người và hàng ngàn người đã vỗ tay, reo mừng khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center) bị sụp đổ, trong đệ tứ tam cá nguyệt năm vừa qua, tổng sản lượng quốc gia nằm dưới số không, con số người nhập cư lậu vào Mỹ là 30 triệu, có thể là 34 triệu, chính quyền Mexico đã cưỡng ép những kẻ tội phạm phải chạy qua Mỹ, tình trạng thất nghiệp có thể cao hơn 42%”.

Những điều dối trá này được Trump hò hét, lập đi lập lại nhiều lần trước những đám cử tri đông đúc. Bạn nghĩ thế nào về thống kê tội phạm cho rằng người da đen sát hại 81% người da trắng trong các vụ sát nhân? Người ta tự hỏi tại sao những lời nói có thể được phóng đại hoang đường như thế? Nhưng Trump đã nói và nhấn mạnh rằng đó là chuyện có thật.

2) Cái Tôi của Trump không có giới hạn. Khi cảm thấy bị ai đó nhục mạ, Trump sẽ điên cuồng, giận dữ, loay hoay tìm mọi cách đáp trả, không thể kiểm soát được, ông ta hút thuốc, nói về những chuyện hoang tưởng, về hào quang chiến thắng của mình, về con đường đạt đến kết quả.

Trump lúc nào cũng rất tự hào: “Thật là một điều kỳ lạ là tôi hầu như thường xuyên có lý, một mình tôi có thể chấn chỉnh chuyện này. Tôi không cần ai, tôi tự cố vấn cho mình. Tôi rất, rất ư giàu có”.

3) Tổng thống Mỹ là những người được chọn lựa, họ không phải là những ông vua. Hiến pháp đòi hỏi tổng thống chia sẻ quyền lực. Trump dùng chữ “Tôi” nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong quá khứ, những người cố gắng hoàn thành công việc của mình, Trump muốn bẻ cong quyền lực để trở nên độc tài. Trump chỉ muốn chứng tỏ là một con người mạnh mẽ, một loại người hùng hơn là một tổng thống Mỹ.

4) Quỷ sứ khủng bố IS nằm trong từng ngõ ngách. Những khẩu hiệu trong chính sách của Trump như “Chúng ta sẽ chiến thắng nhiều bằng những công sức chúng ta đổ ra, Chúng ta sẽ đàm phán tốt hơn với người Tàu hoặc Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”…hoàn toàn rỗng tuếch, không nói lên được điều gì.

Chúng ta không phải là những kẻ ngu đần, hãy chia sẻ những chi tiết với chúng tôi, chúng tôi sẽ biết ông có hiểu biết hay không qua những điều ông nói. Đối với Donald Trump, trong một số trường hợp như xây bức tường dài 1.600 km, cao 15 m, trục xuất 11 triệu người Mexico nhập cư bất hợp pháp, sẽ không bao giờ có chi tiết sẽ được thực hiện ra sao.

5) Ngụy ngôn và thô lỗ. Tất cả không có gì là thảm họa, ngu đần hay một sự nhục nhã. Chẳng có gì đáng gọi là kỳ quái, tuyệt vời hoặc thật ngạc nhiên, không ai là kẻ thua cuộc, một người không có khả năng hay Bimbo (một nhân vật nữ da mầu, thích son phấn, ăn mặc lòe loẹt, không thông minh).

Người Mỹ thường cảm thấy ngượng khi dùng những từ ngữ, những chữ thô tục ám chỉ kích thước dương vật, kể những chuyện chinh phục tình dục, chuyện kinh nguyệt của phụ nữ với những lời báng bổ, nhục mạ bằng hình thức hay ví von, xuất phát từ miệng một tổng thống. Chúng ta còn có con cái trong gia đình.

6) Đọc sách là điều tốt. Đó là sự nghiên cứu, tìm hiểu. Trump không phải là người đọc sách nhiều. Chúng tôi biết được điều đó khi Tony Schwart, người viết tự thuật cho Trump về Nghệ Thuật Đàm Phán (Art of the Deal) tiết lộ. Tony Schwart cho biết, anh có giữ bản copy của cuốn sách này với chữ ký của Donald Trump khi sách xuất hiện. Donald Trump nói với Schwart: Hãy giữ lấy công việc tuyệt vời này! Đây là cuốn sách thứ hai phải đọc sau kinh thánh. Trump chưa hề viết sách, ít nhất là cuốn này.

Còn 14 điều nữa nhưng các bạn chỉ nên đọc tiếp khi có một bao tử đủ mạnh để có thể tiêu hóa được những điều mà ông Wells đã viết.

Huffington Post

Thomas M. Wells, cựu luật sư của Donald Trump

Thạch Đạt Lang lược dịch

(Ba Sàm)