Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

„Luật sư đi tố giác thân chủ“ – đòn chí mạng nhằm vào „Nhà nước pháp quyền“ Việt Nam

Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được thảo luận tại Quốc hội quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự luật sư do không tố giác thân chủ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu được thông qua sẽ là một đòn chí mạng vào hình ảnh „Nhà nước pháp quyền“ XHCN của Việt Nam vốn chưa được mấy nước công nhận.

„Luật sư đi tố giác thân chủ“ – đòn chí mạng nhằm vào „Nhà nước pháp quyền“ Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền từ năm 1946 [1]
Trong một nhà nước pháp quyền, Hiến pháp và pháp luật được đặt ở vị trí cao nhất. Cơ quan Tư pháp được độc lập với cơ quan Lập pháp và Hành pháp. Mọi quyết định của họ chỉ được đưa ra dựa trên cơ sở của Hiến pháp và các đạo luật. Ra trước tòa, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. Ta có thể hình dung Quan tòa như một người trọng tài không thiên vị, chỉ dựa trên luật pháp để đánh giá lập luận của bên nguyên (công tố viên) và bên bị do luật sư đại diện bào chữa. Công tố viên và cơ quan điều tra thì cố tìm chứng cứ để chứng minh bị cáo phạm tội, trong khi luật sư thì tìm cách chứng minh là thân chủ của mình vô tội hoặc tìm cách làm giảm nhẹ tội cho thân chủ.

Nếu bây giờ luật sư buộc phải tố cáo thân chủ nữa thì bị cáo chẳng khác gì bị công tố viên tấn công trước mặt, lại bị luật sư „đâm dao sau lưng“. Thế thì phiên tòa có thể được coi là khách quan hay không? Nếu chỉ 1 luật sư tố cáo thân chủ thì uy tín của 10.000 luật sư hiện nay ở Việt Nam sẽ ra sao, ai dám thuê họ bào chữa, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình nữa?

Nếu theo dõi các phiên tòa mang tính chất chính trị gần đây, người ta có thể nhận thấy là trên thực tế, những lời bào chữa của luật sư hầu như không sửa đổi được những phán quyết được coi là „quyết định trước khi phiên tòa diễn ra“. Nhưng nghe lập luận buộc tội của công tố viên và lập luận bào chữa của luật sư, người dân vẫn có thể đi đến kết luận riêng của mình, bất chấp phán quyết của Tòa và điều này có thể tiềm ẩn những xung đột xã hội trong tương lai.

Nghe tranh luận trong Quốc hội, người dân có thể nhận thấy một số đại biểu, trong đó có người là luật sư rất phản đối điều luật này, nhưng cũng có những đại biểu như Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lại kịch liệt bảo vệ.

Người dân rất mong chờ các đại biểu Quốc hội mạnh dạn biểu quyết theo lý trí của mình để đưa Việt Nam trở thành một nhà nước pháp quyền thực sự, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trung Khoa 

(Thoibao.de)

Không có nhận xét nào: