Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Nợ nần,hết tiền,Việt Nam muốn hạn chế các lễ kỷ niệm

Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam vừa công bố dự thảo nghị định hạn chế kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống để “hạn chế phô trương, gây tốn kém, lãng phí ngân sách”.

Một trong hàng chục ngàn bộ ấm chén mà chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đặt để làm quà kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. (Hình: Thanh Niên)
Do liên tục bội chi, nợ nần càng ngày càng lớn, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu tiết kiệm tối đa song không ngăn được hệ thống công quyền tiếp tục vung tiền vào những chuyện từng bị công chúng thường xuyên chỉ trích là lãng phí (động thổ, khánh thành, kỷ niệm, chào mừng,…).

Sau khi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vứt đi 70 tỉ đồng để mua quà nhân cái gọi là “Ngày truyền thống thợ mỏ” hồi tháng 2, sang tháng ba, tới lượt chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỉ để “kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh”. Theo báo chí Việt Nam, trong 65 tỉ vừa kể, có 54 tỉ được dùng để sắm quà, 9 tỉ còn lại được dùng vào nhiều hoạt động chào mừng, bao gồm cả việc chiêu đãi đến 3.000 khách.

Dẫu chính phủ Việt Nam đã ra lệnh thanh tra vụ dùng ngân sách để “kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc” nhưng chẳng có gì bảo đảm hệ thống công quyền sẽ tiết kiệm. Đó cũng là lý do chính quyền Việt Nam phải soạn thảo nghị định hạn chế kỷ niệm.

Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam ước tính, tại Việt Nam hiện có hơn… 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, các ngành, các địa phương. Trong đó, kỷ niệm cấp quốc gia có 7 ngày. Kỷ niệm “ngày thành lập” các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày. Kỷ niệm “ngày truyền thống” của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày. Đó là chưa kể 63/63 tỉnh, thành phố đang kỷ niệm “ngày thành lập”, “ngày tái lập” riêng.

Theo tường thuật của tờ Người Lao Động thì cơ quan vừa kể được yêu cầu soạn thảo nghị định chống kỷ niệm để “siết lại việc tổ chức kỷ niệm vốn đang tràn lan” nhưng “chưa có văn bản qui định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, mạnh ai nấy làm”.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nói thêm, một số tỉnh, thành phố tổ chức kỷ niệm “ngày thành lập”, “ngày tái lập” với quy mô lớn. Sau phần lễ luôn là chương trình nghệ thuật chào mừng với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, hàng ngàn khách mời tham dự,… tiêu tốn hàng chục tỉ. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa khi tổ chức các ngày kỷ niệm tốn kém, lãng phí, nhân dân không đồng tình. Thậm chí, một số tỉnh, thành vừa tổ chức mừng tròn năm “ngày thành lập”, vừa tổ chức mừng tròn năm “ngày tái lập”. Các quận, huyện, thị xã, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị, chính trị – xã hội – nghề nghiệp… cũng thi nhau tổ chức kỷ niệm thường xuyên.

Được xem như một hành động pháp lý để tiết kiệm, chống lãng phí nhưng dự thảo của nghị định vừa kể cũng vẫn duy trì việc tổ chức “ngày thành lập”, “ngày truyền thống”, kèm các hướng dẫn cụ thể về nghi thức, trình tự khá rườm rà. Cho phép mời từ 300 (nếu làm trong hội trường) đến 500 khách (nếu làm ngoài trời) và khuyến khích mời một trong bốn trụ cột (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng) khi kỷ niệm “ngày thành lập” tỉnh, thành phố!

Bình luận về dự thảo vừa kể, ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, bảo rằng một nghị định hạn chế ăn nhậu, múa hát là cần thiết vì chi tiêu cho động thổ, khánh thành, kỷ niệm ngốn quá nhiều tiền của ngân sách.

Cho đến nay, chính quyền Việt Nam không cho biết những hoạt động ăn nhậu, múa hát như thế đã ngốn bao nhiêu tiền mỗi năm.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: