Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Dân đang nghĩ gì khi Quan chức quá giàu ?; Tổng Bí thư: "Cán bộ vơ vét, đục khoét là điều xót xa nhất"; ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Thu nhập của Bộ trưởng cao gấp nghìn lần mức lương; Bia Hà Nội: Kỳ lạ lợi nhuận giảm sâu, lương lãnh đạo vẫn tăng ầm ầm







6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa tại TP Lào Cai hiện là nơi ở của gia đình Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và nhiều lãnh đạo ban ngành của tỉnh (ảnh minh họa)
Quan chức giàu có. Quan chức rất giàu. Vậy thì người dân đang nghĩ gì khi quan chức quá giàu?. Chắc chắn là người dân ngờ vực, bức xúc, bất bình,  thậm chí mất niềm tin …

>>> Khi quan chức quá giàu…

Tháng 11/2014, sau khi báo chí dồn dập đưa tin về tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh làm rõ. Trong kết luận về vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ ông Trần Văn Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Danh sách 6 căn nhà, biệt thự có bóng dáng ông Trần Văn Truyền và người thân nắm giữ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê khiến dư luận không khỏi “giật mình”. Trước những vi phạm khuyết điểm ấy, ông Trần Văn Truyền đã bị kỷ luật cảnh cáo. Tuy nhiên biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn sừng sững hiên ngang, lồ lộ xuất hiện ở Bến Tre, người dân mỗi lần đi ngang đó nghĩ gì?
Vài tháng trước đây, thông tin về tài sản cổ phiếu “khủng” giá trị lên đến 600-700 tỷ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), cùng gia đình tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang khiến dư luận xôn xao. Thực tế, không khó để tìm ra các số liệu cổ phiếu này bởi tất cả đều được công khai trên các website khi Điện Quang là công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán gần 10 năm nay. Bà Thoa cũng đã kê khai số tài sản là cổ phiếu này với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, câu hỏi lại đặt ra, dù từng là một lãnh đạo doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa vậy bà Thoa và gia đình lấy đâu ra nguồn tiền lớn đến thế để mua cổ phiếu.
Nếu ai đã từng đến thành phố Lào Cai, chắc đều nghi ngờ về việc tỉnh này đứng trong nhóm 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Nhưng không tin cũng không được, bởi theo như số liệu và đặc biệt là dịp Tết Đinh Dậu 2017, tỉnh Lào Cai đã phải xin Trung ương trợ cấp hàng trăm tấn gạo cứu đói. Thế nhưng mới đây, người ta rỉ tai nhau về khu đất phân lô thuộc phường Kim Tân, TP lào Cai có cả dãy biệt thự sang trọng nằm tách biệt với phần dân cư còn lại. Khu đất có vị trí đắc địa hướng ra mặt tiền 3 con đường to đẹp, đắt đỏ nhất Lào Cai là Soi Tiền, An Dương Vương và Lý Nam Đế. Khu biệt thự này cũng “mọc” lên ở nơi có giá trị nhất tỉnh Lào Cai. Nghe đâu, đây là khu có giá trên dưới 100 triệu/m2, thế nên các biệt thự có đến 3 mặt tiền này có giá lên tới hàng chục tỉ đồng.Điều bất thường là 6 lô đất biệt thự đều rơi vào tay 6 quan chức tỉnh này sau khi đấu giá, trong đó có Bí thư tỉnh ủy Lào Cai (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).  Ngày 29/5, trả lời phóng viên báo chí, ông Vương Trinh Quốc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lào Cai cho biết quan chức Lào Cai trúng đất vì trả hơn giá khởi điểm 100.000 đồng. Ừ, thì “đúng quy trình” cả. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Nếu việc đấu thầu khu đất vàng ở Lào Cai là công khai và công bằng thì ở góc độ kinh tế ít nhất cho chúng ta thấy một kết luận khách quan là: công chức rất giàu có, quan chức rất giàu có”.
Cũng như biệt thự “khủng” ông Trần Văn Truyền, biệt thự “khủng” của quan chức Lào Cai, cổ phiếu “khủng” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa,  nhiều quan chức sau khi về hưu đã từng được báo chí điểm mặt trong những căn biệt thự nguy nga xây dựng để “dưỡng già”. Nhưng những căn biệt thự, những tài sản cực lớn nhìn thấy được dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi dư luận đã không ít lần “dở khóc dở cười” khi đọc những bản tin về những tên trộm “viếng thăm” nhà quan chức. Họ kê khai tài sản rất khiêm tốn, nhưng khi khai báo với cơ quan công an thì thể hiện số tài sản nhà quan chức bị cuỗm đi trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla…
Quan chức giàu có. Quan chức rất giàu. Vấn đề đáng quan tâm là người dân đang nghĩ gì về thực trạng quan chức quá giàu? Liệu người dân nghĩ rằng quan chức giàu có là do “làm thối móng tay”? Quan chức giàu có là do cóp nhặt từ “đồng lương và kinh doanh bia hơi”? Quan chức giàu có là do “chạy xe ôm” ngoài giờ làm việc? Chắc chắn người dân không đến mức thơ ngây như vậy. Không có bức tranh nào tương phản sống động hơn khi so sánh biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền với những căn nhà nghèo nàn của người dân xung quanh biệt thự khủng đó. Khi quan chức quá giàu mà đa số người dân còn nghèo thì có nói bao nhiêu cũng đều vô nghĩa, không thuyết phục!
Với việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, người dân kỳ vọng đây sẽ là Tuyên ngôn quan trọng về thái độ của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là ngọn cờ tiên phong với việc chống tiêu cực, tham nhũng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng phải có quy định là chi tiêu bao nhiêu tiền đấy thì phải qua tài khoản, chứ không tiêu  tiền mặt, để quan chức có tham nhũng, có tiền “đen” cũng không tiêu được.  Bởi thực trạng hiện nay,  chúng ta muốn xài bao nhiêu cũng được, tiền kiếm được một cách chân chính cũng như tiền có được một cách bất hợp pháp, trắng đen lẫn lộn như vậy khó chống được tham nhũng.
Đăng Bình
http://nhaquanly.vn/dan-dang-nghi-gi-khi-quan-chuc-qua-giau-d22861.html


ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Thu nhập của Bộ trưởng cao gấp nghìn lần mức lương

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Thu nhập của Bộ trưởng cao gấp nghìn lần mức lương

Trao đổi với chúng tôi TS. Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói thẳng: "Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…”.

Trước quan điểm cho rằng, với mức lương Bộ trưởng, trưởng ngành hiện nay chỉ trên 14 triệu đồng/tháng thì rất … khó sống, trao đổi với chúng tôi TS. Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói thẳng: “Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…”.
Theo Bộ Nội vụ, lương và phụ cấp của Bộ trưởng hiện chỉ khoảng 14,4 triệu/tháng và với mức lương này rất khó sống.  Ông có tin đây mức lương của các Bộ trưởng như vậy là khó sống?
Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng so với tiêu pha, thu nhập “thực” của họ, tôi biết, gấp xa nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng nên số liệu đó không phản ánh chính xác thực tế. Vì còn nhiều khoản thu nhập … ngoài không được kê khai, tính vào lương mà mình không biết, không thống kê được. Cơ chế kiểm soát của ta không quản lý được. Người làm chân chính nhận đúng đồng lương và phụ cấp như thế không có nhiều.
Có những công nhân 2-4 triệu đồng/tháng họ vẫn sống được thì tại sao lại nói lương trưởng ngành gấp 6-7 lần lại không sống được? chưa kể các vị còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ, ưu đãi khác nữa…
Cũng vì lương của trưởng ngành, Bộ trưởng hay người đứng đầu một tỉnh chỉ trên chục triệu/tháng nên số lượng người đóng cũng như khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng đóng trên là rất ít. Ông có tin vào thực tế này?
Sở dĩ tồn tại thực tế này là do 3 nguyên do. Thứ nhất, việc kê khai thu nhập của họ không chính xác mà mình cũng không kiểm soát được. Họ muốn khai bao nhiêu thì khai. Nhưng có thực tế, chắc chắn mức thu nhập giữa việc khai và thực tế là khác xa nhau.
Chưa kể, các cơ quan thực hiện việc thu thuế đã không kiên quyết, triệt để và ráo riết trong việc thu thuế, mà còn nể nang, né tránh.
Và nguyên do thứ 3 là bản thân một số đối tượng này có biểu hiện trốn tránh, che giấu mà cơ quan quản lý, kiểm tra không phát hiện ra được. Tính tự giác của họ không có, vì thế nên mới có hiện tượng méo mó, sai lệch, không phản ánh đúng thực tế và không công bằng. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân và xã hội mất lòng tin khi có những ông chủ tịch kêu khó khăn, song thực tế có tới 3-4 nhà…
Nhưng chúng ta đã có cơ chế buộc minh bạch kê khai tài sản, thu nhập thưa ông?
Nói là kê khai đấy, nhưng thực tế có làm được đâu, có ai kiểm soát đâu. Hồ sơ kê khai thì “ông” tổ chức cán bộ giữ, họ “nhờ vả” nhau thì sao chúng ta kiểm soát được. Vì thế, nên số bị phát hiện có tài sản “khủng” rất ít.
Ông cảm thấy ra sao trước hình ảnh ở nhiều tỉnh, thành được cho là khó khăn của đất nước nhưng vẫn có những quan tỉnh có nhà lầu, xe hơi..., trong khi cuộc sống người dân lại chật vật, khó khăn?
Đó là hình ảnh xót xa, là sự bất lực trong quản lý cán bộ, thu nhập. Đó cũng là cái giá phải trả cho việc kỷ luật, kỷ cương không chặt. Vì thế, mới có tình trạng quan nói nhưng dân bác, không tin.
Vậy theo ông chúng ta phải có sự chấn chỉnh như thế nào?
Lâu nay chúng ta cứ nói chung chung, cứ kêu nhưng khi đề nghị chỉ ra “địa chỉ” cụ thể thì không ai dám lên tiếng. Tôi cho rằng, phải công khai từ trên xuống dưới, từ quan chức cấp cao tới cán bộ cấp dưới… Mọi người phải có trách nhiệm tự giác, phát hiện…
Theo báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, hạn chế hiện tại là mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện hành mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân 2,6 triệu đồng/tháng  năm 2015 của khu vực doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Vì thế, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá, lương Bộ trưởng, trưởng ngành, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Theo Nguyễn Hoài
Infonet

TỪ KHÓA

Bia Hà Nội: Kỳ lạ lợi nhuận giảm sâu, lương lãnh đạo vẫn tăng ầm ầm

VTC  3 đăng lại
Bia Hà Nội khiến cổ đông cảm thấy kỳ lạ khi quyết định tăng lương ầm ầm cho dàn lãnh đạo, dù lợi nhuận năm 2016 giảm sâu.
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được biết đến nhiều hơn với tên gọi dân dã Bia Hà Nội. Bia Hà Nội thường xuyên được đưa ra so sánh với Bia Sài Gòn (Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco).
Không chỉ thua Bia Sài Gòn về doanh thu, lợi nhuận, Bia Hà Nội còn thua Bia Sài Gòn cả về cách chi tiền cho dàn lãnh đạo. Bia Hà Nội khiến cổ đông cảm thấy kỳ lạ khi quyết định tăng lương "thần tốc" cho dàn lãnh đạo, dù lợi nhuận năm 2016 giảm sâu.
Tăng lương ầm ầm
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 đã thông qua quyết toán tiền lương, thù lao năm 2016 và mức tiền lương, thù lao kế hoạch năm 2017 cho thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
Bia Ha Noi: Ky la loi nhuan giam sau, luong lanh dao van tang am am - Anh 1
Cổ đông cảm thấy kỳ lạ khi Bia Hà Nội quyết định tăng lương ầm ầm cho dàn lãnh đạo dù lợi nhuận năm 2016 giảm sâu.
Theo đó, tổng quỹ lương dành cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Bia Hà Nội năm 2016 là 2,556 tỷ đồng. Trong đó, tiền lương của thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát chuyên trách là 1,764 tỷ đồng, dành cho thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát kiêm nhiệm là 792 triệu đồng.
Như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Bia Hà Nội nhận gần 320 triệu đồng/người/năm, tương ứng 26,7 triệu đồng/người/tháng. Đây chỉ là con số bình quân. Thông thường, thành viên Ban Kiểm soát có thu nhập không cao. Vì vậy, dàn lãnh đạo trong Hội đồng quản trị chắc chắn được trả nhiều hơn con số 26,7 triệu đồng/người/tháng rất nhiều.
Mức thù lao 26,7 triệu đồng không phải cao. Thậm chí nó chỉ tương đương với mức lương mà Vietcombank chi trả cho nhân viên. Tuy nhiên, so với chính Bia Hà Nội năm 2015, thù lao dành cho lãnh đạo đã có mức tăng mạnh.
Cụ thể, sau 1 năm, quỹ lương dành cho dàn lãnh đạo Bia Hà Nội tăng 702 triệu đồng, tương ứng 38%.
Theo kế hoạch năm 2017, quỹ lương dành cho dàn lãnh đạo Bia Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, năm 2017,
Bia Hà Nội dự kiến sẽ trả 3,676 tỷ đồng tiền lương dành cho thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Điều đó đồng nghĩa với việc quỹ lương tăng 1,120 tỷ đồng, tương ứng 44% so với năm 2016.
Như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo sẽ nhận khoảng 460 triệu đồng/người/năm, tương ứng 38,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017.
Lợi nhuận giảm sâu
Mức tăng lương kể trên được đánh giá là khá cao trên thị trường lao động. Nhưng có lẽ cổ đông sẽ không thắc mắc gì nếu dàn lãnh đạo vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Thế nhưng, lương của lãnh đạo tăng mạnh dù lợi nhuận công ty này giảm sâu trong năm 2016.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, cả năm, Bia Hà Nội chỉ đạt 797 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng, tương ứng 15,7% so với năm 2015. Lợi nhuận giảm khi hoạt động khác khiến Bia Hà Nội thua lỗ tới 135 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Bia Hà Nội, công ty này phải gánh khoản thua lỗ từ hoạt động khác chính là việc công ty phải chi 150 tỷ đồng cho chi phí dự phòng phải trả ngân sách. Các khoản này liên quan nhiều đến thuế.
Trong năm 2016, dành lãnh đạo Bia Hà Nội không chỉ phải chịu trách nhiệm khi lợi nhuận tăng trưởng âm mà còn chịu trách nhiệm về sự sụt giảm tổng tài sản. Tại thời điểm cuối quý 4/2016, tổng tài sản tại ông lớn ngành bia Hà Nội đạt 9.781 tỷ đồng, giảm 144 tỷ đồng, tương ứng 14,5%.
Sang quý 1/2017, dàn lãnh đạo Bia Hà Nội không những không thể giúp tái sản tăng trưởng mà ngược lại, chỉ tiêu này của công ty tiếp tục suy giảm. Tại thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản của Bia Hà Nội là 9.219 tỷ đồng, giảm 562 tỷ đồng, tương ứng 5,7% so với đầu năm 2017.
Trong kỳ, Bia Hà Nội cải thiện được lợi nhuận. Tuy nhiên, cách mà Bia Hà Nội gia tăng lãi lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ.... đồng nát.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty đạt 98,4 tỷ đồng, tăng 41 tỷ đồng, tương ứng 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng đáng mơ ước.
Nhưng mức tăng trưởng này lại đến từ hoạt động bán vỏ chai. Trong kỳ, doanh thu khác và lợi nhuận khác lần lượt đạt 43 tỷ đồng và 38,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12,4 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu khác chủ yếu đến từ bán vỏ chai, vỏ keg, bán bã bia,... Nếu không có hoạt động này, lợi nhuận sau thuế của Bia Hà Nội sẽ chỉ tăng rất nhẹ trong quý 1/2017.
Video: Mẹo trước khi uống bia rượu giảm say xỉn
Bảo Linh

Tổng Bí thư: "Cán bộ vơ vét, đục khoét là điều xót xa nhất"

27/05/2016 - 18:57 (GMT+7)
 

Có một số cán bộ lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất


IMG_8249

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành rất nhiều thời gian để nhắc đến sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba vấn đề cần quan tâm hiện nay. Thứ nhất là tăng quyền mối quan hệ giữa đảng và nhân dân, Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc cho đời sống của nhân dân. Hai là thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ba là củng cố xây dựng đảng và các tổ chức đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên làm cho Đảng xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Đánh giá những năm qua, Đảng và nhà nước đã có rất nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống nhân dân nhưng Tổng Bí thư cũng thừa nhận rằng, có những chính sách chưa đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Có những địa phương, cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp tích cực để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
“Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ Đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay sở làm giàu; ăn uống chè chén xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm với những khó khăn của quần chúng; một số lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình hình hiện nay, là điều người dân cảm thấy xót xa nhất” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù nói bao nhiều về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều vô nghĩa và không đủ sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân và sức mạnh của nhân dân bắt nguồn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Có thể nói từ trước nay chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động nhân dân góp ý kiến với Đảng và Nhà nước như trong thời gian gần đây. Nhất là việc nhân dân tham gia ý kiến chuẩn bị cương lĩnh của Đảng rất phong phú sôi nổi, rồi góp ý Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói quyền làm chủ của nhân dân nhưng hô khẩu hiệu suông, không có hành động thiết thực và như thế chẳng có linh hồn”.
Cũng theo Tổng Bí thư, vẫn có những đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên có quan hệ trực tiếp với dân thì cửa quyềnhách dịch, sách nhiễu gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người ăn chặn của dân, vòi vĩnh, đòi quà cáp, biều xén. Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như "ông vua con", thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp. Những hành động đó tuy không phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với đảng không thể xem thường.
“Nói quần chúng giảm sút lòng tin với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng của Đảng, mà là đối với cán bộ Đảng viên đang thoái hóa, hư hỏng. Vì thế, các cấp ủy đảng cần có biện pháp kiên quyết, đấu tranh các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng. Chỉ có như vậy mới lấy lại lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào: