ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐỐI VỚI MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ TƯỚNG NGUYỄN SƠN
Quan điểm của Tướng Navarre đối với Điện Biên Phủ.
Tháng 5 năm 1953 Paris triệu tướng Tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương là Đại tướng Salan về Algeria để đối phó với tình hình nhân dân Algeria đang nổi dậy đòi độc lập. Đại tướng Navarre sang VN thay thế.
Navarre đến Việt Nam ngay sau các trận đánh Na Sản, Sầm Nưa. Tình hình quân sự lúc đó đã khiến ông phải suy nghĩ nhiều tới thảm họa nếu mất nước Lào. Là một nhà quân sự chiến lược, ông thấy ngay nhược điểm của quân đội Pháp về việc phòng thủ nước Lào là tiếp tế khó khăn và không có máy bay tham chiến. Vì vậy Navarre quyết tâm thành lập căn cứ Điện Biên Phủ để làm nút chận quân CSVN tiến sang Lào.
Ngày 7-7-1953, tại Paris, Tướng Navarre trình bày kế hoạch quân sự của mình tại Đông Dương trước Hội đồng Tổng tham mưu Quân đội do Thống chế Juin chủ tọa. Hội đồng chấp thuận kế hoạch nhưng lưu ý ông ta rằng Paris khó có thể thỏa mãn các phương tiện cần thiết như Navarre đã yêu cầu, nghĩa là Paris không có đủ quân và tiếp liệu thêm cho Đông Dương.
Ngày 24-7-1953, Navarre lại trình bày kế hoạch quân sự Đông Dương trước Hội đồng Quốc phòng do Tổng thống Pháp chủ tọa, thành phần tham dự gồm có Tướng Juin, các Tham mưu trưởng, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội Vụ, Bộ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Pháp Quốc hải ngoại và các Tổng trưởng của Liên Hiệp Pháp. Cuối cùng thì hội nghị cũng thông qua kế hoạch quân sự của Navarre.
Với một căn cứ quân sự có 12.000 quân và xe tăng, máy bay; Navarre và Bộ tham mưu của ông nghĩ rằng CSVN không thể nào đủ lực lượng để triệt hạ căn cứ. Trong trường hợp họ liều mạng tấn công căn cứ thì dĩ nhiên họ sẽ bị tiêu diệt vì đây là trận địa chiến, đánh ban ngày và đánh lâu dài, chắc chắn họ sẽ bị phi cơ, pháo binh và xe tăng của căn cứ tiêu diệt.
Quan điểm của Mao Trạch Đông đối với Điện Biên Phủ.
Từ thời 1954, và mãi về sau này, người ta vẫn thắc mắc không hiểu vì sao mà hai bên lại dẫn nhau đến một xó núi xa xôi hẻo lánh tại vùng biên giới Lào Việt mà đánh nhau chí chết, họ tranh nhau cái gì ở đó?
Những thắc mắc này đã được phía Pháp giải thích bằng hồi ký Navarre xuất bản vào năm 1956 nhưng về phía CSVN thì vẫn im hơi lặng tiếng cho tới năm 1982 Trung Quốc đưa ra công chúng các tài liệu liên quan tới cuộc chiến Việt Nam của Quân đội nhân dân Trung Quốc thì mọi người sửng sờ trước tầm nhìn chiến lược của Mao Trạch Đông đối với dãy Trường Sơn :
Như đã thỏa thuận với Stalin vào tháng 1 năm 1950 về việc hỗ trợ cho lực lượng Cọng sản Đông Dương, Mao Trạch Đông muốn giúp CSVN cũng như Pathet Lào và Kh’Mer Đỏ có một mảnh đất làm căn cứ địa để từ đó có thể phát triển du kích chiến, đánh khuấy rối nhằm tiêu hao ngân sách của Chính phủ Pháp, buộc Pháp phải đổ tiền ra duy trì đội quân viễn chinh.
Do đó Mao chủ trương đánh thông Quảng Tây của Trung Quốc với Cao Bằng. Rồi sau đó sẽ đánh thông từ Cao Bằng đến Tuyên Quang là căn cứ địa của Hồ Chí Minh, và đến Sơn La giáp giới với Lào. Rồi sau khi chiếm được Lào thì quân Cọng sản Đông Dương sẽ tiến xuống Căm Bốt và đánh thông ra Vịnh Thái Lan.
Vì vậy ngay từ năm 1950, Mao đặt kế hoạch chiếm Cao Bằng mà không thèm chiếm nốt Lạng Sơn để xuống Hải Phòng mặc dầu quân Pháp rút lui bỏ ngỏ Lạng Sơn. Trái lại, Mao chú tâm phát triển tuyến đường từ Cao Bằng băng qua vùng Trung Du Bắc Việt, đi Sơn La để đến Lào. Bỏ hẳn vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Việt cho quân Pháp vì ở đó Pháp có lợi thế của không quân và hải quân.
Giới nghiên cứu quân sự quốc tế đã ồn ào bàn tán khi tài liệu quân sự của Trung Quốc được giải mật vào năm 1982. Người ta lấy làm lạ lùng cho quan điểm chiến lược của Mao Trạch Đông về Đông Dương cũng như các chỉ thị rất chính xác của ông đã gởi cho Tướng Vi Quốc Thanh tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên nếu hiểu được một chút bí ẩn đằng sau các chỉ thị thì chuyện này cũng chẳng có gì lạ. Đó là Tướng Nguyễn Sơn đang là cố vấn đặc biệt cho Mao Trạch Đông, đặc trách về chiến tranh Việt Nam. Tướng Nguyễn Sơn có thời gian nghiên cứu nhiều về chiến thuật chiến lược dựa vào ưu thế của Trường Sơn trong những năm ông lãnh đạo Liên Khu 4 từ năm 1946 cho tới 1949.
Chiến thuật chia quân làm hai ngã tiến công Lào, một cánh từ Quảng Bình, một cánh từ Sơn La chính là đề tài mà Nguyễn Sơn đã tính từ thời ông còn làm Ủy viên quân sự của Liên Khu 4. Và ông cũng đã từng chủ trương đánh Lào để thu hút quân đội Pháp đánh nhau tay đôi với du kích quân Việt Nam tại một nơi cách xa các căn cứ Không quân và Hải quân của Pháp.
Danh tài quân sự Việt Nam : Tướng Nguyễn Sơn
Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, người làng Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Năm 1925 (17 tuổi) cùng một nhóm bạn học tại trường Sư phạm Hà Nội tổ chức bãi khóa nhân vụ Pháp bắt Phan Bội Châu, bị mật thám theo dõi phải trốn sang Trung Hoa.
Năm 1926, được người đồng hương là Thiếu tá Đinh Tế Dân giới thiệu vào học tại trường võ bị Hoàng Phố. Năm 1927 tham gia Quảng Châu Công xã ( Tiền thân của ĐCSTQ ), giữ chức tổng biên tập tờ báo “Kháng Địch” của CSTQ. Năm 1936 Mao Trạch Đông lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTRQ, mở Hội nghị Tuân Nghĩa, Nguyễn Sơn được đề cử tham dự hội nghị rồi được bầu vào Ban chấp hành Trung Ương Đảng CSTRQ.
Năm 1937 Mao Trạch Đông thành lập quân đội để cùng Tưởng Giới Thạch chống quân Nhật thì Nguyễn Sơn trở thành tướng lãnh trong quân đội của Mao Trạch Đông. Năm 1938, Nguyễn Sơn là Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 12, chỉ huy 3 sư đoàn bộ đội của Cọng sản Trung Cọng thuộc Đệ Bát lộ binh.
Ông là vị tướng nước ngoài duy nhất trong quân đội của Mao Trạch Đông. Tháng 8 năm 1945 nghe tin nhân dân Việt Nam đứng lên giành độc lập, ông cùng với Nguyễn Khánh Toàn, Lý Ban, Trương Ái Dân, Cao Tử Kiến xin trở về phục vụ cho xứ sở. Mao Trạch Đông cho phép các cán bộ Việt Nam về tăng cường cho Cọng sản Đông Dương.
Riêng Nguyễn Sơn lúc đó là một trong 7 tướng còn lại của Quảng Châu Công xã và là một trong 18 tướng còn lại của cuộc Vạn lý Trường chinh cho nên Mao tiếc tài không muốn cho về, Mao phê bình Nguyễn Sơn nặng về tình cảm quốc gia và nhẹ về quốc tế đại đồng. Tuy nhiên Nguyễn Sơn vẫn thiết tha xin về nên Mao đành chấp thuận.
Khi Nguyễn Sơn trở về thì cả Hồ Chí Minh lẫn Đặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp đều bối rối. Bởi vì trong hệ thống Cọng sản Quốc tế thì tầm cỡ của Nguyễn Sơn quá lớn về phương diện tuổi đảng cũng như về tầm cỡ của khả năng lãnh đạo.
