Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

ASEAN ra Tuyên Bố Chung muộn do hồ sơ Biển Đông và Trung Quốc ?


Trọng Nghĩa


mediaLãnh đạo các nước Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, Manila, Philippines, ngày 28/4/2017.REUTERS/Erik De Castro
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc ngày 29/04/2017. Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thường được công bố ngay sau khi thượng đỉnh bế mạc, nhưng phải chờ đến sáng nay, 30/04, văn kiện chính thức mới được công bố trên trang web của hội nghị. Nội dung liên quan đến Biển Đông rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc : Từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất.





Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn màng bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì « lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN đã bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày ».
Báo Singapore The Straits Times cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ đọc bản tuyên bố chung tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị. Tuy nhiên, ông đã loan báo văn kiện này sẽ được đưa sau lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ngắn gọn khác thường : Gộp lại trong vỏn vẹn 2 điều và bao gồm 265 từ, trong lúc bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 ở Lào có đến 8 điều và 439 từ.
Trên bình diện nội dung, phần nói về Biển Đông chỉ lập lại những điểm thường thấy như « tái khẳng định » tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp.
Không còn « quan ngại sâu sắc » về hoạt động « cải tạo đất » và quân sự hóa »
Tuy nhiên, điểm được giới quan sát chú ý nhất là việc Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần này tại Manila như không còn lo ngại về tình hình Biển Đông nữa, và đã xóa bỏ toàn bộ các nhóm từ gợi đến các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành tại vùng Biển Đông. Thay vào đó là từ ngữ rất chung chung và mơ hồ « những diễn biến gần đây ».
Thay đổi lộ rõ khi so sánh văn kiện ở thượng đỉnh ASEAN thứ 30 tại Philippines với Tuyên Bố Chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 28-29 tại Lào vào tháng 09/2016. Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào đã nói rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực ».
Trong điều 120 của bản tuyên bố chung Manila mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á biến mất hoàn toàn, và chỉ còn một số nước ASEAN quan ngại mà thôi, điều được thấy trong câu ngắn gọn : « Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực ».
Nhóm từ đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc như vậy đã biến mất, cũng như từ ngữ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung tại Lào, các lãnh đạo ASEAN đã nói trong điều 124 : « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ». Câu này với hai nhóm từ « quân sự hóa và cải tạo đất » không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố.
Điểm đáng nói là các từ ngữ này không có trong dự thảo ban đầu của Philippines, nhưng đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng ngày 29/04, mà các hãng tin AP của Mỹ, AFP của Pháp và Reuters của Anh đọc được. Theo các nguồn tin này, có 4 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam, theo nguồn của AFP) đã yêu cầu như trên. Tuy nhiên, việc các từ ngữ trên không có trong bản Tuyên Bố Chung cho thấy là trong vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình.

ASEAN không nhắc đến Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa Biển Đông


Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Sau cuộc họp thượng đỉnh vào dịp cuối tuần, các nước Đông Nam Á hôm Chủ nhật đã ra tuyên bố với lập trường mềm mỏng hơn về tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố này tránh nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng và vũ trang các đảo nhân tạo.
Tuyên bố của Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được công bố sau khi hội nghị kết thúc khoảng 12 giờ, và đã bỏ đi đoạn đề cập đến "việc bồi đắp và quân sự hoá" từng hiện diện trong bản tuyên bố sau hội nghị hồi năm ngoái, cũng như trong một bản thảo không được công bố mà Reuters được xem hôm thứ Bảy.
Đây là kết cục tiếp sau điều mà hai nhà ngoại giao ASEAN nói hôm thứ Bảy là có các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức đại sứ quán nước này gây áp lực với Philippines, nước hiện là chủ tịch ASEAN, để không đưa các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược vào chương trình nghị sự chính thức của ASEAN.
Trung Quốc không phải là thành viên của khối gồm 10 nước thành viên và không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng lại cực kỳ nhạy cảm về nội dung tuyên bố của ASEAN. Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là cố gắng gây ảnh hưởng đến các bản thảo tuyên bố để ngăn chặn những lời lẽ mà Trung Quốc coi là trái ngược cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này về một khu vực biển rộng lớn.
Tuyên bố của ASEAN ghi nhận "sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc", và không nhắc đến "căng thẳng" hoặc "các hoạt động leo thang" vốn đã được nêu trong các bản thảo trước và tuyên bố hồi năm ngoái. Tuyên bố của hội nghị vừa qua ghi nhận một số mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về "những diễn biến gần đây" ở vùng biển có tuyến vận tải chiến lược và giàu tài nguyên, nhưng không nói cụ thể các quan ngại đó là gì.
Một nhà ngoại giao Philippines nói có một bí mật mà ai cũng biết là Trung Quốc cố gắng tác động đến các thành viên ASEAN để bảo vệ lợi ích của họ.
Một nhà ngoại giao ASEAN khác nói tuyên bố này thể hiện chính xác bầu không khí tại Manila.
Vị này phát biểu: "Chúng tôi tôn trọng quan điểm của Philippin và đã hợp tác với họ. Điều đó phản ánh rõ ràng về việc vấn đề đó đã được thảo luận như thế nào".
Một nhà ngoại giao đã chỉ ra rằng những động thái đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN để xác định khuôn khổ đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử hàng hải có thể là một yếu tố dẫn đến việc họ đồng ý về bản tuyên bố có lời lẽ mềm mỏng.
Tất cả các bên đều muốn hoàn thành khuôn khổ trong năm nay, mặc dù có một số hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với một bộ quy tắc có thể tác động đến các lợi ích địa chiến lược của họ.

Không có nhận xét nào: