Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ : Biển Đông sẽ là một chủ đề bàn luận; Ông Phúc đi Mỹ: Sẽ đạt lợi ích chính trị, kinh tế hay ngoại giao?




Trọng Nghĩa


mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và phu nhân tới Manila, Philippines, dự thượng đỉnh ASEAN, ngày 28/04/2017.Mohd RASFAN / AFP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội hôm nay, 29/05/2017 để bay sang Mỹ, bắt đầu chuyến công du tại Hoa Kỳ, mà đỉnh điểm sẽ là cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington hôm 31/05. Theo nhiều nhà phân tích, hai hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự sẽ là Biển Đông và thương mại song phương.
Theo chương trình dự kiến, điểm dừng đầu tiên của thủ tướng Việt Nam là New York, nơi ông sẽ tiếp xúc với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Yếu tố quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ là cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Xuân Phúc với tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/05 tại Nhà Trắng. Thủ tướng Phúc sẽ là lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam tiếp xúc với tân tổng thống Mỹ từ ngày ông Trump nhậm chức.
Theo báo chí Việt Nam, trích nguồn tin bộ Ngoại Giao, hai lãnh đạo dự kiến sẽ hội đàm trong 90 phút về quan hệ song phương và hợp tác khu vực. Hai bên sẽ có họp báo chung sau cuộc gặp.
Trước ngày thủ tướng Việt Nam lên đường, các nhà quan sát cho rằng hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump sẽ bàn luận về vấn đề thương mại song phương, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ nhập siêu mà ông Trump không tán đồng, và hồ sơ Biển Đông, với mong muốn của Việt Nam là Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.
Hồ sơ này đã lại thu hút sự quan tâm trong những ngày gần đây, với sự kiện lần đầu tiên từ ngày ông Trump nhậm chức, Mỹ đã phái chiến hạm đi sát Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, và việc Hoa Kỳ bàn giao cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra mới và một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đã qua sử dụng.
Trong một bài phân tích dài công bố hôm 27/05/2017 trên tạp chí Mỹ The National Interest, giáo sư Alexandre Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương đã ghi nhận tuyên bố hôm 20/05 vừa qua của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer là ông rất muốn Hoa Kỳ « tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực ». Đối với giáo sư Vuving, cách nay chỉ 5 năm thôi, một số lãnh đạo Việt Nam chỉ dám nghĩ như vậy, chứ không thể tuyên bố công khai như vậy.

Ông Phúc đi Mỹ: Sẽ đạt lợi ích chính trị, kinh tế hay ngoại giao?

  • 29 tháng 5 2017


phúcBản quyền hình ảnhCHINHPHU.VN
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "có thể không mang đến một kết quả kinh tế hay chính trị gì đáng kể".
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 29 tới 31/5, dự kiến ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng, dự tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phát biểu tại Quỹ Di sản, tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Hôm 29/5, Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển từ Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh nói với BBC: "Tôi nghĩ chuyến thăm Mỹ của ông Phúc có ý nghĩa về mặt ngoại giao, có thể tạo cho ông ấy một dấu ấn trong quan hệ quốc tế chứ có thể không mang đến một kết quả kinh tế hay chính trị gì đáng kể."
"Tuy nhiên có chút thú vị vì hai ông Trump và Phúc đều có vẻ thực dụng."



"Ông Trump thì chú trọng vấn đề nước Mỹ được gì về mặt kinh tế là chủ yếu, còn ông Phúc thì có vẻ cũng không đặt nặng đến các vấn đề khác ngoài tăng trưởng kinh tế."
Trước khi có chuyến đi chính thức tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Phúc trong cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 27/5 nói rằng ông tin tưởng mức tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mục tiêu 6,7% mà chính phủ đề ra, trong lúc đảm bảo giữ lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là mức tăng trưởng "rất khó đạt được".
"Trong bối cảnh nước Mỹ của ông Trump chủ trương bảo hộ mậu dịch thì bài toán kinh tế đặt ra cho Thủ tướng Phúc không phải đơn giản," Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển nhận xét.
"Làm sao để Mỹ mở cửa thị trường cho xuất khẩu Việt Nam, làm sao hấp dẫn đầu tư Mỹ vào Việt Nam, thậm chí việc khuyến khích đầu tư Việt Nam tại Mỹ cũng không dễ vì Mỹ đang muốn chính các công ty Mỹ tạo công ăn việc làm trên đất Mỹ."
"Như vậy, nếu Thủ tướng Phúc làm được ít nhiều những việc này thì đã thành công."


mỹBản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionTư lệnh Cảnh sát biển VN, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm (trái) và Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock tại lễ bàn giao tàu tuần duyên cho VN hôm 25/5

'Tính hình thức'

"Vì thế có thể chuyến thăm sẽ không có kết quả gì đáng kể về mặt kinh tế."
"Thay vào đó là những nhắc nhở từ phía Mỹ về mặt nhân quyền dân chủ, kêu gọi cải cách chính trị trong bối cảnh chính quyền Trump cũng không thực sự quan tâm lắm về vấn đề đó."
Ông Triển cho biết thêm: "Chưa bao giờ Mỹ ở vị thế mà tiếng nói kêu gọi tôn trọng các giá trị dân chủ nhân quyền, cải cách chính trị lại có thể mang tính hình thức như lúc này."
"Tuy vậy điều này lại có cái hay là làm Việt Nam tự nhận thấy rõ hơn đây là vấn đề của chính mình nếu muốn không lệ thuộc ngày càng quá mức vào Trung Quốc, một quốc gia bất chấp các giá trị phổ quát và thực dụng xem ra còn hơn Mỹ rất nhiều."
"Tình hình Việt Nam đang rất bi đát về hướng cải cách thể chế và bảo vệ môi trường, và những việc này không cho thấy là kết quả trực tiếp từ điều hành của cá nhân ông Phúc."
"Cho nên, nếu không chỉ quan tâm đến hình thức của chuyến đi, ông Phúc có thể nhấn mạnh mong muốn Mỹ trợ giúp giải quyết những vấn đề này."
"Nếu đạt được một cam kết nào đó về việc này, chuyến đi có thể xem như thành công."
Theo Giáo sư Jonathan London, Đại học Leiden, Hà Lan, thì thách thức lớn với chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc là tìm ra hướng để "đôi bên cùng có lợi".
"Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng trong giao thương của Việt Nam với Hoa Kỳ," ông London viết trong bàiđăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến Lược, CSIS.
"Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Hoa Kỳ hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ (không bao gồm dịch vụ) giữa hai nước đã đạt 50 tỷ đôla mỗi năm, và được dự báo ​​sẽ tăng lên 80 tỷ đôla trước năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam."
Cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Phúc, tờ South China Morning Post hôm 29/5 cho hay giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đang lặng lẽ rút khỏi Biển Đông, về cơ bản cho phép Trung Quốc có thể tăng bá quyền tại khu vực này.
"Việc Mỹ thoái lui, gây bất lợi cho các quốc gia như Việt Nam, là một củ cà rốt lớn để đổi lại sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong vấn đề Bắc Hàn, điều mà Trump cần và sẵn sàng thỏa hiệp," báo này viết.

Những kỳ vọng từ chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc

  • 4 giờ trước
Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 30-31 tháng Năm diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong xáo trộn chính trị chưa từng thấy kể từ thời Nixon và trong những giai đoạn cuối cùng của Cuộc chiến Việt Nam cho tới nay.
Trong bốn thập kỷ tiếp theo, nhiều điều đã thay đổi tại Việt Nam và trong quan hệ Mỹ-Việt, nhất là trong thời gian hai thập kỷ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và đặc biệt là trong vài năm vừa qua.
Tầm quan trọng của mối quan hệ này càng có ý nghĩa nổi bật trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở Biển Đông.
Quan hệ giữa hai nước cải thiện đến mức tới cuối năm 2016, ta có thể nói một cách tự tin rằng trong các vấn đề về thương mại và an ninh, Việt Nam và Mỹ đã coi nhau là đối tác chiến lược không thể thiếu.
Thế rồi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra. Cũng giống như phần lớn các chính sách đối ngoại của Mỹ, mọi thứ ngày nay trở nên bất định hơn.
Chuyến đi của thủ tướng Việt Nam có tầm quan trọng to lớn. Nó không chỉ đem đến những dự báo cho sự phát triển quan hệ song phương Mỹ - Việt và viễn cảnh phát triển của Việt Nam, mà còn cho chúng ta biết về ý định của Tòa Bạch ốc, hiện đang trong tình trạng rối ren, đối với vùng Đông Á.
Trong bối cảnh đời sống chính trị Việt Nam, tầm quan trọng của chuyến đi này nằm ở chỗ nó đại diện cho những nỗ lực khó khăn của phe cải cách trong Đảng cộng sản đương quyền, là phe muốn xích lại gần Mỹ hơn. Sẽ là khôn ngoan nếu như chính quyền Mỹ nhận biết được thực tế này.
Dẫu cho chỉ Việt Nam mới quyết định được con đường chính trị của mình, nhưng việc hợp tác với Hà Nội một cách xây dựng sẽ tạo ra lợi ích cho tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ, đem lại lợi ích cho người Việt Nam.
Chuyến đi của thủ tướng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tới ba vấn đề lớn.

Vấn đề thương mại

Đầu tiên là chủ đề thương mại.
Trong vấn đề này, thách thức đặt ra là phải tìm được con đường dẫn đến các giải pháp hai bên cùng có lợi.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng như của nhiều nước khác. Điều nổi bật là mức tăng trưởng nhanh trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào khác.
Tính đến cuối 2016, hoạt động thương mại trong lĩnh vực hàng hóa (không bao gồm dịch vụ) giữa hai nước đạt 50 tỷ USD mỗi năm, và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2020.
Đáng chú ý là xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Như phân tích gia mang quốc tịch Mỹ Vũ Quang Việt chỉ ra, thặng dư xuất khẩu thực sự của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đang được phóng đại ở các con số này.
Lý do đơn giản nhưng quan trọng là một phần lớn (dù chưa được xác định chính xác là bao nhiêu) của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ và các thị trường khác là các mặt hàng như điện thoại di động Samsung và linh kiện máy tính Intel.
Công đoạn sản xuất ở Việt Nam chỉ đóng góp thêm từ 5% đến 8 % vào giá trị thành phẩm của các sản phẩm này.
Năm 2016, báo cáo về các số liệu hải quan cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại di động trị giá 42 tỷ USD và linh kiện máy tính trị giá 19 tỷ USD. Cho dù như vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam vẫn là một con số đáng chú ý đối với chính quyền Mỹ.
Nếu nhìn từ khuynh hướng nhìn nhận của ông Trump đối với các vấn đề thương mại, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Việt Nam muốn xoáy vào vấn đề này.
Câu trả lời đòi hỏi có cách nhìn bao quát hơn, và đòi hỏi phải nhìn nhận rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có lý do để mở rộng và đa dạng hóa quan hệ thương mại.
Dẫu ta có thể bàn cãi về giá trị của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chính phủ Việt Nam mong muốn có thắt chặt mối quan hệ kinh tế với Mỹ và nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng mong muốn điều đó.
Chi phí tương đối thấp và các yếu tố khác ở Việt Nam làm nước này là một nơi đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đối với Việt Nam, đầu tư Mỹ hứa hẹn đẩy mạnh việc làm, cơ sở hạ tầng và tăng trưởng.
Trong trường hợp đạt được kết quả tốt nhất, quan hệ kinh tế mở rộng với Mỹ có thể giúp Việt Nam tránh trở thành một nước xuất khẩu chi phí thấp, ô nhiễm cao và lạm dụng lao động như nhiều nước khác.
Liệu chuyến đi của ông Phúc có giúp ta biết được thêm về ý định của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Á?Bản quyền hình ảnhMOHD RASFAN/AFP/GETTY IMAGE
Image captionLiệu chuyến đi của ông Phúc có giúp ta biết được thêm về ý định của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Á?
Liệu Washington có làm lợi cho Việt Nam qua việc khuyến khích nước này đi đúng hướng bằng cách khuyến khích Hà Nội bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy chạy than để ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ ít gây ô nhiễm hơn, dựa vào kỹ thuật, nguồn đầu tư và công nghệ Mỹ? Hay thậm chí có thể là sử dụng trữ lượng khí đốt ngoài khơi?

Chủ đề an ninh

Vấn đề thứ hai nhưng cũng không kém quan trọng là an ninh, và đặc biệt là việc Việt Nam sẽ cùng Mỹ và các quốc gia khác phối hợp ra sao để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa một môi trường an ninh hàng hải Đông Á tuân theo luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực này, sự hợp tác giữa hai nước đang tiếp tục, mà biểu tượng là việc Mỹ mới đây trao cho Việt Nam các tàu tuần duyên. Những nỗ lực này cần được tiếp tục duy trì.
Cho dù Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạc quan về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng những dấu hiệu gần đây từ Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc muốn đạt được những mục tiêu đối lập với lợi ích của Mỹ.
Chính phủ Việt Nam đã khẳng định một cách đúng đắn rằng hòa bình chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp hòa bình và hợp pháp.
Lời phát biểu của ông Tập với Tổng thống Phillippines Rodrigo Duterte rằng dầu trong khu vực là "của chúng tôi" nói lên rất nhiều điều.
Mỹ, Việt Nam và các bên có quyền lợi liên quan cần thuyết phục Bắc Kinh có cách tiếp cận hợp lý hơn.
Điều đáng chú ý là lợi ích an ninh của Việt Nam gần với Mỹ nhất trong các nước. Ông Trump thì có vẻ thích các hợp đồng mua bán vũ khí, cho nên có lẽ hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này.
Cảnh sát biển Việt NamBản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionCảnh sát biển Việt Nam vừ tiếp nhận từ Hoa Kỳ tàu tuần duyên CSB 8020

Vai trò và vị trí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ đề cuối cùng, không rõ ràng bằng và vì thế cũng dễ bị phớt lờ trong chuyến đi Mỹ của thủ tướng Việt Nam, cũng cần được nhắc đến.
Đó là vị trí không chắc chân cho lắm của ông Phúc trong sự phát triển chính trị và kinh tế của Việt Nam, và việc liệu ông Phúc trở thành một lực lượng quan trọng hùng mạnh tới mức nào trong sự phát triển của đất nước.
Trong những năm qua, tốc độ cải cách kinh tế ở Việt Nam đã chậm lại.
Đây không chỉ là hậu quả của việc phe thủ cựu thường giữ thái độ im lặng, mà còn cả vì sự lên ngôi tai hại cùng những hành động sai trái của một tầng lớp chính trị mới, được cho là ưu tú ở Việt Nam, những người luôn rao giảng về việc cần cải cách và thậm chí cần có cả dân chủ nữa, nhưng thật ra lại cai trị dựa trên các mối quan hệ thân hữu, những thói quen làm ăn yếu kém, vô trách nhiệm, và dựa vào việc đàn áp người khác.
Với những người có tinh thần cải cách thực sự thì tình trạng này đã dẫn đến kết cục thua thiệt cho tất cả các bên, điều vốn từng làm cả xã hội kiệt quệ và chán nản.
Trong bối cảnh này, những người thực sự muốn cải cách ở Việt Nam gần như bị áp đảo hoàn toàn. Những lời kêu gọi cải cách chính trị của một số đảng viên có vai vế trong Đảng Cộng sản vốn từng có sức mạnh nhất định thi trong vài năm qua đã bị cản trở.
Bất kể đó là do trùng hợp ngẫu nhiên hay là điều được tính toán lên kế hoạch cẩn thận, thì thực tế vẫn là chuyện sau khi chính phủ ông Trump tuyên bố không ưu tiên các vấn đề nhân quyền, một số nhà hoạt động nhân quyền đã bị quấy nhiễu và giam giữ ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcBản quyền hình ảnhLUONG THAI LINH/AFP/GETTY IMAGES
Trong lúc những người bảo vệ lý tưởng Cộng sản gần đây kêu gọi tăng đối thoại với những người bất đồng chính kiến, thì bầu không khí ngột ngạt của chủ nghĩa bảo thủ đang thắng thế.
Điều này, theo nhận định của hầu hết những người quan sát, là tin xấu cho việc cải cách chính trị tới đây của Việt Nam. Trong bối cảnh này, ta có thể đặt câu hỏi chuyến đi Washington của Thủ tướng Phúc sẽ thu được gì.
Khi vị thủ tướng gặp ông Trump, ông sẽ chính thức có lời mời ông Trump tới thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây. Hội nghị sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, rất gần quê hương của ông Phúc, và cũng là nơi hải quân Mỹ lần đầu đặt chân đến Việt Nam hồi 52 năm trước.
Dù không có tính cách hấp dẫn nổi bật, nhưng ông thủ tướng vẫn là một thành phần hiếm hoi trong giới chính trị gia cao cấp đương thời ở Việt Nam.
Không có những phút tỏa sáng đột ngột và tỏ ra yếu ớt một cách đáng tiếc khi nói về việc cổ súy nhân quyền, nhưng ít nhất thì ông cũng là người có những ý tưởng cải cách thực sự.
Quan trọng hơn nữa, ông là người sẽ lắng nghe xem ông Trump nói gì trong các vấn đề then chốt mà Việt Nam quan tâm, và sẽ báo cáo lại những gì mình nghe được cho tập thể ban lãnh đạo của Việt Nam.
Bởi vậy, người ta có thể hy vọng rằng Tòa Bạch ốc, Quốc hội, và các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ sẽ nói chuyện một cách rõ ràng, sốt sắng, và tỏ rõ cam kết của họ đối với việc xây dựng những mối quan hệ song phương tích cực, mạnh mẽ.
Chỉ có người Việt mới quyết định được tương lai của mình. Và khi các công dân Việt Nam bày tỏ những hy vọng và lo lắng về tương lai đất nước, thì mối quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ nằm ngoài những cuộc thảo luận.
Khi các công dân Việt Nam bày tỏ khát vọng về một nền chính trị đa cực hơn, dân chủ hơn, về một nền báo chí tự do hơn, và về việc quyền con người được tôn trọng hơn, họ từ lâu nay vẫn luôn nhìn về nước Mỹ để tìm phương hướng.
Khi những nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo kinh doanh của Việt Nam tìm kiếm ý tưởng, họ thường dựa vào những kinh nghiệm Mỹ.
Khi các tầng lớp chuyên gia ngày càng đông của Việt Nam nghiên cứu những hướng đi trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học, họ học hỏi từ những thành công và thất bại của Hoa Kỳ.
Nhìn vượt ra ngoài khuôn khổ chính trị, chúng ta thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được lợi rất nhiều khi có mối quan hệ gắn bó.
Trong các lĩnh vực thương mại và quốc phòng, lợi ích hai nước đi cùng nhau.
Vượt ra ngoài khuôn khổ đó, người Việt Nam cả ở trong và ngoài hệ thống chính trị nhà nước đều khát khao có một trật tự xã hội dân chủ hơn, minh bạch hơn, và được xây dựng dựa trên quyền con người.
Bất chấp những động thái của Trump, những điều này đã và đang là các lý tưởng Mỹ
Cuối cùng thì nhân dân Mỹ và người dân Việt Nam đã có thứ để nỗ lực cùng nhau.
Vì lợi ích của một mối quan hệ mạnh mẽ, đem lại quyền lợi cho nhân dân cả hai nước, hãy hy vọng là họ sẽ thành công.
Tiến sỹ Jonathan D. London hiện là giảng viên ngành Kinh tế Chính trị Toàn cầu, chuyên về khu vực châu Á, tại Đại học Leiden University, Hà Lan. Ông là học giả hàng đầu, chuyên nghiên cứu về Việt Nam đương đại. Bài viết tiếng Anh đã đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến Lược, CSIS, được dịch và đăng trên trang BBC Tiếng Việt với sự đồng ý của tác giả.

Không có nhận xét nào: