Việt Nam hướng về Bắc Kinh ngày 18/3? |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trò chuyện trước phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bonn, Đức, 16/2/2017. |
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, trong khi giới quan sát cho rằng Việt Nam sẽ “phải theo dõi kỹ” chuyến công du này.
Đây được coi là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa một thành viên nội các của chính quyền của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trả lời báo giới hôm 7/3, theo Kyodo, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng cuộc tiếp xúc giữa ông Tillerson và ông Tập mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc.
“Ông ấy sẽ bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung – Mỹ trong vòng bốn năm tới”, ông Russel được hãng tin Nhật dẫn lời nói thêm như vậy về chuyến công du 3 nước châu Á của ông Tillerson, trong đó ông sẽ tới cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “hai cường quốc, mặc dù có những phát biểu hoặc xung đột về mặt lợi ích, nhưng về tổng thể, hai quốc gia này vẫn muốn đối thoại và trao đổi với nhau”.
Nhà nghiên cứu còn là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng “chắc chắn Việt Nam sẽ phải theo dõi kỹ các động thái sắp tới trong chuyến thăm này”.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Cho nên, không cứ riêng gì Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia ở châu Á hoặc Đông Á hay Châu Á – Thái Bình Dương đều phải xem xét cái việc gặp giữa hai bên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải theo dõi là chắc chắn vì một bên là Trung Quốc, quốc gia láng giềng, có nhiều ân oán với Việt Nam, mà hiện bây giờ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Thứ hai là Hoa Kỳ, quốc gia đang trở thành đối tác quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy giữa hai quốc gia này”.
Trong bản tin hôm 8/3, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong nhận định rằng ngoài các vấn đề như Bắc Hàn hay Đài Loan, Biển Đông cũng có thể nằm cao trong nghị trình của ông Tillerson ở Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ trước khi trở thành ngoại trưởng hồi đầu năm nay, ông Tillerson đề xuất “chặn” Trung Quốc tiếp xúc các đảo nhân tạo mà nước này cấp tập xây dựng ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Đáp lại, Global Times, tờ báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc, cảnh báo rằng chiến tranh sẽ bùng ra, nếu Washington làm vậy.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng với tuyên bố đó của ông Tillerson với tuyên bố rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.
Trước những thông tin khác nhau về sự cam kết của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Biển Đông, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng “Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được”.
Ông nói thêm:
“Trong cuộc chơi này, Trung Quốc là một tay chơi rất là giỏi, đang cân não phản ứng của Hoa Kỳ. Chỉ cần Hoa Kỳ có một cái gì đó có vẻ là xuống nước, hoặc là thay đổi chính sách, thì lập tức Trung Quốc sẽ trám ngay vào chỗ trống đó. Chính vì vậy, sau khi chính quyền của ông Donald Trump đã hiểu được vai trò quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là Biển Đông, thì Hoa Kỳ đã phải tái xuất hiện lại, và đầu tiên bằng cách đưa cái hàng không mẫu hạm tuần tra hàng hải, cho Trung Quốc thấy phần nào sức mạnh và quyết tâm can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ”.
Kể từ khi ông Trump bất ngờ giành thắng lợi trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và trở thành tổng thống Mỹ mà nhiều nhà bình luận người Việt cho là “khó lường”, các nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội vẫn phải theo dõi mọi động thái của Hoa Kỳ để xem chính sách của Nhà Trắng với Việt Nam sẽ ra sao.
Viễn Đông
(VOA)
Biển Đông: Trung Quốc thông báo đã có bản thảo đầu tiên của COC
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 08/03/2017REUTERS
Theo ngoại trưởng Trung Quốc, bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC ) đã hoàn tất và căng thẳng ở vùng biển này đã giảm đáng kể.
Trong cuộc họp báo thường niên vào hôm nay, 08/03/2017, bên lề kỳ họp của Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo là đã có dự thảo đầu tiên về COC.
Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xảy ra xung đột giữa các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã từng bày tỏ hy vọng là COC sẽ được hoàn tất trong năm nay và sẽ giúp làm giảm căng thẳng.
Theo ngoại trưởng Trung Quốc, các cuộc đàm phán vào tháng trước đã đạt « những tiến bộ rõ rệt » và đã soạn ra được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Ông Vương Nghị còn khẳng định, những căng thẳng ở vùng biển này không chỉ đã giảm, mà còn giảm « đáng kể » trong năm qua.
Nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng những ai muốn « gây rối loạn » sẽ bị các nước trong khu vực lên án, ám chỉ việc Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Cho tới nay Bắc Kinh vẫn yêu cầu các nước « ngoài khu vực », thường là ám chỉ Hoa Kỳ, không được can thiệp vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông, khẳng định là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á muốn giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình.
Chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Nguồn: Brahma Chellaney, “China’s Debt Trap Diplomacy”, Project Syndicate, 23/01/2017.
Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nếu có một thứ mà giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự vượt trội thì đó chính là việc sử dụng công cụ kinh tế để gia tăng lợi ích địa chính trị của đất nước mình. Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đang hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường là bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dĩ nhiên là không xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang hỗ trợ thường không nhằm hướng đến hỗ trợ nền kinh tế địa phương, mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của mình đến làm việc, dẫn tới thu hẹp lượng công ăn việc làm được tạo ra cho người bản địa.
Một số các dự án đã hoàn thành hiện vẫn đang thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn như sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka, vốn mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, hiện được mệnh danh là sân bay vắng khách nhất thế giới. Tương tự, Cảng Magampura Mahinda Rajapaska tại Hambantota vẫn rất vắng vẻ, giống như cảng Gwadar của Pakistan với chi phí đầu tư nhiều tỷ USD. Nhưng với Trung Quốc, các dự án này đang hoạt động đúng như mục tiêu xây dựng: Các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần neo đậu ở các cảng của Srilanka, và gần đây hai tàu chiến của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động giúp đảm bảo an ninh cho cảng Gwadar.
Theo một nghĩa nào đó, việc các dự án đó hoạt động kém lại tốt hơn cho Trung Quốc. Rốt cuộc, gánh nặng nợ nần đè lên vai các nước nhỏ càng lớn thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng tăng. Trung Quốc hiện đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc theo đuổi một cách hung hăng các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.
Hơn nữa, một số nước ngập trong các món nợ từ Trung Quốc đang bị ép phải bán cổ phần trong các dự án do Trung Quốc hỗ trợ tài chính hoặc trao quyền quản lý chúng cho các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Ở các quốc gia có rủi ro về tài chính, Trung Quốc hiện đang yêu cầu được sở hữu cổ phần đa số ngay từ đầu. Chẳng hạn, vào tháng 1/2017, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận xây dựng một con đập khác phần lớn do Trung Quốc sở hữu ở đây, trong đó Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc do nhà nước sở hữu nắm 75% cổ phần.
Như thể chừng đó là chưa đủ, Trung Quốc hiện đang đi thêm các bước để đảm bảo các nước này sẽ không thể thoát khỏi các món nợ của mình. Để đổi lấy việc điều chỉnh thời hạn trả nợ, Trung Quốc yêu cầu các nước giao cho mình hợp đồng xây dựng các dự án bổ sung, qua đó biến khủng hoảng nợ của họ kéo dài mãi. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Campuchia, chỉ nhằm giành thêm các hợp đồng lớn mới.
Một số nền kinh tế đang phát triển đang rất hối tiếc về quyết định nhận các khoản vay của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã bùng phát do tình trạng thất nghiệp tràn lan, được cho là do việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc, giết chết ngành sản xuất trong nước. Các cuộc biểu tình càng trở nên trầm trọng hơn do việc Trung Quốc đưa lao động Trung Quốc đến làm việc tại các dự án của mình.
Các chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã đề nghị điều tra các nghi án hối lộ của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Tháng trước, quyền Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, Zhao Lijian, đã tham gia một vụ tranh cãi trên Twitter với các nhà báo Pakistan về các cáo buộc tham nhũng ở các dự án và việc sử dụng phạm nhân Trung Quốc làm công nhân ở Pakistan (không phải là điều gì mới ở Trung Quốc). Zhao gọi các cáo buộc đó là “vớ vẩn”.
Nhìn lại, chiêu bài của Trung Quốc dường như khá rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc là có thể hiểu được. Không được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm, họ không tìm được nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thế nên khi Trung Quốc xuất hiện, hứa hẹn các khoản đầu tư rộng lượng với tín dụng dễ dàng, tất cả họ đều nhận lời. Chỉ sau này thì mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn rằng mục đích thực sự của Trung Quốc chính là thâm nhập thương mại và gây ảnh hưởng chiến lược, nhưng khi đó thì mọi chuyện đã quá trễ, và các nước này bị dính vào một vòng luẩn quẩn với các món nợ từ Trung Quốc.
Sri Lanka là một trường hợp điển hình nhất. Mặc dù là một nước nhỏ, Sri Lanka lại nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng miền Đông của Trung Quốc và Địa Trung Hải. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Sri Lanka là một nhân tố sống còn trong việc hoàn thành Con đường Tơ lụa trên Biển.
Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào Sri Lanka trong suốt 9 năm cai trị gần như độc tài của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Quốc đã bảo vệ cho Rajapaksa tại Liên Hiệp Quốc khỏi các cáo buộc về tội phạm chiến tranh. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là chủ nợ hàng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai, qua đó có được ảnh hưởng ngoại giao lớn.
Đó là một hành trình thuận lợi cho Trung Quốc cho đến khi Rajapaksa bất ngờ bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Đúng như lời hứa, ông đã đình chỉ các dự án lớn của Trung Quốc.
Nhưng mọi chuyện đã quá trễ. Chính phủ Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thế nên, như một tờ báo quốc doanh của Trung Quốc đã nói, Sri Lanka không còn cách nào khác phải “quay lại và ôm lấy Trung Quốc lần nữa”. Sirisena, vốn cần thêm thời gian để trả các khoản nợ cũ cũng như cần thêm các khoản tín dụng mới, đã chấp thuận hàng loạt các yêu cầu của Trung Quốc, tái khởi động các dự án đã bị đình chỉ, như dự án Thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỷ USD, và trao cho Trung Quốc các dự án mới.
Gần đây, Sirisena cũng đồng ý bán 80% cổ phần ở cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá khoảng 1,1 tỷ USD. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần tại các dự án khác cũng đang được thảo luận, nhằm giúp Sri Lanka “giải quyết các vấn đề tài chính của mình”. Hiện tại, Rajapaksa đang cáo buộc Sirisena đã trao cho Trung Quốc các nhượng bộ quá đáng.
Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại, Trung Quốc đang thúc đẩy mục tiêu tạo nên các liên kết của một phạm vi bá quyền về thương mại, viễn thông, giao thông và an ninh. Nếu các nước vì vậy mà ngập đầu trong các món nợ thì các vấn đề tài chính của họ chỉ càng hỗ trợ thêm cho mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước hiện vẫn chưa rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý và làm bất cứ điều gì có thể để tránh rơi vào vòng xoáy đó.
Brahma Chellaney, giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.
Copyright: Project Syndicate 2017 – China’s Debt Trap Diplomacy
Trung Quốc không cho phép ai ‘khuấy động’ Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/3 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép sự ổn định ở Biển Đông lại bị “khuấy động” hoặc “phá hoại”.
“Tình hình ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đang yên tĩnh trông thấy vì nỗ lực chung của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa đang được triển khai một cách toàn diện, và các quốc gia liên quan trực tiếp đang quay trở lại con đường đúng đắn nhằm xử lý các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Vương Nghị được Tân Hoa Xã dẫn lời nói bên lề cuộc họp báo nhân kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc còn nói rằng “nếu ai đó tìm cách làm dậy sóng và khuấy động bất ổn, họ sẽ không nhận được sự ủng hộ và sẽ đối mặt với sự phản đối của toàn khu vực”.
Ông Vương nói thêm rằng trong thế kỷ 21, Trung Quốc mong muốn hợp tác thêm nữa về hàng hải và tăng cường lòng tin giữa các bên.
“Kể cả giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi cách nghĩ, đại dương rộng lớn sẽ trở thành một nơi hợp tác sâu rộng”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Phát biểu của ông Vương được đưa ra 10 ngày trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ bắt đầu công du quốc gia đông dân nhất thế giới, với Biển Đông là một trong các chủ đề nằm cao trong nghị trình.
Cũng trong buổi họp báo trên, theo Reuters, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhận xét rằng ông Tillerson “là một người sẵn lòng lắng nghe và là một người giao tiếp sâu sắc”. Hai nhà ngoại giao này mới đây đã lần đầu gặp mặt.
Ông Vương nói như trên ít ngày sau khi Việt Nam chỉ trích Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Hoàng Sa hiện do Bắc Kinh kiểm soát.
Thứ trưởng ngoại giao Việt - Trung trao đổi nhiều vấn đề
RFA
2017-03-08
2017-03-08
Các vấn đề về quan hệ song phương và biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc được đề cập trong cuộc gặp thường niên tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà từ ngày 5 đến 8 tháng 3 vừa qua.
Cuộc họp do thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Chấn Dân chủ trì.
Tại cuộc gặp, phía Việt Nam và Trung Quốc cùng đưa ra đánh giá cao về các tiến triển tích cực của hai nước trong thời gian qua. Hai bên cùng trao đổi những biện pháp triển khai các thoả thuận, duy trì hoà bình, ổn định trên biển, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài, có lợi, đảm bảo tiến triển cho các dự án công trình Trung Quốc đang đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài các cơ chế hợp tác trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc cùng nhất trí tuân thủ nghiêm túc các thoả thuận về vấn đề trên biển, phù hợp với Luật pháp quốc tế và Công ước của liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Bên cạnh đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm 2017 sẽ được phối hợp chuẩn bị, đặc biệt là phiên họp lần thứ 10 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc nói về quan hệ Trung-Mỹ, Biển Đông và Triều Tiên
Hôm nay 8/3, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tổ chức họp báo hàng năm, bên lề phiên họp Quốc hội. Ông Vương đã trả lời các câu hỏi liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ, Biển Đông, Triều Tiên và chuyến thăm của vua Ả Rập Saudi, theo SCMP.
Quan hệ Trung Quốc – Mỹ
Khi được hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có đến thăm Mỹ trong năm nay không, ông Vương cho biết: “Năm nay sẽ có tin tốt lành”.
Sáng nay, ông Vương đã nói rằng Trung Quốc đang đàm phán với Mỹ để sắp xếp một cuộc gặp mặt ông Tập và Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Washington thông báo rằng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ thăm Bắc Kinh trong 2 ngày 18-19/3. Ông Tillerson dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và thảo luận các vấn đề quan trọng của 2 quốc gia trong 4 năm tới.
Bán đảo Triều Tiên
Ông Vương đổ lỗi cho cả việc Triều Tiên theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân và các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc khiến tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng.
Trung Quốc kêu gọi cả hai bên kiềm chế, dừng các hành động hiện tại để quay lại bàn đàn phán.
Trung Quốc cũng cảnh báo Hàn Quốc ngừng triển khai hệ thống chống tên lửa tầm cao của Mỹ (THAAD). Ông Vương nói các radar cảnh báo và theo dõi của THAAD đã vượt quá phạm vi bán đảo Triều Tiên và “làm suy yếu an ninh chiến lược của Trung Quốc”.
“Chúng tôi yêu cầu Hàn Quốc không theo đuổi hành động này. Nếu không, họ sẽ chỉ làm tổn thương bản thân và người khác”, ông Vương nói.
Biển Đông
Trung Quốc và 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận về một loạt các quy tắc nhằm tránh mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp trong Biển Đông.
Ông Vương cho biết các cuộc đàm phán hồi tháng trước đã đạt được “tiến bộ rõ ràng” và đã đưa ra dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc.
“Nếu ai đó vẫn cố làm khuấy động tình hình Biển Đông, họ sẽ không nhận được sự ủng hộ nào và sẽ gặp phải phản đối từ tất cả các bên”, ông Vương nói trong cuộc họp báo.
Chuyến thăm Trung Quốc của Vua Ả Rập Saudi
Trung Quốc hoan nghênh chuyến viếng thăm sắp tới của Vua Salman và muốn đóng một “vai trò thiết yếu” trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ông Vương cũng cho biết Trung Quốc hy vọng Ả Rập Saudi và Iran có thể giải quyết các vấn đề của họ thông qua các cuộc tư vấn bình đẳng và thân thiện.
“Là một người bạn chung của cả hai bên, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò thiết yếu nếu cần”, ông nói.
Diệu Linh
Xem thêm:
- Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sắp tới thăm Châu Á
- Trung Quốc đề xuất Mỹ-Hàn ngừng tập trận để Triều Tiên đình chỉ chương trình hạt nhân
- Hội nghị thượng đỉnh G20 và nạn diệt chủng tại Trung Quốc