Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Muốn “quyền lực thuộc về dân”- phải cài đặt lại “ phần mềm” của “hệ điều hành quản trị” thưa TS Vũ Ngọc Hoàng

Phạm Viết Đào.

Trao đổi với TS Vũ Ngọc Hoàng ( VNH )-Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TW về các ý kiến được nêu của ông trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ số ra ngày 22/2/2015: ​“Quyền lực là của dân…”

( Bài viết viết năm 2015 bây giờ mới công bố)


Khi ông VNH đặt vấn đề  “Quyền lực phải thuộc về nhân dân” trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, tức là ông đã đụng chạm đến một vấn đề thuộc về thuộc thượng tầng kiến trúc, là cái cốt lõi, hạt nhân thuộc “ phần mềm “ của hệ điều hành quản trị kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước.
Chúng tôi xin bắt đầu với các ý kiến khởi đầu của ông VNH, ông đã phân tích cái thực trạng hạn chế, ách tắc của cái “ phần mềm” quản trị kinh tế-văn hoá hiện tại của đất nước. Ông VNH nhận định:
“Cần phải nhìn rõ vào thực tế hiện nay: năng suất lao động thuộc hạng thấp nhất, nợ công nhiều, nợ xấu cũng nhiều, công nghiệp phụ trợ hầu như chưa có, công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động mấy năm nay rất nhiều, nền kinh tế ở tình trạng rất khó khăn, đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà trên thế giới có nước đã mất gần 50 năm không thể thoát ra được. 
Đáng ra, nếu chúng ta phát triển đúng hướng, đúng cách, nếu làm giỏi thật sự thì hôm nay, 40 năm sau ngày thống nhất chúng ta đã có thể khá lắm rồi, thậm chí đã cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa và vượt qua thu nhập trung bình có thu nhập cao.”
Để khắc phục sự tụt hậu, suy giảm, ách tắc, trục trặc kể trên về kinh tế, ông VNH đặt vấn đề vai trò của động lực văn hoá:
“Con người có văn hóa cao, đất nước không lo gì không phát triển. Cần phải tiếp tục vun trồng và phát huy tối đa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc để tiến lên, theo kịp thiên hạ…”
Người viết bài này cho rằng: nhận định, đánh giá, phân tích trên đây của ông VNH là thấu đáo,có cơ sở và biện chứng; Xuất phát từ cách nhìn nhận và mặc định vấn đề như trên ông VNH tiếp tục chỉ ra hệ quả “đôminô” của tác nhân kinh tế ảnh hướng tới môi trường xã hội, đạo đức, lối sống thuộc phàm trù văn hoá:“Đạo đức xã hội đang xuống cấp, có những mặt xuống cấp trầm trọng, đáng báo động, ở cả những khu vực đáng lẽ ra phải thật sự trong sạch: nơi cứu người, nơi dạy người, nơi tạo ra các giá trị nhân văn, nơi nắm cán cân công lý, nơi thờ tự tâm linh, trong tham mưu chiến lược, trong công tác cán bộ… Việc thoái hóa đạo đức, tham nhũng diễn ra ở cả các cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý trung cao cấp. Trước đây, nhìn nhận vấn đề này, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước dùng từ “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó tới “một bộ phận”, và bây giờ là “một bộ phận không nhỏ”. Như thế tức là tình trạng tiêu cực này cứ phát triển tăng dần, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương về phòng chống…”
Qua những ý kiến trên đây của ông VNH, chúng ta thấy ông đã chẩn đúng phần nào cái căn bệnh; ông đã bắt đúng mạch nguồn nguyên nhân dẫn tới sự trục trặc của cái “phần mềm” quản trị kinh tế-văn hoá-xã hội của hệ điều hành hiện hữu.
Về phương diện thuần tuý kỹ thuật thì: Mỗi khi máy tính của ai đó được cài đặt bởi 1 phần mềm quản trị bị lỗi thì tất yếu phải cài đặt lại bằng một phần mềm mới khác, không thể chắp vá ...
Đó là cách mà kỹ thuật viên tin học vẫn thường làm: xoá đi toàn bộ Windows và cài đặt phần mềm mới thì mới khắc phục triệt để những trục trặc do lỗi phần mềm hay do virus phát sinh, phát tán trong quá trình sử dụng…
Ông VNH khẳng định tiếp nguyên nhân dẫn tới những trục trặc, bộ máy vận hành bị ách tắc do bởi sự hạn chế của cái mặt tiêu cực của cái “ phần mềm’ quản trị hiện hữu: “Khi quyền lực được giao vào tay người có nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân, đất nước. Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những người nắm giữ nó mà chưa đủ bản lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa. Quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh và gây hại lớn.
Vậy nên, quyền lực phải được kiểm soát. Trước hết là kiểm soát từ việc chọn và sử dụng người. Tìm được người “đức trọng” thì mới giao “quyền cao”, nếu đức 10 chỉ nên giao quyền cỡ 6, 7 phần thôi, giao tới 20, 30 là hỏng cả. Bây giờ, tôi thấy nhiều người nói lệch thành “chức trọng quyền cao”, tức là trọng chức hơn trọng nhân cách…”
Có thể nói ông VNH đã mổ xẻ, đưa ra những nhận định phân tích thực chứng- không né tránh về nguyên nhân của sự bùng nhùng, suy thoái, biến chất, “nhiễm virus” kể trên của cái phần mềm của hệ điều hành hiện hữu.”Về khách quan, phải có cơ chế để quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật, bằng giám sát của toàn dân. Mấy mươi năm qua, phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về mặt kiểm soát quyền lực…”
Ông VNH đã rút ra kết luận:”Đi tìm hiểu các nước Bắc Âu, tôi thấy xã hội của họ có những mặt mang tính chất xã hội chủ nghĩa hơn nước ta hiện nay. Trong tư duy của tôi, phải thật sự tốt đẹp mới là xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa phải là: Quyền lực là của dân; nhà nước bảo vệ và phục vụ nhân dân; kinh tế thị trường phát triển lành mạnh: người dân có thu nhập cao và phân hóa giàu nghèo ít nhất; có một nền văn hóa giàu tính nhân văn, con người sống hạnh phúc với lòng nhân ái, khoan dung; tính chất xã hội hóa ngày càng cao, các tổ chức dân sự lành mạnh có vai trò đồng hành cùng nhà nước trong việc tổ chức cuộc sống. Trong xã hội ấy, quyền con người, tự do và sự phát triển của con người là yêu cầu bậc nhất. Chúng ta không thể chỉ hô khẩu hiệu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” cho nhiều là có xã hội chủ nghĩa mà phải xây dựng nó một cách thực chất…”
Xuất phát từ nhận định, phân tích đi đến đúc kết, kết luận, ông Vũ Ngọc Hoàng đặt ra giải pháp, bài thuốc đặc trị hay đúng hơn đề bài cho cái phần mềm quản trị cần thiết phải viết lại ấy: “Chúng ta cần đẩy mạnh tiến trình dân chủ nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, cần phấn đấu để có những chủ trương, quyết sách cụ thể về vấn đề này;”
“Phải tiếp tục giải quyết các vấn đề về dân chủ, tạo điều kiện, cơ chế, cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin để người dân có thể giám sát những công việc của Nhà nước làm; chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tránh hình thành những “nhóm lợi ích” có thể sử dụng quyền lực và phương tiện được giao để làm lợi cho mình…”
Thưa ông VNH, nếu ông chỉ đưa ra chừng ấy yêu cầu cho việc thiết kế lại cái phần mềm quản trị thì theo người viết bài này là vẫn chưa đủ, chưa toàn diện và do vậy cái hệ điều hành tiếp tục vận hành sẽ ọc ạch do cọc cạch trong việc cập nhật dữ liệu…
Cái “phần mềm” mà ông Vũ Ngọc Hoàng đề nghị phải lập trình lại “ quyền lực phải là của nhân dân “ là “không tương thích” với hệ điều hạnh hiện hữu ở ổ máy cái của xã hội Việt Nam. Bởi vì một đất nước chỉ có thể có một lực lượng chính trị nào đó làm chủ, nếu có hai trở lên thì tất yếu sẽ loạn; Cha ông chẳng đã đúc kết: Lắm thầy rầy ma…
Xin ông VNH đọc kỹ lại Điều 4 Hiến pháp:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình…”
Như vậy, cái quyền lực chính trị, hạt nhân chi phối toàn bộ cái “phần mềm” quản trị xã hội là Đảng cộng sản chứ không phải là nhân dân hay của nhân dân; nói nôm na: hạt nhân của cái quyền quản trị xã hội thuộc về Đảng CS chứ không thuộc về nhân dân như cách  ông đặt vấn đề: “Quyền lực phải thuộc về nhân dân”.
Việc ông VNH đặt vấn đề Quyền lực thuộc về nhân dân đó chỉ có thể vận hành được bởi một hệ điều hành khác; Do đó, rất có khả năng dẫn tới lạc đề, trở nên ngớ ngẩn như triết gia Trần Đức Thảo,nếu  căn cứ vào ý kiến của ông VNH viết lại phần mềm quản trị xã hội cho hệ điều hành hiện hữu đã được mặc định trong Điều 4 Hiến pháp 2013 theo đề bài do ông VNH đặt ra…
Nghiên cứu kỹ Điều 4 Hiến pháp 2013 không thể hiểu, diễn giải theo lối tam đoạn luận: Đảng là lực lượng nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội; mà Đảng thoát thai từ nhân dân có nghĩa quyền đó thuộc về nhân dân?
Diễn giải như thế là ngụy trá, là bịp bợm…Quyền đi đôi với điều kiện để thực thi quyền lực, không có công cụ, phương tiện nói cách khác không có có lợi khí trong tay thì làm sao thực thi được quyền, làm sao người khác chịu dưới quyền.
Nhân dân làm sao giữ được quyền, thực thi được quyền, bảo vệ được quyền khi lực lượng vũ trang nằm trong tay Đảng và không chia sẽ với bất cứ lực lược chính trị nào ?
Ông Hồ Chí Minh trong di chúc cũng đã viết: “Đảng ta là đảng cầm quyền”… chứ có viết Đảng phải từng bước trao quyền cho nhân dân đâu ? Do đó mệnh đề, đề bài mà ông VNH đặt ra là một mệnh đề sái, là nói ngược?
Khi con người ta muốn làm chủ một công việc gì đó thì phải có công cụ, phương tiện; làm sao người dân có thể tiệm cận được quyền lực hơn nữa lại là quyền lực quản trị nhà nước khi trong tay không tấc sắt, ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước; Còn quân đội lấy trung với đảng làm đầu; Công an thì còn đảng còn mình ?

Ông VNH dẫn lời của ông Hồ Chí Minh:”Bác Hồ nói: Dân chủ là người dân được mở miệng. Tất cả những điều Bác mong muốn đều là những quy luật khách quan của cuộc sống mà xã hội ta nhất định phải đi tới và đạt được…”
Xịn hỏi làm sao dân có thể mở miệng khi Điều luật 258: Lợi dụng quyền Tự do-Dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức cá nhân; Điều 88: Tội tuyên truyền chống nhà nước được quy định trong Bộ Luật Hình sự là những điều xác định những tội danh liên quan đến chuyện mở miệng của người dân được quy định rất mơ hồ, mông lung nhưng hình phạt lại rất nặng, ai cũng có thể bị bắt, bị khép tội do mở miệng…
Khi người dân bị khép tội thì hệ thống cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát, toà án đều là chân rết của Đảng, dưới quyền lãnh đạo của Đảng thì thử hỏi làm sao người dân đủ khả năng, phương tiện để mà bảo vệ, tự vệ cái quyền “ mở miệng “ của mình không bị khép tội oan sai, không bị tù tội ?
Ở bất cứ thể chế chính trị nào thì người dân vẫn là người dân, vẫn là người bị cai trị kể cả ở các quốc gia được coi là dân chủ và có hệ thống luật pháp văn minh, dân chủ, nhân văn nhất…
Có điều, để giúp người dân có quyền tự vệ cái quyền của kẻ làm thảo dân, quyền của người bị cai trị ấy thì luật pháp tạo ra được một thiết chế như ông VNH đặt ra mà theo người viết bài này đó là một mệnh đề, một bài toán khó tìm ra đáp án tương thích:”- Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này. Sửa chữa phải từ trên xuống. Tôi thấy điểm mấu chốt là cần có cơ chế để hạn chế tác hại mặt trái của cơ chế quyền lực và mặt trái của cơ chế thị trường như hai con ngựa chứng, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cầm cương…”
Hiện nay, vấn đề theo người viết bài này sở dĩ tồn tại những mặt trái của của cơ chế quyền lực của Việt nam hiện tại là do bởi chúng được phát sinh ra ngày từ hệ điều hành hiện hữu ?
Dùng cơ chế để điều chỉnh cơ chế chứ không dựa vào năng lực cầm cương của người vận hành cơ chế để điều chỉnh cơ chế, thể chế; Khi ai đó thiết kế ra một cỗ máy mà động cơ của nó không tạo ra cơ năng đạt hiệu quả mong muốn thì phái thiết kế lại, điều chỉnh chứ không dung ý chí chủ quan, năng lực chủ quan của con người can thiệp vào, khắc phục hạn chế của nó…Khi con người cứ áp đặt ý chí chủ quan vào thì sẽ phá hỏng máy, hoặc anh sẽ bị cái cỗ máy gây sát thương, hoặc gây tử thương cho anh…
Đó chính là hệ lụy, hậu quả của lối tư duy, những giải pháp tình thế do ông Vũ Ngọc Hoàng thiết kế trong những công trình nghiên cứu đề cập tới các vấn đề liên quan tới cơ chế và thể chế của cái hệ điều hành quản trị không giống ai của Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh về cái chết của Thương Ưởng, Nguyễn Trãi là do bởi những vĩ nhân này đã can dự, can thiệp vào sự sự vận hành của cái hệ điều hành của một cỗ máy do chính họ tham gia chế tạo ra nó và cả 2 đều đã bị tử thương…Do đó, điều mà ông VNH nêu ra “ nâng cao năng lực cầm cương…” là một đòi hỏi duy ý chí, phi thực tiễn, phi cơ giới…
“Khi quyền lực được giao vào tay người có nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân, đất nước. Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những người nắm giữ nó mà chưa đủ bản lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa. Quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh và gây hại lớn.”
Qua ý kiến này của ông VNH cho thấy ông vẫn là kẻ nằm mơ giữa ban ngày hay giống như những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết về Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. VNH chỉ mới nhìn thấy bề nổi của tảng băng chìm của cái cơ chế, cái thể chế: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quan lý…VNH giống với kẻ chỉ thấy cây mà không thấy rừng…Cũng có thể VNH hoặc thấy nhưng ông lảng tránh vì ông không đủ ý chí, kiến thức và quyền lực khả dĩ tìm ra được lối băng qua rừng theo cách của một thi sĩ cách nói mà Phạm Tiến Duật viết về những cuộc băng rừng Trường Sơn thời chống Mỹ: Đường ra trận mùa này đẹp lắm; Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi; Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi…
 Có thể có một cá nhân nào đó xuất chúng can thiệp làm thay đổi được cái bề nổi nhất thời đó như Putin, như Đặng Tiểu Bình, như Tập Cận Bình nhưng rồi cái “núi băng chìm” đó lại mọc đùn lên những ngọn núi băng khác…
Về khách quan, phải có cơ chế để quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật, bằng giám sát của toàn dân. Mấy mươi năm qua, phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về mặt kiểm soát quyền lực…” Điều này thì ông VNH nhìn nhận đúng, nhìn nhận ra vấn đề và như trẻ con nói: Nói như đúng rồi…
Qua một số bài viết thấy ông VNH là một con người giàu suy nghĩ, thế nhưng ông vẫn là con người, là sản phẩm của hệ thống đẻ ra ông, dung dưỡng ông, mang lại bổng lộc cho ông. Ông chưa phải là nạn nhân của cái cơ chế, thế chế đã đẩy người ta xuống đay…Do vậy mà các sáng kiến, giải pháp của ông nếu không rơi vào tình cảnh “ nói dzậy mà không phải dzậy “ thì ông cũng chỉ là “kẻ bẻ gậy chống trời” cho vui vậy thôi…
Những bài nghiên cứu của ông VNH, nhưng công trình của một trong số ít những quan chức tuyên giáo có ít nhiều vốn hiểu biết về triết mỹ và cập nhật được ít nhiều các kiến thức đời sống; thế nhưng những dư vị của những bài viết, luận giải của VNH để lại cũng giống như bài ca dao xưa viết hành vi đốt rơm của người nông dân:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán bảo đứa nào đốt rơm…
Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định là thiết kế và xây dựng một thể chế nhà nước của dân, do dân và vì dân; chữ Nhân dân được viết hoa như ông nói thì cá nhân người viết bài này nhận thấy một số điểm cốt tử lại là những bước lùi so với Hiến pháp 1993 và Hiến pháp 1946 ? Tại sao vậy?
Xin ví dụ: Hiến pháp 1946 quy định đất đai thuộc quyền tư hữu, quyền này được xác định tới Hiến pháp 1959 thế nhưng đến Hiến pháp 1993 và rồi Hiến pháp 2013 đã truất phế cái quyền rất lớn, của 99 % người dân ? Tại sao lại có sự lùi bước đó, và sự lùi này đã mang lợi hay mang hại gì cho người dân trong việc duy tư quyền cụ thể này ?
Hiến pháp 1993 quy đinh: Người dân được quyền xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch và các quy định pháp luật khác; Quyền này đã bị tước bỏ, thay đổi trong Hiến pháp 2013 rút lại: Người dân có quyền có chỗ ở… Hiến pháp nói quyền có chỗ ở nhưng không nói rõ người dân phải được ở loại nhà náo thì đúng quy định của Hiến pháp: nhà chung cư, nhà biệt thự, nhà liền kề hay gầm cầu, gầm đường …
Vấn đề tạo điều kiện, cơ chế để cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin; thuộc phần sân của Ban Tuyên giáo TW; Trong khi đó vấn đề ứng xử với phần thông tin khi  đã được bạch hoá nếu các thông tin đo có vấn đề cần uốn nắn, điều chỉnh để phù hợp với lợi ích nhà nước, nhân dân thì lại thuộc sân của các ngành khác trong khối nội chính như công an, cảnh sát, viện kiểm sát, toà án, thanh tra…
Tại sao ở một số nước mà hệ điều hành quản trị xã hội lại không có phần mềm “ đảng cộng sản” mà họ lại xã hội chủ nghĩa hơn ta ? Đây là vấn đề ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy hay cố tình không nhìn thấy nhưng không dám với tới, chỉ ra mạch nguồn của cái phần mềm quản trị xã hội của các nước đó…
Ở chúng ta chỉ cái việc giữ vệ sinh môi trường, dẹp trật tự an toàn giao thông, chấm dứt bệnh nhân nằm chung giường mà đội khi người ta còn phải hô cả hệ thống chính trị vào cuộc…
Do vậy, những vấn đề phức tạp cao siêu của thể chế, cơ chế: mối quan hệ giữa nhân dân-bộ máy nhà nước và đảng cầm quyền… hiện hữu vẫn ngoài tầm phủ sóng của những quan chức có ít nhiều vốn liếng chữ nghĩa như ông Vũ Ngọc Hoàng…
Có thể các ông bị " từ trường" chi phối cũng có thể các ông cũng biết nhưng không dám nói và viết ra...


P.V.Đ.

VIỆT NAM ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI 2 CUỘC KHỦNG HOẢNG LỚN.

1) KHỦNG HOẢNG VỀ KINH TẾ.
Việt Nam là một nước nông nghiệp khoảng 80% dân sô làm nông nghiêp. Nhưng từ lợn Thanh Long lúa gạo đều rớt giá.
Việt Nam lấy DNNN là chủ đạo. Nhưng toàn bộ hệ thống DNNN bị đổ bể như các tập đoàn lớn Vinashin Vinalines điện lực than khoáng sản mang lại món nợ công khổng lồ khoảng 321 tỷ đô la bằng 157% GDP của Việt Nam .
Số liệu cho thấy đầu năm 2017 số người được trả thất nghiệp trong khu chế xuất tăng 26%, vậy khối ngoại FDI không khá gì không tăng trưởng và sút giam
Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam. Món nơ xấu khổng lồ khoảng 600 nghìn tỷ VN Đ bằng 27 tỷ đô la đang làm tắc huyết mạch của nền kinh tế, phần nợ xấu này chỉ tính phần nổi của tảng băng được loại ra trong bảng cân đối tài khoản kế toán. Phần chìm của tảng băng được dấu trong lãi dự thu theo ước tính gấp khoảng nhiều lần phần trên. Nó có thể loàm nền kinh tế vỡ bất cứ lúc nào.
Nợ công của chính phủ đã lên đến 64.5 GDP bằng 107 tỷ đô la. Ngân sách nhà nước năm nào cũng bội chi ngân sách khoảng 6% tương đương 12 tỷ đô la, khoảng 70% ngân sách chi thường xuyên cho 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách.
Ngân sách nhà nước hụt thu từ nông nghiệp, DNNNN, hộ gia đình,FDI. Ngân sách nhà nước chỉ trông chờ vào 2 nguồn thu chính bán tài nguyên khoáng sản như dầu thô, bán quyền sử dụng đất và thu thuế.
GDP Việt Nam tăng trưởng chậm 6%, trong khi tín dụng cho vay rất cao khoảng 18%.
2) KHỦNG HOẢNG VỀ NIỀM TIN.
Người dân mất niềm tin về thể chế, mất niềm tin về ý thức hệ cộng sản.
Người dân mất niềm tin ĐCS suốt ngày hô hào chống tham nhũng. Nhưng chẳng thấy tham nhũng giảm mà lại thấy tăng.
Người dân mất niềm tin vào Quốc hội năm nào cũng họp toàn bàn chuyện trên trời dưới biển mà chẳng có tác dụng gì VD điển hình sân bay Tân Sơn Nhất, Quốc hội VN nợ luật BIểu Tình đối với người dân VN.
Người dân mất niềm tin khởi tố vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm. người dân đâu còn tìn vào lời hứa của các quan chưc Việt Nam.
Người dân mất niềm tin vào Q Đ và CA suốt ngày làm kinh tế còn đâu lo bảo vệ đất nước nữa.
Người dân lo bi bần cùng hóa mất đất đai nhà cửa trên mảnh đất của mình, trong khi các đại gia và các QC giầu có bất minh.
Người dân mất niềm tin ô nhiễm môi trường thực phẩm bẩn.
Người dân mất niềm tin vào giáo dục ở Việt Nam.
Người dân mất niềm tin vào tham nhũng chính sách quan chức ĐCS.

PTS

Ở đời có 10 điều ‘vô ích’, dù cố gắng mấy cũng không thay đổi được, trừ khi…; Công thức chung lý giải vì sao người Thụy Điển, Đan Mạch

Ở đời, mọi chuyện nhiều lúc sẽ không diễn ra theo đúng ý nguyện của con người. Việc tưởng rằng có lợi có khi lại thành vô ích. Đọc “10 điều vô ích” dưới đây, chúng ta sẽ rõ nguyên do.
Lâm Tắc Từ (1785 – 1850) là một trọng thần của triều Thanh. Ông nổi tiếng là người liêm khiết, có dũng khí. Lúc 54 tuổi, Tắc Từ viết ra 10 câu cách ngôn, sau hàng trăm năm vẫn khiến người đời tấm tắc khen ngợi.
Lâm Tắc Từ đã lấy những điều mà con người thường cho là hữu ích, lần lượt xem xét, phân định để chỉ ra vì sao chúng lại trở nên vô nghĩa. “10 vô ích” này vừa là tiêu chuẩn tu dưỡng của Lâm Tắc Từ, và cũng là nguyên tắc giáo dục con cái của ông.
1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích 
“Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”.
Sách “Đại học” có viết: “Cái đạo của việc học làm những việc quốc gia đại sự là làm rạng rỡ cái đức sáng của mình, là làm cho dân thay đổi tốt lên, là đạt đến và dừng ở nơi chí thiện”. 
Nếu trong lòng còn có điều bất thiện, làm trái với thiên đạo, rõ ràng là tự chuốc lấy diệt vong. “Phong thủy vô ích” là nói nếu là người bất thiện, làm nhiều việc bất nghĩa, thì người đó không những mắc tội làm hổ thẹn tổ tông mà còn làm tổn hại đến con cháu. 
Người ta cũng thường cho rằng chọn được phong thuỷ tốt, mảnh đất đẹp là có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. Tâm tốt thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc.

Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích : Ảnh minh họa pinterest.com

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích
“Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích”.
Sách “Luận ngữ” có viết: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”. Trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu. Một người dù có được thành tựu vĩ đại như thế nào, trên đầu đội bao nhiêu vòng nguyệt quế đi nữa, nếu bất hiếu với cha mẹ, thì tất cả vinh quang kia đều trở nên vô nghĩa. Nếu bất hiếu với cha mẹ, cho dù có thành kính, kính cẩn với Thần như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.
3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích
“Huynh đệ bất hòa, giao hữu vô ích”.
“Kinh Thi” có viết: “Người khắp thiên hạ không bằng tình anh em”. Trong gia đình, cha mẹ là gốc rễ, anh em là cành lá. Chỉ có anh chị em dìu dắt giúp đỡ nhau, thì gia nghiệp mới hưng thịnh. Anh chị em mà còn không thể hòa thuận với nhau thì nói gì đến kết giao bạn bè, bằng hữu.
Rất nhiều người ra ngoài tiếp đãi bạn bè, rất mực lịch sự lễ độ, chân thành thẳng thắn, nhưng đối với anh chị em trong nhà thì khó mà thổ lộ hết lòng, thậm chí còn lời qua tiếng lại với nhau, thật đúng là hành vi đảo lộn, đạo nghĩa xa rời cả. 
4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích
“Hành chỉ bất đoan, độc thư vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Người xưa học vì mình, người nay học vì người”. Ý nói người xưa đi học là vì chính bản thân mình, ngày nay người ta lại đi học là vì người khác.
Học vì người khác tức là muốn được người khác ghi nhận, đánh giá, hành vi nông nổi, thiển cận, a dua. Còn học vì mình thì học tập, tu dưỡng, tích lũy năng lực, trong thì tu nhân đức, ngoài thì tu lễ nghĩa.
Nói một cách đơn giản, học là tu thân, làm điều chân chính. Nếu học cả bồ sách Thánh hiền, mà chỉ là để khoe khoang bản thân, hành vi bất chính, có thể nói là đọc sách vô ích. 

Hành vi bất chính, đọc sách vô ích: Ảnh minh họa theo oakville-mortgage.ca

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích
“Tác sự quai trương, thông minh vô ích”.
Khổng Tử dạy học trò chuẩn mực hành xử chính đáng là: “Học trò ở nhà thì hiếu đễ, ra ngoài thì cung kính, cẩn thận, gần gũi với những người nhân đức, yêu thương tất cả mọi người, làm được như vậy mà còn dư sức thì lúc đó mới bắt đầu học văn hóa”.
“Làm việc ngang bướng” là nói người hành xử bất chấp tình lý, cố chấp, làm gì cũng tỏ ra hơn người. Người thích mị dân lấy lòng người khác, rắp tâm bất lương, thì cái thông minh tài hoa của họ cũng bị người khác lợi dụng, trở thành công cụ làm việc ác.
6. Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích
“Tâm cao khí ngạo, bác học vô ích”.
Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn được nhiều lợi ích. Cái đạo người quân tử khiêm nhu, xưa nay vẫn được người đời tán thưởng.
Đọc sách học rộng để làm gì? Để thông hiểu cổ kim, để tung hoành ngang dọc, biết đóng biết mở, có đầu có đuôi, là để tu thân dưỡng tính mà thôi. Người càng có học thức thâm sâu, càng là người khiêm tốn.
Nếu lấy học rộng để khoe khoang, tự cao tự đại, hùng hổ ép người, thì chỉ có thể nói là vẫn chưa lĩnh hội được cảnh giới cao nhất của việc học của cổ nhân. 

Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích: Ảnh dẫn theo wsimag.com

7. Thời vận không còn, cố cầu vô ích
“Thời vận bất tế, vọng cầu vô ích”. 
“Vào bước đường cùng thì tự mình làm tốt thân mình, khi hiển đạt thì giúp cho cả thiên hạ được tốt”. Đường cùng tức là thời vận không còn. Thời vận cũng là một sức mạnh, khi hết thời vận thì chú ý tăng cường tu dưỡng tâm tính bản thân, nâng cao sức mạnh bản thân, thì thời cơ sẽ tự đến.
“Cố cầu” là truy cầu bừa bãi, cố gắng truy cầu thời cơ vốn không thuộc về bản thân mình, trái lại, nên tự truy cầu bản thân, vì lúc này dù cho có được cơ hội thì cũng sẽ mất đi rất nhanh. 
8. Lấy bừa của người, bố thí vô ích
“Vọng thủ nhân tài, bố thí vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Bất nghĩa mà giàu và sang, đối với ta như phù vân. Người quân tử quý của cải, để có được của cải phải thuận theo đạo”. Lấy bừa của cải của người khác là bất nghĩa. Không có công lao mà nhận lộc, vơ đầy túi tham, tiện tay dắt dê, đều là hành vi bất nghĩa.
Lấy bừa của người, rồi đi bố thí, nói theo cách mĩ miều là mượn hoa dâng Phật, thì thực ra chỉ là giả thiện. Chi bằng dựa vào sức của đôi bàn tay, cần cù, ra sức lao động, bố thí bởi thiện tâm, như thế mới có thể yên lòng, đạt lý.
9. Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích
“Bất tích nguyên khí, y dược vô ích”.
Mạnh Tử nói: “Ta giỏi dưỡng cái khí lớn lao của ta”. Nguyên khí là trạng thái nội tâm tinh thần phong phú, chính khí tràn trề, là cội nguồn hăng hái vươn lên, tích cực tiến thủ của con người. 
Người không giữ gìn nguyên khí, thì hành động là cái vũ dũng của kẻ thất phu, cho rằng mình sức mạnh vô tận, nhưng lại luôn bị những ngoại lực làm cho nguyên khí tổn thương lớn.
Khi nguyên khí bị tổn thương nhiều, thì gửi gắm hy vọng vào thuốc thần tiên cứu chữa. Chữa được ngọn chứ không chữa được gốc, chữa được nhất thời chứ không chữa được cả đời. 

Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích. Vậy nên, muốn mọi sự tốt đẹp cần giữ được tĩnh khí. (Ảnh dẫn theo Pinterest)

10. Dâm ác phóng túng, âm đức vô ích
“Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”.
“Âm đức”, ý là tích âm đức, tích việc thiện nhỏ mà trở thành công đức lớn, phòng tránh việc ác nhỏ để tránh tổn hao công đức.
Nếu cuộc sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, tuy làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức, thì cũng uổng công vô ích. Muốn độ cho người khác thì trước tiên phải tự độ cho mình, lấy mình làm gương, nghiêm khắc giữ mình theo giới luật, bắt đầu từ gian khổ, chất phác.
Vậy nên, “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”.
***
Trong đạo đối nhân xử thế, người ta cần phải biết khiêm cung, nhẫn chịu, nhường nhịn, bao dung. Nho gia giảng về thuật “Trung Dung”, nghĩa là giữ sự bình ổn, không thái quá. Đạo gia cũng nói về nguyên lý “Âm Dương cân bằng”, hài hoà, vô vi, thuận theo tự nhiên. Phật gia lại giảng lẽ thiện lương, tiên tha vị ngã (nghĩ cho người trước, nghĩ cho mình sau).
Dù là gia nào, phái nào, người ta cũng luôn coi trọng sự “cân bằng”. Trong thuật đối nhân xử thế, đạt được cảnh giới cân bằng chính là điều khó làm nhất. Chỉ khi học được cách dung hoà, hành thiện, tích đức, tránh xa cái ác thì người ta mới không còn phải đối mặt với những điều “vô ích” như trên nữa vậy.
Hải Sơn biên dịch


Công thức chung lý giải vì sao người Thụy Điển, Đan Mạch… không màng ‘nhà lầu, xe hơi’ nhưng vẫn hạnh phúc

Theo nghiên cứu những năm gần đây, cư dân ở các nước Bắc Âu là những người hạnh phúc nhất thế giới. Phải chăng vì họ được hưởng thụ một mức sống cao? Câu trả lời lại hoàn toàn khác, bí quyết nằm ở những quan điểm sống đầy đặc biệt và sâu sắc này. 
1. Chìa khóa đầu tiên của hạnh phúc chính là đơn giản 
Bắc Âu được biết đến là có khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới, chính nhờ đó mà tính tiết kiệm đã trở thành một điều tự nhiên của con người nơi đây.
Nếu chịu khó để ý một chút, bạn sẽ nhận ra tính cách này và lối sống đơn giản luôn hiện hữu trong mọi sinh hoạt thường ngày của họ: người Bắc Âu ăn mặc rất mộc mạc, đi xe cũ và ăn đồ ăn đơn giản…
Ngôi làng đẹp như tranh ở Bắc Âu. Nguồn ảnh: Nairaland
Ví dụ, phụ nữ ở Bắc Âu không bao giờ ăn mặc diêm dúa, những người phụ nữ 70-80 tuổi thường mặc áo khoác vàng nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu. Dáng vẻ họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.
Khi một em bé chào đời, họ sẽ không tổ chức những bữa tiệc cầu kỳ, hàng xóm và bạn bè sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt thơm tho đến tặng cho em bé. Đây chính là truyền thống tốt đẹp đã từ lâu đời của con người Bắc Âu.
Người dân Bắc Âu không mắc bệnh “khoe của”: họ không dùng siêu xe mà chủ yếu dùng ô tô cá nhân cỡ nhỏ, thậm chí rất nhiều người đạp xe đi làm. Nếu đến Bắc Âu, bạn sẽ thấy rất nhiều xe đạp trên đường phố trong giờ cao điểm. Đó cũng là cách họ bảo vệ môi trường và xây dựng cuộc sống bền vững.
Họ quan niệm rằng: “Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều” – Cuộc sống đơn giản chính là chìa khóa hạnh phúc đầu tiên của con người Bắc Âu.
2. Không cần quá nhiều tiền để cảm thấy hạnh phúc
Các quốc gia ở Bắc Âu gần như không có nhà cao tầng. Sau 7 giờ tối, trên đường rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa” vào ban đêm, không có những dịch vụ cao cấp, lãng phí, kích thích thần kinh con người. Họ thường dành thời gian bên gia đinh và cùng nhau trò chuyện với con cái.
Người dân Bắc Âu yêu thích việc di chuyển bằng xe đạp. Nguồn ảnh: Flickr
Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn”  họ coi trọng chất lượng cuộc sống hơn vật chất và tiền bạc.
Người Bắc Âu còn có một quan niệm: “Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích hay không thích, bởi vì công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó”– chính bởi điều này mà công việc không phải là một loại “đau khổ, giày vò” đối với họ mà trở thành niềm yêu thích. Họ cố gắng làm việc với hiệu suất cao. Vào thời gian rảnh, thay vì làm thêm việc để có thêm thu nhập, họ thường chọn thưởng thức tách cà phê cùng bạn bè, hay đơn giản là đọc sách.
Họ không thích cảm giác bị cuốn đi bởi công việc và nhịp sống hối hả. “Nhanh một chút!” không phải cách sống của người Bắc Âu. Họ lựa chọn sống “chậm một chút!”, nhưng vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự từ cách sống này.
3. Gia đình là chìa khóa của mọi hạnh phúc

Người Bắc Âu dành những kỳ nghỉ bên gia đình để cùng nhau tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa… Người chồng luôn sẵn sàng hủy buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè để dành thời gian cho vợ con. Điều đầu tiên sau khi tan làm của họ là cùng vợ nấu ăn hoặc vui đùa với con cái. Đối với những người đàn ông, gia đình không phải là nền tảng giúp họ xây dựng sự nghiệp thành công, mà gia đình là phần quan trọng nhất tạo nên thành công và hạnh phúc của họ.
Gia đình hạnh phúc ở Bắc Âu. Nguồn ảnh: Flickr
Ở Bắc Âu, thông thường người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì họ nghĩ rằng ít nhất còn có người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Họ không bao giờ để con cái thiếu đi sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm cũng giúp các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối để gia đình được ăn tối cùng nhau. Những người đàn ông Bắc Âu luôn đặt gia đình lên vị trí ưu tiên hàng đầu như vậy.
Một người cha tên là Fredrik nói: “Nếu như một ngày, tôi không nhìn thấy bọn trẻ, không kể cho chúng một câu chuyện, không hôn lên đầu chúng thì tôi không thể làm được bất cứ điều gì!”
Những ông bố luôn dành thời gian cho con cái. Nguồn ảnh: Flickr
Đối với những ông bố Bắc Âu, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là ở bên cạnh vui đùa cùng con cái. Họ yêu cách những đứa trẻ leo lên đầu gối và ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái trước khi đi ngủ. Đối với họ, khoảnh khắc ấy chính là một thành tựu, một hạnh phúc trong cuộc đời.
Linh An tổng hợp 
Xem thêm:

Xem thêm:

Bài diễn thuyết 8 phút của nữ sinh khiến hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc phải giật mình nhìn lại

“Chúng ta tưởng rằng có tiền rồi, tiêu tiền rồi thì người khác sẽ phải nhìn mình với con mắt khác. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, còn có điều khác quan trọng hơn…”. Bài diễn thuyết chỉ vọn vẻn 8 phút của một nữ sinh đại học nhưng đã khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm.
Vương Phàm (Wang Fan) là nữ sinh của trường Đại học Bắc Kinh. Bài diễn thuyết của cô với tiêu đề “Kỳ nghỉ thể diện” trong chương trình truyền hình thực tế “ZhenRen Xiu” (Người xuất sắc) đã được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet. Bài phát biểu này được cho là đã điểm trúng “nỗi đau” của người dân Trung Quốc, đáng để nhiều người phải suy ngẫm, và từ đó thay đổi bản thân mình.
Trung Quốc có thật sự là cường quốc đã nổi lên hay không? Nhìn từ tổng ngạch tiêu dùng của người Trung Quốc ở hải ngoại, nhìn từ sự nghiệp phát triển của người Trung Quốc ở hải ngoại, nhìn từ những người giàu có Trung Quốc di dân ra các nước trên khắp thế giới, và giá cả nhà cửa đắt đỏ ở các đô thị quan trọng nhất toàn cầu được Hoa kiều sở hữu, có thể thấy được người Trung Quốc thật sự đã trở thành một trong số những nhóm người có tiền giàu có nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, trái ngược với điều này, những cử chỉ và hành vi không được văn minh của du khách Trung Quốc khi du lịch ở các nơi trên thế giới thật khiến cho các nước đều phải thi nhau áp dụng các biện pháp đối phó, phòng ngừa; bởi vậy đã dấy lên sự phản cảm của người dân địa phương và du khách các nước khác. Cùng với điều này, phong cách sinh hoạt của người Trung Quốc ở hải ngoại cũng thường bị người khác lên tiếng chỉ trích.
Trung Quốc trước đây vốn được tôn là “đất nước lễ nghi”, người Trung Quốc thời xưa luôn chú trọng “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”, với quan niệm đạo đức tôn trọng người khác, mọi việc đều suy nghĩ cho người khác trước tiên. Tuy vậy vùng đất Trung Hoa trong khoảng thời gian 70 năm trở lại đây, trải qua các loại các dạng vận động sóng gió không ngừng, những nghi lễ cổ xưa ấy bị chụp lên cái mũ lớn “lễ quy lạc hậu”, “phong kiến”, toàn bộ quy phạm lễ nghi đạo đức bị tàn phá hầu như không còn lại gì.
Thay vào đó, trong suy nghĩ của người dân chỉ còn một bộ các thứ tư tưởng quan niệm biến dị, ví như “mọi thứ đều chỉ nhìn vào tiền”, “chê cười người nghèo chứ không coi thường gái bán dâm”…, khiến cho đất nước Trung Quốc ngày nay ở trong kết cục bi thảm của sự chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng, đạo đức suy đồi.
Bài diễn thuyết dài 8 phút của Vương Phàm – nữ sinh trường Đại học Bắc Kinh thật đáng để cho chúng ta đọc và suy ngẫm, vấn đề mà cô nêu ra có lẽ chỉ là một phần bề mặt mà thôi.
Bài phát biểu ngắn của Vương Phàm khiến nhiều người phải suy ngẫm. (Ảnh: Epoch Times)
Dưới đây là nội dung bài diễn thuyết của cô:
Mọi người có thích kỳ nghỉ không? Kỳ nghỉ dài hạn có lẽ vẫn thấy chưa đủ? Có ai  muốn nghỉ thêm một lần nữa không? Không vấn đề gì cả, bây giờ chúng ta hãy một lần quay trở về kỳ nghỉ nhé.
Ngày 1/10, mọi người hẳn là đã đoàn tụ với người nhà, bắt đầu đi du lịch rồi, nhưng có một người lại không thể trở về nhà của mình nữa, kỳ nghỉ của rất nhiều người vừa mới bắt đầu, còn mạng sống của anh cũng đã kết thúc rồi.
Hôm đó, anh lái xe và gặp phải tai nạn trên đường cao tốc, anh bị kẹt ở trong buồng lái không ra được. Mọi người bên cạnh nói với anh: Anh hãy ráng lên, xe cứu thương sẽ tới ngay thôi. Nhưng mà đây là một lời nói dối cuối cùng mà anh nghe được trước lúc lâm chung. Bởi mãi đến sau này, anh cũng không thể đợi được chiếc xe cứu thương đó.
Bi kịch này xảy ra vốn không phải bởi con đường cứu viện quá xa hoặc nhân viên cứu thương không làm tròn trách nhiệm, chỉ là bởi làn đường dành cho xe cấp cứu vốn dĩ thông suốt, giờ đã bị kẹt cứng.
Cứ tưởng rằng bi kịch phát sinh ngay trong ngày đầu tiên của ngày Quốc khánh sẽ cho chúng ta một hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng chỉ ba ngày sau đó, ngày 4/10 lại xảy ra một sự cố bởi làn đường khẩn cấp bị kẹt cứng dẫn đến một sản phụ phải sinh non. Mọi người biết đấy, một đứa trẻ vẫn còn chưa kịp chào đời cứ như vậy đã bị mắc kẹt ở trên con đường đến thế gian này.
Điều kiện vật chất của chúng ta bây giờ đã trở nên tốt hơn. Chúng ta có tiền, có thời gian để tận hưởng kỳ nghỉ, chúng ta cảm thấy rằng đây hẳn là một điều rất đáng để tự hào.
Tổng số lộ trình đường cao tốc ở Trung Quốc năm nay đã vượt quá 100.000 cây số, ở vị trí cao nhất trên thế giới, quả là một con số đáng để chúng ta cảm thấy tự hào. Nhưng những chuyện xảy ra trên đường cao tốc lại thật sự khiến chúng ta chẳng còn lại chút thể diện nào.
Có xe quả thật rất đời mới, nhưng lại không đi trên phần đường của mình, còn khiến người khác không có đường để đi. Đây không chỉ là hành vi không đẹp, mà còn là phạm tội. Bởi những tài xế vốn tưởng rằng lấn đường mà đi là chuyện nhỏ đó, các ông lấp chết vốn không phải chỉ là con đường, mà là tính mệnh người ta!
Đường cao tốc chính là một ẩn dụ chính xác nhất cho Trung Quốc hiện nay, trên con đường chạy băng băng hướng đến thành công, mỗi một người chúng ta đều khoác lên mình một cái vỏ bọc đường hoàng đẹp đẽ. Trên con đường này, anh không nhường tôi, tôi không nhường anh, chỉ cần có kẽ hở thì cứ thế len vào, có thể kiếm chác được thì cứ kiếm. Chỉ cần bản thân có được lợi ích, thì mặc kệ người khác ra sao. Ai cũng đều chê trách bản thân mình chạy chậm, nhưng mà cuối cùng ai cũng đều không chạy được nhanh, ai cũng đều không thể chạy thoát.
Mỗi một người Trung Quốc đều đang theo đuổi cuộc sống thể diện hơn, đường hoàng hơn, nhưng chúng ta ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, lại tiện tay vứt rác, vứt đầu thuốc lá ở mọi nơi. Chúng ta nói với bố mẹ rằng: Con có tiền rồi, muốn được dẫn bố mẹ ra quán dùng một bữa ăn ngon, nhưng ở trong nhà ăn lại lớn tiếng quát mắng người phục vụ; nói với con mình rằng, bố đã đổi chiếc xe mới rồi, để bố dẫn con ra ngoài hóng mát cho vui, nhưng lại giành đường với người đi bộ ở ngã tư đường.
Cảnh chen chúc ngạt thở tại một nhà ga ở Trung Quốc: Ảnh dẫn theo kienthuc.net.vn
Lẽ nào đây là thể diện mà chúng ta mong muốn sao? Lẽ nào đây là thể diện mà chúng ta muốn thể hiện trước mặt con cái sao?
Đương nhiên không phải vậy, đây chỉ là “Diện” 面, là thứ bề mặt, chúng ta tưởng rằng có tiền rồi, tiêu tiền rồi thì người khác sẽ phải nhìn mình với con mắt khác. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, phía trước còn có một chữ quan trọng hơn, chữ “Thể” . Chữ “Thể”  này nghĩa là gì, mọi người có thể viết lại một chút, nó gồm hai chữ “Nhân”  và “Bổn” , nghĩa là cái gốc của con người là “Thể” . Con người phải làm tròn bổn phận của mình, làm tốt phần việc của mình, thì mới có được “Thể”.
Có một lần, tôi đến Nhật Bản, ở một địa danh không quá nổi tiếng, tôi đi vào một phòng vệ sinh, thấy rất là sạch sẽ, dưới sàn ngay cả một giọt nước cũng không có.
Rửa tay xong, tôi phát hiện không tìm thấy giấy lau tay, lúc này bên cạnh có hai mẹ con, họ cũng đang rửa tay. Rửa tay xong, hai người liền cùng nhau ở bồn rửa tay làm như thế này. Tôi vừa nhìn, thấy họ đang vẩy tay cho khô, nhưng rất khẽ, rất nhẹ nhàng, vậy là tôi cũng vẩy theo. Kỳ thực, chúng ta bình thường cũng vẩy, nhưng mà chúng ta là vẩy như vầy, vẩy như vầy, chỉ giận không thể vẩy lên mặt người khác, khiến người ta đều ướt nhèm.
Về sau, hướng dẫn viên du lịch nói với tôi, các em nhỏ Nhật Bản từ nhỏ đã được dạy rằng tuyệt đối không được vẩy nước ra ngoài bồn rửa mặt. Một là, các em cần phải giữ vệ sinh môi trường công cộng sạch sẽ; hai là, người khác nếu chẳng may dẫm phải vũng nước trơn trượt, có thể sẽ bị té ngã. Họ chính là có thể ở ngay một nơi không thể diện nhất – nhà vệ sinh, mà dạy cho chúng ta biết thế nào là thể diện.
Tôi cảm thấy thể diện tuyệt không phải là cái vỏ xa hoa lộng lẫy bên ngoài, mà là trong tâm chúng ta vì người khác, vì môi trường, tự mình câu thúc hành vi của bản thân mình.
Trong 7 ngày lễ Quốc khánh này, bộ ngành công an các nơi cũng tăng mạnh hình thức xử phạt đối với phương tiện lấn chiếm lòng lề đường trái phép. Mọi người biết mức xử phạt là bao nhiêu không? Nam Hải hơn 1.300 NDT, Giang Tây hơn 3.000 NDT, Tứ Xuyên hơn 5.000 NDT, Triết Giang hơn 19.000 NDT. Chúng ta đã nhìn thấy mức xử phạt, nhưng hy vọng rằng đây sẽ trở thành một cách quản lý quen thuộc, chứ không chỉ tập trung áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn.
Chúng ta đều mong đợi có thể được một ‘kỳ nghỉ thể diện’ thật sự. Chúng ta không dám chiếm dụng làn đường khẩn cấp, cũng sẽ tự giác nhường đường cho xe cứu thương.
Một quốc gia, không kể là kinh tế, quân sự lớn mạnh thế nào, nếu như người dân trong nước không làm được những việc thể diện, thì chúng ta sẽ không có được sự tôn trọng đáng nên được có. Pháp luật kiện toàn, thì cần phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ai ai cũng đều tự giác ước thúc bản thân mình, chúng ta có được “Thể”, thì đất nước mới có “Diện” được.
Theo NTDTV
Thiện Sinh biên dịch
Xem thêm: