Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

VÌ SAO KHÔNG AI CẢN NỔI ĐẶNG TIỂU BÌNH CHẤP CHÍNH ?


Giải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình thành người "không ai cản nổi"

Thủy Thu | 
Giải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình thành người "không ai cản nổi"
Xử lý ảnh: Manhj Quân

Mao Trạch Đông đã từng dự đoán rằng, sau khi ông qua đời, không ai có thể cản nổi Đặng Tiểu Bình còn Giang Thanh về sau như thế nào thì "chỉ có trời mới biết".

Theo Sina (Trung Quốc), sau vụ rơi máy bay của Phó chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc Lâm Bưu vào ngày 13/9/1971, Mao Trạch Đông gặp phải đả kích lớn khiến sức khỏe ngày càng suy yếu. 
Tháng 6/1974, Thủ tướng Chu Ân Lai lâm trọng bệnh, phải nằm viện điều trị. Điều này khiến Mao Trạch Đông buộc phải xem xét tìm người thay thế Chu đảm nhiệm công việc của đảng.
Lúc này Đặng Tiểu Bình mới khôi phục công tác sau vụ đấu tố trong Cách mạng văn hóa, phụ trách công việc thường ngày của Trung ương đảng và Quốc vụ viện.
Những năm cuối đời, Mao Trạch Đông đã từng dự đoán rằng, sau khi ông qua đời, không ai có thể ngăn cản nổi Đặng Tiểu Bình còn Giang Thanh về sau như thế nào thì "chỉ có trời mới biết".
Chiến lược "bốn bước" của Mao Trạch Đông
Để giúp Đặng Tiểu Bình thuận lợi phụ trách công việc, Mao Trạch Đông đã xây dựng bốn bước kế hoạch.
Trước hết, khôi phục công tác để Đặng nắm rõ tình hình, xây dựng uy tín. Mao Trạch Đông đã đích thân đề bạt giúp Đặng Tiểu Bình khôi phục công tác và khẳng định rằng, khi còn ở căn cứ địa cách mạng, Đặng đã đồng cam cộng khổ với Mao và cũng không có vấn đề chính trị, có công trong chiến tranh giải phóng và xây dựng ĐCSTQ sau này.
Giải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình thành người không ai cản nổi - Ảnh 1.
Đặng Tiểu Bình (trái) và cố Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Ảnh: SCMP
Chính khẳng định của Mao đã giúp Đặng xóa bỏ cái bóng "thành phần phản cách mạng" trong thời kỳ Cách mạng văn hóa và trở thành Ủy viên trung ương đảng, tham gia lãnh đạo Quốc vụ viện.
Bước hai, đề bạt Đặng Tiểu Bình trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quân ủy, tham gia lãnh đạo quân ủy. Đồng thời bổ nhiệm Đặng vào vị trí Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, giúp Đặng trở thành hạt nhân lãnh đạo của trung ương và quân đội.
Tại hội nghị Bộ chính trị tháng 12/1973, Mao Trạch Đông đã hết lời khen ngợi Đặng Tiểu Bình như "làm việc quyết đoán", "trong nhu có cương" v.v...
Theo Sina, việc Đặng được người quyền cao chức trọng trong toàn đảng, toàn quân, toàn quốc là Mao Trạch Đông đánh giá cao cho thấy, trước tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu, Mao và Chu cần phá bỏ thông lệ, nhanh chóng đưa Đặng lên vị trí lãnh đạo quan trọng.
Điều này giúp sự nghiệp của Mao, Chu có người kế nhiệm.
Bước ba, để Đặng Tiểu Bình tham gia hội nghị tại Liên hợp quốc, "tỏa sáng công khai" trên trường quốc tế.
Tháng 4/1974, Hội nghị đặc biệt khóa VI Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc với sự tham gia của các nhà hoạt động chính trị quan trọng và người đứng đầu chính phủ các nước.
Đặng Tiểu Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự. Tại hội nghị, bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Đặng đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế.
Khi đó, giới truyền thông Trung Quốc ra sức ca ngợi rằng Đặng Tiểu Bình không chỉ đại diện cho hình tượng một Trung Quốc mới mà còn là "người đại diện tuyệt vời nhất" của Chu Ân Lai.
Bước bốn, hoàn thành thủ tục pháp lý, giúp Đặng Tiểu Bình chính thức đảm đương công tác lãnh đạo quan trọng trong hệ thống đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Đối với việc lựa chọn Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm công tác lãnh đạo quan trọng của hệ thống đảng, chính phủ, quân đội, Mao Trạch Đông đã xem xét kỹ lưỡng trong thời gian hơn năm tháng tại Hồ Bắc và Hồ Nam.
Đến tháng 1/1975, thông qua văn kiện 1, Hội nghị toàn thể lần thứ II Ủy ban trung ương khóa X và Đại hội đại diểu nhân dân toàn quốc khóa IV, Mao đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục tổ chức và trình tự pháp lý bổ nhiệm Đặng vào vị trí Phó Chủ tịch trung ương ĐCSTQ, Phó thủ tướng Quốc vụ viện thứ nhất, Phó chủ tịch quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng.
Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo hạt nhân Trung Quốc
Giải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình thành người không ai cản nổi - Ảnh 2.
Mao Trạch Đông (trái) và Đặng Tiểu Bình. Ảnh: SCMP
Theo báo Trung Quốc, lúc này Mao Trạch Đông rất xem trọng Đặng Tiểu Bình bởi Mao từng nói: "Vương Hồng Văn không bằng Đặng Tiểu Bình". Vương Hồng Văn, một phần trong "nhóm 4 tên" thời Cách mạng văn hóa, từng là một trong những người được Mao chọn vào đội ngũ kế nhiệm.
Ngay sau khi Đặng trở thành Phó thủ tướng thứ nhất vào ngày 4/10/1974 thì ngày 11/10, ĐCSTQ ra tuyên bố quyết định khai mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) khóa IV vào ngày 13-17/1/1975.
Chính tại đại hội này, Đặng Tiểu Bình được xác định trở thành hạt nhân lãnh đạo Quốc vụ viện.
Trước đó, ngày 23/2/1974, Chu Ân Lai đáp máy bay đến Trường Sa, Hồ Nam để báo cáo với Mao Trạch Đông về công tác trù bị Đại hội trên. Vương Hồng Văn cũng có mặt tại buổi nói chuyện này.
Khi đó, Mao tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ Đặng: "Các đồng chí ngồi lại đây nói chuyện, báo cáo công tác của đồng chí Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh".
"Politics - chính trị - mạnh hơn cậu ta", Mao chỉ về phía Vương Hồng Văn khi nói với Chu Ân Lai.
Vương Hồng Văn ngây người ra do không hiểu tiếng Anh. Mao Trạch Đông buộc phải nói lại với Vương lần nữa: "[Năng lực chính trị của] đồng chí không mạnh bằng Đặng Tiểu Bình".
Vừa nói Mao vừa viết ra giấy chữ "cường" (mạnh mẽ).
Khi Chu Ân Lai báo cáo công tác sắp xếp nhân sự đại hội, nói đến việc Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tổng tham mưu trưởng, Mao Trạch Đông chậm rãi nói:
"Tôi nghĩ rằng, Tiểu Bình làm Phó chủ tịch quân ủy. Phó chủ tịch quân ủy, Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tổng tham mưu trưởng".
Mao lại đặt bút viết: "Nhân tài nan". Chu Ân Lai đọc và thốt lên: "Nhân tài khó kiếm".
Mao Trạch Đông quay sang nói với Vương Hồng Văn: "Thủ tướng là Thủ tướng của chúng ta". Rồi lại nói với Chu Ân Lai rằng: "Đồng chí sức khỏe kém, sau đại hội này nên an tâm dưỡng bệnh. Công việc của Quốc vụ viện có thể để đồng chí Đặng Tiểu Bình đảm đương".
Chu Ân Lai nghe xong liền gật gật đầu.
theo Trí Thức Trẻ

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Hai thái cực nhận thức sai lầm về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

TS TRẦN CÔNG TRỤC

(GDVN) - Mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông, phân tích một số vấn đề về phương pháp tiếp cận với "những khúc quanh lịch sử" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ngõ hầu rút ra bài học cho tương lai.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Báo Vietnamnet ngày 17/2 vừa qua đăng bài viết: "Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979" thu hút sự quan tâm khá lớn từ dư luận.
Bởi lẽ đây là một trong số những bài phỏng vấn con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn về vai trò của cha mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như tư duy, tác động ảnh hưởng của ông đến quan hệ Việt Nam -Trung Quốc sau này. [1]
Nhiều ý kiến bình luận khác nhau về bài phỏng vấn ông Lê Kiên Thành của báo Vietnamnet được bạn đọc quan tâm chia sẻ trên các trang mạng xã hội, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít quan điểm phản đối các nhận định, lập luận ông nêu ra.
Lẽ thường chín người thì mười ý, cho nên những đề tài được xem là nhạy cảm như vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn trong chính sách đối nội, đối ngoại kể từ năm 1975 thống nhất đất nước, đến khi ông qua đời, đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và cuộc chiến chống xâm lược Biên giới phía Bắc 1979-1989 được dư luận quan tâm đặc biệt, nhiều ý kiến khác nhau cũng không có gì lạ.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo (tuyengiao.vn).
Chúng tôi nhận thấy rằng, trước sự quan tâm và nhiều thắc mắc từ dư luận, việc Tiến sĩ Lê Kiên Thành hay Thiếu tướng Lê Kiên Trung thẳng thắn lên tiếng về những thắc mắc âm ỷ trong xã hội là một điều đáng quý.
Không né tránh những khúc quanh của lịch sử
Đặc biệt, hai ông không né tránh những câu hỏi thuộc diện "nhạy cảm", như nhà báo Lan Hương báo Công an Nhân Dân từng hỏi ông Lê Kiên Thành trong bài phỏng vấn đăng trên chuyên mục An ninh Thế giới cuối và giữa tháng Online ngày 3/5/2015: 
"Nếu giờ tôi hỏi ông, cố TBT Lê Duẩn có phải là một nhà lãnh đạo độc tài, ông sẽ nói..." hoặc câu hỏi:
"Đến giờ vẫn không ít người cho rằng, cha ông, cố TBT Lê Duẩn là người phải có trách nhiệm với cuộc chiến tranh biên giới, cũng như những khó khăn, sai lầm mà ta mắc phải trước đổi mới. 
Và có người nói đại ý, nếu ông Lê Duẩn chỉ dừng lại ở thời điểm năm 1975, thì ông đã mãi mãi là anh hùng. Ông nghĩ gì về ý kiến ấy?" [2]
Trong một bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Kiên Trung đăng ngày 27/7/2016, nhà báo Tô Lan Hương báo Công an Nhân Dân hỏi: 
"Anh nói, TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền?", và:
"Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc.
Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc?" [3]
Chưa bàn chuyện đúng sai, nhưng thái độ không né tránh các sự kiện lịch sử hệ trọng của dân tộc, có ảnh hưởng đến tương lai vận mệnh đất nước như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 là điều hết sức đáng quý.
Nó cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin về các sự kiện, vấn đề trọng đại với quốc gia, dân tộc từ xã hội, từ người dân và có lẽ cho đến nay, hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đang đi tiên phong đáp ứng nhu cầu chính đáng này của dư luận.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nối tiếp mạch tư duy của bài viết trước đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/2: “Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”! để có đôi lời bàn về cách tiếp cận vấn đề mà ông Lê Kiên Thành, ông Lê Kiên Trung đã đặt ra.
Khi đặt lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia, dân tộc lên trên hết, dùng ánh sáng công pháp quốc tế cũng như những bài học vô giá của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước để soi rọi các quan hệ bang giao và những sự kiện lịch sử cận hiện đại, đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôi tin rằng những quan điểm khác nhau trong chúng ta rồi cuối cùng cũng tìm về một điểm.
Dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất trong chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng hòa hiếu, khiêm nhường trong ứng xử 
Cha ông chúng ta có rất nhiều tấm gương anh hùng, kiên trung bất khuất giữ trọn quốc thể bằng khí tiết cao vời và tài năng xuất chúng, khiến cường địch cũng phải kính nể.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Có thể nhắc lại đây câu nói nổi tiếng của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khi bị giặc Nguyên bắt. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: 
“Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: "Có muốn làm vương đất Bắc không?". Vương thét to:"Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc", rồi bị giết”. [4]
Hay tài ứng đối của sứ thần Đại Việt trước tướng Nguyên Ô Mã Nhi đã làm tướng giặc tâm phục. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép:
“Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn.
Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi".
Vua mừng, nói rằng: "Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!"
Rồi sai đem thư xin giảng hoà. Ô Mã Nhi hỏi [Chung]: "Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm".
Khắc Chung đáp: "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?".
Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: "Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?".
Khắc Chung nói: "Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".
Ô Mã Nhi nói: "Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát".
Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:
"Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "Chó nhà cắn người"; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được". [4]
Nếu như người anh hùng như Trần Bình Trọng lúc sa vào tay giặc dùng khí phách để giữ quốc thể thì nhà ngoại giao Đỗ Khắc Chung dùng bản lĩnh và biện tài để ứng phó với tướng giặc ngay giữa hang hùm, miệng rắn, khiến Ô Mã Nhi cũng phải cảm phục mà không dám coi thường Đại Việt ta.
Không ai trong số các bậc tiền nhân khả kính của dân tộc chúng ta thể hiện một sự chủ quan, khinh địch hay hiếu chiến, đặc biệt là những người đứng đầu đất nước trong thời khắc đối mặt với họa ngoại xâm, điển hình như Đức vua Trần Nhân Tông.
Bài nghiên cứu "Phật hoàng Trần Nhân Tông và bài học lợi ích dân tộc" của Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Trung Tiến, Đại học Khoa học Huế viết trên Tuần Việt Nam và được báo Giác Ngộ đăng lại cho biết:
Vua Nguyên Hốt Tất Liệt từng nhiều lần "xuống chiếu" đòi ngài sang "chầu", nhưng Đức vua Trần Nhân Tông đều khéo léo, cương quyết tìm cách từ chối và cử sứ thần sang thay. [5]
Tượng Đức vua Trần Nhân Tông lúc đã xuất gia và trở thành Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: Báo Công an Nhân Dân.
Thậm chí sự mềm dẻo, linh hoạt của Đức vua Trần Nhân Tông trong ứng xử với nhà Nguyên còn được sử gia Ngô Sỹ Liên ghi lại trong "Đại Việt sử ký toàn thư":
Từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1288, Đức vua Trần Nhân Tông đã ba lần cử sứ giả sang Nguyên để triều cống và "tạ tội". Đồng thời, triều đình Trần cũng gửi vua Nguyên một bức thư biện hộ cho hai cuộc kháng chiến năm 1285 và 1287-1288.[6]
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rõ ông cha chúng ta đã ứng xử như thế nào với nước láng giềng phương Bắc vì sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. 
Đó là khí phách anh hùng, lòng quả cảm, tài trí thông minh, sự linh hoạt mềm dẻo, tính khí khiêm nhường…. Bài học lịch sử nào cần được nhấn mạnh trong quan hệ quốc tế, trong chúng ta hiện đang có những đánh giá khác nhau về cách ứng xử với các siêu cường, đặc biệt là với Trung Quốc.
Theo chúng tôi, phải chăng đó là sách lược “trong xưng đế ngoài xưng vương” mà ông cha chúng ta đã từng ứng xử đối với các triều đại phong kiến Trung Hoa sau mỗi lần đánh bại các đội quân quân xâm lược của chúng để giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ trong bang giao với nước láng giềng phương Bắc đầy tham vọng bành trướng, bá quyền?
Đó là sách lược thể hiện sự khôn khéo, khiêm nhường trong đối nhân xử thế, biết mình biết ta, thắng không kiêu bại không nản, không bao giờ chủ quan, khinh địch; luôn luôn đề cao cảnh giác, tự lực tự cường. 
Đó là bài học sống còn từ ngàn năm dựng nước, giữ nước được thấm vào trong tư duy, suy nghĩ và hành động, chứ không cần, không phải, không nên thể hiện bằng lời nói, nhận định mang nặng cảm xúc, chủ quan khinh địch, nhất là từ những người giữ trọng trách trước quốc gia, dân tộc.
Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại văn minh và loài người ngày càng hướng đến một xã hội thượng tôn pháp luật. Quan hệ bang giao giữa các nước cũng nhờ đó trở nên bình đẳng, hợp tác cùng có lợi trong khuôn khổ mái nhà chung Liên Hợp Quốc.
Dù tranh chấp, dù bất đồng vẫn luôn luôn tồn tại, nhưng vị thế đất nước ngày nay đã khác xưa. Câu chuyện "triều cống" hay "trong xưng đế, ngoài xưng vương" để giữ hòa hiếu đã không còn tái diễn.
Nhưng tinh thần khiêm nhường, yêu chuộng hòa bình song hành cùng đề cao cảnh giác, tự lực tự cường để bảo vệ Tổ quốc là không thay đổi.
Những bất lợi khi cố chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Những quan điểm khác nhau về cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại trong thời gian ông tại vị, đã được thể hiện qua những câu hỏi thẳng thắn dành cho hai người con trai của ông mà chúng tôi trích dẫn một số ở phần đầu của bài viết này.
Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong đối nội, đối ngoại hay với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như những gì phản ánh trong một số bài báo trên là điều không nên, bất lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Bởi lẽ, anh Ba Duẩn đích thực là một chiến sĩ cách mạng kiên trung và yêu nước. Ông có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Vì vậy, sự nghiệp của “anh Ba” đã được lịch sử ghi nhận đúng mức và tên của Anh đã được đặt cho một đường phố lớn tại Thủ đô Hà Nội…
Tuy nhiên, trước thời kỳ mới, sự phát triển của đất nước sau chiến tranh diễn ra theo những quy luật hoàn toàn mới, đòi hỏi kiến thức, hiểu biết và vận dụng sáng tạo quy luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến ngoại giao.
Mà nhận thức là một quá trình, trong quá trình ấy những vấp váp, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. 
Đánh giá những thành tựu và sai lầm để rút ra bài học, chỉ rõ những sai lầm ấy do đâu mà có chính là quy luật sống còn của một đảng cách mạng, một đảng chân chính, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Vì vậy, cách tiếp cận một chiều, phủ nhận sạch trơn hay tô hồng tất cả đều sẽ dẫn đất nước này, dân tộc này đến những sai lầm, mà cái giá phải trả có thể rất đắt.
Trước những thăng trầm của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ xung đột 1979 - 1989 và bối cảnh địa chính trị khu vực, thế giới thời kỳ này, cần một cái nhìn thực sự bình tĩnh, khách quan, khoa học và cầu thị. 
Chỉ có như thế, chúng ta mới rút ra được bài học cho tương lai, để dân tộc này, đất nước này không phải đối mặt với hiểm họa của chiến tranh, thực sự tạo dựng được lòng tin làm nền tảng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng do lịch sử để lại trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, việc hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn lên tiếng về vai trò của ông đối với đất nước, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hay xung đột biên giới 1979 - 1989, thiết nghĩ là cơ hội quý.
Đấy là lúc để chúng ta bình tĩnh lại, cùng nhau nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính khoa học, ngõ hầu củng cố hòa bình đồng thời với việc gìn giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Vì thế, mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm về chính vai trò của ông, hơn thế nữa còn tác động không nhỏ đến tương lai, vận mệnh dân tộc.
Về đối nội, nó gây ra những quan điểm hoài nghi và chia rẽ trong nội bộ xã hội chúng ta, qua những bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, có thể nhận thấy rất rõ đã hình thành 2 luồng quan điểm:
Một là đánh đồng việc đề cao cảnh giác bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với xu hướng, tâm lý "chống Trung Quốc", hai là xem chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, giải quyết tranh chấp bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ hòa bình, ổn định là "sợ Trung Quốc".
Cả hai xu hướng này đều dẫn tới chỗ cực đoan.
Chỉ có hiểu Trung Quốc để thích nghi và chung sống hòa bình, ứng xử như cha ông chúng ta đã từng ứng xử mới giúp đất nước này, dân tộc này trường tồn, phát triển kể cả khi nằm giữa những cạnh tranh gay gắt từ các siêu cường đương đại.
Với các nước lớn, cha ông ta luôn ứng xử hết sức mềm dẻo và linh hoạt trong khi giữ vững nguyên tắc. Điều này có thể tổng kết qua hai câu “nói phải, củ cải cũng nghe”, và khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”!
Về đối ngoại, những nỗ lực chứng minh các luận điểm một chiều này chỉ tạo cớ cho một bộ phận chính khách, chiến lược gia Trung Quốc củng cố lập luận của họ về cách ứng xử “tiền hậu bất nhất” của Việt Nam trong quan hệ song phương.
Vì vậy, đối diện với những vấn đề nhạy cảm, "gai góc" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không chỉ đòi hỏi phải có một dũng khí và bản lĩnh, mà quan trọng hơn là trí tuệ và đầu óc tỉnh táo, sáng suốt để có cái nhìn toàn cảnh và đưa ra những giải pháp tổng thể một cách khả thi, hiệu quả.
Trong quá trình đó, người viết tin rằng, chỉ cần chúng ta luôn đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế trong các hoạt động bang giao, đối ngoại lên trên hết, đặt các sự kiện cụ thể vào bối cảnh lịch sử - kinh tế - xã hội khu vực, quốc tế cụ thể, chúng ta sẽ có cái nhìn sát thực hơn.
Chỉ có như vậy, thì mọi quan điểm khác nhau xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm trước vận mệnh của quốc gia dân tộc mới tìm thấy điểm chung. Nếu không, xã hội Việt Nam sẽ trở nên chia rẽ, không cần kẻ thù nào đánh phá, chúng ta cũng tự tan.
Cũng chỉ có tiếp cận các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời cận hiện đại một cách thẳng thắn, bằng thái độ khách quan, cầu thị, khiêm tốn, biết mình, biết ta, thượng tôn pháp luật thì mới tìm được tiếng nói chung cùng nhân dân Trung Quốc xây dựng nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi trong quan hệ giữa hai nước.
Tài liệu tham khảo:
[6]Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, tr. 199-200.
Ts Trần Công Trục