Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Cựu Đại sứ Lê Văn Bàng: Nga chỉ có thể bán vũ khí; Mỹ có thể giúp cân bằng lực lượng Biển Đông

VietTimes -- Đưa cho mọi người xem những tấm poster, giữa hai lá cờ Mỹ-Việt là câu: “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”, ông McGovern, cha đẻ của IDG nói: “Chúng ta đã từng là đồng minh của nhau trong chiến tranh chống phát xít sao nay không thể là đồng minh trong hợp tác xây dựng”.

Hải Văn - Lê Thọ Bình - /
Ông Lê Văn BàngÔng Lê Văn Bàng
 Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng kể trong cuộc trò chuyện cởi mở với VietTimes.
Cân bằng lực lượng ở Biển Đông
Thưa ông, là nhà ngoại giao làm việc nhiều năm với người Mỹ, vậy ông hình dung như thế nào về nước Mỹ?
- Tuần trước tôi có nói chuyện với ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước đó nữa, tôi có dịp ăn trưa với Bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ. Nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi, thật tình cờ, lại cũng xoay quanh vấn đề nhìn nhận về nước Mỹ như thế nào.
Tôi có thể nói thế này: Hoa Kỳ là quốc gia có khả năng điều chỉnh chiến lược tốt nhất theo xu thế thời đại. Thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ gồng mình chống chọi lại Liên Xô, rồi Trung Quốc và sau đó là hệ thống các nước XHCN và sa lầy chiến tranh Việt Nam. Đó là thời kỳ Mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Họ ở thế yếu. Tuy nhiên, sau đó Mỹ điều chỉnh chiến lược, rút khỏi chiến tranh Việt Nam, liên kết với Trung Quốc để chống lại Liên Xô. Mỹ chuyển từ bị động sang chủ động. Liên Xô rơi vào khó khăn, rồi sụp đổ và kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN. Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Vậy hiện nay vai trò của Mỹ như thế nào trên thế giới, thưa ông?

- Tôi có cảm giác nước Mỹ hiện đang ở vào tình thế như những năm 1950-1960 của thế kỷ XX, nghĩa là giai đoạn đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. Tại sao lại nói thế?
Vì hiện nay Mỹ đang phải đối đầu với Nga và Trung Quốc. Hai nước lớn này hiện đang hợp tác với nhau để đối đầu với Mỹ. Nga có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đòi chia lại trật tự thế giới, bành trướng ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ còn bị vướng ở Trung Đông và Tây Á. Rồi còn phải đối phó với hàng loạt các vấn đề khác nữa như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Iran. Vì vậy, nhìn Mỹ hiện nay, tôi cho rằng Mỹ đang gặp không ít khó khăn do đang phải căng mình ra đối phó với những vấn đề mà tôi vừa nêu.
Phân tích như vậy để thấy, Mỹ đang có một nhu cầu tập hợp lực lượng để cân bằng sự thách thức nhiều mặt mà Mỹ đang phải gánh chịu. Nhưng tôi tin rằng Mỹ đủ khả năng để điều chỉnh chiến lược của mình.
Từ phân tích như vậy chúng ta có thể thấy Mỹ cũng đang rất cần thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam để hình thành liên minh đối chọi với sự bành trướng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông?
- Nếu nhìn lại toàn bộ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chúng ta sẽ thấy một sự biến thiên khá thú vị. Những năm 1945-1946, Việt Nam và Hoa Kỳ là đồng minh của nhau. Mỹ đã huấn luyện cho bộ đội của Cụ Hồ Chí Minh. Nhiều người trong số chúng ta chắc còn nhớ, năm 2005, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Pat McGovern, người sáng lập Tập đoàn IDG, khi đọc diễn văn chiêu đãi ông Khải, đã trưng ra một bằng chứng lịch sử để nói lên mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. Đó là tấm bích chương (poster), họa bản của tờ báo Độc lập của Bác Hồ, xuất bản trên chiến khu Việt Bắc tháng 7 năm 1945. Trên đó vẽ có tô màu lá cờ của Hoa Kỳ và lá cờ đỏ sao vàng (khi ấy mới là cờ của Việt Minh).
Cùng với đó là 8 bức tranh liên hoàn hướng dẫn cách cứu tù binh Mỹ. Nằm giữa hai lá cờ có câu thơ “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Sau khi cho mọi người xem ông McGovern nói: “Chúng ta đã từng là đồng minh của nhau trong chiến tranh chống phát xít sao nay không thể là đồng minh của nhau trong hợp tác xây dựng”. Tôi nghĩ, nếu bây giờ mà nói lại thế nào ông McGovern cũng thêm vào sau cụm từ “… hợp tác xây dựng” sẽ là “và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh xuất hiện, Mỹ không tiếp tục chính sách đồng minh nữa mà thực hiện chính sách cô lập Việt Nam và sau đó là đem quân xâm lược Việt nam và hai bên trở thành kẻ thù của nhau. Sau chiến tranh, hai nước lại thúc đẩy quan hệ. Người Mỹ có lần nói với tôi, rằng quan hệ với Việt Nam là để cùng nhau kiềm chế Trung Quốc, cân bằng lực lượng ở Biển Đông.
Ai là người giúp Việt Nam hiệu quả nhất?
Là đại sứ lâu năm (9 năm) tại Hoa Kỳ, từng tiếp xúc với nhiều giới chức Mỹ, có bao giờ giới nghiên cứu hay giới chính trị Mỹ “lấy làm tiếc” rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã không giữ được mối quan hệ đồng minh?
- Người Mỹ hết sức thực dụng. Họ làm mọi việc đều xuất phát từ lợi ích quốc gia. Mọi sự xoay trục chiến lược trên thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, đều vì lợi ích của họ cả. Cái đó là xuyên suốt. Chiến tranh Thế giới thứ 2 Mỹ liên minh với Liên Xô chống Nhật, chống phát xít Đức. Sau đó, Mỹ lại thiết lập  quan hệ đồng minh với Nhật, với Đức để chống lại Liên Xô, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Vì vậy mới có chuyện lúc thì Mỹ liên minh với người này chống người kia. Có lúc lại liên minh với người kia để kiềm tỏa người này. Tất cả các mối quan hệ đó đều phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Phục vụ sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thế còn Việt Nam chúng ta thì sao, thưa ông?
- Thế còn Việt Nam thì sao? Tại sao có lúc chúng ta là đồng minh của Mỹ, có lúc lại đánh Mỹ? Bây giờ tại sao lại muốn quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ?... Đó là những câu hỏi mà tôi đã được không ít người hỏi chứ không phải bây giờ các bạn mới hỏi đâu.
Đối với Việt Nam cũng có một vấn đề xuyên suốt: đó là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Từ 1945 đến nay chúng ta  làm là vì cái đó. Có câu chuyện phát triển kinh tế nữa, nhưng chủ yếu là chủ quyền, là lãnh thổ. Vì vậy, chúng ta cũng phải tập hợp lực lượng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và phát triển kinh tế.
Vậy trong tất cả các đối tác đặc biệt, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thì ai là người có thể giúp chúng ta hữu hiệu nhất trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia, thưa ông?
- Có lẽ chỉ có Mỹ là đáp ứng được. Chứ còn “ông” Nga thì chỉ bán cho chúng ta được vũ khí thôi, chứ nhìn đấy, vừa qua ông Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu là “không nên quốc tế hóa Biển Đông”. Tự nhiên ông ấy dội một gáo nước lạnh vào tình cảm của người Việt Nam. Thế còn Trung Quốc thì chúng ta biết rồi, miệng thì rất là hữu hảo, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ rất tốt với ta, nhưng họ là những nước tiềm lực cũng có hạn.
Khi rời nước Mỹ sau 9 năm là Đại sứ ông có nghĩ rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lại có thể phát triển nhanh chóng như vậy không?
- Cách đây khoảng 10-15 năm, khi tôi nói chuyện với một số chính trị gia Mỹ, họ nói rằng một ngày nào đó Mỹ và Việt Nam sẽ có quan hệ chiến lược. Lúc đó tôi ngạc nhiên, tôi bảo: “Ông nói lại đi xem nào! Các ông bây giờ vào Việt Nam chúng tôi còn ghét các ông lắm, chiến lược cái gì”. Đấy, lúc đó các nhà lãnh đạo Mỹ, kể cả ông Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, đã nói thế. Thế thì ở đằng sau câu nói ấy, họ đã nhìn thấy trước vấn đề rồi. Lý luận của họ là “đến một ngày nào đó vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của “các anh” sẽ bị Trung Quốc đe dọa và lúc đó “các anh” sẽ cần tới chúng tôi thôi. Đến lúc đó quan hệ nó sẽ được nâng lên ở tầm chiến lược”.
Họ là nước lớn, họ có tầm nhìn chiến lược. Mình nhiều khi còn cảm tính lắm.
Đồng minh chiến lược: Đến lúc cần sẽ tự có!
Khi bàn về quan hệ Việt - Mỹ chúng tôi thường đặt ra câu hỏi cho các chính khách, các nhà ngoại giao Việt Nam là liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có thể nâng quan hệ lên thành đồng minh chiến lược như kiểu Mỹ - Nhật, hay Mỹ - Hàn được không. Vậy còn ông, ông trả lời thế nào?
-Theo tôi thì quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ở mức độ nào là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề “đồng minh chiến lược” sẽ được quyết định khi mà quyền lợi của hai nước bắt buộc. Bây giờ tôi giả sử là có sự đe dọa chiến tranh đối với Việt Nam ở biển, đảo hoặc trên đất liền thì lúc đó Việt Nam phải tính toán: “Để ngăn chặn thảm họa này chúng ta phải làm gì?”. Đấy, những lúc như thế thì có thể quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ nâng lên mức cần thiết nhất. Còn tình thế chưa đến mức như thế thì nó chưa thể nâng lên được. Hiện tại thì chưa thể nói Mỹ và Việt Nam khi nào có thể trở thành đồng minh chiến lược được. Thế nhưng tình thế bắt buộc thì nó sẽ hình thành thôi.
Tình thế như vậy theo tôi là chưa xảy ra và khó xảy ra. Vì bên cạnh việc hợp tác với Hoa Kỳ đang ngày càng được nâng lên thì bản thân chúng ta cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ với các đối tác đang chống lại chúng ta để làm cho tình hình bớt căng thẳng đi, hết đe dọa đi. Cho nên đây là nghệ thuật tập hợp lực lượng để cân bằng lực lượng và cuối cùng là giữ vững mục tiêu độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển được đảm bảo.
Ông Lê Văn Bàng (bên trái) trao đổi với các nhà báo của VietTimes tại tư gia.
Cần vượt qua hội chứng Mỹ trong lòng người Việt!
Ông là người góp phần không nhỏ vào việc gây dựng nên mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ từ những ngày đầu tiên khi hai nước đi tới bình thường hóa quan hệ. Theo ông thì sự khác nhau về thể chế chính trị hiện có còn là trở ngại lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không?
- Như tôi đã nói, người Mỹ rất thực dụng. Khi cần tập hợp lực lượng thì họ không quan tâm lắm đến sự khác biệt về thể chế chính trị. Sadam Hussen là do Mỹ dựng nên. IS bây giờ người ta nói cũng là do Mỹ dựng nên. Họ làm thế để làm gì? Để tập hợp lực lượng.
Mỹ mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ để làm gì? Vâng, họ cũng đã từng hỏi tôi: “Ông có biết chúng tôi mời ông Trọng sang thăm Mỹ để làm gì không?”. Tôi nói về tầm chiến lược. Họ bảo: “Chúng tôi mời ông Trọng sang là để xây dựng lòng tin. Các ông vẫn chưa tin chúng tôi. Chúng tôi mời ông Tổng Bí thư sang là để nói, rằng chúng tôi không phân biệt thể chế chính trị, chúng tôi chấp nhận thể chế của các ông. Qua đó để các ông thấy được lòng tin của chúng tôi”.
Vì vậy, trả lời câu hỏi của anh, tôi nói rằng thể chế chính trị có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, nhưng không phải là cản trở lớn. Thậm chí ngay cả với Trung Quốc cũng vậy thôi. Từng có lúc Mỹ quan hệ rất thân thiết như hồi năm 1972, khi Nixon sang thăm Trung Quốc đấy thôi. Lúc ấy Trung Quốc vẫn là CNXH, vẫn là Đảng cộng sản lãnh đạo như bây giờ. Nhưng Mỹ vẫn “chơi thân” với Trung Quốc, bởi vì họ có cùng mục tiêu là liên minh để chống lại Liên Xô.
Ví dụ như ở châu Âu. “Ông” Mỹ kêu ầm lên về vấn đề Ukraine, nhưng “ông” Pháp, “ông” Đức lại khác. Quyền lợi khác nhau thì họ phản ứng khác nhau. Vì vậy, nói cho cũng, dù là đồng minh chiến lược đi chăng nữa, nhưng vì quyền lợi của họ lớn quá họ phải tính chứ. Nói không đâu xa, ai thân với nhau hơn được Mỹ và Israel. Thậm chí đến mức bỏ phiếu gì đi nữa ở LHQ thì họ cũng cùng quan điểm, thậm chí có lúc cả LHQ bỏ phiếu thuận, nhưng Mỹ và Israel vẫn phiếu chống. Nhưng có những lúc Thủ tướng Israel sang Mỹ, Tổng thống Mỹ không đón. Đấy là tôi nói những đồng minh thân cận nhất, chứ còn những anh xa xa thì không nói làm  gì.
Còn vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến quan hệ hai nước ra sao, thưa ông?
- Bản thân nhân quyền là vấn đề nội tại của chính nước Mỹ. Có 2 Đảng, Dân chủ và Cộng hòa. Cộng hòa đại diện người giàu; Dân chủ đại diện cho trung lưu, người nghèo, người nhập cư, là những người cần có tự do dân chủ để để có lối vươn lên . Vì vậy “con bài” của phái Dân chủ là nhân quyền, tự do, dân chủ. “Con bài” của phái Cộng hòa thì chủ yếu là tôn giáo. Đó là vấn đề thâm căn cố đế của họ rồi. Còn trong quan hệ quốc tế, vì nhiều lý do khác nhau, họ đưa nhân quyền tôn giáo ra để làm đòn bẩy. Nhưng trong quan hệ với Việt Nam họ có làm căng để ảnh hưởng chiến lược không? Theo tôi là không. Vì vậy, ai đó cứ nói Mỹ dùng vấn đề nhân quyền để cố tình lật đổ thể chế của chúng ta, vì thế chúng ta không nên chơi với Mỹ. Không phải vậy. Tôi đi đối thoại nhân quyền với họ rất nhiều lần rồi. Đôi khi tôi cũng bực lắm. Tuy nhiên Mỹ đòi hỏi vấn đề nhân quyền cũng là vì câu chuyện nội bộ của họ nữa. Họ không làm thì sẽ bị lực lượng khác phê phán, thậm chí Quốc hội chất vấn.
Theo ông, có còn vấn đề gì hiện nay có thể ảnh hưởng đến mối bang giao Việt - Mỹ mà chúng ta cần phải vượt qua không?
- Đó là “Hội chứng Mỹ” trong lòng Việt Nam. Chúng ta đã từng giúp rất nhiều để người Mỹ thoát khỏi “hội chứng chiến tranh Việt Nam” trong người Mỹ, nhưng bản thân chúng ta lại chưa thoát được “hội chứng Mỹ”. Mình đã làm rất nhiều việc quá mềm mỏng, quá nhẫn nại, quá cố gắng. Trong vụ tìm kiếm POW/MIA chẳng hạn. Nắng nôi như thế mà dân mình đội nón suốt ngày đi đào bới. Để tỏ thiện chí chúng ta đã cho người Mỹ xuống dưới hầm Lăng Bác Hồ (năm 1991) để kiểm tra xem chúng ta có còn giấu tù binh Mỹ dưới đó không. Họ về Mỹ báo cáo với Quốc hội của họ rằng như thế là Việt Nam đã chịu nhún nhường rồi, đã làm hết sức rồi.
Ngược lại, Việt Nam đã vượt qua hội chứng Mỹ chưa? Vẫn còn có người chưa vượt qua được. Sự hận thù của không ít người Việt sau chiến tranh còn nặng nề lắm. Ngay như tôi đây thôi, đã từng tham gia chiến đấu, được giao nhiệm vụ làm ngoại giao để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, nhưng ở đâu đó trong sâu thẳm vẫn có chút thâm thù với người Mỹ. Đó là chưa nói đến những người đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trận, những người mất đi cha, mẹ, con cái vì chiến tranh. Trong chốc lát chưa thể nguôi ngoai hết được.
Vì lẽ đó, cũng có một bộ phận người Việt cho rằng quan hệ với Mỹ phải hết sức cảnh giác vì Mỹ luôn tìm mọi cách lật đổ chế độ. Rồi thì còn có chuyện phê phán Mỹ thì dễ, nhưng khen ngợi Mỹ thì coi chừng. Những người làm việc với Mỹ, tiếp xúc nhiều với Mỹ thường bị tổ chức dè chừng…
Đấy, tất cả những cái đó đều là “hội chứng Mỹ”. Chúng ta phải từng bước vượt qua nó để quan hệ hai nước trở nên thực chất hơn.
Xin cám ơn ông!
Ông Lê Văn Bàng sinh ngày 30/6/1947 tại Ninh Bình
-1982-1986: Bí  thư Thứ Ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh
-1986-1990:  Công tác tại Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao.
-1990-1992: Phó Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao.
-1/1993-1/1995: Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực VN tại LHQ
-2/1995-8/1995: Giám đốc Văn phòng liên lạc Việt Nam tại Hoa Kỳ
-8/1995-2/1997: Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa  kỳ.
-2/1997-6/2001: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
-2002 - 2007: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Tin liên quan

4 lý do Trung Quốc không thể thắng Việt Nam bằng chiến tranh; NÓNG: VN đã có được công nghệ bí mật – Sản xuất hàng nghìn tên lửa phòng không hiện đại!

Một trang mạng tại Trung Quốc cho rằng với 4 lý do cốt tử, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ gánh chịu thất bại nếu gây chiến với Việt Nam.
Căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, giới truyền thông nhà nước cùng một bộ phận người Trung Quốc ấu trĩ, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn cổ súy những hành động mang tính chất ngang ngược của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng.
Song những người Trung Quốc hiểu biết nhận ra rằng, nếu bây giờ Trung Quốc gây chiến với các nước láng giềng, họ sẽ tự chuốc lấy họa.
Một bài viết trên trang mạng military.china.com ngày 3/7 cho rằng, với tình hình hiện tại, Trung Quốc không thể gây chiến.
Binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: SINA
Binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: SINA
Lý do thứ nhất, theo tác giả, là sự lão luyện, thiện chiến của quân đội Việt Nam. Tác giả cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc dám gây chiến, nhưng với những hạn chế hiện tại, Bắc Kinh không thể tiến hành chiến tranh với bất kỳ quốc gia láng giềng nào.
Nếu Trung Quốc phát động chiến tranh với Việt Nam, họ sẽ rơi vào cái bẫy. Cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 đã cho thấy Trung Quốc hao tiền, tốn của và sinh mạng như thế nào. Chỉ riêng trong trận Lão Sơn, mỗi tuần Trung Quốc bắn gần 200.000 quả đạn pháo, nhưng lại mất từ 4.000 đến 8.000 lính.
“Quân đội Việt Nam sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích rất lão luyện. Họ sẽ đánh bại chúng ta bằng cuộc chiến tiêu hao từ từ cho đến khi chúng ta thất bại. Chúng ta không thể khinh thường họ. Người Mỹ đã hết sức sai lầm khi tuyên bố ‘đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá’ và Việt Nam đã đáp lại bằng câu nói ‘chúng tôi đã bước vào thời kỳ đồ nhôm’ (xác máy bay Mỹ). Vì vậy Trung Quốc không thể chiến thắng bằng cách gây ra chiến tranh”, tác giả lập luận.
Môi trường chính trị quốc tế là yếu tố thứ hai. Khi gây ra cuộc chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên đối mặt với sự lên án một cách gay gắt từ dư luận phương Tây, Mỹ cũng như Nhật Bản.
Không những thế, việc gây chiến với Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc mất chỗ đứng trên trường quốc tế. Các nước trên thế giới sẽ lên án Trung Quốc vì sức mạnh truyền thông nằm trong tay các nước phương Tây và trong cuộc chiến truyền thông Trung Quốc hoàn toàn bị động. Cuộc chiến sẽ làm cho Trung Quốc suy yếu dần. Các lực lượng thù địch sẽ thừa cơ can thiệp vào trung Quốc.
Binh sĩ Trung Quốc thao tác với giàn phóng rocket trong một cuộc tập trận. Ảnh:
Binh sĩ Trung Quốc thao tác với giàn phóng rocket trong một cuộc tập trận. Ảnh:people.com.cn
Thứ ba, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề thù trong giặc ngoài. Trong khi nhiều vấn đề rất lớn vẫn còn tồn tại ngay trong nội bộ giới lãnh đạo, Trung Quốc lại đang phải đối diện với một vòng vây hình chữ C của các thế lực ở bên ngoài.
Nếu Bắc Kinh sử dụng những lực lượng tinh nhuệ nhất, hiện đại nhất để đối phó với Việt Nam thì ở những khu vực khác trên lãnh thổ Trung Quốc, lực lượng sẽ yếu và mỏng hơn. Bắc Kinh sẽ đối mặt với điều cấm kỵ trong binh pháp: Đối mặt với hai mặt trận cùng lúc. Người ta có thể dự đoán rằng, khi Trung Quốc khai chiến với Việt Nam thì Đài Loan sẽ tận dụng thời cơ để hành động ngay. Lúc đó Trung Quốc không thế chiến thắng trên mặt trận Đài Loan vì Mỹ sẽ hậu thuẫn Đài Bắc. Cũng nhân dịp ấy, Nhật Bản sẽ kiểm soát hoàn toàn quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát Triều Tiên, Ấn Độ chiếm khu vực tranh chấp và thôn tính miền nam Tây Tạng.
Thứ tư, Trung Quốc không thể lấy bài học của Mỹ tại Lybia hay bài học của Nga tại Gruzia bởi vì họ không chỉ mạnh hơn Trung Quốc mà cũng không có những vấn đề lớn phức tạp với các nước láng giềng. Tình hình chính trị trong nước của họ cũng ổn định. Do đó họ không phải lo lắng từ áp lực của bên ngoài và nội bộ để có thể giành chiến thắng.
Trong cuộc chiến Iraq, Afghanistan – những quốc gia sa mạc – Không quân Mỹ có thể oanh kích kẻ thù dễ dàng, trong khi Georgia vốn chỉ là một khu vực bằng phẳng cách Nga 36 km nên lực lượng cơ giới Nga có thể kiểm soát nhanh chóng.
Nhưng Việt Nam là đất nước mà đồi, núi chiếm tỷ lệ lớn trong diện tích lãnh thổ. Pháp, Mỹ và cả Trung Quốc từng nếm trải những thất bại đau đớn tại đây. Một cuộc chiến với Việt Nam sẽ hết sức khó khăn. Việt Nam rất lão luyện trong chiến tranh du kích nên việc sử dụng tên lửa, máy bay chiến đấu là chiến lược ngu ngốc! Các đơn vị cơ giới (của Trung Quốc) sẽ không thể tiến bởi các dãy núi. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.
Nguồn : News.zing.vn

NÓNG: VN đã có được công nghệ bí mật – Sản xuất hàng nghìn tên lửa phòng không hiện đại!

Như đã biết, dự án chế tạo tên lửa phòng không hiện đại Made in Vietnam đã đạt được những bước tiến dài. Tới đây, hàng nghìn quả tên lửa hiện đại sẽ được xuất xưởng.
12799203-578838962291943-3192479801064633791-n-1468574899873-229-0-719-960-crop-1469071068321
12799203-578838962291943-3192479801064633791-n-1468574899873-229-0-719-960-crop-1469071068321


Xe chở đạn tên lửa S-75 (SAM-2) của Bộ đội Tên lửa phòng không.
LTS: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng nói chung, trong đó có công nghiệp tên lửa nói riêng, đến nay, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần tạo nền móng vững chắc, là bệ phóng cho giai đoạn “cất cánh” ngoạn mục.
Nhằm tiếp tục thông tin về những thành tựu mới trong lĩnh vực chế tạo tên lửa phòng không, trân trọng mời bạn đọc cùng tìm hiểu về năng lực sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp “Made in Vietnam” để cùng tự hào và thêm tin tưởng vào sự lớn mạnh không những của QĐND Việt Nam nói chung và CNQP Việt Nam nói riêng.
Việt Nam có được công nghệ bí mật!
Như đã đề cập ở bài trước “Việt Nam chế tạo tên lửa phòng không hiện đại: Bất ngờ khó tin!”, đến nay, Dự án chế tạo tên lửa TL-01 đã đạt được những kết quả khả quan khi các nhà khoa học đầy nhiệt huyết và sáng tạo của chúng ta làm chủ được công nghệ chế tạo các thành phần đặc biệt quan trọng của loại tên lửa phòng không tầm thấp này.
Một trong những thành tựu ấy chính là chế tạo thành công pin nhiệt được dùng cho tên lửa phòng không tầm thấp với nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho đầu tự dẫn hồng ngoại để bắt mục tiêu.
Không ai khác, chính các nhà khoa học thuộc Bộ môn Hóa, Khoa Hóa lý kỹ thuật (Học viện Kỹ thuật quân sự) là những người xứng đáng được vinh danh, khi hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt cho tên lửa phòng không tầm thấp”.
Tên lửa vác vai Việt Nam thực hành bắn đạn thật.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, “đầu bài” đặt ra với yêu cầu rất cao, trong khi nguồn lực có hạn và vấn đề mới mẻ, bởi đây là công nghệ luôn được các quốc gia giữ bí mật, nhưng vượt qua tất cả, sản phẩm pin nhiệt chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra, qua thử nghiệm bảo đảm chất lượng tốt.
Đến nay, đề tài đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt; xây dựng dây chuyền lắp ráp đạt công suất 300 sản phẩm/năm và hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm.
Rất vui mừng được biết, một khi ta làm chủ được việc chế tạo pin cho tên lửa phòng không tầm thấp thì không lý gì lại không vươn tới được pin nhiệt cho các dòng tên lửa hiện đại hơn, tầm xa hơn. Mấu chốt của vấn đề chính là ở đó.
Sẽ sản xuất hàng nghìn quả tên lửa phòng không hiện đại!
Ngược dòng lịch sử một chút để thấy vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến phòng không của tên lửa phòng không tầm thấp hay (tên lửa phòng không vác vai).
Ngay khi được Liên Xô viện trợ tên lửa phòng không tầm thấp A-72 (đưa vào sử dụng năm 1972), khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay thấp của Quân đội ta đã thay đổi toàn diện, khiến kẻ địch khiếp sợ.
Bởi dưới bàn tay vàng của những xạ thủ tên lửa, hiệu suất chiến đầu của A-72 được nâng cao đáng kể, đạt 0,375 vượt trội hơn hẳn so với hiệu suất chiến đấu là 0,3 theo tính toán thiết kế của nhà sản xuất (tức 1.000 quả đạn diệt 300 máy bay).
Riêng kỳ tích mà liệt sĩ, Anh hùng Hoàng Văn Quyết đạt được, bắn rơi 16 máy bay, hiện đang giữ kỷ lục của Quân chủng PK-KQ Việt Nam và có thể coi là một kỷ lục thế giới.
Trở lại với vấn đề chính, hiện nay Việt Nam đang cùng lúc triển khai song song 2 dự án chế tạo và sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp gồm: Dự án sản xuất tên lửa Igla-1 (SA-16 Gimlet) và TL-01.
1-200114dung303105824234-1398150520193
Các đại biểu tham quan các sản phẩm của Đề án “Nghiên cứu, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp”. Ảnh: QĐND
Trong đó, Igla-1 đã đi vào sản xuất từ vài năm nay và cung cấp hàng trăm quả đạn cho các đơn vị phòng không. Riêng TL-01 thực sự “Made in Vietnam” mới đang trong quá trình chế thử, phải ít lâu nữa mới có sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, một trong những thông tin hé lộ cho thấy số lượng tên lửa phòng không tầm thấp Việt Nam có thể sản xuất mỗi năm sẽ lên tới hàng trăm quả. Sở dĩ nói thế là vì dây chuyền sản xuất, lắp ráp pin nhiệt đạt công suất 300 sản phẩm/năm. Một con số thật ý nghĩa.
Dù vậy, công suất thiết kế là thế, nhưng sản xuất bao nhiêu, thấp hơn hay đạt mức cao nhất lại là chuyện khác, tùy theo yêu cầu tình hình. Một khi ta làm chủ công nghệ chế tạo thì không gì ngăn nổi ta tăng tốc cho ra đời hàng trăm quả tên lửa mỗi năm.
Dẫu biết rằng, 300 sản phẩm pin nhiệt ra lò mỗi năm ấy (nếu được sản xuất) không đồng nghĩa với sản xuất được 300 quả tên lửa, vì số pin còn phải dành cho dự trữ, thay thế những sản phẩm đã hết hạn, hoặc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuậ vàt có thể dùng cho những mục đích khác ngoài chế tạo tên lửa.
Nhưng, rõ ràng, nếu mỗi năm sản xuất một vài trăm quả đạn thì chắc chắn 10 năm tới, Việt Nam sẽ sở hữu trong tay hàng nghìn quả tên lửa phòng không tầm thấp hiện đại, gồm cả Igla sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ và TL-01 “Made in Vietnam”.
Trong chiến tranh hiện đại, để đối phó với các loại mục tiêu bay thấp tấn công ồ ạt hoặc phục kích tiêu diệt địch đổ bộ đường không, thì việc dự trữ sẵn một lượng lớn đạn tên lửa phòng không tầm thấp không bao giờ thừa.
Nên nhớ, theo thống kê của Steven Zaloga trên Tạp chí JIR số 4-1994, tại chiến trường Việt Nam từ 1972-1975 đã có 528 tên lửa A-72 được phóng đi.
Nguồn : Thegioitre.vn

Đảng đang âm thầm tổ chức chiến dịch ‘Săn Cáo?’

Chính trường Việt Nam vừa nhuốm một sắc thái đỏ: đang lộ dần những dấu hiệu cho thấy đảng vừa âm thầm vừa công khai thiết kế một chiến dịch “Săn Cáo” theo cách của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương Trung Quốc (CCDI) tung ra từ năm 2012 đến nay.

Ông Đinh La Thăng là "nạn nhân" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Những hiện tượng “lạ”

Trùng với thời điểm khai mạc Hội Nghị Trung Ương 5 của đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 5 Tháng Năm, báo Thanh Tra trực thuộc cơ quan thanh tra chính phủ đăng bài “Bắc Kinh ‘ép’ các đối tượng tham nhũng lưu vong phải về nước,” cho biết trong tuyên bố mới đây, CCDI khẳng định biết rõ chỗ ẩn áu của khoảng 1/3 đối tượng trong tổng số gần 1,000 đối tượng (bị truy nã vì cáo buộc các tội danh tham nhũng) đang lẩn trốn, sống lưu vong ở nước ngoài.

Thanh tra chính phủ hiện thời đang nằm trong sự kiểm soát của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chứ không phải thuộc cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cùng thời điểm trên, một cựu thần của đảng là Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu tư lệnh Quân Khu 4, lên tiếng cảnh báo trên Giáo Dục Việt Nam – một tờ báo “thiên đảng” – về “đồng chí Đinh La Thăng nên dám làm dám chịu, không nên giả bệnh hay bỏ trốn.” Đây là một phát ngôn “lạ” và chưa có tiền lệ, đặc biệt như thể “áp dụng biện pháp ngăn chặn” đối với nhân vật vừa mất chức ủy viên Bộ Chính Trị. Thậm chí Giáo Dục Việt Nam còn đưa phát ngôn trên thành tựa đề bài phỏng vấn trước cả khi ông Thăng chính thức bị Ban Chấp Hành Trung Ương bỏ phiếu kỷ luật tại Hội Nghị Trung Ương 5.

Chỉ vài ngày sau, không biết từ nguồn rò rỉ nào, báo chí có được thông tin về vụ ôgn Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, có văn bản đề nghị cấp thẻ an ninh cho vào khu vực cách ly ở sân bay để “tiễn người thân,” gửi đến các cơ quan an ninh, công an, hải quan cửa khẩu Nội Bài.

Nhưng trùng với phương châm và cách thức tác chiến “truyền thông đi trước, đảng bước theo sau” trong thời gian gần đây, hiển nhiên có thể hiểu là “đảng ta” đang “nêu cao tinh thần cảnh giác” đối với những nhân vật có triển vọng “bay theo Trịnh Xuân Thanh” nhất.

Chưa hết. Cùng thời điểm khai mạc Hội Nghị Trung Ương 5, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định thành lập tám đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra sự việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đối với 20 ban thường vụ tỉnh ủy. Vào năm 2016, Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng, Chống Tham Nhũng cũng thành lập một số đoàn kiểm tra như thế, nhưng kết quả có vẻ khá hạn chế trong bối cảnh ông Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, chưa có gì để so sánh với “tử thần” Vương Kỳ Sơn phụ trách CCDI, còn ông Trọng cũng chẳng có gì để đối chiếu với quyền uy gần như tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.

“Nhốt cáo”

Trong năm nay, bàn cờ chính trị Việt Nam đang chuyển thế một chiều tiến công hơn hẳn khi ông Trọng tấn hàng loạt con cờ “sang sông” và áp sát vào những đồn lũy cuối cùng của đối phương. Chẳng cần phải là người quá am hiểu nội tình cũng biết rằng chỉ cần “thành trì” Đinh La Thăng bị hạ, rào chắn trước nhà cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tự nhiên mở toang để ông Nguyễn Phú Trọng xông xênh sải bước tiến vào.

Thế cờ chuyển mạnh có thể khiến những ủy viên trung ương nào mà trước đó dám xem thường “năng lực” của tổng bí thư sẽ phải nghiêng về tâm lý “phù thịnh hơn phù suy.” Thế và lực của ông Trọng cũng bởi thế được dự đoán bắt đầu mang tính tập quyền sau Hội Nghị Trung Ương 5, ông Tập Cận Bình đã khởi sắc hẳn từ năm 2013.

Bây giờ thì không chỉ ông Vũ Huy Hoàng, mà cả gần 200 “nghi can” nằm trong Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia (PVN) sẽ chẳng còn cơ hội để “nhân điển hình tiên tiến Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng.” Các cửa khẩu, kể cả đường bộ, có thể đã đóng chặt. Đã quá muộn để nghĩ đến việc “tung cánh giang hồ.” Nếu từ trước tới nay, công an cửa khẩu thường chỉ cấm giới bất đồng chính kiến xuất cảnh, thì giờ đây cả giới quan chức tham nhũng thuộc cánh “anh Ba” đều chung số phận.

Nếu hai cán bộ của Bộ Công Thương đang bị xem xét kỷ luật do giúp ông Vũ Huy Hoàng có được thẻ an ninh vào khu cách ly của sân bay, điều này chỉ càng chứng minh thêm là ông bị giám sát chặt chẽ từ khá lâu nay. Giám sát từng bước chân.

Và nếu một công thần của đảng là ông Thước bắt đầu cảnh báo đến khả năng “giả bệnh, bỏ trốn” của ông Thăng, chẳng khó gì để hình dung ra việc ông Thăng, ngay cả trước khi bị tống đạt kết luận kiểm tra của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương vào cuối Tháng Tư, có thể đã bị thiết lập “biện pháp ngăn chặn” chặt chẽ ra sao. Không phải chỉ một, mà có thể có nhiều cơ quan theo dõi và ngăn chặn và cũng để “kiểm tra chéo” lẫn nhau. Vào thời gian đó, khu vực xung quanh địa chỉ 56 Trương Định, quận 3, Sài Gòn hẳn chính là “điểm nóng chính trị” với dày đặc “tai mắt.”

Trước khi “săn cáo” là “nhốt cáo.”

“Mô hình Tập Cận Bình”

Vào lúc này, trong những giờ phút cả nền chính trị đang đỏ rực như một chảo lửa, hẳn không ít kẻ nhiều tiền lắm nhưng bị thất sủng quyền lực đang vò đầu bứt tai vì tiếc nuối cùng tự hận ngút ngàn vì đã nuôi kỳ vọng đến phút cuối về một thế đảo chiều của chính trường và trở lại quyền lực, mà do đó đã quá trù trừ để không kịp xa chạy cao bay.

Bởi vì giờ đây, tất cả đều bị “nhốt quyền lực vào lồng” – theo cách ẩn dụ rất thời thượng của ông Trọng mà được giới truyền thông đảng cùng các “thái giám” nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi. Nhất là nếu không bao lâu nữa ông làm cho Bộ Công An thuộc về mình, theo đúng nghĩa đen như cái cách mà ông đã chiếm vai trò chi phối trong Quân Ủy Trung Ương, chứ không phải cứ mãi bóng bẩy với vị trí “ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương.”

Để nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” biến thành hiện thực, đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông Trọng sẽ có một nét gì đó có thể bằng vai với chiến dịch “những việc cần làm ngay” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1986-1989, thậm chí có thể so sánh với vai trò độc tôn tập quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc thời đương đại.

Và nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” không còn là hoang tưởng, ông Trọng sẽ không còn phải thức đêm chờ đợi ông Trịnh Xuân Thanh trở về, mà thậm chí còn có thể phát động cả một chiến dịch “Săn Cáo” như họ Tập đã làm và đã lôi cổ hàng trăm quan chức tha hương về cố hương.

Nhưng muốn bắt chước ông Tập và có được nét gì đó để đối chiếu, ông Trọng cần “tân trang” cho nhân vật Trần Quốc Vượng với tính cách nhu mì dễ bảo để trở thành một Vương Kỳ Sơn Việt Nam – kiệm lời, lạnh lẽo, thâm hiểm và sắt đá.

Cái giá trị của ông Vương Kỳ Sơn đã trở nên một thành tố không thể thiếu làm nên công thức Tập Cận Bình ngày nay. Với ông Nguyễn Phú Trọng, ông có thể đang mơ màng đến “mô hình Tập Cận Bình,” nhưng nếu ông Vượng không thể trở thành Vương và cũng chẳng có người nào khác trong Bộ Chính Trị đảng CSVN có thể có được năng lực ấy, toàn bộ những bước đi từ chiến thuật khởi đầu từ vụ Đinh La Thăng, kế hoạch “Săn Cáo” đến những kỳ vọng chiến lược như “nhất thể hóa” và thậm chí “đổi mới lần 2” của ông Trọng sẽ chỉ mang hình dạng một con dao hai lưỡi.

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)

Tổng thống Nga Pu-tin: Kiến nghị của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất kịp thời

2017-05-14 15:25:50     cri

Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 14/5, Tổng thống Nga Pu-tin đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường" diễn ra ở Bắc Kinh.
Tổng thống Pu-tin cho biết, nhân dân các nước ở lục địa Á-Âu từ xưa đã đi lại lẫn nhau, cư xử hữu nghị. Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như tình hữu nghị truyền thống này là hết sức quan trọng đối với hợp tác trong thế kỷ 21, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay đang đối mặt các mối đe dọa và thách thức, nếu kinh tế toàn cầu không thực hiện được tăng trưởng ổn định, thì không thể giải quyết những vấn đề này.
Tổng thống Pu-tin chỉ rõ, các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Âu-Á tích cực ủng hộ sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Kiến nghị về hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nhân văn, v.v. do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất trong bài phát biểu đề dẫn vào Lễ khai mạc là hết sức kịp thời, tỏ rõ thái độ sáng tạo đổi mới của Trung Quốc trên vấn đề nhất thể hóa.
Tổng thống Pu-tin cho rằng, nhất thể hóa khu vực Âu-Á không những nhằm cải thiện quan hệ giữa các nước, mà còn sẽ mang lại hòa bình, ổn định và phồn vinh cho cả khu vực Âu-Á, đem lại cuộc sống chất lượng cao cho nhân dân các nước.

Trung tướng Nguyễn Hữu Ước sẽ kiện Luật sư Trần Đình Triển

Thứ bảy , 13/05/2017 18:36 PM

Trung tướng Nguyễn Hữu Ước cho biết, ông sẽ khởi kiện ông Trần Đình Triển ra tòa.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều nay, 13/5, Trung Tướng Nguyễn Hữu Ước - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, nguyên Tổng biên tập báo Công an Nhân dân và Truyền hình Công an Nhân dân cho biết, sẽ khởi kiện ông Trần Đình Triển ra toà.
trung-tuong-huu-uoc-khoi-kien-tran-luat-su-dinh-tr

Trung tướng Hữu Ước cho biết sẽ kiện Luật sư Trần Đình Triển. 

Trước đó, ngày 12/5, trên facebook cá nhân, ông Triển đã có bài viết: “Ông Hữu Ước phù phép biến hơn 28 nghìn mét đất của cán bộ chiến sỹ báo Công an Nhân dân đi đâu?”. 
Trong bài viết này, Luật sư Trần Đình Triển đề cập đến trách nhiệm của ông Ước trong 2 dự án nhà ở của cán bộ chiến sỹ Báo Công Nhân dân.
Video: Mất 4 tỷ đồng trong tài khoản, khách hàng sẽ kiện SCB

Trung Quốc gây ô nhiễm hóa chất tại Lào

(Quan hệ quốc tế) - Những người Trung Quốc đến Lào thuê đất trồng chuối, mang theo tiền nhưng cũng mang theo hóa chất và “tai ương”, Reuters cho biết.

Thuê đất trồng chuối
Hãng tin Reuters mới đây cho phát một phóng sự nói về việc những người Trung Quốc đến Lào thuê đất trồng chuối và gây ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm nguồn nước khiến nhiều người mắc bệnh.
Reuters dẫn lời ông Kongkaew Vonusak, 59 tuổi, một trưởng thôn ở miền Bắc Lào cho biết những người Trung Quốc đến ngôi làng thanh bình của ông từ năm 2014 và tiền cũng đến theo một cách dễ dàng.
Người Trung Quốc đề nghị thuê đất với giá 720 USD một ha, đa phần là đất bỏ hoang đã nhiều năm, để trồng chuối. Với người dân nghèo ở Lào, lời đề nghị đó thật hào phóng.
Trung Quoc gay o nhiem hoa chat tai Lao
Một phụ nữ Lào đợi cân chuối nhập vào công ty của Trung Quốc ở tỉnh Bokeo hôm 25/4
Ông Kongkaew nói: “Họ nêu giá cho chúng tôi và hỏi chúng tôi có hài lòng không. Chúng tôi nói đồng ý”. Ở nơi khác, đất ven sông và có đường vào còn được thuê với giá ít nhất là gấp đôi con số đó.
Sau 3 năm, những cánh đồng chuối của Trung Quốc đã thu hút hầu hết người dân địa phương tham gia nhưng không phải ai cũng có thể mỉm cười.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đến, mang theo việc làm và thu nhập cao cho người dân Bắc Lào, nhưng cũng đồng thời đổ tràn lên các khu đất trồng đủ các loại thuốc trừ sâu và hóa chất.
Năm ngoái, Chính phủ Lào đã ra lệnh cấm mở rộng thêm các khu đất trồng chuối mới sau khi một viện nghiên cứu của nhà nước báo cáo rằng mức độ sử dụng hóa chất ngày càng tăng đã khiến nhiều người lao động mắc bệnh và gây ô nhiễm nguồn nước.
Trung Quoc gay o nhiem hoa chat tai Lao
Một người lao động Lào pha thuốc trừ sâu tại khu trồng chuối do người Trung Quốc thuê
Theo Reuters, với chiến lược “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục các nước láng giềng mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Với những người dân như ông Kongkaew, điều đó đồng nghĩa với sự đánh đổi.
Ông Kongkaew nói: “Đầu tư của Trung Quốc đem lại cho chúng tôi cuộc sống chất lượng hơn, ăn ngon hơn, sống tốt hơn”. Song cả ông Kongkaew và những người láng giềng hiện không còn đánh cá ở sông cạnh đó bởi sợ nó đã bị ô nhiễm do hóa chất ngấm ra từ khu vực trồng chuối.
Một số chủ đầu tư và quản lý ngành trồng chuối của Trung Quốc đã tỏ ra thất vọng với lệnh cấm của Lào không cho họ tiếp tục trồng chuối sau khi hết thời hạn thuê đất. Họ cho rằng việc sử dụng hóa chất là cần thiết và không thừa nhận rằng những người làm công bị mắc bệnh là do họ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 11/5 khẳng định nước này luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc, khi đầu tư và hoạt động ở nước ngoài, phải tuân thủ luật pháp và các quy định của địa phương, thực hiện các trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường địa phương”.

Tập Cận Bình Đới Lộ khó thành công

Ngô Nhân Dụng

Cùng một lúc, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc loan báo hai tin mừng: Hai nước mới ký một Hiệp ước Thương mại và Tòa Bạch Ốc sẽ cử một viên chức cao cấp qua Bắc Kinh dự cuộc họp quốc tế về chương trình “Một vòng đai, Một con đường” (Nhất đới Nhất lộ – 一带一路).
Đây là một cuộc trao đổi giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, sau khi đã bắt tay nhau ở Florida tháng trước; mục đích là hai bên cùng có lợi. Tổng thống Trump đang cần một “chiến thắng” trong cuộc thương thuyết với Cộng sản Trung Quốc để phô trương với cử tri của mình. Khi tranh cử ông “đập” Trung Cộng tơi bời về cán cân mậu dịch Mỹ thâm thủng $350 tỷ, mà ông kết tội do nước Tàu chỉ xuất cảng, không nhập cảng hàng Mỹ. Hiệp định mới này khiến Trung Cộng phải mua lại thịt bò của Mỹ, khí đốt của Mỹ, v.v… Ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại đã ca ngợi tốc độ hoàn tất bản Hiệp ước này, “Đáng lẽ phải thương thảo nhiều năm, bây giờ chỉ mười ngày đã ký xong!”
Để đổi lại, Chính phủ Mỹ cũng tặng ông Tập một món quà. Kế hoạch Nhất đới Nhất lộ được Tập Cận Bình ồn ào cổ võ trong ba năm qua. Cuộc họp “thượng đỉnh” vào Chủ Nhật này đã có những người cầm đầu 28 quốc gia hứa tới dự, nay có thêm ông Matt Pottinger, phụ tá đặc biệt của Tổng thống Trump tới quan sát, một tỷ dân Trung Hoa sẽ được nghe báo, đài ca tụng ông Tập thành công vẻ vang!
Nhất đới là vòng đai đi theo “Đường tơ lụa” hơn 2,000 năm trước, từ Trường An, kinh đô nhà Tần, nhà Hán, xuyên qua các nước Trung Á qua tới miền Trung Đông, đưa hàng tơ lụa của Trung Hoa bán sang đến tận Châu Âu. Nhất lộ là Con đường Tơ lụa Trên Biển, nối Trung Quốc với các nước Nam Châu Á, qua bán đảo Ả Rập, cũng tiến tới bờ biển Châu Âu.
Tập Cận Bình đã tung ra kế hoạch này để tái lập địa vị của Trung Quốc trên thế giới. Mai sau lịch sử có thể ghi công ông không thua mà có thể lớn hơn Hán Vũ Đế, người đã đưa quân đi chinh phục miền Trung Á từ thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, đặt nền móng cho Đường tơ lụa sau này. Ảnh hưởng văn minh từ Trung Hoa qua thế giới Hồi Giáo và Châu Âu chỉ ngưng lại sau khi quân nhà Đường bị thủ lãnh (Caliph) Hồi Giáo đánh bại năm 751 trong trận Talas, thuộc vùng biên giới giữa hai nước Kazakhstan và Kyrgyzstan ngày nay.
Ngày nay, Tập Cận Bình mở lại “Vòng đai Đường tơ lụa”, lại mở thêm con đường trên biển, mà vào đầu thế kỷ 15 Minh Thành Tổ đã bỏ lỡ cơ hội. Khi đó, Đô đốc Trịnh Hòa đem hàng ngàn thương thuyền chu du mấy lần sang tới xứ Ả Rập và Châu Phi; nhưng đời vua sau đã cấm dân Trung Hoa không được đóng tàu thuyền đi biển! Kế hoạch Nhất đới Nhất lộ sẽ tạo quan hệ kinh tế với 70 quốc gia, với 40% tổng sản lượng thế giới.
Mục đích đầu tiên của Nhất đới Nhất lộ là xuất cảng các nguyên liệu và dịch vụ xây dựng của các công ty Trung Quốc; vì họ sản xuất quá nhiều thép, xi măng, v.v… và dựng lên nhiều cơ sở không được sử dụng. Về lâu dài, Bắc Kinh có thể lợi dụng quan hệ kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị.
Cuộc họp thượng đỉnh Nhất Đới Nhất Lộ vào cuối tuần này diễn ra đúng lúc. Châu Âu đang rạn nứt sau khi nước Anh “Bye! Bye”! Chính phủ Mỹ đang muốn thu vào, lo chuyện nội bộ hơn là gây ảnh hưởng quốc tế – ngân sách Bộ Ngoại giao Mỹ bị cắt giảm gần một phần ba. Trong bốn tháng qua, các nước Phần Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Ý ở Châu Âu đã công khai ủng hộ chương trình Nhất đới Nhất lộ! Hầu như còn nhiều người muốn dự phần vào khoản tiền $500 tỷ mà ông Tập Cận Bình hứa sẽ chi ra để khởi công Nhất đới Nhất lộ! Trung Cộng đã có sẵn $3,000 tỷ dự trữ, họ còn có thể chi thêm nhiều hơn; trong khi Chính phủ Trump coi các món viện trợ kinh tế là phí tiền, vô ích!
Nhưng Nhất đới Nhất lộ có triển vọng thành công hay không? Có ba trở ngại lớn: Thứ nhất, các nước tham dự không tin chính quyền Trung Cộng. Thứ hai, tiền thôi không đủ, vì chính các nước đó không đủ khả năng thực hiện những dự án mà Bắc Kinh đề nghị; đồng thời họ cũng không chắc muốn sử dụng những kỹ thuật của Trung Cộng. Ngoài ra, những cường quốc kinh tế khác sẽ cạnh tranh gây ảnh hưởng.
Về chướng ngại thứ ba, trên đường bộ Tập Cận Bình sẽ đụng tới quyền lợi của Vladimir Putin, người cũng đang muốn tiếp nối sự nghiệp từ các Sa Hoàng đến Stalin, muốn nước Nga làm chủ vùng Trung Á. Năm 2014, Putin đã lập một khối mậu dịch với các nước Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Trên mặt biển, các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, cho tới Hàn Quốc sẽ chạy đua thuyền với nước Tàu. Nhật đang cố gắng làm sống lại TPP, Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương mà ông Donald Trump đã xé bỏ.
Trong mấy năm qua, giấc mộng bành trướng của Tập Cận Bình vẫn chưa cất cánh được vì các nước khác ngần ngại. Một “món hàng” mà Bắc Kinh muốn “bán” là đường xe lửa cao tốc. Trung Quốc đã làm xong một hành lang dài hạng nhất thế giới trong chưa đầy mười năm; nhưng khi đi mời chào vẫn không thành công. Năm 2014, Mexico đã chấm dứt dự án làm chung đường xe lửa cao tốc với Trung Quốc, ba ngày sau khi báo chí bên Tàu đồng thanh ca ngợi “thành công vĩ đại” của kỹ thuật Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Những dự án được trao cho Trung Quốc ở Serbia và Hungary phải ngưng vì bị điều tra vi phạm luật gọi thầu.
Một chướng ngại trong kế hoạch của Tập Cận Bình là quá chú trọng vào việc mua chuộc các chính quyền sở tại mà không biết đến dân chúng, các đảng phái chính trị đối lập, như xảy ra ở Sri Lanka.Tháng Hai năm nay, Tổng thống Maithripala Sirisena đã tạm ngừng hai dự án của Trung Cộng gồm hải cảng Hambantota và khu công nghiệp rộng 6,000 mẫu (ha); sau khi bị dân chúng, các công đoàn, và đảng đối lập phản kháng. Đập thủy điện Myitsone tại Myanmar bị ngưng cũng vì dân chúng chống. Tại Malaysia, Trung Cộng hầu như đánh cá tất cả vào ông Thủ tướng Najib Razak, mà không biết ông ta còn ngồi đến bao giờ. Trước đây, Trung Cộng đã mất $19 tỷ tiền đầu tư vào xứ Libya, với 50 dự án, khi lãnh tụ Gaddafi bị lật đổ.
Làm cách nào các quốc gia tham dự vào Nhất đới Nhất lộ, chia nhau $500 tỷ mà Bắc Kinh đóng góp, cùng với những ngân hàng do ông Tập Cận Bình mới lập ra? Muốn có kết quả, phải nghiên cứu các dự án trong nhiều năm, tham khảo ý kiến của giới chuyên môn địa phương, và cả ảnh hưởng trên môi trường sống. Cộng sản Trung Quốc có quen làm theo quy tắc đầu tư chung trên thế giới hay không?
Guồng máy cai trị của Trung Cộng vẫn không quen kinh doanh theo tiêu chuẩn hoàn toàn kinh tế, cho nên các dự án mà họ đề nghị hợp tác với các nước khác nhiều khi không thể tồn tại lâu dài vì đến lúc nước sở tại có người thấy không ích lợi – ngoài lợi lộc chính trị cho Trung Cộng.
Cũng guồng máy đó, còn cho thấy những nhược điểm ngay trong nội địa nước Tàu.
Đứng đầu một ủy ban lo cho cả kế hoạch Nhất đới Nhất lộ là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli,张高丽). Ủy ban này theo dõi hoạt động của các tỉnh tham dự vào chương trình chung. Tại các tỉnh, một cuộc chạy đua diễn ra, tỉnh nào cũng giành lấy chỗ nộp các dự án vào Nhất đới Nhất lộ, như thể tranh công đầu. Có 27 tỉnh thực hiện các đường xe lửa từ tỉnh mình sang các thành phố Châu Âu, từ Ba Lan, Đức, tới Anh Quốc. Nhưng các công ty lập ra các dự án này đều lỗ, vì chi phí quá lớn trong khi số hành khách sử dụng quá ít! Nhưng tỉnh nào cũng muốn được chia phần tiền trợ cấp của trung ương, nên vẫn lao đầu vào cuộc chạy đua. Lỗ, đã có bên trên chịu! Hơn nữa, một tiêu chuẩn thẩm lượng các quan chức địa phương trước đây là số xí nghiệp thành lập, số nhân công có việc,… bất cứ làm việc gì, có sinh lời hay không. Bây giờ, việc tham gia vào kế hoạch Nhất đới Nhất lộ cũng trở thành một tiêu chuẩn để thăng quan tiến chức! Theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, 22% các dự án Nhất đới Nhất lộ đang thua lỗ.
Vì đó là cách làm kinh tế theo lối quốc doanh, thói quen đã thâm nhập đầu óc các cán bộ, quan chức, chắc phải một thế hệ mới xóa được, nếu thực tâm cải tổ!
Nhìn vào những chướng ngại kể trên, chúng ta thấy kế hoạch Nhất đới Nhất lộ của Tập Cận Bình sẽ còn lâu mới tạo được một vòng đai kinh tế, hỗ trợ cho tham vọng đế quốc của ông hoàng đế đỏ Tập Cận Bình. Bên ngoài thì các nước tham gia có những quyền lợi và mục tiêu khác với Trung Cộng, bên trong thì bộ máy thi hành vẫn quen thói doanh nghiệp nhà nước quan tâm đến chính trị nhiều hơn kinh tế. Năm 1991, Thủ tướng Nhật Kaizo Obuchi đã đưa ra một kế hoạch giống như Nhất đới Nhất lộ của họ Tập; dùng kỹ thuật Nhật Bản xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước Châu Á. Nạn tham nhũng, ở Nhật cũng như ở các nước khác, cuối cùng làm cho cả kế hoạch phải ngưng. Trung Cộng có thể bớt tham nhũng hơn Nhật Bản được không?
N.N.D.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Vì sao VNEconomy vội xóa các chi tiết liên quan đến VinGroup?

Dự án Vinhomes Metropolis trên khu đất 29 Liễu Giai.

Nguyễn Anh Tuấn


Trưa hôm kia (9/5), VNEconomy có bài viết "Loạt dự án địa ốc vào tầm ngắm Thanh tra Chính phủ" dẫn tin từ Bộ Tài chính về các sai phạm liên quan tới đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tên tuổi của hàng chục dự án, công ty với một số thông tin quan trọng đã được cung cấp.

Thế nhưng, chỉ vài giờ đồng hồ sau, VNEconomy đã chỉnh sửa bài viết của họ bằng việc lược bỏ một số chi tiết. Tình cờ thay, những chi tiết này đều liên quan tới VinGroup.

Chúng ta thử tìm hiểu xem họ đã xóa những gì, và có gì đặc biệt mà họ phải cố giấu chúng ta.

Chi tiết thứ nhất là: "Theo danh sách do Bộ Tài chính lập, các dự án được thanh tra năm 2017 gồm có Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam với dự án tại 29 Liễu Giai có diện tích 35.075m2 đất nhận bàn giao từ Đại sứ quán Nga do SCIC bàn giao với giá 641 tỷ đồng."

29 Liễu Giai là ở đâu? Chính là khu đất mà VinGroup đang triển khai dự án tầm cỡ số 1 Hà Nội Metropolis với nhiều khối nhà chung cư từ 43-47 tầng, 80-100 triệu/m2 sàn (8-10 tỷ/căn hộ).

641 tỷ Nhà nước thu về sau khi giao 35.075 m2 đất, tính ra chỉ khoảng 18 triệu/m2 cho một khu vực có giá thị trường khoảng 200 triệu/m2, chắc chắn đã làm thất thoát một số tiền khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể khu vực này còn được cấp giấy phép xây chung cư đến 47 tầng - điều sẽ khiến giá trị đất cao hơn rất nhiều nếu được đấu giá công khai minh bạch.

Chi tiết thứ hai là "Cùng loạt các dự án chuyển nhượng mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ [cũng bị thanh tra đợt này]"

Dự án này được chú ý hồi đầu năm sau khi Thủ tướng Phúc đặt câu hỏi ai đã cấp phép xây 50 tầng ở đó. Bẵng đi một thời gian không thấy động tĩnh, gần đây chủ đầu tư đã lắp đặt các biển quảng cáo dự án xung quanh khu đất. Tuy nhiên, hôm nay (10/5) Thủ tướng đã có kết luận yêu cầu rà soát quá trình cổ phần hóa Công ty cổ phần Triển lãm Giảng Võ - đơn vị mà VinGroup đang chiếm 90% cổ phần và là chủ sở hữu khu đất 68.380 m2 ngay trung tâm Hà Nội này.

Như vậy, cả hai khu đất hiện của VinGroup mà VNEconomy cố tình che giấu thông tin tương đồng nhau không chỉ ở chỗ đã được thâu tóm với giá rẻ mạt với nhiều dấu hiệu làm thất thoát công sản, mà còn được UBND Hà Nội cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi còn một tháng nữa thì về hưu) ưu ái phá vỡ quy hoạch vùng thủ đô (được phê duyệt năm 2011 bởi chính Thủ tướng) cho phép trở thành hai dự án duy nhất được phép xây trên 45 tầng trong vùng nội đô lịch sử Hà Nội.

Ngoài ra có một thông tin đáng chú ý trong bài viết của VNEconomy là Bộ Tài chính sẽ "kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố TẠM THỜI ĐÌNH CHỈ THI CÔNG các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao đất thông qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng." Nghĩa là có khả năng hai dự án này của VinGroup sẽ bị đình chỉ thi công trong nay mai nếu đã nằm trong danh sách kiến nghị của Bộ Tài chính. Thế phải chăng VNEconomy xóa thông tin để không ảnh hưởng tới tình hình bán nhà của tập đoàn này, khiến người mua không có đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của dự án?

PS1: Một số người có thể thắc mắc nếu đã muốn bảo vệ VinGroup như thế, tại sao VNEconomy phải đăng thông tin lên để rồi ngay sau đó xóa đi? Sao ngay từ đầu không tự kiểm duyệt?

Rất có thể họ đăng lên để chờ một dấu hiệu trước khi xóa đi. Dấu hiệu ấy là gì? Đôi khi đơn giản chỉ là tiếng 'tin-tin' tin nhắn báo chuyển khoản.

Thất vọng toàn tập cho VNEconomy, một tờ báo mà tôi đã thường xuyên tìm đọc.

PS2: Sống và học tập ở Hà Nội, tôi luôn ước ao thành phố này sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, cụ thể như một mạng lưới tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, có thể chưa thể được như Seoul, Taipei nhưng ít nhất cũng phải như Kuala Lumpur hoặc Bangkok để người dân đi lại dễ dàng hơn, đời sống trở nên văn minh hơn. Nhưng cái mà tôi thấy chỉ là hai tuyến đường sắt đô thị nham nhở, một trong số đó vay vốn từ Trung Quốc luôn chậm trễ trong giải ngân, tiến độ thực hiện rùa bò hành hạ người dân ngày qua ngày, cùng với lời than vãn bất lực của người đứng đầu thành phố là thấy trước thảm họa mà không biết làm gì vì không có tiền. Dối trá! Nếu các khu đất vàng của thành phố cùng giấy phép xây cao tầng được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, sẽ không thiếu tiền cho một cơ sở hạ tầng hiện đại như thế.

Nguyễn Anh Tuấn
Bài báo của VNEconomy sau khi chỉnh sửa: http://vneconomy.vn/…/loat-du-an-dia-oc-vao-tam-ngam-thanh-…
(Vẫn để lại dấu vết là bên dưới trong mục từ khóa có "SCIC", mà toàn bài chẳng còn thông tin gì liên quan tới từ khóa này)
Bài báo của VNEconomy trước khi chỉnh sửa được Google lưu lại trong bản cache: http://webcache.googleusercontent.com/search…