Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

SÚNG & HOA ĐÀO (Chiến sự 17-2-1979 qua lời kể của những nhân chứng đặc biệt)

 17/02/2017

17-2-2017
Trên đường từ Thanh Hóa ra, sau một cuộc điện thoại, nhà thơ Nguyễn Duy quyết định, “Mai đi Lạng Sơn”; rồi từ đó, ông cứ nói một mình, “Chẳng còn dịp nào nữa đâu. Chẳng còn dịp nào nữa đâu”.
Người ở đầu dây bên kia, người khiến Nguyễn Duy đưa ra quyết định đó là Hoàng Thị Tú: một trong bốn “tự vệ” giáo viên của trường Đông Kinh Phố; là “Em, hoa đào muộn”; là một trong những “thường dân” cuối cùng cùng nhà thơ Nguyễn Duy rút khỏi Lạng Sơn vào ngày 24-2-1979.
Từ 1990, chị Tú định cư ở Mascova và vừa trở về thăm nhà. Nguyễn Duy gọi thêm hai cuộc điện thoại cho thầy Trương Hùng Anh và thầy Bạch Tiến Hạnh. Hai người đã nghỉ hưu, rất may, đang có mặt ở Lạng Sơn. Sáng 15-2-2017, khi gặp lại nhau ở Lạng Sơn, cả bốn người lần lượt ôm nhau, lặng đi. Trong cái đêm 23-2-1979, khi giặc Trung Quốc đã tới Tam Lung, khi tiếng pháo vẫn liên tục dội về từ Chóp Chài, khi Lạng Sơn sắp mất, họ thức trắng đêm với nhau trong thị xã.
Ngày 17-2-1979, ngay sau khi đài tiếng nói Việt Nam loan tin, “Trung Quốc đã nổ súng xâm lược nước ta trên toàn tuyến Biên giới”, báo Văn Nghệ lập ngay một tổ “phóng viên chiến trường” gồm 5 người, cả 5 vốn xuất thân từ lính, kể cả lái xe Đào Ngọc Chi. Nguyễn Duy vừa cùng gia đình từ Thanh Hóa ra Hà Nội chờ máy bay về lại Sài Gòn được bổ sung vào tổ. Năm ấy, ông 32 tuổi, vừa từ cuộc chiến Campuchia trở về.
Nguyễn Duy nhớ lại: “Chiếc Command car Rumani tòng tọc của chúng tôi hòa vào đoàn xe chở lính lên phía Bắc. Tối 18-2, tới thị trấn Đồng Mỏ, nhà ga đặc kín thương binh và đồng bào chạy giặc. Đường số Một tắc nghẽn… Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở chợ Đồng Mỏ cùng với đồng bào. Tôi và Phạm Tiến Duật nằm chung cái bạt võng, trước vỉa hè nhà bưu điện. Anh Hoài An ngủ trên xe với Đào Ngọc Chi. Anh Hồng Phi cùng với Đỗ Chu leo lên cái bàn bán thịt trong lều chợ không có mái. Tiếng đại pháo từ Lạng Sơn vọng về ùng ình suốt đêm…”
Họ lên tới Lạng Sơn vào ngày 19-2: “Thị xã vắng ngắt. Trời se lạnh. Hoa đào phai thấp thoáng trong sương mù. Đại pháo đội sang từ phía Bằng Tường, tiếng đạn rít veo véo, tiếng nổ lộng óc. Xe chúng tôi băng qua cầu Kỳ Lừa, lao về hướng Đồng Đăng”.
Trung đoàn An Lão đang chặn giặc ở nam Đồng Đăng. Một chiến sĩ liên lạc của trung đoàn dẫn các nhà báo lên thẳng đó. “Ga Tam Lung hiện ra trước mặt. Chiếc xe hồng thập tự của bệnh viện Lạng Sơn vừa bị bắn lật, nữ bác sĩ Thủy tử thương. Tiếp theo, chiếc xe của xưởng phim quân đội trúng đạn, chiến sĩ Như Đạt, quay phim, hy sinh tại chỗ. Cối 81 của địch nhằm vào xe chúng tôi. Nhanh như cắt, Đào Ngọc Chi quặt xe vào con đường rẽ. Quân Trung Quốc từ các cao điểm gần đó nã cối theo tới tấp…”
Hầm chỉ huy trung đoàn An Lão nằm trêm sườn cao điểm 417. Vừa gặp, anh Biền, chính ủy trung đoàn đã đề nghị: “Các nhà văn trở về Lạng Sơn ngay cho. Chiến sự đang ác liệt, đơn vị không thể bảo đảm an toàn cho các anh được…”. Các nhà văn, nhà thơ đưa mắt nhìn nhau. Đỗ Chu nói, “Tôi viết về chiến lược chứ không phải chiến thuật”. Phạm Tiến Duật “đồng ý với anh Đỗ Chu”. Hai người quay lại Lạng Sơn.
Hồng Phi nói với Chính ủy trung đoàn An Lão, “Chúng tôi đều con nhà lính, quen thuộc súng đạn cả. Chúng tôi sẽ ở đây theo dõi các trận đánh, và nếu có thể, xin các anh phát vũ khí…”
Chính ủy Biền, nói vắn tắt về tình hình chiến sự. Đêm ấy, trung đoàn An Lão đổi quân ở cao điểm 611, lấy lại được đồi Chậu Cảnh. Căng thẳng quá, sáng 20-2, Nguyễn Duy và Hồng Phi cho lái xe Đào Ngọc Chi xuống nhà khách Giao tế Lạng Sơn, nơi Đỗ Chu và Phạm Tiến Duật đang trú đóng.
Cuối giờ sáng 20-2, Nguyễn Duy lên chốt 417, Trung đoàn cho Tuyến, liên lạc dẫn đường. Tuyến dặn, “Đoạn này ta gài đầy mìn. Anh phải đi sau em 10m, để nhỡ mìn có nổ thì anh cũng không sao”. Gần trưa lên tới chốt, Nguyễn Duy nhanh nhảu cầm máy ảnh nhảy ra khỏi công sự chụp khẩu đội 12,7ly. Những người lính hét lên rồi kéo giật anh xuống hầm. Chỉ trong chưa đầy một phút, cối địch từ tứ phía bắn sang. Hai mảnh đạn cối văng xuống hầm, cắm ngay bên cạnh.
Giặc bắt đầu tổ chức tái chiếm 611. Nguyễn Duy viết: “Từ đỉnh đồi 417, dùng ống nhòm quan sát, thấy quân địch bò lên, đen kín cả sườn đồi, có súng cối và pháo tầm gần yểm trợ. Trên chốt, quân ta chỉ có chưa đầy ba chục chiến sĩ, đêm trước trung đoàn An Lão vừa bàn giao trận địa cho quân địa phương. Đúng giữa trưa thì giặc chiếm được ngọn đồi, chúng dồn hàng đống xác chết lại rải lên từng lớp xăng đặc đựng trong bình vải sơn, và đốt. Trời im ắng, cái im ắng ghê rợn sau trận đánh. Không một gợn gió. Ngọn lửa đốt xác đỏ lòm. Từ đỉnh cao 611, cột khói dựng thẳng đứng lên trời, tỏa ra thành hình cái nấm khổng lồ, đen kịt giữa bầu trời trắng bạc”(Văn Nghệ 2-1983).
Chiều muộn, Tuyến dẫn Nguyễn Duy trở lại sở chỉ huy Trung đoàn. Đêm ấy giặc lấy lại đồi Chậu Cảnh. Sáng 21-2-1979, trung đoàn An Lão được lệnh rút khỏi Tam Lung. Chính ủy Bên nói, “Các anh phải về thôi”. Nấn ná đến trưa, Hồng Phi và Nguyễn Duy vẫn phải men theo đường sắt. Họ lầm lũi bước giữa rải rác xác người và xác trâu, bò.
Trên đường từ Quán Hồ về thị xã, khoảng 6km, họ gặp 4 người lính xơ xác chui từ trong rừng ra. “Bọn em vừa lên thay quân ở 611 thì Tàu đánh lên. Như kiến. Anh em hy sinh hết chỉ còn mấy thằng em, hết đạn phải vất súng lăn xuống núi”. Trong số 4 người lính có một người đứng tuổi, đeo khẩu CKC không còn đạn. Anh nói, “Khẩu này theo tôi từ hơn 10 năm trước khi đánh nhau với quân Park Chunghee ở Bình Định. Không bỏ được”.
Nguyễn Duy và Hồng Phi vét túi còn mấy gói thuốc đưa hết cho họ rồi tiếp tục đi. Không chỉ có 4 người lính ở 611, thầy giáo Bạch Tiến Hạnh nhớ lại, “Thỉnh thoảng lại có những tốp bộ đội ta ngồi khóc hu hu, uất ức; quân giặc tràn lên như kiến mà súng không còn đạn”.
Năm ấy gần như toàn bộ quân chủ lực được dồn hết sang Campuchia. Quân đoàn II chỉ ra tới Bắc Giang, Quân đoàn III chỉ ra tới Thái Nguyên khi giặc Trung Quốc đã rút về bên kia Biên giới. Lực lượng tại chỗ thì bất ngờ. Chị Hoàng Thị Tú nói, “Dù xung đột đã ngấm ngầm xảy ra trước đó. Chúng tôi từng lên Đồng Đăng coi những cuộc chọi nhau bằng đá (vì cấm nổ súng) của cả hai bên. Chiều hôm trước Lạng Sơn vẫn sinh hoạt bình thường, Vậy mà, tờ mờ sáng đã chiến tranh. Chúng tôi được giao ở lại bảo vệ trường, được phát một khẩu K44, 10 viên đạn khi chưa được ai chỉ cho cách sử dụng”.
Nguyễn Duy và Hồng Phi qua cầu Kỳ Lừa thì gặp một thanh niên đi xe Mobylette, anh dẫn hai người về nhà khách giao tế, nơi 3 người còn lại của đoàn đang chờ.
Họ ở lại ba đêm. Ngay trong đêm 21-2-1979, Nguyễn Duy hoàn thành trang thơ Chiến tranh Biên giới cho tuần báo Văn Nghệ. Ông nhớ lại, “Chúng tôi không ngủ, trong nhà khách còn mấy két rượu táo. Chúng tôi uống và vào hang Phai Vệ đọc thơ. Người thanh niên đi xe Mobylette (Hắc Mô Đia, người Tây Nguyên, theo vợ là một cô giáo học chung trường sư phạm về Lạng Sơn) cũng đang dạy ở trường Đông Kinh Phố. Các nhà văn, nhà thơ gặp “tổ tự vệ trường”.
Thầy giáo Bạch Tiến Hạnh nói, “Tôi dạy văn sử, thật không ngờ trong tình huống như vậy, chúng tôi gặp được những người mà mình ngưỡng mộ”. Trong sổ tay của thầy Hạnh vẫn còn giữ bản tốc ký bài thơ ngắn làm tại mặt trận của Nguyễn Duy: ĐÊM Ở CHỐT 417, Thâm lũng, Tam lung… chìm nghỉm trong đen/ Bất chợt lại xanh lè đạn nổ/ Lửa đốt lòng ta những đêm không ngủ/ Là ánh đèn đã tắt dưới làng dân [Lạng Sơn, 22-2-1979].
“Ánh đèn đã tắt dưới làng dân…”
Thầy Hạnh nói, “Mặc dù nhà thơ Phạm Tiến Duật vẫn chép vào sổ tay của tôi bài Ý NGHĨ TRƯỚC TRẬN ĐẦU ĐÁNH THẮNG, với các câu thơ: “Đồng đội ơi, các anh đánh rất tài/ Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa/ Đến bằng lửa, chúng phải đi bằng lửa/ Lần này đến ống đồng chúng cũng chẳng kịp chui”; Nhưng, ông vẫn thừa nhận là ‘vội’, và nhấn mạnh, bài thơ được ông viết đêm 17, 18-2-1979 khi đang ở Hà Nội, khi chưa chứng kiến những gì diễn ra trên mặt trận Lạng Sơn” (đây hình như là bài thơ duy nhất của Phạm Tiến Duật về 17-2).
Do thiếu sự chuẩn bị, và do quân giặc quá đông, mặc dù những người lính và dân quân tự vệ đã chiến đấu vô cùng anh dũng, theo thầy Hạnh, “dùng từ chính xác là chạy chứ không phải rút”.
Khi vừa LÊN MẶT TRẬN, Nguyễn Duy đã thừa nhận: “Quân giặc tràn qua đèo Hữu Nghị/ Đồng Đăng thất thủ rồi/ pháo Bằng Tường dội sang xối xả/ dằng dặc dòng người sơ tán đổ về xuôi…” Ông nhìn thấy trong dòng người đấy, “Hiển hiện những ngày xưa loạn lạc/ Biên ải xưa giặc giã mới tràn vào/ Những gương mặt nghìn năm đanh sắt lại/ Máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới/ Vẫn mới cả nón mê cả áo vá chân trần…” Đặc biệt là những đôi “Mắt trẻ con cứ tròn thao láo/ Như hòn sỏi ném theo đoàn quân đi”. Sáng 15-2-1979, khi đọc lại bài thơ này, Nguyễn Duy khóc, “Nó oán trách, nó giận hờn, phỉ báng (chúng ta) lắm”.
Năm 1979 ở Lạng Sơn hoa đào nở muộn, nào bạch, nào phai… nở rộ vô tư, vô tư như những thầy cô trong “tổ tự vệ” của trường Đông Kinh Phố. Năm ấy họ chỉ mới 23 tuổi. “Chúng tôi hoàn toàn không biết điều gì đang chờ mình”, thầy giáo Trương Hùng Anh nói.
Đêm 23-2-1979, ngoài “tổ tự vệ” còn có tổ công an vũ trang bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, nghỉ đổi ca. Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật chép thơ tặng, các chiến sỹ công an vũ trang của đoàn Thanh Xuyên ghi những dòng lưu bút thiết tha. Đêm, trưởng đoàn Thanh Xuyên cho biết, “Trung Quốc đã tràn qua Tam Lung, yêu cầu các nhà báo và các thầy cô giáo rút lui”. Thầy Hùng Anh kể, “Tổ tự vệ” đòi ở lại, Trưởng đoàn Thanh Xuyên quát, “Chúng mày nghĩ, với 10 viên đạn và khẩu K44 này chúng mày có thể làm được gì à, chưa kể không biết có mấy viên đạn lép. Đừng liều lĩnh một cách ngu ngốc”.
Thầy Hùng Anh nói, “Nếu không có nhóm anh Nguyễn Duy thì họ sẽ không đến chỗ khu Giao tế, không gặp các chiến sỹ công an vũ trang đoàn Thanh Xuyên và không được nhóm anh Duy thuyết phục thêm, có thể chúng tôi đã ở lại. Khi đó chúng tôi chỉ là những thanh niên”. Thầy Hạnh nói thêm, “Sau này nhớ lại, nghĩ, nhỡ khi đó mình chết, mọi người sẽ nghĩ mình là gì, một chiến sỹ tự vệ hay một kẻ quay lại hôi của. Tất cả đều có thể. Nhưng, chỉ nghĩ đến chuyện giặc nó sắp đến nhà mà phải bỏ chạy thì đau lắm”.
Sáng hôm sau, 24-2, mọi người quyết định rút. Người phụ trách nhà khách nói, “Còn nhiều thuốc, nhiều chè lắm các anh ạ”. Nhưng theo Nguyễn Duy, họ chỉ lấy một ít, dành chiếc command car để chở đào. Những cây đào trong khu giao tế đã sống hàng trăm tuổi bắt đầu bị chặt. Nguyễn Duy rất tiếc. Cô giáo Hoàng Thị Tú khóc, ngăn lại. Đỗ Chu nói, “Mảnh đất này sắp mất còn tiếc gì mấy cành đào”.
Hoàng Thị Tú là con gái Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trường Minh. Cô đã không về Đồng Mỏ sơ tán ngay trong sáng 17-2 cùng gia đình, cùng với những người dân thị xã. Cô chốt giữ trường và “chốt lại” mãi trong DẠ HƯƠNG: “Sẽ rất nhớ dáng người vừa thoáng gặp/ Chiều Lạng Sơn súng nổ rụng hoa đào/ Những giọt máu của vườn cây vung vãi/ Trường sơ tán rồi, cô giáo còn chốt lại/ Khẩu súng thép chéo lưng con gái/ Ôi tấm lưng kia ngỡ sinh ra để mà mềm mại… [Nguyễn Duy, Lạng Sơn 22-2-1979].
Khi Nguyễn Duy đã về đến Hà Nội, Dạ Hương đã được đăng lên báo Văn Nghệ, cô giáo Hoàng Thị Tú còn có một hành động vô cùng bồng bột và quả cảm.
Chị Tú nhớ lại, “Khi ngồi trên xe quay về Đồng Mỏ, dù thị xã Lạng Sơn gần như không một bóng người, tôi vẫn luôn tự vấn, luôn có cảm giác như là mình đang bỏ chạy”. Gặp gia đình rồi mới chợt nhớ, toàn bộ hồ sơ của nhà trường, đặc biệt là học bạ, được “tổ tự vệ” mang vào giấu trong hang Phai Vệ vẫn còn đó. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, khi các em quay lại trường mà hồ sơ học bạ không còn thì sao. Tôi nhờ mấy người nhưng không ai đồng ý cùng quay trở lại. Chỉ có anh Chu, lái xe của ba tôi, sẵn sàng cùng đi. Hai anh em chạy chiếc xe Volga đen quay lại Lạng Sơn khi chiều bắt đầu xuống, không biết đó là một hành động cực kỳ nguy hiểm; pháo bắn đuổi theo xe ngay sau khi chúng tôi quay về, qua khỏi cầu Kỳ Cùng”. Toàn bộ hồ sơ, học bạ của trường Đông Kinh Phố đã được cô giáo Tú đem về Đồng Mỏ. Mấy ngày sau đó giặc cho nổ bộc phá phá hang Phai Vệ.
Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân.
Công thự mà gia đình Tú ở trong khu Tỉnh ủy bị bộc phá giật sập. Thầy Bạch Tiến Hạnh kể, “Khi chúng tôi về lại thị xã, vẫn còn nhìn thấy bộc phá gài trong hàng loạt ngôi nhà, lính Trung Quốc rút đi mà chưa kịp giật nổ”. Thầy Trương Hùng Anh nói, “Quân Trung Quốc biết từng địa chỉ trong thị xã này, tất cả nhà cán bộ đều bị giật sập, tất cả các cột điện đều bị cho nổ bằng bộc phá”.
Tháng 7-1979, nhà thơ Nguyễn Duy quay lại Lạng Sơn. Đường lên Lạng Sơn lúc đó không còn bị bỏ ngỏ như thời 17-2. Nhiều công sự đã được lập với những cái tên như “phòng tuyến sông Như Nguyệt; phòng tuyến sông Cầu…”
Ở Lạng Sơn, ông kể: “Tôi ngơ ngẩn trước cảnh đổ nát. Cả vườn đào cũng bị đánh bằng thuốc nổ, không còn một nhánh, những cục nhựa đào đông lại nơi gốc đào cụt trông như những cục máu bầm chưa khô. Các khu nhà sang trọng chỉ còn là cái đống gạch vụn. Vô vàn mảnh thủy tinh ruột phích nước rải lấp lánh dưới mặt đất. Vòm hang đá núi Phai vệ sập hẳn, có lẽ quân giặc đã phải dùng ít nhất là mười tấn thuốc nổ. Động Tam Thanh nổi tiếng bao đời nay cũng đen ngòm khói thuốc bộc phá, một cái hố rộng hoác, khét lẹt choán hết cả lòng động… Phố nhà, vườn tược, cỏ hoa cho đến cả hang động đều chung một số phận thảm sát”.
Lúc này, Nguyễn Duy chia tay Lạng Sơn, chia tay “tổ tự vệ”, chia tay cô giáo Tú không còn nhẹ nhàng như một thoáng dạ hương. Ông đã “gửi lại đây cái buồn vô cớ “. Còn cô giáo Tú thì “đưa tiễn” ông với “bước chân (vẫn) gìn giữ lắm/ hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê” [Nguyễn Duy thú nhận, chỉ vì đây là một trạng thái “không rành mạch”; chỉ vì sông Kỳ Cùng thì không có đê mà bài thơ của ông được chính ông đổi thành Sông Thao dù “nỗi nhớ bâng quơ” mà ông mang về là từ sông Kỳ Cùng].
Năm 1985, Nguyễn Duy được đưa sang viện Puskin. Ở Nội Bài khi vào trong máy bay thì gặp Tú đã ngồi trong đó, cô cũng được đưa sang Puskin tập huấn về tiếng Nga…
Năm 1989, Nguyễn Duy ra Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 10 năm chiến tranh Biên giới, tình cờ gặp, Tú nói, “Lạng Sơn mời chúng ta về, anh đã ra đây thì đi cùng nhé”. Rồi Tú lo xoay vé, 10 giờ đêm, cô tìm tới nhà em gái Nguyễn Duy ở khu tập thể Điện Lực, nói, 3 giờ sáng phải có mặt ở bến xe Gia Lâm.
Nguyễn Duy nhớ lại, trên xe hai người ngồi thu lu, dưới gầm là đồng, là chì… trên nóc xe là mèo, là lợn giống… Đường lên Lạng Sơn không còn nghe danh những phòng tuyến hào hùng, xe chạy qua những Phố Tráng, những Mủng, Mẹt… bắt đầu bị làm luật. “Lần đầu tiên tôi nghe từ làm luật”, Nguyễn Duy nhớ lại.
Cuộc chiến Biên giới kéo dài gần 10 năm, ở những khu vực như “Bình Độ 400…” của Lạng Sơn hay Vị Xuyên của Hà Giang, chiến sự xảy ra trong giai đoạn 1984-1987 là vô cùng khốc liệt.
Lúc ấy, chiến tranh cũng chưa phải là hoàn toàn kết thúc, nhưng Lạng Sơn, bên cạnh những đống gạch nát bắt đầu xuất hiện quán xá. Nông thổ sản, phế liệu được bán sang Trung Quốc, bia Vạn Lực được gùi về. Ở chợ Kỳ Lừa, cửu vạn Việt Nam, ngồi bên cửu vạn Trung Quốc cùng say túy lúy. “Giá như không có chiến tranh”, Nguyễn Duy viết, “Chợ trời bán bán buôn buôn tít mù/ Ta đầy một bị ưu tư/ Giá như cũng bán được như bán hàng/ Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan/ Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo/ A. Q. túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua…”
“Ta về thăm chiến trường xưa/ em – hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân/ gió đi để lạnh mưa dầm/ người đi để buốt dấu chân trên đường…” Hai người lang thang suốt hai ngày ở Lạng Sơn. “Tổ tự vệ” lúc đó còn có Bình. Trừ tổ cảnh vệ đoàn Thanh Xuyên, những người có mặt ở Lạng Sơn trong cái đêm 23-2-1979 về sau đều trở thành thân thiết.
Riêng Nguyễn Duy thì không thể nào nguôi nỗi lòng Tô Thị: “Giá như đừng biết ngày xưa làm gì/ Giá như đá chả vô tri/ Để ta hỏi lối trở về thiên nhiên/ Giá như ta chớ gặp em/ Để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng/ Giá như em đã có chồng/ Để bòng bong khỏi rối lòng người dưng”.
Lạng Sơn 1989 là cuộc hội ngộ “sau cùng” của hai người. Năm 1990, Hoàng Thị Tú sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1993, “để bòng bong khỏi rối lòng người dưng”, chị lấy chồng.
“Chẳng còn dịp nào nữa đâu. Chẳng còn dịp nào nữa đâu”. Tối khuya, về tới Hà Nội, chị, giờ đã bước qua tuổi 60, “đưa tiễn” anh vẫn với “bước chân gìn giữ lắm”. Trước đó, khi chị đòi trả tiền cơm, anh nói to, “Tú ơi, đừng trả, hôm nay em là khách của bọn anh”; chị trả lời rất khẽ, “Em biết, em lúc nào cũng là khách”.
PS: Ý NGHĨ TRƯỚC TRẬN ĐẦU ĐÁNH THẮNG: I. Tội ác chúng nghìn xưa ta những muốn quyên đi/ Nhưng giặc Tàu ngày nào lại hiện hình dáng cũ/ Sự độc ác và hợm hĩnh cổ truyền/ Đã dẫn xác đến đây nhờ ta đắp mộ/ II. Chút danh dự cuối cùng cũng tự vùi chôn/ Máu Đại Hán hồi này lại lên cơ huyết áp/ Ta đập nát bọn bá quyền xâm lược/ Cũng một phần vì hoa Biên giới mai sau/ III. Đồng đội ơi, các anh đánh rất tài/ Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa/ Đến bằng lửa, chúng phải đi bằng lửa/ Lần này đến ống đồng chúng cũng chẳng kịp chui [Phạm Tiến Duật, Hà Nội đêm 17, 18-2-1979. Kỷ niệm những ngày chung sống với các bạn ở lại thị xã Lạng Sơn trong tầm pháp bắn].

Tháng 4 năm 1984 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại gây chiến với Việt Nam ở Vị Xuyên

 17/02/2017

Nguyễn Đình Ty
17-2-2017
Ngày 19/12/2012, Đại tá Trần Đăng Thanh PGS TS NGUT của Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng giảng về tình hình Biển Đông cho các Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam, có nói “Từ thế kỷ 13, vị Vua anh minh Trần Nhân Tông đã ra Tuyên Cáo rằng cái họa lâu đời của chúng ta là họa Tầu Hán. Các ngươi phải nhớ lời ta dặn, một tấc đất của Tiền nhân để lại cũng không được để mất vào tay kẻ khác…”. Xin giới thiệu bài tóm tắt về cuộc chiến anh dũng của quân đội ta chống quân xâm lược Trung Quốc, để giữ đất, bảo toàn lãnh thổ phía bắc Tổ Quốc ở Vị Xuyên – Hà Giang, kéo dài suốt 5 năm, từ 2/4/1984 đến tháng 4-1989:
5 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (vào 16/3/1979), ngày 2/4/1984 CHNDTH lại gây ra cuộc chiến với Việt Nam ở khu vực Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Tuyên và kéo dài đến 5 năm mới thực sự chấm dứt (từ 2/4/1984 đến tháng 4/1989).
Lần này Đặng Tiểu Bình tự đặt tên cho cuộc chiến là “Phản công tự vệ”, nhằm đánh chiếm 1 phần lãnh thổ của Việt Nam rộng khoảng 50 Km2, đang thuộc quyền Việt Nam quản lý, nằm trong huyện Vị Xuyên, thuộc Hà Giang của tỉnh Hà Tuyên. Ông ta lập luận phần đất này xưa kia là của Trung Quốc, nay họ đánh chiếm lại.
Căn cứ bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (thời thuộc Pháp) xuất bản vào những thập niên 30, 40 và 50 của thế kỷ 20 và bản đồ tỉ lệ 1/50.000 của Mỹ đã xuất bản thì phần đất đó thuộc lãnh thổ Việt Nam, nằm bên trong đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông Lô (xem bản đồ kèm theo). Bản đồ do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản được lập theo công trình phân giới và cắm mốc tại vùng biên giới khu vực tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, liên quan đến địa bàn Vị Xuyên thuộc Hà Giang của Việt Nam, thực hiện theo biên bản Pháp – Thanh phân giới số 3, ký kết ngày 13/6/1897 (Bản sao bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương do nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn sưu tầm từ tài liệu lưu trữ của Trung tâm văn khố Hải ngoại Pháp ở Aix-en Provence, gửi từ Pháp đăng trên BBC ngày 16/7/2016).
Địa bàn cuộc chiến và lực lượng mỗi bên:
Địa bàn chiến sự nằm trong phần đất được gạch chéo trên bản đồ, giới hạn bởi đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông Lô, trong đó 2 điểm cao (đánh dấu ngôi sao) đã xảy ra những trận giao tranh rất khốc liệt là điểm cao 1509 phía Việt Nam gọi là Núi Đất, phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và điểm cao 1250 phía Việt Nam gọi là Núi Bạc, phía Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn. Địa bàn cuộc chiến này có chiều dài khoảng 20 Km chạy theo đường biên giới, vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,5 Km, tương ứng với chiều dài Suối Thanh Thủy và đường biên giới. Khoảng cách giữa đường biên giới và Suối Thanh Thủykhoảng 2,5 Km.
Lực lượng mỗi bên:
– Trung Quốc: Theo tài liệu của Trung Quốc công bố, từ 1984 đến 1989, họ đã huy động vào cuộc chiến này 17 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn và lữ đoàn pháo binh thuộc các đại quân khu Côn Minh, Nam Kinh, Phúc Kiến, Tế Nam, Lan Châu, Thành Đô. Tổng số quân Trung Quốc thay nhau tham chiến khoảng nửa triệu người, trong đó nhiều đơn vị đã được huấn luyện chuyên nghiệp, không còn là những nông dân chân đất cầm súng như hồi họ gây ra chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
 Việt Nam: đã huy động nhiều đơn vị chủ lực thay nhau tham chiến. Các đơn vị tham chiến thuộc quân khu 1 là trung đoàn 2 của sư đoàn 3, trung đoàn 567 của sư đoàn 322. Các đơn vị thuộc quân khu 2 là các sư đoàn bộ binh 313, 314, 316, 356, các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin, vận tải của quân khu 2, trung đoàn 247 của tỉnh đội Hà Tuyên, trung đoàn 754 của tỉnh đội Sơn La. Đặc khu Quảng Ninh có trung đoàn 568 thuộc sư đoàn 328 tham chiến. Các đơn vị chủ lực thuộc Bộ tham chiến có sư đoàn 31, sư đoàn 312, sư đoàn 325. Ngoài ra còn nhiều đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến hoặc hỗ trợ chiến đấu.
Diễn biến cuộc chiến:
(theo ghi chép của Trường Sơn, phóng viên chiến trường, đã đăng trên Infonet)
Ngày 26/3/1984: Trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Hà-Tuyên (khi đó Hà Giang và Tuyên Quang sát nhập thành tỉnh Hà Tuyên nhưng chỉ Hà Giang có chung đường biên giới với Trung Quốc) Trung Quốc tập trung 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh của Đại quân khu Côn Minh lên thê đội một, áp sát hướng Vị Xuyên – Yên Minh (Vị Xuyên và Yên Minh là 2 huyện của Hà Giang, nằm sát nhau và cùng sát biên giới).
Từ 2/4/1984 đến 27/4/1984: Riêng Hà Giang, kể cả thị xã Hà Giang nằm cách biên giới 18 Km bị quân Trung Quốc bắn phá với khoảng 11.000 viên đạn.
5 giờ sáng 28/4/1984: Riêng trên hướng Vị Xuyên, pháo binh Trung Quốc bắn khoảng 10.000 viên đạn chi viện cho bộ binh tấn công các trận địa phòng ngự của Việt Nam ở phía tây Sông Lô. Trung Quốc đã đưa vào trận chiến số quân đông gấp 6 lần so với Việt Nam. Cuối ngày 30/4/1984 quân Trung Quốc chiếm được điểm cao 1509 (Núi Đất – Lão Sơn), điểm cao 772, điểm cao 685 tại bình độ 300-400 và 2 điểm cao 226, 233.
Trung đoàn 122 thuộc sư đoàn 313 của Việt Nam bị tổn thất nặng, rút xuống phía dưới tiếp tục phòng ngự.
Ngày 30/4/1984: Trên hướng Yên Minh, quân Trung Quốc đánh chiếm được điểm cao 1250 (Núi Bạc – Giả Âm Sơn) do tiểu đoàn 3 thuộc huyện đội Yên Minh bảo vệ.
Ngày15/5/1984: Trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc tiếp tục tấn công vào phía đông Sông Lô, chiếm được khu vực Pa Hán và điểm cao 1030 (Đông Sơn) do trung đoàn 266 thuộc sư đoàn 313 bảo vệ. Cũng trong đợt này, từ 28/4/1984 đến 15/5/1984 quân Trung Quốc đã chiếm được nhiều vị trí trong lãnh thổ Việt Nam rồi tổ chức phòng ngự giữ đất, tại các điểm cao 1509 (Núi Đất), 772, 685, 233, 1030 và 1250 (Núi Bạc).
Vẫn trên hướng Vị Xuyên, quân Trung Quốc bố trí 1 sư đoàn trên tuyến 1 và 2 sư đoàn ở phía sau. Trên hướng Yên Minh, quân Trung Quốc bố trí 1 trung đoàn ở phía trước và 2 trung đoàn ở phía sau.
Ngày 20/5/1984: Bộ tư lệnh Quân khu 2 của Việt Nam quyết định củng cố các đơn vị và các trận địa, ngăn chặn quân địch và từng bước tổ chức đánh chiếm lại các điểm cao đã mất.
Ngày 11/6/1984: Quân đội Việt Nam đã tổ chức đánh chiếm lại các điểm cao 233 và 685 nhưng không thành công.
Quân khu 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt một số vị trí đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng, khôi phục các điểm cao đã bị mất ở Vị Xuyên và Yên Minh. Bộ tư lệnh mặt trận quyết định tăng cường 3 trung đoàn bộ binh thuộc các đơn vị mới, có sự chi viện của đặc công và pháo binh, tham chiến trong chiến dịch mang tên là MB 84. Ở phía đông Sông Lô, trung đoàn 876 thuộc sư đoàn 356 đánh chiếm điểm cao 772, trung đoàn 174 thuộc sư đoàn 316 đánh địch ở bình độ 300-400. Ở phía tây Sông Lô, trung đoàn 141 thuộc sư đoàn 312 đánh chiếm điểm cao 1030 (Đông Sơn).
Rạng sáng 12/7/1984: Quân Việt Nam đồng loạt nổ súng tấn công trên cả 3 hướng. Chiến dịch MB 84 đã diễn ra rất khốc liệt nhưng vẫn không thành công. Cả 3 trung đoàn bị tổn thất nặng. Nhiều sĩ quan và chiến sĩ hy sinh, trong đó có cả sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn và cấp trung đoàn. Theo số liệu Việt Nam đã công bố, riêng sư đoàn 356 bị thương vong 600 người. Chiều 12/7/1984 Bộ tư lệnh mặt trận ra lệnh cho các đơn vị ngừng tấn công, chuyển sang phòng ngự.
Sau chiến dịch MB 84, Bộ tư lệnh Quân khu 2 quyết định thay đổi chiến thuật, mở chiến dịch đánh vây lấn, dùng dùng sư đoàn 313 và sư đoàn 356 chiếm lại điểm cao 685 và bình độ 300-400. Các đơn vị tham chiến chuẩn bị trong 4 tháng, để thực hiện cách đánh mới, dùng bộ binh kết hợp đặc công, có hỏa lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây chia cắt, lấn sát địch.
Ngày 18/11/1984: Phía Việt Nam bắt đầu chiến dịch vây lấn. Pháo binh bắn phá điểm cao 685 và bình độ 300-400. Sau 5 ngày đêm, trung đoàn 14 thuộc sư đoàn 313 đánh lấn địch ở bình độ 300-400. Trung đoàn 153 thuộc sư đoàn 356 được tăng cường 1 tiểu đoàn đặc công, vây lấn địch ở điểm cao 685.
Sau 2 tháng liên tục chiến đấu, từ tháng 11/1984 đến tháng 1/1985, quân Việt Nam đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát, ngăn chặn địch ở Đồi Chuối, Đồi Cô Ích, Đồi Đài, vị trí A4, A21, Khu Cót Ép, Khu C, một phần Khu E của điểm cao 685. Tại nhiều nơi, quân Việt Nam chỉ cách quân Trung Quốc khoảng 15 mét. Tại “Chốt 4 hầm”, 2 bên chỉ cách nhau khoảng 8 mét. Cuộc chiến rất quyết liệt. 2 bên giành nhau từng mỏm đá, từng ụ đất.
Tại “Chốt 4 hầm”, Đồi Cô Ích, điểm cao 685, quân Việt Nam và quân Trung Quốc liên tục thay nhau phản kích, có nơi 2 bên giành nhau, đánh chiếm lại đến 30 lần.
Từ 27/5/1985 đến 30/5/1985: Phía Trung Quốc thay quân, sau đó mở đợt tấn công lớn vào các điểm cao do quân Việt Nam đang chiếm giữ, từ Đồi Tròn, Lũng 840, Pa Hán thuộc phía đông Sông Lô, đến Đồi Cô Ích, vị trí bình độ 1100 thuộc phía tây Sông Lô nhưng đều bị quân Việt Nam đẩy lùi.
Ngày 31/5/1985: Quân Việt Nam chiếm lại, chốt giữ điểm cao A6B, đánh bại 21 đợt phản kích của quân Trung Quốc trong 13 ngày, rồi giữ được điểm cao này đến khi kết thúc cuộc chiến.
Từ 23/9/1985 đến 25/9/1985: Quân Trung Quốc lại tấn công từ Đồi Tròn, Lũng 840, Pa Hán thuộc phía đông Sông Lô, đến Đồi Cô Ích, bình độ 1100 thuộc phía tây Sông Lô. Quân Việt Nam giữ được tất cả các trận đia. Riêng Pa Hán bị quân Trung Quốc chiếm nhưng chỉ sau 1 ngày, quân Việt Nam đã phản kích chiếm lại.
Từ tháng 10/1985 đến tháng 11/1986: Phía Trung Quốc thay quân, mở thêm nhiều đợt tấn công, nhằm đẩy quân Việt Nam ra khỏi khu vực bờ bắc Suối Thanh Thủy nhưng quân Trung Quốc đều bị thất bại.
Từ 02/01/1987 đến 07/01/1987: Phía Trung Quốc dùng cấp sư đoàn, có pháo binh chi viện, mở chiến dịch mới, nhằm vào 13 điểm cao do quân Việt Nam chiếm giữ, ở cả phía đông và phía tây Sông Lô. Mục tiêu chủ yếu của họ nhằm vào Đồi Đài và Đồi Cô Ích. Chỉ trong 3 ngày của chiến dịch này, họ đã bắn khoảng 100.000 quả đạn pháo chi viện cho bộ binh, liên tục tấn công. Có ngày quân Trung Quốc tấn công đến 7 lần nhưng đều bị pháo binh và bộ binh Việt Nam ngăn chặn ngay trước trận địa.
Trận chiến trên điểm cao 1509: (Theo bản tin của Infonet)
Trong toàn bộ cuộc chiến Vị Xuyên, trận chiến trên điểm cao 1509 là khốc liệt nhất. Điểm cao 1509, theo tên gọi của Việt Nam là Núi Đất. Phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Đây là một đỉnh núi trong dãy núi chạy sát biên giới 2 nước Việt – Trung, thuộc địa phận huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (sau khi tách tỉnh Hà Tuyên). Đường biên giới nằm vắt qua ngọn núi này. Từ điểm cao 1509 có thể khống chế toàn khu vực, từ bờ phía bắc Suối Thanh Thủy đến cửa khẩu Thanh Thủy, ở phía đông điểm hợp lưu giữa Suối Thanh Thủy và Sông Lô. Tại điểm cao 1509 có 3 mỏm núi. Mỏm số 1 nằm trên đỉnh cao nhất của Núi Đất. Trên Mỏm số 2 có địa vật đặc biệt là 1 cây cổ thụ khổng lồ, chu vị rộng bằng vòng ôm của 10 người trưởng thành nối lại. Trong cuộc chiến cây này đã bị đạn pháo gọt trụi. Mỏm số 3 nằm trên đường bình độ 1450. Phía đông điểm cao 1509 là Bản Nậm Ngặt. Chính giữa phía đông là điểm cao 772. Điểm cao 772 đã nhiều lần bị pháo kích. Để mô tả mức độ đấu pháo cực kỳ ác liệt và thương vong của 2 bên, các chiến sĩ Việt Nam đặt tên điểm cao 772 là “ Đồi thịt băm “.
Tại điểm cao 1509 có khoảng 100 chiến sĩ Việt Nam phòng ngự. Phần lớn trong họ là những lính trẻ của đại đội bộ binh số 6, thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 122, sư đoàn 313. Trung Quốc đã dùng binh lực đông gấp 6 lần so với Việt Nam để tấn công vào điểm cao này. Trận chiến trên điểm cao 1509 bắt đầu ngày 2/4/1984, kéo dài 3 đợt: từ 2/4/1984 đến 15/4/1984, từ 2/6/1984 đến 10/7/1984 và từ 12/7/1984 đến 14/7/1984. Dù số người ít hơn rất nhiều so với quân Trung Quốc, các chiến sĩ Việt Nam đã gây thương vong lớn và đánh lui nhiều đợt tấn công của sư đoàn 40 thuộc quân đoàn 14 của đại quân khu Côn Minh Trung Quốc. Trận chiến kết thúc ngày 14/7/1984 sau trận tử chiến xáp lá cà bằng lưỡi lê và dao giữa 2 bên.
Ngày kết thúc cuộc chiến ở Vị Xuyên và thiệt hại của mỗi bên:
Từ sau ngày 07/01/1987, Trung Quốc giảm dần các cuộc tấn công lấn chiếm. Cuối tháng 12/1988 họ bắt đầu ngưng bắn phá sang phía Việt Nam. Từ tháng 3/1989 đến tháng 9/1989 quân Trung Quốc lần lượt rút khỏi các vị trí đã chiếm trên lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc chiến ở Vị Xuyên xảy ra trong một địa bàn hẹp nhưng rất khốc liệt và dài ngày. Theo tài liệu của phía Trung Quốc đã công bố, trong cuộc chiến này, họ đã bắn sang phía Việt Nam tới 1,8 triệu quả đạn pháo và cối. Đã có nhiều trận đấu pháo ác liệt giữa 2 bên. Đã có nhiều trận đánh giữa quân Trung Quốc và quân Việt Nam, giành nhau từng khúc suối, từng hốc đá. Có những điểm cao nằm trên mỏm núi, như điểm cao 685 đã bị pháo bắn nát vụn như vôi. Để ghi nhớ tinh thần bảo vệ
Tổ Quốc trong điều kiện chiến tranh khốc liệt này, các chiến sĩ Việt Nam đặt tên điểm cao này là “Lò vôi thế kỷ”. Với mức độ ác liệt và thương vong tương tự của cả 2 bên, khu vực ngã ba Suối Thanh Thủy – Sông Lô được đặt tên là “Cối xay thịt của thế kỷ”.
Cuộc chiến ở Vị Xuyên, nhất là trận chiến trên điểm cao 1509 đã được nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài (trong đó có Nhật và Ấn Độ) nghiên cứu. Họ cho rằng đây là loại trận địa chiến điển hình ở vùng núi và khốc liệt nhất ở Châu Á, kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Trước khi nổ ra cuộc chiến, điểm cao 1509 (Núi Đất – Lão Sơn) và điểm cao 1250 (Núi Bạc – Giả Âm Sơn) do quân đội Việt Nam chốt giữ và nằm trong lãnh thổ của Việt Nam nhưng nay đã thuộc về Trung Quốc. Họ dùng điểm cao 1509 làm địa danh du lịch của họ.
Đến nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều chưa chính thức công bố số thương vong của mình.
Theo tài liệu của Việt Nam, từ tháng 4/1984 đến tháng 8/1984, khoảng 7.500 binh sĩ Trung Quốc đã bị quân Việt Nam loại ra khỏi vòng chiến đấu.
Theo tin tức của nước ngoài, số binh sĩ Việt Nam bị chết trong cuộc chiến này khoảng 4.000 người. Hai sư đoàn của Việt Nam bị thương vong nặng nhất là sư đoàn 313 và sư đoàn 356. Sư đoàn 356 giải thể vào năm 1989.
Chiến trường diễn ra ở vùng núi. Do bị quân Trung Quốc khống chế các tuyến đường bộ, việc vận chuyển thương binh Việt Nam tại mặt trận rất khó khăn, phải leo qua nhiều vách đá và đèo dốc. Ở nhiều nơi, người tải thương phải trườn bò, dùng tời để chuyển thương binh từ trên các vách đá xuống. Mức thương vong của bộ đội tải thương rất lớn, tương đương 30% tổng số thương binh, không kịp đưa hết thương binh về tuyến sau.
Sau ngày kết thúc cuộc chiến, nhà báo Huy Đức đã đến thăm nghĩa trang Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang và được gặp ông Nguyễn Thanh Loan là người trông giữ nghĩa trang. Khi đó nghĩa trang có 1680 ngôi mộ thì 1600 là mộ liệt sĩ, hầu hết tử trận trong cuộc chiến ở Vị Xuyên vào năm 1984 và năm 1985. Ông Loan kể lại hồi đó cứ từ nửa đêm trở về sáng, xe GAT 69 chở về từng túi tử sĩ xếp chồng lên nhau để chôn cất tại nghĩa trang này. Trong 1600 mộ liệt sĩ còn khoảng 200 ngôi mộ là mộ vô danh, chỉ kịp đưa về nghĩa trang, chưa xác định được tên tuổi, quê quán của liệt sĩ.
Tin tức về các thương binh, tử sĩ Việt Nam còn sót lại mặt trận Vị Xuyên:
Trên Đài BBC tiếng Việt ngày 18/7/2015, ông Hà Minh Thành, Việt kiều tại Nhật Bản tham gia Đoàn làm phim của Đài truyền hình NHK Nhật Bản về cuộc chiến biên giới Việt – Trung và quay phim trên điểm cao 1509 vào năm 2009, đã cung cấp một số thông tin về số phận các thương binh, tử sĩ Việt Nam còn sót lại ở mặt trận. Ông Thành được Vương Doãn Hải, một sĩ quan Trung Quốc đã tham chiến tại điểm cao 1509kể lại, phía Trung Quốc đã thu gom hài cốt binh sĩ của cả 2 bên. Họ chôn thi thể các sĩ quan và binh lính Trung Quốc tại nghĩa trang liệt sĩ của Trung Quốc cách điểm cao 1509 khoảng 10 Km. Thương binh và tù binh Việt Nam thì bị quân Trung Quốc xử bắn tại chỗ rồi gom lại chôn chung trong một hố, cùng với các thi thể sĩ quan và binh lính Việt Nam đã tử trận. Sau đó binh chủng hóa học Trung Quốc đốt xác và cho xe ủi san lấp hố. Vương Doãn Hải ước tính có khoảng 3.000 xác sĩ quan và binh lính Việt Nam bị quân Trung Quốc chôn trong hố này.
Pháp lý quốc tế về đường biên giới ở Vị Xuyên Hà Giang:
Đặng Tiểu Bình đặt tên cuộc chiến do phía CHNDTH gây ra ở Vị Xuyên là “cuộc chiến phản công tự vệ” để chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Họ lập luận rằng đường biên giới phân chia lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam ở khu vực Vị Xuyên được xác định theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 và theo Công ước bổ túc về biên giới giữa Pháp – Thanh ký năm 1895 là chạy theo đường trung tuyến của Suối Thanh Thủy nên Trung Quốc phản công để đưa đường biên giới hiện hữu trở về trung tuyến của Suối Thanh Thủy. Nhưng tại Biên bản Pháp – Thanh phân giới số 3 ký kết sau đó vào ngày 13/6/1897, thực hiện công trình phân giới cắm mốc biên giới thì đường biên giới là đường sống núi phân chia lãnh vực Thanh Thủy thuộc tỉnh Hà Giang của Việt Nam và lãnh vực Mãng Cang thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường biên giới này chính là đường biên giới hiện hữu, nằm cách Suối Thanh Thủy khoảng 2,5 Km, đã được Sở Địa dư Đông Dương xác định trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 và đã xuất bản vào những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ 20. Từ thời Pháp-Thanh, cột mốc biên giới đã được cắm theo bản đồ này. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, từ Pháp gửi đăng trên BBC ngày 16/7/2016 cho biết hiện nay Công ước Pháp-Thanh 1887, Công ước Pháp-Thanh bổ túc năm 1895 và Công ước Pháp-Thanh phân giới số 3 ngày 13/6/1897 đang được lưu giữ tại Trung tâm văn khố hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence.
h1

Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979

17/02/2017  10:29 GMT+7

 Sáng 17 tháng 2 năm 1979, khi chúng ta vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, súng đã bất ngờ nổ đỏ dọc một rẻo đất hẹp ở biên giới phía bắc. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Trước sự ngoan cường của người Việt Nam, 3 tuần sau họ đã phải rút quân về nước. 
Thiếu tướng Lê Mã Lương có nhận định rằng sau 1975, Tổng bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên khẳng định Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam, trong khi đó, nhiều tướng tá vẫn tin rằng khả năng này ít xảy ra. Sự nhận thức về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh của ông Lê Duẩn bắt đầu từ thời điểm nào, thưa ông?
Ông Lê Kiên Thành: Đấy là thời điểm xa hơn đấy rất nhiều, chắc từ những năm đầu thập niên 1960. Trong một chuyến đi thăm Trung Quốc, trong cuộc tiếp Mao Trạch Đông hỏi Việt Nam có bao nhiêu dân, ông Lê Duẩn trả lời là 30 triệu. Sau đó, Mao Trạch Đông hỏi về dân số của Lào, Campuchia, Thái Lan. Khi đó, Mao Trạch Đông nói “Thế thì ít quá, tôi sẽ dẫn 400 triệu bần nông xuống làm cách mạng ở Đông Nam Á”. Hồi đó dân số Trung Quốc vào khoảng 700 triệu.
Sau này có lúc Trung Quốc muốn đưa 200 xe ô tô tải giúp chúng ta chở hàng vào miền Nam với điều kiện lái xe là người Trung Quốc. Ông Ba kiên quyết không nhận cái xe nào. Giữa cuộc họp, ông đập bàn nói rằng thà không có còn hơn đưa sinh mệnh của đất nước vào sự nguy hiểm.
Thực ra, trong suốt cả cuộc kháng chiến, Trung Quốc ủng hộ mình bao nhiêu thì họ cũng luôn nghĩ về lợi ích của họ bấy nhiêu. Thế nhưng thiếu sự ủng hộ của họ, chúng ta cũng không chiến thắng được.
Lê Kiên Thành, Lê Duẩn, Trung Quốc, chiến tranh biên giới
Ông Lê Kiên Thành.
Liệu có phải sự cảnh giác từ rất sớm đó góp phần khiến ông Lê Duẩn bị đánh giá là quá quyết liệt trong mối quan hệ với Trung Quốc thời kỳ sau 1975?
Ông Lê Kiên Thành: Ông ấy quyết liệt đủ đến độ để họ không thể hiện dã tâm từ đầu. Nhưng cũng ít đến độ họ vẫn phải tiếp tục ủng hộ mình. Nhiều người nói là vì ông găng quá nên xảy ra cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ điều đó sai.
Nếu nhìn về lịch sử từ xưa đến nay sẽ rõ. Cho nên đừng mơ hồ chuyện đó.
Có một hình ảnh rất hay là bầy sư tử khi ngủ, nó luôn quay về phía mà nó nghĩ là có kẻ thù mạnh hơn. Sư tử là kẻ mạnh nhất trong khu rừng mà còn cảnh giác đến độ như vậy huống hồ chúng ta.
Năm 1979, đất nước chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh có 4 năm. Với chúng ta bây giờ bốn năm là một khoảnh khắc. Còn đối với một dân tộc vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh hàng chục năm, trên người đầy vết thương, đầy tang tóc...bốn năm đó thực sự đáng giá.
Thế nhưng, súng đã nổ trên một rẻo đất hẹp ở biên giới phía Bắc. Trong tất cả lịch sử chiến tranh của đất nước chưa bao giờ có chuyện như thế. Nước Mỹ mang 500.000 ngàn quân nhưng phải trải qua một thời gian rất dài, trong một không gian rất rộng gồm cả miền Nam.
Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Nhưng chúng ta đã chứng tỏ cho họ thấy điều đó là vô nghĩa. Từ biên giới vào có mười mấy cây số nhưng 1 tháng sau họ mới đặt chân được vào thành phố Lạng Sơn. Đó là điều ngay cả người Trung Quốc cũng không nghĩ tới.
Sau này, tướng tá Trung Quốc đều nói với phương Tây rằng họ không tưởng tượng được tổn thất có thể khủng khiếp như thế. Hồi đó, chúng ta chỉ có một sư đoàn đóng ở biên giới, còn lại là dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng tới 600.000 quân, tức là 60 sư đoàn.
Lê Kiên Thành, Lê Duẩn, Trung Quốc, chiến tranh biên giới
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Ảnh tư liệu.
Một số tài liệu nói rằng, trong cả hai chuyến thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư năm 1975 và 1977, ông Lê Duẩn đều rút ngắn thời gian và không tổ chức tiệc đáp lễ như truyền thống?
Ông Lê Kiên Thành: Đó là thông tin sai, tất cả những chuyến thăm ấy đều trọn vẹn.
Thật ra đến năm 1976 hoặc trước đó, ông có gặp Đặng Tiểu Bình và hai người vẫn nói chuyện với nhau vẫn rất tình cảm. Chính Đặng Tiểu Bình là người nêu vấn đề là chuyện mấy hòn đảo đừng nói của ai vội, đấy là vấn đề lịch sử mà chúng ta đều phải bình tĩnh nhìn nhận.
Đặng Tiểu Bình với ông Ba có những mối quan hệ cá nhân rất khăng khít. Sau này, khi Đặng Tiểu Bình bị cách mạng văn hoá vùi dập, mỗi lần đi thăm Trung Quốc, ông vẫn tìm cách liên lạc với Đặng Tiểu Bình.
Cho nên, chuyện năm 1979 đối với ông Ba là một sự phản bội cá nhân của tình cảm giữa hai người bạn.
Giai đoạn 1978, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm nhiều nước và tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, ông Lê Duẩn nghĩ gì?
Ông Lê Kiên Thành: Về mặt cá nhân thì tôi không rõ, nhưng hai con người đó cũng là hai con người có trách nhiệm với hai Tổ quốc. Chắc là họ cũng chỉ nghĩ nhiều về Tổ quốc hơn là nghĩ về cá nhân. Đặng Tiểu Bình sẽ nghĩ là làm thế nào cho Trung Quốc tốt nhất và ông Lê Duẩn sẽ nghĩ làm thế nào cho Việt Nam tốt nhất. Đối với những con người ở vị trí đó, cái cá nhân như chúng ta vẫn nói là thứ gì đó rất khác.
Nhưng tôi thấy một lần ông đọc báo Nhân Dân và khi thấy vẽ tranh biếm hoạ đả kích Đặng Tiểu Bình thì ông ấy nhăn mặt nói: “Ba không bao giờ muốn người ta đả kích nhằm vào cá nhân như vậy”. Cái đó một phần vì ông là bạn của Đặng Tiểu Bình.
 
Từ 1977, những văn kiện gửi cho quân khu Quảng Châu nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tại sao đến thời điểm đó, vẫn có rất ít người dự đoán được thời điểm Trung Quốc tấn công Việt Nam?
Ông Lê Kiên Thành: Trước chiến tranh nổ ra, có mời thư ký của ông Nguyễn Duy Trinh đến nói chuyện với cán bộ về tình hình và các khả năng. Ông nói hết tình hình, khả năng như nào, logic thì nó sẽ thế nào.
Vậy, những động thái từ phía Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc chiến ở phía Bắc thực ra đã bắt đầu từ thời điểm nào?
Ông Lê Kiên Thành: Có lẽ từ khi chúng ta giúp Campuchia tiêu diệt chế độ Polpot. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chiến tranh nếu nổ ra chắc vẫn còn xa. Còn gần đến cỡ đó thì ít người nghĩ đến thật.
Chỉ hai tuần sau Tết, ngày  17/2, Trung Quốc bất ngờ nổ súng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc?
Ông Lê Kiên Thành: Thật ra, ngày đó là ngày cưới của tôi. Tối hôm đó tôi cưới thì sáng Trung Quốc nổ súng đánh biên giới. Tối hôm đó vẫn rất bình thường. Sau này, có người nói sao đánh nhau lại còn cưới. Nhưng họ không hiểu rằng trong cuộc kháng chiến, có rất nhiều đám cưới trên chiến hào, trong hầm trú bom.
Bởi vì, cuộc kháng chiến của mình dài quá, nhiều trẻ em sinh ra trong tiếng bom nổ. Nếu chúng ta không tạo ra được cuộc sống bình thường trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không thể duy trì cuộc chiến tranh dài đến thế.
Đấy cũng là lý do để sau này tôi muốn con tôi cháu tôi nhớ rằng cha mẹ, ông bà đã làm đám cưới trong một ngày trên biên giới phía bắc, tiếng súng của sự dã man và phản bội đã vang lên.
Tổng bí thư Lê Duẩn có tham dự đám cưới của con trai mình không?
Ông Lê Kiên Thành: Có chứ. Có cả ông Trường Chinh và nhiều thành viên Bộ Chính trị. Lãnh đạo đơn vị tôi cũng có mặt ở đó. Họ căng thẳng lắm khi nghe Trung Quốc đánh trên toàn tuyến. Nhưng khi đến đám cưới mọi người nói chuyện bình thường, nét mặt các ông lãnh đạo bình thường. Ở các ông già toát lên một sự tự tin ghê gớm.
Ừ thì cuộc chiến xảy ra sớm nhưng là điều mình nghĩ từ 10-20 năm. Thực tế đã xảy ra như thế. Một tháng sau người Trung Quốc mới đặt chân đến thị xã Lạng Sơn, cách biên giới có 12 km. Nếu đi bình thường chỉ mất 20 phút nhưng Trung Quốc với từng ấy quân lính, từng ấy xe tăng thì một tháng sau mới chiếm được thị xã nhỏ bé của mình. Đừng nghĩ sẽ đi đâu xa.
Lê Kiên Thành, Lê Duẩn, Trung Quốc, chiến tranh biên giới
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Ảnh tư liệu.
Sau khi Trung Quốc rút, ông Lê Duẩn là người quyết định không truy kích. Quyết định đó được đưa ra như thế nào?
Ông Lê Kiên Thành: Thực ra cái mình muốn nhất là Trung Quốc không đánh. Nhưng điều đó lại xảy ra rồi. Giết thêm 1-2 vạn quân nữa thì không có ý nghĩa, chỉ thêm nhiều người Trung Quốc căm thù người mình.
Cũng chính ông Lê Duẩn khi miền Nam giải phóng, có người đã xin xử bắn một số người kẻ ác phía hàng ngũ Việt Nam cộng hoà, ông không đồng ý. Những người ấy ác thật, họ mổ bụng, họ tra tấn đồng chí của mình thật. Trong chiến tranh, người ta có thể chấp nhận cái chết, nhưng trong hoà bình thì lại không thể chấp nhận được.
Còn ý kiến cho rằng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới là để thử khả năng phòng ngự của Việt Nam và khả năng Liên Xô sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi không nghĩ Trung Quốc thử. Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô diễn ra là sau 17/2. Người Việt Nam đều hiểu chúng ta trông đợi nhất vào chính chúng ta thôi, khó có thể trông đợi người nào khác.
Tôi cũng không nghĩ Trung Quốc đánh để thử Liên Xô, vì đó là một trò chơi quá đắt tiền, quá mạo hiểm và quá dã man. Họ có những mưu đồ khác. Sâu xa nếu mà được là phải rút được quân Việt Nam ra khỏi Campuchia để cứu Pol Pot, nhưng điều đó không thực hiện được. Thứ hai là Trung Quốc muốn chứng tỏ điều Trung Quốc làm được mà Mỹ không làm được. Cuối cùng thì Trung Quốc cũng không làm được.
Ông Lê Duẩn có lường được rằng cuộc chiến tranh biên giới sẽ kéo dài đến 10 năm sau mới kết thúc không?
Ông Lê Kiên Thành: Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc.
Tôi lên biên giới, vào Mục Nam Quan (sau này đổi thành Hữu Nghị Quan), họ treo ảnh các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, trừ ông Lê Duẩn. Và tôi lại cảm thấy tự hào kinh khủng vì có một người ba hay thật, người mà đến khi chết vẫn nghĩ giữ nguyên vẹn đất nước Việt Nam này, không mua bán, không mặc cả. Nếu là anh em thì hoà thuận, còn không thì chết chúng tôi cũng giữ đất nước này.
Quốc Việtthực hiện

    Chiến tranh biên giới - những dấu mốc không thể lãng quên


    Trận chiến 30 ngày

    Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

    Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới

    Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...).
    Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.
    Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.
    Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
    Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".
    Đạn pháo quân Trung Quốc nã dồn dập vào biên cương

    Cuộc chiến tự vệ

    Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ.
    Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.
    Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.
    Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.
    Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

    Cuộc thảm sát phụ nữ, trẻ em của quân Trung Quốc ở Cao Bằng.

    Người lính đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc

    Trước khi phát động chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện "nạn kiều" khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng. Ngày 12/7/1978, nước này bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên.
    Ngày 27/8/1978, Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng) bị công an biên phòng Trung Quốc vượt biên sát hại khi đang bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ động viên người Hoa trở về làm ăn sinh sống. Anh hy sinh trên đồi Pù Tèo Hào, sát km số 0, là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi.

    Tổng động viên toàn quốc ngày 5/3/1979

    Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
    Lời kêu gọi Tổng động viên sáng 5/3/1979

    Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân

    Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.
    Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
    Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.
    Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…
    Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.
    Cuộc chiến đẩy quan hệ Việt - Trung rơi vào thời kỳ đen tối, tạo hố sâu ngăn cách suốt thời gian dài.

    Cuộc chiến kéo dài 10 năm

    Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra.Hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.

    Chiến trường Vị Xuyên 1984-1989

    Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.
    "Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu", thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.
     

    Chiến dịch MB 84 giành lại cao điểm

    Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509… thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch MB84, phản công giành lại các điểm cao.
    Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Do địa hình bất lợi, quân Trung Quốc được hỏa lực yểm trợ mạnh, hàng nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh, riêng Sư đoàn 356 mất khoảng 600 người.
    Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

    Cuộc chiến giữ chốt biên cương

    Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km, biến cao điểm 685 thành "lò vôi thế kỷ", có điểm bị bạt 3 m.
    Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng. (Trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).

    Việt - Trung bình thường hóa quan hệ

    Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến kéo dài 10 năm này. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
    Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.
    Năm 1991, Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

    38 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

    Vì nhiều lý do, cuộc chiến biên giới phía Bắc trong suốt thời gian dài ít được nhắc đến. Nhiều người không biết hoặc không tin từng có một cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt 10 năm.
    Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ vỏn vẹn 11 dòng đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc. GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách cho biết, vì nhiều lý do nên nội dung này bị sửa đi sửa lại rồi rút từ 4 trang xuống còn 11 dòng. Các tác giả không thỏa mãn và cho rằng lịch sử phải khách quan nhưng cuối cùng đành chấp nhận.
    "Đây là cuộc chiến tranh quy mô lớn, cuộc động binh xâm lược mà không dùng từ nào khác để diễn tả đúng bản chất của nó. Nếu không đề cập đến thì mười lăm, hai mươi năm nữa con cháu lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này. Để cho thế hệ sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử", PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng nói.
    Vài năm nay vào dịp tháng 7, những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn "hành quân" về biên giới phía Bắc, cùng nhau hát "Về đây đồng đội ơi", đọc bài văn tế Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.

    Hoàng Phương