Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Món quà Thủ tướng Phúc tặng ông Trump gây 'bão' mạng; Cây đèn Huê kỳ không phải của Hoa Kỳ!; Hiệu Minh - Cầm đèn chạy trước … ô tô của TT Phúc

Món quà Thủ tướng Phúc tặng ông Trump gây 'bão' mạng

01/06/2017
Món quà Thủ tướng Phúc tặng Tổng thống Donald Trump.

Chiếc đèn dầu, món quà của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Quà tặng mà báo chí trong nước đầu tuần này nói là “độc bản” có “hình tượng lúa non với ẩn ý về nền văn hóa lúa nước; hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt; hai lá cờ Việt Nam – Hoa Kỳ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện”.
Để phát triển thị trường, người Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu. Cái tên ‘đèn Hoa Kỳ’ xuất phát từ đó, sau này các loại đèn dầu cho dù được làm bằng chất liệu gì và xuất xứ ở đâu cũng thường được người dân gọi là ‘đèn Hoa Kỳ’, gắn bó với gần như mọi gia đình Việt suốt thế kỷ 20...
Theo Tuổi Trẻ, “vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hãng dầu lửa của Mỹ đã bắt đầu đem hàng đến bán tại Việt Nam. Lúc đó người Việt chỉ quen dùng dầu lạc hoặc nến để thắp sáng, chưa quen dùng dầu hỏa”.
“Để phát triển thị trường, người Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu. Cái tên ‘đèn Hoa Kỳ’ xuất phát từ đó, sau này các loại đèn dầu cho dù được làm bằng chất liệu gì và xuất xứ ở đâu cũng thường được người dân gọi là ‘đèn Hoa Kỳ’, gắn bó với gần như mọi gia đình Việt suốt thế kỷ 20”, tờ báo viết.
Tuy nhiên, ít lâu sau khi được đăng, bài viết có tựa đề “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Trump món quà gì?” không thể truy cập được trên trang web của Tuổi Trẻ. Khi bấm vào đường dẫn bài viết trên mạng, một dòng thông báo “nội dung không tìm thấy”.
Một dòng thông báo khi bấm vào bài viết về món quà ông Phúc tặng Tổng thống Trump trên báo Tuổi Trẻ.
Một dòng thông báo khi bấm vào bài viết về món quà ông Phúc tặng Tổng thống Trump trên báo Tuổi Trẻ.
Chưa rõ lý do vì sao báo Tuổi Trẻ và một số tờ báo khác lại gỡ bài viết về món quà mà bạn đọc Nam Tổng viết trên Facebook của VOA Việt Ngữ rằng "ý là so sánh nước Mỹ hiện đại giàu có còn Việt Nam vẫn thời đèn dầu lầm than”.
Ý kiến cá nhân theo tôi không nên! Đèn thì để đốt chẳng lẽ đèn cạn dầu thì tình nghĩa 2 nước cũng cạn hay sao. Nên tìm món quà khác cho ý nghĩa trọn vẹn hơn ạ.
Trong khi đó, Facebooker Tan Huu Thai viết: “Ý kiến cá nhân theo tôi không nên! Đèn thì để đốt chẳng lẽ đèn cạn dầu thì tình nghĩa 2 nước cũng cạn hay sao. Nên tìm món quà khác cho ý nghĩa trọn vẹn hơn ạ”.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng kể từ khi nguyên thủ Mỹ lên nhậm chức hồi đầu năm.
Ngoài vấn đề thương mại với các hợp đồng ký kết tới gần 17 tỷ đôla, theo phát biểu của ông Phúc, giới quan sát cũng cho rằng Biển Đông và tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Nhiều bạn đọc của VOA tiếng Việt cũng cho rằng món quà ông Phúc tặng Tổng tống tỷ phú Mỹ cũng ám chỉ tới Bắc Kinh. Facebooker có tên So Co La viết: “Ý nghĩa là: Việt Nam em có mấy cái mỏ dầu mà TQ chiếm rồi, lạy anh qua xử lý giúp ko thì bọn em như cây đèn trước gió”.
Một người khác có tên Thuan Quynh nhận xét: “Cái đèn hình ngọn hải đăng, dưới chân 2 lá cờ là hình con tàu. Cho nên ý nghĩa là hai nước hợp tác về vấn đề biển đông để cùng thắp sáng cho tương lai hai nước”. Còn bạn Haco Chi nói: “’Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’. Ví Trung Quốc như mực tàu, Hoa Kỳ như đèn sáng. Chọn bạn tốt mà chơi”.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5.
Còn bạn đọc Bao Quan viết: “Ý là: Đèn nhà nào nhà ấy sáng. Ông Mỹ làm ơn đừng can thiệp vào Biển Đông hay đất nước tôi. Mỗi lần ô hô hào tàu đi dạo biển đông là mỗi lần TQ nó dàn thêm nhiều vũ khí tại đảo…”
Cùng ý kiến này, Facebooker Ngọc Châu nhận xét: “Tục ngữ Việt Nam có câu: ‘Đèn nhà nào nhà ấy rạng’. Đây là thông điệp mà những con người Việt Nam chân chính gửi tới người Mỹ, kẻ luôn nhân danh tự do, dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác…”
Tục ngữ Việt Nam có câu: ‘Đèn nhà nào nhà ấy rạng’. Đây là thông điệp mà những con người Việt Nam chân chính gửi tới người Mỹ, kẻ luôn nhân danh tự do, dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác…
Báo chí trong nước dẫn lời những người thiết kế món quà cho Thủ tướng Phúc nói rằng “'đèn Hoa Kỳ” là biểu tượng cho mối quan hệ và đối ngoại kinh tế giữa hai quốc gia Việt – Mỹ trong lịch sử, gắn kết mối quan hệ bền vững dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, mở rộng giao thương và mong muốn quan hệ Việt – Mỹ bền chặt và cùng tiến về phía trước”.
Khi người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, ông Barack Obama, công du Việt Nam năm ngoái, Thủ tướng Phúc tặng nhà lãnh đạo Mỹ này món quá “hình đầu rồng bằng chất liệu gốm phủ men đặt trên đế gỗ”.
Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ông Obama “bức tranh nhỏ với hình ảnh chùa Một Cột (một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội) và hoa sen (được xem là quốc hoa của Việt Nam)”, theo báo chí trong nước.


