Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÊN TIẾNG VỀ VIỆC THU HỒI SÂN GOLF TÂN SÂN NHẤT ĐỂ LÀM SÂN BAY...LÀ KHÔNG KHẢ THI

 09/06/2017 22:37
print

Xung quanh vấn đề sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất

QĐND - Trước tình trạng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất đang ách tắc nghiêm trọng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng các phương án để mở rộng cảng hàng không này cũng như sử dụng hiệu quả quỹ đất tại đây. Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về phương án được Bộ GTVT trình Chính phủ và những công việc cấp bách sẽ triển khai trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Đề nghị Thứ trưởng cho biết phương án nào đã được Bộ GTVT lựa chọn để trình?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, chúng ta đang đối mặt với ba vấn đề chính, đó là: Quá tải nhà ga hành khách; hạn chế về năng lực khu bay và bầu trời; kết nối giao thông bị ách tắc. Tổng công suất của hai nhà ga hành khách hiện nay chỉ đạt 28 triệu lượt khách/năm, trong đó ga T1 nội địa có công suất 15 triệu lượt khách/năm, ga T2 quốc tế có công suất 13 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang phải khai thác vượt công suất thiết kế. Năm 2016 đạt 32,5 triệu lượt khách, trong đó có 20,6 triệu lượt khách nội địa (vượt 37% công suất khai thác) và gần 12 triệu lượt khách quốc tế.
 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ. 
Năng lực khu bay tại Tân Sơn Nhất hiện nay có thể đạt trung bình 36-38 chuyến/giờ, khoảng 223.500 lượt cất-hạ cánh/năm, chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 33-34 triệu lượt khách/năm. Việc khai thác khu bay hiện đã đạt tới giới hạn, nên vào giờ cao điểm, nhiều chuyến bay phải bay vòng để chờ. Giao thông tiếp cận sân bay hiện đang duy trì đồng mức và lẫn với luồng phương tiện không vào sân bay. Hiện nay, có khoảng 70% số lượng xe gắn máy và 62% số lượng xê ô tô qua nút giao thông trước nhà ga hành khách quốc tế mà không đi vào sân bay. Do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông đến tận nhà ga, đặc biệt là vào giờ cao điểm và những thời điểm có mưa. Chính vì vậy, cần thiết phải giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên. Việc làm đầu tiên là phải điều chỉnh quy hoạch, sau đó triển khai các dự án mở rộng, cải tạo cảng hàng không. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực khai thác Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch.
Trên cơ sở mục tiêu nâng công suất khai thác, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 7 phương án quy hoạch, trong đó nêu rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ đã nhiều lần nghe đơn vị tư vấn, các bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh báo cáo. Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn phương án phù hợp và Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Theo phương án Bộ GTVT trình, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng công suất 43-45 triệu lượt khách/năm. Ngoài việc nâng cấp các nhà ga hiện có (đạt tổng công suất 28 triệu lượt khách/năm), cần sửa chữa các đường cất-hạ cánh, quy hoạch bổ sung thêm một nhà ga hành khách ở phía nam của cảng với công suất khoảng 15 triệu lượt khách/năm; xây mới một đường lăn song song và tập trung mở rộng sân đỗ tàu bay để đáp ứng tổng số khoảng 80-82 vị trí đỗ. Nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường kết nối giữa cảng hàng không với hệ thống giao thông của TP Hồ Chí Minh, cũng như hệ thống thoát nước khu vực cảng với hệ thống thoát nước của thành phố.
 Phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thường trực Chính phủ lựa chọn. 
PV: Thưa Thứ trưởng, trong các phương án mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy đất sân golf gần khu vực trên để thực hiện việc mở rộng. Vậy phương án này đã được tính đến chưa?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Như tôi đã đề cập, để nâng công suất khai thác Tân Sơn Nhất lên khoảng 45 triệu lượt khách/năm thì có 7 phương án quy hoạch được đơn vị tư vấn đề xuất, trong đó có 4 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để xây dựng đường cất-hạ cánh thứ ba và các công trình phụ trợ. Các phương án này bao gồm: Phương án 1, xây dựng mới một đường cất-hạ cánh phía bắc (khu vực sân golf), cách đường cất-hạ cánh hiện hữu 1.800m và xây dựng hai nhà ga mới cùng các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 140.000 hộ dân, diện tích giải phóng mặt bằng lên tới 616ha. Phương án 2, xây dựng mới đường cất-hạ cánh số 3 về phía bắc và hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga hành khách với ba kịch bản khác nhau, gồm 2A, 2B, 2C, khác nhau chủ yếu về khoảng cách giữa đường cất-hạ cánh số 3 đến đường cất-hạ cánh hiện hữu, để giảm diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng. Các kịch bản này có tổng mức đầu tư trong khoảng 100.000-187.000 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 25.400-68.000 hộ dân, cần giải phóng mặt bằng 326-561ha. Như vậy, các phương án trên đều có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, số hộ dân phải giải tỏa nhiều nên kinh phí triển khai sẽ rất tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trong khi đó, phương án 3 (phương án được Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn), cùng mục tiêu đáp ứng năng lực khai thác 43-45 triệu lượt khách/năm lại có thời gian thực hiện quy hoạch nhanh nhất (2-3 năm), kinh phí thấp nhất (ước khoảng 16.000 tỷ đồng) và diện tích đất phải chuyển đổi là ít nhất (14,52ha), là phương án tối ưu.
PV: Công tác phối hợp giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng trong việc đầu tư, quản lý và khai thác cảng hàng không này được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là cảng hàng không dùng chung dân sự và quân sự. Trước đây, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 7,5ha cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mở rộng sân đỗ để giải quyết một phần tình trạng thiếu sân đỗ tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Bộ Quốc phòng luôn tạo điều kiện, ủng hộ, phối hợp tốt với Bộ GTVT. Vừa qua, Bộ Quốc phòng tiếp tục bàn giao 19,79ha sân đỗ quân sự để mở rộng sân đỗ phục vụ hàng không dân dụng. Hiện nay, Bộ GTVT đang giao ACV triển khai dự án xây dựng sân đỗ, đường lăn để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu sân đỗ tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cũng như tạo điều kiện thoát nhanh, tránh ách tắc cho cảng.
Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch điều chỉnh Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã nhiều lần trao đổi, rà soát hiện trạng đất để sử dụng có hiệu quả nhất đất quốc phòng cho phát triển hàng không dân dụng, giao thông kết nối... Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã làm việc, thống nhất phương án chi tiết điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 15ha đất quân sự để Bộ GTVT và UBND TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng nhà ga hành khách mới và hệ thống giao thông tiếp cận đồng bộ.
PV: Đề nghị Thứ trưởng cho biết, những dự án cấp thiết nào sẽ được triển khai để mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Bộ GTVT đang chỉ đạo ACV, các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện Dự án mở rộng sân đỗ tàu bay phía đường lăn E6. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 666 tỷ đồng, đáp ứng 8 vị trí đỗ tàu bay A320/A321, đã khởi công từ ngày 3-5-2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2019. Một dự án khác xây dựng sân đỗ với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sẽ bố trí 29 vị trí đỗ tàu bay, dự kiến khởi công tháng 9-2017, hoàn thành tháng 4-2018. UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai hai dự án, gồm dự án xây cầu vượt nối đường Trường Sơn-nhà ga hành khách-Bình Lợi và dự án cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn để cải thiện giao thông tiếp cận. Bộ GTVT đã chỉ đạo ACV xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình năm 2017-2018 theo phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để có thể triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PV: Vì sao việc mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được thực hiện đồng thời với đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng HKQT Long Thành, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Theo phương án trình Thủ tướng Chính phủ, công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khi điều chỉnh quy hoạch sẽ đạt khoảng 43-45 triệu lượt khách/năm. Đến giai đoạn 2020-2021, dự báo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ đầy tải, đạt công suất 43-45 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2025 (thời điểm Cảng HKQT Long Thành đưa vào khai thác theo nghị quyết của Quốc hội) thì Tân Sơn Nhất dự kiến đón khoảng hơn 50 triệu lượt khách/năm. Như vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là rất cần thiết, để dần chuyển tải cho hoạt động từ Tân Sơn Nhất về Long Thành, khi mà Cảng HKQT Tân Sơn Nhất không khả thi để tiếp tục mở rộng.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!  
Mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên phía bắc là không khả thi
Phát biểu trước Quốc hội vào ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: Phương án mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất về phía bắc, tức là nâng thêm công suất khoảng 25 triệu lượt khách/năm, tương đương với giai đoạn hiện nay, đã được đề xuất ở báo cáo tiền khả thi do tổ chức JICA của Nhật Bản thực hiện. Theo đó, JICA khuyến cáo, việc mở rộng theo phương án này là không khả thi. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu rất kỹ càng cùng với sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, nhưng qua đánh giá lại, việc mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên phía bắc hoàn toàn không khả thi. Có rất nhiều lý do, trong đó có chi phí giải phóng mặt bằng, khả năng ô nhiễm tiếng ồn và nhiều nguyên nhân nữa. Cuối cùng, Bộ GTVT chọn được phương án khả thi nhất, tiết kiệm nhất, đó là xây dựng thêm nhà ga T4 (về phía nam) với công suất khoảng 10-15 triệu lượt khách/năm, tức là tổng công suất đạt khoảng 43 triệu lượt khách/năm. Về đường lăn, sân đậu, chúng tôi đang quyết tâm xong trước Tết Nguyên đán tới, tức là năm 2018. Về nhà ga, với tiến độ quyết tâm năm 2019 sẽ hoàn thành. Nhưng đến khoảng năm 2022, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lại đầy công suất, không thể đảm đương được tốc độ tăng trưởng ngành hàng không hiện nay. Việc Cảng HKQT Long Thành bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2025 đúng theo dự kiến là một nhu cầu hết sức cấp bách.

Các cảng hàng không quốc tế đều cách xa trung tâm thành phố
Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), các cảng hàng không (CHK) lớn đều được quy hoạch và xây dựng cách xa thành phố để tránh làm tăng áp lực giao thông ở nội thành, bảo đảm đủ quỹ đất cho việc phát triển dài hạn thành trung tâm trung chuyển hàng không, hạn chế tiếng ồn, khí thải.
Khu vực Đông Nam Á có 3 CHK lớn phục vụ từ 50 triệu lượt khách/năm trở lên, bao gồm Cảng hàng không quốc tế  Suvarnabhumi (Băng Cốc, Thái Lan), cách Băng Cốc hơn 25km; Cảng HKQT Kuala Lumpur (Ma-lai-xi-a) cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50km; Cảng HKQT Changi (Xin-ga-po), cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Khu vực Châu Á có các Cảng HKQT lớn như Incheon (Hàn Quốc) cách trung tâm thành phố Xơ-un khoảng 70km. Sau khi sân bay Incheon đưa vào khai thác, sân bay Gimpo nằm gần thành phố Xơ-un được chuyển thành sân bay nội địa. CHKQT Narita (Nhật Bản), cách trung tâm thành phố khoảng 70-80km. Sau khi sân bay Narita đưa vào khai thác, đã chuyển dần các hoạt động bay từ sân bay Haneda nằm sát trung tâm thành phố Tô-ki-ô sang sân bay này. Việc kết nối với trung tâm thành phố được thực hiện bằng hệ thống đường cao tốc, tàu điện ngầm, bảo đảm thời gian đi lại chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng. Với các lý do trên, Bộ GTVT đã nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt 43-45 triệu lượt khách/năm và duy trì hoạt động khai thác cho đến khi có Cảng HKQT Long Thành. Sau đó, sẽ chuyển dần hoạt động bay từ Tân Sơn Nhất sang Long Thành. 

MẠNH HƯNG (thực hiện)

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xung-quanh-van-de-san-bay-long-thanh-va-san-bay-tan-son-nhat-509602

14/06/2017 07:44
print  

Xây dựng mới hay mở rộng sân bay cần phải xét đến hiệu quả và đồng bộ


QĐND Online - Những ngày qua, vấn đề mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) (TP Hồ Chí Minh) đã được các đại biểu Quốc hội và dư luận nêu lên và đặc biệt quan tâm.

 Mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất về phía nam là phương án hợp lý nhất

 Xung quanh vấn đề sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều 12-6, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ đạo một số vấn đề liên quan. Tiếp nối những bài báo đã đăng, báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trích đăng các ý kiến chuyên gia về vấn đề này.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Xây dựng Sân bay Long Thành đáp ứng yêu cầu chiến lược
Tôi đánh giá cao kết luận và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cần có tư vấn nước ngoài tham gia đánh giá khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi tiến hành mở rộng sân bay. Điều tôi quan tâm ở đây là khi thuê tư vấn nước ngoài thì họ tham gia ở mức độ nào. Theo tôi, có thể giao cho tư vấn nước ngoài nhưng với vai trò phối hợp, hợp tác với đơn vị tư vấn trong nước để đảm bảo cao nhất tính thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá và đề xuất một số phương án để lựa chọn. Chúng ta không chỉ xem việc nghiên cứu mở rộng đường băng thứ 3 là phát triển qui mô mà điều quan trọng là quan tâm đến tính khả thi. Chọn phương án nào cũng phải hướng đến tính hiệu quả, tiết kiệm kinh tế và quan trọng hơn là giải quyết được các vấn đề cấp thiết của sân bay, tăng tính kết nối đô thị, giao thông. Lâu nay, các phương án được nêu lên còn khập khiễng, chỉ mới dừng lại ở hai xu hướng: Nếu làm Sân bay Long Thành thì không mở rộng Sân bay TSN. Nếu mở rộng Sân bay TSN thì không làm Sân bay Long Thành. Cả hai xu hướng này đều không hợp lý. Trên thế giới, một đô thị có hai sân bay tồn tại là đều khả thi như ở New York (Mỹ), Pa-ri (Pháp) đều có hai sân bay cách nhau 30-40km. Áp vào thực tế hiện nay về yêu cầu cần mở rộng Sân bay TSN trong cái định hướng xây dựng Sân bay Long Thành thì mình phải đánh giá đến tính hiệu quả giữa mối tương quan của hai sân bay này. Nếu làm mở rộng quy mô Sân bay TSN thì cần tính toán hợp lý hoặc phân kỳ đầu tư cũng như quy mô lưu lượng hành khách trong xây dựng Sân bay Long Thành.
Ông Ngô Viết Sơn Nam.
Xét về góc độ quy hoạch sân bay, với kinh nghiệm tham gia xây dựng quy hoạch một số sân bay ở Mỹ và Philippin, tôi thấy rằng, một sân bay cần gắn liền với đường vành đai và đô thị sân bay để phục vụ cho hoạt động sân bay đó. Từ sân bay có thể đi về nhiều hướng qua nhiều cửa chứ không chỉ theo một cửa duy nhất như ở Sân bay TSN hiện nay. Do đó, việc đặt ra có nên xây dựng đường băng thứ 3 hay không là một vấn đề phải tính toán một cách khoa học, toàn diện và chiến lược. Vì hiện nay, với hai đường băng hiện hữu, Sân bay này đã có thể khai thác gần 50 triệu lượt khách/năm rồi, nếu xây dựng thêm đường băng sẽ tăng công suất khai thác và số lượt hành khách sẽ càng tạo những áp lực bất hợp lý. Theo tôi, vấn đề cấp thiết hàng đầu hiện nay không phải là đường băng mà là giải quyết vấn đề đô thị, giao thông quanh sân bay, tạo sự kết nối nhiều hướng cho Sân bay TSN thông qua việc mở rộng các cửa và nhà ga, bãi đỗ và đường giao thông kết nối bên ngoài sân bay.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: Nếu nâng công suất khai thác sân bay trong đô thị sẽ tăng thêm nguy cơ mất an toàn
Nếu nhìn trên bình diện chung việc tồn tại Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay với những bất cập là vấn đề lịch sử để lại. Trước đây, nó nằm ở rìa các quận trung tâm, công suất hoạt động thấp. Sau hàng chục năm đô thị hóa mạnh mẽ, sân bay đã phát triển quy mô công suất gần 40 triệu lượt khách/năm, nằm lọt trong thành phố có quy mô gần 10 triệu dân. Một sân bay với quy mô và vị trí như thế là điều ở các nước trên thế giới họ không làm và buộc phát phát triển một sân bay khác xa trung tâm Thành phố. Cụ thể như Sân bay Nội Bài cũng đã quy hoạch cách xa trung tâm Hà Nội 40km để đảm bảo các yếu tố quy hoạch, dịch vụ cũng như sự an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên. 
Đặt vấn đề nếu chúng ta làm thêm đường băng nữa thì nó có thể giải quyết được vấn đề quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất trong khi Sân bay Long Thành chưa có. Và sau này, khi Sân bay Long Thành hoàn thành thì Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành sân bay nội địa thì lúc đó nó sẽ vẫn lớn hơn bây giờ. Còn khi xem xét về khía cạnh, nếu ta không làm Sân bay Long Thành và chỉ mở rộng thêm Sân bay Tân Sơn Nhất, nâng công suất khai thác thì sẽ tập trung tần suất cất hạ cánh nhiều hơn nữa tạo áp lực lên không gian đô thị nội đô và chắc chắn sớm muộn mình phải giải tỏa để nó không trở thành mối nguy hiểm. Độ an toàn hàng không khó ai nói trước, kể cả ở các nước tiên tiến đều phải đối mặt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó việc nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất càng cao thì tương ứng nguy cơ mất an toàn lớn ở trong đô thị.
Tôi nhất trí cao với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về nghiên cứu vấn đề mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và tiếp tục đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành. Đây là sân bay mang tính chiến lược và quy mô lớn cho cả khu vực và cả nước. Nhìn về tổng thể, Long Thành có vị trí đắc địa cho hàng không, tạo sự nên nhiều lợi ích kinh tế, xã hội rất lớn cho các tỉnh, thành phía Nam. Sân bay Long Thành sẽ là cú huých cho sự phát triển. Vấn đề của Sân bay Long Thành trước khi xây dựng là ở cách giải bài toán nhu cầu. Các bộ, ngành liên quan tính toán công suất thiết kế hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất so với chi phí đầu tư. Đồng thời, cần phân khúc ra trong giai đoạn đầu tư để thích hợp với nhu cầu từng giai đoạn, tạo các hình thức huy động vốn để sớm triển khai xây dựng Sân bay Long Thành vào hoạt động.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế hàng không Lương Hoài Nam: Không nên xây đường băng thứ ba ở Sân bay Tân Sơn Nhất
Chúng ta cần nhìn nhận Sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt với nhiều vấn đề và chắc chắn Sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận Sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu gì. Sân bay đang thiếu nhà ga, bãi đỗ và đường giao thông kết nối. Công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất là  25 triệu khách/năm. Nhưng năm 2016 là 32 triệu khách/năm. Năm 2017 dự kiến là 36 triệu khách/năm. Do đó thiếu nhà ga là vấn đề nghiêm trọng. Hai nữa là tình trạng thiếu sân đậu là rất nghiêm trọng và nhiều máy bay đến phải bay chờ tạo nên căng thẳng. Thứ ba là thiếu các đường giao thông quanh sân bay, các đường tắc nghẽn và quá tải. Vậy sân bay Tân Sơn Nhất có thiếu đường băng không? 
Tiến sĩ Lương Hoài Nam. 
Tôi thấy dư luận đang bị cuốn vào việc nên hay không nên xây thêm đường băng thứ 3. Thực sự cho đến thời điểm này, Sân bay Tân Sơn Nhất không thiếu đường băng. Hiện nay tần suất cất hạ cánh là 38-42 chuyến/giờ và thực tế hoàn toàn có các giải pháp có thể đưa lên 54 đến 55 chuyến/giờ, tương ứng 1,5 lần so với hiện nay và khẳng định rằng không có việc thiếu đường băng. Do đó, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề: Sân đậu, đường giao thông kết nối và nhà ga. Tôi luôn có quan điểm rằng, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần sớm đưa lên tối đa công suất khai thác 2 đường băng hiện hữu là 50 triệu khách/năm, gấp đôi quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải năm 2015 là chỉ 25 triệu khách/năm. Tôi chưa bao giờ thấy được một sân bay nằm giữa lòng thành phố với tứ bề là khu dân cư lại có 3 đường băng với công suất 70-80 triệu hành khách/năm. Điều đó sẽ gây nên nhiều hệ lụy trong phát triển đô thị trong tương lai. Nếu sân bay ở quy mô đó thì phải nằm cách xa thành phố 50km và được kết nối với các tuyến đường cao tốc chứ không phải được kết nối bằng những tuyến đường nội đô như hiện nay. Sân bay nội đô như hiện nay là đã quá khủng rồi, giờ tăng thêm nữa thì tôi cho đó là phi khoa học. 
Tôi nghĩ nên dừng lại ở hiện nay với nỗ lực khai thác tối đa công suất đạt 50 triệu khách/năm. Hiện nay Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông đã thống nhất việc mở rộng hai nhà ga T3 và T4 trên diện tích hơn 20 ha được Bộ Quốc phòng tạm giao để sử dụng mục đích hàng không dân dụng là một nỗ lực rất lớn từ hai phía. Và trên diện tích đất này, chúng ta có thể xây dựng thêm hai nhà ga T3 và T4 để đáp ứng 20 đến 25 triệu hành khách/năm. Tôi cho rằng với công suất đó cộng với công suất của hai nhà ga hiện hữu là khoảng 25 triệu khách/ năm thì sẽ tương ứng với tổng 50 triệu khách/năm mà hai đường băng hiện hữu có thể đạt được. Như vậy, cùng với việc kết nối đường giao thông ở phía Nam của Sân bay sẽ góp phần giải tỏa được vấn đề trọng tâm là thiếu nhà ga, sân đỗ và đường giao thông kết nối hiện nay.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh: Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ thiếu đường lăn và sân đỗ
Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang có hai đường băng và chỉ thiếu đường lăn và sân đỗ. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng đã có bàn bạc để giải quyết. Bộ Quốc phòng đã bàn giao 21 ha để tiếp tục mở rộng nhà ga và sân đỗ. Tới đây sẽ mở hướng mới, giao thông mở sang bên đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám để giải quyết những bức xúc hiện nay về giao thông.
Phần đất 21 ha này nằm ở phía Nam sân bay, không liên quan đến sân golf nằm ở phía bắc. Ở phía bắc hiện nay có hơn 10 đơn vị của quân đội đóng quân ở trên đó, gồm có các đơn vị pháo của Quân chủng Phòng không - Không quân, radar. 21 ha này có thể xây dựng được một sân đỗ mới và một ga hàng không lưỡng dụng mới và một hệ thống đường giao thông đi ra đường Hoàng Hoa Thám.
 Thiếu tướng Lâm Quang Đại.  
Về phương án lấy hết 157 ha sân golf để phục vụ cho việc mở rộng Tân Sơn Nhất, theo Thiếu tướng Lâm Quang Đại, 157 ha đó là đất dự phòng của Quốc phòng để bảo vệ TP.Hồ Chí Minh và chính sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đây đó là khu đất trống. Bộ Quốc phòng có quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế lấy nguồn ngân sách củng cố quốc phòng, các doanh trại quân đội. Quan điểm thứ hai là nếu như có nhu cầu về quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện.
Trước câu hỏi sân golf ở cạnh sân bay có “uy hiếp an toàn bay hay không”, Thiếu tướng Lâm Quang Đại cho biết: “Với góc độ đơn vị quản lý phòng không không quân ở sân bay, tôi biết rất rõ vấn đề này. Thực tế thì giữa khu vực sân golf và sân bay còn qua một số đơn vị của quân chủng quản lý, các đơn vị pháo phòng không bảo vệ sân bay. Chứ khu vực sân golf không phải liền kề với đường bay.
Để xây dựng sân golf ở bên cạnh sân bay đã phải có 133 văn bản từ nhiều cơ quan. Quan điểm của Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi đất sân golf bất cứ lúc nào khi có yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng. Đó là quan điểm nhất quán của Bộ Quốc phòng.
Quan điểm của Bộ Quốc phòng là chỉ khai thác phục vụ mục đích kinh tế trong thời kỳ đất còn đang nhàn rỗi để lấy kinh phí củng cố hệ thống doanh trại của quân đội và sẽ thu hồi bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào, vô điều kiện, khi có yêu cầu phục vụ mục đích quốc phòng và khi có lệnh của cấp trên. Đối với sân bay Tân Sơn Nhất nếu có ý kiến ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không thì hai bên liên quan là Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng xem xét.

KIÊN MINH (ghi)
http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-moi-hay-mo-rong-san-bay-can-phai-xet-den-hieu-qua-va-dong-bo-509878


CHA ÔNG ĐÚC KẾT: "CỦA 3 LOÀI, NGƯỜI 3 THỨ"; HIỆN TẠI, THEO GS LƯƠNG NGỌC HUỲNH: ĐẤT NƯỚC TA CÓ 7 LOẠI NGƯỜI

Gs Lương Ngọc Huỳnh - Đất nước ta có 7 loại người


1- Loại thứ nhất: Họ bảo thủ đi theo một lối mòn của một con đường vô định hướng, nhưng họ quyết tâm đi cho bằng được và lái tất cả đi theo con đường đó! Mặc dù phía cuối con đường là chông gai và sụp đổ họ vẫn cứ đi. Loại người này ta gọi là "ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm"!

2- Loại thứ hai: Họ luồn cúi và nịnh bợ liếm láp mọi thứ và sẵn sàng làm chó cho loại thứ nhất! Loại người này là loại vô liêm sỉ họ đã đổi sự nhục nhã để lấy miếng cơm ăn!

3- Loại thứ ba: Họ không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, họ thờ ơ với tất cả, và họ chỉ cần biết lo cho bản thân mình! Loại người này là loại vô hồn, vô cảm, vô tâm! 

4- Loại thứ tư: Họ tàn nhẫn cướp của giết người, ăn cắp ăn trộm, đĩ điếm, giả dối, lừa lọc, sống bầy đàn độc ác và man rợ! Loại người này là giống vô loài!

5- Loại thứ năm: Họ biết đúng sai nhưng miệng họ luôn ngậm một hạt thị và không bao giờ dám mở mồm! Loại người này ta gọi là đồ hèn nhát!

6- Loại thứ sáu: Họ bị cuồng tín bởi những lý luận duyên, nghiệp, họ không đấu tranh và chấp nhận bị áp bức! Loại người này thật đáng thương và đáng yêu với những thể chế chính trị mị dân!

7- Loại thứ bảy: Họ sống có trách nhiệm, ngay thẳng, sòng phẳng và công bằng, họ dám nói lên chính kiến của mình, họ mong muốn xã hội tiến lên tốt đẹp, nhưng do 6 loại kia đông quá nên họ khó có thể thay đổi tư duy của giống người Việt Nam!

Cho nên gọi là đất nước "thất nhân" thế mới sinh ra thất đức, thất tín, nói một đường làm một nẻo! 

Chúng ta cần loại người thứ 7 phát triển thật nhiều để lấn át 6 loại còn lại. Những ai đang là một trong sáu loại kia nên vắt tay lên trán suy nghĩ để làm sao cho con cháu giống nòi Việt Nam trong tương lai đừng hèn như những gì chúng ta đã và đang làm!

Nói thật mất lòng cũng được! Nhưng nó sẽ làm cho người ta khôn từ từ.

Gs Lương Ngọc Huỳnh 

(FB Lương Ngọc Huỳnh)

Báo Nhật: Kim Jong-nam có thể đã bán tin cho Mỹ trước khi bị ám sát

Một tờ báo của Nhật mới đây đưa tin rằng ông Kim Jong Nam đã mang trong mình 120.000 USD khi bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur 2. Số tiền đó bị nghi là thù lao bán tin quan trọng cho tình báo Mỹ.

Tình báo Mỹ, Kim Chol,
Kim Chol được cho là anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: ilustrasi)
Báo Asahi Shimbun của Nhật dẫn nguồn tin các quan chức giấu tên của Malaysia cho biết sau khi án mạng xảy ra, nhóm điều tra tìm thấy trong hành lý ông Kim 120.000 USD – phần lớn là tờ 100 USD, một máy tính xách tay và hai điện thoại di động.
Cũng theo nguồn tin này, do ông Kim có hộ chiếu ngoại giao nên hành lý của ông không bị “soi” quá kỹ tại sân bay.
Asahi dẫn lời một quan chức điều tra Malaysia giấu tên cho biết, Kim Chol đã gặp công dân Mỹ trong 2 giờ tại một khách sạn ở Malaysia. Số tiền 120.000 USD của ông cũng được nhận trong thời gian lưu lại nước này.
Các cơ quan điều tra Malaysia đã theo dõi người Mỹ nói trên mỗi khi ông đến nước này. Kết quả phân tích máy tính xách tay của Kim Chol cho thấy đã có một chiếc USB cắm vào máy tính, dẫn đến nghi ngờ rằng Kim chuyển giao một lượng lớn thông tin mà ông không thể truyền đạt bằng miệng.
Giới chức Malaysia cho rằng số tiền trên để trả công cho thông tin mà Kim cung cấp.  Điều đáng nói nữa là khoản tiền trên không được rút ra từ các ngân hàng ở Malaysia trước vụ ám sát.
Công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại ngay trước khi lên máy bay từ sân bay Kuala Lumpur tới Macau vào ngày 13/2. Người này được cho chính là ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo nhà chức trách Malaysia, Kim Chol tử vong do bị hai phụ nữ thoa chất độc thần kinh VX lên mặt. Malaysia đã bắt hai nữ nghi phạm là Đoàn Thị Hương, quốc tịch Việt Nam, và Siti Aisyah, quốc tịch Indonesia.
Nhà chức trách Malaysia đã cáo buộc 2 nữ nghi phạm mắc tội giết người. Nếu bị kết án theo Điều 302 của Bộ luật Hình sự, họ có thể bị kết án tử hình. Tuy nhiên tới nay cả hai vẫn bác bỏ mọi cáo buộc.
Trong buổi tiếp xúc lãnh sự, Đoàn Thị Hương nói mình bị lừa tham gia một trò đùa. Các nghi phạm đều nói mình bị dụ tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Phiên tòa tiếp theo xét xử Đoàn Thị Hương và nghi phạm người Indonesia sẽ diễn ra vào ngày 16/6.
TinhHoa tổng hợp

Không chấp nhận thất thế, phe cánh Giang Trạch Dân nhiều lần mưu sát Tập Cận Bình

Truyền thông hải ngoại nhận định, sau đại hội 19, các quan chức thuộc phe cánh của Giang Trạch Dân sẽ hoàn toàn thất thế và lựa chọn rút lui. Tuy nhiên, gần đây Trung Nam Hải rộ tin, vì không chấp nhận đại cuộc phe cánh ông Giang rất có thể âm mưu đảo chính giành lại quyền lực.

Trung Quốc, Tap Can Binh, Giang Trạch Dân, chinh tri,
Ông Giang Trạch Dân và ông Tập Cận Bình tại Đại hội lần thứ 18 ĐCSTQ. (Ảnh: via Zimbio)
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra vào cuối mùa thu năm nay, việc chuẩn bị nhân sự cho các vị trí liên quan đã bước vào giai đoạn cuối cùng.
So với bề ngoài sóng yên biển lặng ở Trung Nam Hải hiện nay thì nội bộ đang vô cùng căng thẳng và kịch liệt. Đại hội 19 sẽ diễn ra trong vài tháng tới, hiện tại Trung Nam Hải đang thắt chặt công tác bảo vệ phòng trường hợp đảo chính có thể xảy ra.
Trong tình cảnh thất thế, Giang Trạch Dân vì để tự bảo vệ mình đã nhiều lần âm mưu ám sát Tập Cận Bình. Từ ngày Tập Cận Bình lên nhậm chức cho đến nay, bộ phận bảo vệ an toàn nội ĐCSTQ đã hơn 16 lần đưa ra báo động nguy hiểm, trong đó có 4 lần ở Bắc Kinh.

Nội tình các cuộc đảo chính

Các cuộc đảo chính bắt nguồn từ một sự kiện lớn đó là cuộc đàn áp tàn khốc nhắm vào những người theo tập Pháp Luân Công do ông Giang  phát động. Cũng trong thời điểm này, lãnh đạo đương nhiệm là Hồ Cẩm Đào không đồng quan điểm với Giang Trạch Dân về vấn đề Pháp Luân Công. Điều này, khiến ông Giang luôn cảm thấy bất an và muốn tìm một tâm phúc kế nhiệm ông Hồ.
Thái tử Đảng Bạc Hy Lai vì tích cực tham gia đàn áp Pháp Luân Công nên được ông Giang nhắm chọn làm người kế vị Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, năm 2007 trong tình huống khẩn cấp cần ngăn chặn Hồ Cẩm Đào thăng chức cho Lý Khắc Cường, ông Giang buộc phải thực hiện kế hoãn binh là chọn Tập Cận Bình, người ở giữa không thuộc phe nào lên kế vị chức Tổng bí thư ĐCSTQ.
Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng dự tính sau Đại hội 18 khoảng 2 năm, sử dụng Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, áp dụng mô hình “xướng hồng đả hắc” tức là đề cao chuyên chính lý tưởng đỏ thời Mao Trạch Đông để trấn áp xã hội đen tại Trùng Khánh, và lan rộng ra cả nước, giúp Bạc Hy Lai từ từ giành quyền kiểm soát Ủy ban chính trị và pháp luật, cảnh sát vũ trang toàn quốc, cùng lực lượng của phe cánh Giang Trạch Dân trong quân đội. Sau đó, sẽ tiến hành bãi miễn Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, kế hoạch cuộc đảo chính bị phá vỡ sau sự kiện Vương Lập Quân chạy vào đại sứ quán Mỹ tiết lộ âm mưu đảo chính.
Việc không thể nắm quyền kiểm soát ĐCSTQ khiến Giang Trạch Dân lo sợ tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công bị vạch trần và không thể tiếp tục duy trì cuộc đàn áp. Vì vậy, cho đến hiện tại phe cánh Giang Trạch Dân vẫn không ngừng âm mưu đảo chính đoạt quyền từ tay Tập Cận Bình. Tính từ Đại hội 18 cho đến nay, Tập Cận Bình ít nhất đã bị phe cánh Giang Trạch Dân ám sát hụt 6 lần.
LH biên dịch