By
Posted on 04/11/2015
Pháp quyền là thuật ngữ xuất phát phương Tây, với ý nghĩa căn bản nhất là không ai đứng trên hoặc ngoài pháp luật, kể cả nhà nước, còn được hiểu đơn giản theo nguyên tắc rule of law.
Pháp trị xuất phát từ nhà nước Trung Hoa cổ đại, là dùng pháp luật để cai trị (Rule by law). Trong trường hợp này, pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, và nhà nước đứng trên pháp luật. Kết quả, một nhà nước chuyên quyền, độc đoán có thể ban hành mọi thứ pháp luật, kể cả những thứ xâm phạm các quyền cơ bản của con người để cai trị.
Tại Trung Quốc, vấn đề nguy hại và cấp thiết trong năm năm trở lại đây là chính quyền đã âm thầm sử dụng một phương tiện hiệu quả hơn để hạn chế không gian hoạt động của các luật sư: luật pháp, cũng đồng nghĩa với việc quay trở lại nguồn cội tổ tiên họ trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Từ đàn áp trái pháp luật…
Ngày 9/7/2015, chính quyền Trung Quốc đã mở màn một cuộc tổng bố ráp đồng loạt trên diện rộng. Gần 300 luật sư đã bị câu lưu, tạm giam, nhiều người mất tích với tình trạng không rõ ràng. Phần lớn các luật sư bị bắt giam không được tiếp xúc với luật sư bảo vệ mình. Nhiều người được cho là “mất tích” vì cảnh sát không cung cấp cho thân nhân bất kỳ thông tin nào về nơi giam giữ họ.
Chiến dịch bắt bớ, triệu tập này không chỉ nhắm vào các luật sư và nhà hoạt động, con cái và người thân của họ cũng trở thành đối tượng mà chính quyền nhắm đến. Đáng chú ý trong số đó là trường hợp của Bao Zhuoxuan, con trai của hai luật sư nhân quyền là mục tiêu của cuộc bố ráp, Bao Longjun và Wang Ju. Dù ở tuổi vị thành niên (16 tuổi), nhưng Bao Zhuoxuan đã bị bắt giữ, tạm giam, hỏi cung không có sự giám sát của người giám hộ. Không chỉ dừng lại đó, Bao còn bị tịch thu hộ chiếu, cấm xuất cảnh, và cấm liên lạc với các luật sư hay tiết lộ thông tin về ba mẹ mình.
Được coi là nỗ lực triệt tiêu các hoạt động bào chữa, bảo vệ pháp lý của các luật sư vì chính nghĩa (cause lawyer), chiến dịch này là sự vi phạm trắng trợn của chính quyền Bắc Kinh đối với tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của báo cáo The Plight and Prospects: The Landscape for Cause Lawyers in China (tạm dịch: Tình cảnh hiện thời và viễn cảnh tương lai: Cảnh nền cho hoạt động của các luật sư vì chính nghĩa ở Trung Quốc) của Trung tâm Leitner và Ủy ban Hỗ trợ Luật sư Trung Quốc, ở chừng mực nào đó, những vụ bắt bớ, câu lưu này là điều mà các luật sư bảo vệ nhân quyền ít cần lo đến nhất. Vấn đề nguy hại hơn là chính quyền Trung Quốc đã âm thầm tiến hành biện pháp “dĩ luật trị luật” để hạn chế không gian hoạt động của các luật sư chính nghĩa.
…đến sửa đổi luật để đàn áp
Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn dựa vào các biện pháp coi thường pháp luật như câu lưu trái phép, tra tấn, quản chế, và gây áp lực lên thân nhân, cũng như các bên có liên quan khác nhằm phá hoại cuộc sống của các luật sư và nhà hoạt động.
Tuy nhiên, báo cáo Tình cảnh hiện thời và viễn cảnh tương lai khẳng định, những biện pháp này sẽ sớm trở nên thừa thãi. Thông qua các sửa đổi trong Luật Luật sư (sửa đổi năm 2007), Luật Hình sự (sửa đổi năm 2015), Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi năm 2012) và Luật An ninh Quốc gia (được thông qua năm 2015) cũng như những điều chỉnh trong thủ tục cấp giấy phép hành nghề luật sư hàng năm, Trung Quốc không chỉ có thể giới hạn hiệu quả phạm vi hành nghề của các luật sư nhân quyền, mà còn có thể gióng giả về tinh thần thượng tôn pháp luật với cộng đồng quốc tế.
Chẳng hạn, những sửa đổi trong Luật Luật sư năm 2007, dù được khẳng định là nhằm mang lại công cụ bảo vệ tốt hơn cho các luật sư trong quá trình hành nghề, trên thực tế, lại là con dao hai lưỡi. Cụ thể, theo Điều 36 và 37 của luật này, “quyền thảo luận hoặc biện hộ” của luật sư “sẽ được bảo vệ theo pháp luật,” nhưng Điều 49 lại tăng số hành vi mà luật sư có thể bị nghị tội từ 4 lên 9 mục. Theo đó, luật sư có thể bị xử phạt nếu “gây rối trật tự phiên tòa… hay can thiệp vào tiến trình tranh tụng hoặc hòa giải thông thông thường” (Điều 49(6)).
Được viết bằng ngôn ngữ mơ hồ, những sửa đổi như trên hoàn toàn có thể được sử dụng để giới hạn hoạt động bảo vệ pháp lý của luật sư trong phòng xử án. Quả thực, năm 2010, Tang Jitian và Liu Wei, hai luật sư chính nghĩa đứng ra bảo vệ cho một thành viên của phái Pháp Luân Công, đã bị tước giấy phép vĩnh viễn theo Điều 49(6) vì được cho là “gây rối trật tự phiên tòa”.
Quản chế tại địa điểm chỉ định: Hình thức giam giữ kiểu mới
Một sửa đổi khác cũng theo kiểu “nhất tiễn hạ song điêu” là phần sửa đổi nói về hình thức quản chế tại nơi lưu trú trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2012 (Điều 72 đến 77). Được kỳ vọng sẽ bảo vệ quyền của người bị tình nghi và đảm bảo cho một hệ thống công bằng hơn, song như Yaqiu Wang, nhân viên của tổ chức China Change đã chỉ ra, những sửa đổi này có một lỗ hổng lớn: “quản chế tại địa điểm chỉ định”.
Mặc dù hình thức này nghe có vẻ “khoan dung” hơn so với tạm giam, song với những trường hợp bị điều tra các tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, “khủng bố” hay “hối lộ nghiêm trọng”, việc quản chế sẽ không diễn ra tại nhà người bị tình nghi. Thay vào đó, người bị tình nghi sẽ bị quản chế tại một địa điểm chỉ định bí mật. Thân nhân sẽ được cho biết người thân của mình đang bị quản chế tại nơi lưu trú (Điều 73, Bộ luật Tố tụng Hình sự), nhưng địa điểm lưu trú chịu quản chế ở đâu thì lại là bí mật để “phục vụ công tác điều tra” của cơ quan công quyền.
Cũng theo quy định của luật này, người bị tình nghi có quyền gọi luật sư. Nhưng vì hình thức “quản chế tại địa điểm chỉ định” đã tiền giả định tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố hay hối lộ nghiêm trọng, nên yêu cầu trao đổi với luật sư chỉ có hiệu lực trong vòng 48 giờ kể từ khi bị bắt (Điều 37, Bộ luật Tố tụng Hình sự). Ngoài ra, trong quá trình bị quản chế tại địa điểm chỉ định, người bị tình nghi chỉ được gặp gỡ hay liên lạc với người khác khi được cơ quan công an cho phép (Điều 75(2), Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Theo báo cáo Tình cảnh hiện thời và Viễn cảnh tương lai, việc sử dụng biện pháp quản chế tại địa điểm chỉ định đã được sử dụng nhiều trong cuộc tổng bố ráp mới đây. Đến nay, có ít nhất 8 nhà hoạt động hiện vẫn bị giữ theo hình thức quản chế tại địa điểm chỉ định nhưng không ai ngoài cơ quan công an, thậm chí cả các luật sư bào chữa, biết địa điểm quản chế nằm ở đâu. Mặc dù đây là hình thức tạm giữ hợp pháp theo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, song như nhà nghiên cứu William Nee của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ ra, biện pháp này ẩn chứa nguy cơ bức cung, sử dụng nhục hình.
Bằng việc sửa đổi luật rồi vin vào những điều luật mới này để tiến hành bắt bớ các luật sư hoạt động chính nghĩa, chính quyền Bắc Kinh có thể gạt qua một bên những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế và mạnh miệng tuyên bố Trung Quốc tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, đây là kiểu thượng tôn pháp luật giả dối. Trung Quốc không chỉ vi phạm các nghĩa vụ theo các hiệp ước quốc tế, mà còn hủy hoại hiến pháp của đất nước mình.
Tổng hợp từ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét