Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Danh sách hàng trăm cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong 'Hồ sơ Panama' và 'Offshoreleaks'

Danh sách hàng trăm cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong 'Hồ sơ Panama' và 'Offshoreleaks'

(VNF) - Cơ sở dữ liệu "Hồ sơ Panama" đã chính thức được công bố vào sáng ngày 10/5 theo giờ Việt Nam. Theo đó, 189 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có liên quan tới các công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài.

Kể từ 2h sáng nay, ngày 10/5, theo giờ Việt Nam, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chính thức công bố hàng loạt dữ liệu về các công ty vỏ bọc, công ty ma được thành lập tại nước ngoài trên toàn thế giới.
Cơ sở dữ liệu này của ICIJ chứa thông tin về 320.000 công ty, quỹ đầu tư ở nước ngoài có trong "Hồ sơ Panama" và vụ rò rỉ dữ liệu Offshore Leaks. Trong đó tiết lộ tên và thông tin về 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu trên toàn thế giới thiết lập. Các dữ liệu được thu thập trong vòng 40 năm tính đến cuối năm 2015, liên quan tới công dân và các công ty tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama". Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".
"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và một số có mục đích hợp pháp. Đồng thời việc xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp các nước. 
Trong khi đó "Offshore Leaks" là tên gọi của một vụ phát giác trong tháng 4/2013 về việc trốn thuế và những thiên đường thuế cũng do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Mỹ công bố công khai
Để tra cứu dữ liệu mới cập nhật về các công ty vỏ bọc (công ty offshore), độc giả có thể truy cập, tìm kiếm tại trang web https://offshoreleaks.icij.org của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). 
Giao diện trang web tra cứu tài liệu các công ty offshore.
Trong mục All countries, bấm chọn Vietnam rồi click vào nút Search. 
Danh sách các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có liên quan tới các công ty vỏ bọc tại nước ngoài sẽ hiển thị như trên đây. 
Sau khi dữ liệu đã lọc ra những cái tên có liên quan tại Việt Nam, hãy click vào tên của các cá nhân, doanh nghiệp, hoặc địa chỉ được lưu để tìm kiếm thêm thông tin chi tiết.
Dưới đây là danh sách (bằng tiếng Anh) các tổ chức, cá nhân Việt Nam có liên quan tới các công ty vỏ bọc ở nước ngoài có tên trong "Hồ sơ Panama" (Panama Papers) và "Offshore Leaks" đang có trong cơ sở dữ liệu được công bố công khai của ICJI.
Offshore Entities (19)/ 19 công ty vỏ bọc
 7 công ty có tên trong "Hồ sơ Panama" và 12 công ty có trong hồ sơ "Offshore Leaks"
                Incorporation   Jurisdiction      Linked To                           Data From
PENWOOD INTERNATIONAL INC.17-JUN-1993PanamaViet NamPanama Papers
FURAMA INTERNATIONAL HOTELIERS LIMITED10-AUG-1992British Virgin IslandsViet NamPanama Papers
BEST CITY FINANCE LIMITED16-JUL-2001British Virgin IslandsViet NamPanama Papers
ASG Consulting Services Ltd20-JUN-2007British Virgin IslandsViet NamPanama Papers
Labiofam Asia Limited26-SEP-1995BahamasViet NamPanama Papers
S. America Resource Group S.A.29-JUN-2007BahamasViet NamPanama Papers
Arianna Hotels & Resorts International Limited09-JUL-2009British Virgin IslandsViet NamPanama Papers
DRAGON AGE INVESTMENTS LTD.22-SEP-1993British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
StratCap International Ltd10-MAY-2004British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
Computers, Consultancy & Services Company Lim10-SEP-2002British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
Vietnam International School Investment Company Incorporated06-MAR-2007British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
SGL Vietnam Asset Limited04-DEC-2007British Virgin IslandsViet Nam, Virgin Islands, BritishOffshore Leaks
SGL Vietnam Land Limited04-DEC-2007British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
SGL Vietnam Real Estate Limited04-DEC-2007British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
SGL Vietnam Development Industry Limited10-JAN-2008British Virgin IslandsViet Nam, Virgin Islands, BritishOffshore Leaks
SGL Vietnam Development Estate Limited10-JAN-2008British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
V-Trac Holdings Limited08-JUL-1994UndeterminedViet NamOffshore Leaks
Vietnam Educational Development Company Incorporated06-MAR-2007British Virgin IslandsVirgin Islands, British, Viet NamOffshore Leaks
SGL Vietnam Development Gateway Limited10-JAN-2008British Virgin IslandsViet Nam, Virgin Islands, British
PV
Theo ICIJ

Nguyễn Thiện Nhân, đi và về cùng những dấu hỏi

10/05/2017
Ông Nguyễn Thiện Nhân. (REUTERS/Minh Hoang)
Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục “đi lên” vào năm 2017 với việc “xuống” địa phương. Nhưng thực chất là một bước thăng tiến.
Sau khi tưởng chừng đã bị an bài cho đến lúc về hưu với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở tận Hà Nội xa lạnh, ông Nhân bất chợt nhận quyết định “về nhà”, kết thúc 11 năm “ra trung ương”. 

Mơ ước khôn tận
Có lẽ chức vụ bí thư thành ủy TP.HCM vẫn là mơ ước khôn tận của Nguyễn Thiện Nhân. Mơ ước này còn vượt quá cả vị trí phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục mà một thời ông Nhân đã được sủng ái.
Và có lẽ rời xa một Hà Nội nhung nhúc âm mưu thủ đoạn chính trị, con người không mang tư tưởng tranh đoạt, và thực chất cũng không có đủ bản lĩnh tranh đoạt như ông Nhân, chỉ muốn “về nhà”. Mà lại về Sài Gòn trong một tư thế đẹp nhất trong nhiều tư thế, được ngẩng cao đầu, được trở thành “đầu chuột hơn đuôi voi” như dân gian vẫn ví von.
Với dư luận chung ở Sài Gòn, “phương án Nguyễn Thiện Nhân” có thể được xem như một sự dung hòa có thể chấp nhận được.
Là người có thực hàm, nhưng hơn cả là có thực học nhất trong tổ chức Bộ Chính trị, Nguyễn Thiện Nhân cũng thường được coi là ủy viên bộ chính trị duy nhất có khả năng nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài mà không cần phiên dịch, tuy nhiều lúc ông vẫn cần đến tờ giấy để đọc trước người dân trong nước. Vào năm 2006 khi được đưa từ TP.HCM ra trung ương làm bộ trưởng giáo dục, Nguyễn Thiện Nhân đã được khá nhiều người dân kỳ vọng về triển vọng “đưa trí tuệ vào Bộ Chính trị”.
Nguyễn Thiện Nhân lại thuộc về số ít, có thể là số rất ít, trong giới quan chức cao cấp được dư luận nhìn nhận là “sạch”. Trái ngược với rất nhiều quan lại bị dư luận đàm tiếu và lên án về tài sản cá nhân và hình ảnh tham nhũng “ăn của dân không chừa thứ gì”, ông Nhân chưa hề bị điều tiếng về chuyện tham ô hay nhà cửa. Chỉ đối chiếu ngay tại phạm vi TP.HCM, đức tính này của ông Nhân đã vượt hẳn quá nhiều tai tiếng của hai đời bí thư trước đó là Lê Thanh Hải và Đinh La Thăng.
Chỉ có điều, chừng đó tố chất trên vẫn là chưa đủ. Chưa đủ để Nguyễn Thiện Nhân được “tập thể Bộ Chính trị”, mà ai cũng hiểu là chính Tổng bí thư Trọng, quyết định điều động “về nhà” làm Bí thư thành ủy TP.HCM.
Phải có nguyên do nào khác. Khác đặc biệt.
“Trung lập” và “Nam Bộ”
Ngay khi Hội nghị trung ương 5 của đảng diễn ra vào đầu tháng 5/2017 cùng xuất hiện tình huống “ai thay thế Đinh La Thăng”, “phương án Nguyễn Thiện Nhân” đã chỉ khá mờ nhạt. Nổi trội hơn hẳn là “phương án Trương Hòa Bình” - người đang giữ chức vụ Phó thủ tướng thường trực và được xem là “được anh Tư đỡ đầu”. “Anh Tư” ở đây là Trương Tấn Sang - cựu chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân vật tuy đã thôi mọi chức vụ nhưng lại được dư luận xem là “cố vấn đặc biệt” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài Trương Hòa Bình là ứng viên hàng đầu cho chức bí thư thành ủy TP.HCM, còn có những cái tên khác mà Nguyễn Thiện Nhân phải “xếp hàng” sau: Tô Lâm - Bộ trưởng công an, Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Vào nửa chừng Hội nghị trung ương 5 và là lúc Đinh La Thăng chính thức bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, dư luận còn đồn ầm ĩ về người đàn bà “quá khổ” - Ủy viên bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - sẽ được đưa về thay Đinh La Thăng. Có người còn nói vui: thay Thăng bằng Phóng để quyết tâm đưa Sài Gòn bằng với… Sơn La.
Nhưng rốt cuộc, có tin Trương Hòa Bình “xin rút không về TP.HCM”. Không loại trừ ông Bình mang cao vọng mà đang tính toán đường đi xa hơn, cao hơn chức vụ phó thủ tướng thường trực hiện thời…
Lại không nghe tin tức gì về Tô Lâm vào Sài Gòn…
Cũng rốt cuộc, đã xuất hiện tin tức về phản ứng của nhiều cán bộ lão thành và quan chức đương nhiệm ở Nam Bộ trước việc trung ương cứ khăng khăng điều “người Bắc, có lý luận” để trấn giữ khu vực phía Nam, rằng một Đinh La Thăng đã là quá đủ…
Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể thờ ơ trước phản ứng của miền Nam. Nếu lại phát sinh một scandal Đinh La Thăng nữa, uy tín của tổng bí thư trong mắt bàn dân thiên hạ sẽ ra sao?
Ngoài Trương Hòa Bình đã “rút”, chỉ còn Võ Văn Thưởng và Nguyễn Thiện Nhân là “đại diện” cho miền Nam mà có thể dễ được người Nam Bộ chấp nhận.
Đến lúc này, yếu tố “phe phái” mới thực trọng yếu.
Trong lịch sử hoạt động chính trị của mình, Nguyễn Thiện Nhân còn có một đức tính đáng kể khác: ít có dấu hiệu và biểu hiện nào cho thấy ông trực tiếp tham dự vào đấu trường chính trị và trở thành người của các phe nhóm. Nói cách khác, ông Nhân là người tương đối trung lập. Mà trung lập trong tình trạng nhiều đảng viên than thở “đảng nát như tương” cũng đã là “quý”.
Chưa kể một vấn đề khác cũng thuộc về lịch sử: vào thời còn làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Nguyễn Thiện Nhân bị bí thư thành ủy khi đó là Lê Thanh Hải tìm cách cô lập - theo nhiều dư luận. Rất có thể chính vì nguồn cơn đó mà ông Nhân bị “đá” ra trung ương. Do vậy, không thể có chuyện Nguyễn Thiện Nhân, khi đã nghiễm nhiên “vinh quy” về TP.HCM, lại “cùng cánh” với triều đại cựu bí thư họ Lê.
Cuối cùng, chiến dịch tranh đấu giành vị trí đứng đầu TP.HCM dường như đã dẫn đến kết quả mang tính thỏa hiệp: một nhân vật Nam Bộ và trung dung không thuộc phe phái nào như Nguyễn Thiện Nhân lại nghiễm nhiên “buồn ngủ gặp chiếu manh”.
Thách thức lớn nhất?
Giờ đây, như thường lệ đối với những nhân vật mới nhậm chức, công luận đang đặt dấu hỏi “thách thức nào cho Tân bí thư Nguyễn Thiện Nhân?”.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Thách thức lớn nhất đối với Nguyễn Thiện Nhân chính là bản thân ông.
Để lại phát sinh một câu hỏi khác: Nguyễn Thiện Nhân có năng lực hay không?
Cần nhắc lại, khi được điều ra trung ương để nắm giữ chức bộ trưởng giáo dục vào năm 2007, Nguyễn Thiện Nhân đã được dư luận và báo chí kỳ vọng, cùng một làn sóng ca ngợi ông không mấy kém thua những trường hợp Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng sau này.
Khi đó, Nguyễn Thiện Nhân đã trở thành bộ trưởng hiếm hoi dám đưa ra những cam kết như “Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học” và “Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”.
Nhưng sau năm 2010 và từ đó đến nay, kết quả lại giống như một cái gương chiếu hậu: sinh viên phải bỏ học do khó khăn gia đình và học phí quá cao, giáo viên ở nhiều vùng sâu phải thoái trường, còn một số học sinh phải tự nuôi thân bằng thịt chuột. Nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn Thiện Nhân đã không hoặc chỉ được cải thiện rất ít, còn sau thời ông thì lao dốc không phanh.
Từ đó đến nay, nhiều tạp chí chuyên ngành danh tiếng quốc tế đã thường xuyên công bố danh sách 400 - 500 trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.
Sau năm 2010, tiếng nói của Bộ trưởng Nhân chỉ còn rơi rớt.
Bệnh nói nhiều làm ít còn có thể được châm chước vào thời Nguyễn Thiện Nhân còn ở TP.HCM, khi ông bị Lê Thanh Hải “siết”. Nhưng khi đã một mình một cõi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí còn lên đến chức Phó thủ tướng, Nguyễn Thiện Nhân đã tự thể hiện mình ra sao để đến mức ông bị điều về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - một cơ quan bị xem là “đầu không tới trời, chân không tới đất”?
Rất nhiều người hâm hộ và ủng hộ ông trước đó đã chuyển sang tâm thái thất vọng. Sau thất vọng là chỉ trích. Ông nói nhiều nhưng lại làm quá ít. Ngay cả những người còn giữ được cái nhìn về một Nguyễn Thiện Nhân “trí thức” và “sạch” cũng đâm ra hoài nghi về năng lực hành động của ông.
Còn giờ đây, “bỗng dưng” trở thành Bí thư thành ủy và nắm vận mạng của thành phố lớn thứ hai quốc gia, Nguyễn Thiện Nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác chính trị và nhân quyền chứ không còn thuần túy như chuyên môn giáo dục trước đây.
Khác hẳn năm 2007 là lúc đảng “còn bạc còn tiền còn đệ tử”, lúc này đây không chỉ “đảng nát như tương” mà đất nước đã nát như cám. Một quan chức sẽ trở thành cái gì nếu não trạng anh ta vẫn chỉ chăm chăm những lời hứa hẹn được lập trình như hồi mười năm trước?
Nếu không khắc phục nhanh nhất những nhược điểm cố hữu trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác tổ chức nhân sự, công tác hậu kiểm và không có được một chút dũng khí để thẳng tay xử lý tiêu cực, Nguyễn Thiện Nhân sẽ có thể ứng xử với Sài Gòn theo cái cách mà ông đã hô hào phong trào “hai không” ở ngành giáo dục nhưng chỉ đạt được kết quả “không không thấy”.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. 

Hội nghị Trung ương 5 bế mạc trong ‘bế tắc’

10/05/2017
Từ trái sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tân Bí thư Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Chủ tịch Trần Đại Quang.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đã bế mạc vào chiều ngày 10/5, nhưng nhiều vấn đề lớn vẫn còn “bế tắc.”
Báo Tuổi trẻ đưa tin “sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.”
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “thống nhất cao” thông qua các nghị quyết, bao gồm việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Ông Quang Hữu Minh, một nhà báo độc lập ở Sài gòn, cho rằng trong giới lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ về lý luận khi đưa ra các nghị quyết này. Và ông Minh nhấn mạng rằng nếu “nếu còn vấn đề về lý luận thì lý luận sẽ không ổn.”
“Nghị quyết mới nhưng cái bình cũ thì không giải quyết được gì cả. Chúng ta hãy nhớ khi nhậm chức thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng Việt Nam chỉ có kinh tế thị trường, chứ ông ấy không hề nhắc gì đến khái niệm theo định hướng XHCN. Nhưng mà nghị quyết mới vẫn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo đi định hướng XHCN. Thì rõ ràng là ngay trong nhận thức của những lãnh đạo cấp cao của Đảng đã có vấn đề về việc chọn mô hình phát triển kinh tế.”
Nghị quyết mới nhưng cái bình cũ thì không giải quyết được gì cả.
Việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, theo ông Minh, Việt Nam đã “kêu gào” trong ba năm qua nhưng cũng không thực hiện được vì lý do như sau:
“Vì cơ bản, nếu không còn lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, không còn hệ thống tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thì bản sắc của chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Việt Nam cũng sẽ nhạt nhòa đi, và nhiều người không muốn điều đó. Do đó, tôi không kỳ vọng nhiều vào Hội nghị 5 này.”
Nhà báo Hữu Minh kết luận rằng lãnh đạo Hà Nội vẫn còn“lúng túng” về vấn đề đinh hướng mô hình kinh tế:
Một tập đoàn doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam
Một tập đoàn doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam
“Tôi nghĩ rằng sau Hội nghị Trung ương 5, mọi thứ vẫn sẽ còn lúng túng về đường lối, về kinh tế, chứ không chỉ riêng vấn đề chính trị.”
Liên quan đến vấn đề nhân sự, nhà báo Hữu Minh nói rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân làm tân bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/5 thay cho ông Đinh La Thăng cho thấy sự miễn cưỡng và có phần bế tắc của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dù ông Nhân nhận được 100% phiếu tán thành:
“Tôi nghĩ rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là một sự lựa chọn hơi miễn cưỡng. Cũng có người không muốn có sự xáo động về nhân sự ở kỳ này, nhưng cuối cùng buộc lòng phải như thế. Thành ra việc lựa chọn ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cũng có phần bế tắc vì rõ ràng là ông Nguyễn Thiện Nhân ít phù hợp hơn ông Đinh La Thăng. Ông Nguyễn Thiện Nhân thì đỡ bảo thủ hơn những người khác một chút. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới (của ông Nhân). Nhưng tôi cũng thấy vui vì ít ra (ổng) đỡ bảo thủ hơn.”
Việc lựa chọn ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cũng có phần bế tắc vì rõ ràng là ông Nguyễn Thiện Nhân ít phù hợp hơn ông Đinh La Thăng. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới (của ông Nhân). Nhưng tôi cũng thấy vui vì ít ra (ổng) đỡ bảo thủ hơn.
Trước đó, vào ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và đồng ý cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.
Rõ ràng việc Hội nghị Trung ương 5 thu xếp cho ông Thăng tự rút lui chưa mở ra hướng chống tham nhũng hiệu quả, so với hàng ngàn tỉ đồng mà ông Thăng đã làm thất thoát trước khi làm bí thư thành phố lớn nhất nước.
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook rằng: “Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.”
Ông Chênh nhận định rằng chủ trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng “đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.”
Ông Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Nhà báo Hữu Minh cũng có cùng nhận định với ông Chênh:
“Tôi không kỳ vọng lắm vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng. Ngoài việc ông Thăng mất ghế bí thư thành ủy và ra khỏi Bộ Chính trị ra thì cũng không có một hướng xử lý nào để thu hồi về một phần tài sản tham nhũng về cho ngân sách quốc gia. Việc kỷ luật ông Thăng chưa giải quyết vấn đề này. Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam có vấn đề, không thượng tôn pháp trị, chỉ xử lý sai phạm theo hướng vụ nào ồn ào mới làm, vấn đề đảng nhỏ trong đảng to…Những vấn đề đó đều núp dưới vỏ bọc chống tham nhũng.”
Ông Chênh kết luận trên Facebook về Hội nghị Trung ương 5: “Tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win (các bên đều thắng). Chỉ có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.”

Trung Quốc sắp xây căn cứ phi đạn ở Biển Đông

10/05/2017
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Trung Quốc chuẩn bị xây dựng căn cứ phi đạn trên một đảo chiến lược ở Biển Đông, theo hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International (ISI) Eros B chụp được ngày 8/5.
Hình ảnh có độ phân giải cao vừa tiết lộ cho thấy những thay đổi gần đây tại Căn cứ Hải quân Yulin của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại mũi của đảo Hải Nam trong vùng tranh chấp Biển Đông. Trong vòng chưa đến hai tháng, quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều dàn phóng phi đạn tại phía tây của căn cứ. Nhà phân tích hình ảnh vệ tinh Amit Gur kết luận đây là những phi đạn chống chiến hạm.
Ông Gur nói những hệ thống tương tự đã xuất hiện trong các kho dữ liệu vệ tinh cách đây 2 năm nhưng đã được di dời trong những tháng gần đây để thích nghi với việc nâng cấp hạ tầng cơ sở tại địa điểm này. Hình ảnh vệ tinh ISI chụp ngày 15/3 cho thấy một vùng bằng phẳng trống rỗng, nhưng tới ngày 8/5, công ty này thu được hình ảnh rõ ràng về hạ tầng cơ sở được tráng nhựa mới và nhiều vị trí phóng phi đạn.
Theo các hình ảnh này, có lẽ đáng chú ý hơn cả là những diễn tiến ở phía đông Yulin. “Giờ đây, chúng tôi thấy xuất hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở mà trước kia không thấy có và giống như họ đang chuẩn bị cho các phi đạn từ bờ biển bắn ra các chiến hạm, giống như ở phía tây Yulin, ông Gil Or, phát ngôn viên của công ty cho biết.
Ông Gur nói thêm rằng việc mở rộng căn cứ Yulin củng cố chiến lược tam giác của Bắc Kinh về những căn cứ tiền phương, để với những căn cứ này, lan tỏa sức mạnh của Trung Quốc vượt xa các nước láng giềng Việt Nam và Philippines.
(Nguồn Defensenews.com/ImageSat International)

Hợp đồng đóng tàu bằng thép Nhật, Hàn nhưng dùng thép Trung Quốc

10/05/2017 20:57 GMT+7

TTO - Ngư dân Bình Định hợp đồng với công ty đóng tàu vỏ thép sử dụng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng cộng ty lại làm thép Trung Quốc dẫn đến việc tàu nhanh hỏng.
Hợp đồng đóng tàu bằng thép Nhật, Hàn nhưng dùng thép Trung Quốc
Một tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị gỉ sét vỏ tàu sau vài tháng xuất xưởng - Ảnh: CÔNG VĨNH
Chiều 10-5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp giữa các ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo chương trình của Chính phủ nhưng nhanh hư hỏng với các nhà máy cùng các sở ngành, địa phương liên quan.
Công ty hứa sửa tàu, dân không chịu...
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định báo cáo qua đợt kiểm tra mới nhất ngày 9-5 cho thấy năm chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) bị hư hỏng nặng ở phần thân tàu, cabin, boong tàu khi các bộ phận bằng thép bị gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.
12 tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) hầu hết bị hỏng máy chính, máy phát điện, hầm lạnh không đảm bảo…
Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu đề nghị trả chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố của toàn bộ các tàu vỏ thép bị hư hỏng, hỗ trợ một phần thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra, hỗ trợ 100% chi phí thiết kể chuyển đổi nghề khai thác từ lưới vây sang lưới chụp.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất chịu chi phí kéo tàu lên đà tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để sơn lại, khắc phục các sự cố, hỗ trợ mỗi chủ tàu 14 triệu đồng để mua dầu chạy tàu vào Cam Ranh…
Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều ngư dân không đồng tình với phương án mà hai công ty này nêu ra.
Thép TQ chất lượng ngang ngửa thép Hàn, Nhật Bản?
Các ngư dân đóng tàu vỏ thép tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết họ hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng nhà máy lại làm thép Trung Quốc.
Ông Trương Văn Đài - phó giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng thép Trung Quốc nhưng là loại thép có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng cho biết nhà máy không hỏi ý kiến chủ tàu khi thay loại thép vì nghĩ cơ quan đăng kiểm cho phép thì làm.
Còn Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu không thực hiện đúng hợp đồng khi lắp máy một hãng, nhưng hộp số của hãng khác dẫn đến thiếu đồng bộ trong vận hành làm máy gặp sự cố liên tục; hộp số chỉ có ba cấp trong khi hợp đồng là năm cấp, không đủ sức để chạy tàu thép có tải trọng lớn.
Ngoài ra, quy định của Nghị định 67 là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu.
Phải sửa tàu theo đúng hợp đồng
Kết luận cuộc họp, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói ngư dân không có kiến thức nên không giám sát được việc đóng tàu, khoán trắng cho nhà máy, trong khi hai công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ nghĩ làm ăn kinh tế, kiếm lời, dẫn đến sự cố của hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng.
Ông Châu yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thuê ngay một đơn vị độc lập kiểm định chất lượng tất cả các tàu vỏ thép có vấn đề do hai công ty trên thi công, báo cáo đầy đủ tình hình thất thu của ngư dân do việc hư hỏng tàu gây nên để tỉnh có hướng xử lý.
Ông cũng yêu cầu hai công ty đóng tàu, sau khi có kết quả thẩm định độc lập, cần nhanh chóng sửa chữa toàn bộ những hư hỏng về thân tàu, máy tàu, ngư cụ, thiết bị của ngư dân theo đúng hợp đồng đã ký kết.
“Dân hợp đồng đóng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mà nhà máy đóng thép Trung Quốc thì khắc phục là phải làm cho đúng hợp đồng. Nghị định 67 yêu cầu máy tàu là mới nguyên đai nguyên kiện thì phải đúng như vậy, đồng thời hai công ty không được thu tiền thiết kế tàu của ngư dân vì trái với nghị định” - ông Châu nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương ven biển phải hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục nếu phát sinh việc dân khởi kiện các nhà máy đóng tàu ra tòa án.
Phú Yên: 2 tàu vỏ thép mới đóng bị hỏng
Đó là tàu của ngư dân Phan Thanh Trị (P.Phú Đông, TP Tuy Hòa) và Đỗ Ngọc Tín (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đều do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) đóng theo chương trình Nghị định 67.
Ông Trị cho biết máy phát điện tàu ông hay hỏng, phải sửa chữa liên tục, cần chụp lưới bị gãy, đứt dây cần cẩu khiến ông bị thương nặng và hỏng một mắt.
Còn ông Tín phản ánh tàu ông được thiết kế có tải trọng hơn 120 tấn, nhưng hai chuyến biển đầu tiên cho thấy mới đạt trọng tải khoảng 50 tấn thì tàu đã chìm dưới mớn nước cho phép.
ANH NGỌC

Huy Đức - Hy vọng sẽ không còn phải viết về ai như Dũng, như Thăng nữa

Khác với những người đang "thương vay, khóc mướn", Đinh La Thăng tính toán chiến lược hơn. Anh ấy biết rõ "cơ quan chức năng" có lượng tài liệu gấp nhiều lần "mấy mẩu con con" mà ủy ban Kiểm tra công bố.


Việc "chui" vào Bộ chính trị một năm, một trăm ngày trước đây; những giọt nước mắt trình bày hoàn cảnh gia đình trong phiên họp "luận tội" của Trung ương hôm Chủ nhật và lời xin lỗi gửi tới cả cá nhân Tổng bí thư sáng nay đều nằm trong những nỗ lực tìm nơi trú ẩn.

Đây chỉ mới là quy trình chính trị. Bỏ qua lòng kiêu hãnh mà Đình La Thăng vẫn xây dựng trước "đám đông", việc anh làm bây giờ là làm sao tránh được quy trình tố tụng.

Tuần trước, khi còn ở trong Bộ chính trị, muốn "chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra", những người xử lý anh cần phải có đủ phiếu ở Trung ương. Giờ đây, chỉ cần Ban bí thư, Bộ chính trị là đã có thể làm việc đó.

Cũng hôm Chủ nhật, Tướng Vịnh đã tiên phong khi bắt đầu phiên họp của Trung ương, nhân danh đồng chí và bạn thân của Đinh La Thăng, ủng hộ Trung ương kỷ luật và đưa Thăng ra khỏi Bộ chính trị. Tướng ra trận phải biết bỏ những thành đã mất. Hành động của Tướng Vịnh như ông anh bạt tai thằng em trước "ông bà bô" nghiêm khắc, những mong thằng em thoát được những đòn roi xé da, rách thịt hơn.

Đinh La Thăng giờ đây có lẽ rồi cũng sẽ rời khỏi "pháo đài uy tín trong dân".

Từ năm 2008, một số thành viên Chính phủ đã nhiều lần chính thức can Nguyễn Tấn Dũng không mở tung cửa cho nhà thầu Trung Quốc. Năm 2008, 2009, bộ trưởng Võ Hồng Phúc còn làm văn bản khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp ngăn chặn làn sóng nhà thầu Trung Quốc chụp giựt, yếu kém. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa một lần trả lời và sau hai nhiệm kỳ của ông, Việt Nam thành bãi rác cho công nghệ "Tàu" lỗi thời. Có không ít dự án của Đinh La Thăng, khi vừa hoàn thành thì "công nghệ" cũng vừa hết đát. Vậy mà chỉ cần một câu nói chống "tình hữu nghị viển vông"; chỉ cần một cái chỉ tay "đuổi nhà thầu Trung Quốc(bất thành)" cả Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đều trở thành "phe chống Tàu, thân Mỹ".

Các nhà lãnh đạo Chế độ nên đặt câu hỏi, tại sao dân chúng lại từng lên tiếng ủng hộ những kẻ mà họ biết rõ là "sâu chúa". Dân chúng đã chán ngắt một hệ thống chính trị mà trong đó họ rất ít khi nhìn thấy mình. Lòng khát khao thay đổi đã làm cho không ít người dân nhẹ dạ cả tin suýt nữa trở thành thành quách chở che những kẻ vơ vét sạch sành sành của họ.

Tham nhũng trong hệ thống thì đầy rẫy nhưng rất hiếm có những người như Thăng, như Dũng. Tôi không phải là một nhà báo chống tham nhũng. Ba mươi năm làm báo của tôi chủ yếu là phản biện chính sách. Và gần đây, chỉ khi cần ngăn chặn những kẻ tham nhũng khoác áo dân túy tôi mới phải mài ngòi bút của mình. Tôi hy vọng sẽ không còn phải viết về ai như Dũng, như Thăng nữa. Công việc mấy tháng qua của tôi là nghiên cứu về những bất cập trong thể chế, những bất cập đẻ ra tham nhũng.

Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay.

Ủy viên bộ chính trị hay ủy viên trung ương đều là những "vai vế trong đảng", đảng có thể sử dụng quy trình chính trị nội bộ của mình để xử. Nhưng, hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân. Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.

Huy Đức
(FB. Huy Đức)