Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản nợ 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (571 tỷ USD) sẽ đáo hạn vào cuối năm nay trong bối cảnh nhà đầu tư không còn mặn mà với trái phiếu doanh nghiệp.
Những công ty thua lỗ nhiều nhất đang là những công ty chịu áp lực trảnợ lớn nhất. Vì thế, Trung Quốc cần sự hỗ trợ của thị trường để tiếp sức cho các công ty này. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu trong tháng tư đã tăng ở mức nhanh nhất trong hơn một năm qua và tỷ lệ phát hành đã giảm 43% khi các doanh nghiệp hủy kế hoạch bán số trái phiếu trị giá 143 tỷ nhân dân tệ.
Niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu vốn đã chứng kiến ít nhất 7 công ty không thể trả nợ đúng hạn trong năm nay, bằng cả năm 2015 cộng lại. Mặc dù các ngân hàng quốc doanh có thể hỗ trợ các công ty nhỏ mắc nợ, việc ba doanh nghiệp nhà nước không trả nợ đúng hạn trong ba tháng qua cho thấy chính phủ đang chấp nhận các doanh nghiệp phá sản nhiều hơn khi nền kinh tế giảm tốc.
“Vấn đề lớn nhất của thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện nay là thiếu vốn”, Qiu Xinhong, giám đốc tiền tệ của công ty quản lý quỹ First State Cinda có trụ sở Thượng Hải cho biết. “Với số trái phiếu đáo hạn lớn như vậy, nếu doanh nghiệp phát hành không bán được trái phiếu mới để trả nợ trái phiếu cũ, họ sẽ phá sản”.
Các công ty Trung Quốc đag đối mặt với số nợ trái phiếu cao kỷ lục
Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc đang là nơi phải chịu áp lực trả nợ lớn nhất. Đấy là chưa kể đến các ngành này còn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Các công ty khai khoáng và kim loại sẽ phải trả khoản nợ gốc trị giá 389 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm nay trong khi lợi nhuận thu về chỉ đủ để trả một nửa tiền lãi trong năm 2015. Các công ty điện lực đang nợ 332 tỷ nhân dân tệ còn nợ đáo hạn ở các công ty than đã tăng lên đến 292 tỷ nhân dân tệ.
SDIC Xinji Energy, công ty sản xuất than quốc doanh đã hủy kế hoạch phát hành trái phiếu vào ngày 11/3 và sẽ phải trả khoản nợ 1 tỷ nhân dân tệ vào ngày 15/5 tới. China International Capital Corp. (CICC) cho rằng SDIC là một trong những công ty có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trong quý hai năm nay. Fei Dai, phát ngôn viên của SDIC cho biết công ty sẽ dàn xếp các khoản vay ngân hàng và các biện pháp khác để tránh vỡ nợ.
Evergreen Holding Group cũng là công ty có nguy cơ vỡ nợ cao khi có số trái phiếu trị giá 400 triệu nhân dân tệ đáo hạn vào 15/5 tới. Công ty xếp hạng tín dụng Shanghai Brilliance đã hạ xếp hạng tín dụng của hãng đóng tàu trên từ AA- xuống BBB trong tháng 3 năm nay.
Khi mà niềm tin của thị trường giảm sút, ngân hàng sẽ đóng vai trò là cứu cánh cho các doanh nghiệp. SDIC Xinji đang tìm cách vay ngân hàng để trả số trái phiếu đáo hạn trong tháng này. Trong khi đó, chính quyền thành phổ Ningbo, nơi Evergreen đóng trụ sở đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ hãng đóng tàu này vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, dường như chính phủ Trung Quốc đang rút lại các nỗ lực giải cứu quy mô lớn khi nước này tìm cách giảm tình trạng dư thừa công suất ở các ngành công nghiệp nặng. Nhiều khả năng chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để giải cứu các công ty lớn trong khi giảm hỗ trợ cho các công ty nhỏ, theo Xia Le, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria.
“Kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các công ty không thể trả nợ trên thị trường trái phiếu và ngân hàng chỉ chọn giải cứu các công ty lớn”, Xia nói. “Vì thế, việc ngày càng nhiều các công ty nhỏ phá sản là điều không tránh khỏi”.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Nợ công gấp đôi GDP, "quả bom" nợ sắp phát nổ ở Trung Quốc
Câu hỏi là khi phát nổ, quả bom này sẽ gây ra khủng hoảng tài chính như ở Mỹ năm 2008 hay tình trạng giảm phát kéo dài như ở Nhật Bản.
Tỷ lệ nơ/GDP chạm mức cao kỷ lục
Theo Financial Times, nợ công Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục là 237% GDP trong quý I năm nay, vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể dẫn đếnkhủng hoảng tài chính hoặc tăng trưởng trì trệ kéo dài ở Trung Quốc.
Trước đó, Bắc Kinh đã phải bơm tiền vào hệ thống tín dụng để duy trì tăng trưởng kinh tế, nâng tổng số nợ công lên 163 nghìn tỷ nhân dân tệ (25 nghìn tỷ USD).
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác, và tương đương với ở Mỹ và khu vực eurozone. Mặc dù quy mô nợ công Trung Quốc là một nguy cơ lớn, điều đáng lo hơn là tốc độ phình to của khối nợ này. Nợ công Trung Quốc mới chỉ chiếm 148% GDP tính đến cuối năm 2007.
“Những nước lớn có tốc độ nợ công gia tăng nhanh đều gặp phải khủng hoảng tài chính hoặc nền kinh tế trong thời gian kéo dài”, Ha Jiming, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của Goldman Sachs nhận định.
Theo dữ liệu năm ngoái của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các nước mới nổi có tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình là 175%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 249%, tương đương với mức 270% ở eurozone và 248% ở Mỹ.
Bắc Kinh đã cố xoay xở để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và giảm nợ nhằm ngăn chặn các rủi ro tài chính trong dài hạn. Tuy nhiên, trước nguy cơ hạ cánh cứng, nước này đã buộc phải bổ sung các gói kích thích kinh tế mới.
Các khoản tín dụng mới đã tăng thêm 6,2 tỷ nhân dân tệ trong ba tháng đầu năm 2016, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng theo quý cao nhất từ trước đến nay.
Nền kinh tế Trung Quốc khó mà hấp thụ số tín dụng lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Với việc khả năng sinh lời của các dự án mới ngày càng giảm, số vụ vỡ nợ ở Trung Quốc sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới.
Khủng hoảng sẽ giống Mỹ hay Nhật?
Các chuyên gia đều cho rằng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rủi ro lớn, mặc dù họ vẫn chưa thống nhất về hậu quả khi quả bom nợ công của nước này bùng phát.
Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ gặp phải khủng hoảng tài chính lớn, giống như từng xảy ra ở Mỹ năm 2008 khi các ngân hàng phá sản và làm tê liệt thị trường tín dụng. Trong khi đó, các chuyên gia khác dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái như Nhật Bản, khi tăng trưởng trì trệ trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Jonathan Anderson, kinh tế gia trưởng của Emerging Advisors Group cho rằng Trung Quốc sẽ rơi vào trường hợp thứ nhất. “Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các ngân hàng Trung Quốc cạn vốn. Đến lúc đó, khủng hoảng tài chính là điều không thể tránh khỏi”, Anderson nói.
Một số chuyên gia khác thì tin rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có đủ khả năng để ngăn chặn khủng hoảng. Bằng cách bơm tiền cho hệ thống ngân hàng, PBOC có thể đảm bảo được tính thanh khoản của các ngân hàng, ngay cả khi số nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng. Rủi ro của việc làm này sẽ chỉ giống như trường hợp của Nhật Bản: nhiều năm tăng trưởng chậm và giảm phát.
Michael Pettis, giáo sư của Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Peking cho biết nợ công phình to sẽ gia tăng sức ép tài chính lên người đi vay. Điều này sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng trong dài hạn trước khi vỡ nợ thực sự xảy ra.
“Không phải lúc nào nợ công phình to cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính. Ví dụ điển hình nhất là Nhật Bản sau năm 1990. Khi nợ công của Nhật Bản tăng quá cao, nước nảy đã rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều năm”, ông nói.
Theo Trí thức trẻ/FT
Cụm từ Tập Cận Bình nhắc 19 lần ở Bộ chính trị hé lộ nỗi lo lớn nhất của Trung Nam Hải
Nhà báo Kiều Tỉnh |
Một nội dung thảo luận hiếm gặp ở Bộ chính trị Trung Quốc cho thấy mối lo ngại thực sự của ban lãnh đạo nước này về thực trạng "tranh tối tranh sáng" của nền kinh tế số 2 thế giới.
Ngày 1/5/2017, Tổng cục thống kê nhà nước Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng GDP Quý 1/2017 đạt 6.9%, cao hơn đôi chút so với năm 2016.
Trước đó ngày 25/4, Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc họp với chủ đề “An ninh tiền tệ”. Đây là lần đầu tiên kể từ Đại hội 18 của đảng (2012), nơi đưa ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc, Bộ chính trị nước này mới lại đưa ra chuyên đề về an ninh tiền tệ.
Phát biểu trong Hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình 19 lần nhấn mạnh về “rủi ro tiền tệ” đang ám ảnh kinh tế Trung Quốc.
Ông nói “Không thể coi nhẹ, không thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn… Bởi lẽ bảo vệ an ninh tiền tệ là vấn đề lớn mang tính căn bản, tính chiến lược liên quan tới phát triển toàn cục kinh tế và xã hội Trung Quốc”.
Ông Tập đưa ra 6 nhiệm vụ về đảm bảo an ninh như tăng cường giám sát quản lý, chú ý xử lý rủi ro, tăng cường công tác lãnh đạo của trung ương đối với tiền tệ.
Kể từ ngày 2/5 tới ngày 9/5, Tân Hoa Xã đã liên tiếp đăng 7 bài về an ninh tiền tệ, chứng minh mối lo ngại hoàn toàn thực tế của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Thời gian qua, nợ công của Trung Quốc không ngừng tăng lên tới mức báo động. Tờ Financial Times của Anh cho biết năm 2015 nợ công của Trung Quốc tới mức kỉ lục 237% GDP.
Còn theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), tính tới giữa năm 2014 nợ công của Trung Quốc đã lên tới mức báo động là 282% GDP, đến cuối năm 2015 là 280% GDP.
Ngày 26/4/2016, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo tình hình tiền tệ cho rằng nguy cơkhủng hoảng tiền tệ của Trung Quốc có thể nổ ra vì nợ công của nước này lên tới 249% GDP, trong khi đó năm 2007 chỉ có 148% GDP.
Hai nguyên nhân lớn
Các học giả Trung Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn tới nợ công tăng cao có nhiều, trong đó nguyên nhân quan trọng đầu tiên là Trung Quốc đã đổ quá nhiều tiền vốn vào thị trường nhà đất.
Nhà kinh tế học Trung Quốc Trịnh Vĩnh Niên ngày 1/5/2017 cho báo giới biết do thu được những món lợi lớn từ đầu tư vào nhà đất, nên nhà nước, doanh nghiệp lớn nhỏ, tư nhân đều đua nhau đầu tư vào nhà đất.
Nhiều năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nóng, nguy cơ tiền tệ xảy ra, nhà nước đã chi khoản tiền lớn kích cầu để cứu thị trường, nhưng phần lớn các khoản đầu tư này đều dồn vào thị trường nhà đất.
Ông Trịnh cho biết đầu thập niên 1990, Nhật Bản đã có bài học lớn về khủng hoảng thị trường nhà đất mà hơn 20 năm sau vẫn chưa thoát khỏi hậu quả của khủng hoảng.
Hiện nay, thị trường bất động sản đã trở thành chiếc "Vòng kim cô" kiềm chế, chi phối nền kinh tế Trung Quốc. Trịnh Vĩnh Niên đặt câu hỏi "Liệu Trung Quốc có đi vào vết xe của Nhật Bản hay không?"
Tình trạng này luôn tái diễn khi có thời cơ. Báo chí Trung Quốc cho biết ngay sau khi có tin trung ương phê chuẩn lập Khu kinh tế mới Hùng An tại tỉnh Hà Bắc ngày 2/4/2017, thì lập tức “chứng bệnh đua nhau đầu tư” vào nhà đất đã tái phát. Quy mô đầu tư vào đây tăng lên gấp 4 lần chỉ trong một tuần lễ.
Ngày 16/5, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc Triệu Khắc Chí nói kiên quyết không để lặp lại tình trạng đầu cơ trục lợi lũng đoạn thị trường nhà đất. Bí thư đảng ủy Khu Hùng An cho biết đã xử lý 2.138 vụ đầu tư trái phép, ra lệnh đóng cửa 176 công ty, văn phòng đầu cơ tư trục lợi từ bất động sản.
Nguyên nhân lớn thứ hai không kém phần nghiêm trọng là tình trạng tham nhũng, thao túng thị trường tài chính, chứng khoán của các quan chức lãnh đạo ngành tài chính, tiền tệ, ngân hàng Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cho biết kể từ năm 2012 tới nay có hơn 50 lãnh đạo ngành tài chính ngân hàng của nước này bị kỉ luật trong đảng và truy tố về tội tham nhũng, trong đó từ năm 2014 tới 2017 có hơn 30 người.
Trong số này có ông Đới Tương Long, nguyên Thống đốc ngân hàng trung ương, sau đó làm Thị trưởng thành phố Thiên Tân. Đới khai nhận và cung cấp cho Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) danh sách hơn 50 quan chức thuộc ngành tài chính, ngân hàng tham ô, trong đó có 14 người từng giữ chức vụ Giám đốc ngân hàng, Phó Giám đốc ngân hàng.
Ngân hàng Trung Quốc còn cho biết kể từ thập niên 1990 tới nay có từ 16.000 – 18.000 quan chức tham nhũng, trong đó chủ yếu thuộc ngành Ngân hàng, Tài chính bỏ trốn ra nước ngoài đem theo số tiền tới 800 tỉ nhân dân tệ (NDT).
Các vụ bê bối ở nhiều tập đoàn hàng đầu như Chứng khoán Phương Chính, khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này bị điều tra với cáo buộc dính líu vụ tham nhũng của cựu Chánh văn phòng trung ương ĐSCTQ Lệnh Kế Hoạch, đã tác động không nhỏ tới dư luận và ngành tài chính tiền tệ Trung Quốc.
Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Hội đồng giám quản Ngân hàng Trung Quốc ngày 21/4/2017 cho biết nếu không chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng tài chính hiện nay thì không thể xoay chuyển được tình thế.
Năm 2017 sẽ là năm trọng điểm chấn chỉnh ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc.
Dư luận các nhà kinh tế trong và ngoài nước Trung Quốc cho rằng vấn đề dư luận quan tâm hiện nay không phải là tốc độ tăng trưởng GDP đạt bao nhiêu phần trăm, mà là đám mây đen khủng hoảng và rủi ro tiền tệ đang rình rập nền kinh tế Trung Quốc tới mức độ nào./.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét