Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Liệu Biển Đông có trở thành một Crimea mới?

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Nicholas Lyall, Will the South China Sea Become the New Crimea?“, The National Interest, 07/05/2017.
Biên dịch: Trần Quang
Tập Cận Bình đã tránh được thành công hành động quá đà trên biển – nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. 
Tình bạn đang nảy nở giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian gần đây đã phản ánh những nét tương đồng trong phong cách lãnh đạo cá nhân của họ. Cả hai quốc gia đều được xác định bằng việc chú trọng vào người lãnh đạo cá nhân, ngược lại với thể chế, do đó tiêu biểu cho mô hình “thuyết nhân cách” trong đó các nhà lãnh đạo tự mô tả mình là những nhà cầm quyền mạnh mẽ và độc nhất mà số phận của toàn dân tộc phụ thuộc vào. Mô hình lãnh đạo này, vốn thường thúc đẩy các nhà lãnh đạo theo thuyết nhân cách tìm kiếm uy tín quốc gia cho đất nước của mình nhằm duy trì tiếng tăm trong nước, và cũng có thể dẫn đến sự quá đà về chính sách đối ngoại. Trong khi những nỗ lực nhằm đạt được uy tín quốc gia có thể dẫn đến việc các chế độ theo thuyết nhân cách giành được quyền lực ở bên ngoài, chúng cũng thường cũng dẫn đến việc hình thành các liên minh giữa các nước bị ảnh hưởng để chống lại chế độ theo chủ nghĩa phiêu lưu. Putin hiện đang gánh chịu những tác động của cái bẫy hành động quá đà này sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Crimea: Một chiến thắng phải trả giá đắt 
Trong khi Nga đang ngày càng lo lắng về những căng thẳng gia tăng với NATO ở vùng Baltics, thì chiến lược lớn Á-Âu của Putin vẫn đang đình trệ, vì các nước Trung Á đã trở nên nghi ngờ về chủ nghĩa đế quốc mới có thể xuất hiện của Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea. Dự án chủ đạo của chiến lược này, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), hiện đang suy tàn. Điều này là vì các rắc rối kinh tế của Nga – một phần là do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt để đáp trả hành động của Nga ở Ukraine – đã xâm nhập vào các nền kinh tế Trung Á, vốn phụ thuộc vào Nga trong phần lớn thương mại hai chiều của họ. Tác động của các biện pháp trừng phạt, bị làm trầm trọng thêm bởi sự sụt giảm giá dầu trên toàn cầu, được thể hiện qua việc kim ngạch thương mại sụt giảm giữa Kazakhstan và Nga, từ 28,5 tỷ USD năm 2013 xuống 15,5 tỷ USD năm 2015 – giảm 45%. Xu hướng của Moskva ưu tiên chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa phiêu lưu của nước này thay vì cân nhắc đến nền kinh tế khu vực đang khiến các nước thành viên EEU ngày càng thấp thỏm, một vài trong số đó đang dần dần vỡ mộng về dự án này.
Sự vỡ mộng của các nước thành viên EEU và các nước Trung Á khác về chủ nghĩa phiêu lưu của Putin, và sự nghi ngờ của họ đối với chủ nghĩa đế quốc mới của Nga, có thể làm suy yếu nghiêm trọng chiến lược lớn của Moskva. Trước hết, nó có thể khiến các quốc gia này ngày càng sẵn sàng tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với EU và Trung Quốc, điều sẽ không có lợi cho Nga. Một tác động khác có thể xảy ra là việc các nước thành viên EEU hợp tác để chống lại sự lấn át của Moskva trong liên minh. Thêm vào đó, việc Moskva thiếu vốn để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực có thể khiến các quốc gia Trung Á tăng cường tập trung vào các cải cách trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính họ. Việc giảm phụ thuộc kinh tế vào Nga do kết quả của điều đó – hiện trạng của nhiều trong số những quốc gia này – có thể dẫn đến quyền tự chủ gia tăng so với Nga.
Xét tác động tiêu cực của hành động của Putin ở Crimea tới chiến lược lớn hơn của ông, thì khả năng Tập Cận Bình phải chịu số mệnh tương tự ở Biển Đông sẽ là gì? Sự phát triển chiến lược biển của Trung Quốc kể từ cuối năm 2012 đang làm sáng tỏ điều này.
Tham vọng “cường quốc biển” của Tập Cận Bình đối với Trung Quốc 
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ nhu cầu Trung Quốc trở thành một cường quốc biển, tại một buổi học tập của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2013, là một bước ngoặt quan trọng. Bằng việc dựa trên bài phát biểu của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 11/2012 – nơi chủ đề cường quốc biển lần đầu tiên được đưa ra – việc củng cố tham vọng này của Tập Cận Bình đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ giai đoạn giữa của thiên niên kỷ trước khi Trung Quốc thể hiện nguyện vọng chân thành là trở thành một cường quốc biển vượt trội. Nó cũng báo trước một chính sách đối ngoại tham vọng và quyết đoán mà vị lãnh đạo mới đắc cử khi đó đã lên kế hoạch thực hiện.
Tại Hội nghị Công tác ngoại giao xung quanh của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2013, hội nghị đầu tiên theo kiểu này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra một nghị trình được xây dựng dựa trên việc Trung Quốc thúc giục các bên tranh chấp khu vực chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của mình, cũng như ra điều kiện để khu vực chấp nhận “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Việc Tập Cận Bình phát triển nghị trình chiến lược này trong năm 2013 đã minh họa cho một sự xem xét lại quan trọng các mô hình chính sách đối ngoại trước đây của Trung Quốc: mô hình của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”, trong khi Hồ Cẩm Đào nổi tiếng với niềm tin mạnh mẽ rằng một môi trường láng giềng hòa bình và ổn định có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Chủ tịch Tập Cận Bình được thiết kế để hợp thức hóa “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” của ông với Mỹ, nhờ đó Trung Quốc sẽ nhận được một mức độ tôn trọng và hợp tác mới từ đối phương, phản ánh sự vươn lên của Trung Quốc tới vị trí siêu cường toàn cầu. Cụm từ này là trọng tâm trong việc Tập Cận Bình củng cố hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ, và đã giúp ông có được uy tín đáng kể trong nước.
Biến động ban đầu trong việc thúc đẩy “cường quốc biển” 
Những phản ứng ban đầu của một số học giả người Trung Quốc đối với mô hình chính sách đối ngoại mới của Tập Cận Bình là cảnh giác. Wang Jisi khẳng định rằng Trung Quốc chỉ cần tập trung vào “cuộc trường chinh về phía Tây” của mình tới khu vực Á-Âu và từ bỏ lập trường mạnh mẽ ở Tây Thái Bình Dương, vì điều này sẽ chỉ dẫn đến mâu thuẫn dai dẳng và mang tính hủy hoại với Mỹ và các đồng minh của nước này. Sự thận trọng của Wang dường như là một lời tiên đoán. Các sự kiện như những gì đã xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014 – nơi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã lắp đặt một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – dường như đã đẩy các nước Đông Nam Á ngày càng xích lại gần nhau hơn trong việc chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. Khẳng định của chủ tịch tập đoàn CNOOC rằng tập đoàn sẽ phấn đấu đóng một vai trò chủ chốt trong việc đạt được tham vọng của Tập Cận Bình về việc Trung Quốc giành được địa vị cường quốc biển bằng cách sử dụng các giàn khoan dầu như là “lãnh thổ quốc gia di động” và “vũ khí chiến lược” là một dấu hiệu cho thấy lập trường của Trung Quốc trên biển đang có nhiều biến động.
Sự thúc đẩy không ngừng cho ưu thế vượt trội trên biển đã được đưa vào Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc, trong đó tuyên bố rằng sự chú trọng truyền thống của Trung Quốc vào lục quân thay vì hải quân sẽ được đảo ngược, và nhiệm vụ của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân (PLAN) sẽ được mở rộng từ việc bảo vệ lãnh thổ cho đến bao gồm các hoạt động biển khơi. Các cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLAN, như là cuộc tập trận hải quân chung Haishang Lianhe với Nga vào tháng 5/2014, chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại đang gia tăng của các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc.
Sự phản đối chung của các bên tham gia trong khu vực đối với chính sách Biển Đông của Tập Cận Bình đã dần dần gia tăng trong những năm 2014 và 2015, lên đến đỉnh điểm trong phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, nhưng sau đó đã tan đi nhanh chóng. Philippines và Mỹ, vốn sắp sửa tổ chức một liên minh quốc tế yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết tháng 7/2016, đã thất bại ở rào cản uối cùng khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay vào đó đã xoay sang nối lại quan hệ hữu nghị đơn phương với Bắc Kinh.
Sự tham gia của Philippines là quan trọng đối với số phận của bất kỳ liên minh nào sẽ đối trọng thành công với Trung Quốc, bởi khả năng Việt Nam – một bên tham gia khu vực lớn khác trong tranh chấp này – can dự một hợp tác quân sự mở rộng với Mỹ là không thể. Trong khi Mỹ đã hủy bỏ các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của mình sang Việt Nam vào tháng 10/2014, những vết sẹo tâm lý còn sót lại của cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn còn dai dẳng một thời gian. Hơn nữa, khác với Philippines, Việt Nam vốn ít có xu hướng tham gia các mối quan hệ liên minh mạnh mẽ và sau đó sử dụng chúng như một nguồn sức mạnh tập thể.
Tập Cận Bình tránh né thành công việc hành động quá đà 
Một thành tựu chiến lược lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là khả năng học cách đẩy các ranh giới đến mức giới hạn mà không mạo hiểm vượt qua nó. Cách giải quyết của Trung Quốc trong vụ việc bãi cạn Nam Luconia với Malaysia chính là một ví dụ như vậy. Tháng 9/2013, một tàu hải giám Trung Quốc đã thả neo ở khu vực bãi cạn mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, mở ra các cuộc điều trần tại Quốc hội Malaysia và những phàn nàn lan rộng từ các quan chức chính phủ. Lực lượng Hải giám Trung Quốc cuối cùng đã rút con tàu này vào tháng 11/2015, chỉ ngay trước khi Malaysia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Cách lựa chọn thời điểm khéo léo này đã ngăn vấn đề trở thành điểm trọng tâm của sự đàm luận công khai trong các hội nghị thượng đỉnh nổi bật, mà đã có thể mang lại một động lực quan trọng để chống lại Trung Quốc. Thành tích nổi bật của Trung Quốc là việc các tàu hải giám đã quay trở lại các bãi cạn này gần như ngay sau các hội nghị thượng đỉnh, nhưng khi vấn đề này phần lớn đã biến mất khỏi sự đàm luận công khai của Malaysia, nó đã không còn khả năng gây ra sự phản kháng chung.
Thành tích chiến lược khác của Tập Cận Bình là khả năng theo đuổi ngoại giao hai lộ trình. Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ kinh tế với Philippines trong những tháng gần đây, đảm bảo rằng các tranh chấp trên biển không được phép làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao toàn diện. Đề xuất về một gói đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào tháng 3/2017 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra một phản ứng “vỡ òa” từ Tổng thống Duterte, kết quả là ông đã tuyên bố rằng ông tin Trung Quốc đã công nhận một cách thỏa đáng các tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở Benham Rise, một trong những điểm nóng lớn trước đây với Trung Quốc. Khả năng cải thiện quan hệ song phương này với một nước mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ không phải là chưa từng có: Quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ đã được xác định bằng quan hệ song phương đơm hoa kết trái trong 10-15 năm qua bất chấp tranh chấp biên giới năm 1962 đến nay vẫn còn âm ỉ. Khả năng Tập Cận Bình áp dụng chiến lược ngoại giao hai lộ trình này với các nước khác liên quan đến tranh chấp Biển Đông có thể xác định một cách rõ ràng thành công hay thất bại của ông trong khu vực này.
Cho đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đạt được các mục tiêu của mình trong khi tránh né hành động quá đà về mặt chiến lược như Putin ở Crimea. Trên thực tế, sự lãnh đạo theo thuyết nhân cách của Tập Cận Bình trong một chừng mực nào đó đã có hiệu quả như ý muốn của ông ở Biển Đông, với ví dụ điển hình là mối quan hệ gần gũi của ông với Duterte. Trung Quốc đang tiếp tục củng cố các thành quả của mình, khi các dự án cơ sở hạ tầng hiện nay của nước này đã làm gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở các khu vực phía Nam của “đường 9 đoạn”. Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng tiến gần đến việc thiết lập quyền kiểm soát thực tế đối với Biển Đông khi nước này ngày càng có khả năng ngăn các nước Đông Nam Á sử dụng các vùng biển này. Trong khi Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), tình trạng trì trệ hiện nay giữa các mạng lưới liên minh của Mỹ ở Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vẫn có khả năng kiểm soát hiện trạng.
Nó có thể vẫn sai lầm như thế nào? 
Trong bối cảnh này, điều gì có thể xảy ra mà sẽ ngăn chặn sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực? Trong khi các nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục xây dựng quan hệ gần gũi với Duterte hiện đang có lợi cho Trung Quốc, có khả năng điều này sẽ phản tác dụng. Công chúng Philippines không chia sẻ quan điểm thân mật của Duterte đối với Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình. Các chuyên gia về pháp luật của Philippines đã cảnh báo Duterte rằng ông phải đối mặt với những nguy cơ bị kết tội nếu ông không có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc (trên thực tế một nhà lập pháp phe đối lập đã đệ đơn yêu cầu kết tội) và các nhân vật chính trị hàng đầu đã cảnh báo Duterte phải đảo ngược giọng điệu khúm núm của ông về sự xâm phạm của Trung Quốc. Bất chấp khuynh hướng phớt lờ chỉ trích của mình, Duterte có lẽ buộc phải chịu thua trước áp lực ngày càng tăng của công chúng nếu Trung Quốc không dịu bớt thái độ của nước này. Tập Cận Bình sẽ phải đưa ra một quyết định quan trọng về vấn đề này. Lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa mới của Trung Quốc bên trong “đường 9 đoạn” có thể là ngòi nổ khiến Philippines rút khỏi mối quan hệ hiện nay với Bắc Kinh. Sau đó, nếu Chính quyền Trump nhận ra, Mỹ sẽ có một cơ hội để khôi phục quan hệ đối tác với Manila. Điều này có thể mang lại một nền tảng để Mỹ sau đó có thể xây dựng một chiến lược đối trọng thành công với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình đang có ưu thế ở Biển Đông. Định hướng tương lai của cuộc tranh chấp lãnh thổ này phần lớn phụ thuộc vào việc liệu Tập Cận Bình có duy trì theo đuổi thành công chính sách ngoại giao hai lộ trình cũng như khả năng của ông tránh vượt qua những “vạch đỏ” chính. Chẳng hạn như việc bắt đầu các dự án xây dựng trên bãi cạn Scarborough có thể là chất xúc tác dẫn đến hình thành một liên minh quốc tế có thể ngăn chặn Trung Quốc.
Nicholas Lyall là nghiên cứu viên tại trường Đại học Quốc gia Úc. Lĩnh vực chính mà ông quan tâm là về Nga, Trung Quốc, đặc biệt là về an ninh mạng, an ninh biển liên quan đến Nga và Trung Quốc. Ấn phẩm gần đây của ông đều viết về chiến tranh phức hợp của Nga, chủ yếu liên quan đến những căng thẳng hiện tại với NATO.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/28/lieu-bien-dong-co-tro-thanh-mot-crimea-moi/#sthash.OcAReUrq.dpuf

Không có nhận xét nào: