Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Số phận bài báo “triệu người vui, triệu người buồn”…; Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm


Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...
“Đăng và gỡ”…
. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông?
+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.
. Vậy còn thăng trầm?
+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.
. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài?
+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác.
. Bài bị gỡ thường là “có vấn đề”, lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không?
+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh.
. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?
+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.
Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.
+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.
. Báo Quốc Tếđã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý?
+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30-3-2005.
“Triệu người vui, triệu người buồn”
. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông?
+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.
Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh?
+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28-4-1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”. Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản?
+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.
Ngoại giao văn hóa
. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay?
+ Chúng ta vẫn thường nghe câu “thêm bạn bớt thù” trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này “không thể hết được”. Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và “sắp xếp” hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.
. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông?
+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…

Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.


HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm - Võ Văn Kiệt


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng Tư năm 2005
Kính gửi : Đ/c Nguyễn Khoa Điềm
Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương
Tôi mới nhận được thư đồng chí trả lời bức thư tôi gửi ngày 01 tháng 3 (2005) xin cảm ơn sự trao đổi (dù quá muộn) của các đồng chí.
Trước hết tôi muốn nói rõ quan điểm của mình với những gì mà đồng chí trao đổi trong thư :
Thứ nhất : Về thời gian từ khi ngưng không cho đăng bài báo phỏng vấn tôi cho đến Tết và khi tôi có thư hỏi chắc đồng chí còn nhớ là thời gian đó không ngắn. Đồng chí có nhận khuyết điểm, tôi coi thái độ cầu thị đó là tốt. Tuy nhiên, những lý do mà đồng chí biện bạch trong thư về thời gian là không đủ thuyết phục. Đó là tôi nghĩ với tư cách của một công dân bình thường, còn với tôi chắc các đồng chí không xa lạ gì.
Thứ hai : về nội dung bài báo : các đồng chí lý giải rằng do việc xuất bản cuốn sách “Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung và những phản ứng từ báo Quân đội nhân dân và một số ý kiến khác từ đó các đồng chí đánh giá sẽ bất lợi nếu đăng bài báo ấy. Trong trường hợp này (coi là khẩn cấp) trước hay liền sau đó các đồng chí ít nhất bằng các phương tiện thông tin khác trao đổi lại không khó khăn gì, kể cả gặp trực tiếp tôi.
Như đồng chí đã biết, là người có trách nhiệm bám sát Sài Gòn – Gia Định suốt cuộc chiến chống Mỹ, Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định chúng tôi phải vận dụng chủ trương tập hợp lực lượng chính trị bằng mọi hình thức khác nhau, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được có lợi cho đấu tranh cách mạng miền Nam. Thường vụ Thành uỷ Sài Gòn lúc bấy giờ theo sát từng bước diễn biến tình hình mọi mặt, vừa theo sát diễn biến chiến sự của chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa theo dõi sát các động thái của phía địch, về nội tình của chúng và các nhóm chính trị đối lập với Mỹ – Thiệu để kịp thời chỉ đạo cho cán bộ đảng viên, nòng cốt của ta trong các nhóm chính trị, trong binh vận và trong chính phủ Dương Văn Minh. Phương án kết thúc chiến tranh mà Thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn trước sức tiến công của quân ta không có khả năng đảo ngược là phương án chỉ đạo phối hợp tối ưu. Các đồng chí có biết ngay trong đêm 29 và ngày 30/4/1975, chúng tôi và Thành uỷ ở đâu không ? Ở ngay ven thành phố Sài Gòn. Tôi phụ trách bộ phận cán bộ tiếp quản của Trung ương Cục (Quân quản) cùng đồng chí Mai Chí Thọ và bộ máy Thành uỷ, đầu buổi chiều 30/4 chúng tôi đã có mặt trong Thành phố. Tôi muốn nhắc lại một chút để đồng chí hiểu thêm tôi là người trong cuộc chứ không phải đứng từ xa.
Tôi chưa rõ trên cơ sở nào mà các đồng chí cho rằng nhận định của các tác giả của bốn bài báo trên báo “Quân đội nhân dân” được “đăng liên tiếp” là đúng, còn bài trả lời phỏng vấn của tôi là không phù hợp, là sai, “dễ gây ra hiểu lầm và làm phân tâm thêm bạn đọc” như các đồng chí kết luận. Chắc là, tôi phải nói theo như báo “Quân đội Nhân dân” nhất nhất làm theo chỉ đạo của các đồng chí thì mới không “gây ra hiểu lầm” và không “làm phân tâm thêm bạn đọc”, quả là những công việc làm thường ngày thành quen của ban Tư tưởng Văn hoá ! Còn có thể vì một lý do nào khác nữa mà các đồng chí không tiện nói ?
Thật ra, tôi đã đọc cuốn hồi ký của Lý Quý Chung lúc còn là bản thảo. Nhà xuất bản đã sửa sang, cho in chính thức lần đầu tôi cũng đã được xem (chỉ có những đoạn đám Nhuận, Đức, Hạnh không chịu vì có liên quan (sau đó Nhà xuất bản và tác giả đã cắt bỏ). Anh Phạm Quang Nghị có hỏi, tôi đã trả lời : đây là thể loại hồi ký, mỗi người có cách nhìn và cách đánh giá riêng và phải tự chịu trách nhiệm. Với một trí thức như Lý Quý Chung, về nội dung chính trị, tôi cho là không có vấn đề gì. Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ đặc biệt và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng lẽ tôi lại đề cao địch, phủ nhận lại chính mình.
Về lực lượng thứ ba, các lực lượng đối lập trong chính quyền nguỵ, cần có sự nhận định thực tế đủ khách quan, không nên tuỳ tiện quy kết theo chủ quan, phiến diện vì nó liên quan đến một chính sách lớn của Đảng (phải nói là thật sự thành công). Chẳng hạn, chỉ nêu lên một trường hợp Phạm Ngọc Thảo, người được đồng chí Lê Duẩn giao trách nhiệm với danh nghĩa là người công giáo đi kháng chiến chống Pháp trở ra “hợp tác với quốc gia” để bằng mọi cách xây dựng được lực lượng chính trị quốc gia (cũng là lực lượng thứ ba, nếu có một Chính phủ quá độ ở miền Nam).
Các đồng chí cho rằng những nhận xét của tôi về công tác của Ban Tư tưởng Văn hoá như “áp đặt, cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi được đối thoại những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nặng về quyền lực hơn là thuyết phục” là không thoả đáng, cũng có nghĩa là không chính xác, cũng có thể là không phải tất cả đều như vậy. Tôi tạm lấy ngay cách các đồng chí xử sự với tôi, một người không xa lạ gì với các đồng chí, lại là người trong cuộc, có trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo tại chỗ hàng chục năm ở Thành phố Sài Gòn.
Chắc các đồng chí không lạ gì về công việc mà tôi phụ trách trong một thời gian dài, để từ đó mà có thể có căn cứ đưa ra nhận định như đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn, thế những vì thấy không phù hợp với ý kiến chủ quan của mình thì dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hoá để bác bỏ một cách tuỳ tiện, mãi cho đến khi tôi có ý kiến mới trả lời với những lý do không thuyết phục, vậy thì đó là “thoả đáng hay là không thoả đáng”. Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng ! Đây là một cách làm không minh bạch, gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng.
Đã đến lúc các đồng chí nên nghiêm túc hơn, soi lại mình, trở lại với nguyên tắc của Đảng, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mấy ý kiến vắn, xin trao đổi lại với các đồng chí.

Kính thư,
Võ Văn Kiệt

Nguồn: http://demo.trieuxuan.info/the-loai/tu-lieu-sang-tac/thu-cua-ong-vo-van-kiet-gui-nguyen-khoa-diem-10347.html

MỘT BÀI VIẾT ĐÃ BỊ XÓA TRÊN M.CAFEF.VN

An Lê và 3 người khác đã chia sẻ một liên kết.

Rất tiếc, Chúng tôi không tìm thấy nội dung nàyXem thêm danh sách tin mới dưới đây

Sản xuất thép là một trong những ngành được cảnh báo về nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Với công suất 10,5 triệu tấn/năm, Formosa có thể cho ra hơn…
M.CAFEF.VN|BỞI CAFEF

ASEAN ra Tuyên Bố Chung muộn do hồ sơ Biển Đông và Trung Quốc ?


Trọng Nghĩa


mediaLãnh đạo các nước Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, Manila, Philippines, ngày 28/4/2017.REUTERS/Erik De Castro
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc ngày 29/04/2017. Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thường được công bố ngay sau khi thượng đỉnh bế mạc, nhưng phải chờ đến sáng nay, 30/04, văn kiện chính thức mới được công bố trên trang web của hội nghị. Nội dung liên quan đến Biển Đông rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc : Từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất.





Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn màng bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì « lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN đã bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày ».
Báo Singapore The Straits Times cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ đọc bản tuyên bố chung tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị. Tuy nhiên, ông đã loan báo văn kiện này sẽ được đưa sau lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ngắn gọn khác thường : Gộp lại trong vỏn vẹn 2 điều và bao gồm 265 từ, trong lúc bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 ở Lào có đến 8 điều và 439 từ.
Trên bình diện nội dung, phần nói về Biển Đông chỉ lập lại những điểm thường thấy như « tái khẳng định » tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp.
Không còn « quan ngại sâu sắc » về hoạt động « cải tạo đất » và quân sự hóa »
Tuy nhiên, điểm được giới quan sát chú ý nhất là việc Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần này tại Manila như không còn lo ngại về tình hình Biển Đông nữa, và đã xóa bỏ toàn bộ các nhóm từ gợi đến các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành tại vùng Biển Đông. Thay vào đó là từ ngữ rất chung chung và mơ hồ « những diễn biến gần đây ».
Thay đổi lộ rõ khi so sánh văn kiện ở thượng đỉnh ASEAN thứ 30 tại Philippines với Tuyên Bố Chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 28-29 tại Lào vào tháng 09/2016. Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào đã nói rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực ».
Trong điều 120 của bản tuyên bố chung Manila mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á biến mất hoàn toàn, và chỉ còn một số nước ASEAN quan ngại mà thôi, điều được thấy trong câu ngắn gọn : « Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực ».
Nhóm từ đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc như vậy đã biến mất, cũng như từ ngữ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung tại Lào, các lãnh đạo ASEAN đã nói trong điều 124 : « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ». Câu này với hai nhóm từ « quân sự hóa và cải tạo đất » không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố.
Điểm đáng nói là các từ ngữ này không có trong dự thảo ban đầu của Philippines, nhưng đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng ngày 29/04, mà các hãng tin AP của Mỹ, AFP của Pháp và Reuters của Anh đọc được. Theo các nguồn tin này, có 4 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam, theo nguồn của AFP) đã yêu cầu như trên. Tuy nhiên, việc các từ ngữ trên không có trong bản Tuyên Bố Chung cho thấy là trong vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình.

ASEAN không nhắc đến Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa Biển Đông


Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Sau cuộc họp thượng đỉnh vào dịp cuối tuần, các nước Đông Nam Á hôm Chủ nhật đã ra tuyên bố với lập trường mềm mỏng hơn về tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố này tránh nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng và vũ trang các đảo nhân tạo.
Tuyên bố của Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được công bố sau khi hội nghị kết thúc khoảng 12 giờ, và đã bỏ đi đoạn đề cập đến "việc bồi đắp và quân sự hoá" từng hiện diện trong bản tuyên bố sau hội nghị hồi năm ngoái, cũng như trong một bản thảo không được công bố mà Reuters được xem hôm thứ Bảy.
Đây là kết cục tiếp sau điều mà hai nhà ngoại giao ASEAN nói hôm thứ Bảy là có các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức đại sứ quán nước này gây áp lực với Philippines, nước hiện là chủ tịch ASEAN, để không đưa các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược vào chương trình nghị sự chính thức của ASEAN.
Trung Quốc không phải là thành viên của khối gồm 10 nước thành viên và không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng lại cực kỳ nhạy cảm về nội dung tuyên bố của ASEAN. Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là cố gắng gây ảnh hưởng đến các bản thảo tuyên bố để ngăn chặn những lời lẽ mà Trung Quốc coi là trái ngược cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này về một khu vực biển rộng lớn.
Tuyên bố của ASEAN ghi nhận "sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc", và không nhắc đến "căng thẳng" hoặc "các hoạt động leo thang" vốn đã được nêu trong các bản thảo trước và tuyên bố hồi năm ngoái. Tuyên bố của hội nghị vừa qua ghi nhận một số mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về "những diễn biến gần đây" ở vùng biển có tuyến vận tải chiến lược và giàu tài nguyên, nhưng không nói cụ thể các quan ngại đó là gì.
Một nhà ngoại giao Philippines nói có một bí mật mà ai cũng biết là Trung Quốc cố gắng tác động đến các thành viên ASEAN để bảo vệ lợi ích của họ.
Một nhà ngoại giao ASEAN khác nói tuyên bố này thể hiện chính xác bầu không khí tại Manila.
Vị này phát biểu: "Chúng tôi tôn trọng quan điểm của Philippin và đã hợp tác với họ. Điều đó phản ánh rõ ràng về việc vấn đề đó đã được thảo luận như thế nào".
Một nhà ngoại giao đã chỉ ra rằng những động thái đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN để xác định khuôn khổ đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử hàng hải có thể là một yếu tố dẫn đến việc họ đồng ý về bản tuyên bố có lời lẽ mềm mỏng.
Tất cả các bên đều muốn hoàn thành khuôn khổ trong năm nay, mặc dù có một số hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với một bộ quy tắc có thể tác động đến các lợi ích địa chiến lược của họ.

SCIC có bán được vốn nhà nước tại 137 doanh nghiệp để cứu ngân sách?

Trong “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để chơi chữ cho dù tình thế đã ở vào thời kỳ cùng đường.


Từ “thoái vốn” đến “bán vốn” là một cách chơi chữ như thế. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng “lộ hàng” theo nghĩa đen nhất. 

Sau chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi một số doanh nghiệp, nhu cầu bán vốn chưa bao giờ bị thúc giục cuống quýt như hiện thời.

Tháng 4/2017, quan chức Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) một lần nữa báo cáo: “SCIC xác định có 137 doanh nghiệp chúng tôi sẽ bán hết đến từ nay đến năm 2020, trong đó có 100 doanh nghiệp không bán được – gọi là doanh nghiệp hạng C- từ các địa phương có doanh nghiệp đến lần thứ 3 không bán được”.  Nhưng ông Chi nói cho hay “đơn vị này vẫn quyết tâm cố gắng bán”. 

Vào cuối năm 2015 – giai đoạn mà thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng sắp “rớt đài” tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền, Chính phủ đã phải đôn đáo thúc đẩy việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp, kể cả “con bò sữa” Vinamilk, để thu về khoảng 7 tỷ USD cho ngân sách. Đó cũng là khoảng thời gian mà ngân sách phải trả nợ nước ngoài cao chưa từng thấy: 20 tỷ USD trong năm 2015.

Tuy thế, 7 tỷ USD vẫn chưa là cái gì so với một nền ngân sách mà mức bội chi đã vọt lên đến 6,6% GDP trong năm 2013 và luôn cận kề mức kỷ lục ấy cho đến gần đây (trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, bội chi trên 5% GDP đã là nguy hiểm).

Với tình trạng bội chi bất chấp như thế, một số chuyên gia độc lập đã dự liệu rằng ngân sách trung ương sẽ không thể “kéo” qua được hết năm 2018.

Nghĩa là Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng của quốc gia Argentine trong hai lần vỡ nợ vào năm 2001 và năm 2014.

Cũng từ cuối năm 2015, một số thông tin cho biết Chính phủ Việt Nam đã phải trù tính đến việc bán vốn tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về hơn 400 tỷ USD – theo một dự tính lạc quan.

Con số hơn 400 tỷ USD trên bằng 2 lần GDP hàng năm của Việt Nam và sẽ giúp “ổn định kinh tế - xã hội”, qua đó kéo dài tuổi thọ của chế độ cầm quền ở Việt nam thêm ít năm nữa, trong khung cảnh hầu như toàn bộ các nguồn “ngoại viện” – từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, cho đến nguồn kiều hối của hơn 4 triệu “kiều bào ta” ở hải ngoại – đều hoặc ngưng trệ hẳn, hoặc giảm sút thê thảm.

Nhưng trong thực tế, SCIC có bán được vốn nhà nước để cứu vãn ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt trong lúc vẫn có ít nhất 30% viên chức công chức “không làm gì cả mà vẫn hưởng lương”?

Ngay trước mắt, SCIC chỉ có thể bán được 37 trong tổng số 137 doanh nghiệp muốn tống táng.

Cần chú ý rằng kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi các thị trường bất động sản, chứng khoán đã được Chính phủ phát động từ năm 2013 và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ thoái dược hơn 50% số cần thoái. Mà như vậy, làm sao các doanh nghiệp này thu đủ tiền để chuyển trả lại ngân sách Bộ Tài chính một khi SCIC muốn bán sạch vốn nhà nước?

Bài toán bán vốn và kéo theo chân đứng ngân sách - tồn tại cính trị vẫn hoàn toàn bế tắc. 

Minh Quân

(VNTB) 

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Trung Quốc tức giận chống chế dư luận, quay sang chỉ trích vô lý Việt Nam

ĐÔNG BÌNH

(GDVN) - Một loạt các tuyên bố của cộng đồng quốc tế về hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã làm Trung Quốc giãy nảy, ra sức chống chế, lộ rõ lòng tham lố bịch.
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hãng tin Reuters ngày 29 tháng 4 cho rằng, vài tuần qua, Trung Quốc đã bị nhiều bên lên án vì hoạt động lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Trước những tuyên bố “vỗ mặt” Trung Quốc từ các bên, Trung Quốc tỏ ra rất tức giận và đã liên tiếp cho phát ngôn viên ngoại giao của họ đứng ra để chống chế - PV.
Báo GDVN trích đăng đầy đủ những phát ngôn “đặc sắc Trung Quốc” này để độc giả thấy rõ “bộ mặt thật” – tham vọng bành trướng lãnh thổ không có gì thay đổi của Trung Quốc ở Biển Đông - PV.
Tại cuộc họp báo thường lệ vào thứ Tư (ngày 29 tháng 4), Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi quay sang chỉ trích vô lý: "Từ lâu, các nước ASEAN cá biệt như Philippines, Việt Nam xây dựng rầm rộ ở đảo đá Trường Sa xâm chiếm phi pháp của Trung Quốc, tiến hành lấn biển xây đảo quy mô lớn, thi công các công trình cố định như sân bay, thậm chí bố trí các vũ khí mang tính tấn công như tên lửa".
Trên thực tế, chính Trung Quốc là kẻ đi xâm lược Biển Đông và mọi hành động của Trung Quốc liên quan đến hoạt động xâm lược này đều là phi pháp, đi ngược lại 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do chính Trung Quốc đề xướng ở Liên hợp quốc, xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV.
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng Quan sát, TQ)
Hồng Lỗi cho rằng, Philippines thi công sân bay và tiến hành mở rộng ở đảo Thị Tứ - Trường Sa, còn xây dựng cơ sở du lịch ở các đảo đá như đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn và đảo Bình Nguyên.
Hồng Lỗi cho rằng, Việt Nam tiến hành bồi đắp quy mô lớn trên hơn 20 đảo đá ở quần đảo Trường Sa và đã xây dựng đồng bộ rất nhiều công trình cố định như bến cảng, đường băng, trận địa tên lửa, nhà ở, doanh trại, nhà khách, hải đăng; Việt Nam cũng xây dựng nhiều công trình như "nhà sàn" và bãi đáp trực thăng ở bãi Tư Chính, bãi Đất.
Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc bày tỏ đặc biệt quan ngại và kiên quyết phản đối các hoạt động phi pháp nói trên, yêu cầu các nước liên quan lập tức chấm dứt tất cả những lời nói và hành động xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc".
Trung Quốc cần chấm dứt những phát ngôn tùy tiện đổi trắng thay đen kiểu này, chấm dứt nói ra nói vào về hoạt động xây dựng hợp pháp của Việt Nam. Việt Nam triển khai các hoạt động ở các đảo đá thuộc chủ quyền của Việt Nam dựa trên sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế - PV.
ASEAN mạnh mẽ lên án các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoài ra, trước dư luận quan tâm đến ảnh hưởng môi trường biển nảy sinh do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 28 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn ngang nhiên cho rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Trung Quốc tiến hành xây dựng ở đảo đá của mình, quan tâm và coi trọng bảo vệ sinh thái đảo đá hơn bất cứ ai”.
Thực ra, sách sử và bản đồ chính thống của các triều đại Trung Quốc tuyên bố rằng, con cháu Trung Hoa chỉ được hưởng cực nam là đảo Hải Nam, không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hai quần đảo này được sách sử và bản đồ chính thống các triều đại phong kiến Việt Nam trịnh trọng tuyên bố rằng, chúng thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam – Đây cũng chính là cơ sở pháp lý cho thực thi chủ quyền của Việt Nam – PV.
Ngày 28 tháng 4, tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định, “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật” được áp dụng cho tất cả phạm vi quản lý của Nhật Bản, trong đó có đảo Senkaku. Hai bên còn bày tỏ quan ngại đối với hoạt động xây dựng đảo đá (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ Obama lên án Trung Quốc thông qua "phô trương vũ lực" với các nước láng giềng châu Á để thúc đẩy yêu sách chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh do báo chí Trung Quốc đăng tải)
Đối với vấn đề này, ngày 29 tháng 4, Hồng Lỗi cho rằng: “Đảo Điếu Ngư (đảo Senkaku) từ cổ đã là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Bất cứ ai nói gì, làm gì đều không thể thay đổi được sự thực này. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Chúng tôi thúc giục Mỹ giữ thái độ có trách nhiệm, tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chấm dứt phát đi những tín hiệu sai lầm, phát huy vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định khu vực”.
“Mỹ và Nhật Bản không phải là bên đương sự của vấn đề Biển Đông, cần có thái độ khách quan, công bằng, chấm dứt bất cứ lời nói và hành động nào có thể dẫn đến làm phức tạp thêm tranh chấp và làm tổn hại hòa bình, ổn định khu vực”.
“Trung Quốc tiến hành xây dựng cần thiết ở đảo đá Trường Sa là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hoàn toàn hợp pháp, chính đáng”.
Nếu Trung Quốc tiếp tục tham vọng bành trướng lãnh thổ theo yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò”, tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế thì Trung Quốc không thể ngăn chặn sự can thiệp của các nước ngoài khu vực, vì đó là lợi ích quốc gia thiết thân của họ - PV.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vừa ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc xây dựng "cơ sở quân sự" ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trước đó, Hội nghị cấp cao ASEAN ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với vấn đề này, ngày 27 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Biển Đông hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hợp tình, hợp lý, chính đáng, không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào. Sự chỉ trích của một số nước là hoàn toàn vô lý”.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối các quốc gia cá biệt vì lợi ích riêng, tiến hành chỉ trích ‘ném đá giấu tay’ đối với Trung Quốc, đồng thời, bắt cóc quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN”.
“Trung Quốc là lực lượng kiên định bảo vệ hòa bình khu vực, chúng tôi nỗ lực thông qua ‘quan điểm song đôi’ để xử lý và giải quyết vấn đề Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan cùng đi với Trung Quốc, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông”.
Trung Quốc đòi và đã liên tiếp cướp các đảo đá và vùng biển ở Biển Đông theo yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” phi pháp và lố bịch thì đó chính là hành động phá hoại nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực – chẳng ai thèm đi theo những hành động vũ lực bất hợp pháp kiểu này - PV.
Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tiếp xâm chiếm biển đảo của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…; còn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippiens vào năm 2012, định cướp vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014 và vẫn có ý định cướp nốt các đảo đá ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” – PV.
Gần đây, Philippines đã mạnh mẽ tuyên bố, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc chính là bọn “cướp có vũ trang” đối với tàu cá Philippines.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được Philippines định vị là bọn "cướp có vũ trang". Trong hình, tàu cảnh sát biển số hiệu 31101 đã tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014
Toàn bộ những phát ngôn xuyên tạc, ngang nhiên, vô lý, lố bịch, nực cười của Chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông nói trên là không thể chấp nhận được, đã xâm phạm trực tiếp và nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo và quyền lợi biển, an ninh quốc gia của Việt Nam - PV.
Đối với vấn đề này, báo GDVN đã có rất nhiều bài viết phân tích, chỉ rõ những phát ngôn và hành vi mang tính lừa đảo, xâm lược của Trung Quốc khi theo đuổi tham vọng “đường lưỡi bò” phi pháp. Đề nghị độc giả đọc thêm – PV.
Đông Bình