Phạm Viết Đào.
Trao đổi với TS Vũ Ngọc Hoàng ( VNH )-Nguyên
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TW về các ý kiến được nêu của ông
trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ số ra ngày 22/2/2015: “Quyền lực là của dân…”
( Bài viết viết năm 2015 bây giờ
mới công bố)
Khi ông VNH
đặt vấn đề “Quyền lực phải thuộc về nhân dân” trong bài trả lời phỏng vấn báo
Tuổi trẻ, tức là ông đã đụng chạm đến
một vấn
đề thuộc về thuộc thượng tầng kiến trúc, là cái cốt lõi, hạt nhân thuộc “ phần mềm “ của hệ điều hành quản trị
kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước.
Chúng tôi xin bắt đầu với các ý kiến
khởi đầu của ông VNH, ông đã phân tích cái thực trạng hạn chế, ách tắc của cái “
phần mềm” quản trị kinh tế-văn hoá hiện
tại của đất nước. Ông VNH nhận định:
“Cần phải nhìn rõ vào thực tế hiện nay: năng suất lao động thuộc
hạng thấp nhất, nợ công nhiều, nợ xấu cũng nhiều, công nghiệp phụ trợ hầu như
chưa có, công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động mấy năm
nay rất nhiều, nền kinh tế ở tình trạng rất khó khăn, đang rơi vào bẫy thu nhập
trung bình mà trên thế giới có nước đã mất gần 50 năm không thể thoát ra
được.
Đáng ra, nếu chúng ta
phát triển đúng hướng, đúng cách, nếu làm giỏi thật sự thì hôm nay, 40 năm sau
ngày thống nhất chúng ta đã có thể khá lắm rồi, thậm chí đã cơ bản trở thành
nước công nghiệp hóa và vượt qua thu nhập trung bình có thu nhập cao.”
Để khắc phục sự tụt hậu, suy giảm, ách tắc, trục trặc kể trên về
kinh tế, ông VNH đặt vấn đề vai trò của động lực văn hoá:
“Con
người có văn hóa cao, đất nước không lo gì không phát triển. Cần phải tiếp tục
vun trồng và phát huy tối đa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc để tiến lên,
theo kịp thiên hạ…”
Người viết bài này cho rằng: nhận định, đánh giá, phân tích
trên đây của ông VNH là thấu đáo,có cơ sở và biện chứng; Xuất phát từ cách nhìn
nhận và mặc định vấn đề như trên ông VNH tiếp tục chỉ ra hệ quả “đôminô” của tác nhân kinh tế ảnh hướng
tới môi trường xã hội, đạo đức, lối sống thuộc phàm trù văn hoá:“Đạo đức xã hội đang xuống cấp, có những mặt
xuống cấp trầm trọng, đáng báo động, ở cả những khu vực đáng lẽ ra phải thật sự
trong sạch: nơi cứu người, nơi dạy người, nơi tạo ra các giá trị nhân văn, nơi
nắm cán cân công lý, nơi thờ tự tâm linh, trong tham mưu chiến lược, trong công
tác cán bộ… Việc thoái hóa đạo đức, tham nhũng diễn ra ở cả các cán bộ, đảng
viên lãnh đạo quản lý trung cao cấp. Trước đây, nhìn nhận vấn đề này, trong các
văn bản của Đảng và Nhà nước dùng từ “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó tới “một
bộ phận”, và bây giờ là “một bộ phận không nhỏ”. Như thế tức là tình trạng tiêu
cực này cứ phát triển tăng dần, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương về
phòng chống…”
Qua những ý kiến trên đây của ông VNH, chúng ta thấy ông đã
chẩn đúng phần nào cái căn bệnh; ông đã bắt đúng mạch nguồn nguyên nhân dẫn tới
sự trục trặc của cái “phần mềm” quản
trị kinh tế-văn hoá-xã hội của hệ điều hành hiện hữu.
Về phương diện thuần tuý kỹ thuật thì: Mỗi khi máy tính của
ai đó được cài đặt bởi 1 phần mềm quản trị bị lỗi thì tất yếu phải cài đặt lại
bằng một phần mềm mới khác, không thể chắp vá ...
Đó là cách mà kỹ thuật viên tin học vẫn thường làm: xoá đi
toàn bộ Windows và cài đặt phần mềm mới thì mới khắc phục triệt để những trục
trặc do lỗi phần mềm hay do virus phát sinh, phát tán trong quá trình sử dụng…
Ông VNH khẳng định tiếp nguyên nhân dẫn tới những trục trặc,
bộ máy vận hành bị ách tắc do bởi sự hạn chế của cái mặt tiêu cực của cái “ phần mềm’ quản trị hiện hữu: “Khi quyền lực được giao vào tay người có
nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân, đất nước.
Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những người nắm giữ nó mà chưa đủ bản
lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa. Quyền lực có thể làm tha hóa con
người rất nhanh và gây hại lớn.
Vậy nên, quyền lực phải
được kiểm soát. Trước hết là kiểm soát từ việc chọn và sử dụng người. Tìm được
người “đức trọng” thì mới giao “quyền cao”, nếu đức 10 chỉ nên giao quyền cỡ 6,
7 phần thôi, giao tới 20, 30 là hỏng cả. Bây giờ, tôi thấy nhiều người nói lệch
thành “chức trọng quyền cao”, tức là trọng chức hơn trọng nhân cách…”
Có thể nói ông VNH đã mổ xẻ, đưa ra những nhận định phân tích
thực chứng- không né tránh về nguyên nhân của sự bùng nhùng, suy thoái, biến
chất, “nhiễm virus” kể trên của cái phần mềm của hệ điều hành hiện hữu.”Về khách quan, phải có cơ chế để quyền lực
được kiểm soát bằng pháp luật, bằng giám sát của toàn dân. Mấy mươi năm qua,
phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về mặt kiểm soát
quyền lực…”
Ông VNH đã rút ra kết luận:”Đi
tìm hiểu các nước Bắc Âu, tôi thấy xã hội của họ có những mặt mang tính chất xã
hội chủ nghĩa hơn nước ta hiện nay. Trong tư duy của tôi, phải thật sự tốt đẹp
mới là xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa phải là: Quyền lực là của dân; nhà
nước bảo vệ và phục vụ nhân dân; kinh tế thị trường phát triển lành mạnh: người
dân có thu nhập cao và phân hóa giàu nghèo ít nhất; có một nền văn hóa giàu
tính nhân văn, con người sống hạnh phúc với lòng nhân ái, khoan dung; tính chất
xã hội hóa ngày càng cao, các tổ chức dân sự lành mạnh có vai trò đồng hành
cùng nhà nước trong việc tổ chức cuộc sống. Trong xã hội ấy, quyền con người,
tự do và sự phát triển của con người là yêu cầu bậc nhất. Chúng ta không thể
chỉ hô khẩu hiệu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” cho nhiều là có xã hội chủ nghĩa
mà phải xây dựng nó một cách thực chất…”
Xuất phát từ nhận định, phân tích đi đến đúc kết, kết luận,
ông Vũ Ngọc Hoàng đặt ra giải pháp, bài thuốc đặc trị hay đúng hơn đề bài cho
cái phần mềm quản trị cần thiết phải viết lại ấy: “Chúng ta cần đẩy mạnh
tiến trình dân chủ nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, cần phấn đấu để có những chủ
trương, quyết sách cụ thể về vấn đề này;”
“Phải tiếp tục giải quyết các vấn đề về dân chủ, tạo
điều kiện, cơ chế, cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin để người dân có thể
giám sát những công việc của Nhà nước làm; chính sách bình đẳng giữa các thành
phần kinh tế, tránh hình thành những “nhóm lợi ích” có thể sử dụng quyền lực và
phương tiện được giao để làm lợi cho mình…”
Thưa ông VNH, nếu ông chỉ đưa ra
chừng ấy yêu cầu cho việc thiết kế lại cái phần mềm quản trị thì theo người
viết bài này là vẫn chưa đủ, chưa toàn diện và do vậy cái hệ điều hành tiếp tục
vận hành sẽ ọc ạch do cọc cạch trong việc cập nhật dữ liệu…
Cái “phần mềm”
mà ông Vũ Ngọc Hoàng đề nghị phải lập trình lại “ quyền lực phải là của nhân
dân “ là “không tương thích” với hệ điều hạnh hiện hữu ở ổ máy cái của xã hội
Việt Nam. Bởi vì một đất nước chỉ có thể có một lực lượng chính trị nào đó làm
chủ, nếu có hai trở lên thì tất yếu sẽ loạn; Cha ông chẳng đã đúc kết: Lắm thầy
rầy ma…
Xin ông VNH đọc kỹ lại Điều 4 Hiến pháp:
” 1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai
cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc
Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết
với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm
trước Nhân dân về những quyết định của mình…”
Như vậy, cái quyền lực chính trị,
hạt nhân chi phối toàn bộ cái “phần mềm” quản
trị xã hội là Đảng cộng sản chứ không phải là nhân dân hay của nhân dân; nói
nôm na: hạt nhân của cái quyền quản trị xã hội thuộc về Đảng CS chứ không thuộc
về nhân dân như cách ông đặt vấn đề: “Quyền
lực phải thuộc về nhân dân”.
Việc ông VNH đặt vấn đề Quyền lực
thuộc về nhân dân đó chỉ có thể vận hành được bởi một hệ điều hành khác; Do đó,
rất có khả năng dẫn tới lạc đề, trở nên ngớ ngẩn như triết gia Trần Đức Thảo,nếu
căn cứ vào ý kiến của ông VNH viết lại
phần mềm quản trị xã hội cho hệ điều hành hiện hữu đã được mặc định trong Điều
4 Hiến pháp 2013 theo đề bài do ông VNH đặt ra…
Nghiên cứu kỹ Điều 4 Hiến pháp 2013
không thể hiểu, diễn giải theo lối tam đoạn luận: Đảng là lực lượng nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội; mà Đảng thoát
thai từ nhân dân có nghĩa quyền đó thuộc về nhân dân?
Diễn giải như thế là ngụy trá, là
bịp bợm…Quyền đi đôi với điều kiện để thực thi quyền lực, không có công cụ,
phương tiện nói cách khác không có có lợi khí trong tay thì làm sao thực thi
được quyền, làm sao người khác chịu dưới quyền.
Nhân dân làm sao giữ được quyền,
thực thi được quyền, bảo vệ được quyền khi lực lượng vũ trang nằm trong tay
Đảng và không chia sẽ với bất cứ lực lược chính trị nào ?
Ông Hồ Chí Minh trong di chúc cũng
đã viết: “Đảng ta là đảng cầm quyền”…
chứ có viết Đảng phải từng bước trao quyền cho nhân dân đâu ? Do đó mệnh đề, đề
bài mà ông VNH đặt ra là một mệnh đề sái, là nói ngược?
Khi con người
ta muốn làm chủ một công việc gì đó thì phải có công cụ, phương tiện; làm sao
người dân có thể tiệm cận được quyền lực hơn nữa lại là quyền lực quản trị nhà
nước khi trong tay không tấc sắt, ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước; Còn
quân đội lấy trung với đảng làm đầu; Công an thì còn đảng còn mình ?
Ông VNH dẫn lời của ông Hồ Chí Minh:”Bác Hồ nói: Dân chủ là người dân được mở
miệng. Tất cả những điều Bác mong muốn đều là những quy luật khách quan của
cuộc sống mà xã hội ta nhất định phải đi tới và đạt được…”
Xịn hỏi làm sao dân có thể mở miệng
khi Điều luật 258: Lợi dụng quyền Tự do-Dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của
nhà nước, tổ chức cá nhân; Điều 88: Tội tuyên truyền chống nhà nước được quy
định trong Bộ Luật Hình sự là những điều xác định những tội danh liên quan đến
chuyện mở miệng của người dân được quy định rất mơ hồ, mông lung nhưng hình
phạt lại rất nặng, ai cũng có thể bị bắt, bị khép tội do mở miệng…
Khi người dân bị khép tội thì hệ
thống cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát, toà án đều là chân rết của
Đảng, dưới quyền lãnh đạo của Đảng thì thử hỏi làm sao người dân đủ khả năng,
phương tiện để mà bảo vệ, tự vệ cái quyền “ mở miệng “ của mình không bị khép
tội oan sai, không bị tù tội ?
Ở bất cứ thể chế chính trị nào thì
người dân vẫn là người dân, vẫn là người bị cai trị kể cả ở các quốc gia được
coi là dân chủ và có hệ thống luật pháp văn minh, dân chủ, nhân văn nhất…
Có điều, để giúp người dân có quyền
tự vệ cái quyền của kẻ làm thảo dân, quyền của người bị cai trị ấy thì luật
pháp tạo ra được một thiết chế như ông VNH đặt ra mà theo người viết bài này đó là một
mệnh đề, một bài toán khó tìm ra đáp án tương thích:”- Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này. Sửa chữa phải từ trên
xuống. Tôi thấy điểm mấu chốt là cần có cơ chế để hạn chế tác hại mặt trái của
cơ chế quyền lực và mặt trái của cơ chế thị trường như hai con ngựa chứng, đòi
hỏi phải nâng cao năng lực cầm cương…”
Hiện nay, vấn đề theo người viết bài này sở dĩ tồn tại những
mặt trái của của cơ chế quyền lực của Việt nam hiện tại là do bởi chúng được
phát sinh ra ngày từ hệ điều hành hiện hữu ?
Dùng cơ chế để điều chỉnh cơ chế chứ không dựa vào năng lực
cầm cương của người vận hành cơ chế để điều chỉnh cơ chế, thể chế; Khi ai đó
thiết kế ra một cỗ máy mà động cơ của nó không tạo ra cơ năng đạt hiệu quả mong
muốn thì phái thiết kế lại, điều chỉnh chứ không dung ý chí chủ quan, năng lực
chủ quan của con người can thiệp vào, khắc phục hạn chế của nó…Khi con người cứ
áp đặt ý chí chủ quan vào thì sẽ phá hỏng máy, hoặc anh sẽ bị cái cỗ máy gây
sát thương, hoặc gây tử thương cho anh…
Đó chính là hệ lụy, hậu quả của lối tư duy, những giải pháp
tình thế do ông Vũ Ngọc Hoàng thiết kế trong những công trình nghiên cứu đề cập
tới các vấn đề liên quan tới cơ chế và thể chế của cái hệ điều hành quản trị
không giống ai của Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh về cái chết của Thương Ưởng, Nguyễn
Trãi là do bởi những vĩ nhân này đã can dự, can thiệp vào sự sự vận hành của
cái hệ điều hành của một cỗ máy do chính họ tham gia chế tạo ra nó và cả 2 đều
đã bị tử thương…Do đó, điều mà ông VNH nêu ra “ nâng cao năng lực cầm cương…” là một đòi hỏi duy ý chí, phi thực
tiễn, phi cơ giới…
“Khi
quyền lực được giao vào tay người có nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử
dụng để phục vụ nhân dân, đất nước. Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những
người nắm giữ nó mà chưa đủ bản lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa.
Quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh và gây hại lớn.”
Qua ý kiến này của ông VNH cho thấy ông vẫn là kẻ nằm mơ giữa
ban ngày hay giống như những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết về Trường
Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. VNH chỉ mới nhìn thấy bề nổi của tảng băng chìm
của cái cơ chế, cái thể chế: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quan lý…VNH
giống với kẻ chỉ thấy cây mà không thấy rừng…Cũng có thể VNH hoặc thấy nhưng
ông lảng tránh vì ông không đủ ý chí, kiến thức và quyền lực khả dĩ tìm ra được
lối băng qua rừng theo cách của một thi sĩ cách nói mà Phạm Tiến Duật viết về
những cuộc băng rừng Trường Sơn thời chống Mỹ: Đường ra trận mùa này đẹp lắm; Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi;
Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi…
Có thể có một cá nhân
nào đó xuất chúng can thiệp làm thay đổi được cái bề nổi nhất thời đó như
Putin, như Đặng Tiểu Bình, như Tập Cận Bình nhưng rồi cái “núi băng chìm” đó
lại mọc đùn lên những ngọn núi băng khác…
“Về khách quan, phải có
cơ chế để quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật, bằng giám sát của toàn dân.
Mấy mươi năm qua, phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về
mặt kiểm soát quyền lực…” Điều này thì ông VNH nhìn nhận đúng, nhìn nhận ra
vấn đề và như trẻ con nói: Nói như đúng rồi…
Qua một số bài viết thấy ông VNH là một con người giàu suy
nghĩ, thế nhưng ông vẫn là con người, là sản phẩm của hệ thống đẻ ra ông, dung
dưỡng ông, mang lại bổng lộc cho ông. Ông chưa phải là nạn nhân của cái cơ chế,
thế chế đã đẩy người ta xuống đay…Do vậy mà các sáng kiến, giải pháp của ông
nếu không rơi vào tình cảnh “ nói dzậy mà
không phải dzậy “ thì ông cũng chỉ là “kẻ
bẻ gậy chống trời” cho vui vậy thôi…
Những bài nghiên cứu của ông VNH, nhưng công trình của một
trong số ít những quan chức tuyên giáo có ít nhiều vốn hiểu biết về triết mỹ và
cập nhật được ít nhiều các kiến thức đời sống; thế nhưng những dư vị của những
bài viết, luận giải của VNH để lại cũng giống như bài ca dao xưa viết hành vi
đốt rơm của người nông dân:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán bảo đứa nào đốt rơm…
Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định là thiết kế và xây dựng
một thể chế nhà nước của dân, do dân và vì dân; chữ Nhân dân được viết hoa như
ông nói thì cá nhân người viết bài này nhận thấy một số điểm cốt tử lại là
những bước lùi so với Hiến pháp 1993 và Hiến pháp 1946 ? Tại sao vậy?
Xin ví dụ: Hiến pháp 1946 quy định đất đai thuộc quyền tư
hữu, quyền này được xác định tới Hiến pháp 1959 thế nhưng đến Hiến pháp 1993 và
rồi Hiến pháp 2013 đã truất phế cái quyền rất lớn, của 99 % người dân ? Tại sao
lại có sự lùi bước đó, và sự lùi này đã mang lợi hay mang hại gì cho người dân
trong việc duy tư quyền cụ thể này ?
Hiến pháp 1993 quy đinh: Người dân được quyền xây dựng nhà ở
phù hợp với quy hoạch và các quy định pháp luật khác; Quyền này đã bị tước bỏ,
thay đổi trong Hiến pháp 2013 rút lại: Người dân có quyền có chỗ ở… Hiến pháp
nói quyền có chỗ ở nhưng không nói rõ người dân phải được ở loại nhà náo thì
đúng quy định của Hiến pháp: nhà chung cư, nhà biệt thự, nhà liền kề hay gầm
cầu, gầm đường …
Vấn đề tạo điều kiện, cơ chế để
cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin; thuộc phần sân của Ban Tuyên giáo TW;
Trong khi đó vấn đề ứng xử với phần thông tin khi đã được bạch hoá nếu các thông tin đo có vấn
đề cần uốn nắn, điều chỉnh để phù hợp với lợi ích nhà nước, nhân dân thì lại
thuộc sân của các ngành khác trong khối nội chính như công an, cảnh sát, viện
kiểm sát, toà án, thanh tra…
Tại sao ở một số nước mà hệ điều
hành quản trị xã hội lại không có phần mềm “ đảng cộng sản” mà họ lại xã hội
chủ nghĩa hơn ta ? Đây là vấn đề ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy hay cố tình không
nhìn thấy nhưng không dám với tới, chỉ ra mạch nguồn của cái phần mềm quản trị
xã hội của các nước đó…
Ở chúng ta chỉ cái việc giữ vệ sinh
môi trường, dẹp trật tự an toàn giao thông, chấm dứt bệnh nhân nằm chung giường
mà đội khi người ta còn phải hô cả hệ thống chính trị vào cuộc…
Do vậy, những
vấn đề phức tạp cao siêu của thể chế, cơ chế: mối quan hệ giữa nhân dân-bộ máy
nhà nước và đảng cầm quyền… hiện hữu vẫn ngoài tầm phủ sóng của những quan chức
có ít nhiều vốn liếng chữ nghĩa như ông Vũ Ngọc Hoàng…
Có thể các ông bị " từ trường" chi phối cũng có thể các ông cũng biết nhưng không dám nói và viết ra...
Có thể các ông bị " từ trường" chi phối cũng có thể các ông cũng biết nhưng không dám nói và viết ra...
P.V.Đ.