Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân ( bài đã bị xóa trên Vietnamnet )

Vũ Ngọc Hoàng
           
          Nhân dịp các cơ quan ở trung ương đang thảo luận về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, với mong muốn góp một tiếng nói, tôi xin được trao đổi một số ý kiến để bạn đọc tham khảo. Từ sau đại hội XII đến nay, các cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm đáng kể đối với vấn đề doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ thế là rất đúng. Nếu như trước đây, trong thời chiến tranh giữ nước, việc xây dựng các đơn vị bộ đội “cụ Hồ” để làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi, thì ngày nay, trong hòa bình phát triển kinh tế, việc xây dựng các doanh nghiệp VN để làm nòng cốt trong kinh tế thị trường cũng có ý nghĩa quan trọng tương tự.
          Trong lịch sử nhân loại, thuở ban đầu, khi con người bắt đầu xuất hiện, do yêu cầu sinh tồn, hoạt động kinh tế lúc bấy giờ là hái lượm. Nói cách khác, là kinh tế hái lượm. Sau đó, do tác động của thực tiễn, nhận thức của con người tiến bộ dần, công cụ lao động được cải tiến, sản xuất (kinh tế) tự cấp tự túc bắt đầu. Khi sản xuất có dư thừa và nhu cầu của cuộc sống đa dạng hơn, con người đã thực hiện trao đổi các sản phẩm làm ra, thì kinh tế hàng hóa xuất hiện. Khi kinh tế hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định, trong xã hội hình thành các phạm trù giá trị và giá cả, quan hệ cung cầu và cạnh tranh, không phải cá biệt, đơn lẻ mà thành các xu hướng, thì đó là lúc kinh tế thị trường bắt đầu, cùng với các quy luật khách quan, vô hình, nhưng mạnh mẽ, tác động chi phối nền kinh tế, thay thế cho nhũng ý muốn chủ quan của các chủ thể có quyền lực trước đó.
           Trong quá trình phát triển của kinh tế thế giới, các nhà nghiên cứu, với các cách tiếp cận khác nhau, đã phân chia thành nhiều loại kinh tế thị trường. Như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng XHCN…và các tên gọi kiểu khác nữa (kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế thị trường hội nhập…). Việc thảo luận,  tranh luận về các tên gọi khác nhau này dài dòng và phức tạp, kể cả về học thuật và chính trị, với những nhận thức đúng và chưa đúng, với những ý kiến khoa học và sự dung hòa thỏa hiệp.
           Ở Mỹ, suốt một thời kỳ dài, người ta luôn nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do, mọi việc của nền kinh tế do thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cho đến một lần, khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ bị buộc phải chi ra nhiều ngàn tỷ USA để can thiệp vào thị trường. Từ đó, người ta không nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do như trước nữa. Tại một số nước Châu Âu, nhất là nước Đức, vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, và cuối cùng vẫn không có thắng thua. Nhưng từ những cuộc tranh luận ấy đã làm nảy sinh và xuất hiện một cụm từ-khái niệm mới về “kinh tế thị trường xã hội” mà trong đó, nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước vì các mục tiêu xã hội. Tôi nghĩ đây là một khái niệm, một loại hình đang và sẽ thịnh hành nhất trong tương lai. Tại Trung Quốc, với tư tưởng xây dựng một xã hội XHCN đặc sắc Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra kinh tế thị trường XHCN, trong khi họ chưa có CNXH. Việt Nam thì mềm hơn, phù hợp hơn so với Trung Quốc, đã chọn cụm từ “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vậy là thế giới đã có nhiều tên gọi khác nhau về các loại kinh tế thị trường. Tuy nhiên, rộng rãi nhất, đã được quốc tế hóa, sử dụng phổ biến ở các văn bản quốc tế, đó là cụm từ-tên gọi “kinh tế thị trường”. Chỉ gọn vậy thôi. Không thêm từ gì nữa. Thế giới đã thống nhất cao đối với cụm từ đó. Việt Nam ta, mặc dù viết trong các nghị quyết và văn bản là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhưng cũng vẫn phải kêu gọi thế giới công nhận ta là nước có nền “kinh tế thị trường”. Ta không thể yêu cầu họ công nhận ta là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” vì thực ra thì thế giới chưa hiểu về khái niệm này, mà có công nhận cũng chẳng để giải quyết vấn đề gì giữa ta với họ. Đó là một thực tế.
           Từ ngữ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nội hàm của khái niệm. Cần hiểu đúng để không làm sai. Suốt một thời gian dài, trên thế giới, không ít người, nhất là ở các nước theo định hướng XHCN, cho rằng kinh tế thị trường là đặc điểm của CNTB, còn CNXH thì phải là kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Ngày ấy, ai nói khác, ai chủ trương phải chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thì bị Liên-Xô và phe XHCN phê phán và quy chụp là xét lại. Thậm chí còn nâng lên là chủ nghĩa xét lại. Năm 1968, khi ban lãnh đạo Tiệp-Khắc chủ trương cải tổ bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường và thực hiện dân chủ hóa thì Liên-Xô lập tức đổ quân vào Tiệp-Khắc và tuyên bố ban lãnh đạo ấy là xét lại, phế truất họ và lập ban lãnh đạo mới để kiên định cách làm như cũ. Những năm sau đó, nhất là sau khi Liên-Xô bị đổ, mọi người đã nhận thức lại, với tư duy thoáng mở và đúng đắn hơn, cho rằng kinh tế thị trường không phải riêng của CNTB, mà các nước XHCN cũng cần phải thực hiện kinh tế thị trường thay cho kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đó là giai đoạn cải cách, đổi mới ở các nước theo định hướng XHCN. Tư duy đó là đúng, nhưng lại chưa đi đến cùng, vẫn còn cho rằng kinh tế thị trường ở các nước XHCN phải khác về chất so với kinh tế thị trường ở các nước TBCN. Với tư duy chưa đúng này đã dẫn đến những lúng túng trong xử lý công việc cụ thể, kể cả cách gọi tên. Tất nhiên việc lúng túng trong cách gọi tên cũng có thể một phần do sự dung hòa, thỏa hiệp khi có ý kiến khác nhau trong nội bộ.  Đã mất một thời gian khá dài để tìm kiếm các điểm khác nhau đó.
            Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH. Lúc đầu là tư duy của một bộ phận quan trọng trong giới chính trị, kể cả bên phe này và bên phe kia, từ đó lan rộng ra trong hai hệ thống chính trị của thế giới và tác động sang lĩnh vực khoa học xã hội và truyền thông. Với tư duy sai lầm đó, người ta đã chia thế giới ra thành hai phần chủ yếu, hai phe, TBCN và XHCN, đi về hai hướng khác nhau, với tư tưởng và ý thức hệ riêng của mỗi bên, đối địch với nhau, chạy đua vũ trang đến mức chưa từng có, tạo ra kể cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, đủ để có thể tiêu diệt nhiều lần trái đất, có lúc đã đối đầu xe tăng, đại bác và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào nhau, đã gây nên một số cuộc chiến tranh làm chết nhiều chục triệu người. Để rồi bây giờ, sau gần một thế kỷ đối đầu như vậy, đã phải bắt tay nhau để cùng giải quyết nhiều việc của song phương, của khu vực và của toàn cầu, kể cả coi nhau là đối tác chiến lược, toàn diện. Từ cựu thù thành bạn giữa con người với con người là việc đáng mừng, đáng ủng hộ. Nhưng bản thân sự ấy cũng đã chứng minh sai lầm trước đó, chứng minh sự “lẩm cẩm” từng có ở tầm nhân loại. Xét riêng ở một bên (một phe), thì có thể biện minh cho họ là không sai, vì chính bên kia đã đẩy họ đến đó. Nhưng xét cả hai bên cùng lúc, thì sẽ thấy sai lầm của họ-của cả hai bên. Sai lầm này, xét đến cùng, là do cả hai bên đều không chấp nhận sự đa dạng của tư tưởng, văn hóa và mô hình phát triển, trong khi họ đang và phải sống trong một thế giới ngày càng đa dạng và hội nhập. Sai lầm ấy là do tư duy không khoa học và thiếu biện chứng.
           Cũng với tư duy sai lầm nói trên, người ta cho rằng nhân loại có hai con đường riêng. Một con đường của chủ nghĩa tư bản lâu dài. Và một con đường khác, gần như khác hẳn, dẫn đến CNXH. Hai con đường này đi về hai hướng khác nhau, mãi mãi, không dung hòa, không chấp nhận, không gặp lại nhau. Đó là cách tư duy siêu hình, không phải biện chứng, khác với tư duy của K. Marx.  K. Marx không tư duy như vậy. Theo K. Marx, CNTB sẽ phát triển lên, phát triển tiếp, và dần dần hình thành trong lòng nó, trong chính nó, những nhân tố mới, khác nó, không phải là nó, như một quy luật tất yếu. Đến khi nhiều nhân tố mới hợp lại, tích tụ lại, đến mức đủ nhiều, dẫn đến sự thay đổi về chất, khi ấy, CNTB không còn là nó như trước nữa, mà trở thành một xã hội khác nó, tiến bộ hơn nó. Đó là CNXH. Tư duy đó của K. Marx là biện chứng, có cơ sở khoa học. Mặc dù không phải cái gì ông nghĩ ra cũng đều đúng, và điều đó cũng là dễ hiểu. Mọi người, kể cả các nhà khoa học lớn, kể cả các vĩ nhân cũng vậy, vẫn có nhiều điều, ngay từ đầu hoặc khi thời gian đi qua, không đúng hoặc không còn phù hợp nữa. Trong tư duy của K. Marx, một phần đáng kể thuộc về khoa học, một phần khác thuộc về tư biện, và trong đó, có những hạn chế của yếu tố lịch sử. Nghiên cứu thực tiễn của thế giới cho thấy, CNTB hiện đại ngày nay đã khác rất xa so với CNTB thời K. Marx sống và viết tư bản luận. Nó đã không còn như trước nữa, đã có một bước tiến rất dài về mục tiêu xã hội và phương thức xã hội hóa. Tức là đã gần hơn một cách đáng kể với CNXH. Họ đã tiến gần hơn đến CNXH không chỉ so với chính họ trước đây, mà kể cả so với các nước đã từng hoặc đang định hướng XHCN trên thế giới. Cũng tức là thực tiễn lịch sử đã và đang chứng minh tư duy của K. Marx về CNTB và CNXH là có cơ sở. Đó là ta nói về CNXH chân chính, lành mạnh, hợp quy luật, chứ không phải cái CNXH hình thức, nhân danh, giả mạo hoặc do tư duy và cách hiểu sai lầm, duy ý chí khá phổ biến lâu nay trong thực tế. Những tư duy sai lầm đó mãi đến nay, dù đã có những đổi mới nhất định, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tư duy cũ. Việc này xin sẽ tiếp tục bàn sâu hơn trong một chuyên đề khác.
           Trở lại vấn đề kinh tế thị trường. Trong CNXH, kinh tế thị trường sẽ có gì giống hoặc khác so với kinh tế thị trường trong CNTB ? Nói trong CNTB là nói cái thực tế đã có. Nói trong CNXH là nói về cái dự báo, chứ chưa có. Dự báo thì dù có cơ sở khách quan vẫn thường chứa đựng cùng lúc cả khoa học và tư biện, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế. Kinh tế thị trường thì dù trong CNTB hay trong CNXH vẫn phải là kinh tế thị trường, chứ không thể là cái khác, không để biến tướng thành dị dạng tật nguyền. Bản chất là giống nhau. Cơ bản không khác nhau. Điểm khác nhau chủ yếu là ở trình độ phát triển. Trong đó, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa là những nội dung hàng đầu. Cũng xin nói thêm rằng, các mặt ấy, tức là về trình độ phát triển, thì hiện nay kinh tế thị trường ở nước ta và Trung Quốc còn thua xa nhiều nước mà ta gọi họ là TBCN. Đáng lưu ý hơn nữa là trong vòng 40 năm qua, nước ta dù có phát triển khá nhiều so với chính mình, nhưng lại vẫn bị tụt hậu xa hơn so với họ. Xét theo nghĩa đó, họ đang XHCN hơn ta, hơn Trung Quốc, dù họ không tuyên bố theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ta muốn thành CNXH thì phải hơn họ. Mà muốn hơn họ thì trước tiên là phải phấn đấu cho bằng họ. Và muốn bằng họ, trong khi ta đang ở phía sau, thì chỉ có một con đường là phải phát triển với tốc độ, nhịp độ và hiệu quả cao hơn họ. Việc đó không hề đơn giản, có người còn cho là ảo tưởng. Tôi nghĩ vẫn có cách nếu đủ thông minh. Phải có cán bộ giỏi, thật sự có năng lực, hết lòng tâm huyết với việc chung, không tham nhũng và “lợi ích nhóm”, cộng với việc biết tập họp, phát huy trí thức và sử dụng tối đa kinh nghiệm và chất xám của nhân loại. XHCN trước nhất phải là kết quả của hoạt động trí tuệ sáng tạo, chứ nhất định không thể là bảo thủ giáo điều. Đương thời khi còn sống, K. Marx đã từng không phải một lần có nói rằng, ông làm khoa học, muốn dự báo khoa học, chứ ông không định làm “chủ nghĩa”. Ông nói ông không phải là người Mác-xít. Sau này, khi K. Marx đã qua đời, một số đồng chí của ông cho rằng, để chiếu cố phong trào công nhân, cần có một ngọn cờ lý luận, thì không ai xứng đáng bằng K. Marx, vậy là từ đó, người ta gọi các quan điểm của ông là “Chủ nghĩa Mác”.
           Theo tôi, nền kinh tế thị trường trong CNXH trước tiên phải là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó, như nó vẫn có phổ biến lâu nay trong thế giới các nước phát triển, đồng thời phải ở trình độ cao hơn. Đại hội XII của Đảng CSVN đã khẳng định sự cần thiết của một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đó là quan điểm đúng đắn nhằm bảo đảm cho kinh tế thị trường không bị biến dạng bởi sự chủ quan duy ý chí. Tiếp đến, nếu phân loại sâu hơn thì, kinh tế thị trường trong CNXH sẽ là một nền kinh tế thị trường xã hội. Trong đó, có vai trò đáng kể của nhà nước đối với việc điều tiết nền kinh tế vì mục tiêu xã hội. Nhà nước điều tiết một cách khoa học chứ không phải can thiệp thô bạo vào thị trường, càng không làm thay hoặc chống lại thị trường. Chính sách của nhà nước phải phù hợp với kinh tế thị trường, dựa vào các quy luật của thị trường để điều tiết chính nó. Nhà nước không kinh doanh, không để các cơ quan hành chính đi kinh doanh, các cơ quan chuyên chính càng phải thế. Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các “nhóm lợi ích”. Trong nền kinh tế thị trường đó, năng suất lao động, trình độ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa phải cao hơn các nước phát triển hiện nay.
              Sự lãnh đạo và quản lý (ngày nay người ta còn gọi quản trị quốc gia) là cần thiết. Nước nào cũng vậy. Nhưng không thể tư duy rằng, có sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước là đương nhiên thành một đặc trưng của kinh tế thị trường trong CNXH. Cách suy nghĩ này có phần chủ quan, không biện chứng. Giống như cách lý luận rằng, cái do ta làm ra là cái tốt nhất. Chắc gì! Nếu lãnh đạo và quản lý đúng, phù hợp quy luật khách quan, thì mới có nền kinh tế thị trường trong CNXH. Còn nếu lãnh đạo và quản lý không đúng, bị sai lầm, thì sẽ không có nền kinh tế như ta mong muốn. Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào.
              Cần phân biệt giữa kinh tế nhà nước và kinh tế doanh nghiệp (nhà nước). Kinh tế doanh nghiệp và kinh tế nhà nước là hai phạm trù khác nhau, nằm ngoài nhau. Kinh tế doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước) nằm ngoài phạm trù kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước nên tiếp tục cổ phần hóa, chỉ còn lại rất ít, không đáng kể, hạn chế tối đa, càng ít càng tốt, có tính cá biệt chứ không phải là phổ biến, chỉ còn để phục vụ trực tiếp cho mục đích quốc phòng mà doanh nghiệp các thành phần khác không làm được. Doanh nghiệp nhà nước vẫn thuộc phạm trù kinh tế doanh nghiệp, như mọi doanh nghiệp khác, không phải phạm trù kinh tế nhà nước, không nên đưa vào trong bộ phận hợp thành kinh tế nhà nước, càng không phải là bộ phận then chốt của kinh tế nhà nước như trước đây ta vẫn nói. Còn kinh tế nhà nước là một phạm trù khác, không phải là một thành phần kinh tế như lâu nay vẫn thường quan niệm. Đó là ngân sách nhà nước và các quỹ dự trữ tài chính của quốc gia. Tài nguyên quốc gia do nhà nước quản lý cũng chưa tính vào kinh tế nhà nước vì tự nó chưa phải là một loại hoạt động kinh tế nào. Khi nhà nước bán các tài nguyên ấy, nhập vào ngân sách chung hoặc các quỹ dự trữ tài chính của quốc gia thì lúc ấy mới tính vào kinh tế nhà nước. Vậy, vai trò của kinh tế nhà nước sẽ là gì trong nền kinh tế ? Là trung tâm và công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường xã hội. Nói gọn lại là vai trò “điều tiết”. Điều tiết chứ không phải lãnh đạo. Không nhầm lẫn vai trò của kinh tế nhà nước với vai trò của nhà nước. Vậy thì thành phần kinh tế nào là chủ đạo? Trước tiên cần thống nhất với nhau thế nào là chủ đạo. Đạo là đường, là con đường; chủ đạo là con đường chủ yếu, là hướng chủ yếu. Không thể cái nào cũng có thể trở thành chủ đạo. Một hướng đi mà sẽ tắt đường, không đến đích được thì không thể là chủ đạo. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định điều này. Đó là quan điểm đúng. Để có bình đẳng thật sự thì không nên quy định thành phần kinh tế nào là chủ đạo. Trong thực tế, một thành phần kinh tế nào đó sẽ trở thành chủ đạo khi nó đóng được vai trò quan trọng nhất, chi phối nhiều nhất đối với nền kinh tế. Muốn vậy, nó nhất định phải hiệu quả nhất. Do có hiệu quả nhất nên nó sẽ lớn mạnh nhất. Như vậy, sự chủ đạo là một kết quả khách quan, do hiệu quả kinh tế-xã hội quy định. Theo tôi, có cơ sở để dự báo rằng, trong chủ nghĩa xã hội kinh tế cổ phần sẽ đóng vai trò chủ đạo. Kinh tế cổ phần là sự phát triển lên từ kinh tế tư nhân. Nó không phủ định kinh tế tư nhân, mà trên cơ sở kinh tế tư nhân, do kinh tế tư nhân phát triển đến lúc vượt qua phạm vi của chính mình thì tự nó trở thành kinh tế cổ phần. Tất nhiên trong thực tế kinh tế cổ phần cũng còn cách khác để hình thành. Nhưng không phải là cơ bản, không phải là hướng chính. Hiệu quả nhất, bền vững và hợp quy luật nhất, là kinh tế cổ phần ra đời trên nền tảng của kinh tế tư nhân. Như vậy, có thể đi đến một ý kiến nữa, trong thời kỳ quá độ, kinh tế tư nhân là con đường chính. Và cũng không phải hết thời kỳ quá độ thì kinh tế tư nhân không còn vai trò nữa. Không phải thế! Hết thời kỳ quá độ kinh tế tư nhân vẫn giữ vai trò quan trọng, là nền tảng, là bộ phận chính để hợp thành và là nơi xuất phát để tự nó trở thành kinh tế cổ phần, đồng thời là hậu cứ khi cần tạm lui của kinh tế cổ phần.
              Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân có mối quan hệ biện chứng và mật thiết với nhau. Sự phát tiển của chúng sẽ là tiền đề, điều kiện, là nhân tố thúc đẩy hoặc kìm hảm lẫn nhau. Kinh tế tư nhân khó mà phát triển mạnh khi kinh tế thị trường không phát triển, và ngược lại. Không thể muốn kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ mà không muốn kinh tế tư nhân. Nói thế không có nghĩa là các thành phần kinh tế khác (ngoài kinh tế tư nhân) không có quan hệ với kinh tế thị trường. Điểm muốn nói ở đây là giữa kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân có quan hệ nhiều nhất, hơn các thành phần kinh tế khác. Điều đó là do, kinh tế thị trường yêu cầu sự năng động nhất và kinh tế tư nhân thì đáp ứng tốt nhất yêu cầu năng động đó.
           Ở nước ta, kinh tế tư nhân có từ thời Pháp thuộc, mặc dù lúc ấy mới sơ khai, ban đầu, còn rất ít, và chủ yếu là tư bản nước ngoài-tư bản Pháp. Kinh tế cá thể thì có trước đó, trước xa, từ thời phong kiến trước Pháp thuộc. Trên thế giới cũng vậy, kinh tế tư nhân xuất hiện sau (so với kinh tế cá thể) và lớn mạnh nhanh chóng gắn liền với thời kỳ phát triển mạnh của kinh tế thị trường và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Chỉ sau một thời gian không dài, khoảng vài thế kỷ, nhưng CNTB với vai trò hàng đầu của kinh tế tư nhân, đã tạo ra một lượng của cải vật chất “khổng lồ”, bằng tổng số của cải mà loài người đã tạo ra suốt mấy ngàn năm trước đó.
            Ở nước ta, kinh tế thị trường mặc dù đã manh nha từ trước, nhưng thực chất cũng mới phát triển nhiều trong mấy chục năm gần đây, sau khi tiến hành đổi mới. Trước đây, kể cả ở Miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975, trong một thời gian khá dài, kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận. Lúc đó, nhiều người đã coi kinh tế tư nhân là đặc điểm riêng có của CNTB, nó còn lại như là một “tàn dư” của chế độ cũ. Ý kiến khác thì cho rằng kinh tế tư nhân là tạm thời, là quá độ, là “sách lược”, không lâu dài, không đại diện cho một tương lai. Ngày đó chúng ta đã thực hiện cải tạo công-thương nghiệp, làm cho một xu hướng phát triển cần thiết mới bắt đầu đã phải dừng lại, thậm chí tan tát, mất hết sức lực, lại bị mất tinh thần, sau này cứ ám ảnh, không dám phát triển, sợ bị “vỗ béo để thịt” như nhiều người đã nói. Nhận thức và chính sách ấy là rất sai lầm. Tất nhiên sau đó đã thấy sai và đã sửa. Không riêng ở nước ta. Liên-xô, Trung quốc và các nước XHCN trước đây ở Đông Âu cũng vậy. Ta học và làm theo họ. Nhận thức sai lầm này có nguồn gốc và nguyên nhân của nó. 
            Trước đây người ta đã nghĩ rằng, sở hữu tư nhân là nguồn gốc sản sinh ra CNTB. Kinh tế tư nhân gắn liền với CNTB, thuộc về chủ nghĩa tư bản. Còn chủ nghĩa xã hội thì phải khác, phải ngược lại. Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân không có vai trò trong CNXH. Công hữu mới là con đường đi đến và là đặc trưng cốt lõi của CNXH. Đúng là K. Marx đã có lúc nhấn mạnh “công hữu” trong xã hội tương lai (XHCN). Ông và Ăng-ghen nói điều ấy vào thời kỳ viết Tuyên ngôn cộng sản. Nhưng đó là lúc K. Marx và Ăng-ghen còn rất trẻ, 29 và 27 tuổi, hăng hái và đầy nhiệt huyết. Sau này, tiếp tục nghiên cứu quá trình phát triển trên thực tế của các nước tư bản, khi đã chín muồi về tư duy, thì K. Marx đã có những ý kiến mới, ý kiến khác. Khi thấy kinh tế cổ phần xuất hiện, ông đã cho rằng đó là con đường để đến xã hội tương lai. Theo tôi hiểu, K. Marx đã nhận định kinh tế cổ phần mới là con đường đi đến CNXH. Đó là sự điều chỉnh đúng và rất quan trọng trong tư duy của ông. Rất tiếc là các tài liệu nghiên cứu sau đó không nói rõ vấn đề này mà luôn nhấn mạnh “công hữu”- cái mà K. Marx đã muốn điều chỉnh, từ đó, nhấn mạnh đến kinh tế nhà nước. Như đoạn trên đã trình bày, kinh tế tư nhân phát triển dần lên, đến khi “vượt qua” chính mình thì xuất hiện kinh tế cổ phần, và đồng thời với nó là sở hữu xã hội ra đời. Kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội chẳng những không đối lập, không loại bỏ kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, mà ngược lại còn xuất hiện trên cơ sở của sự phát triển ở trình độ cao của kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân. Nói cách khác, kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, do quy luật phát triển “tự nhiên” của chính nó, K. Marx gọi là quá trình lịch sử-tự nhiên của nó, đã tự biến đổi dần, hiện đại lên, thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội. Sự ra đời của kinh tế cổ phần hoàn toàn không phải là sự kết thúc của kinh tế tư nhân, mà là một sự tiếp tục, sự phát triển “nhảy vọt”, về chất. Trong kinh tế cổ phần, vai trò của các tư nhân không bị đánh mất, sở hữu tư nhân đối với phần vốn của họ không bị tướt đoạt, nó tồn tại lâu dài mãi, và có thể ngày càng tăng thêm lên nếu như hoạt động kinh tế có hiệu quả tốt, nó chỉ khác ở chỗ là quá trình quản trị , tổ chức kinh doanh và thực hiện phân phối đã được xã hội hóa. Ăng-ghen có lần đã nói Marx và ông muốn viết lại, muốn sửa đổi một số vấn đề trong Tuyên ngôn cộng sản đã viết, nhưng không làm được vì tài liệu ấy mang tính chất lịch sử, chỉ còn cách là phải có bổ sung và điều chỉnh trong các tài liệu khác.
Hiện nay, tại nhiều nước phát triển, phần vốn cổ phần huy động từ xã hội đã chiếm đại bộ phận so với tổng số vốn đầu tư phát triển. Còn phần vốn tư bản tư nhân chỉ còn lại số ít. Với tỷ lệ ấy, sở hữu xã hội đã trở thành phổ biến. Khi sở hữu xã hội sẽ ngày càng phổ biến trong nền kinh tế thì tính chất chính trị của xã hội cũng thay đổi theo, dân chủ hóa phát triển, quyền lực từ chỗ bị giới tài phiệt nắm giữ và chi phối (thời kỳ đầu của CNTB) sẽ chuyển sang thuộc về nhân dân. CNTB hiện đại đã xuất hiện theo con đường như vậy. Chính điều này đã góp phần quan trọng nhất để CNTB không còn là nó như vốn có trước kia, mà trở thành CNTB hiện đại ngày nay – đã khác rất nhiều, đã khác căn bản về chất so với CNTB thời K. Marx sống và viết Tư bản luận. Nói cách khác, CNTB dần dần không còn là CNTB nữa, mà chính nó đã tiến gần đến CNXH. Trong khi đó, tại các nước định hướng XHCN, trong đó có VN, kinh tế (doanh nghiệp) nhà nước rất kém hiệu quả, phần lớn đã thua lỗ kéo dài, lãi thì bị đem phân chia, nhưng lỗ thì nhà nước gánh chịu, nợ nần chồng chất, tham nhũng nhiều, mất tiền, mất cán bộ và mất lòng tin. Khác hẳn kinh tế nhà nước, trong nội bộ kinh tế tư nhân, vấn đề tham nhũng của doanh nghiệp sẽ bị triệt tiêu, tiết kiệm và chống lãng phí cũng sẽ tốt hơn nhiều. Việc thất thoát của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua cũng đã lên tới nhiều trăm ngàn tỷ đồng. Riêng điều đó cũng đã chứng tỏ kinh tế nhà nước nhìn chung kém xa so với kinh tế tư nhân về mặt hiệu quả kinh tế. Tôi cũng không rõ tại sao lại có tài liệu đánh giá là kinh tế nhà nước có hiệu quả tốt? Theo chỗ tôi biết thì mấy năm trước đã có ý kiến phân tích rằng, doanh nghiệp nhà nước có lúc đã chiếm giữ phần lớn nguồn lực chủ yếu của quốc gia nhưng mới tạo ra phần ít GDP, còn kinh tế ngoài quốc doanh chỉ chiếm phần ít nguồn lực nhưng lại tạo ra phần lớn GDP ? Nếu tư liệu đó là đúng thì hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là rất thấp so với ngoài quốc doanh. Thực tế về tình hình và kết quả hoạt động kinh tế những năm qua cho thấy, không thể tiến lên CNXH bằng việc tạo ra chế độ công hữu về tư liệu sản xuất theo ý muốn chủ quan, cùng với việc lập ra nhiều doanh nghiệp nhà nước cácác loại để trực tiếp quản lý các nguồn tài nguyên và hoạt động với cơ chế ưu tiên hơn các thành phần kinh tế khác. Mà CNXH chỉ có thể là kết quả tất yếu của một nền kinh tế thị trường, mà trong đó kinh tế tư nhân phát triển rất cao, đến mức vượt qua giới hạn của chính mình để trở thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội, cộng với một nền văn hóa giàu tính nhân văn và một nền chính trị thật sự dân chủ.
           Đại hội XI của Đảng CSVN khi nói về đặc trưng của CNXH, đã điều chỉnh từ chỗ nhấn mạnh vai trò của “công hữu” về tư liệu sản xuất (trước đó) sang quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp”. Nói quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp” thì không sai, nhưng vẫn còn rất trừu tượng, chưa đủ rõ và không ít khó khăn trong chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc không nói đến “công hữu” trong đặc trưng của CNXH là một bước tiến đáng kể trong đổi mới tư duy. Đại hội XII tiếp tục phát triển tư duy theo hướng tiến bộ, khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” trong xây dựng và phát triển đất nước. Nói kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” là vừa phải, xét theo tư duy chính trị trong hoàn cảnh cụ thể của nhận thức chung, nhưng cũng là chưa đủ, xét theo tư duy kinh tế. Tôi nghĩ, kinh tế tư nhân ở VN rất cần và tất yếu sẽ phát triển lâu dài, mãi mãi, không giới hạn về thời gian và quy mô. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và lành mạnh sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để cho đất nước phát triển, chẳng những không sợ chệch hướng mà ngược lại sẽ là con đường chính, con đường chủ yếu để đi đến CNXH. Chắc mới nghe qua nhiều người sẽ cảm thấy như “ngược đời” hoặc cho là có sự “nhầm lẫn” hay “chệch hướng” nào đó. Nhưng không! Đó là ý kiến nghiêm túc và có trách nhiệm, chứ không nhầm lẫn gì đâu. Vì rằng, kinh tế tư nhân sẽ đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội-chính trị lớn hơn nhiều, so với doanh nghiệp nhà nước, xét trên nhiều phương diện. Như phần trên đã nói, doanh nghiệp nhà nước đã làm mất lòng tin quá nhiều, mất gần như đa phần rồi, mặc dù vẫn còn một số ít doanh nghiệp có hiệu quả, nhưng không thể bù lại được sự mất mát quá lớn đã xảy ra. Các năm gần đây nhiều dự án làm mất đi nhiều ngàn tỷ đồng đã hủy hoại lòng tin của dân chúng đối với các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Gần đây, với sự kiên quyết hơn trong chống tham nhũng của Bộ Chính trị và Chính phủ được nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân hoan nghênh đã bắt đầu khôi phục một phần lòng tin, dù chưa nhiều nhưng quan trọng. Tuy nhiên, đó mới là lòng tin về chính trị, còn lòng tin đối với doanh nghiệp nhà nước thì vẫn không trở lại. Từ lòng tin đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ dẫn đến lòng tin đối với nhà nước. Để mất lòng tin thì sẽ làm hỏng và sụp đổ nền tảng chính trị. Mất lòng tin là mất tất cả. Trong kinh tế có quy luật rằng: Khi đạt hiệu quả cao mới có thể tái sản xuất mở rộng nhiều, tức là mới có thể phát triển mạnh. Mặt khác, kinh tế thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ nhất khi nó gắn với kinh tế tư nhân. Mà kinh tế thị trường trong CNXH chỉ có thể là sự tiếp nối kinh tế thị trường trong CNTB, chứ không thể nảy sinh từ “ý chí chủ quan”. CNXH nhất thiết phải là kết quả của một sự phát triển cao và bền vững về kinh tế, và từ đó, tạo điều kiện tác động tới (và tác động trở lại) để có một nền văn hóa giàu tính nhân văn. Phát triển mới là con đường đúng nhất đi đến CNXH. Giáo điều và duy ý chí không thể đến được CNXH thực chất, thậm chí sẽ ngày càng  chệch hướng xa hơn và khủng hoảng. Các nước Bắc Âu đã tiến đến gần với CNXH, họ đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tác động tư tưởng của quốc tế XHCN mà trước đây Liên-xô và phe XHCN đã từng nhiều lần lên án và ghép vào “chủ nghĩa xét lại”, trong khi đó, mô hình mà Liên-xô và các nước Đông Âu lựa chọn thì đã thất bại và sụp đổ trên thực tế. VN, TQ và Cu-ba thì còn quá xa để có thể tới được CNXH, thậm chí nếu không đổi mới một cách căn bản thì khó mà đến được CNXH.
          Để kinh tế tư nhân ở nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cần tập trung giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa kinh tế tư nhân với kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, đồng thời có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và khởi nghiệp, không tham nhũng, tiêu cực và “lợi ích nhóm”; bảo vệ lâu dài quyền sở hữu tài sản cá nhân và sở hữu trí tuệ.
          Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn, thuộc về tư duy đổi mới. Trong cổ phần hóa có hai yêu cầu chính yếu: Thứ 1, phải hướng đến một năng suất và hiệu quả cao hơn. Thứ 2, tạo ra sở hữu xã hội. Chính yêu cầu thứ hai là sự phân biệt giữa cổ phần hóa và tư nhân hóa. Nếu nhân danh “cổ phần hóa” để rồi thực hiện tư nhân hóa mà gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho một số cá nhân trong “nhóm lợi ích” thì quả là sai lầm lớn. Nói vậy không phải xuất phát từ định kiến với tư nhân hóa. Nhưng cái gì nó phải ra cái đấy, cần minh bạch rõ ràng. Nhà nước có thể bán doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân, vẫn tốt, không sao cả. Đó là tư nhân hóa. Còn cổ phần hóa thì phải đúng là cổ phần hóa, để góp phần hình thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội. Doanh nghiệp nhà nước nào nên cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước nào nên tư nhân hóa là một bài toán mà lời giải của nó phải xuất phát từ cơ sở khách quan, khoa học, gắn với tư duy đúng về quản trị doanh nghiệp và nhất là mục tiêu phát triển hiệu quả, chứ không phải là suy nghĩ chủ quan, càng không phải “lợi ích nhóm”. Để có thể phân loại và có hướng xử lý đúng, cần có một số tọa đàm khoa học để thảo luận.
                                                         Hà Nội đầu tháng 5.2017

Trung Quốc đang đánh vào nền kinh tế của láng giềng như thế nào?

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là một thị trường tiêu thụ khổng lồ với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài đánh vào kinh tế để “nắn gân” các nước láng giềng.
Mới đây nhất, Tập đoàn Lotte hồi đầu tháng 3/2017 đã trở thành nạn nhân mới của chiêu bài “đánh vào kinh tế” mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng.
Sau khi tập đoàn của Hàn Quốc này đồng ý giao lại sân golf ở vùng đông nam Seongju cho chính phủ lắp đặt hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD mà Trung Quốc cho là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này, 79 trong số 99 cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc đã bị buộc phải đóng cửa.

Lotte trở thành nạn nhân của chiêu trả đũa kinh tế của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty
Hãng tin Yonhap dẫn lời Lotte cho biết tập đoàn này có thể mất tới 66 triệu USD tại tổng thống Trung Quốc chỉ trong một tháng. Việc phải bỏ thị trường Trung Quốc là nguy cơ có thật của hãng bán lẻ này.
Rất nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc khác cũng bị o ép, tẩy chay tại thị trường Trung Quốc sau quyết định hợp tác triển khai hệ thống THAAD của Mỹ và Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực du lịch, từ ngày 8/3, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty du lịch nước này ngừng cung cấp tour đến Hàn Quốc, bao gồm các dịch vụ máy bay, khách sạn và tour bằng đường biển.
Văn hóa phẩm từ Hàn Quốc như thời trang, mỹ phẩm, đĩa nhạc hay thậm chí là nghệ sĩ Hàn Quốc cũng không tránh khỏi việc bị tẩy chay.
Tờ Diplomat dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cho biết, nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, đòn trả đũa kinh tế này của Trung Quốc có thể khiến Hàn Quốc thiệt hại từ 7,7-14,8 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu có thể thiệt hại 4,1-8,3 tỷ USD (chiếm 5-10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này).
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng đòn trả đũa không tiếng súng để đáp lại việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Do có tiềm lực kinh tế mạnh, là đối tác xuất nhập khẩu chủ lực và là thị trường lớn của nhiều nền kinh tế trong khu vực, việc trả đũa về kinh tế đã thành thông lệ của Trung Quốc.
Trong sự kiện tranh chấp lãnh hải quanh bãi cạn Scaborough năm 2014 giữa Trung Quốc và Philippines, ngoài những vụ xô xát của lực lượng hải cảnh hai bên, một cuộc chiến khác được những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc khởi xướng mà Philippines cầm chắc phần thua, đó là cuộc chiến tẩy chay hàng hóa.
Phía Trung Quốc đã chọn mặt hàng dễ gây tổn thương lớn nhất cho kinh tế Philippines là chuối để tấn công. Đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Philippines. Không chính thức áp lệnh trừng phạt, Trung Quốc chỉ dựng lên hàng rào kiểm dịch khắt khe hơn, khiến chuối của Philipines xuất sang Trung Quốc bị hoãn thủ tục nhập kho.
Trung Quốc hủy hàng chục tấn chuối từ Philippines sau khi nâng tiêu chuẩn kiểm dịch
Cùng cảnh với chuối, ngành du lịch Phillipines cũng hứng chịu làn sóng tẩy chay từ du khách Trung Quốc. Hàng loạt tour du lịch từ Trung Quốc sang các địa điểm thắng cảnh của Philippines bị hủy bỏ.
Ngay cả một cường quốc kinh tế khác là Nhật Bản cũng trở thành nạn nhân của chiêu bài “đánh vào kinh tế” của Trung Quốc liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư.
Năm 2012, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, trong khi đây là nguyên liệu không thể thiếu của ngành công nghệ cao của Nhật.
Với vị thế gần như độc tôn, là quốc gia xuất khẩu 90% thị phần đất hiếm thế giới, Trung Quốc đã khiến các công ty công nghệ cao của Nhật Bản rơi vào cảnh lao đao do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ gặp khó trên chính đất Nhật, mà còn gặp khó ở cả Trung Quốc khi trở trở thành mục tiêu đập phá của những đối tượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Trung Quốc, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.
Người Trung Quốc đập vỡ cửa kính một cửa hàng của Nhật Bản tại Thâm Quyến
Chiêu bài tẩy chay du lịch cũng xảy ra năm 2012 khi một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc hủy các tour sang Nhật Bản.
Với sự lớn mạnh của nền kinh tế và có một thị trường rộng lớn, Trung Quốc đã sử dụng công cụ kinh tế như một con bài trong các cuộc mặc cả, hoặc “nắn gân” đối tác, đặc biệt là các nước láng giếng.
Với những nền kinh tế có mối quan hệ thương mại bất đối xứng với Trung Quốc, đây sẽ là rủi ro rất lớn khi chơi với một đối tác lớn thường sử dụng chiêu thuật “sờ gáy”, trả đũa thương mại như vậy. Nhiều nước Châu Á đang nỗ lực tìm cửa xuất khẩu hàng ra các thị trường đối tác, thay vì phụ thuộc vào ông lớn Trung Quốc.
Minh Tuệ – Theo NCĐT/Zing
Xem thêm:

Tâm sự của một người Nhật: Lý do tôi ghét Việt Nam

Lang thang trong thế giới mạng mênh mông tôi chợt gặp những dòng tâm sự của một người Nhật sau chuyến du lịch đến Việt Nam. Anh chàng có tên Shimata này chỉ kể về những “chuyện thường ngày ở huyện” của Việt Nam nhưng nó rất…hấp dẫn. Có lẽ cần phải đưa câu chuyện của anh vào giáo trình ngành du lịch và cẩm nang du lịch dành cho người nước ngoài đến Việt Nam. Mời các bạn thưởng thức.

Kết quả hình ảnh cho người nhật biễu tình
Cái gì? Bình thường tôi vào đọc blog của anh có bao giờ thấy chủ đề “Việt Nam” đâu? Lấy đâu ra người quan tâm nào? Đúng thế! Trên Blog của tôi chưa hề xuất hiện “Việt Nam”. Cả chữ “V” trong từ “Việt Nam” cũng không có nốt. “Anh đã đến Việt Nam lần nào chưa?”, nếu có ai hỏi thế thì câu trả lời là có, 10 năm trước tôi có đến thành phố Hồ Chí Minh một lần duy nhất. Tuy nhiên, trong tôi nói tới Việt Nam thì đấy là quốc gia xấu xa tồi tệ nhất (最低最悪の国) và nỗi bất mãn trong tôi sẽ tăng lên tới mức 150%. Trong lòng tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ đến đó lần thứ hai, thật là một nước tồi tệ số 1.
Tôi ghét Việt Nam.
Mà nói đúng ra thì tôi ghét người Việt Nam hơn là ghét Việt Nam. Tôi căm ghét thứ văn hóa “móc được cái gì thì móc” của người Việt.Tôi càng căm ghét thứ người Việt Nam làm những điều như thế.Tôi không muốn nhìn mặt người Việt Nam và sẽ không đến Việt Nam đến lần thứ hai. Trái tim tôi đã quyết định như thế.Thời còn ba lô trên vai lấy điểm khởi đầu là Bangkok tôi đã đi tới nhiều nước châu Á xung quanh như Malaysia, Singapore, Laos, Myanma, Campodia… nhưng chưa lần nào nghĩ mình muốn đi tới Việt Nam.
Tiếp xúc với người Việt Nam thì cũng chỉ có hai lần. Khi có người cần tư vấn về du lịch Việt Nam, tôi cũng thường nói toàn những điều tiêu cực như “thôi bỏ đi!” hay đưa ra lời chú ý đầy căm hận “hãy cẩn thận với người Việt Nam”.
Tôi tảng lờ trước câu chuyện của ai đó khi họ nói “Việt Nam tuyệt vời lắm”. Hoặc là chỉ hờ hững đáp “ừ ừ, tốt nhỉ!”. Từ thời điểm tôi đi du lịch Việt Nam đến giờ đã 10 năm. Tôi đã duy trì mãi hành động “không thèm mua” đồ Việt Nam vì thế khi mua Maruboro ( có lẽ là thuốc lá Malboro?) ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tôi đã trả lại vì nó được sản xuất tại Việt Nam. Đôi khi trong cửa hàng 100 Yên tôi có nhặt lên vài sản phẩm nhưng do nó là đồ Việt Nam nên tôi đã tuyệt đối không mua. Đối với Việt Nam đáng ghét thì một Yên cũng tiếc. Có thể các bạn sẽ nói tôi: Ấy ấy!! chơi đến mức đó hay sao hả? Nhưng các bạn hãy xem dưới đây xem tôi “ghét Việt Nam” đến cỡ nào.Cứ nghĩ đến những việc xấu xa mà người Việt Nam làm với tôi thì thực sự tôi lại cảm thấy bực mình.
Thế đến Việt Nam lần đầu tiên đã gặp chuyện gì vậy?
Tôi sẽ kể đây nhưng xin các bạn đừng có khóc nhé.
Nghe cũng khóc và kể cũng khóc…
10 năm về trước. Năm 1997 (năm Heisei thứ 9).
Đấy là câu chuyện trước lúc tôi trở thành khách du lịch ba lô 5 năm.
Khi ấy tôi mới có 24 tuổi.Tôi, vốn làm việc cho một công ty du lịch ở quê hương Shikoku đã nhận được một chuyến đi du lịch tới thành phố Hồ Chí Minh bằng vé của công ty hàng không Việt Nam nhân dịp mới vào làm việc.“Từ giờ trở đi Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầy hứa hẹn, người du lịch tới Việt Nam chắc chắn sẽ tăng”. “Với tư cách là nhân viên công ty du lịch, hãy tận mắt quan sát Việt Nam nơi đang tăng trưởng nhanh chóng”. Cấp trên của tôi đã khuyến khích và cũng có thể nói là ngợi khen như thế.
Tôi cùng với cậu K, hai người đã quyết định tham gia “Tour Hồ Chí Minh 4 ngày 2 đêm”. Tôi lần đầu đặt chân tới Việt Nam trong tâm trạng vừa lo lắng vừa khấp khởi trong cảm xúc “đột nhiên được tới Việt Nam sướng thật”. Tuy nhiên với tôi, người lần đầu tiên tới Việt Nam thì đấy là một chuỗi những sự việc đáng ghét và khủng khiếp.Tôi và cậu K hai nhân viên công ty du lịch đã gặp chuyện gì với người Việt Nam? Một kết cục bất hạnh đã chờ đón chúng tôi. Nói đơn giản thì thì chúng tôi đã bị người người Việt Nam lừa đến độ phát điên lên và ra về trong nỗi tức giận. Lý do là thế đấy.
Hẹn các bạn lần sau nhé ( Híc! Lại công việc! Công việc).
Ghi chú: Xin lỗi chị Shikayoshi hiện đang sống ở tp Hồ chí Minh nhé.
10 năm về trước.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện xảy ra trong chuyến đi “Hồ Chí Minh 2 đêm 4 ngày” trong lần đầu tới Việt Nam.
Tháng 12 năm 1997.
Tôi cùng với đồng nghiệp K xuất phát từ Kansai tới Hồ Chí Minh trên máy bay của hãng Hàng không Việt Nam. Trong máy bay tất cả các tiếp viên đều mặc áo dài gợi cảm và ngay từ trước lúc đáp xuống Việt Nam cảm xúc của hai chúng tôi đã dâng cao và trong lòng tràn ngập cảm xúc mong đợi “ không biết những việc vui vẻ nào đang đợi chúng mình đây?”. Sau chuyến bay khoảng 5 tiếng chúng tôi đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ra khỏi máy bay và đi vào tòa nhà cũ kĩ, đứng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Đến lượt mình khi chúng tôi đưa passport cho nhân viên nhập cảnh thì anh ta vừa lắc đầu vừa nói: “Thế này không thể nhập cảnh được”. Hóa ra vấn đề nằm ở chỗ tấm ảnh đi kèm Visa là ảnh đen trắng. Với lý do “phải là ảnh màu” tôi và cậu K đã đột nhiên bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam. Nhân viên nhập cảnh nói: “đằng sau kia kìa”, chúng tôi quay lại và nhìn thấy chủ cửa hàng ảnh vẫy tay cười cười “lại đậy lại đây”. Không có cách nào khác chúng tôi buộc phải đến đó chụp ảnh dán vào visa và cuối cùng thì cũng được nhập cảnh. Ngay trước lúc nhập cảnh đã gặp rắc rối với ông chủ hiệu ảnh. Phí chụp ảnh đến 20 đô la Mĩ.
Chẳng ai yêu cầu thế mà bị bắt phải chụp và mất tới 40 đô la.
“Không đùa đâu! Quái đản!”
Tôi và cậu K cáu, phản kháng với chủ hiệu ảnh nhưng cho dù có nói gì cũng vô ích. Phải gắng lắm mới miễn cưỡng chấp nhận giá của mỗi bức ảnh. “Thật là một đất nước quái gở nhỉ” Tôi vừa than thở với cậu K vừa bước một bước ra ngoài tòa nhà sân bay thì lần này bị vây chặt bởi những người lái Taxi mời khách.
“Đi đâu thế? Lên đây tôi chở!”
Dù thế nào cũng phải mặt dày tí! Muốn về khách sạn thì không thể không bắt xe vì thế tôi cùng cậu K vừa thương thuyết vừa lên chiếc Taxi của một lái xe có vẻ như là người tốt và có lương tâm nhất.
Giá về đến khách sạn trong thành phố là 20 đô la.
Chát thật! tôi nghĩ vậy nhưng so với các xe khác thì vẫn rẻ hơn vì thế tôi cầm tay 20 đô la và lên đường về khách sạn trong thành phố.
Quang cảnh nội thị Hồ Chí Minh nhìn từ cửa sổ xe Taxi có thể diễn đạt chỉ bằng một từ “vô trật tự”, nhìn chỗ nào cũng thấy toàn người không đội mũ bảo hiểm. Chuyện 3, 4 người ngồi một xe là chuyện đương nhiên. Trước cảnh ở Nhật Bản không thể nào chấp nhận chúng tôi một lần nữa cảm thấy thực sự mình đã đi đến một nước lạ. Số lượng xe rất nhiều và hoàn toàn không coi vạch sang đường dành cho người đi bộ hay đèn tín hiệu là cái thá gì. Chiếc taxi chạy khục khặc trên con đường chưa trải nhựa đầy bụi khiến mặt chúng tôi rung giần giật.
20 phút sau xe đến khách sạn. Khi xuống xe và đưa cho lái xe 20 đô la thì anh ta nói: “ Không! 30 đô la”
“ Anh chẳng nói là 20 đô la sao?”
Kết quả hình ảnh cho người nhật biễu tình
Cậu K thét lên phản kháng.
“Được rồi! Được rồi! 20 đô la”.
Lái xe vừa thản nhiên nói vừa thè lưỡi ra.
“Thật chán! Quái gở thật!”
Khi mở cốp xe để lấy hành lý và định bước vào khách sạn thì lái xe taxi kêu lên: “ Tip! Tip!”
“Không! Vớ vẩn!”
Cả tôi và cậu K đều nổi khùng.
“Hứ! “, lái xe lại thè lưỡi ra và chạy mất.
Thật là một tay lái xe rách giời rơi xuống.
Chúng tôi làm thủ tục nhận phòng. Chúng tôi ở trong một khách sạn hạng trung nhìn ra đường Nguyễn Huệ và gần đại lộ Đồng Khởi. Căn phòng nồng nặc mùi hôi ẩm mốc và từ vòi hoa sen chảy ra thứ nước màu vàng. Mặc dù phòng có vấn đề nhưng từ ban công có thể nhìn thấy sự ồn ào tấp nập của đại lộ và con sông Sài Gòn rất đẹp. Hai người đặt vội hành lý xuống phòng rồi nhanh chóng ra ngoài ngắm cảnh trong thành phố.Trước hết chúng tôi muốn đi chậm dọc theo đại lộ Đồng Khởi, con đường chính của thành phố Hồ Chí Minh để xem cuộc sống của người dân và tới chợ Bến Thành, nơi được coi là nhà bếp của thành phố Hồ Chí Minh.
Khi vừa đặt hai tay lên tủ kính bán hàng và ngắm nhìn bật lửa Zippo của Việt Nam thì một con chuột to cỡ lòng bàn tay người vừa kêu phù phù vừa chạy vọt qua trước mắt.
O a..oái…Tôi kêu lên hoảng sợ.
Tôi đỏ mặt vì người Việt Nam xung quanh cười.
Lần này đột nhiên trời đổ mưa nền chợ Bến Thành bắt đầu ngập nước và rồi…lần này thì đàn gián và chuột với quy mô lớn tôi chưa từng thấy bao giờ diễu hành ngay trước mắt.
“Oái!!!!”
Tởm quá! Tôi cảm thấy kinh tởm như toàn thân nôn mửa. Hai người chúng tôi nhanh chóng bỏ lại chợ Bến Thành ở phía sau với đàn trẻ con ăn xin vây quanh. Thật không muốn đến lần thứ hai. Cậu K kêu đói bụng vì thế chúng tôi cùng đến hàng mì. (Đàn gián và chuột lúc nãy làm cho tôi không thiết gì ăn). Cậu K gọi Phở còn tôi thì chỉ gọi Coca và hút thuốc. bVừa châm điếu thuốc thì tôi nghe có tiếng người qua đường gọi.
“Cho xin điếu thuốc”, “Cho xin tí lửa”
“Tôi có bạn ở Nhật”, “Cho xem tiền Nhật Bản nào”
Thật là ầm ĩ. Những người khách du lịch như chúng tôi không thể nào thấy bình yên. Lúc đầu cho dẫu mong mỏi sẽ được tiếp xúc với người Việt Nam vui vẻ nhưng lúc này ngay lập tức tôi cảm thấy chán ngán. Lúc nào cũng thế, cuối cùng thì cũng bị xin xỏ thuốc lá. Đi đến đâu cũng bị người Việt Nam vây quanh, xin xỏ một ngày kết thúc và với chúng tôi Việt Nam đã gần như là quá đủ.
Ngày thứ hai ở Hồ Chí Minh
Cậu K nói với tôi là đi đến nhà người Việt mới quen để chơi rồi bước ra ngoài. Cậu ta có rủ tôi đi cùng nhưng tôi muốn một mình chậm rãi đi dạo nên đã từ chối. Chúng tôi giao hẹn rằng buổi tối sẽ cùng nhau đi uống bia hơi. Tôi đi đến xem bảo tàng.
Khi tôi ra khỏi khách sạn thì ngay lập tức có một chiếc xích lô đi theo sau tôi tới tận trước cửa bảo tàng. Khi tôi quay trở lại khách sạn thì chiếc xích lô lúc nãy cũng lại đi theo về trước khách sạn. Khi tôi đi ngang qua thì ang ta lên tiếng gọi to: “Này! Đi không?” nhưng tôi làm thinh. Đó là do trong sách hướng dẫn du lịch có ghi: “cần phải thận trọng với những xích lô lưu manh”. Vì thế mà tôi không lên xích lô, tôi tuy đã quyết định như vậy nhưng vì anh ta nhiệt tình quá vì thế mà cái tình của xích lô đã chuyển phắt sang tôi khiến cho tôi dần dần muốn lên xe.
Tôi hỏi: “giá bao nhiêu?”.
“Mỗi giờ 50 đô la”, anh ta đáp. Đắt thế! Đừng có đùa! Ai ngồi! tôi nghĩ vậy và làm thinh tiếp tục bước đi. Dần dần giá cả cứ hạ thấp dần.
“10 đô la nhé, đi không?”
“Đắt nhỉ”
“Thế thì 5 đô la”
“ Hừ, làm thế nào bây giờ”
Giá cả giờ đây đã tụt xuống còn có 1/10. Nếu là 5 đô la thì có ngồi cũng chẳng sao nhỉ…tôi bắt đầu có ý nghĩ như thế. Mất công đã đến Việt Nam vì thế cũng muốn một lần được cưỡi xích lô. Người đạp xích lô cũng trẻ trông như một thanh niên tốt. Nhìn kĩ thì thấy mắt rất đẹp, thật là một tay điển trai. Thôi được! Cưỡi thử nào.
“5 đô la nhé, nếu cao hơn tôi không trả đâu. Giao kèo đấy nhé”
“OK. Giao kèo thì giao kèo! Nhảy lên nào, nhảy lên nào!”
Thấy anh ta nhiệt tình làm việc từ sáng tới giờ tôi liền đi đến quán cà phê ở gần gọi súp và bánh sandwich cùng cà phê mời anh xích lô. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện sau khi bụng đã ổn ổn tôi lại lên xe và bắt đầu đi ngắm cảnh thành phố. Lần đầu tiên ngồi trên xích lô được ngắm cảnh thật là thích. Tôi ngồi trên chiếc xích lô rung lắc vừa chụp ảnh cảnh phố phường Hồ Chí Minh mang phong cách Pháp vừa cảm nhận đầy đủ cái tình của kì quốc cùng ngọn gió dễ chịu.
Thoáng cái đã hết một tiếng việc còn lại chỉ là về khách sạn. Cuối cùng tôi có ý định chụp ảnh anh chàng xích lô. Tuy nhiên khi giơ camera lên thì anh ta cương quyết từ chối. Lý do là anh ta không thích chụp ảnh. Khi đến trước đường Đồng Khởi chỉ cách khách sạn chút ít thì đột nhiên anh ta nói: “Đến đây là hết! Xuống!”. Tại sao đột nhiên thế này? Tôi nghĩ thế nhưng do chỉ cách có chút ít là về đến khách sạn nên tôi đáp: “hiểu rồi, hiểu rồi, xin cảm ơn” và định đưa cho anh ta 5 đô la.Khi làm vậy thì anh xích lô đột nhiên có vẻ mặt dễ sợ khác hẳn lúc trước.
“Hai trăm đô la! Trả 200 đô la đi!”.
Khuôn mặt đầy sát khí và nói như thét vào mặt.
“Đợi đã! Đã giao kèo là 5 đô la rồi mà”
“Không! 200 đô la! Trả 200 đô la đi!”.
Cái này thì thật gay…
200 đô la có biết cao hơn bao lần không?
Đừng có đùa! Đây tuyệt đối không trả đâu!!!
“Vớ vẩn! Đồ ngu!”, tôi nói vậy rồi ù té chạy.
Anh xích lô đuổi theo. Tuy nhiên do mặt đường hẹp nên xích lô không đuổi được. Thật chua chát! Việc không trả tiền tất nhiên rồi, và hơn hết việc tiếp xúc với anh ta rồi trao đổi tình cảm kia tóm lại là cái thứ gì đây!? Trong lòng tôi tràn ngập cảm giác bị phản bội. Kể lể công ơn là việc tôi không hề thích nhưng tôi đã mời anh ta ăn cơm, mua nước cho anh ta uống thân thiện đến thế còn gì! Vậy mà tại sao anh ta lại có thái độ như thế! Trả 200 đô la đi! Lẽ ra không có câu đó chứ! Tâm trạng tôi lại tụt dốc. Chuyện này lẽ ra chắc chắn chả bao giờ xảy ra thế mà….
Tôi về khách sạn và vừa ngủ thì cậu K cùng phòng về. Cậu K trông cũng không khỏe. Khi tôi hỏi: “sao thế?”, cậu ta hỏi lại với giọng trầm xuống: “ Cậu Shimata này, cậu còn tiền không?”