Cây đèn Huê kỳ không phải của Hoa Kỳ!


Đèn Hoa Kỳ do Việt Nam sản xuất

Mạc Việt Hồng

ĐÈN HOA KỲ HAY ĐÈN BA LAN?

Từ sáng mình thấy trên mạng tranh cãi nhau về quà tặng của bác Phúc cho TT Donald Trump. Nghe nói đó là 1 cái đèn Hoa kỳ có quốc kỳ 2 nước Việt Nam và Mỹ.

Còn nghe thêm là quà tặng làm theo sáng kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc. Cứ theo đó thì, cái đèn dầu đánh dấu mối quan hệ Việt Mỹ. Mình bận việc nên chưa kịp đọc hay bình loạn gì, giờ tìm đến thì các bài báo đăng về món quà này đã biến mất khỏi các trang mạng trong nước.

Vì sao các báo lại kéo bài như vậy, hớ rồi chăng?

Ở Ba Lan mình đã từng xem 1 bảo tàng đèn dầu (Lampy Naftowe). Đây là bảo tàng được coi là lớn nhất châu Âu và (hình như) lớn nhất thế giới về đèn dầu. Ở đó có các loại đèn, làm từ các thời đại khác nhau với nhiều kiểu dáng bắt mắt và sau khi xem xong, mình cũng mua mấy chiếc ở 1 tiệm kế bên bảo tàng.

Tại sao ở xứ này lại có bảo tàng đèn dầu lớn như vậy?

Bởi đèn dầu là một trong số những phát minh mà người Ba Lan tự hào là họ đã đóng góp cho nhân loại. Nói cách khác, đáng lý nó phải được gọi là đèn BA LAN, chứ không phải là đèn Hoa Kỳ như cách gọi tùy tiện của người Việt. Nhiều người Việt ngộ nhận nguồn gốc của chiếc đèn này từ tên gọi của nó.

Vào năm 1853, ông Ignacy Łukasiewicz ở thành phố Lwow (Lviv) đã làm ra chiếc đèn dầu đầu tiên và nửa thế kỉ sau hãng dầu hỏa Shell đã dùng nó như 1 sản phẩm khuyến mại vào thị trường Việt Nam.

Anh Phúc đem đèn đi tặng Trump liệu có nhầm địa chỉ không?Thôi, anh qua Ba Lan đi, em sẽ tặng anh cái đèn dầu xịn "Ma Giê In Bô Lần" khuyến mại luôn can xăng :)

(Đèn dầu Ba Lan)

Song Chi

Một loạt bài có nội dung như sau khi click vào đều không tìm ra, tức là đã bị gỡ xuống:

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Trump món quà gì", báo Tuổi Trẻ.

"Thủ tướng mang quà gì tới Mỹ tặng Tổng thống Donald Trump?", báo Dân Trí.

"Hé lộ món quà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tặng cho Tổng thống Donald Trump", CafeF

v.v...

May mà trên báo VNEconomy vẫn còn, bèn copy đem về đây:

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC SẼ TẶNG "ĐÈN HOA KỲ" CHO TỔNG THỐNG MỸ

Một món quà chứa đựng nhiều ý nghĩa về lịch sử giao thương và quan hệ Việt - Mỹ...

Chiếc đèn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị làm quà cho Tổng tống Trump.


BẠCH DƯƠNG

Rời Việt Nam đêm 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sắp đặt chân tới Mỹ, đánh dấu chuyến thăm chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, và sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ khi cả hai nước có ban lãnh đạo mới.

Món quà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang theo để tặng Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp chính thức ở Nhà Trắng ngày 31/5 được đánh giá chứa đựng nhiều ý nghĩa về lịch sử giao thương và quan hệ Việt - Mỹ.

Đó là một chiếc đèn dầu, hay còn gọi là “đèn Hoa Kỳ”.

Nhóm nghệ nhân thực hiện chế tác chiếc đèn cho biết, đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi một hãng dầu của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam.

Thời đó, người dân Việt Nam chỉ quen dùng dầu lạc hay nến (bạch lạp) để thắp sáng mà không quen dùng dầu hỏa. Để tiếp thị, hãng dầu của Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu, và tên gọi “đèn Hoa Kỳ” bắt nguồn từ đó.

“Đèn Hoa Kỳ” đã trở nên thân thiết trong đời sống người Việt. Hàng trăm năm trôi qua, nhiều người Việt vẫn gọi cây đèn này là “đèn Hoa Kỳ”, mặc dù đã có hàng trăm loại đèn dầu do người Việt sáng tạo, cải tiến trên nguyên lý của “đèn Hoa Kỳ” xưa.

Được thiết kế công phu, với chất liệu gốm Bát Tràng, chiếc đèn làm quà tặng được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ và đối ngoại kinh tế giữa hai quốc gia Việt - Mỹ, dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, cũng như mong muốn quan hệ bền chặt và cùng tiến về phía trước.

Quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kể từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7/2013.

Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời nằm trong top 10 các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016.

Tại sao mà phải hàng loạt báo phải gỡ đi bài này thế nhỉ. Có lẽ tại vì món quà "độc đáo" quá, "ý nghĩa" quá nhưng chỉ e rằng "các thế lực thù địch", bọn xấu lại không hiểu được "ý nghĩa đẹp đẽ" đó mà lại xuyên tạc, ví dụ như tặng cây đèn dầu là chúc cho nước Mỹ quay lùi trở lại thời kỳ xài đèn dầu, hay là chúc cho 2 nước cùng tiến lên XHCN xài đèn dầu thì phiền

À mà chắc ông Tổng thống Donald Trump không biết xài đèn dầu đâu, ông Phúc phải nhắc ông ấy cẩn thận không có ông ấy tò mò châm thử lại cháy cái gì đấy trong Nhà Trắng thì nguy

Hiệu Minh - Cầm đèn chạy trước … ô tô của TT Phúc


Các báo đưa tin về món quà “Chiếc đèn dầu Hoa Kỳ” mà TT Phúc dự định mang tặng TT Trump đã bị gỡ xuống.

“Thông điệp ngàn năm”. Ảnh: Internet
Các báo không chuyên nghiệp chút nào khi đăng ảnh món quà mà trong “Nhà Trắng chưa tỏ ngoài ngõ Việt Nam đã thông”.


Rút bài là phải, chẳng ai cầm đèn chạy trước ô tô, mà đây là ô tô của Thủ tướng Phúc.

Viết mà không biết là lẽ thường trên mạng ảo, biết mà không viết mới là tài. Vừa biết vừa viết thấy mỗi anh Osin, liều chưa từng thấy.

Quay lại chuyện tặng quà Việt-Mỹ. Tổng thống Obama thăm Việt Nam (2016) được TT Phúc tặng món quà là cái đầu rồng bằng gốm trên đế gỗ được gọi là “Thông điệp ngàn năm”. Quà nặng tới 6kg, cao 36cm, khá nặng và cồng kềnh.

Rồng không phải đặc trưng cho văn hóa Việt Nam và rồng không có thật. Lấy rồng đổi triết học phương Tây cũng OK.

Còn ông Phạm Quang Nghị tặng TNS John McCain bức ảnh ông TNS phi công, cựu tù Hỏa Lò bị bắt ở hồ Trúc Bạch, mới lạ đời. Chả hiểu McCain nghĩ gì, nhưng ông là người vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước suốt 3 thập kỷ.

Món quà chưa tặng TT Trump nghe đồn thổi là chiếc đèn dầu mà dân ta gọi là đèn Hoa Kỳ. Có nhiều phiên bản khác nhau về chiếc đèn này.

Các còm sỹ có tiếng của hang Cua đã giải thích rồi. Theo cụ A. Phong đã dẫn nguồn từ một ông có tên là Nguyễn Dư ở Lyon (2009), đèn Hoa Kỳ do cửa hàng có tên là Hoa Kỳ nằm trên phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) sản xuất. Hiệu này chuyên sản xuất đồ khảm xà cừ và đèn sắt tây do người Việt tự làm.

Dân Hà Nội gọi đèn của hiệu Hoa Kỳ là đèn Hoa Kỳ, nhầm với tên nước Hoa Kỳ.

Hãng dầu của Pháp (đầu thế kỉ 20) và của Mỹ (khoảng 1930) mua đèn Hoa Kỳ tặng khách hàng mua dầu.

Nếu thương hiệu đèn Hoa Kỳ mà do người Việt sản xuất nhưng do dân ta nhầm lẫn tên gọi thì món quà biểu tượng có đôi điều cần xét lại.

Tuy thế, với ông Trump thì biểu tượng nào ra tiền là quan trọng nhất. “Thông điệp ngàn năm” hay “Phi công bị bắt giơ tay lên trời” chả có nghĩa gì vì ông từng chê John McCain, một người bị bắt làm tù binh không có gì đáng khen.

Ông từng khen Trung Quốc vì bảo dân nước này mua nhiều nhà đất của ông bên Mỹ. Có tiền là vui rồi.

Ông ta ngắm nước Nga thèm thuồng vì mỏ dầu, tài nguyên thiên nhiên. Sang Arab Saudi cũng thế, hợp đồng vũ khí, dầu hỏa, trị giá mấy trăm tỷ đô là dân Mỹ bầu ông thêm nhiệm kỳ. Lý thuyết thì mầu xám, cây đời mầu xanh.

Người Mỹ thực tiễn hơn chúng ta đi theo ý thức hệ. Thấy có tiền là họ vui. Cái đèn dầu Hoa Kỳ mang tính triết lý “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” khá đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Việc anh, anh làm, việc tôi, tôi làm, đừng chõ mũi vào nhau.

Ông Ngoại trưởng Tilerson, từng làm chủ tịch hãng Exxon Mobil của Mỹ và hãng này đang có những hợp đồng hàng tỷ đô với Việt Nam để khai thác dầu ở biển Đông làm Trung Quốc tức giận, thì có thể hiểu biểu tượng đèn dầu Hoa Kỳ có giá trị riêng.

Bao thế hệ Việt từng học dưới ngọn đèn leo lắt trong nhà tranh vách đất, muỗi bọ và chuột chạy tứ tung trong cái nóng kinh người hay lạnh thấu xương, bụng đói, mắt mờ, còn Hoa Kỳ ở đâu đó rất xa.

Hôm nay hội nhập, họ sang Mỹ như cơm bữa, phát hiện đèn Hoa Kỳ không phải do Hoa Kỳ sản xuất, thì cũng chẳng là vấn đề lớn.

Quan trọng là làm ăn, hai bên cùng có lợi, dân hai nước có công ăn việc làm, có của ăn của để, sang chơi thăm viếng nhau, thì cái đèn Hoa Kỳ là biểu tượng đẹp. 4 tốt, 16 chữ vàng nhưng coi nhau như mẻ, hơi tý là dọa nạt nhau, chỉ là chót lưỡi đầu môi.

Hy vọng món quà sẽ đến tay TT Trump trong Nhà Trắng, dù ông ấy chả hiểu ý nghĩa gì, nhưng nếu biết sau sự lập lòe của ngọn đèn dầu là ánh kim đô la, chắc Trump sẽ vui thôi.

Còn thăm viếng, tặng quà, 500 doanh nhân đi theo, mà không ra tiền, thì như thơ Nguyễn Hoa đau đớn cảnh thất tình.

Chả là những năm 1970, có nhà thơ làng Nguyễn Hoa Kỳ gửi bài thơ đến báo Văn Nghê. Tòa soạn thấy hay, nhưng tên Hoa Kỳ nghe chướng, vì đó là kẻ thù không đợi trời chung. Các tên Anh, Mỹ, Pháp dễ bị soi trong lý lịch.

Báo Văn Nghệ cắt “mother” cái tên “Kỳ” cho đỡ thù địch, từ đó anh có tên là Nguyễn Hoa.

“Thi nhân một bài” có vài câu mà cụ Nguyễn Trọng Tạo gọi là thần thơ. Chỉ có vài ngắt quãng mà làm nên một tên Nguyễn Hoa trong làng thi ca.

“Em là muối// Ướp nỗi đau// Tươi mãi”

Quan hệ hai nước ra tiền của, thì dân vui, nhưng chả mang lại gì ngoài những chuyện viển vông thì quá khứ chiến tranh còn “ướp nỗi đau tươi mãi” như thơ Nguyễn Hoa…Kỳ, có khác gì đèn Hoa Kỳ leo lét trong gió bão biển Đông.

Chúc TT Phúc vào Nhà Trắng vui với ngọn đèn Hoa Kỳ do triết lý Việt soi sáng dẫn đường.

Hiệu Minh. 31-5-2017

(Blog Hiệu Minh)

Thủ tướng Việt Nam nhờ LHQ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông; Mỹ có thể nhờ Việt Nam giúp về vấn đề Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam nhờ LHQ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres (phải) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại trụ sở LHQ ở New York hôm 30/5/2017.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres (phải) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại trụ sở LHQ ở New York hôm 30/5/2017.
 AFP photo

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại New York hôm 30 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những diễn biến gần đây tại biển Đông và kêu gọi gọi Liên Hiệp Quốc giúp giải quyết những tranh chấp tại khu vực này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC).
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã ghi nhận lời đề nghị này và đồng ý về vai trò của ngoại giao giúp phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cũng nhân dịp này Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Mỹ có thể nhờ Việt Nam giúp về vấn đề Biển Đông

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam (trái) và Đô đốc Hải quân Mỹ Michael J. Haycock bắt tay trong một buổi lễ tại Coast Guard Base Honolulu, Hawaii hôm 25/5/2017.
Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam (trái) và Đô đốc Hải quân Mỹ Michael J. Haycock bắt tay trong một buổi lễ tại Coast Guard Base Honolulu, Hawaii hôm 25/5/2017.
 AFP photo
Các chuyên gia quốc tế tại Washington DC cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ làm tăng thêm thế cho mối quan hệ giữa hai nước, chuyển dịch hơn về hướng chiến lược để đối phó với Trung Quốc.
Hãng tin CNBC của Mỹ trích lời chuyên gia Jonathan Stromseth thuộc viện nghiên cứu Brookings của Mỹ nhận định trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực và những lo ngại về việc Mỹ duy trì sức mạnh của mình ở đó, Nhà Trắng đang xích lại gần hơn với các quốc gia ở Đông Nam Á.
Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam tàu, xuồng tuần duyên. Ngoài ra các tàu Mỹ cũng thường xuyên ghé thăm Việt Nam thời gian qua. Hoa Kỳ vào năm 2015 cũng đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Chuyên gia Stromseth cho rằng những cam kết được minh chứng trên thực tế của Hoa Kỳ với khu vực sẽ củng cố thêm các điều kiện giúp cho sự hợp tác nhiều bên mang tính xây dựng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giảm cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh trong dài hạn.

Quan hệ chiến lược Mỹ-Trung và tương lai trật tự khu vực; Tập Cận Bình và vấn đề Trung Quốc

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: “Disorder Under Heaven: America and China’s Strategic Relationship,” The Economist, 22/04/2017.
Biên dịch: Phạm Nguyễn Anh Thư & Vũ Hồng Trang | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Sau bảy thập niên  quyền ở châu Á, giờ đây Mỹ phải thích ứng với một Trung Quốc ngày một lớn mạnh. Liệu chính quyền Donald Trump có làm được điều đó hay không?
Lần cuối cùng Trung Quốc tự cho là mình lớn mạnh như cách mà đất nước này tự nhận ngày nay là khi Abraham Lincoln còn làm chủ Nhà Trắng. Ở thời điểm đó, bất chấp bằng chứng ngày càng tăng về sự cướp phá của phương Tây, hoàng đế Trung Quốc vẫn bám vào niềm tin từ xa xưa rằng Trung Quốc thống trị thiên hạ, một trật tự thế giới của riêng mình. Trung Quốc chưa bao giờ có đồng minh theo cách hiểu của phương Tây, mà chỉ có các quốc gia triều cống cho mình để đổi lấy giao thương. Hoàng đế Trung Quốc đã viết cho Lincoln rằng cả Trung Quốc lẫn “các ngoại bang” tạo nên “một gia đình, không có khác biệt”.
Ngày nay, trải qua một thế kỷ rưỡi với sự chiếm đóng của đế quốc phương Tây, tình trạng lộn xộn của nền cộng hòa, sự cướp bóc của loạn sứ quân, cuộc xâm lược của Nhật Bản, cuộc nội chiến, biến động cách mạng và gần đây hơn là sự tăng trưởng kinh tế phi thường, Trung Quốc một lần nữa tự cảm nhận vị thế của một cường quốc. Nhưng lần này, Trung Quốc đã làm được điều đó trong một thế giới hoàn toàn khác: một thế giới do Mỹ dẫn dắt. Trong ba phần tư thế kỷ, Mỹ đã là thế lực bá quyền ở Đông Á, sân sau của Trung Quốc trong lịch sử.
Nhưng giờ đây, không thể phủ nhận là Trung Quốc đã trở lại. Những tòa tháp mới đã thay đổi đường chân trời ở cả những thành phố xa xôi nhất. Một mạng lưới tàu cao tốc siêu hiện đại, chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, đã thu hẹp một quốc gia có kích cỡ tương đương với một lục địa. Sức mạnh mới của Trung Quốc nằm ở sản lượng kinh tế gia tăng gấp 20 lần kể từ cuối những năm 1970, khi các nhà lãnh đạo thực dụng của nước này bắt đầu cải cách theo định hướng thị trường. Cũng trong thời gian đó, số dân Trung Quốc sống trong tình trạng nghèo cùng cực, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, đã giảm xuống còn 80 triệu người, một phần mười con số trước đây. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Hầu như không có nước nào trên thế giới không để tâm tới Trung Quốc, bất kể với tư cách là nguồn cung hàng tiêu dùng hay là nơi tiêu thụ hàng hóa cơ bản, tư liệu sản xuất và đầu tư.
Dựa trên tất cả những điểm này, Trung Quốc muốn – và xứng đáng có – một vai trò lớn hơn ở Đông Á cũng như trong trật tự toàn cầu. Mỹ phải dành chỗ cho Trung Quốc. Nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi cả trí tuệ lẫn sự cân bằng tinh tế giữa sự cứng rắn và mềm dẻo của cả hai bên. Chỉ dấu đầu tiên của những gì chúng ta mong đợi được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Donald Trump vào ngày 6 và 7 tháng 4 ở Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng sân gôn của Tổng thống Mỹ ở Florida. Dù không nhiều nội dung được thảo luận, Trump đã ca ngợi mối quan hệ song phương giữa hai nước là “nổi bật” còn Tập thì tuyên bố có “cả ngàn lý do để hoàn thiện mối quan hệ Trung-Mỹ”. Không ai đề cập tới việc Mỹ vừa phóng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của Syria, hay về việc áp đặt thuế quan sắp tới.
Bất chấp sự thân mật bề ngoài tại hội nghị thượng đỉnh, hai nước có cách nhìn rất khác nhau. Hệ thống chính trị vừa quan liêu vừa chuyên chế của Trung Quốc đã góp phần phát triển kinh tế ở nước này, nhưng lại khác xa với quan niệm của Mỹ về dân chủ. Giới hoạch định chính sách Mỹ vẫn luôn coi các giá trị dân chủ tự do và sự chú trọng vào nhân quyền là những nhân tố giúp chính danh hóa và củng cố trật tự thế giới. Còn giới hoạch định chính sách Trung Quốc lại xem đó là âm mưu của phương Tây nhằm thúc đẩy kiểu cách mạng màu từng lật đổ các chế độ chuyên chế Xô-viết cũ, và có thể sẽ cố gắng làm điều tương tự với Trung Quốc.
Các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng các lực lượng quân đội đang nhanh chóng hiện đại hóa của đất nước là thiết yếu đối với việc bảo vệ tuyến đường biển vốn là nền tảng của sự phồn thịnh và an ninh quốc gia. Họ cho rằng một lực lượng hải quân mạnh là cần thiết để kiềm chế các đối thủ tiềm năng khỏi bờ cõi và ngăn chặn họ chiếm đoạt các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng. Họ cũng ngờ rằng sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trái lại, các chiến lược gia Mỹ cho rằng họ buộc phải có mặt trong khu vực bởi sức mạnh cứng của Trung Quốc đang khiến các bạn bè của Mỹ tại Đông Á và Đông Nam Á lo ngại. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã thách thức Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (mà người Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát và tiến hành các công trình xây dựng dày đặc để dựng căn cứ và đường băng trên các đảo đá và rặng san hô đang tranh chấp ở Biển Đông. Các chiến lược gia Mỹ nghi ngờ Trung Quốc muốn biến vùng biển rộng lớn này thành cái hồ của mình; và nói rộng hơn là tìm cách thống trị khu vực Đông Á và đảo lộn trật tự hiện thời.
Một tình huống tiến thoái lưỡng nan
Mỹ từ lâu đã tìm cách ngăn cản bất cứ cường quốc nào nắm bá quyền ở châu Á, trong khi Trung Quốc lại muốn kiềm chế các đối thủ tiềm năng ra khỏi bờ biển của họ. Bằng cách nào đó, hai nước phải tìm cách đáp ứng các mục tiêu chủ đạo của nhau, như Henry Kissinger đã giải thích trong cuốn sách kinh điển của ông về nghệ thuật quản lý nhà nước, World Order (Trật tự thế giới). Hòa bình tùy thuộc vào kết quả này.
Nền hòa bình đó không thể xem là điều hiển nhiên. Trong phần lớn Đông Á, lịch sử vẫn chưa ngã ngũ. Đài Loan, nơi phe theo chủ nghĩa dân tộc chạy trốn sau thất bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949, là một nền dân chủ hòa bình và đang lớn mạnh. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi sứ mệnh thiêng liêng của họ là đưa Đài Loan trở lại đúng khuôn nếp của mẫu quốc, và bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để làm điều này. Sự giám hộ của Mỹ đối với hòn đảo này chính là để đảm bảo Trung Quốc không dám làm điều đó. Nhưng khi Trung Quốc phát triển và cam kết của Mỹ có vẻ dần suy yếu, khả năng sai lệch trong tính toán cũng có thể tăng lên. Ít lâu sau khi đắc cử, Trump dường như thậm chí còn nghi ngờ sự ủng hộ của Mỹ với “chính sách một Trung Quốc” – Trung Quốc luôn một mực khẳng định Đài Loan là một phần của nước này.
Một điểm nóng sắp tới có nguy cơ bùng nổ trong khu vực là bán đảo Triều Tiên, vốn bị chia cắt từ cuối Thế chiến II. Bắc Triều Tiên, dưới sự thống trị của một gia đình mafia đến bây giờ đã là thế hệ thứ ba, có nền kinh tế suy sụp và một lực lượng quân đội được đào tạo kém. Nhưng nước này đã đổ tiền vào các chương trình hạt nhân, đe dọa Hàn Quốc, khiến Nhật Bản lo lắng, và chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đặt ra một mối đe dọa đối với Mỹ. Bắc Triều Tiên chọc giận các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại thấy cần phải thể hiện sự đoàn kết với một đồng minh cũ để chống lại Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu do Bắc Triều Tiên khơi mào năm 1950. Trung Quốc thà có một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân dưới quyền Kim Jong Un còn hơn một nhà nước thất bại đẩy hàng triệu người tị nạn tuyệt vọng vượt biên sang Trung Quốc. Điều khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả là viễn cảnh một Triều Tiên dân chủ, thống nhất với quân đội Mỹ kế bên. Ở Mar-a-Lago, Trump đã hỏi Tập về những ý tưởng đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, nhưng vụ phóng tên lửa của Mỹ vào Syria đã cho thấy rõ ràng Mỹ có thể tự mình đối đầu với Bắc Triều Tiên. Xử lý thái độ hiếu chiến của Kim – và sự sụp đổ cuối cùng của chế độ – sẽ là một phép thử lớn đối với sự hợp tác của hai cường quốc này.
Tuy vậy, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là tất yếu. Cả hai đều muốn tránh điều đó và do đó có thể điều chỉnh. Truyền thống hợp tác của hai nước ngày một củng cố qua bốn thập niên Trung Quốc cải cách thị trường cũng giúp ích phần nào và điều này khó có thể thực hiện được nếu không có sự bảo đảm an ninh của Mỹ đối với môi trường bên ngoài Trung Quốc. Hợp tác Mỹ-Trung cũng là mối quan hệ kinh tế song phương quan trọng nhất trên thế giới ngày nay, với kim ngạch thương mại hàng năm lên tới 600 tỷ đô la Mỹ và tổng đầu tư của hai nước vào nền kinh tế của nhau xấp xỉ 350 tỷ đô la Mỹ.
Trung Quốc không hăng hái truyền bá tư tưởng hay xuất khẩu cách mạng, hay có bất cứ lo lắng nào về ý thức hệ đối với trật tự hiện nay, và chính điều này khiến Trung Quốc bực bội bởi nước này không có tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành trật tự này. Đảm bảo một vai trò lớn hơn của Trung Quốc có lẽ là sứ mệnh chính của Tập, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc kể từ năm 2012. Tập đã tích lũy thêm quyền lực cho bản thân, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình, và bây giờ đang cẩn trọng đưa ra một mô hình lãnh đạo toàn cầu lớn hơn mà các lý thuyết gia của đảng đang bắt đầu gọi là “giải pháp Trung Quốc”. Một mặt, điều này liên quan tới những vấn đề thiết thực như đầu tư vào Trung Á để giảm đói nghèo. Mặt khác, mô hình này thách thức sự thống trị của Mỹ. Như Tập phát biểu trong một hội nghị hồi tháng 2, Trung Quốc nên “dẫn dắt an ninh quốc tế” hướng tới một “trật tự thế giới mới đúng mực và duy lý hơn”. Kiểu phát ngôn này gợi nhớ tới những phẩm chất của đế quốc Trung Hoa xa xưa. Nhưng cho dù trước đây từng thống trị cả thiên hạ thì giờ đây Trung Quốc sẽ phải chấp nhận đơn thuần nó chỉ là một siêu cường trong những siêu cường khác. Về phần mình, Mỹ chưa bao giờ nhường lại nhiều ảnh hưởng và quyền lực như nó có thể sẽ phải làm với Trung Quốc trong tương lai.
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng lại càng trở nên đáng ngại hơn khi Trump đắc cử Tổng thống. Trong bảy thập niên, đại chiến lược của Mỹ vẫn dựa vào ba trụ cột: thương mại rộng mở, liên minh mạnh mẽ, và thúc đẩy các giá trị nhân quyền và dân chủ. Các bạn bè của Mỹ ở châu Á chưa rõ mức độ sẵn sàng gìn giữ ba trụ cột này của Trump, nếu xét tới sự khinh thị của ông đối với quá trình ngoại giao, tính cách đặc thù của một người theo chủ nghĩa bảo hộ và một định nghĩa hẹp hòi “nước Mỹ trên hết” về lợi ích quốc gia. Theo Michale Fullilove, Viện trưởng Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách ở Sydney, Trump là “một người không tin vào trật tự tự do toàn cầu và hoài nghi về các liên minh. Và ông ta phải lòng các nhà chuyên chế.”
Chiến thắng của Trump là một cú sốc lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ không ưa sự khó đoán và có lẽ thích Hillary Clinton hơn, con người ghê gớm mà họ biết. Điều này cũng diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho Trung Quốc. Tập đang tập trung cho Đại hội Đảng Cộng sản năm năm một lần vô cùng quan trọng vào cuối năm nay. Tập có vẻ ra sức củng cố quyền lực trong bối cảnh bong bóng tín dụng đáng lo ngại và tăng trưởng kinh tế chậm lại đột ngột từ mức đỉnh 10% một năm xuống còn 6,5%.
Đa phần Trung Quốc che dấu sự lo ngại về Trump đằng sau sự thận trọng có tính toán kỹ lưỡng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói với Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia và là người am tường về Trung Quốc, trích dẫn một trong vô số câu thành ngữ tiếng Trung: “Dĩ bất biến ứng vạn biến.” Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã quyết định sẽ chờ đợi và xem xét tình hình. Nhưng ở hậu trường, họ vẫn luôn cố gắng nỗ lực để gây ảnh hưởng lên Trump, làm việc chủ yếu qua Jared Kushner, con rể của Trump, một nhà đầu tư bất động sản có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc.
Người Trung Quốc cũng nhanh chóng hiểu ra phương thức giao dịch của tân tổng thống Mỹ nên đã cử Jack Ma, ông chủ Alibaba, một người khổng lồ trong ngành thương mại điện tử, tới gặp Trump. Jack Ma cam kết công ty của mình có thể tạo ra một triệu việc làm tại Mỹ. Ngay sau đó các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu để bảo vệ thương hiệu Trump tại Trung Quốc vốn chờ đợi mòn mỏi ở các tòa án của nước này trong nhiều năm bỗng lập tức được cấp phép. Nguyên nhân và hệ quả vốn không thể tách rời, nhưng Trump chắc chắn đã hạ giọng so với luận điệu chống Trung Quốc của mình trong thời gian trước cuộc bầu cử.
Nhìn vào vực thẳm
Tuy nhiên, những bất định sâu sắc muôn thuở trong mối quan hệ hai nước vẫn còn đeo đẳng, nhất là trong lĩnh vực thương mại, điều mà suốt ba thập niên qua đã làm nền tảng cho quan hệ hai nước. Trump có vẻ không coi thương mại là một thứ đôi bên đều có lợi mà là một trò chơi có tổng bằng không, và cũng không để tâm tới hệ thống thương mại đa phương thời hậu thế chiến. Một trong những điều đầu tiên mà Trump thực hiện sau khi nhậm chức là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (mặc dù không bao gồm Trung Quốc) – một đòn giáng lớn lên vai trò kinh tế của Mỹ ở châu Á.
Nói rộng hơn, quan điểm về thế giới của một số cố vấn cho Trump xoay quanh một kỳ vọng kiểu chỉ có thiện và ác về xung đột, khẳng định rằng Trung Quốc kiên quyết cạnh tranh chiến lược với Mỹ đến mức xung đột vũ trang là không thể tránh khỏi, và lập luận rằng cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia là chi nhiều hơn cho quân đội và ít hơn cho ngoại giao. Những tiếng nói này không chi phối hoàn toàn các tranh luận nội bộ về mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc, cũng như trong lĩnh vực thương mại. Khi bản báo cáo đặc biệt này được ấn hành, một hướng tiếp cận khác đối với thương mại, xoay quanh một chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ, đang thắng thế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong chuyến công tác đầu tiên tới châu Á vào đầu tháng 2, đã kêu gọi thận trọng khi thách thức các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng vũ lực quân sự, và nhấn mạnh sự ưu tiên ngoại giao hơn là hành động quân sự khi giải quyết những khác biệt.
Mattis, một cựu tướng có năng lực toàn diện, được những nhân vật dày dặn kinh nghiệm của Washington gọi là một trong số hiếm hoi “những người trưởng thành” trong chính quyền Trump. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, nguyên là một ông chủ ngành dầu khí, cũng nằm trong số đó, mặc dù đã có nhiều câu hỏi dấy lên quanh đường lối ngoại giao châu Á của ông. Và mặc dù mọi chính quyền mới đều cần có thời gian để lấp đầy những ghế trống, những vị trí khuyết trong đội ngũ chính sách đối ngoại của Trump, đặc biệt là địa bàn châu Á, thật đáng báo động. Ngoài ra, gần như phần lớn các chuyên gia châu Á giàu kinh nghiệm của Đảng Cộng hòa, những người làm việc trong các viện nghiên cứu chính sách, các trường đại học hay trong khối tư nhân trong nhiệm kỳ của Obama, đã thề trước cuộc bầu cử rằng họ sẽ không bao giờ phục vụ dưới quyền Tổng thống Trump. Một số sau đó đã nén lòng tự ái và xích lại gần hơn với chính quyền mới, nhưng các tay chân trung thành của Trump sẽ nhớ rất dai những lời chỉ trích ông chủ của họ.
Nhiều nhà quan sát vẫn hy vọng rằng một khi chính quyền hỗn loạn bất thường này đi vào ổn định, nó sẽ quay trở lại một chính sách dựa trên bảy thập niên kinh nghiệm của Mỹ ở châu Á. Nhưng điều đó chưa thể chắc chắn. Một số thành viên chủ chốt của chính quyền vẫn giữ quan điểm mâu thuẫn về chính sách của Mỹ tại châu Á. Có lẽ điều đó phản ánh sự bất đồng lớn hơn của Mỹ về những vai trò và trách nhiệm toàn cầu. Tuy vậy, bản thân Tổng thống Trump có vẻ như không nhận thức được sự thiếu hụt một chiến lược toàn diện của Mỹ ở châu Á, và vấn đề này có thể sẽ còn dai dẳng. Một chuyên gia về châu Á của Đảng Cộng hòa từng phục vụ dưới quyền Ronald Reagan và George H.W. Bush lý giải rằng “Tôi không thấy được sự tiếp thu của Trump. Vì thế tôi không mong đợi điều gì tốt đẹp hơn.”
Giữa tất cả những sự bất định về chính sách của Trump ở châu Á, hai rủi ro chính đối với khu vực này lại có vẻ gần như mâu thuẫn. Thứ nhất, sau tuần trăng mật dạo đầu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lập trường ngày càng hung hăng của chính quyền Mỹ mới đã khiến Trung Quốc nổi giận trong khi không thể trấn an các bạn bè của Mỹ ở châu Á. Thứ hai là chính sách của Mỹ ở châu Á đang trở nên hời hợt và tách rời, một lần nữa khiến các bạn bè châu Á của Mỹ lo lắng và có lẽ còn khiến Trung Quốc bạo gan hơn. Những hệ quả trong cả hai trường hợp có thể là như nhau – các động lực quyền lực đang thay đổi đòi hỏi sự điều chỉnh nhanh chóng, và có nguy cơ gây bất ổn và thậm chí là hỗn loạn trong khu vực. Chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị sẵn sàng cho tình cảnh thiên hạ đại loạn.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/06/01/quan-chien-luoc-trung-va-tuong-lai-trat-tu-khu-vuc/#sthash.SQLduMAM.dpuf



Nói về tài năng Tập Cận Bình có tài không? Dù không thích ông ta đi chăng nữa chúng ta cần phải thừa nhận ông ta là một con người có trí tuệ hơn người. Ông ta am hiểu Hán Văn lẫn triết học. Cũng không có gì là quá đáng khi nói Tập Cận Bình còn tài hoa hơn những nhà lãnh đạo phương Tây.

Xi_2337986b

Tuy nhiên tại sao Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Hoa của ông thực sự là một thảm họa?

Có tài năng nhưng những người cộng sản vẫn mang bản chất của kẻ độc tài. Ông ta cho rằng mình có thể quyết định thay một dân tộc, cái đầu ông ta có thể nghĩ thay cái đầu của cả một dân tộc. Tập Cận Bình phủ nhận gần như trắng trợn những giá trị của dân chủ.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, Tập Cận Bình nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ nọ nhưng không nhận thức được rằng tham nhũng là một hệ quả tất yếu của chế độ độc tài. Tất cả những kẻ độc tài đều ham quyền lực và tiền bạc (trong đó có chính ông). Vậy một mình không làm sao có thể ngăn cản được điều tất yếu đó.

Kinh tế Trung quốc đi lên từ sự dối trá, môi trường ô nhiễm nặng nề. Đó là hệ quả của tham vọng bá quyền, ước mơ muốn trở thành ông lớn của thế giới khi anh chưa đủ thực lực. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, hiện nay là nền kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng năng suất đầu người và mức sống con người vẫn dưới mức trung bình thế giới. Số tiền cần bỏ ra để khắc phục vấn đề môi trường là khổng lồ và sự mất mát đó còn lớn hơn những gì Trung Quốc đã đạt được. Đó là chưa kể nhiều vấn đề khác như thị trường chứng khoán, nợ công,.. cũng đang trở thành vấn đề lớn với nước này. Nói chung, chỉ xét riêng về mặt kinh tế vĩ mô thôi Trung Quốc sẽ phải trả giá trong tương lai gần.

Còn về phía Tập Cận Bình và ĐCSTQ như đã đề cập ở trên: Một cái đầu dù lớn đến đâu cũng không thể suy nghĩ thay cho cả một dân tộc. Trung Quốc đang trên đà vươn lên nhưng cũng cận kề với một cuộc khủng hoảng không lối thoát. Để giải quyết nan đề này, con đường duy nhất của Trung Quốc là dân chủ đa nguyên.

Chu Tuấn Anh


(FB  Chu Tuấn Anh)