17/05/2017
Nguồn: Graeme Gill, “The Other Lenin,” Inside Story, 21/03/2017.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Đây là bài điểm cuốn Lenin the Dictator: An Intimate Portrait (Weidenfeld & Nicolson, 2017) của Victor Sebestyen.
Trong cuốn tiểu sử mới nhất về Vladimir Lenin này, mọi đặc điểm nổi bật của cuộc đời nhà cách mạng Nga đều được nói đến: vụ hành hình người anh cả của Lenin khiến ông bị cấp tiến hóa như thế nào, tranh luận về những luận điểm lý thuyết cách mạng khó hiểu trong những năm dài ông lưu vong, việc trở lại Nga năm 1917 với sự giúp đỡ của Đức, sự thâu tóm quyền lực cũng trong năm đó, và những năm đầu chế độ Xô-viết. Nhưng cuốn tiểu sử này rất khác so với những tiểu sử chúng ta từng biết.
Có thể nhận ra sự khác biệt này trong nhan đề nhỏ của cuốn sách (“An Intimate Portrait”: Một chân dung gần gũi). Victor Sebestyen tập trung vào con người Lenin, đặc biệt chú ý đến mối quan hệ của Lenin với hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời ông và những đau đớn thể xác mà ông phải chịu. Dựa một phần vào tài liệu tìm thấy trong văn khố Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, Sebestyen tìm cách dựng nên một bức tranh về Lenin tập trung vào đời sống cá nhân hơn là sự nghiệp cách mạng.
Sebestyen lập luận rằng các mối quan hệ cá nhân quan trọng nhất của Lenin là với hai người phụ nữ nói trên. Vợ Lenin, Nadezhda Krupskaya, được miêu tả không chỉ là người thư ký và đồng chí như trong các sách vở Xô-viết, mà theo Sebestyen, bà còn là một nhà cách mạng nổi bật và là một nguồn động viên cá nhân quan trọng đối với Lenin. Khía cạnh sau, được khắc hoạ bằng tình yêu, sự ngưỡng mộ, và sự cống hiến liên tục, không thay đổi, đã thêm một khía cạnh nhân văn vào hiểu biết của chúng ta về Lenin mà trước đây vẫn thường bị bỏ qua.
Sự cống hiến của Krupskaya với Lenin có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong việc bà chấp nhận người phụ nữ thứ hai mà Sebestyen thảo luận trong sách, Inessa Armand, người tình lâu năm của Lenin. Suốt một thời gian dài, ở cả trong và ngoài nước Nga, ba người ít nhiều chung sống với nhau, và Armand và Krupskaya đã trở thành bạn thân. Dường như Armand chia sẻ một tình cảm mãnh liệt với Lenin mà mối quan hệ giữa Lenin và Krypskaya không có, nhưng cả hai người phụ nữ này có vẻ đều có tầm quan trọng ngang nhau đối với tinh thần của Lenin.
Krupskaya có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ Lenin. Nhiều tiểu sử gia đã chỉ ra tính chất căng thẳng trong công việc của ông: Lenin đã đâm đầu vào mâu thuẫn với những người khác như thế nào, ông nghiêm khắc (và khắc nghiệt) như thế nào trong những phê phán của mình, và ông đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho cách mạng ra sao. Sự căng thẳng này đã có những ảnh hưởng rõ ràng lên sức khoẻ của Lenin.
Một loạt các cơn đột quỵ bắt đầu từ năm 1922 thường được xem là minh chứng cho điều này. Nhưng Sebestyen cho thấy trong suốt sự nghiệp của mình Lenin đã phải chịu đựng các rối loạn tâm thần. Mức độ căng thẳng nghiêm trọng có vẻ đã gây ra nhức đầu và một dạng bán đột quỵ về thể chất mà chỉ nghỉ ngơi hoàn toàn mới có thể khắc phục được. Krupskaya đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp ông đối phó với tình trạng này. Bà biết khi nào nó đến và có thể thuyết phục Lenin tạm dừng công việc cách mạng và đi nghỉ ở vùng quê, tránh xa tất cả mọi thứ.
Tập trung vào đời sống cá nhân là điểm mạnh chính của cuốn sách, nhưng cũng có cái giá của nó. Sự nghiệp của Lenin, cuộc đấu tranh xây dựng đảng, vượt qua các đồng sự để thâu tóm quyền lực năm 1917, vai trò của ông trong việc xây dựng nhà nước Xô-viết mới và dẫn dắt nó qua những giai đoạn khó khăn khi mà sự sụp đổ có vẻ rõ ràng hơn sự tồn tại – tất cả đều xuất hiện chỉ như phụ lục cho phần đời sống cá nhân trong cuốn tiểu sử này. Đúng là phần công khai của câu chuyện đã được biết đến rộng rãi, nhưng chính khía cạnh này của đời sống Lenin mới khiến cho việc tập trung vào đời sống cá nhân có giá trị. Chúng ta liệu có quan tâm đến Lenin không nếu ông gắn liền với công việc luật sư đầu đời? Khả năng là không.
Chú ý hơn vào cuộc đời chính trị của Lenin có thể giúp lập luận của cuốn tiểu sử rằng mối quan hệ quan trọng nhất của Lenin là với Krupskaya và Armand chắc chắn hơn. Tại sao ông có vẻ không thể duy trì tình bạn thân thiết với đàn ông? Sebestyen gợi ý rằng Lenin không chấp nhận bất kỳ thách thức nào đối với thẩm quyền của mình, và ông nhận thức rằng những thách thức ấy đến từ những đồng sự nam giới. Trừ phi có một lý giải về mặt tâm lý học cho quan điểm này, và Sebestyen không đưa ra lý giải nào như vậy, thì chắc hẳn nguyên nhân ít nhất một phần nằm trong bản chất của “nhóm” và các mối quan hệ bên trong. Mong muốn kiểm soát của Lenin có thể là phản ứng trước những điều kiện mà phong trào phải đối diện – luôn luôn gặp nguy hiểm trong tầm ngắm của cảnh sát mật Sa hoàng, thường được hỗ trợ bởi cảnh sát các nước Tây Âu nơi mà phần lớn các thành viên cách mạng sống – nhưng cuốn sách đã để ngỏ vấn đề này.
Một khía cạnh khác trong mối quan hệ giữa đời sống riêng tư và sự nghiệp của Lenin là các tác phẩm của ông. Trong phần lớn các cuốn tiểu sử, các tác phẩm của nhân vật chủ đề được xem là tư liệu nguồn quan trọng. Nhưng Sebestyen ít chú ý đến những gì Lenin viết, mặc dù chúng lên đến hơn 55 tập bằng tiếng Nga. Sebestyen không giải thích vì sao mình không chú ý đến nguồn tư liệu quý giá này, nhưng có thể là vì ông tin Lenin sẽ nói bất kỳ điều gì nhằm đạt được mục đích chính trị trước mắt. Nói cách khác, các tác phẩm của Lenin không phản ánh quan điểm thật, mà là các phản ứng chiến thuật đối với hoàn cảnh. Đây không phải là lập luận mới, nhưng nó không thể đứng vững mà không có phân tích mở rộng về suy nghĩ của ông, thứ không được nêu ra trong sách. Và nó ko thống nhất với nhiều nghiên cứu về tư tưởng và hành động của Lenin vốn cho thấy sự linh hoạt, nhưng cũng thể hiện cả sự logic và tiếp nối chắc chắn.
Khía cạnh đời sống riêng tư và sự nghiệp này cũng được phản ánh trong nghịch lý của nhan đề: chân dung gần gũi của một nhà độc tài. Trên thực tế, cuốn sách bàn rất ít đến phần “nhà độc tài,” không hề thảo luận thế nào là nhà độc tài hay Lenin đã trở thành nhà độc tài như thế nào. Trong một phần ba cuối sách khá lan man, bàn về những năm đầu của quyền lực Xô-viết, Sebestyen cố gắng kết nối Lenin với các sự kiện quan trọng. Đây là một nỗ lực có giá trị, nhưng khi thiếu bối cảnh rộng hơn – sự phát triển thể chế, vai trò của các thành viên lãnh đạo khác của chế độ, và cuộc nội chiến – thì một người không có kiến thức về giai đoạn này sẽ rất khó hiểu được điều gì đang diễn ra.
***
Tuy vậy, Lenin the Dictator vẫn đúng là một cuốn sách hay, được viết tốt và có những góc nhìn sâu sắc. Nó cũng mang tính thời sự đối với ngày nay ít nhất theo hai cách.
Thứ nhất, bức tranh phong trào cách mạng Nga lưu vong của cuốn sách tuy không hoàn chỉnh nhưng đã cho thấy những sự thay đổi. Trong những năm đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng gặp nhau trong quán cà phê với cà phê và bánh trái, thảo luận và tranh luận cả qua thư tín lẫn mặt đối mặt, nói chung là ngay dưới mũi cảnh sát và thường là có sự thông đồng của cảnh sát. Giao tiếp qua thư rất chậm, và nếu bị bắt, các nhà cách mạng thường bị đày đến một vùng xa xôi mà trong nhiều trường hợp là rất khắc nghiệt. Và nếu họ dự định phản kháng vũ trang, điều này thường nhắm vào những người phục vụ chế độ cũ chứ không phải quần chúng.
Điều này trái ngược với những kẻ khủng bố ngày nay: giao tiếp điện tử, sử dụng các phương thức khủng bố một cách tuỳ tiện, thiết lập quân đội, quảng bá rộng rãi thông điệp và, ít nhất là trong trường hợp hiện tại, tuân thủ một giáo điều tôn giáo. Giai đoạn trước có vẻ nhẹ nhàng hơn, mặc dù đối với những người trong cuộc thì có vẻ không phải như vậy. Chúng ta đã đi một chặng đường dài, và không phải là theo hướng tích cực.
Thứ hai, năm nay đánh dấu 100 năm cách mạng Nga, một sự kiện định hình nền chính trị của cả thế kỷ 20. Nhưng phương Tây có vẻ không chú ý mấy đến sự kiện này. Sẽ có các cuộc hội thảo học thuật, và có lẽ những gì còn lại của “cánh tả” sẽ tổ chức kỷ niệm theo một cách nào đó, nhưng đối với nền chính trị chủ lưu thì đây chủ yếu là một sự kiện không có gì đặc biệt.
Câu hỏi đặt ra là nó sẽ được xử lý thế nào ở Nga. Chế độ Putin vẫn luôn có phần mập mờ về giai đoạn Xô-viết, thừa nhận rằng những thành tựu vĩ đại phải trả giá đắt, nhưng cũng xem nó như một giai đoạn phải được tích hợp vào lịch sử nước Nga. Họ chỉ không biết là phải làm như thế nào. Và điều này có nghĩa là trong đời sống công cộng Nga có một sự mơ hồ rất lớn xung quanh cuộc cách mạng và hệ quả của nó.
Điều này được phản ánh rõ trong cuộc tranh luận nổi lên thường xuyên, cả ở trong tháng này, về việc phải làm gì với di hài Lenin. Nó được bảo quản trong lăng ở Quảng trường Đỏ từ năm 1924. Một số người tin là nên đem di hài đi chôn và dỡ bỏ lăng; một số khác tin là nên giữ nguyên như vậy. Vấn đề này phản ánh những bất định xung quanh việc xử lý cuộc cách mạng, và đưa nhà lãnh đạo của nó vào cuộc tranh luận chính trị Nga đương đại. Trong bối cảnh đó, đóng góp của Sebestyen cho hiểu biết của chúng ta về cuộc đời cá nhân của Lenin là đáng ghi nhận.
Graeme Gill là giáo sư hưu trí tại Đại học Sydney. Mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là nền chính trị Nga và Xô-viết, nhưng ông cũng xuất bản sách về nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình dân chủ hoá và về những nguồn gốc và sự phát triển của nhà nước.
Hình: Lenin và vợ, bà Nadezhda Krupskaya, năm 1922.