So sánh với Nguyễn Sơn thì HCM thua ông rất xa về vai vế trong tổ chức CS Quốc tế: NS là Ủy viên trung ương Đảng Cọng sản Trung Quốc từ năm 1936. Năm 1938 là Thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 12 thuộc Đệ Bát lộ quân của Mao trạch Đông. Trong khi Nguyễn Tất Thành vào năm 1938 chỉ là thiếu tá chính trị viên Hồ Quang trong một trung đoàn của quân đội Mao Trạch Đông.
So với Trường Chinh thì năm 1938 Đặng Xuân Khu mới chỉ là Ủy viên thành ủy Hà Nội của ĐCS Đông Dương. Trong khi Nguyễn Sơn đã là Ủy viên trung ương của ĐCSTQ
So với Võ Nguyên Giáp thì đầu năm 1948 VNG mới chỉ là một ông thầy giáo, trong khi Năm 1927 Nguyễn Sơn đã là 1 trong 7 tướng của Quảng Châu Công xã. Năm 1936 ông là 1 trong 18 tướng trong cuộc Vạn Lý trường chinh của Mao Trạch Đông. Năm 1938 là Thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 12 thuộc Đệ Bát lộ quân của Mao trạch Đông. ( Một Quân đoàn có 3 sư đoàn ).
Cho đến năm 1949, Mao Trạch Đông thành công trên toàn cõi Trung Hoa. Trường Chinh và Hồ Chí Minh đoán biết rồi đây Staline sẽ giao cho Mao Trạch Đông hỗ trợ phong trào Cọng sản tại Đông Dương. Lúc đó Mao sẽ bắt tay với Nguyễn Sơn chứ không thể bắt tay với một ai khác. Do đó vị trí lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp rất là cheo meo. Vì vậy các ông đồng hè nhau trả Nguyễn Sơn về cho Mao Trạch Đông.
Lý do trả về được Hoàng Tùng là phó trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng đã ghi lại bằng một câu đơn giản của Hồ Chí Minh như sau: “Bác nói chú Nguyễn Sơn hữu tài nhưng…nên mời chú đi”. Mời chú đi có nghĩa là đuổi chú đi chỗ khác chơi.
Nhưng Nguyễn Sơn không trở về Trung Quốc để chơi, ông trở về đúng lúc quân của Mao Trạch Đông đang trên đà chiến thắng, đánh đuổi quân Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan. Ngày toàn thắng vào cuối năm 1949 Mao Trạch Đông tuyên dương Nguyễn Sơn danh hiệu “Anh Hùng Dân Tộc” của Trung Quốc. Qua năm 1951 Nguyễn Sơn được giao nhiệm vụ chỉ huy Lộ binh số 2 của Trung Cọng, gồm 9 sư đoàn, tham chiến tại chiến trường Đại Hàn.
Trong tác phẩm “Từ Chủ Nghĩa Thực Dân Đến Chủ Nghĩa Cọng Sản” của ông Hoàng Văn Chí ( Một lãnh tụ Việt Minh ly khai, anh em cột chèo của Nguyễn Sơn ) thì Tướng Nguyễn Sơn luôn luôn đả kích tư tưởng mong nhờ Mao Trạch Đông của Trường Chinh và Hồ Chí Minh; ông viện dẫn gương của CSTQ.
Tuy rất cần viện trợ của Stalin nhưng CSTQ luôn luôn chủ trương tự lực, họ đã nhận viện trợ của Stalin như một cuộc trao đổi thương mại sòng phẳng mà Stalin không thể nào xen vào nội bộ của Đảng Cọng sản Trung Quốc. Mao Trạch Đông không hề nhận cố vấn của Stalin và cũng không hề nhận viện trợ lương thực của Stalin, trái lại, Mao đã dùng lương thực và gỗ trong vùng CSTQ chiếm đóng để đổi lấy vũ khí của Stalin.
Năm 1956 Nguyễn Sơn bị bệnh ung thư, xin phép Mao Trạch Đông được về chết ở quê nhà. Gặp Hoàng Tùng ông tâm sự rằng “nếu ông có sai lầm thì phê bình chứ sao lại đuổi đi”….(sic) Số phận đất nước thật trớ trêu; người có tài, có nhiệt tâm với đất nước thì bị hại đến nỗi không còn đất sống; còn kẻ lưu manh bịp bợm thì lại được tôn vinh đời đời.
BÙI ANH TRINH