Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Đời Thủ tướng Dũng để lại ‘đống rác’ bội chi đến thế nào?


Một báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 chuẩn bị trình Quốc hội đã phát lộ tình trạng trạng tài khóa 2015 - “buổi chợ chiều” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã bội chi gần 11,5 tỷ USD, chiếm đến 6,28% GDP.

Ngày 6.4, miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - 1


Hãy nhớ lại, vào nửa cuối năm 2015 khi chiến dịch tranh đoạt quyền lực tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền đến sát nút, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hào hứng công bố với báo chí rằng bội chi ngân sách chỉ khoảng 5%, tức còn “an toàn” và do đó vẫn còn dư địa để vay quốc tế tiếp.

Nhưng sang năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng “thất thủ”, Bộ Tài chính liền công bố tỷ lệ bội chi ngân sách 2015 lên đến 6,1% GDP.

Còn bây giờ, sau khi đã quyết toán, số bội chi 2015 là 6,28% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức kỷ lục về bội chi ngân sách 6,6% GDP của năm 2013 - cũng vào đời Nguyễn Tấn Dũng.

Một hiện tượng đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam luôn là sự xa hoa tột đỉnh đối lập với giai tầng giá áo túi cơm: làm thế nào có thể lý giải được những chiến dịch chi đậm của ngân sách cho những con đường có giá thành đắt nhất hành tinh và hàng chục công trình trụ sở công quyền có giá đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc hơn, với hình ảnh thịt chuột biến thành bữa ăn của trẻ em vùng xa cùng những người dân nghèo chết thảm khi đu dây qua suối dữ?

Vào cuối cái năm 2015 ấy, dư luận xã hội Việt Nam đã nóng bừng với hiện tượng hàng loạt trụ sở hành chính có giá trị lên đến 3.000 - 10.000 tỷ đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Phòng… Trong số đó, có cả những địa phương phải thường xuyên xin gạo cứu đói cho dân như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, nhưng không nương tay khi rút rỉa tiền ngân sách xây trụ sở hành chính.

Nhưng khi Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh bật ra một câu nói thật hiếm muộn trong trạng thái bức xúc hiếm thấy tại kỳ họp Quốc Hội hồi Tháng Mười, 2015 rằng tiền trong ngân khố nhà nước cho dự toán năm 2015 chỉ còn vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả,” sự thật đã từ trong chăn vọt ra, vào lúc tình cảnh ngân sách trở nên nguy ngập từ dưới lên và cả từ trên xuống.

Khác hẳn vài năm trước, giờ đây ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. Rất dễ hiểu là nếu chấp nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hay dự án đường cao tốc Bắc - Nam, ngân sách sẽ phải cắm đầu vay vốn nước ngoài với lãi suất cao và do đó sẽ càng làm nặng gánh nợ công quốc gia - vốn đang phi mã đến hàng trăm phần trăm GDP.

Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất chợt có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “Sụp đổ tài khóa quốc gia.”

Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!


Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ đã xa dân đến mức khó còn đường quay lùi!

Minh Quân

(VNTB)

Không có nhận xét nào: