Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại với phản biện?; Bùi Quang Vơm - Đối thoại, thật hay giả

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng vừa tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2017.

Chính phủ sẵn sàng đối thoại?

Vào sáng 18/05/2017, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 5 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.  Ngay tức khắc, lời tuyên bố này được những người quan tâm đến hiện tình đất nước Việt Nam đặc biệt chú ý, nhất là giới nhân sĩ trí thức trong nước cũng như những người bất đồng chính kiến đối với chính quyền sở tại.

Với chủ trương “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hô hào “dân làm chủ, dân bàn, dân kiểm tra” nên việc đối thoại với người dân luôn được chính quyền chú trọng. Do đó, theo nhận xét của những người quan tâm, lời tuyên bố mới đây của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương không có gì mới mẻ, nhưng Đài RFA vẫn ghi nhận không ít nhân sĩ trí thức cho rằng với thông tin từ ông Võ Văn Thưởng cho biết Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ đưa ra hướng dẫn cho việc tổ chức các cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng, là một chỉ dấu tích cực.

Ông Võ Văn Thưởng dù muốn hay không thì ông cũng là một người trẻ. Và nếu ông muốn được sự tín nhiệm của người dân thì có khi ông phải ‘phá rào’...
- Giáo sư Tương Lai

Nhà báo độc lập đồng thời là nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết từ năm 2014, Hà Nội đã có kế hoạch cung cấp kinh phí cho Liên hiệp các tổ chức Kỷ thuật-Khoa học Việt Nam thực hiện “Đề án Phản biện và Đối thoại” nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công bố chính thức nào liên quan đến đề án vừa nêu. Tuy nhiên, những người biết đến đề án này không loại trừ lời tuyên bố của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy “Đề án Phản biện và Đối thoại” đã hoàn thành và chính phủ sẵn sàng đối thoại công khai với người dân.

Trong khi đó, Giáo sư Tương Lai, một thành viên trong nhóm hơn một trăm nhân sĩ trí thức tại Việt Nam nhiều lần gửi thư ngỏ đóng góp ý kiến với Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề của quốc gia, nói với Đài Á Châu Tự Do lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng đáng được khen ngợi, trong trường hợp chính ông Thưởng tiến hành thực hiện cuộc đối thoại trong cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chứ không phải chỉ là những lời nói suông:

“Ông Võ Văn Thưởng dù muốn hay không thì ông cũng là một người trẻ. Và nếu ông muốn được sự tín nhiệm của người dân thì có khi ông phải ‘phá rào’, phải theo gương của những tiền bối đã ‘phá rào’ như ông Võ Văn Kiệt chẳng hạn thì ông mới có thể có một chỗ đứng trong lòng dân. Vậy, ông hãy làm một vài cuộc đối thoại đi, chỉ bằng với hành động đó thì người dân mới tin vào ông. Còn nếu vì một áp lực nào đó, ông muốn giữ cái ghế (vị trí) của ông được vững vàng mà ‘co vòi’ lại thì ông sẽ cũng lại tự đánh mất lòng tin của dân.”

Là một người luôn kêu gọi Chính phủ nên đối thoại với dân chúng là những người có tiếng nói phản biện với chính quyền trong việc xây dựng và phát triển nước nhà, cựu tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung bày tỏ lạc quan trước thông tin của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

“Tất nhiên việc đối thoại này Trung rất hoan nghênh và Trung sẵn sàng tham gia, nếu có lời mời từ phía những người trong lãnh đạo Đảng Cộng sản, trong Ban Tuyên giáo cũng như trong Hội đồng Lý luận Trung ương. Trung cũng mong là các nhân sĩ trí thức Việt Nam nên lên tiếng vì thời buổi bây giờ cũng không dễ dàng gì đàn áp, bắt bớ được do sự phát triển rất mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội. Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau thì chúng ta sẽ có sự an toàn hơn, chứ không nên lên tiếng một mình hoặc đấu tranh cá nhân thì sẽ rất nguy hiểm.”

Nghi ngờ của giới phản biện

000_OQ156-400.jpg
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Bên cạnh những ý kiến vừa nêu, Đài RFA cũng ghi nhận nhiều blogger và những người đấu tranh dân chủ lại tỏ ra nghi ngại vì có thể đây là một chiến dịch của nhà cầm quyền nhằm gia tăng trấn áp và bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở trong nước. Một số người chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng như qua những lời chia sẻ trên các mạng xã hội còn cho rằng lịch sử có thể tái diễn với trưng dẫn vụ “Nhân văn Giai phẩm” hồi năm 1955, chính quyền đã đàn áp, bắt bớ những nhân sĩ trí thức dám lên tiếng tranh luận lại, phản đối những lý luận của đảng; hay chẳng hạn đây chỉ là “một thủ thuật câu giờ”, chẳng khác gì chuyện nhà cầm quyền tìm cách kéo dài thời gian thông qua Luật Lập hội và Luật Biểu tình từ năm này đến năm khác.

Trả lời câu hỏi của RFA vì sao Ban Tuyên giáo Trung ương lại tuyên bố Đảng Cộng sản có thể mở những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt vào thời điểm này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nhận định của ông:

Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau thì chúng ta sẽ có sự an toàn hơn...
- Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung

“Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng là phát ngôn mang tính xu thế, không thể đảo ngược được. Tại vì sau vụ Đồng Tâm thì giới quan chức chính quyền và đảng đã nhận ra rằng nếu như không biết cách làm xoa dịu lòng dân thì sự phản kháng dẫn đến hậu quả sẽ khôn lường và tình cảnh chiến đấu cũng khôn lường. Cho nên họ phải tiến tới việc đối thoại vì nếu không đối thoại thì chính quyền chết.”

Ứng cử viên độc lập Đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Trang Nhung, với trải nghiệm qua hai lần Hiệp thương không được trình bày chính kiến của mình trước các ý kiến của cử tri, nêu lên ý kiến cho rằng dù các cuộc đối thoại được chính quyền tổ chức chắc chắn chỉ mang tính hình thức mà thôi.

“Tôi cho rằng nếu như những người bất đồng chính kiến cũng như một số thành phần khác trong xã hội có tiếng nói phản biện được mời đến những buổi phát biểu ý kiến hay để góp tiếng nói phản biện thì chắc chắn là họ sẽ chỉ được nói trong một khuôn khổ hay chừng mực nào đó. Nếu vượt ra ngoài khuôn khổ hay chừng mực cho phép thì sẽ bị ngăn cản. Chắn chắn là họ sẽ có biện pháp nào đó. Nhưng tôi cho rằng thậm chí họ sẽ không để diễn ra những buổi lấy ý kiến mà có những thành phần như vậy đâu, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, nhất là những người đấu tranh cho dân chủ hay hoạt động xã hội dân sự.”

Bà Nguyễn Trang Nhung còn lập luận thời điểm hiện tại chưa phải là lúc chính quyền mở ra các đối thoại như lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng. Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng phân tích Đảng Cộng sản chưa sẵn sàng để đối thoại:

“Tôi cho rằng về mặt quy luật thì những người trong giới lãnh đạo của chính quyền chỉ có thể thay đổi một cách thực chất khi họ cùng đường hoặc gần như cùng đường. Nhưng tình hình tình trạng của họ hiện nay chưa phải là cùng đường, mặc dù đã nguy ngập”.

Qua các ý kiến của giới nhân sĩ trí thức và giới bất đồng chính kiến mà Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, tất cả họ có cùng quan điểm rằng việc Đảng Cộng sản phải đối thoại và tranh luận với những tiếng nói phản biện người dân là điều tất yếu và họ khẳng định việc này diễn ra sớm hay muộn là sự lựa chọn khôn ngoan của chính quyền.

Hòa Ái

(RFA


BBC ngày 19/05/2017 đưa tin, theo báo Pháp luật TPHCM, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 18/05, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương có tuyên bố: "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận".


BBC còn viết: “Ông cho biết ngành tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "trao đổi và đối thoại" với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản”.

Tuy nhiên, BBC không dẫn link tới nguồn của báo Pháp luật. Tìm trên mạng với những câu trích dẫn trên thì chỉ dẫn tới các tờ báo không chính thống, chép lại BBC.

Đối thoại là vấn đề tối quan trọng nhưng nhạy cảm.

Nếu đúng là đảng cộng sản, qua lời một ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban tuyên giáo TW, là cơ quan cao nhất phụ trách lĩnh vực lý luận và tư tưởng của đảng, quyết định mở cửa tiếp nhận đối thoại với “những người có quan điểm khác với đảng cộng sản”, thì đây quả thật là một cuộc cách mạng tư tưởng của đảng cộng sản, cụ thể là của ban lãnh đạo.

Đối thoại với các đối tượng khác chính kiến nhằm tìm kiếm chân lý, chính là tư tưởng bình đẳng chính trị, một biểu hiện cụ thể của sinh hoạt có tính đa nguyên.

Nếu chúng ta đã từng thống nhất với nhau một nguyên tắc chung là phấn đấu cho một nền dân chủ đích thực bằng con đường ôn hòa, phi bạo lực, thông qua đối thoại giữa đảng cầm quyền với các tiếng nói chính trị khác đã và đang trở thành lực lượng vật chất trong xã hội, thì quyết định mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền chính là một mục tiêu đã đạt được bước đầu của phong trào quần chúng và của tiến trình dân chủ hóa xã hội Việt Nam.

Và nếu hình dung rằng đây là bước khởi đầu của một cuộc đối thoại chân thành và thực chất, thì con đường dẫn tới dân chủ đích thực, con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam đang đứng trước một sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử 4000 năm, cuộc cách mạng một lần cho vĩnh viễn.

Có thật như vậy không? Có thật là đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi nhận thức không?

Sự kiện này diễn ra ngay sau khi kết thúc hội nghị trung ương 5 /XII với tinh thần kiên định lập trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” và kiên quyết chặn đứng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vốn vẫn là tư tưởng của tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từ trước tới nay, khiến người ta nghi ngờ tính trung thực của mẩu tin của BBC, và nếu tin của BBC là có thật, thì sự nghi ngờ hướng tới tính trung thực của tín hiệu mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền.

Đây là thủ đoạn lươn lẹo vốn đã thành bản tính của các nhà chỉ đạo chính sách của đảng cộng sản? Họ tung tin để đánh làm mất hướng phong trào đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là quần chúng công giáo khu vực miền Trung đang có biểu hiện bất tuân dân sự, vô hiệu hóa quyền lực của chính quyền, và có xu hướng tiến tới giành quyền? Từ kinh nghiệm đối thoại với Đồng Tâm, nhà cầm quyền bắn tin đối thoại với những thành phần đứng sau phong trào?

Đây là con bài sẽ được sử dụng để tiếp tục thủ đoạn đánh tráo mặt nạ mà đảng đã từng sử dụng và đã từng tưởng rằng đánh lừa được tổng thống Obama.

Trong cuộc đối thoại nhân quyền với phái đoàn nhân quyền Mỹ vào ngày mai, 23/05/2017 tại Hà Nội, kết quả và kết luận của phái đoàn Mỹ sẽ quyết định thái độ của tổng thống Mỹ Donald TRUMP trong cuộc gặp thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Mỹ sắp tới, với ý nghĩa quá quan trọng quyết định thành bại của chuyến đi và ấp ủ quá nhiều hy vọng lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam. Trump không phải là Obama, lập lờ, không trung thực sẽ không tránh được thất bại.

Con bài đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập có thể chỉ được sử dụng như một thứ hàng trang trí, hoặc như một nơi trú ẩn khi còn đường lùi cho cuộc gặp ngày mai.

Nhưng con bài này có thể cũng được những người chủ trương cải cách thật sự sử dụng để lật thế cờ của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giả hóa thật. Đối phó với Mỹ, nhưng phải chứng tỏ thành tâm. Bởi vì tổng thống Mỹ Donald TRUMP đã không lạ gì thói đi giây giữa Mỹ và Trung Quốc của cộng sản Việt Nam (xem bài viết “nghề làm… mười phương”)

Nếu đây là tín hiệu có thật thì Hội nghị TW 5 vừa rồi đã thất bại, chứ không phải “kết thức tốt đẹp” như ông Trọng nói trong diễn văn bế mạc.

Có thể hình dung cuộc tranh luận nảy lửa trong hội nghị và chắc chắn bất phân thắng bại giữa hai tư tưởng cải cách thật sự và cải cách nhưng giũ nguyên vai trò lãnh đạo quyết định của đảng.

Ông Trọng dựa vào nguyên tắc cổ điển trung thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội để giành ưu thế chính thống, nhưng ông Trọng đã không có đa số. Ba nghị quyết được ông Trọng tuyên bố thông qua ngay trong Hội nghị, nhưng đến nay chưa được phổ biến. Cái không nhất trí chính là hai chữ “định hướng” bỏ hay không bỏ ra ngoài văn bản.

Có thể phỏng đoán sự phân hoá trong bộ chính trị như thế này: những kẻ theo đuôi ông Trọng chỉ có bà Ngân, bà Phóng, phần còn lại trong bộ chính trị sẽ chia làm hai phần, phần cải cách thực sự chắc chắn sẽ có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng và ông Đinh Thế Huynh, cùng gần toàn bộ uỷ viên bộ chính trị thuộc chính phủ, nhóm này do ông Đinh Thế Huynh dẫn nhịp. Phần còn lại là vài nhân vật cơ hội, chờ ngã ngũ cuộc cờ, trong đám này có thể có ông Trần Quốc Vượng và ông Phạm Minh Chính.

Việc Ban bí thư có thể thông qua bản hướng dẫn đối thoại hay không, và nội dung chính thức của đối thoại là gì sẽ cho biết sự thật mối tương quan lực lượng và sẽ quyết định cuộc cách mạng “đẫm máu” trong nội bộ đảng sắp tới.


Nếu những phỏng đoán trên đây là đúng thì phỏng đoán sự thất bại của ông Trọng cũng sẽ đúng. Điều này có nghĩa rằng, nếu tín hiệu mở cửa cho đối thoại với các tư tưởng khác quan điểm của đảng là có thật, thì phái bảo thủ kiên cố chủ nghĩa Mác, chống đa nguyên chính trị của ông Trọng sẽ thất bại. Hội nghị trung ương 6 sắp tới sẽ là hội nghị kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Trọng, nếu ông không còn khả năng thích ứng vói sự phát triển của lịch sử.

Những bước đi tiếp theo của lộ trình đối thoại sẽ trở thành hiện thực.

Về chủ đề “Đối thoại”, từ tháng 9/2016, tác giả có viết một bài có tựa đề “Đối thoại và lựa chọn” trong đó có thể có một vài ý tưởng góp ích cho tham khảo.

Chưa có gì có thể giúp cho việc xác định, nhưng dù tín hiệu mở cửa cho đối thoại của đảng cộng sản là thật hay giả, cũng không thể bác bỏ một thực tế là thông điệp “đối thoại hòa bình” để đến một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam bằng con đường bất bạo động của các tiếng nói dân chủ, đã đến và đang được đảng cộng sản tìm kiếm đối sách. Đó là một bước thắng lợi của dân chủ, và thắng lợi cuối cùng là không thể đảo ngược.

22/05/2017

Bùi Quang Vơm

Không có nhận xét nào: