Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

BÁO LAO ĐỘNG, DÂN TRÍ, DÂN VIỆT, INFONET...HÈ NHAU " MỔ BÊ-RÊ-TÊ ( XE BUÝT NHANH) KHÔNG PHẢI RÊ-TÊ-CÊ ( RƯỢU THỊT CHÓ) CỦA HN

Thảm bại quá, buýt nhanh ơi!

LĐO ANH ĐÀO
Nhà chờ xe buýt nhanh. (Ảnh Vietnamplus)
Buýt nhanh thất bại ngay từ khi chưa khai trương, thất bại trong hôm nay và ẩn chứa vô số thất bại tiềm năng khác. Người dân nhìn thấy thất bại, người nước ngoài cũng thấy, chắc chỉ có "cha đẻ" của nó là không thấy.
Ngay cả bây giờ, khi dự án xe buýt nhanh Hà Nội gần như thất thủ, hay thất bại, có thể mạnh tay gắn thêm tính từ "thảm hại" nữa, song đó không phải là lỗi của BRT. Đó là lỗi của những người đã coi BRT như một "dự án hoa hồng"!
Ngàn tỉ đồng! Làn đường riêng (trong khi bên cạnh là ùn tắc chen chúc, là cá hộp khốn khổ). Và những chiến dịch rầm rộ. Thậm chí là cả free (miễn phí) nữa. Thêm chi tiết này nữa: Những kẻ trót đi vào "làn BRT" thì dù đó là anh xe chở rác, ông xế hộp hay "chị Ninja"... tất thảy đều nhận những ánh nhìn ghẻ lạnh, như thể phạm vào văn minh có nghĩa là rất ngu dốt. BRT, lại là tuyến đầu tiên nữa, quả nhiên đúng là một thứ "cậu ấm mạ vàng"!
Nhưng thật thảm hại cho "cậu ấm"! 
Trung bình mỗi xe chỉ có 34 khách (thấp nhất) và cao nhất chưa đạt 48 khách. Và trong khi "một mình một đường" thì tốc độ xe chạy trung bình gần 20km/giờ, không nhanh hơn xe buýt thường là bao.
Thất bại cả trong thực tế, cả trên lý thuyết khi các chuyên gia tính được rằng "giả sử mỗi xe có 60 hành khách, thông lượng cao điểm của hệ thống BRT cũng chỉ đạt 1.200 hành khách trong một giờ trên một chiều. Một làn giao thông hỗn hợp với lượng xe máy cao có thể hơn 3.000 hành khách trong một giờ trên một chiều".
Thất bại ngay trong hiện tại và thất bại ở thì tương lai khi chỉ nay mai, tuyến tàu điện trên cao, gần như chạy song song.
Thất bại được nhìn thấy ngay cả khi tuyến BRT chưa khai trương và cả khi nó như một cái nút chai đóng chẹt một trong những cái yết hầu giao thông của thành phố.
Thất bại được nhìn thấy không chỉ từ người dân, mà ngay cả những người nước ngoài, như cái ông Karl Fjelstrom cũng thấy. Chẳng hạn cái nhà chờ BRT Hoàng Đạo Thúy, khoảng cách đoạn thẳng là 20m nhưng cự ly đi bộ là 250m. 
Chỉ có một người không thấy, và đó lại chính là cha đẻ của BRT.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự thất bại của BRT hôm nay không phải là lý do để xoá bỏ một phương thức giao thông hiện đại, đáp án duy nhất ngõ hầu có thể giải rốt ráo bài toán giao thông đô thị không chỉ ở thủ đô. Tôi định viết nên xem nó là một bài học trong quản trị và thực hiện dự án giao thông, nhưng mà thôi, chắc các bạn sẽ cười khẩy.
Cái gì cũng thành bài học, cũng rút kinh nghiệm hết thì đến lúc chúng ta chẳng còn sức đóng thuế cho người khác rút kinh nghiệm mất thôi.
[QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.


“Bê rờ tê” – Cuộc “cách mạng” ở Thủ đô thất bại?

(Dân trí) - “Bê rờ tê” tức là… BRT- tên gọi của hệ thống xe buýt nhanh vừa được triển khai tại Hà Nội cách đây 4 tháng với hi vọng sẽ là cuộc “cách mạng” về giao thông Thủ đô đang đứng trước nguy cơ thất bại.
 >> “Hiệu quả BRT đem lại chưa thể đo đếm bằng tiền”
 >> Buýt nhanh BRT chỉ chở vài hành khách khi chạy trên đường?

Nguyên nhân là thời gian qua, nó đã không phát huy được hiệu quả kinh tế cũng như giải tỏa ùn tắc giao thông vì ít được người dân Thủ đô chấp nhận. Điều này có nghĩa là hàng ngàn tỉ đồng đang đứng trước nguy cơ “không cánh mà bay”.
Báo Dân trí ngày 10/5 cho biết, trừ giờ cao điểm, nhiều chuyến xe buýt BRT chỉ chở vài hành khách khi chạy trên đường, thậm chí có xe xuất bến trong tình trạng... không có khách.
Trên báo Lao động ngày 4/5/2017, bài “Xe buýt nhanh BRT: Đầu tư nghìn tỉ không hiệu quả, ai chịu trách nhiệm?” cho biết, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa chỉ đạo thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn xe buýt nhanh BRT và nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác vì việc buýt nhanh một mình một đường là chưa hợp lý.
Lý do, có lẽ bởi theo số liệu báo cáo 3 tháng vận hành BRT, mức bình quân chỉ đạt 42,4 hành khách/lượt trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách. Như vậy, hiệu quả của xe buýt nhanh đã không hơn buýt thường do chỉ phát huy chưa đến 50% hiệu quả dù tổng dự án đầu tư hơn 1.000 tỉ cho 14,7km và có đường riêng.
Bài báo đặt câu hỏi: “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của dự án này và tương lai của các tuyến xe buýt còn lại sẽ ra sao?”.
Cũng thời điểm này, báo Lao động đăng tải bài viết của ông Karl Fjelstrom, Giám đốc BRT Viễn Đông, một trong số những chuyên gia chính đã lên kế hoạch, thiết kế và triển khai thành công hai hệ thống BRT “tiêu chuẩn vàng” của Châu Á ở Quảng Châu và Nghi Xương (Trung Quốc) với tiêu đề: “World Bank’s first BRT in Asia is designed to fail” (“Dự án BRT đầu tiên của World Bank ở Châu Á thất bại”) đánh giá về dự án BRT tại Hà Nội.
Trong bài viết của mình, vị chuyên gia này cho rằng đây là thất bại được báo trước bởi hàng loạt nguyên nhân từ tốc độ, bố trí luồng tuyến, giá thành, nhà ga thiếu tiện lợi, tiến độ chậm… đặc biệt còn làm ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác.
Tác giả kết luận: “Dự án này thất bại là chắc chắn vì BRT chạy không hơn gì với xe buýt thường. Dự án không giải quyết được vấn đề gì và thất bại này đã được cảnh báo trước”.
Thật ra, kết luận của chuyên gia Karl Fjelstrom không mới bởi trước đó, nhiều báo chí trong nước đã dự đoán và trên BLOG Dân trí ngày 27/1, bài “Chuyện BRT và cuộc “cách mạng” giao thông ở Hà Nội” đã cảnh báo về chuyện này.
Có lẽ, ông Karl Fjelstrom còn không (hoặc chưa) biết một điều, chỉ có hơn 14km mà ngân sách phải chi tới cả nghìn tỉ và giá mỗi chiếc xe buýt BRT lên tới hơn 5 tỉ đồng, một con số đáng… ngờ vực.
Đó là chưa kể một loạt các câu hỏi như tại sao lại có nút khởi đầu từ Kim Mã? Phải chăng khi dự án này được xây dựng, Kim Mã vẫn còn là bến xe khách?
Rồi mai này, khi đường sắt trên cao có hướng đi tương tự đi vào hoạt động, liệu có ảnh hưởng đến lưu lượng hành khách hay không?
Trở lại với câu hỏi “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của dự án này và tương lai của các tuyến xe buýt còn lại sẽ ra sao?”, có lẽ không khó để dự đoán rằng nếu chuyện đó xảy ra, sẽ lại là điệp khúc “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc” thường thấy. Trong khi trách nhiệm thì khó có ai nhận nhưng hậu quả thì chắc chắn có nơi nhận, đó là dân.
Về tương lai các tuyến xe buýt còn lại, sau khi “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc”, nó sẽ vẫn được tiếp tục triển khai nếu trên hành trình BRT còn trải nhiều “hoa hồng”, “hoa huệ”…
Bùi Hoàng Tám

Hà Nội đã quên làm gì khi đổ ngàn tỷ làm buýt nhanh BRT?


N. Huyền




“Việc phát triển các loại hình giao thông tiếp cận như đi bộ, xe đạp, minibus, ô tô điện, jeepney, tuctuc sẽ giúp phát huy hiệu quả của tuyến BRT. Trong đó, xe đạp là loại hình giao thông tiếp cận có hiệu quả và ít tốn kém nhất.
Tuy nhiên, tại các điểm dừng của tuyến BRT và khu vực lân cận (trừ bến Kim Mã và Yên Nghĩa) không có điểm trông giữ xe đạp và các phương tiện trung chuyển để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hành khách sử dụng BRT. Nội dung này đã bị bỏ quên trong danh mục đầu tư dự án BRT01”.
Đây là quan điểm của chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang xung quanh câu chuyện Hà Nội mới đây thừa nhận tuyến buýt nhanh BRT không hiệu quả và tiếp tục cho thí điểm buýt thường đi vào làn đường của tuyến buýt nhanh.
Chỉ đạt 10% năng lực vận chuyển!
Tháng 1, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (BRT 01)  chính thức đưa vào khai thác. Tuyến BRT 01 nằm trên trục đường xuyên tâm đông đúc nhất của Hà Nội. Trục đường này có mật độ dân cư cao mật độ chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khá dày đặc nên rất thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn. Đây là tuyến giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Hà Nội được đưa vào khai thác nên các nhà quy hoạch kỳ vọng rằng tuyến xe buýt nhanh này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông hiệu quả.
Tuy nhiên, sau thời gian vận hành thử nghiệm, theo số liệu của Transerco, lượng khách trên tuyến Hanoi BRT thấp nhất vào các ngày Chủ Nhật là 11.000 HK/ngày và lượng khách các ngày trong tuần ổn định khoảng 14.000-15.000 hành khách/ngày. Trước số liệu này, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, lượng hành khách sử dụng BRT để đi làm, đi học vào các ngày làm việc trong tuần chỉ khoảng 4.000-5.000 hành khách/ngày, chiếm khoảng 30%; và 70% lượng khách còn lại sử dụng BRT cho các mục đích khác, không phải đi làm, đi học.
Tiềm năng vận chuyển của tuyến BRT còn rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả
“Có thể kết luận rằng, Hanoi BRT chưa đủ sức hấp dẫn để những người trong độ tuổi đi làm, đi học sử dụng xe buýt nhanh thay cho xe máy để đi làm hàng ngày. So với kinh nghiệm của thế giới, năng lực vận chuyển của tuyến Hanoi BRT còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10% so với năng lực vận chuyển BRT của thế giới (15.000 hành khách/17 giờ/ngày, tương đương khoảng 882 hành khách/giờ, so với 9.000-20.000 hành khách/giờ của thế giới). Như vậy, tiềm năng vận chuyển của tuyến BRT còn rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả”- chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang nhận định.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Quang cho rằng, phạm vi thực sự có ảnh hưởng của BRT còn khá hạn chế, chỉ trong khoảng 300 mét quanh các điểm dừng BRT. Những người sống hoặc đi làm ngoài phạm vi 300 mét này sẽ không sử dụng BRT do thời gian trung bình để đi làm quá khả năng chấp nhận được. Có thể đây là một trong những lý do giải thích tỷ lệ người trong độ tuổi lao động sử dụng BRT còn thấp.
Quên mất hạng mục đầu tư  đối với giao thông tiếp cận
Một chuyến đi bằng giao thông công cộng luôn liên quan mật thiết tới việc di chuyển bằng giao thông phi cơ giới (đi bộ, xe đạp) hoặc các phương tiện giao thông tiếp cận/trung chuyển khác như: minibus, jeepney, xe điện, tuc tuc. Các phương tiện GTCC tuy có khả năng di chuyển nhanh, sức chở lớn, phù hợp với các quãng đường vận chuyển dài, nhưng khả năng tiếp cận lại kém, không thể linh hoạt thay đổi đường đi hoặc luồn lách vào các đường, ngõ nhỏ. Ngược lại, các phương tiện giao thông phi cơ giới (xe đạp và đi bộ) lại có khả năng tiếp cận tốt, có thể linh hoạt và tiếp cận trực tiếp (from door-to-door) tới nơi cần đến, rất phù hợp với các quãng đường di chuyển ngắn. Do vậy, ông Quang khẳng định việc kết hợp giữa GTCC với các phương tiện giao thông phi cơ giới chính là sự bù đắp các nhược điểm và phát huy thế mạnh của nhau.
“Muốn giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân từ bỏ xe máy để chuyển sang sử dụng GTCC thì các phương tiện GTCC cần được ưu tiên để đảm bảo đặc tính cơ động của chúng được phát huy tối đa. Đồng thời, giao thông tiếp cận, đặc biệt là giao thông phi cơ giới, phải được quan tâm đầu tư. Cụ thể: xe buýt và đặc biệt là xe buýt nhanh cần phải được bố trí làn dành riêng ở những tuyến phố có mặt cắt đủ rộng để đảm bảo phát huy tốt đặc tính cơ động của chúng. Hè phố cần được cải tạo, chỉnh trang và quản lí tốt để hấp dẫn người đi bộ và xe đạp”- ông Quang nhấn mạnh.
Việc phát triển các loại hình giao thông tiếp cận như đi bộ, xe đạp, minibus, ô tô điện, jeepney, tuctuc sẽ giúp phát huy hiệu quả của tuyến BRT. Trong đó, xe đạp là loại hình giao thông tiếp cận có hiệu quả và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, hiện nay các loại hình giao thông tiếp cận này chưa được quan tâm đúng mức.
“Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, tại các điểm dừng của tuyến BRT và khu vực lân cận (trừ bến Kim mã và Yên Nghĩa) hiện không có điểm trông giữ xe đạp và các phương tiện trung chuyển để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hành khách sử dụng BRT. Nội dung này đã bị bỏ quên trong danh mục đầu tư dự án BRT01”- ông Quang buồn bã cho hay.
Do vậy, để giảm ùn tắc giao thông, một trong những biện pháp mà chính quyền Thành phố cần thực hiện, theo ông Quang là cần cải tạo quy hoạch-thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận (bao gồm từ việc bố trí hạ tầng cho người đi bộ, đi xe đạp, tổ chức giao thông và quản lí việc dừng, đỗ ô tô, xe máy, đến việc trồng cây, tạo bóng mát, thiết kế chỗ nghỉ, dừng chân cho người đi bộ, bãi để xe đạp, tổ chức đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ, xe đạp…) cho khu vực hành lang hai tuyến GTCC hiện đại này sẽ tạo ra hình ảnh và sức sống mới cho hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
( Infonet)

Buýt nhanh chậm hơn... buýt thường

LĐ - 108 NHÓM PV THỜI SỰ
Hình ảnh chụp tại tuyến xe buýt vào 17h50 phút ngày 10.5 tại tuyến xe buýt 29B-154.92. Ảnh: PV
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) đang tổ chức khảo sát, lên phương án để trình cấp trên xem xét. Trong vai hành khách đi xe buýt, phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành khảo sát thực tế hai tuyến buýt nhanh và buýt thường với cùng điểm xuất phát tại Kim Mã và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Kết quả: Buýt nhanh... chậm hơn buýt thường.
17h46 ngày 10.5, PV Báo Lao Động ngẫu nhiên lên chiếc xe buýt mang BKS 29B-154.93 tại bến xe Kim Mã. Đến 17h49 chiếc xe rời bến. Trên xe lúc này có 34 người. Điều đáng nói, tại tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn từ Trung Văn về đến ngã ba Lê Văn Lương - Trần Phú) dọc đường này phương tiện rất đông. Do một làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh BRT nên hai làn đường còn lại phần lớn là ôtô. Các phương tiện xe máy phải len lỏi giữa dòng xe ôtô, còn lại leo lên vỉa hè để di chuyển. Nhiều phương tiện đã lấn sang đường xe buýt nhanh khiến chiếc xe liên tục phải bóp còi. Hành trình của tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa mất 50 phút.
Ngược với chuyến xe buýt nhanh BRT, cũng vào giờ cao điểm, ngày 11.5 chúng tôi đứng tại một điểm chờ xe buýt thường trên đường Tôn Đức Thắng (đây là điểm gần bến xe Kim Mã và chạy gần như song song với tuyến BRT) để lên xe về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Vào 17h9, chúng tôi bước lên chiếc xe buýt số 02 mang BKS 30T-4254 theo lộ trình Bác Cổ - bến xe Yên Nghĩa. Lúc này, trên xe khá đông đúc, theo tính toán khoảng hơn 60 người.
Đi thêm được vài ba điểm đón khách, chiếc xe như bị nêm chặt cứng. Những hành khách trên xe chỉ đứng như tượng, không thể di chuyển được chỗ khác. Khi chiếc xe đến điểm đón gần đối diện cổng Trường Đại học Công Đoàn, hai cánh cửa vẫn được mở ra. Theo quan sát, phía dưới điểm chờ rất nhiều người đứng đợi tuy nhiên trên xe không thể “nêm” thêm được nữa nên nhiều người đành phải ngậm ngùi đợi chuyến sau.
Buýt nhanh chậm hơn... buýt thường ảnh 1
Trên chiếc xe buýt thường số 02 lộ trình Bác Cổ - bến xe Yên Nghĩa lượng hành khách luôn chật cứng (ảnh chụp vào 17h20 ngày 11.5).
Càng đi qua điểm chờ gần các trường đại học, cụ thể như: Đại học Thủy Lợi, Đại học Tự Nhiên, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến Trúc… thì lượng khách càng đông. Hầu hết xe đi qua các điểm này thì vẫn mở cửa nhưng chỉ mở cho có. Bởi lẽ, lượng khách trên xe chật cứng và khách ở dưới đành phải từ chối.
Suốt chặng đường dài vào giờ cao điểm từ trong nội thành hướng về ngoại thành, trên chiếc xe buýt thường này luôn chật kín khách. Dù không được ưu tiên đường riêng nhưng chiếc xe này di chuyển khá đều. Đến 17h50 chiếc xe buýt này đã về tới bến xe Yên Nghĩa. Theo đó, khoảng thời gian từ điểm bến xe buýt nằm trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa) về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chỉ mất 41 phút.
TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động chưa hoàn toàn là BRT do chưa được ưu tiên về đèn tín hiệu qua nút giao; không có giải phân cách cứng; phương tiện cá nhân vẫn lấn làn. Hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn như thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.
Về phương án đưa xe buýt thường vào chạy chung trên làn BRT, theo ông Minh, nếu cơ sở hạ tầng, đèn tín hiệu qua nút giao… được cải thiện thì việc đưa xe buýt thường chạy vào là không hợp lý. Có thể làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà lưu thông tuyến này. Cũng theo ông Minh, hiện nay chúng ta cứ gọi là xe buýt nhanh nhưng thực chất loại phương tiện này mới chỉ tương đối, chỉ xứng đáng là xe buýt chất lượng cao.

Tin bài đọc nhiều


Chuyên gia đề xuất dùng xe đạp giải cứu… buýt nhanh BRT Hà Nội

authorThành An Thứ Sáu, ngày 12/05/2017 06:57 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Vừa qua, có nhiều ý kiến đánh giá dự án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội đã thất bại và gây lãng phí. Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang đã có nghiên cứu sâu chỉ rõ “tử huyệt” của dự án BRT 01 và hiến kế “giải cứu”.


   
Lãng phí mất 25 phút quý báu
Tháng 1.2017, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (BRT 01) chính thức đưa vào khai thác. Toàn tuyến BRT 01 có tổng chiều dài 14,77km, đi qua 21 nhà chờ dọc tuyến từ trạm Yên Nghĩa đến trạm Kim Mã.
 chuyen gia de xuat dung xe dap giai cuu… buyt nhanh brt ha noi hinh anh 1
Theo chuyên gia giao thông Ngọc Quang, Hà Nội cần sớm đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận, để đảm bảo kết nối tốt tới các địa điểm tập trung đông người trong hành lang tuyến.
Trục đường này có mật độ dân cư cao, mật độ chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khá dày đặc nên rất thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn.
Đây là tuyến giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Hà Nội được đưa vào khai thác nên các nhà quy hoạch kỳ vọng rằng, tuyến xe buýt nhanh này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông hiệu quả.
Tuy nhiên, sau thời gian vận hành thử nghiệm, theo số liệu báo cáo 3 tháng vận hành BRT, mức bình quân chỉ đạt 42,4 hành khách/lượt trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách.
Như vậy, chỉ sau 4 tháng triển khai, buýt nhanh đã không thể hơn buýt thường, chỉ phát huy chưa đến 50% hiệu quả dù tổng dự án đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho 14,7km và có đường riêng.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, TS Nguyễn Ngọc Quang – chuyên gia giao thông cho rằng, xe buýt BRT được thiết kế theo mô hình xe buýt nhanh truyền thống xây dựng năm 1974 tại thành phố Curritiba, Brazil. Tuy nhiên, tuyến BRT ở Hà Nội có một số điểm khác biệt.
Đó là làn cho BRT không phải là làn ưu tiên hoàn toàn cho xe buýt nhanh; Chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên nên BRT vẫn phải dừng chờ đèn đỏ tại các nút giao như các phương tiện giao thông khác. Ngoài ra, xe BRT Hà Nội là loại một toa, tương tự như xe buýt thường, không có toa phụ, nên sức chở bị hạn chế, chỉ được tối đa 80 khách/chuyến.
Cụ thể, tuyến buýt BRT01 có tổng chiều dài 14.77km, bao gồm 22 điểm dừng, thời gian chạy trung bình: 45phút/; Thời gian chạy xe vào giờ cao điểm là 50-55 phút; Vận tốc khai thác trung bình là 18-22km/h. Về tần suất, lý thuyết là 3 - 5 phút/chuyến, nhưng thực tế là 5 – 7 - 10 phút/chuyến, tùy theo thời điểm và ngày trong tuần.
“Như vậy, về lý thuyết, xe buýt nhanh có làn ưu tiên, có đèn tín hiệu ưu tiên không phải dừng tại các ngã tư, chỉ dừng tại các điểm dừng BRT, thời gian trung bình là 10 giây. Tuy nhiên, tuyến BRT 01 của Hà Nội đã bị lãng phí mất khoảng 25 phút khai thác quý báu, chiếm 50% thời gian hành trình do việc không có làn dành riêng và không có đèn tín hiệu ưu tiên; chỉ cần có đèn tín hiệu ưu tiên thì năng lực khai thác đã có thể tăng gấp 2 lần” – ông Quang chỉ rõ.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, phạm vi thực sự có ảnh hưởng của BRT còn khá hạn chế, chỉ trong khoảng 300 mét quanh các điểm dừng BRT. Những người sống hoặc đi làm ngoài phạm vi 300 mét này sẽ không sử dụng BRT do thời gian trung bình để đi làm quá khả năng chấp nhận được.
“BRT Hà Nội chưa đủ sức hấp dẫn để những người trong độ tuổi đi làm, đi học sử dụng xe buýt nhanh thay cho xe máy để đi làm hàng ngày. So với kinh nghiệm của thế giới, năng lực vận chuyển của tuyến BRT Hà Nội còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10% so với năng lực vận chuyển BRT của thế giới (15.000 hành khách/17 giờ/ngày, tương đương khoảng 882 hành khách/giờ, so với 9.000-20.000 hành khách/giờ của thế giới)”- ông Quang nhấn mạnh.
Dùng xe đạp "cứu" BRT
Để phát huy hiệu quả của BRT, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang kiến nghị nhất thiết phải thiết lập hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT và đảm bảo làn dành riêng cho BRT.
Tăng cường các tuyến buýt kết nối với BRT cho các bến trên đường Lê Văn Lương để đảm bảo thuận tiện cho người dân đi và đến các địa điểm khác trong Thành phố.
 chuyen gia de xuat dung xe dap giai cuu… buyt nhanh brt ha noi hinh anh 2
Xe đạp là giải pháp tốt để giải cứu BRT Hà Nội.
Sớm đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận, gồm: Đi bộ, xe đạp, minibus, tuctuc, xe điện để đảm bảo kết nối tốt tới các địa điểm tập trung đông người trong hành lang tuyến.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang phân tích, xe máy là loại phương tiện có cả hai đặc tính (cơ động và khả năng tiếp cận) tốt, dễ dàng đi đến mọi địa điểm trong TP, kể cả các ngõ ngách, với thời gian di chuyển hợp lý trong khu vực đô thị.
Các phương tiện giao thông công cộng tuy có khả năng di chuyển nhanh, sức chở lớn, phù hợp với các quãng đường vận chuyển dài, nhưng khả năng tiếp cận lại kém, không thể linh hoạt thay đổi đường đi hoặc luồn lách vào các đường, ngõ nhỏ.
Ngược lại, các phương tiện giao thông phi cơ giới (xe đạp và đi bộ) lại có khả năng tiếp cận tốt, có thể linh hoạt và tiếp cận trực tiếp (from door-to-door) tới nơi cần đến, rất phù hợp với các quãng đường di chuyển ngắn.
Theo ông Quang, muốn giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân từ bỏ xe máy để chuyển sang sử dụng GTCC thì các phương tiện GTCC cần được ưu tiên để đảm bảo đặc tính cơ động của chúng được phát huy tối đa. Đồng thời, giao thông tiếp cận, đặc biệt là giao thông phi cơ giới, phải được quan tâm đầu tư.
Cụ thể, xe buýt và đặc biệt là xe buýt nhanh cần phải được bố trí làn dành riêng ở những tuyến phố có mặt cắt đủ rộng để đảm bảo phát huy tốt đặc tính cơ động của chúng. Hè phố cần được cải tạo, chỉnh trang và quản lí tốt để hấp dẫn người đi bộ và xe đạp.

Khởi công dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cát Bà trái phép?

11/05/2017 - 11:49 AM

56 cá thể Voọc Cát Bà duy nhất trên thế giới đang có nguy cơ bị mất đi ngôi nhà của mình, khi dự kiến vào ngày 14.5 tới, Dự án quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Cát Bà do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư sẽ khởi công.
Theo thông báo hỏa tốc của UBND thành phố Hải Phòng, do chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ký ngày ngày 9.5.2017, Dự án đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà sẽ được khởi công vào sáng ngày 14.5.2017, thay vì chiều cùng ngày như trong thư mời trước đó.
Nguồn tin Người Đô Thị cho biết, dự án này nằm trong Quy hoạch phát triển du lịch quần đảo Cát Bà do tập đoàn Sun Group đề xuất, đã được ban thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng thông qua tại thông báo số 104-TB/TU ngày 5.4.2017.
 
Quy hoạch khu vui chơi giải trí của Sun Group ở quần đảo Cát Bà. Ảnh TL
Quy mô dự án gồm 5 ga cáp treo với tổng độ dài 21km (theo Sun Group, đây là tuyến cáp treo dài nhất thế giới, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng tính từ đầu tháng 5 này; trong đó đoạn tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải - Phù Long có công suất 5.500 khách/giờ); Ở các xã đảo Cát Bà, Cái Giá, Khe Sâu, Phù Long, Xuân Đám, v.v… sẽ xây dựng các sân golf, resort, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở hỗn hợp, nhà lô, chung cư, cầu đi bộ ngang núi, nhà ga cáp treo, tàu hỏa leo núi Funicular, vườn hoa trên núi và tượng Phật (thuộc khu công viên ngoạn cảnh và tâm linh trên các điểm cao 177 và 120)…
Riêng tại Vườn quốc gia Cát Bà sẽ xây dựng nhà ga cáp treo, làng ẩm thực, khu vực cắm trại, vườn thực vật, trung tâm thám hiểm, sân golf, vườn thú Safari,… Hang Quả Vàng, điểm nằm ngay trong Khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho Voọc đầu trắng Cát Bà, cũng sẽ được đầu tư khai thác du lịch.
Được biết, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.
Voọc Cát Bà có trong danh sách loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao. Ảnh: Neahga Leonard
Quần đảo này cũng đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử là Di sản thiên nhiên thế giới mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long, vì những giá trị về cảnh quan tương đồng của hai khu vực này.
Theo PGS-TS. Đỗ Công Thung, Viện Tài Nguyên và Môi trường biển, quần đảo Cát Bà – Long Châu là trung tâm đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đạt giá trị ngoại hạng toàn cầu.
Tại đây đã có 21 loại đặc hữu được xác định; có tới 137 loài được chính phủ Việt Nam xác định là các loài quý hiếm đưa vào Sách Đỏ cần bảo vệ; và cũng có tới 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Trong số 76 loài tại Cát Bà được IUCN xếp hạng hiện có 01 loài linh trưởng và 6 loài thực vật ở cấp cực kỳ nguy cấp (CR). Điển hình là Voọc Cát Bà (tên khoa học Trachypithecus poliocephalus).
Voọc Cát Bà là loài linh trưởng rất quý hiếm, đặc hữu, chỉ có trong các cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt của đảo Cát Bà, Hải Phòng với diện tích sinh sống nhỏ hơn 100 km2, với 56 cá thể còn lại.
Vì vậy, Voọc Cát Bà được IUCN khuyến cáo trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần bảo vệ khẩn cấp, và đây được coi là giá trị quý hiếm ngoại hạng toàn cầu và được Việt Nam vinh danh là biểu tượng của Cát Bà.
Theo các chuyên gia, dự án quy mô lớn này của Sun Group sẽ có nguy cơ lớn phá hủy hệ sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường của Vườn quốc gia nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển nói chung.
Tuy nhiên trao đổi với Người Đô Thị qua điện thoại vào ngày 24.4.2017, cả ông Hoàng Văn Thập, giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà và đại diện Ban quan lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, đều cho biết: hiện đang đợi nhận các thông tin liên quan, và chờ được tham vấn về dự án tại những khu vực trong phạm vi đơn vị quản lý.  
Liên quan trực tiếp loài Voọc Cát Bà, ông Neahga Leonard, giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà cũng cho biết: cho đến nay, dự án chưa hề nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến các dự án sắp tới trong khu vực Vườn quốc gia Cát Bà và Khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho Voọc Cát Bà, kể cả Báo cáo Đánh giá tác động môi trường.
“Chúng tôi không được tham vấn, tham gia bất cứ cuộc thảo luận, họp hành gì liên quan”, ông Neahga Leonard nói.
Theo điều 7 Luật Đa dạng sinh học, đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, cấm mọi thay đổi hiện trạng và khai thác tài nguyên thiên nhiên, không có một ngoại lệ nào.
Chỉ còn vài ngày nữa, Dự án đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà, do Sun Group làm chủ đầu tư, sẽ được khởi công. Tuy nhiên cho đến nay, các thông tin và thủ tục pháp lý vẫn chưa được công khai và minh bạch khiến các bên liên quan lẫn dư luận đều đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của dự án này.
Lê Quỳnh
http://nguoidothi.net.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/tin-tuc-thoi-su-noi-bat/8052/khoi-cong-du-an-quan-the-du-lich-nghi-duong-sinh-thai-cat-ba-trai-phep-.ndt


Các tỉnh, thành được đề nghị giữ tốc độ tăng khách Trung Quốc

12/05/2017 19:26 GMT+7

TTO - Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và cách ứng xử đối với thị trường khách Trung Quốc
Các tỉnh, thành được đề nghị giữ tốc độ tăng khách Trung Quốc
Khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long tăng mạnh dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu
​Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường quản lý và duy trì tốc độ tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc.
Công văn do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký ngày 11-5 nêu rõ Trung Quốc là thị trường nguồn gửi khách đứng đầu thế giới về lượng khách và khả năng chi tiêu.
Nhiều điểm đến trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khách lớn, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp doanh thu lớn cho ngành du lịch.
Năm 2016, thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, tăng 51% so với năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2017, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 1,3 triệu lượt.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam còn khiêm tốn.
Vì vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và cách ứng xử đối với thị trường khách Trung Quốc; cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của tour giá rẻ đón khách Trung Quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách Trung Quốc cũng như đem lại lợi ích chung cho điểm đến và đất nước; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của khách Trung Quốc tạo động lực phát triển du lịch trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Bộ cũng đề nghị các địa phương phát huy vai trò của trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng trong việc giải quyết khiếu nại của khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến, đặc biệt vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông.
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch và thương hiệu, hình ảnh điểm đến.
Các sở du lịch, văn hóa thể thao và du lịch tiến hành rà soát, phân loại các cơ sở cung ứng dịch vụ thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc và cung cấp thông tin về các cơ sở dịch vụ trên website chính thức để hỗ trợ du khách.
Công văn đồng thời được gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
V.V.TUÂN

RFI: Donald Trump, Watergate và gọng kềm đang siết chặt quanh tổng thống Mỹ; Gia tăng cá cược Donald Trump sẽ bị truất phế


Thụy My


mediaBiểu tình trước Nhà Trắng ngày 10/05/2017 phản đối việc tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI James Comey.REUTERS/Jonathan Ernst
Tại Hoa Kỳ, việc tổng thống Mỹ bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey đã gây rúng động. Trong bài xã luận mang tựa đề « Donald Trump và tiếng vọng Watergate »Le Monde nhận định Washington đang trong cơn bão chính trị, mà thủ đô nước Mỹ là tâm bão. Les Echos cho biết « Gọng kềm đang siết lại xung quanh Donald Trump », còn Le Figaro nhận xét « Donald Trump sa lầy trong vụ James Comey ».
Donald Trump và tiếng vọng Watergate
Theo Le Monde, vụ này chứng tỏ một chính quyền Cộng Hòa hỗn loạn hơn bao giờ hết, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trầm trọng hơn nữa là xì-căng-đan mới này khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự gắn bó của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với nền dân chủ.
Chỉ với một lá thư dài bốn dòng báo cho ông James Comey là ông không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, hôm thứ Tư 10/5 ông Trump đã cách chức giám đốc cảnh sát liên bang Hoa Kỳ (FBI). Ông Comey đang lãnh đạo một cách cứng rắn cuộc điều tra làm cho tổng thống bực tức, vì có thể liên quan trực tiếp đến ông. Đó là việc xác định xem Nga đóng vai trò như thế nào trong chiến dịch tranh cử năm 2016, cũng như khả năng có các quan hệ giữa các quan chức Nga tại Washington và một số thành viên trong ê-kíp của ông Trump.
Đây là lần đầu tiên kể từ xì-căng-đan Watergate – khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào mùa hè năm 1974 – một tổng thống Mỹ cách chức giám đốc FBI đang tiến hành điều tra về một vụ có liên quan đến mình. Nếu toàn bộ phe đối lập Dân Chủ tố cáo một quyết định tùy tiện, đi ngược lại với nền dân chủ ; nhiều đại biểu Cộng Hòa cũng đặt ra nghi vấn về cơ sở dẫn đến hành động này của ông Trump.
Donald Trump luôn bác bỏ mọi liên can với Nga trong tranh cử, những người thân cận của ông gọi cuộc điều tra của FBI là vạch lá tìm sâu. Họ khẳng định không có quan hệ gì với các tin tặc đã tấn công vào đảng Dân Chủ - mà tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định là từ Nga. Một số email được công bố rõ ràng muốn làm xấu đi hình ảnh của ứng cử viên Hillary Clinton.
Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác là có điều gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga. Không ai hiểu được vì sao Donald Trump luôn ca ngợi Vladimir Putin. Người ta cũng nghi ngờ về quan hệ kinh doanh với các ngân hàng Nga của vị tổng thống đầu tiên từ chối công bố bản khai thuế, trong khi một sự minh bạch tối thiểu cũng giúp làm giảm đi các nghi vấn.
Về phía Quốc Hội tiếp tục cuộc điều tra riêng rẽ về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump phải bổ nhiệm một giám đốc mới cho FBI. Nếu tân giám đốc bỏ rơi « hồ sơ Nga », thì xì-căng-đan này sẽ nổ lớn. Do vậy phe Dân Chủ và một số nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhất quyết đòi bộ Tư Pháp đề nghị một công tố viên đặc biệt để đi đến cùng cuộc điều tra.
Donald Trump đã từng đả kích các thẩm phán về các dự luật nhập cư, phỉ báng cơ quan tình báo Mỹ, và không có tuần nào là ông không chỉ trích báo chí. Washington sống theo nhịp điệu những hành động thất thường và các tweet của một tổng thống, mà bao trùm lên là câu hỏi : liệu ông Trump có khả năng tôn trọng trò chơi tế nhị giữa quyền lực và phản biện, vốn là đặc điểm của nền dân chủ Mỹ ?
Gọng kềm siết chặt xung quanh Donald Trump
Les Echos nhận định, thật sự là Donald Trump đã sai lầm. Ông không nghĩ rằng vụ cách chức James Comey lại gây phản ứng dữ dội như thế. Phe Dân Chủ từ nhiều tháng qua chẳng đã từng đòi hỏi giám đốc FBI phải ra đi đó sao, vì cho rằng ông Comey chịu trách nhiệm lớn trong thất bại của bà Hillary Clinton.
Donald Trump đã nộ khí xung thiên khi nghe so sánh với vụ Watergate. Ông viết trên Twitter : « Đó là bọn mị dân bẩn thỉu ! ». Quá tự tin, tổng thống Mỹ chẳng thèm tham khảo nhân viên Nhà Trắng trước khi hành động, hầu hết chỉ được biết tin qua báo chí. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Newt Gingrich nhận định : « Tổng thống cần chậm lại một chút, và tham khảo các cố vấn. Không thể là người dẫn đầu mà không cho ê-kíp của mình hay biết gì cả ».
Sau 24 tiếng đồng hồ chao đảo, Nhà Trắng cố gắng kiểm soát lại tình hình. Như thường lệ, Donald Trump muốn đánh lạc hướng chú ý quan việc ra sắc lệnh kiểm tra mọi « sơ hở » trong hệ thống bầu cử. Ông vẫn tiếp tục khẳng định việc bà Hillary Clinton đạt được số phiếu bầu phổ thông nhiều hơn (hơn ông 3 triệu phiếu) là do gian lận (đăng ký tên giả, phiếu bầu giả…).
Nhưng không đủ để dập tắt đám cháy mà ông đã khơi lên tối thứ Ba. Các thượng nghị sĩ bất chợt đòi đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ủy ban tình báo yêu cầu tướng Michael Flynn chuyển giao tất cả email, nội dung điện đàm và trao đổi tài chính có liên quan tới Nga. Ủy ban cũng chú ý đến liên quan về mặt này giữa ông Trump với Nga, và đòi hỏi một báo cáo chi tiết nơi bộ trưởng Tài Chính.
Trong số các câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ này, Les Echos cho rằng có ba vấn đề đáng ngại nhất cho ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, quyết định cách chức James Comey có liên quan đến mong muốn của giám đốc FBI muốn đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ Nga ? Thứ hai, liệu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions có quyền cách chức ông Comey ? Cuối cùng, vì sao James Comey ba lần thông báo cho Donald Trump về diễn tiến cuộc điều tra, trong khi điều này bị cấm ?
Bên cạnh Quốc Hội, cơ quan FBI cũng chứng tỏ sẵn sàng chiến đấu. Trên Washington Post, một nhân viên ẩn danh cho biết : « Với sự ra đi của ông James Comey, Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh với vô số nhân viên FBI. Chúng tôi đang phối hợp để trả đũa ». Còn người tạm thay thế ông Comey, trong cuộc điều trần trước Hạ Viện sáng thứ Năm khẳng định : « James Comey được ủng hộ rộng rãi trong FBI, cho đến hiện nay cũng vậy »

Gia tăng cá cược Donald Trump sẽ bị truất phế


Biểu tình trước Nhà Trắng ngày 10/05/2017 phản đối việc cách chức giám đốc FBI.

(AFP 11/05/2017) Việc tổng thống Mỹ quyết định cách chức giám đốc FBI James Comey, đã làm gia tăng số lượng cá cược Donald Trump sẽ bị phế truất.


Vụ giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị cách chức không chỉ gây bão tại Washington, mà còn khiến cho các vụ cá cược về việc Donald Trump sẽ bị truất phế tăng vọt, theo các nhà cái.

Các nhà tổ chức cá cược cho biết, tỉ lệ đánh cá khả năng tổng thống Mỹ trở thành đối tượng của thủ tục « impeachment » tại Quốc hội đã tăng gần gấp đôi từ hôm thứ Tư 10/05/2017, từ 33% lên 60%. Lewis Davey, phát ngôn viên công ty cá cược trên mạng Paddy Power của Ireland nhận xét : « Chúng tôi chưa bao giờ đạt đến một tỉ lệ cá rằng ông Trump sẽ bị phế truất ngay trong nhiệm kỳ đầu cao như thế ».

Liên tưởng đến vụ Watergate

Donald Trump đối mặt với một trận mưa chỉ trích sau khi cách chức ông James Comey hôm thứ Ba, người đang chỉ đạo cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa ê-kíp chiến dịch tranh cử của nhà tỉ phú với chính quyền Nga.

Vụ này khiến người ta nhớ lại quyết định năm 1973 của tổng thống Richard Nixon, cách chức công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra về xì-căng-đan Watergate. Một năm sau đó, ông Nixon đã phải từ chức trước khả năng bị Quốc hội phế truất.

Tất nhiên là các tay đánh cá không quên liên tưởng. Một người đã đặt cược đến 129.000 đô la cho việc ông Donald Trump bị buộc phải từ chức trong năm nay, cho dù chưa ai nhận cá cược với ông – theo Naomi Totten, trang web cá cược Betfair của Anh. Bà cho biết thêm, trong vài tiếng đồng hồ sau khi James Comey bị cách chức, khả năng tổng thống Mỹ phải ra đi trong năm đã tăng từ 10% lên 25%. Tất nhiên không thể nói những người đánh cá có cơ sở chắc chắn.

Việc cá cược trên mạng rất hiếm khi được cho phép tại Hoa Kỳ, và các khả năng này không phản ánh cụ thể dư luận Mỹ. Sự kiện đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số ở lưỡng viện Quốc hội cũng khiến khó xảy ra thủ tục truất phế một tổng thống thuộc đảng này.

ASEAN giằng co giữa Mỹ-Trung; ASEAN: 50 tuổi mà vẫn chưa chịu lớn

12/05/2017
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Ngoại trưởng ASEAN ngày 4/5/17 tại thủ đô Washington.

ASEAN sẽ bị áp lực ‘nặng nề’ trong lúc tân chính quyền Mỹ tìm cách giao tiếp nhiều hơn mà chưa có chiến lược rõ ràng trước sự cạnh tranh của Trung Quốc muốn ‘chinh phục’ Đông Nam Á, theo các nhà phân tích từ Trung Tâm Đông-Tây ở Hawaii.
Tờ The Nation dẫn nhận định của nghiên cứu gia cao cấp Denny Roy cho rằng dù khó đoán được chính quyền Trump định làm gì với mối quan hệ ASEAN, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục xem Đông Nam Á như một đối tác hữu ích.
Việt Nam là một trong bốn thành viên của khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần tại Biển Đông cùng với Brunei, Malaysia, Philippines. Indonesia dù không tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này nhưng có một số xung khắc về hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông.
Mỹ, một bên nằm ngoài tranh chấp, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã tôn vinh và thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và thúc giục ASEAN thống nhất đoàn kết trước Trung Quốc.
“ASEAN sẽ tiếp tục chịu áp lực ‘nặng nề’, một bên bị Trung Quốc níu kéo và bên kia là Mỹ, Biển Đông là một trong những vấn đề,” ông Roy nói.
Dù chính quyền Trump muốn có sự hiện diện tại Châu Á, nhưng theo nhà ngoại giao kỳ cựu Raymond Burghardt được tờ The Nation dẫn lời, ông Trump và các cố vấn của ông có ít kinh nghiệm với các vấn đề Châu Á, càng ít kinh nghiệm hơn với Đông Nam Á.
Nhân vật chính ‘đương đầu’ với Châu Á như Ngoại trưởng Rex Tillerson lại có nhiều hiểu biết hơn về Trung Đông, ông Burghardt nhận xét.
Vẫn theo lời ông, những quan chức bên phía an ninh như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chẳng hạn, sự nghiệp của họ cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn về Trung Đông.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là phó đặc sứ Mỹ tại Philippines, Raymond Burghardt, cho rằng Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì Philippines dường như đã ‘dịu giọng’ để lấy lòng Bắc Kinh.
Từ quan điểm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Burghardt nói “Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp trong việc mang lại một tiếng nói và quan điểm chặt chẽ trong ASEAN.”
Nguồn: The Nation

ASEAN: 50 tuổi mà vẫn chưa chịu lớn

LS Nguyễn Văn Thân
Cuối tháng trước, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Manila từ 26 tới 29 tháng 4. Năm nay Phi Luật Tân nắm ghế Chủ tịch luân phiên. Lần đầu tiên Tổng thống Duterte đóng vai chủ nhà chủ trì các phiên họp quốc tế. Các lãnh tụ tham dự Hội nghị cũng ăn mừng sinh nhật 50 tuổi của ASEAN. Một đề tài quan trọng trong nghị trình là bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Cái bóng Trung Quốc lúc nào cũng bảo phủ toàn Hội nghị.
ASEAN có 10 quốc gia với 620 triệu dân, nhiều hơn 28 quốc gia Liên minh Châu Âu với 510 triệu dân. Nhưng tổng số GDP của ASEAN chỉ là 2,800 tỷ Mỹ kim so với 18,000 tỷ của Liên minh Châu Âu. Vào năm 2003, ASEAN ra Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II tại Ba Li khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN trước năm 2020 dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Nhưng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận rút ngắn thời hạn và thống nhất kế hoạch hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra đời vào ngày 1/1/2016 với mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường chung và là cơ sở sản xuất duy nhất có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề. Rào cản thuế quan hoàn toàn được tháo bỏ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư ngoại quốc, san bằng khoảng cách phát triển, gắn kết các thành viên vào một tương lai và vận mệnh chung cũng như tạo thế đứng và sức mạnh tập thể với các đối tác trong vùng gồm có Trung Quốc, Nhật và Úc mà trong đó Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất.
Nhưng theo TS Christopher Roberts của Học viện Quốc phòng Úc thì có một thực tế không thể chối cãi được là sự chia rẽ và nghi ngờ giữa các thành viên ASEAN đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thi hành chính sách ngoại giao lừa đảo và hai mặt về vấn đề Biển Đông, đến nỗi Trung Quốc hầu như hoàn toàn chiến thắng và đạt hết mọi mục tiêu chiến lược trước một khối ASEAN chia năm xẻ bảy. Thật ra lúc đầu ASEAN cũng khá đồng nhất về khía cạnh này. Nhưng sự gia nhập của các thành viên mới cùng với cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á 2007 làm các quốc gia thành viên bắt đầu mất lòng tin vào văn phòng ASEAN tại Jakarta và tiến hành đi đêm với Trung Quốc. Năm thành viên sáng lập gồm có Nam Dương, Singapore, Mã Lai, Thái Lan và Phi Luật tân có thể nói là một trục quốc gia thân phương Tây. Mãi tới năm 1990 thì Nam Dương và Singapore mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ tham vọng và yêu sách chủ quyền 80% của Biển Đông qua Đạo luật Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp 1992, 6 thành viên ASEAN (Brunei nha nhập vào năm 1984) lập tức ra thông báo phản đối. Vào ngày 22/7/1992, Ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các bên đòi hỏi chủ quyền tự chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cũng như góp phần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế áp dụng cho Biển Đông. Cũng trong năm đó, ASEAN gián tiếp xác nhận lập trường bằng cách thông qua Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí Hạt nhân. Trung Quốc lập tức phản đối vì Hiệp ước này xác nhận các nguyên tắc liên quan tới chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế dưới UNCLOS. Khi được ASEAN ngỏ  lời mời, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào Hiệp ước này.
Trung Quốc bắt đầu thi hành ý đồ độc chiếm Biển Đông vào năm 1995 khi tiến hành xâm chiếm và xây cất cấu trúc trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc giải thích là để giúp ngư dân lánh bão. Đá Vành Khăn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân và chỉ cách Palawan khoảng 145 hải lý. ASEAN phản ứng mạnh mẽ và lên án hành vi này. Sự kiện này phần nào thúc đẩy tiến trình Việt Nam được chấp thuận làm thành viên ASEAN vào tháng 7 năm 1995.
Từ 1997 tới 1999, Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN khi tổ chức này thu nhận thêm thành viên mới gồm có Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Tuy nhiên, cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Châu Á vào năm 1997 dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và lãnh đạo chính trị ASEAN tại Nam Dương và Thái Lan. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phải mất hết 5 năm ASEAN mới hoàn tất bản thảo Quy tắc Ứng xử (COC). Bắc Kinh cũng soạn riêng một bản COC. Hai bên trao đổi bản thảo COC vào tháng 3 năm 2000 và đồng ý sáp nhập hai bản thảo. Nhưng ASEAN bắt đầu cho thấy dấu hiệu chia rẽ. Mã Lai ngả theo Trung Quốc là không muốn văn bản có tính ràng buộc pháp lý. Từ đó, Quy tắc Ứng xử trở thành Tuyên bố Ứng xử (DOC).
DOC đề ra 5 biện pháp xây dựng lòng tin và một số nguyên tắc chống leo thang căng thẳng. Nhưng DOC đã không ngăn được Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và hoàn tất các căn cứ quân sự tại Trường Sa là những điều hoàn toàn đi ngược lại với các nguyên tắc của DOC. Dấu hiệu chia rẽ giữa các nước ASEAN lộ rõ khi Phi Luật Tân xé lẻ và ký thỏa thuận thăm dò địa chất chung với Trung Quốc (JSMU) ở Trường Sa. Lúc đầu, Hà Nội tỏ ý phản đối nhưng rồi cũng chịu thua và gia nhập vào thỏa thuận này. Tới cuối năm 2007 thì JSMU chấm dứt mà không đưa đến kết quả gì. Nhưng điều này cho thấy chiến thuật của Trung Quốc là vừa thương lượng với khối ASEAN vừa đi đêm và thỏa thuận dưới gầm bàn với từng quốc gia một. Chẳng khác gì sử dụng chiến lược liên hoành để phá vỡ hợp tung trong thời Chiến Quốc.
Trong năm 2007 khi JSMU bắt đầu sụp đổ, Trung Quốc ép buộc tập đoàn dầu khí Anh-Mỹ-Việt rời bỏ khu vực khai thác gần bờ biển miền Nam Việt Nam. Mặt khác, tàu tuần duyên Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm 3 tàu cá Việt Nam. Tới năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu diễn ra và nhân lúc phương Tây suy yếu, Bắc Kinh chụp cơ hội đề ra kế hoạch theo đuổi một nền ‘’Văn minh Đông phương hài hòa’’ (Harmonious Eastern Civilisation). Dưới sách lược này, Trung Quốc sẽ thiết lập quy tắc ngoại giao trong khu vực mà Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo. Các nước chung quanh nên ngoan ngoãn hợp tác và không làm phật lòng Trung Quốc. Trọng tâm là loại các cơ chế và nguyên tắc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc cho là do thế giới tự do phương Tây (đang giãy chết) đặt ra. Trật tự an ninh tại Biển Đông sẽ do chính Trung Quốc với ‘’sự hợp tác’’ của các nước ASEAN quản lý. Nước nào không nghe lời thì sẽ bị trừng phạt. Chẳng hạn như khi Mã Lai và Việt Nam cùng đệ đơn báo cáo chung về thềm lục địa vào năm 2009, Trung Quốc lập tức phản đối và chính thức nộp bản đồ “Đường 9 Đoạn”cho Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù ASEAN nhiều lần kêu gọi nhưng Trung Quốc không muốn tiến hành thương lượng COC và đổ lỗi cho Việt Nam và Phi Luật Tân là đã quốc tế hóa việc tranh chấp. Trên thực tế, hành vi hung hăng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Vào năm 2011, Trung Quốc  quấy nhiễu và xua đuổi tàu khảo sát tại Reed Bank trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân và đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá và xua đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa. Hành động khiêu khích leo thang đến mức báo động khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Tàu Trung Quốc và Phi Luật Tân đối mặt nhau tại đây. Sau khi Hoa Kỳ đứng ra hòa giải thì hai bên đồng ý rút lui. Tàu Phi Luật Tân rút lui nhưng Trung Quốc nuốt lời và trụ lại luôn. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vào năm 2012 tại Phnom Penh, Trung Quốc đi đêm với Cam Bốt dẫn đến sự kiện lịch sử là lần đầu tiên ASEAN không ra được một tuyên bố chung đặt câu hỏi cho vai trò trọng tâm cũng như tương lai của ASEAN. Mất lòng tin vào cơ chế này, Phi Luật Tân quyết định tiến hành khởi kiện Trung Quốc vào năm 2013.
Vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc lộ rõ ý đồ tham vọng độc chiếm Biển Đông khi quyết định hạ giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Lãnh đạo Việt Nam sử dụng đưòng dây nóng và liên tục gọi điện thoại trong một tháng nhưng Trung Quốc không bắt điện thoại trả lời.
Nhiều hình ảnh vệ tinh được tiết lộ vào năm 2015 cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa với đầy đủ phương tiện đường băng và kho chứa vũ khí, xác nhận quan điểm Trung Quốc không coi ASEAN ra gì. Vào ngày 23/4/2016, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố là Trung Quốc và 3 nước ASEAN là Cam Bốt, Lào và Brunie đã đạt đồng thuận 4 điểm về Biển Đông gồm có: (1) Trường Sa không phải là vấn đề của ASEAN; (2) mọi quốc gia được quyền sử dụng phương pháp giải quyết tranh chấp do họ tự chọn; (3) mọi tranh chấp nên được giải quyết bằng thương lượng song phương và (4) tình hình an ninh tại Biển Đông là do Trung Quốc và ASEAN quyết định. Chiến thuật ngoại giao này đã tách ASEAN thành hai nhóm. Vào tháng 6 năm 2016, ASEAN ra tuyên bố cứng rắn sau một phiên họp tại Mã Lai kêu gọi chấm dứt mọi hành động quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng chỉ trong 3 tiếng đồng hồ sau thì tuyên bố này được rút lại biến ASEAN thành trò hề trước công luận quốc tế.
Nam Dương với gần 40% tổng số GDP của ASEAN có tiềm năng lãnh đạo và lèo lái toàn khối đoàn kết và thống nhất quan điểm và lập trường để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng tân Tổng Thống Widodo còn thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Hơn nữa Trung Quốc cũng đang ve vãn Jakarta với nhiều hứa hẹn quyền lợi kinh tế. Phi Luật Tân dưới thời Duterte đã quay 180 độ. Tuy chiến thắng vẻ vang sau khi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế nhưng Duterte không muốn nhắc tới thành tựu này. Cũng không có gì ngạc nhiên là dưới sự chủ trì của Duterte, ASEAN ra tuyên bố trễ mà hoàn toàn không đả động gì về những hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Manila vào cuối tháng 4 vừa qua.
Trước mắt, một khối ASEAN trưởng thành về mặt chiến lược, ngoại giao và an ninh vẫn còn là một viễn ảnh xa vời. Hoặc nói một cách khác thì ASEAN đã già 50 tuổi mà vẫn chưa chịu lớn.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN

Việt Nam kêu gọi hoãn dự án thủy điện Pak Beng ở Lào

RFA

Hoãn dự án thủy điện ở Lào để bảo vệ 20 triệu dân Đồng Bằng Sông Cửu Long là kiến nghị được các chuyên gia Việt Nam đưa ra tại hội thảo sáng 12/5 ở Cần Thơ.
Đây là cuộc hội thảo tham vấn do Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam tổ chức, và dự án được nói đến là đập thủy điện Pắc Beng trên dòng chính của song Mekong chảy qua Lào.
Theo nhận định của các nhà khoa học Việt Nam thì phần nghiên cứu về những tác động tiêu cực của dự án Pắc Beng chưa hoàn chỉnh và không đầy đủ.
Vì thế, nếu được xây lên và đi vào hoạt động thì đập thủy điện Pắc Beng về lâu về dài sẽ làm giảm lượng phù sa và bùn cát trôi về phía hạ lưu, từ đó dẫn đến sự suy giảm nguồn dinh dưỡng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Mặt khác, thủy điện từ Pắc Beng không những làm thay đổi dòng chảy mà còn khiến tình trạng nhập mặn trên Đồng Bằng Sông Cửu Long tăng cao hơn, chưa kể nạn sạt lở ngày càng trở nên bất thường hơn.
Các chuyên gia thuộc Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam còn nêu ra những điểm bất lợi cho Việt Nam về mặt khoa học và đời sống mà Pắc Beng gây ra cho vùng hạ lưu mà cả người Lào cũng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà, cam kết là mọi ý kiến sẽ được xem xét.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Sẽ tiếp tục xem xét vụ PVN' ( Nếu xem xét nghiêm túc, ông Đinh La Thăng khó thoát hình sự )

Tân Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt Nam, rằng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục được xem xét, theo truyền thông trong nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nguyễn Thiện Nhân vừa được ban lãnh đạo Đảng CSVN điều về TP. Hồ Chí Minh đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy thay thế ông Đinh La Thăng mới bị kỷ luật
 
  Đối với những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay những người đứng đầu thời kỳ đó đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Cơ quan chức năng tiếp tục xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây ra những sai phạm
    Báo Zing.vn

"Trả lời chất vấn liên quan đến 12 dự án trị giá hàng chục nghìn tỷ nhưng sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể triển khai, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết các sai phạm này đang được xem xét, điều tra nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp gây ra thất thoát, lãng phí," trang tin điện tử Zing hôm 12/5 cho hay.

"Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Trung ương sẽ thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Đối với những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay những người đứng đầu thời kỳ đó đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Cơ quan chức năng tiếp tục xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây ra những sai phạm;" và báo Zing tường trình thêm:

"Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, báo chí đưa tin 12 dự án lớn của ngành công nghiệp triển khai kém hiệu quả hoặc không triển khai được, gây lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Các cơ quan của TƯ đang giải quyết và sẽ xử lý từng trường hợp, trong đó có trách nhiệm của người trong cuộc", ông Nguyễn Thiện Nhân được dẫn lời nói.

'Mong bà con tiếp tục tin tưởng'

Ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng (trái), người vừa bị mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TPHCM hiện được điều về Ban Kinh tế Trung ương Đảng làm Phó Trưởng ban
 Cũng hôm 12/5, đưa tin về phát biểu của tân Bí thư Thành ủy TPHCM với cử tri Trà Vinh về tình trạng lãng phí, tham nhũng, báo Pháp luật TPHCM viết:

"12 dự án lớn của ngành công thương mà thời gian vừa qua dư luận, báo chí đã phản ánh triển khai kém hiệu quả, lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng, hiện thanh tra, công an đang xử lý từng trường hợp, truy trách nhiệm và có hướng xử lý các dự án, nhà máy này."

    Tôi phải nói rằng tôi cũng biết ông Nguyễn Thiện Nhân, ông là một nhà khoa học, nhưng với tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì ông không phải là con người hành động
    Nhà báo Trần Tiến Đức

"Ở đây vừa có phương án xử lý hậu quả, vừa xử lý trách nhiệm."

"Còn với sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp. Mong bà con tiếp tục tin tưởng về hướng xử lý của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề này."

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, người vừa thay thế ông Đinh La Thăng trên cương vị lãnh đạo Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, từng được đào tạo ở một số nước phương Tây trong đó có Đức và Hoa Kỳ.

Chính khách năm nay 64 tuổi từng là Phó Thủ tướng Chính phủ, trước đó là Bộ trưởng Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh bên cạnh nhiều cương vị khác.

Ông hiện là thành viên thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh, nơi cũng là quê của ông.

Tuy nhiên, có ký kiến cho rằng từ khi được điều chuyển ra Hà Nội và nắm các cương vị quan trọng, ông không thực sự để lại dấu ấn gì nhiều.

HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Hôm 11/5, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ về Hội nghị TƯ5 vừa bế mạc và các câu hỏi, hệ lụy tiếp theo, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức, nhà bình luận và quan sát chính trị nội bộ và xã hội dân sự ở Việt Nam bình luận về việc ông Nhân thay thế ông Thăng: 

"Những nhân vật trẻ được thay bằng nhân vật già, ở Việt Nam chuyện đó cũng không phải là hiếm. Bởi vì người ta xét theo những tiêu chí lựa chọn cán bộ khác với thông thường."

"Ông Nguyễn Thiện Nhân là một nhà khoa học, nhưng với tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì ông không phải là con người hành động," ông Trần Tiến Đức nói với BBC.



(BBC)

Con Đường Tơ Lụa Mới : Ý đồ mở rộng thế lực của Trung Quốc gây lo ngại

Trọng Nghĩa

mediaTrung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc, nơi tổ chức thượng đỉnh Sáng Kiến Con đường Tơ lụa mới, Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 12/05/2017.REUTERS/Thomas Peter
Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác sẽ tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Quốc. Phía Trung Quốc loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Matxcơva cho đến New Delhi, Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.
Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng « Con Đường Tơ Lụa Mới », một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng Trung Quốc, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.
Một số nước khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Quốc bị nợ nần chồng chất.
Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Quốc. New Delhi không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Quốc đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Quốc có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Quốc - tổng thống Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Matxcơva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Quốc vốn năng động hơn Nga.
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc bằng cách đề xuất một « Đại Dự Án Á-Âu », trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Matxcơva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Vacxava, sáng kiến đó cho phép điện Kremlin « duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị trong khu vực ».
Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị Indonesia lo ngại rằng Trung Quốc có thể lên làm « bá chủ khu vực ».
Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc dĩ nhiên cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Quốc tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Quốc.