“ Còn nhưng sao thế?”.
Hỏi ra mới biết cậu ta đến nhà người Việt Nam chơi và bị lấy mất toàn bộ số tiền. Khi cậu ta chơi bài thì chỉ trong phút chốc nó bỗng biến thành trò bài bạc và khi tỉnh ra thì cậu đã thua lớn bị đe dọa và phải trả toàn bộ số tiền. Tổng cộng cậu ta đã phải trả 400 đô la và số tiền mang theo còn lại chỉ còn có 20 đô la.
Tại sao cả tôi và cậu K lại gặp vận đen như thế… Chúng tôi không đến Việt Nam để có những kỉ niệm như thế này thế mà… Tôi không muốn nói với cậu K: “tại sao cậu không cẩn thận’” vì chuyện ấy cũng giống như tôi. Để an ủi cậu K chúng tôi vừa uống bia hơi ở quán gần đó vừa an ủi lẫn nhau tới sáng. Nhân tiện, tôi trả tiền. Mặc dù tôi đã tính toán thật cẩn thận nhưng cho dẫu thế thì số tiền phải trả cũng cao gần gấp 4 lần. Do đã mệt nên tôi chán không muốn phản kháng nữa chỉ ‘vâng, vâng” rồi trả tiền. Người bán hàng nói tiền thừa là tiền “tip” và không hề trả lại.
Thật quá lắm rồi. Tôi căm ghét Việt Nam! Tôi muốn mau chóng quay trở về Nhật. May là chỉ còn ngày mai nữa là trở về. Buổi tối máy bay sẽ cất cánh từ Hồ Chí Minh. Ngày mai, ngày cuối cùng thì chỉ còn mỗi việc mua quà cho người cùng công ty sau đó đợi đến giờ check out rồi ra khỏi khách sạn là xong. Trong tâm trạng chán chường như thế ngày thứ hai kết thúc. Tuy nhiên sự “cãi vã” với người Việt không kết thúc ở đó. Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng đã xảy ra “sự kiện đáng ghét hơn nhiều”.
Ngày thứ ba ở Hồ Chí Minh.
Khi tỉnh dậy mở mắt ra thì đã 2 giờ chiều. Trên bàn là lá thư của cậu K.
“Chào! Tớ đi ra ngoài ngắm cảnh. Buổi chiều tối sẽ quay lại”.
Sắp đến buổi tối về nước rồi. Muốn được nhanh nhanh trở về Nhật. Máy bay xuất phát lúc 23 giờ vì thế tôi phải ở khách sạn đến 21 giờ. Cuối cùng tôi muốn đi mua quà Việt Nam nên đi ra ngoài…
Trời! cái gì thế này! Ngay trước hành lang khách sạn là người đạp xích xô ngày hôm trước đang đứng đó. Nhưng lần này anh ta kéo theo cả bạn và có đến 10 người đạp xích lô có bộ mặt dễ sợ đang nắm tay đứng đợi!
Làm sao bây giờ… Chắc chắn sẽ bị đánh nên thân…Chân tôi run lên. Vào khi đó ở chỗ tiếp tân có một ông già giống như người Nhật và tôi đã cầu cứu ông giúp đỡ.
“Xin lỗi…ông có nói được tiếng Việt Nam không?”
“Có! Tôi nói được nhưng có chuyện gì thế?”
Thật là may ông cụ đúng là người Nhật Bản. Tôi kể cho ông cụ nghe một phần sự việc xảy ra đến lúc này và cầu xin ông làm trọng tài trung gian. Ông già đứng trước chỗ tiếp tân là nhân viên lưu trú của Ngân hàng Sanwa.
“ Được, hiểu rồi. Lẽ ra không được ngồi xích lô!”
“Vâng, thành thật xin lỗi!”
“ Ở gần đây xích lô đặc biệt lưu manh đấy”
“Vâng, thành thật xin lỗi!”
Thế đã mặc cả bao nhiêu?”
“Thưa, 5 đô la ạ”
“Và thành 200 đô la? Trời ơi!”
“Thế trả bao nhiêu thì ổn?”
“Cháu không muốn trả quá số tiền đã nói”
“Được, tôi sẽ thử thương thuyết nhưng nếu gặp người xấu thì hãy chuẩn bị tinh thần là gần 100 đô la cũng phải trả đấy”.
Nhân viên của ngân hàng Sanwa ( dưới đây xin gọi là ông B) đã giúp thương thảo với người đạp xích lô hôm qua. Bạn bè của anh ta đã về hết chỉ còn lại có mình anh ta. Ông B đưa anh ta lại chỗ quầy lễ tân nơi tôi đợi. Tôi, ông B và người đạp xích lô ba người ngồi xuống Sofa và bắt đầu nói chuyện.
B: Người đạp xích lô nói anh hứa sẽ trả 100 đô la.
Shimata: Không, tôi không nói thế… hắn ta ngày hôm qua đột nhiên đòi tôi 200 đô la và giờ thì đến đòi đấy!
Xích lô: haaaa (thét lên bằng tiếng Việt nam.)
B: Anh ta nói anh hứa trả 100 đô la.
Shimata: Tôi không hiểu chuyện gì cả. 100 đô la hay 200 đô la cũng đều là vớ vẩn.
B: Lần này không trả hơn 5 đô không được đâu. Ví dụ như 10 đô chẳng hạn.
Shimata: không (tôi ngoan cố).
Xích lô: haaaaa (tiếng Việt Nam).
B: Anh ta nói là anh nói láo
Shimata: Tôi đâu có nói láo. Người nói láo chính là thằng cha đó
Xích lô: Haaaa (tiếng Việt Nam).
B: Thôi được anh ta nói 7 đô la đấy.
Shimata : Không! (tôi ngoan cố).
Tôi không muốn trả cho thằng cha như thế này. 200 đô la rồi đột ngột thành 100 đô la rồi lần này thành 7 đô la làm như thế hóa ra tôi giống như thằng nói láo. Tôi không thể tha thứ cho kẻ đạp xích lô đáng ghét đó được. Tuy nhiên người đạp xe xích lô cứ cương quyết là tôi nói sẽ trả 100 đô la.
Shimata: Xin lỗi đã làm mất thời gian của ông…
B: Không sao, cái việc này ở Việt Nam hoàn toàn không phải là chuyện hiếm.
Kết quả hình ảnh cho người nhật biễu tình
Shimata: Hả? Thật vậy sao?
B: Lúc đầu lên xích lô có tưởng tượng ra chuyện này không?
Shimata: thì…
B: Anh cũng có phần sai
Shimata: Vâng…
B: Anh ta là người vô văn hóa vì thế có thương thuyết bằng giá trị quan đạo đức của người Nhật đi nữa cũng vô ích. Tôi nghĩ thế.
Shimata: Vâng…
Xích lô: Haaaa (tiếng Việt Nam).
B: Anh ta nói là 7 đô la.
Shimata: Không! Không được. 5 đô la. Đã giao kèo là 5 đô la rồi mà. ( tôi ngoan cố đến cùng).
B: Trả đi thì sẽ tốt hơn tôi nghĩ thế. Nếu là 7 đô la thì vẫn còn rẻ đấy!
Nhờ ông B mà cũng có thể tôi đã chuyển tải được cảm xúc của mình tới người đạp xích lô. Thật là một gã lưu manh, tôi bực biết bao nhiêu. Cho dù là thương thuyết được tới 5 đô la đi nữa thì anh ta cũng đã phá hỏng lời giao kèo. Việc mời cơm anh ta thật là ngu ngốc. Tôi cảm thấy khó chịu và không muốn trả tiền.
Quả thật đúng như ông B nói. Cho dù có nói với người đạp xích lô quan niệm đạo đức của người Nhật đi chăng nữa thì cũng vô ích. Thông thường thì với tôi 7 đô la cũng không vấn đề gì nhưng vào thời điểm đó tôi không hề có tâm trạng muốn trả. Tôi không muốn trả cho anh ta một Yên nào. Vấn đề không phải là tiền bạc mà vấn đề là cảm xúc. Và thế là tôi trở nên ngoan cố. Tuy nhiên, tôi không muốn làm ông B mất thêm thời gian…
Shimata: Hiểu rồi…Tôi sẽ trả 7 đô la.
B: Rồi! Thế nhé xong một vụ rồi nhé (ông cười).
Kết cục tôi trả cho người đạp xích lô 7 đô la và chẳng hiểu sao tôi muốn khóc. Tôi đã nghĩ hắn là người tốt thế rồi ngồi lên xích lô và đột nhiên bị hắn lừa rồi bỏ chạy. Rồi bị 10 người đến đợi rồi có khả năng bị dần một trận nên thân. Người đạp xích lô nói láo kia lại gọi tôi là thằng nói láo. Tôi đã làm phiền đến cả ông B. Nhờ sự tốt bụng của ông B mà tôi cũng ổn giống như một đứa trẻ. Nhưng rồi kết cùng vẫn phải trả tiền. Mất công đi du lịch mà cuối cùng thế này đây. Tại sao tôi lại phải gặp chuyện cay đắng thế này càng nghĩ tôi càng cảm thấy xấu hổ và muốn khóc.
B: Rồi! Cuối cùng hai người bắt tay cái nào! Rồi! Rồi! bắt tay đi.
Không có lí do gì phải bắt tay. Cuối cùng tôi hỏi tên người đạp xích lô Tên anh ta là “Minh”. Tên hắn và khuôn mặt hắn tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi nhìn mặt hắn như muốn nói này thằng ngu cút xéo đi. Minh có vẻ khó chịu, nắm chặt tiền rồi ra khỏi khách sạn.
Bản thân số tiền thiệt hại không lớn. Cũng có thể số tiền đó nhỏ đến mức không thể nói đó là thiệt hại. Nhưng sự mất mát về tinh thần thì lớn hơn nhiều. Người ta đã nhắc rằng là nguy hiểm thế mà tôi vẫn lên xích lô tôi mới ngu làm sao.
Việt Nam thế là đủ rồi. Tôi không muốn đến Việt Nam lần thứ hai. Tôi không muốn đến Việt Nam lần thứ hai. Tôi sẽ không đi Việt Nam lần thứ hai. Tôi thề trong tim như vậy, tôi cảm ơn ông B, trao đổi địa chỉ rồi ru rú trong phòng chờ đến sát giờ checkout. Tôi không đi đâu cũng không đi mua quà mà ngủ ngay trên giường. Vào lúc checkout chợt nhớ đến chiếc áo sơ mi bỏ quên trên phòng tôi liền quay lên nhưng nó đã bị ai đó lấy mất. Đến lúc cuối cùng mà cũng… Sẽ không đến lần hai đâu, đồ ngu! Tôi vừa lầm bầm như thế vừa hướng ra phi trường.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi 4 ngày 2 đêm tháng 12 năm 1997 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ đó đã 10 năm…
Cả ý nghĩ căm ghét du lịch Việt Nam cùng sự việc xảy ra với người đạp xích lô đáng ghét đã được thanh tẩy trong dòng chảy của thời gian, tôi, người đã căm ghét Việt nam suốt 10 năm trời giờ đây bắt đầu có ý nghĩ thế nào cũng được.
Gần đây vô tình tôi lại chú ý tới Việt Nam không thể nào cưỡng được. Vào thời điểm này nghĩ lại thì điều tôi cần phản tỉnh thật nhiều. Tôi thật xấu khi cái gì cũng đổ tại người Việt Nam. Tôi đã không hề có chút tri thức nào về Việt Nam, tôi cũng không hề có ý nghĩ mong muốn lí giải người Việt Nam. Tôi đã chỉ bị hút hồn bởi Áo dài và khi gặp người Việt Nam thì vênh mặt lên rằng ta đến từ nước Nhật cường quốc kinh tế đây… và thiếu đi sự khiêm tốn. Tôi đã tự ý mời người đạp xích lô và tự mình sung sướng và tôi phải cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Khi đã trở về Nhật tôi nói với người xung quanh rằng tôi ghét Việt Nam, khi được hỏi về du lịch Việt Nam tôi đã nói là nên đi Bangkok rồi khi nghe ai đó nói du lịch Việt Nam rất thú vị thì tôi giả điếc không nghe. Tôi cũng đã ích kỉ tẩy chay hàng Việt Nam… Tại sao trong 10 năm ròng tôi đã làm những điều ấy với Việt Nam? Sự thay đổi tâm tính này quả thật phần lớn nhờ vào blog tôi nghĩ vậy.
Vào tháng 4, chị Yakibuta, người sống ở Hồ Chí Minh về nước và đến nhà tôi chơi có mời tôi cà phê Việt Nam. Mất công người ta mời lại đã lâu không uống cà phê Việt Nam.
“Shit! Thật là ngon!!!”
Đúng vậy, Việt Nam không chỉ là nước có cà phê ngon mà còn là nước có thức ăn ngon! Khi đọc blog của chị ấy ở Hồ Chí Minh thì cuộc sống ở Việt Nam đã được viết rất sống động mỗi lần đọc là một lần tăng cảm hứng về Việt Nam. Ngoài chị ấy còn có chị Shikayoshi đang sống rất vui vẻ ở Hồ Chí Minh. Tôi chỉ có 2 ngày 4 đêm rồi từ bỏ tại sao hai người lại có thế sống vui vẻ như thế với những người Việt Nam vây quanh. Tôi cảm thấy có hứng thú với Yakibuta và Shikayoshi. Xung quanh việc gặp gỡ hai người tôi cũng phải cảm ơn chị Boctok. Tôi muốn một lần quay trở lại Hồ Chí Minh để thử xem sao. Tôi nghĩ như thế từ tận đáy lòng.
Ngoài Hồ Chí Minh thì Việt Nam cón có rất nhiều nơi du lịch nữa. Đến giờ phút này tôi cảm thấy luyến tiếc vì vào thời còn là kẻ ba lô trên vai tôi đã không đến thăm Việt Nam. Cho dù để có được ý nghĩ ấy tôi đã mất đến 10 năm.
Chà! Tôi muốn đến Việt Nam.
あーベトナム行きたい。

Việt Nam cạn kiệt cát vẫn xuất khẩu: Sẽ nhập cát như...than?

Đất Việt 

Nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, viễn cảnh Việt Nam phải nhập khẩu cát hoàn toàn có thể xảy ra.
Nghịch lý đáng lo
Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.
Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.
Trong khi đó, hiện nay, việc khai thác nguồn tài nguyên cát đã không có một quy hoạch khoa học, tình trạng khai thác cát quá mức cho phép và trái phép diễn ra triền miên tại các địa phương. Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp còn tận thu cát để xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Viet Nam can kiet cat van xuat khau: Se nhap cat nhu...than? - Anh 1
Dù đứng trước nguy cơ thiếu cát nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu cát Ảnh: Nhân dân
Trao đổi với Đất Việt, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở.
Theo vị chuyên gia, cát là một tài nguyên quý giá, một thành phần quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên. Nó là một trong những yếu tố tạo nên dòng sông, dòng chảy và sự ổn định cho lòng, bờ, bãi sông, cho cuộc sống con người và hệ sinh thái ở thượng lưu, hạ lưu phụ thuộc vào con sông...
Hiện nay cát phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất của các địa phương có 2 nguồn chính. Một là từ các mỏ cát ở vùng núi, ở các bãi sông lớn. Hai là cát ở dưới đáy các dòng sông.
"Việc khai thác cát dưới lòng sông để bán hiện đang mang lại siêu lợi nhuận. Do đó các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh khai thác cát, kể cả chính thức hoặc khai thác lậu.
Việc này diễn ra công khai tại nhiều dòng sông chảy qua các tỉnh, thành cả nước. Thậm chí cát còn được xuất khẩu. Nếu cứ tình trạng này diễn ra, tôi nghĩ không đến 15 năm nữa, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn cát”, ông Tứ lo ngại.
TS Đào Trọng Tứ khẳng định, dư luận đã nhiều lần đề cập đến việc tận thu cát tại các dòng sông và những hiểm họa khôn lường có thể gặp phải đối với các con sông, đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội của các địa phương và đất nước và cuộc sống của người dân.
Đến thời điểm này, tình trạng mực nước tại sông Hồng bị xuống thấp hay hiện tượng sạt lở đất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ nhất cho việc khai thác cát không được quy hoạch và kiểm soát.
"Trên sông Hồng, theo một số kết quả nghiên cứu gần đây của các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT, lượng cát khi thác hằng năm giao động khoảng hơn 10 triệu m3 khiến cho lòng sông Hồng bị hạ thấp dẫn đến mực nước sông hạ thấp.
Việc này tác động rất lớn đến việc lấy nước của các công trình lấy nước tưới cho Đồng bằng sông Hồng, tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan và cuộc sống của cộng đồng ven sông.
Một trong những thí dụ về tác động của lượng bùn cát trên sông giảm có thể thấy ở hệ thống sông chảy qua nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra ngày càng nhiều gây thiệt hại vô cùng lớn về đất đai, tài sản, hoa màu cho người dân.
Ngoài vấn đề tác động của thiên nhiên, giảm đáng kể phù sa đến đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn và thay đổi dòng chảy… thì việc khai thác cát tại chỗ quá mức cũng là một nguyên nhân”, ông Tứ dẫn chứng.
Khai thác cát, rút ruột dòng sông: Hiểm họa được báo trước?
Cấp phép nhưng thiếu hoặc hạn chế trong hậu kiểm
Lý giải nghịch lý trên, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chỗ khai thác, tận thu cát tạo ra siêu lợi nhuận cho những tổ chức và cá nhân liên quan. Ngoài ra dù cấp phép nhưng thiếu hoặc hạn chế trong hậu kiểm khiến tài nguyên của chung bị khai thác bừa bãi, ngân sách nhà nước không thu được là bao.
“Tôi nghĩ dư luân đặt vấn đề lợi ích nhóm và bảo kê khi cát tặc, cát lậu diễn ra thường xuyên là có cơ sở. Thực tế, các đối tượng hút cát trái phép thường dùng những tàu công suất lớn để hút và vận chuyển.
Việc đi lại hết sức nhộn nhịp, thậm chí họ còn sẵn sàng đe dọa người dân. Rõ ràng việc này không tinh vi như các đối tượng buôn bán đồ cấm. Vì vậy làm sao có thể nói họ lén lút khai thác? Đây là công khai hút cát”, ông Tứ nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo nên tình trạng trên vẫn diễn ra dù được đề cập đến nhiều.
Viễn cảnh nhập cát
Nhìn nhận một cách toàn diện tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, TS Đào Trọng Tứ thừa nhận, nghịch lý trên không chỉ tồn tại với cát mà đã từng xảy ra than, quặng sắt hay vật liệu xây dựng.
Đối với nguồn tài nguyên cát, nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, vị TS này cho rằng viễn cảnh tương tự than, quặng sát hay vật liệu xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra.
“Với nguồn tài nguyên cát, có cung thì ắt sẽ có cầu. Do vậy các cơ quan nhà nước cần đánh giá cụ thể trữ lượng và vấn đề cung - cầu trong nước để có những định hướng, quy hoạch rõ ràng cho quá trình khai thác.
Thứ hai, các tỉnh, thành phố, phải tăng cường lực lượng bảo vệ và phải có sự quyết liệt với các đối tượng khai thác trái phép.
Thứ ba, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng cần phải rõ ràng, tránh chồng chéo như hiện nay. Người dân không thể tự bảo vệ việc này nếu như cơ quan nhà nước không siết chặt quản lý. Cuối cùng chế tài xử phạt cần phải nghiêm khắc hơn nữa.
Nguyễn Hoàn