Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

ĐẠI SỨ RUMANI CONSTANTIN LUPEANU BÌNH LUẬN VỀ TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU HOANG DÃ

Chúng tôi hy vọng cùng với Những người chân đất  đã từng được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, tác phẩm Tình yêu hoang dã sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm dân tộc  Rumani, một dân tộc có nhiều nét tương đồng với dân tộc Việt Nam...




Cùng Đại sứ Constantin Lupeanu thăm bãi đá cổ Sapa


Zaharia Stancu là một trong những nhà tiểu thuyết lớn,kiệt xuất của nền văn học Rumani; Zaharia Stancu lớn bởi khả năng thẩm thấu những nơi sâu thẳm của thế giới nội tâm con người, khả năng bơi lội trong mênh mông của biển cả ngôn từ...
Zaharia Stancu sinh năm 1902 và mất năm 1974. Ông sinh ra tại vùng quê phía nam của đất nước Rumani trong một gia đình nông dân; chính vì lẽ đó mà  cuộc sống thôn quê và những thị trấn nhỏ đã in dấu đậm nét trong nhiều tác phẩm của ông. Ông đã trải qua tuổi ấu thơ nghèo khổ và lao động cực nhọc. Năm chín tuổi ông mới được cắp sách tới trường, năm hai mươi sáu tuổi ông mới tốt nghiệp phổ thông trung học... Tuổi trẻ của ông đã trải qua rất nhiêu nghề để kiếm sống trước khi chuyển sang viết báo; ba mươi tuổi, ông đã trở thành chủ bút của tờ báo nguyệt san: Ngày nay...Hoạt động văn học và hoạt động báo chí đã gắn bó với nhau trong cuộc đời hoạt động sáng tạo của ông.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai,Zaharia Stancu hoạt động trong lực lượng cánh tả, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Rumani đã từng là uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng; từ năm 1966 cho đến khi ông mất, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani...
Tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu đã được dich ra 26 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt; ở Rumani, Những người chân đất đã được 17 nhà xuất bản tái bản nhiều lần. Tiếu thuyết Khát yêu của ông đã được dịch ra trên mười thứ tiếng, ở Rumani tiểu thuyết này đã được  năm nhà xuất bản tái bản nhiều lần...
Riêng tiểu thuyết Tình yêu hoang dã xuất bản lần đầu năm 1968 và đã được dịch ra  năm thứ tiếng.... 
  

Sách đang phát hành tại Tổng công ty Sách Việt Nam 44 Tràng Tiền, Hà Nội.

Tiểu thuyêt Tình yêu hoang dã viết về số phận trôi nổi, quăng quật của một tộc người Digan trong chiến tranh thế giới lần thứ hai; thông qua cuộc sống trôi dạt của họ nhà văn muốn nghiền ngẫm về thân phận cuả con người khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khốc liệt,đau thương và đẫm máu của chiến tranh, ngoài ra họ còn bị ràng buộc, xát chà bởi những quái tục... Chiến tranh là chiếc cối xay thịt khổng lồ nghiền nát số phận của con người. Cuộc hành trình do bị chiến tranh xô đẩy của bộ tộc Digan do Him-basa làm thủ lĩnh là một cuộc hành trình tới cái chết và sự  huỷ diệt: sự huỷ diệt của thể chất, của những giá trị tinh thần truyền đời mà bản thân bộ tộc Digan này đã thiết lập được, sự huỷ diệt của nhân tính và tình yêu... Trước những cơn trái gió trở trời của lịch sử, của số phận, trước nanh vuốt hung dữ của những cuộc chiến phi nghĩa con ngươì gần như bất lực trước khả năng làm chủ số phận, làm chủ tư tưởng tình cảm cũng như mọi hành vi... Chính vì vậy mà sự tự huỷ diệt đã trở nên như  một thứ định mệnh. Tất cả những điều này đã được Zaharia Stancu mô tả, khơi gơị và suy xét dưới cái nhìn có tính triết học...
Bằng những sáng tạo văn học của mình, Zaharia Stancu đã thật sự trở thành bạn đường của những người chân đất, của những số phận éo le, của những mảnh đời oan thảm và bất hạnh, của những kẻ cùng đường... Cho dù Zaharia Stancu viết về những ngươì nông dân về những tiểu thị dân hay về đám người Digan nay đây mai đó nhưng qua những nhân vật của ông người đọc phần nào vẫn hình dung ra được cốt cách, thân phận của dân tộc Rumani, một dân tộc nhỏ nằm ở đông nam châu Âu, một dân tộc không hiếm phen bị rơi vào tình cảnh bi phẫn do bị  xâu xé, xô đẩy bởi các thế lực bên ngoài...

                     
Chúng tôi hy vọng cùng với Những người chân đất  đã từng được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, tác phẩm Tình yêu hoang dã sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm dân tộc  Rumani, một dân tộc có nhiều nét tương đồng với dân tộc Việt Nam...

Nhà văn Constantin Lupeanu
Đai sứ Đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: